Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

tnt1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Kỳ Sơn tại Bắc Kinh đầu năm 2017

Sau chuyến đi Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua, BBC đăng bài có tựa đề : Việt Nam-Trung Quốc thỏa thuận 'kiểm soát bất đồng' Biển Đông.

Bài báo cũng dẫn bình luận từ Tân Hoa Xã : "Hai bên tin rằng chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng đã "đạt thành công to lớn" trong việc nâng cao sự tin cậy chính trị giữa hai bên, thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống, củng cố quan hệ đối tác chiến lược hợp tác toàn diện, và đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực".

Tôi thì không hề tin chuyến đi của ông Trọng "đạt thành công to lớn" như Tân Hoa Xã đã phóng đại.

Từ bao đời tổng bí thư, với biết bao nhiêu tuyên bố từ sau khi hai bên thiết lập lại bang giao 1991, hai bên luôn khẳng định những điều mà Tân Hoa Xã đã nói (là thắt chặt hữu nghị, quan hệ đối tác chiến lược, gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển...).

Nhưng những gì Trung Quốc hứa hẹn trên lý thuyết hoàn toàn trái ngược với những gì Trung Quốc đã làm trên thực tế.

Các tuyên bố chung giữa Việt Nam và Trung Quốc đưa ra các năm 2011, 2013, 2015, 2016, 2017… luôn khẳng định hai bên "không tiến hành các hành động làm thêm phức tạp, hoặc mở rộng tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc de dọa sử dụng vũ lực…".

Trong khi trên thực tế thì các việc như đặt giàn khoan 981 (tháng 5/2014) của Trung Quốc rõ ràng là hành vi "mở rộng tranh chấp và làm phức tạp tình hình".

Trung Quốc nhất quán trong lập trường là "không có tranh chấp ở Hoàng Sa". Nhưng vị trí giàn khoan 981 là đặt trên thềm lục địa của Việt Nam. Mặc dầu giàn khoan đặt cách đảo Tri Tôn (thuộc Hoàng Sa) khoảng 20 hải lý, nhưng cái gọi là "đảo" Tri Tôn, thực tế chỉ là một thực thể địa lý nổi thường trực trên mặt nước biển, không có người sinh sống.

Mặt khác, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam, được khẳng định từ thời nhà Nguyễn. Nhà nước bảo hộ Pháp tái khẳng định lại hai lần, chủ quyền Hoàng Sa (và Trường Sa) thuộc Việt Nam, trước và sau Đệ nhị Thế chiến. Trung Quốc đã chiếm quần đảo này của Việt Nam bằng vũ lực vào tháng Giêng năm 1974.

Vì vậy hành vi đặt giàn khoan 981 của Trung Quốc là "mở rộng tranh chấp", từ tranh chấp chủ quyền mở rộng qua tranh chấp về phân định biển (khu vực của vịnh Bắc Bộ).

Chưa hết, thái độ hung hăng của các tàu hải quân, hải cảnh… của Trung Quốc, lúc bảo vệ giàn khoan 981, đã đâm chìm tàu của ngư dân Việt Nam (gây tử thương cho nhiều người), cũng như tàu của các lực lượng này gây hấn đâm tàu hải cảnh của Việt Nam … gọi đúng là hành vi chiến tranh, nhẹ nhàng là gây hấn… "làm phức tạp thêm tình hình".

Sau đó Trung Quốc cho xây dựng các đảo nhân tạo và mở rộng chúng, ở các bãi đá ngầm chiếm (bằng vũ lực) của Việt Nam năm 1988. Sau đó xây sân bay với đầy đủ hạ tầng cơ sở cho không quân, hải quân, sau đó lại đặt các giàn hỏa tiễn địa không…

Hành vi của Trung Quốc cũng là "mở rộng tranh chấp". Bởi vì, như đã nói, chiếu Hiến chương Liên Hiệp Quốc, chủ quyền của Trung Quốc ở các bãi đá này không được nhìn nhận. Trong khi các thực thể này, một số là đá ngầm, không thể chiếm hữu, theo Phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài ở La Haye. Việc chiếm hữu bằng vũ lực các bãi là vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Việc xây dựng đảo và "quân sự hóa" chúng vừa làm "phức tạp thêm tình hình", lại vừa "đe dọa chiến lược" đối với các nước chung quanh. Hành vi của Trung Quốc cũng phạm Luật quốc tế, vì việc xây dựng đảo nhân tạo đã gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường biển.

tnt2

Tàu khu trục USS Decatur tuần tra gần quần đảo Hoàng Sa hổi tháng 10/2016, trong chương trình Mỹ gọi là hoạt động tự do hàng hải

Đồng thời cái gọi là "thỏa thuận kiểm soát bất đồng ở Biển Đông", theo như tựa đề bài báo thì có nhiều điều cần xét lại.

Thời ông Nông Đức Mạnh, tuyên bố chung năm 2011 đã có nội dung về kềm chế sự "bất đồng" : "không để bất đồng ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của quan hệ hai nước".

Đến thời ông Nguyễn Phú Trọng, như Tuyên bố năm 2013 nói về việc "kiểm soát tốt những bất đồng trên biển". Tuyên bố 2015 nói đến việc "Hai bên nhất trí cùng nhau kiểm soát tốt bất đồng trên biển". Tuyên bố 2017 thì nói "kiểm soát tốt bất đồng trên biển".

Từ việc "kiểm soát tốt" để đi tới việc ký kết thỏa thuận "kiểm soát bất đồng" là một bước dài. Người ta hoài nghi về sự hiện hữu của thỏa thuận này. Khoản 9 bản Tuyên bố chung 2017, nhiều thỏa thuận, kết ước hai bên đã được ký kết. Tuy nhiên không hề thấy thỏa thuận về "kiểm soát bất đồng trên biển".

Vấn đề độc lập quốc gia

Tháng Mười 2016 ông Đinh Thế Huynh (nghe đồn đoán là sẽ thay thế ông Trọng), có chuyến đi thăm Trung Quốc. Nhân dịp này Tập Cận Bình có nói với ông Huynh rằng : "Hai nước là một cộng đồng cùng chia sẻ tương lai".

Vấn đề là, ý nghĩa của câu "một cộng đồng cùng chia sẻ tương lai" chỉ dành cho nhân dân trong một nước. Chỉ có người dân trong một nước mới chia sẻ một tương lai chung.

Tuyên bố năm 2017 lặp lại ý kiến này : "Hai bên cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có truyền thống hữu nghị lâu đời... có chế độ chính trị tương đồng... có tiền đồ tương quan, chia sẻ vận mệnh chung…".

Ta không thấy ý kiến tương tự ở thời Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, hay các Tổng bí thư tiền nhiệm.

Ý kiến này, nếu theo dõi nội dung các tuyên bố chung giữa Việt Nam và Trung Quốc, ta thấy là của Tập Cận Bình, biểu lộ lúc ông này sang thăm Việt Nam năm 2015.

Sau chuyến đi của ông Trọng, ý kiến của họ Tập trở thành "tuyên bố chung của hai nước".

Theo tôi, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phạm những lỗi lầm vô cùng trọng đại, vì đã làm thương tổn nền độc lập của một quốc gia có chủ quyền.

Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ mong muốn "chia sẻ vận mệnh chung" với nhân dân Trung Quốc hết cả. Chưa bao giờ "tiền đồ" đất nước Việt Nam lại có mối "tương quan" với Trung Quốc hết cả.

Tiền đồ là gì ? Nghĩa tiếng Hán là "con đường phía trước, tương lai tốt đẹp phía trước".

Khi "chia sẻ vận mệnh chung", có "chung một tương lai", thì Việt Nam đã không còn "độc lập và tự chủ" trong những quyết định của mình (về tương lai) nữa.

Việc này đã phá vỡ "nguyên tắc độc lập tự chủ, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau", đã được khẳng định theo Tuyên bố chung Việt Nam và Trung Quốc về hợp tác toàn diện 2000.

Nó cũng đi ngược tinh thần Hiến chương Liên Hiệp Quốc "bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia". Đồng thời đi ngược lại nội dung Tuyên bố "5 điểm chung sống hòa bình" của Trung Quốc.

Tillerson - cứu tinh của Việt Nam ?

tnt3

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa kỳ tương lai, Rex Tillerson

Vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa kỳ tương lai, Rex Tillerson, ngày 11/1 nhân buổi điều trần tại Thượng viện, đã có những tuyên bố liên quan đến Biển Đông.

Trong chừng mực, nếu ý kiến của ông này được thực hiện, hầu hết các vấn đề ở Biển Đông sẽ tự động hóa giải.

Theo ông Tillerson, hành vi Trung Quốc xây dựng đảo ở Biển Đông tương đương với hành vi Nga chiếm Crimea. Ông này khuyến cáo Washington rằng phải gởi một tín hiệu cứng rắn đến Bắc Kinh :

1/Trung Quốc ngưng ngay các việc xây dựng đảo.

2/Trung Quốc không được tiếp cận các đảo này nữa.

Câu hỏi đặt ra, Hoa Kỳ có thẩm quyền để phát biểu (như vậy) cũng như có khả năng làm việc này hay không ?

Theo tôi là Hoa Kỳ có thể phát biểu những lời như vậy.

Tillerson so sánh các đảo Biển Đông (mà Trung Quốc chiếm và xây thành đảo nhân tạo) với Crimea. Dĩ nhiên ai cũng biết Crimea thuộc Ukraine. Nhưng các đảo (mà Trung Quốc đã chiếm) thì không ai biết chúng thuộc chủ quyền nước nào.

Có ba giả thuyết để Tillerson củng cố cho lập trường của mình.

Thứ nhất, Trung Quốc không có chủ quyền ở các bãi đá, đơn giản vì họ xâm chiếm (của Việt Nam) năm 1988 bằng vũ lực. Ý kiến của Tillerson phù hợp tinh thần quốc tế công pháp.

Thứ hai, vịn vào yếu tố Mỹ có quyền quản lý các đảo ở Thái Bình Dương do Nhật chiếm đóng trước Thế chiến thứ hai (theo một điều ước của Hội Quốc liên trước 1945). Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Thái Bình Dương. Các đảo này bị Nhật chiếm đóng. Vì vậy Mỹ có quyền lên tiếng đòi quyền quản lý. Dựa trên lập luận này thì Mỹ có quyền "cấm" Trung Quốc léo hánh đến các đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thứ ba, các đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Pháp. Vấn đề là Pháp "im lặng" về việc này từ sau khi rời Việt Nam cho đến nay. Pháp tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa, sáp nhập vào tỉnh Bà Rịa, do "khám phá". Không quốc gia nào phản đối việc này. Sẽ là một sự "đảo lộn" về địa chính trị nếu bây giờ Pháp lên tiếng đòi Trường Sa và Mỹ ủng hộ yêu sách này.

Về khả năng, câu trả lời bỏ ngỏ.

Trung Quốc có dám "mất tất cả" những gì đã tạo dựng lên, từ thập niên 1980 đến nay, (có thể còn mất thêm nhiều thứ quí giá khác như vấn đề ly khai…) để khai chiến với Mỹ hay không ?

Và Mỹ có dám "chấn thương nội tạng lâu dài" để gây chiến tranh với Trung Quốc vì những hòn đảo mà Mỹ không có (hay có mà ít) lợi ích chiến lược hay không ?

Trương Nhân Tuấn, Nhà nghiên cứu ở Pháp

BBC tiếng Việt, 17/01/2017

Additional Info

  • Author Trương Nhân Tuấn
Published in Diễn đàn

trump1

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin

Tổng thống Cộng hòa Donald Trump sẽ bắt tay với Tổng thống Nga Vladimir Vladimirovich Putin để giải quyết nhiều "điểm nóng" trên thế giới từng chia rẽ hai nước dưới thời Tổng thống mãn nhiệm Barack Obama,nhưng liệu Việt Nam thân Tầu có được ích gì không ?

Câu hỏi nằm trong bối cảnh chính trị mới của chinh quyền Donald Trump, người bất ngờ đắc cử Tổng thống Mỹ ngày 8/11/2016, không do được nhiều phiếu bầu của cử tri mà bởi 304 lá phiếu trên tổng số 538 của Đại Cử tri đoàn (College Votes).

Đối thủ của ông Trump, bà cựu Ngọai trưởng Mỹ Hillary Clinton của đảng Dân chủ được hơn ông Trump gần 3 triệu phiếu nhưng lại thua cuộc vì không hội đủ 270 phiếu cần thiết của Đại cử tri đoàn.

Bàn tay Nga ?

Sự thua cuộc của Bà Clinton không đơn giản, vì ông Trump, trước mắt người dân Mỹ, là Tổng thống của thiểu số cử tri. Ông Trump còn bị nhiều người Mỹ quan ngại cho tương lai quốc gia khi các Cơ quan an ninh và Tình báo Hoa Kỳ gắn kết chiến thắng của ông với kế họach phá họai cuộc bầu cử Mỹ của tình báo Nga.

Hai cơ quan, Tình báo Trung ương (Federal Security Service, FSB), trước đây là KGB và Tình báo Quân đội (GRU) của Nga bị nhận diện nhúng tay phá họai cuộc bầu cử Mỹ với chủ trương làm cho ông Trump đắc cử.

Tuy nhiên, các viên chức an ninh hàng đầu của Hoa Kỳ không xác định được mức độ ảnh hưởng của phá họai Nga đối với sự lựa chọn của cử tri Mỹ. Nhưng họ đã phúc trình với Tổng thống Barack Obama, ông Donald Trump và Quốc hội Mỹ rằng sự phá họai chống Bà Clinton và giúp ông Trump thắng cử nằm trong kế họach của tình báo Nga và do chính Tổng thống Putin ra lệnh và giám sát

Cơ quan an ninh-tình báo Mỹ cũng cho biết họ biết chắc an ninh Nga đã tung ra nhiều tin sai và sử dụng kỹ thuật điện cử cao tốc để chui vào đánh cắp các thông tin trong hệ thống máy điện tử của đảng Dân chủ và của ông John Podesta , Chủ tịch Ban vận động tranh của của bà Clinton.

Sau đó các cơ quan tình báo Nga lại chuyển cho Wikileaks, tổ chức chuyên phổ biến tin mật của nhiều nước để phát tán gây tác hại cho Bà Clinton.

Cũng có tin của an ninh Mỹ nói hệ thống máy của đảng Cộng Hòa cũng bị Nga xâm nhập nhưng họ không tung ra bất cứ tin nàocó hại cho ông Donald Trump.

Ông Donald Trump đã nhanh chóng chỉ trích đảng Dân chủ không biết bào vệ trước tấn công của tình báo Nga. Ông còn cáo buộc đảng Dân Chủ đã phối hợp với an ninh để tung tin Nga can thiệp vì quá thất vọng với thất bại ê chề.

Ông Trump hoàn toàn bác bỏ tin cho rằng ông Putin đã giúp ông đánh bại bà Clinton.Ông cũng không tin báo cáo của tình báo Mỹ chứa đựng sự thật

Cá nhân ông Trump và Ban Tham mưu của ông còn nói đi nói lại nhiều lần rằng vụ tin tặc Nga không thể thay đổi kết qủa bầu cử. Tất nhiên là không, nhưng ông Trump còn nói mà không đưa ra bằng cớ nào khi ông cáo buộc cơ quan an ninh-tình báo Mỹ đã tung tin sai lạc nhằm hạ úy tín ông

Sau khi có nhiều Dân biểu và Nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa lên tiếng bất bình về thái độ coi thường cơ quan tình báo Mỹ của mình, ông Trump đã thay đổi lập trường

Lần đầu tiên, trong cuộc họp báo ngày 11/01/2017, ông Trumpđã thừa nhận Nga đã xâm nhập vào cuộc bầu cử ngày 8/11/2016.

Ông nói : "Tôi nghĩ Nga đã làm như thế. Ông Putin không nên làm như vậy. Ông ấy sẽ không làm như thế. Nước Nga sẽ tôn trọng Hoa Kỳ hơn khi tôi lãnh đạo chứ không như dưới thời của người khác". ("I think it was Russia". Putin "should not be doing it. He won't be doing it. Russia will have much greater respect for our country when I am leading it than when other people have led it").

Nhưng ngay sau câu nói này, ông Trump lại chữa cháy : "Nga không phải là nước duy nhất tấn công vào các mục tiêu của Hoa Kỳ". (Russia is not the only nation that hacks US targets). Ông cũng nói thêm có thể là Trung Quốc, Nhật Bản hay nước nào đó.

Như thế rõ ràng là ông Donald Trump muốn giảm bớt sức nặng chỉ trích Nga trong câu nói của mình. Nhưng khi đề cập đến tin của an ninh Mỹ bị tiết lộ cho báo chí nói rằng gián điệp Nga đã có trong tay tin tức về cá nhân ông và tình hình tài chính của mình thì ông đã nổi cáu. Ông lên án sự tiết lộ ra ngoài những tin ông cho là "giả, sai lạc" về ông của an ninh Mỹ là đáng khinh bỉ (disgrace), bởi vì không ai khác ngoài ông đã đọc báo cáo của các viên chức an ninh đến thuyết trình cho ông biết.

Cơ quan FBI đang điều tra xem sự thật của tài liệu 2 trang này như thế nào, vì người cung cấp báo cáo này cho Chính phủ Mỹ là một cựu viên chức tình báo của nước Anh, được Mỹ thuê làm việc này, là người có quan hệ mật thiết với "nguồn tin Nga". Trong quá khứ, người này đã cung cấp cho Mỹ nhiều tin tức có "giá trị".

(Trích nguồn CNN - Cable News Network : "The allegations were presented in a two-page synopsis that was appended to a report on Russian interference in the 2016 election and drew in part from memos compiled by a former British intelligence operative, whose past work US intelligence officials consider credible").

Việt Nam được gì ?

Vậy, trước một Tổng thống Mỹ Donald Trump có quan hệ thế này thế nọ với nước Nga, theo tình báo Mỹ, và hy vọng sẽ được Tổng thống Putin, cựu Tư lệnh KGB của Nga, hợp tác trong tương lai thì Việt Nam có được gì không ?

Trước hết, dưới thời Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (khóa VI) năm 1986, Trung Quốc thời Giang Trạch Dân-Đặng Tiểu Bình từng có tham vọng tái lập Thế giới cộng sản thu hẹp với Việt Nam, sau sự sụp đổ của nước Nga thời Mikhail Gorbachev. Nhưng chuyện này bất thành vì cuộc xâm lăng Cao Miên năm 1978 của Việt Nam đã đưa đến 2 cuộc chiến tranh biên giới tàn khốc giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1979-1990.

Hai nước nối lại bang giao năm 1991.

Sau đó, Việt Nam hoàn toàn bị lệ thuộc kinh tế và chính trị vào Trung Quốc để tồn tại. Càng về sau, từ thời các Tổng bí thư Đỗ Mười (khóa VII) , Lê Khả Phiêu (khóa VII), Nông Đức Mạnh (khóa IX và X) đến Nguyễn Phú Trọng (khóa XI và XII), đảng Cộng sản Việt Nam đã để cho Trung Quốc thao túng lãnh thổ qua các hợp tác kinh tế và phát triển trá hình. Nhân công Trung Quốc đã tràn ngập lãnh thổ, hàng hóa Tầu có mặt khắp nơi chốn và mỗi năm Việt Nam phải nhập siêu từ Trung Quốc trên 12 tỷ dollars.

Chỉ riêng kinh tế thôi, Việt Nam phải nhập phần lớn nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất và gia công cho các công ty nước ngoài, mà phần lớn là của Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan.

Đối với nước Nga, Tổng thống Putin từng tuyên bố coi Việt Nam là đồng minh chiến lược quan trọng nhất của Mạc Tư Khoa ở Châu Á. Nước Nga bán đủ loại vũ khí, tầu ngầm, tầu chiến, máy bay chiến đấu, radar, hỏa tiễn phòng không cho Việt Nam.

Nước Nga còn có cả nhà máy chế tạo vũ khí hợp doanh với Bộ Quốc phòng Việt Nam và chịu trách nhiệm đào tạo sĩ quan và huấn luyện cho lính Việt Nam.

Nhưng oái oăm thay, trước cuộc xâm lăng biển đảo Việt Nam của Trung Quốc, nước Nga đã bình chân như vại. Putin chỉ kêu gọi giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình nhưng lại hợp tác tập trận và tuần tra chung với Trung Quốc ở Biển Đông.

Nga cũng được Việt Nam cho sử dụng sân bay và hải cảng Cam Ranh để tiếp liệu cho không quân và sửa chữa tầu bè cho hải quân Nga.

Trong bối cảnh như thế thì Tổng thống Mỹ thân Nga, Donald Trump có giúp gì được cho Việt Nam, hay cứ để cho Hà Nội tự vùng vẫn mà tìm lối thoát giữa gọng kìm Nga-Tầu ?

Lý do vì ông Trump có rất ít kinh nghiệm với Trung Quốc ở Biển Đông, và càng chưa biết được con người thật và thế chiến lược của cựu trùm tình báo KGB, Vladimir Vladimirovich Putin.

Nhưng cũng chưa chắc Tổng bí thư, Chủ tịch nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã hiểu được đường đi nước bước của ông Trump như thế nào đối với Bắc Kinh. Chỉ có điều chắc chắn là quan hệ kinh tế và mậu dịch giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn sẽ không còn như cũ khi ông Trump bươc chân vào Tòa Bạch Ốc ngày 20/01/2017.

Dù hai bên có chính sách khác nhau, nhưng một "cuộc chiến mậu dịch" giữa Mỹ và Trung Quốc là điều không ai muốn xẩy ra, nhất là đối với nền kinh tế nhỏ như Việt Nam. Quan hệ giữa Donald Trump và Tập Cận Bình, vì vậy sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Do đó chuyến thăm bất ngờ Trung Quốc từ 12 đến 15/01/2017 của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam  Nguyễn Phú Trọng, trước ngày ông Donal Trump nhậm chức, cũng không phải là điều vô nghĩa.

Phạm Trần

(11/01/2017)

Additional Info

  • Author Phạm Trần
Published in Diễn đàn
Trang 2 đến 2