Dư luận trong nước gần đây rộ lên nhiều nhận xét bình luận về trách nhiệm của Quân đội nhân dân trong việc làm biến nhiều đất quốc phòng thời chiến tranh thành đất tư nhân của nhiều sĩ quan cấp cao, đặc biệt là các tướng thuộc Quân khu VII, Quân khu IX, trước khi về hưu. Các tướng nguyên Tư lệnh, Chính ủy, Tham mưu trưởng đều được cấp vài chục hécta đất một cách bán chính thức, có thể nói là tư túi, không theo một chính sách công khai của Nhà nước.
Tôi được biết tại các tỉnh, các Đảng ủy và Bộ chỉ huy tỉnh đội Bộ đội địa phương cũng theo gương các Quân khu, chia chác đất quốc phòng cho nhau một cách tự do, hào phóng, bất chấp đó là tài sản công của quốc gia.
Trong chiến tranh, theo nhu cầu quốc phòng, nhiều vùng đất của tư nhân được trưng dụng để xây doanh trại, bãi tập, trường bắn, nhà máy quốc phòng, quân y viện, trường quân chính, sân bay lớn, sân bay dã chiến, sân bay dự bị, sân bay trực thăng, các ụ súng cao xạ, trận địa tên lửa và pháo phòng không, rải ra ở khắp nơi.
Lẽ ra, khi chiến tranh kết thúc, nhiều đất quốc phòng không còn cần thiết phải được trả lại cho nhân dân để phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế. Nhưng việc này bị hoặc cố ý hoặc vô tình sao nhãng, gây thiệt hại to lớn cho đất nước và nhân dân.
Sự cố gặp trở ngại trong việc mở rộng kéo dài đường băng trong sân bay Tân Sơn Nhất, phải tính đến xây dựng sân bay mới Long Thành giá gần 20 tỷ đô la, sự kiện Đồng Tâm do Tổng công ty quân đội Viettel nhòm ngó đất quốc phòng của sân bay Miếu Môn đã không còn sử dụng, sự kiện đơn vị quân đội khai phá cả một dãy núi đá vôi trong Vịnh Hạ Long, tàn phá cảnh quan khu vực đã được UNESCO xếp hạng, lấy cớ đây là đất… quốc phòng… là những việc điển hình rất đáng lo ngại.
Đã đến lúc Quân ủy trung ương và Bộ quốc phòng phải kiểm điểm trước toàn dân và Quốc hội một cách nghiêm túc vấn đề hệ trong này và có kế hoạch khắc phục những sai lầm, thiếu sót, sơ hở theo đúng luật nhà nước và kỷ luật quân đội.
Xin nhớ trách nhiệm của Quân đội nhân dân là bảo vệ cuộc sống an bình của nhân dân, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân, bảo vệ từng tấc đất của Tổ Quốc, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của đất nước, không tơ hào từ mũi kim sợi chỉ của nhân dân.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là Bí thư Quân ủy trung ương nên có trách nhiệm lớn nhất trong những sai lầm, thiếu sót trên đây.
Việc buông lỏng để cho Quân đội và Công an kinh doanh kinh tế tự do không hạn chế suốt mấy chục năm qua cũng là sai lầm mang tính chiến lược, làm thiệt hại vô vàn tài sản công, làm hư hỏng biết bao sĩ quan chạy theo lợi nhuận, thành tư sản tỷ phú đỏ, sống xa hoa sa đọa, kinh doanh nhà nghỉ là nhà chứa trá hình, lỏng lẻo tay súng, mất bản chất nhân dân cao quý. Đây là điều Đảng cộng sản Trung Quốc nghiêm cấm 16 năm nay, vì cho rằng quân đội làm kinh tế sẽ tha hóa tất yếu, tay súng sẽ lỏng lẻo, bản chất nhân dân bị bào mòn, sẽ mất chất không sao cưỡng lại nổi.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 03/07/2017
Ba năm sau cuộc đảo chính quân đội ở Thái Lan, số sĩ quan quân đội làm chủ tịch các doanh nghiệp nhà nước đã tăng hơn 5 lần, lên con số 16 hiện nay.
Tổng tư lệnh Quân đội Thái Lan, tướng Prayuth Chan-ocha (phải) và người tiền nhiệm, tướng Anupong Paojinda (trái)
Số các tướng đang đương chức và đã về hưu được bầu làm giám đốc đã tăng gần gấp đôi, lên tới 40 người.
Mời quý vị đọc bài phân tích của BBC tiếng Thái mà nguyên bản có tựa đề 'Thai Military : Cash and Coup' :
Thái Lan hiện có 56 doanh nghiệp nhà nước thuộc quản lý của 15 bộ, với tổng tài sản trị giá 14 ngàn tỷ baht (khoảng 412 tỷ USD), doanh thu 4,3 ngàn tỷ baht và lợi nhuận ròng 190 tỷ baht.
Các doanh nghiệp này được coi là "quả trứng vàng" mà các chính phủ dân sự và quân đội đều muốn chiếm dụng.
Ngay sau cuộc đảo chính năm 2014, chính phủ do quân đội nắm quyền đã cam kết cải cách, tăng hiệu quả hoạt động và tái cơ cấu ban quản trị các doanh nghiệp nhà nước để ngăn không cho các chính trị gia lợi dụng các công ty nhà nước để trục lợi cá nhân.
Các doanh nghiệp nhà nước lớn cỡ nào ?
Ba năm sau cuộc đảo chính quân đội, các tướng tá Thái Lan đã thưởng cho thuộc cấp của họ chức giám đốc hay chủ tịch ở một số doanh nghiệp có vốn nhà nước.
BBC Thái kiểm tra danh sách tên hội đồng quản trị của 56 doanh nghiệp nhà nước và phát hiện số quan chức quân đội đã tăng gần gấp đôi, từ 42 người có tên trong 24 doanh nghiệp năm 2013 lên tới 80 người trong 40 doanh nghiệp năm 2016. Số doanh nghiệp nhà nước có sĩ quan quân đội làm chủ tịch tăng năm lần, lên 16 người.
Có sĩ quan quân đội giữ vị trí trong nhiều doanh nghiệp nhà nước, và một số người là thành viên của Hội đồng Luật pháp Quốc gia, gây lo ngại về hiệu quả công việc của họ vì giữ nhiều vai trò khác nhau.
Có thể sĩ quan quân đội cần tham gia trong một số doanh nghiệp nhà nước, chẳng hạn Trung tâm Huấn luyện Hàng không Dân dụng hay Công ty Đóng tàu Bangkok.
Nhưng nhiều sĩ quan có vị trí trong các doanh nghiệp không đòi hỏi chuyên môn của quân đội, chẳng hạn Công ty Đường sắt Quốc gia Thái Lan, Cục quản lý bất động sản Công nghiệp Thái Lan hay Cục Dược phẩm Nhà nước hay Ngân hàng Krung Thai Bank.
Bổng lộc
Thủ tướng Thái Lan, tướng Prayuth Chan-ocha nói sĩ quan quân đội có vai trò quan sát trong doanh nghiệp nhà nước, và họ được cử vào các hội đồng quản trị để "giải quyết khó khăn".
"Họ không ngồi đó để giơ tay phát biểu hay đưa ra bình luận", tướng Prayuth viết trong thư trả lời BBC Thai.
Đại tướng lục quân Prayuth Chan-ocha nay mặc đồ dân sự để làm Thủ tướng Thái Lan
Giám đốc Cơ quan về Chính sách doanh nghiệp nhà nước Ekniti Nitithanprapa nói với BBC tiếng Thái rằng một điều luật mới về cải cách doanh nghiệp nhà nước sẽ được ban hành vào cuối năm 2017.
Ông nói luật này sẽ yêu cầu hội đồng quản trị phải có các kỹ năng phù hợp để giúp phát triển doanh nghiệp. Luật này còn đưa ra khung thời gian để thay thế hội đồng quản trị bằng hội đồng quản trị mới.
"Không quan trọng họ có là sĩ quan quân đội hay không. Quan trọng là liệu họ có đủ kỹ năng phù hợp để phát triển doanh nghiệp đó hay không. Ví dụ, có thể sẽ phù hợp nếu một sĩ quan hải quân giám sát Công ty Đóng tàu Bangkok, một công ty đại tu tàu biển", ông nói.
Hội đồng quản trị không những có thẩm quyền cao nhất trong công ty nhà nước, mà họ còn nhận được nhiều quyền lợi dưới hình thức tiền mặt, và vì thế nhiều người được 'biệt phái' đến giữ chức ở mấy công ty một lúc.
Cựu tổng tư lệnh quân đội, tướng Chatchalerm Chalermsukh không những là thành viên của Ban Lập pháp Quốc gia mà còn là thành viên ban giám đốc của ba doanh nghiệp nhà nước.
Kể từ khi có đảo chính năm 2014, ông nhận được tổng số là 11,77 triệu baht (khoảng 347.000 USD) nhờ làm việc trong những công ty bên ngoài quân đội.
Tướng Chatchalerm từ chối trả lời phỏng vấn của BBC Thai.
Người dân Bangkok trên chuyến tàu điện ngầm do công ty quyết định Mass Rapid Transit Authority of Thailand (MRTA) vận hành
Từ lãi đến lỗ
BBC tiếng Thái chọn sáu trong số 16 doanh nghiệp nhà nước có tướng quân đội làm chủ tịch công ty và xem xét kết quả hoạt động tài chính của các công ty này trong ba năm qua :
Dưới sự quản lý của tướng quân đội, doanh thu của công ty tàu điện ngầm Mass Rapid Transit Authority of Thailand (MRTA) đã sa sút và thua lỗ, từ có lãi ròng 3,47 tỷ baht năm 2014 đến lỗ ròng 1,78 tỷ baht năm 2016. Báo cáo hàng năm của MRTA năm 2016 nói thua lỗ là do đồng baht Thái mất giá so với đồng yen Nhật.
Công ty viễn thông nhà nước, TOT Plc, cũng có chủ tịch là một vị tướng, cũng có doanh thu sụt giảm từ lãi ròng 1,94 tỷ baht năm 2014 xuống lỗ ròng 5,88 tỷ baht năm 2015.
Ông Pongthiti Pongsilamanee, chủ tịch công đoàn của TOT, nói với BBC tiếng Thái rằng có sĩ quan quân đội trong ban giám đốc là rất rắc rối, vì các sĩ quan 'không chấp nhận có sự bất đồng về ý kiến, cũng như do họ không có chuyên môn về kinh doanh. Ông nói thêm chủ tịch công ty, tướng Surapong Suwana-adt không có nhiều thời gian để quan tâm đến công ty sau khi ông được phong tướng.
Tướng Surapong Suwana-adt, chủ tịch công ty, nói với BBC hầu hết các vấn đề trong nhiệm kỳ ba năm của ông đều đã được giải quyết, và ông đã tham dự tất cả các cuộc họp hội đồng quản trị.
Có sự tăng trưởng nhất định
Mặc dù các doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn bị thua lỗ, các doanh nghiệp cỡ vừa do tướng quân đội làm chủ tịch lại có lãi.
Lắp sáp xe hơi tại Thái Lan - ảnh minh họa
"Tôi rất mừng là tôi có thể giải quyết vấn đề giá vé xổ số quá cao", trung tướng Apirat Kongsompong, chủ tịch hội đồng quản trị của Cơ quan Xổ số chính phủ nói.
Trong một bài phỏng vấn trước đó với truyền thông địa phương, trung tướng Apirat nói ông được cử vào vị trí này vì quân đội Thái muốn xử lý tình trạng vé số được bán với giá quá cao. Sau đó, lượng vé số phát hành được tăng từ 37 lên 50 triệu để đáp ứng nhu cầu, và được bán với giá 80 baht một vé.
Trong số 16 doanh nghiệp nhà nước do 15 sĩ quan quân đội làm chủ tịch, 13 vị tướng có bằng đại học từ các trường sĩ quan quân đội Thái Lan, hầu hết trong lĩnh vực khoa học. Có bốn vị tướng có bằng thạc sĩ.
Riêng đại tướng Chatchalerm làm chủ tịch hai công ty lớn. Chín vị tướng có các vị trí khác ngoài quân đội hiện là thành viên của Quốc hội Lập pháp và các vị trí khác trong chính phủ.