Vụ bê bối của cận vệ Lương Cường và vấn nạn quấy rối tình dục ở Việt Nam
Diễm Thi, RFA, 22/11/2024
"Làm hoa cho người ta hái, làm con gái cho người ta trêu" là thành ngữ quen thuộc tại Việt Nam, một quốc gia ảnh hưởng bởi Nho giáo từ hàng ngàn năm qua, mà ảnh hưởng tiêu cực của nó là tư tưởng trọng nam khinh nữ, gốc rễ của bạo lực giới.
Một phụ nữ phản đối nạn quấy rối tình dục - AFP
Tháng 4/2018, phong trào #MeToo lan đến Việt Nam từ câu chuyện của phóng viên báo Tuổi Trẻ tố bị một cán bộ của báo này hiếp dâm. Sau đó là câu chuyện trong giới giải trí của vũ công Phạm Lịch, Lê Hoàng Nga My, người mẫu Kim Phượng tố cáo tình trạng bị gạ tình, bị quấy rối tình dục, thậm chí bị hiếp dâm.
Phong trào chìm xuống nhanh chóng bởi nhiều trở ngại về mặt luật pháp và thành kiến xã hội. Nhưng nạn quấy rối tình dục thì ở lại.
Vấn nạn "khó nói"
Tháng 3/2023, công ty truyền thông NOI chia sẻ bài viết dựa trên những khảo sát về sắc đẹp, hôn nhân, quấy rối tình dục, công việc… được chính phụ nữ Việt Nam kể ra. Kết quả cho thấy, gần 90% phụ nữ được khảo sát cho biết họ từng gặp tình trạng quấy rối tình dục, thậm chí khi còn rất nhỏ.
Đáng chú ý, hơn 60% số nạn nhân không tìm kiếm sự giúp đỡ vì không hiểu rõ đó là hành vi quấy rối ; không biết phải phản ứng thế nào và không hiểu được chuyện gì đã xảy ra với mình. Cũng có những nạn nhân tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng chỉ 20% hài lòng với sự hỗ trợ mà họ nhận được.
"Tôi không đủ tin tưởng để chia sẻ với người khác. Tôi lo lắng về những gì họ sẽ nói và tôi không muốn ai biết chuyện đó, kể cả người thân. Nếu tôi chia sẻ về điều đó, mọi người cũng sẽ có xu hướng trách móc tôi. Và điều đó càng khiến tôi cảm thấy dễ bị tổn thương hơn", bài viết dẫn lời một nạn nhân.
Điều này cũng được Tiến sĩ tâm lý Phạm Quỳnh Hương khẳng định với RFA. Theo bà, người phụ nữ sẽ bị áp lực xã hội và gia đình rất lớn khi nói ra chuyện bị lạm dụng tình dục cho người thân biết, hay chia sẻ trên phương tiện truyền thông. Có trường hợp gia đình tan vỡ vì người chồng không chịu nổi áp lực từ dư luận ; cô gái trẻ không thể lấy chồng vì người yêu của cô không đủ can đảm bảo vệ cô khỏi những lời đàm tiếu…
"Theo tôi, chính quan niệm trọng nam khinh nữ dẫn đến chuyện người phụ nữ cam chịu không dám lên tiếng. Hơn nữa, tất cả các hành vi xâm hại tình dục ở Việt Nam đều không có bằng chứng hoặc bằng chứng bị che đậy bởi kẻ có quyền nên rất khó kiện cáo", bà Phạm Quỳnh Hương kết luận.
Khi kẻ thủ ác có quyền lực
Vụ việc liên quan đến cận vệ của ông Lương Cường, nguyên thủ quốc gia Việt Nam, bị bắt khi đi bang giao ở nước ngoài dưới cáo buộc quấy rối tình dục, khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự lính líu của người có quyền ở Việt Nam trong vấn nạn quấy rối tình dục.
Trên thực tế, tình trạng một người lợi dụng vị thế của mình để dụ dỗ hay cưỡng ép người khác tham gia vào hoạt động tình dục xảy ra trong mọi lĩnh vực, từ giới giải trí cho đến văn phòng, thậm chí cả trong môi trường học đường. Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên tại trường trung học phổ thông Thường Tín - Hà Nội, khẳng định với RFA :
"Ngành giáo dục liên tục có những chuyện xâm phạm thân thể, tinh thần học sinh từ hàng chục năm nay mà mãi không chấm dứt. Tôi từng này tuổi mà còn bị chúng công khai để làm như thế, thì bản thân em học sinh yếu đuối như thế thì không biết làm cái gì ?"
Rất nhiều câu chuyện được truyền tai nhau nhưng những nạn nhân thực sự vẫn chọn cách im lặng để bảo vệ chính mình. Nhà xã hội học Khuất Thu Hồng lý giải trên The Diplomat : "Ở Việt Nam, hiện tượng quấy rối tình dục một mặt được coi là vấn đề văn hóa hơn là vấn đề nhân quyền. Mặt khác, nó được chính trị hóa theo cách mà nếu nó diễn ra ở nơi làm việc thì sẽ có nhiều nhân tố liên quan. Và rồi sẽ có rất nhiều nỗ lực nhằm bịt miệng nạn nhân hoặc che đậy những gì đã xảy ra".
Chỉ người có quyền mới có thể chính trị hóa quấy rối tình dục nhằm mục đích bịt miệng nạn nhân.
Có thể nhắc câu chuyện nổi tiếng của nhà thơ Dạ Thảo Phương. Cách nay hai năm, bà đăng trên Facebook rằng bà từng bị Phó tổng biên tập báo Văn Nghệ Lương Ngọc An nhiều lần quấy rối tình dục trong quãng thời gian từ năm 1999 đến năm 2000, bất chấp những phản đối quyết liệt của bà. Sau đó bà cùng với sự làm chứng của nhiều người, đã tố cáo với lãnh đạo báo Văn Nghệ nhưng lời tố cáo đã không được giải quyết thỏa đáng.
Trao đổi với RFA, bà Dạ Thảo Phương cho rằng, những kẻ xâm hại tình dục, giống như những tế bào lỗi của xã hội, đã, đang và còn sẽ xuất hiện. Điều quan trọng nói lên sự văn minh là cách cộng đồng ứng xử với tệ nạn này ra sao. Bà nhấn mạnh :
"Khi những kẻ bị tố cáo là những kẻ có quyền lực, chức vụ trong một tập thể nào đó, hắn thường được dung túng, bảo vệ, thậm chí tẩy trắng, đổ đen sang cho nạn nhân. Hành động của kẻ xâm hại tình dục như mũi tên bắn vào nạn nhân, còn thái độ phớt lờ, bao che cho thủ phạm mới là cú nhấn vào đúng mũi tên đó, gây ra nỗi đau chí mạng cho họ. Tại sao các nạn nhân không lên tiếng tố cáo? Đó là một câu hỏi đau đớn với các nạn nhân và thân nhân của họ, cũng là một vấn đề đáng hổ thẹn với cả cộng đồng!"
Luật pháp lỏng lẻo
Ngoài yếu tố nhân quyền không được coi trọng, khía cạnh luật pháp không nghiêm cũng bị coi là yếu tố quan trọng khiến tình trạng lạm dụng tình dục không thể xóa bỏ tại Việt Nam.
Từng bị cưỡng hiếp không thành, phải chôn giấu trong im lặng thống khổ suốt 23 năm, phải tồn tại trên cõi đời này với rất nhiều khổ đau, mất mát, oan ức, nhà thơ Dạ Thảo Phương cho rằng, chuyện lạm dụng/quấy rối tình dục vẫn tiếp diễn ở Việt Nam do tính bất bình đẳng trong thói quen văn hóa lâu đời, tính thiếu thực tế trong quy định của pháp luật hiện hành, cho đến sự lạc hậu của nhận thức, sự xuống cấp của nhân tính, sự băng hoại của đạo đức trong mỗi cá nhân, và với nhiều người Việt, xâm hại tình dục là một vấn đề bị xem nhẹ, hoặc bị lờ đi.
Ngoài chuyện người lớn bị quấy rối tình dục, lạm dụng tình dục mà không thể lên tiếng, trẻ em lại là đối tượng bị xâm hại tình dục không ít ở Việt Nam. Trong báo cáo mang tên "Ra khỏi vùng tối : Tìm hiểu về phản ứng đối với xâm hại tình dục trẻ em" do Economist Intelligence Unite (EIU) thực hiện và được công bố hôm 16 tháng 1 năm 2019, Việt Nam đội sổ trong xếp hạng 40 nước về chống xâm hại tình dục trẻ em, cụ thể là thứ 37, với điểm yếu nằm ở thu thập dữ liệu, chế tài dành cho người phạm tội và sự can thiệp của truyền thông.
Con số từ Bộ Công an cho biết, năm 2018, có hơn 1.500 vụ xâm hại trẻ em, trong đó xâm hại tình dục chiếm 82%. Năm 2023, cả nước xảy ra gần 2.500 vụ xâm hại trẻ em, trong đó xâm hại tình dục trẻ em chiếm 82,2%. Những con số tự nó tố cáo tình trạng xâm hại tình dục trẻ em không giảm theo thời gian. Lý do được tờ The Guardian dẫn lời bà Rana Flowers, đại diện của Unicef tại Việt Nam giải thích :
"Việt Nam vẫn thiếu một khung pháp lý mạnh để bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bạo lực, đặc biệt là bạo lực tình dục. Đi kèm đó là việc thiếu các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ cho các nạn nhân".
Năm 2017, một cháu bé 13 tuổi ở Cà Mau tố cáo hàng xóm xâm hại tình dục nhưng Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh này lại quyết định không khởi tố vụ án vì "không có tài liệu, chứng cứ". Cháu bé bị mang tiếng với xóm làng đến mức phải uống thuốc tự vẫn. Năm 2015, một cháu gái 15 tuổi ở Đồng Nai đã phải uống thuốc độc tự tử khi bạn trai 22 tuổi tung clip quan hệ tình dục lên mạng.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, thủ phạm trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em đa số là người quen, thậm chí thân thiết. Họ là người thân, người nhà với nạn nhân nên có nhiều cơ hội tiếp xúc, tiếp cận với nạn nhân rồi lợi dụng thời cơ thực hiện hành vi phạm tội.
Pháp luật Việt Nam hiện chưa xem lời khai của người bị xâm hại tình dục, đặc biệt của trẻ em là chứng cứ buộc tội mà cần phải có chứng cứ cụ thể, nên để xử lý được đối tượng phạm tội sẽ vô cùng khó khăn. Người bị xâm hại tình dục ở Việt Nam chưa ý thức được việc phải kêu cứu ngay khi bị lạm dụng, bị quấy rối, do điều này không được dạy từ môi trường học đường từ bé như ở các nước phương tây. Hơn nữa, tại Việt Nam vẫn còn nhiều gia đình cảm thấy ngượng ngùng khi nhắc đến vấn đề giáo dục giới tính.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 22/11/2024
************************
Bê bối cận vệ và thông điệp ngoại giao bất cần
Nguyễn Hà Hùng, RFA, 21/11/2024
Nguyên thủ công du quốc tế là dịp nâng cao hình ảnh quốc gia, nhưng chuyến đi Chile và Peru của ông Lương Cường để lại một loạt bê bối.
Chủ tịch nước Việt Nam Lương Cường bắt tay với Tổng thống Peru Dina Boluarte tại Hội nghị Cấp cao APEC 2024, tháng 11/2024. Luis Acosta / AFP
Trong khi truyền thông quốc tế lập tức đưa tin về những sự kiện chấn động này, báo chí trong nước hoàn toàn im lặng.
Tình trạng bưng bít thông tin và trách nhiệm của những người đứng đầu tại Việt Nam đặt ra nhiều câu hỏi.
Cảnh vệ phạm tội và sự im lặng của báo chí Nhà nước
Bộ Ngoại giao Chile ra thông cáo rằng đêm Chủ nhật, 10/11, một thành viên an ninh của phái đoàn Việt Nam trong chuyến thăm chính thức Chile bị cáo buộc xâm hại tình dục.
Hôm sau, một tòa án ở Santiago phán quyết trục xuất người đàn ông này, Lại Đức Tuấn, và không được nhập cảnh Chile trong ít nhất hai năm.
Truyền thông trong nước không có dòng tin nào về bê bối này, tạo nên một khoảng trống và cơn đói tin tức, góp phần làm suy yếu niềm tin của người dân.
Có nguồn nói ông Tuấn vẫn đi cùng đoàn Chủ tịch nước sang Peru sau đó hai hôm. Nếu đúng vậy, đó là dấu hiệu bất cẩn và thiếu trách nhiệm.
Đơn giản vì hành vi tấn công tình dục là không chấp nhận được. Giữ họ ở trong đoàn gửi đi thông điệp là hành vi của người này có thể được bỏ qua hoặc không xử lý nghiêm.
Ở các nước phát triển, để bảo vệ uy tín quốc gia, những sự kiện như vậy thường được xử lý công khai và nghiêm khắc.
Ví dụ, phái đoàn Barack Obama đã lập tức loại nhân viên mật vụ thuê gái gọi trong chuyến đi Colombia năm 2012 (1) và nhân viên an ninh say xỉn trong chuyến đi Hà Lan năm 2014 (2).
Dùng súng chống drone – Hình ảnh phản cảm
Ba hôm sau, tại hội nghị thượng đỉnh APEC tại Peru, vệ sĩ của ông Lương Cường sử dụng súng chống drone trong khi duyệt đội danh dự tại Dinh Công Lý ở Lima.
Cận vệ của Chủ tịch Lương Cường cầm súng trong lễ đón ở thủ đô Lima, Peru hôm 13/11/2024. AP Photo / Fernando Vergara
Phóng viên quốc tế đã nhanh chóng ghi lại động thái này. Bức ảnh trở thành tâm điểm chú ý trên truyền thông quốc tế và lọt vào danh sách những hình ảnh "ấn tượng" nhất trong ngày.
Đáng nói là nguy cơ ông Cường bị tấn công bằng drone không hiện hữu. Khả năng ông ta bị một quốc gia đối địch tấn công bằng drone bị loại bỏ. Việt Nam hiện không có chiến tranh.
Đối thủ chính trị ở trong nước thì hầu như không thể tấn công ông ta bằng drone ở Peru, một phương án quá mạo hiểm. Nếu muốn, họ có những lựa chọn khác.
Sử dụng vũ khí khi không có nguy cơ thực tế nào đặt ra câu hỏi về tính chuyên nghiệp của đoàn Việt Nam. Hơn nữa, động thái này tạo khoảng cách với công chúng.
Khác với phong cách ngoại giao của lãnh đạo Việt Nam, lãnh đạo các quốc gia phát triển thường gây thiện cảm bằng biểu hiện thân thiện với người dân.
Họ thường thúc đẩy hình ảnh nước họ bằng những cử chỉ thân thiện, giản dị. Chẳng hạn, Obama ăn bún chả bình dân ở Hà Nội, Trudeau chạy bộ ở kênh Nhiêu Lộc…
Thông điệp ngoại giao bất cẩn
Phát biểu tại Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế APEC ở Peru, ông Lương Cường cảnh báo về mối nguy chiến tranh thương mại trên thế giới.
Ông nói, xin trích "cần loại bỏ tư duy "nhất bên thắng, nhất bên thua, không để chủ nghĩa dân tộc làm méo mó chính sách" (3).
Bình luận về thông điệp gây sốc này, Bloomberg chạy tựa "Lãnh đạo Việt Nam cảnh báo chiến tranh thương mại dẫn đến nghèo đói, ám chỉ Trump".
Theo đó hãng tin này nói, đây là chỉ trích mạnh mẽ nhất nhắm tới cách tiếp cận về thương mại của Tổng thống tân cử Donald Trump.
Cần nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Số liệu 2023 của VCCI cho thấy xuất khẩu sang Mỹ chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (4).
Hoa Kỳ còn là một trong những quốc gia tài trợ lớn nhất cho Việt Nam. Một ví dụ gần đây là Việt Nam thuộc Top 10 nước được Mỹ viện trợ vắc-xin nhiều nhất trong đại dịch Covid (5).
Phát biểu của Chủ tịch Việt Nam có thể khiến quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ trở nên căng thẳng, nguy cơ mất viện trợ hoặc hỗ trợ kinh tế, ngoại giao bị giảm sút.
Chuyến đi của Chủ tịch Việt Nam lần này để lại nhiều bài học đắt giá. Cần xét lại tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm cảnh vệ. Báo chí trong nước không thể tảng lờ, che giấu sự thật.
Người dân cũng cần yêu cầu chính quyền thực hiện chiến lược ngoại giao tỉnh táo, bảo vệ lợi ích quốc gia thay vì tạo thêm căng thẳng không cần thiết.
Nếu những vấn đề này không được giải quyết dứt khoát, các chuyến công du tương lai sẽ tiếp tục làm suy yếu hình ảnh của quốc gia, "Made in Vietnam" không có mấy giá trị.
Nguyễn Hà Hùng
Nguồn : RFA, 21/11/2024
Chú thích :
2. https://www.politico.com/gallery/secret-service-prostitution-scandal-unfolds-in-colombia?slide=0
4. https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/viet-nam-thuoc-top-10-nuoc-duoc-my-vien-tro-vaccine-nhieu-nhat-667425
5. https://trungtamwto.vn/hiep-dinh-khac/23635-diem-danh-cac-thi-truong-xuat-khau-lon-nhat-cua-viet-nam-sau-5-thang
Dân Đồng Nai mất tiền tại hàng loạt quỹ tín dụng (Người Việt, 28/11/2017)
Sau khi Quỹ tín dụng Thái Bình bị đóng cửa, giám đốc bỏ trốn ra nước ngoài với hơn 2,2 triệu USD, thì nay thêm Quỹ tín dụng Dầu Giây và Quỹ tín dụng Tân Tiến "mất khả năng thanh khoản" cho khách hàng, bị đưa vào diện "kiểm soát đặc biệt".
Người dân tụ tập trước Phòng giao dịch của Quỹ tín dụng Thái Bình để đòi tiền. Trong hình, ông Hoàng Văn Lục (trái) nói ông gửi vào quỹ này gần 8 tỷ đồng (khoảng 352.283 USD). (Hình : Thanh Niên)
Trong hai ngày qua, nhiều người dân có gửi tiền tại quỹ Tân Tiến, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, đã đến trụ sở quỹ này để rút tiền nhưng không được do quỹ hết tiền chi trả.
Ngày 28 tháng Mười Một, ông Trần Quốc Tuấn, giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, xác nhận với báo Dân Trí, đã đưa quỹ Tân Tiến vào diện "kiểm soát đặc biệt do quỹ mất khả năng thanh khoản cho khách hàng".
"Đến cuối tháng Mười, 2017, huy động vốn của quỹ đạt hơn 600 tỷ đồng (hơn 26,4 triệu USD). Thời gian gần đây, khách hàng đến rút tiền đông khiến quỹ mất khả năng thanh khoản, nên Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đưa Quỹ tín dụng Tân Tiến vào diện kiểm soát đặc biệt trong thời gian sáu tháng để kiểm tra, xem xét sổ sách, thống kê và đối chiếu các khoản tiền vay, các khoản tiền gửi", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, quỹ tín dụng này sử dụng vốn sai quy định và ông đã có văn bản đề nghị Công an tỉnh Đồng Nai vào cuộc điều tra vụ việc.
Quỹ Tân Tiến là đơn vị thứ ba sau quỹ Thái Bình và quỹ Dầu Giây ở huyện Thống Nhất bị Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, do có thể "sập tiệm".
Trước đó, ngày 20 tháng Mười Một, hàng chục người dân đã cầm theo băng rôn đến bao vây phòng giao dịch quỹ Thái Bình, thành phố Biên Hòa, liên tục lên tiếng đòi giám đốc quỹ tín dụng trả tiền khiến khu vực trở nên nhốn nháo. Nguyên nhân từ đầu năm 2017, khách hàng của qũy này không nhận được tiền lời như thường lệ. Khi người dân yêu cầu quỹ trả tiền gốc thì giám đốc tìm cách né tránh.
Sau sự việc, công an điều tra thì được biết ông Vũ Công Liêm, giám đốc quỹ, đã cùng người thân bỏ trốn ra nước ngoài "ôm" theo khoản nợ 50 tỷ đồng (hơn $2.2 triệu) của nhiều người tin tưởng gửi vào. (Tr.N)
**********************
Cháy đình cổ hơn 300 năm ở Thái Bình (Người Việt, 28/11/2017)
Đình cổ Lưu Xá hơn 300 tuổi ở xã Đông Phương, huyện Đông Hưng, nay chỉ còn là tàn tích sau đám cháy lớn.
Ngôi đình làng hơn 300 tuổi bị thiêu rụi trong sáng 27 tháng Mười Một. (Hình : VietNamNet)
Nói với báo VnExpress, ông Phạm Xuân Cảnh, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Đông Phương, cho biết khoảng 10 giờ sáng 27 tháng Mười Một, bà Nguyễn Thị Khanh, nhân viên trạm y tế xã, ra đình thắp hương thì thấy khói đen bốc lên và báo cho chính quyền địa phương.
Nhận được tin, nhiều người dân cùng chính quyền đã tổ chức dập lửa. Khi ngọn lửa bùng phát mạnh thì tất cả mọi người hoảng hốt bỏ chạy do không thể tiếp cận. Khoảng 30 phút sau, Phòng Cảnh Sát Phòng Cháy Chữa Cháy, Công An tỉnh Thái Bình, điều hai xe chuyện dụng cùng 30 lính cứu hỏa đến chữa lửa.
Theo báo VietnamNet, sau gần bốn tiếng dập lửa, đến khoảng 2 giờ chiều cùng ngày, ngọn lửa mới được khống chế. Tuy nhiên, ngọn lửa đã thiêu rụi hoàn toàn ngôi đình cổ hơn 300 tuổi này. Rất may không có thiệt hại về người và hiện chưa thống kê được tài sản thiệt hại.
Khi xảy ra vụ hỏa hoạn, đình đang được xây dựng hậu cung.
Theo thủ nhang của đình, ông Lưu Hoàng Văn Nậng, ngôi đình được xây dựng bằng gỗ lim từ năm 1670 có kiến trúc, điêu khắc độc đáo với ba gian hai chái, chiều dài 18 mét, chiều rộng 9 mét, diện tích 170 mét vuông. Năm 1990, ngôi đình cổ này đã được công nhận là "Di tích lịch sử cấp quốc gia". (Tr.N)
**********************
Gần 90% phụ nữ tại Việt Nam bị quấy rối tình dục (Người Việt, 28/11/2017)
Hãng tin Mỹ CNN nêu kết quả của một cuộc nghiên cứu nói khoảng 87% phụ nữ tại Việt Nam bị quấy rối tình dục tại các nơi công cộng.
Một nữ nhân viên làm nghề tiếp thị thuốc lá trong một quán cà phê ở Sài Gòn. Những cô gái làm việc trong nghề này thường phải đối mặt với nạn "quấy rối tình dục". (Hình : Văn Lang/Người Việt)
Hôm Thứ Hai, 27 tháng Mười Một, CNN có bài viết về tình trạng phụ nữ bị sách nhiễu tình dục trên thế giới dựa vào tài liệu của một số tổ chức và phỏng vấn.
Sách nhiễu tình dục từ nhẹ tới nặng cả bằng lời nói và hành động. Nhẹ thì một vài lời ong bướm như "Sao em sexy thế", "Anh chỉ muốn"… đến những cử chỉ chân tay thô bạo, và xa hơn nữa có thể xúc phạm thân thể dù người ta phản đối.
Các nghiên cứu được CNN nêu ra với những nơi có tỉ lệ quấy rối tình dục nơi công cộng nặng nhất trên thê giới như Ai Cập tới 99%, đảo quốc Papua New Guinea hơn 90%. Việt Nam cũng có tỉ lệ phụ nữ bị quấy rối tình dục cũng chẳng thua kém bao nhiêu, tới 87% hay cứ 10 phụ nữ thì có đến gần 9 người là nạn nhân của các sự quấy rối. Ấn Độ là 79%, Cambodia là 77%, Bangladesh là 57%.
Tại các quốc gia Tây phương, vấn đề tình hình có vẻ nhẹ hơn, nhưng vẫn là các con số lớn đáng kể. Ở Mỹ, tỉ lệ phụ nữ từng bị quấy rối ở nơi công cộng lên đến 65%, trong khi ở Anh là 64%. Nhiều quốc gia Châu Âu cũng nằm trong "danh sách đen" như 52% đối với Đan Mạch, ở Phần Lan là 47%, Thụy Điển 46%, Pháp là 44%.
Đồ họa tỉ lệ phụ nữ từng bị quấy rối tại một số quốc gia Châu Á trong đó có Việt Nam. (Hình : Ðồ họa CNN)
Hiện nước Mỹ thì đang nóng lên với các lời tố cáo của nhiều phụ nữ bị sách nhiễu ngay tại trụ sở Quốc hội, một số ứng viên dân biểu, nghị sĩ cũng bị cáo buộc sách nhiễu tình dục, ảnh hưởng tới khả năng trúng cử.
Thật ra, các cuộc khảo sát và nghiên cứu về tệ nạn sách nhiễu tình dục nơi công cộng được CNN dẫn lại để viết trong bài viết ngày 27 tháng Mười Một căn cứ vào cuộc nghiên cứu của tổ chức ActionAid hồi cuối năm 2014 và được công bố và các báo tại Việt Nam khai thác trong năm 2015. Họ đã phỏng vấn hơn 2,000 người dân tại Hà Nội và Sài Gòn. Actionaid là một tổ chức quốc tế chống bất công và đói nghèo hoạt động tại hơn 40 quốc gia trên thế giới.
Quấy rối tình dục nơi công cộng tại Việt Nam vốn là một căn bệnh xã hội đã tồn tại từ lâu và đến nay không thấy có những nghiên cứu mới được đưa ra ngoài một vài vụ án nghiêm trọng, kể cả giết người chỉ vì chòng ghẹo phụ nữ.
Đầu tháng Sáu vừa qua, tòa án thành phố Hà Nội kết án Đặng Xuân Quý tù chung thân, Quách Ngọc Hải 16 năm tù, cùng về tội "Giết người". Nguyên nhân chỉ là chọc ghẹo một phụ nữ trong quán nhậu. tháng Tư trước đó, tờ Phụ Nữ Việt Nam kể câu chuyện một ông anh rể bị đánh suýt què chân vì chọc ghẹo cô em vợ.
Luật pháp cộng sản Việt Nam trừng phạt tội "ghẹo gái" đến 300,000 đồng (khoảng $13), theo Nghị Định 167/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 28 tháng Mười Hai, 2013, về "Vi phạm quy định về trật tự công cộng" gồm "Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác".
Không thấy có thống kê nào cho thấy từ khi cái nghị định vừa kể được thi hành thì đã có bao nhiêu người bị phạt trong khi tỉ lệ người bị quấy rối thì rất cao.(TN)
*********************
Dân Huế, Quảng Trị thấp thỏm sống trong vùng sạt lở (Người Việt, 28/11/2017)
Bão tan, lũ rút cũng là lúc bờ sông, đê biển sạt lở nghiêm trọng dọc theo các tỉnh, thành miền Trung, khiến hàng ngàn nhà dân sống trong cảnh thấp thỏm, lo sợ, trong khi chính quyền bất lực vì không có kinh phí khắc phục.
Một điểm sạt lở sông Hương ăn sát vào cổng trường Tiểu Học Hương Thọ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế. (Hình : SGGP)
Sau những đợt lũ chồng lũ từ đầu tháng Mười Một đến nay, dòng chảy ở thượng nguồn sông Hương thay đổi mạnh, xoáy sâu vào xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Chiều 23 tháng Mười Một, khi phụ huynh vừa chở con em đến trường Tiểu Học Hương Thọ đối diện sông Hương, bất ngờ nhiều cây xanh ven sông và một phần đường bê tông dẫn vào cổng trường học ầm ầm sạt lở, đổ ập xuống sông. Rất may, mọi người kịp thời chạy thoát.
Ngày 27 tháng Mười Một, nói với báo SGGP, ông Nguyễn Văn Tồn, hiệu trưởng trường, cho biết sông Hương "ngoạm" cả trăm khối đất ven bờ hơn 400 mét, ăn sâu vào bờ 4 mét, khiến cổng chính vào trường trở thành bờ sông.
Cách trường không xa, một điểm sạt lở mới đã hất văng nhà cửa của nhiều người dân nằm gần bờ sông ở thôn La Khe Trẹm, cuốn trôi một phần căn nhà của bà Nguyễn Thị Chạy (51 tuổi). Căn nhà của gia đình anh Lê Ngà cạnh đó cũng bị cuốn từng mảng ra giữa dòng sông Hương. Tại hiện trường, cả hai ngôi nhà chỉ còn sót lại những trụ bê tông và vài tấm lợp rách nát nằm dưới đống đất đá.
Tương tự, tại xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, hàng chục gia đình nơi đây đang sống trên bờ sông Hiếu di dời chưa được, mà ở cũng không yên. Bởi vì chỉ sau một đêm mưa lớn, bờ sông Hiếu sạt lở vào sát con đường bê tông, với chiều dài hơn 20 mét.
Ngoài ra, ở Quảng Trị nhiều tuyến sông khác như sông Nhùng, sông Thạch Hãn cũng bị xói lở nghiêm trọng do mưa lũ. Nhiều đoạn sạt 5 mét, ăn sâu vào đường giao thông, gần hiên nhà của hàng chục nhà dân.
Không chỉ có sông bị sạt lở, triều cường và sóng lớn tiếp tục xói lở bờ biển rất nặng, với chiều dài gần 10 cây số, ăn sâu vào đất liền từ 5 đến 10 mét. Nghiêm trọng nhất là vụ sạt lở bờ biển ở xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, y như mở thêm cửa biển mới rộng 50 mét, uy hiếp tài sản và tính mạng của khoảng 3,500 nhà dân trong vùng.
Xây dựng kè chống sạt lở bờ biển, bảo vệ khu dân cư, vùng sản xuất được cho là kế hoạch tối ưu. Tuy nhiên, ông Phan Thanh Hùng, chánh văn phòng Ban Chỉ Huy Phòng Chống Thiên Tai và Tìm Kiếm Cứu Nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho rằng các dự án xây dựng bờ kè ven biển đang gặp khó vì phải có nguồn kinh phí đến cả ngàn tỷ đồng, cần phải có sự trợ giúp từ trung ương và các bộ, ngành. (Tr.N)