Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

28/11/2017

Mất tiền gởi, cháy đình làng, quấy rối tình dục, miền Trung sạt lở

Người Việt

Dân Đồng Nai mất tiền tại hàng loạt quỹ tín dụng (Người Việt, 28/11/2017)

Sau khi Quỹ tín dụng Thái Bình bị đóng cửa, giám đốc bỏ trốn ra nước ngoài với hơn 2,2 triệu USD, thì nay thêm Quỹ tín dụng Dầu Giây và Quỹ tín dụng Tân Tiến "mất khả năng thanh khoản" cho khách hàng, bị đưa vào diện "kiểm soát đặc biệt".

nv1

Người dân tụ tập trước Phòng giao dịch của Quỹ tín dụng Thái Bình để đòi tiền. Trong hình, ông Hoàng Văn Lục (trái) nói ông gửi vào quỹ này gần 8 tỷ đồng (khoảng 352.283 USD). (Hình : Thanh Niên)

Trong hai ngày qua, nhiều người dân có gửi tiền tại quỹ Tân Tiến, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, đã đến trụ sở quỹ này để rút tiền nhưng không được do quỹ hết tiền chi trả.

Ngày 28 tháng Mười Một, ông Trần Quốc Tuấn, giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, xác nhận với báo Dân Trí, đã đưa quỹ Tân Tiến vào diện "kiểm soát đặc biệt do quỹ mất khả năng thanh khoản cho khách hàng".

"Đến cuối tháng Mười, 2017, huy động vốn của quỹ đạt hơn 600 tỷ đồng (hơn 26,4 triệu USD). Thời gian gần đây, khách hàng đến rút tiền đông khiến quỹ mất khả năng thanh khoản, nên Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đưa Quỹ tín dụng Tân Tiến vào diện kiểm soát đặc biệt trong thời gian sáu tháng để kiểm tra, xem xét sổ sách, thống kê và đối chiếu các khoản tiền vay, các khoản tiền gửi", ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, quỹ tín dụng này sử dụng vốn sai quy định và ông đã có văn bản đề nghị Công an tỉnh Đồng Nai vào cuộc điều tra vụ việc.

Quỹ Tân Tiến là đơn vị thứ ba sau quỹ Thái Bình và quỹ Dầu Giây ở huyện Thống Nhất bị Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, do có thể "sập tiệm".

Trước đó, ngày 20 tháng Mười Một, hàng chục người dân đã cầm theo băng rôn đến bao vây phòng giao dịch quỹ Thái Bình, thành phố Biên Hòa, liên tục lên tiếng đòi giám đốc quỹ tín dụng trả tiền khiến khu vực trở nên nhốn nháo. Nguyên nhân từ đầu năm 2017, khách hàng của qũy này không nhận được tiền lời như thường lệ. Khi người dân yêu cầu quỹ trả tiền gốc thì giám đốc tìm cách né tránh.

Sau sự việc, công an điều tra thì được biết ông Vũ Công Liêm, giám đốc quỹ, đã cùng người thân bỏ trốn ra nước ngoài "ôm" theo khoản nợ 50 tỷ đồng (hơn $2.2 triệu) của nhiều người tin tưởng gửi vào. (Tr.N)

**********************

Cháy đình cổ hơn 300 năm ở Thái Bình (Người Việt, 28/11/2017)

Đình cổ Lưu Xá hơn 300 tuổi ở xã Đông Phương, huyện Đông Hưng, nay chỉ còn là tàn tích sau đám cháy lớn.

nv2

Ngôi đình làng hơn 300 tuổi bị thiêu rụi trong sáng 27 tháng Mười Một. (Hình : VietNamNet)

Nói với báo VnExpress, ông Phạm Xuân Cảnh, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Đông Phương, cho biết khoảng 10 giờ sáng 27 tháng Mười Một, bà Nguyễn Thị Khanh, nhân viên trạm y tế xã, ra đình thắp hương thì thấy khói đen bốc lên và báo cho chính quyền địa phương.

Nhận được tin, nhiều người dân cùng chính quyền đã tổ chức dập lửa. Khi ngọn lửa bùng phát mạnh thì tất cả mọi người hoảng hốt bỏ chạy do không thể tiếp cận. Khoảng 30 phút sau, Phòng Cảnh Sát Phòng Cháy Chữa Cháy, Công An tỉnh Thái Bình, điều hai xe chuyện dụng cùng 30 lính cứu hỏa đến chữa lửa.

Theo báo VietnamNet, sau gần bốn tiếng dập lửa, đến khoảng 2 giờ chiều cùng ngày, ngọn lửa mới được khống chế. Tuy nhiên, ngọn lửa đã thiêu rụi hoàn toàn ngôi đình cổ hơn 300 tuổi này. Rất may không có thiệt hại về người và hiện chưa thống kê được tài sản thiệt hại.

Khi xảy ra vụ hỏa hoạn, đình đang được xây dựng hậu cung.

Theo thủ nhang của đình, ông Lưu Hoàng Văn Nậng, ngôi đình được xây dựng bằng gỗ lim từ năm 1670 có kiến trúc, điêu khắc độc đáo với ba gian hai chái, chiều dài 18 mét, chiều rộng 9 mét, diện tích 170 mét vuông. Năm 1990, ngôi đình cổ này đã được công nhận là "Di tích lịch sử cấp quốc gia". (Tr.N)

**********************

Gần 90% phụ nữ tại Việt Nam bị quấy rối tình dục (Người Việt, 28/11/2017)

Hãng tin Mỹ CNN nêu kết quả của một cuộc nghiên cứu nói khoảng 87% phụ nữ tại Việt Nam bị quấy rối tình dục tại các nơi công cộng.

nv3

Một nữ nhân viên làm nghề tiếp thị thuốc lá trong một quán cà phê ở Sài Gòn. Những cô gái làm việc trong nghề này thường phải đối mặt với nạn "quấy rối tình dục". (Hình : Văn Lang/Người Việt)

Hôm Thứ Hai, 27 tháng Mười Một, CNN có bài viết về tình trạng phụ nữ bị sách nhiễu tình dục trên thế giới dựa vào tài liệu của một số tổ chức và phỏng vấn.

Sách nhiễu tình dục từ nhẹ tới nặng cả bằng lời nói và hành động. Nhẹ thì một vài lời ong bướm như "Sao em sexy thế", "Anh chỉ muốn"… đến những cử chỉ chân tay thô bạo, và xa hơn nữa có thể xúc phạm thân thể dù người ta phản đối.

Các nghiên cứu được CNN nêu ra với những nơi có tỉ lệ quấy rối tình dục nơi công cộng nặng nhất trên thê giới như Ai Cập tới 99%, đảo quốc Papua New Guinea hơn 90%. Việt Nam cũng có tỉ lệ phụ nữ bị quấy rối tình dục cũng chẳng thua kém bao nhiêu, tới 87% hay cứ 10 phụ nữ thì có đến gần 9 người là nạn nhân của các sự quấy rối. Ấn Độ là 79%, Cambodia là 77%, Bangladesh là 57%.

Tại các quốc gia Tây phương, vấn đề tình hình có vẻ nhẹ hơn, nhưng vẫn là các con số lớn đáng kể. Ở Mỹ, tỉ lệ phụ nữ từng bị quấy rối ở nơi công cộng lên đến 65%, trong khi ở Anh là 64%. Nhiều quốc gia Châu Âu cũng nằm trong "danh sách đen" như 52% đối với Đan Mạch, ở Phần Lan là 47%, Thụy Điển 46%, Pháp là 44%.

nv4

Đồ họa tỉ lệ phụ nữ từng bị quấy rối tại một số quốc gia Châu Á trong đó có Việt Nam. (Hình : Ðồ họa CNN)

Hiện nước Mỹ thì đang nóng lên với các lời tố cáo của nhiều phụ nữ bị sách nhiễu ngay tại trụ sở Quốc hội, một số ứng viên dân biểu, nghị sĩ cũng bị cáo buộc sách nhiễu tình dục, ảnh hưởng tới khả năng trúng cử.

Thật ra, các cuộc khảo sát và nghiên cứu về tệ nạn sách nhiễu tình dục nơi công cộng được CNN dẫn lại để viết trong bài viết ngày 27 tháng Mười Một căn cứ vào cuộc nghiên cứu của tổ chức ActionAid hồi cuối năm 2014 và được công bố và các báo tại Việt Nam khai thác trong năm 2015. Họ đã phỏng vấn hơn 2,000 người dân tại Hà Nội và Sài Gòn. Actionaid là một tổ chức quốc tế chống bất công và đói nghèo hoạt động tại hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Quấy rối tình dục nơi công cộng tại Việt Nam vốn là một căn bệnh xã hội đã tồn tại từ lâu và đến nay không thấy có những nghiên cứu mới được đưa ra ngoài một vài vụ án nghiêm trọng, kể cả giết người chỉ vì chòng ghẹo phụ nữ.

Đầu tháng Sáu vừa qua, tòa án thành phố Hà Nội kết án Đặng Xuân Quý tù chung thân, Quách Ngọc Hải 16 năm tù, cùng về tội "Giết người". Nguyên nhân chỉ là chọc ghẹo một phụ nữ trong quán nhậu. tháng Tư trước đó, tờ Phụ Nữ Việt Nam kể câu chuyện một ông anh rể bị đánh suýt què chân vì chọc ghẹo cô em vợ.

Luật pháp cộng sản Việt Nam trừng phạt tội "ghẹo gái" đến 300,000 đồng (khoảng $13), theo Nghị Định 167/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 28 tháng Mười Hai, 2013, về "Vi phạm quy định về trật tự công cộng" gồm "Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác".

Không thấy có thống kê nào cho thấy từ khi cái nghị định vừa kể được thi hành thì đã có bao nhiêu người bị phạt trong khi tỉ lệ người bị quấy rối thì rất cao.(TN)

*********************

Dân Huế, Quảng Trị thấp thỏm sống trong vùng sạt lở (Người Việt, 28/11/2017)

Bão tan, lũ rút cũng là lúc bờ sông, đê biển sạt lở nghiêm trọng dọc theo các tỉnh, thành miền Trung, khiến hàng ngàn nhà dân sống trong cảnh thấp thỏm, lo sợ, trong khi chính quyền bất lực vì không có kinh phí khắc phục.

nv5

Một điểm sạt lở sông Hương ăn sát vào cổng trường Tiểu Học Hương Thọ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế. (Hình : SGGP)

Sau những đợt lũ chồng lũ từ đầu tháng Mười Một đến nay, dòng chảy ở thượng nguồn sông Hương thay đổi mạnh, xoáy sâu vào xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Chiều 23 tháng Mười Một, khi phụ huynh vừa chở con em đến trường Tiểu Học Hương Thọ đối diện sông Hương, bất ngờ nhiều cây xanh ven sông và một phần đường bê tông dẫn vào cổng trường học ầm ầm sạt lở, đổ ập xuống sông. Rất may, mọi người kịp thời chạy thoát.

Ngày 27 tháng Mười Một, nói với báo SGGP, ông Nguyễn Văn Tồn, hiệu trưởng trường, cho biết sông Hương "ngoạm" cả trăm khối đất ven bờ hơn 400 mét, ăn sâu vào bờ 4 mét, khiến cổng chính vào trường trở thành bờ sông.

Cách trường không xa, một điểm sạt lở mới đã hất văng nhà cửa của nhiều người dân nằm gần bờ sông ở thôn La Khe Trẹm, cuốn trôi một phần căn nhà của bà Nguyễn Thị Chạy (51 tuổi). Căn nhà của gia đình anh Lê Ngà cạnh đó cũng bị cuốn từng mảng ra giữa dòng sông Hương. Tại hiện trường, cả hai ngôi nhà chỉ còn sót lại những trụ bê tông và vài tấm lợp rách nát nằm dưới đống đất đá.

Tương tự, tại xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, hàng chục gia đình nơi đây đang sống trên bờ sông Hiếu di dời chưa được, mà ở cũng không yên. Bởi vì chỉ sau một đêm mưa lớn, bờ sông Hiếu sạt lở vào sát con đường bê tông, với chiều dài hơn 20 mét.

Ngoài ra, ở Quảng Trị nhiều tuyến sông khác như sông Nhùng, sông Thạch Hãn cũng bị xói lở nghiêm trọng do mưa lũ. Nhiều đoạn sạt 5 mét, ăn sâu vào đường giao thông, gần hiên nhà của hàng chục nhà dân.

Không chỉ có sông bị sạt lở, triều cường và sóng lớn tiếp tục xói lở bờ biển rất nặng, với chiều dài gần 10 cây số, ăn sâu vào đất liền từ 5 đến 10 mét. Nghiêm trọng nhất là vụ sạt lở bờ biển ở xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, y như mở thêm cửa biển mới rộng 50 mét, uy hiếp tài sản và tính mạng của khoảng 3,500 nhà dân trong vùng.

Xây dựng kè chống sạt lở bờ biển, bảo vệ khu dân cư, vùng sản xuất được cho là kế hoạch tối ưu. Tuy nhiên, ông Phan Thanh Hùng, chánh văn phòng Ban Chỉ Huy Phòng Chống Thiên Tai và Tìm Kiếm Cứu Nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho rằng các dự án xây dựng bờ kè ven biển đang gặp khó vì phải có nguồn kinh phí đến cả ngàn tỷ đồng, cần phải có sự trợ giúp từ trung ương và các bộ, ngành. (Tr.N)

Quay lại trang chủ
Read 678 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)