Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Quốc gia giàu mạnh nhứt hành tinh hiện nay là nước Hoa Kỳ, một quốc gia theo mô hình "quốc gia liên bang". Quốc gia cộng sản (trước khi sụp đổ) hùng mạnh nhứt là Liên Xô, cũng là một quốc gia áp dụng mô hình liên bang. Kế thừa Liên Xô, Nga hiện nay cũng là một quốc gia liên bang. Đức là quốc gia có nền kinh tế mạnh nhứt Châu Âu, cũng theo mô hình liên bang. Nếu kể ra các nước giàu mạnh, có vị thế, có uy tín trước quốc tế, như Canada, Úc, Thụy Sĩ, Ấn Độ… các quốc gia này đều theo mô hình liên bang.

lienbang0

Bản đồ Việt Nam với 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh trong đó có 5 thành phố trực thuộc trung ương - Ảnh minh họa 

Khối ASEAN, loại trừ Singapore, quốc gia có GDP đầu người cao nhứt khối là Mã Lai, một quốc gia theo mô hình liên bang. 

Mô hình quốc gia liên bang phải thế nào các quốc gia này mới phát triển "thần kỳ", xã hội ổn định hài hòa như vậy.

Trong khi Việt Nam, một quốc gia có dư thừa các yếu tố để phát triển "thành rồng, thành cọp" thì lại lụn bại, xã hội bất ổn, dân tộc ngày càng chia rẽ kỳ thị vùng miền. Dĩ nhiên nhiều vấn đề của Việt Nam cần phải được đặt ra. Trong đó có vấn đề Việt Nam có nên theo mô hình "quốc gia liên bang" để "trỗi dậy" hay không ?

Báo chí đăng tin vùng Catalogne (Catalunya), một vùng trù phú của Tây Ban Nha, đóng góp 20% GDP cho cả nước, vừa tuyên bố "độc lập".

Hầu hết các quốc gia, các định chế quốc tế… đều lên tiếng phản đối, chống lại việc "ly khai" này. Dĩ nhiên, là một người Việt Nam có trách nhiệm, tôi cũng cực lực chống lại hành vi đơn phương tuyên bố độc lập của các "nghị viên" thuộc Nghị viện Catalogne. Tiếng nói của dân chúng Catalogne, thể hiện qua các lá phiếu của các nghị viên, không phải là tiếng nói của một "dân tộc", ngay cả ở vùng Catalogne.

Bởi vì không hề có cái gọi là "dân tộc Catalogne" để vịn vào đó đòi quyền "dân tộc tự quyết". Catalogne là một phần bất khả phân của lãnh thổ Tây Ban Nha. "Dân tộc" Catalogne là một phần của "quốc dân" Tây Ban Nha. Chỉ có một cuộc trưng cầu dân ý "toàn quốc" Tây Ban Nha, mỗi công dân Tây Ban Nha đều biểu lộ ý kiến, thì kết quả trưng cầu dân ý mới có giá trị pháp lý.

Theo tôi, hiện tượng nhiều người Việt Nam có tham vọng chính trị (như ông luật sư Vũ Đức Khanh) mừng rỡ và ủng hộ Catalogne độc lập là một dấu hiệu "bất thường". Những người này sẽ không còn lý do nào để phản biện, hay chống lại, một chủ trương "phục họat quốc gia Việt Nam Cộng Hòa", hay các chủ trương ly khai (Khmer Krom ở miền Nam, nhà nước Đề ga ở miền Trung…).

Tương tự trường hợp Tây Ban Nha, ta cũng thấy mô hình "các vùng tự trị" ở Trung Quốc (gồm các vùng Quảng Tây, Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông) cũng bị đe dọa "ly khai", đòi độc lập. Ngay cả ở Ý, vùng lãnh thổ phía Bắc cũng muốn tách ra đòi "độc lập".

Câu hỏi đặt ra, tại sao mô hình quốc gia liên bang lại không có nơi nào các tiểu bang đòi độc lập như ở các quốc gia "bình thường" ?

Trường hợp tiêu biểu cần nghiên cứu là mô hình của Canada với vùng Québec. Khuynh hướng ly khai ở Québec luôn gây "nhức đầu" cho chính phủ liên bang. Cũng như trường hợp Venezuela, một quốc gia liên bang trên đà "tê liệt", không phải vì các khuynh hướng đòi ly khai, mà vì sự phá sản của đường lối "xã hội chủ nghĩa".

Lịch sử cho thấy, khi xã hội chủ nghĩa sụp đổ, các quốc gia thuộc khối này đều có nguy cơ "phân liệt". Hai miền Tiệp và Khắc "li dị" với nhau trong hòa bình, trở thành hai quốc gia độc lập. Các nước Baltique và Trung Á cũng đã "li dị" khỏi Liên Xô trong hòa bình.

Nhưng trường hợp khủng hoảng ở Venezuela là cái gương để Việt Nam soi vào.

Vì vậy mô hình quốc gia liên bang có thể là mô hình "lý tưởng" cho một số trường hợp. Trong đó có Việt Nam.

Quốc gia "bị phân hóa" như Việt Nam, một mặt do ngoại bang (Trung Quốc), mặt khác do chính sách kỳ thị của đảng cộng sản Việt Nam, cùng với việc dành quyền lực không chính đáng… làm cho xã hội Việt Nam phân tán. Hệ quả sẽ đưa Việt Nam đến bờ vực phân liệt. Mặt khác, như đã nói hôm qua, mô hình "quốc gia liên bang" có thể giúp Việt Nam "đơn giản hóa" về mặt pháp lý trong vấn đề tranh chấp biển, đảo với Trung Quốc.

Điều lo ngại là Trung Quốc cũng áp dụng mô hình "liên bang". Tỉnh Hải Nam, bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sẽ trở thành một "quốc gia quần đảo". Hệ quả là Luật Quốc tế nhìn nhận "vùng nước quần đảo", Trung Quốc sẽ "chính thức" chiếm trọn Biển Đông.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 28/10/2017

Published in Diễn đàn

Việt Nam hiện nay đang đối mặt trước nhiều vấn đề nan giải : đối nội thì phát triển kinh tế ì ạch, nạn tham nhũng tràn lan ở mọi cấp đảng và chính quyền, xã hội bất an dưới thì trộm cướp, trên thì lạm dụng quyền lực, mọi mặt văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội… đều tồi tàn, hạ tầng cơ sở yếu kém, tài nguyên dầu khí đã khai thác cạn kiệt trong khi nợ công ngày càng tăng cao, (lợi tức quốc dân sẽ không đủ để trả nợ)... Đối ngoại thì kém cõi trong việc giải quyết tranh chấp biển Đông, thứ bậc uy tín quốc gia mỗi ngày mỗi suy giảm…

bacnam1

Lãnh đạo miền Bắc, trong suốt hơn 40 năm độc quyền lãnh đạo, đã liên tục áp dụng những chính sách bất bình đẳng đối với dân chúng miền Nam.

Nhưng điều nan giải có thể đưa đến quốc gia phân liệt là nạn kỳ thị vùng miền.

Lãnh đạo miền Bắc, vốn là "bên thắng cuộc" trong cuộc chiến 75, trong suốt hơn 40 năm độc quyền lãnh đạo, đã liên tục áp dụng những chính sách bất bình đẳng đối với dân chúng miền Nam. Trong một thời gian (rất) dài, trẻ em sinh trưởng ở miền Nam bị hạn chế trong việc học. Chính sách "tờ khai lý lịch" là rào cản khiến những đứa trẻ xuất thân từ thành phần "ngụy" không thể bước chân qua ngưỡng cửa đại học. Đồng bằng sông Cửu Long được mệnh danh "vùng trũng giáo dục". Nhà thương, trường học, đường sá, cầu cống, điện nước… tức cơ sở hạ tầng cần thiết để miền Nam phát triển, không được nhà nước quan tâm. Dầu khí khai thác (các mỏ ở miền Nam) tính sơ cũng phải cả chục ngàn tỉ đô la mà ở miền Nam không có cây số nào đường xa lộ. Chỉ một đoạn đường được xây dựng chắp vá ngắn đi tắt qua Cai Lậy thì đặt trạm thâu tiền. Sản lượng miền Nam về lúa gạo đứng đầu thế giới nhưng nông dân Việt Nam vẫn là những người vô sản chân chính (vì đất đai do nhà nước quản lý), nghèo cùng cực đến đỗi không đủ gạo mà ăn. Bao nhiêu của cải làm ra đều đưa về miền Bắc. Một thí dụ mỗi năm Sài gòn phải "tiếp máu" cho Hà Nội (tức trung ương) 82% của cải làm ra, chỉ được giữ lại 18% cho phát triển thành phố.

Về mặt lãnh đạo quốc gia, luật "bất thành văn" (của ông Trọng đặt ra), chỉ có "Bắc kỳ biết lý luận" mới được làm tổng bí thư. Luật này đã có từ lâu nhưng ông Trọng là người biểu lộ đầu tiên. Tức là, dưới một cái nhìn thực tế, miền Nam đang bị miền Bắc đô hộ. Điều tệ hại là sự "đô hộ" của miền Bắc còn khắc khe nhiều lần hơn thời Pháp thuộc.

Đứng trước những mâu thuẩn trầm trọng về nội bộ, gây ra do "bên thắng cuộc" Bắc kỳ, giải pháp nào để Việt Nam không bị tụt hậu do lãnh đạo vừa tham nhũng vừa bất tài, không bị phân liệt vì nạn kỳ thị vùng miền ?

Rừng đã hết và biển đã chết. Các mỏ dầu cũng cạn kiệt. Tài nguyên bây giờ chỉ còn mồ hôi, sức lao động của con người. Mà giá trị kinh tế của con người Việt Nam chỉ ngang hàng với "lao động thô sơ", vì con người Việt Nam không được giáo dục đến nơi đến chốn các kỹ năng về trí tuệ.

Theo tôi, trí thức Việt Nam cần phải can đảm nhìn vào sự thật để thấy Việt Nam đang bị đe dọa vừa tụt hậu, vừa phân liệt.

Vì vậy giải pháp phân chia Việt Nam thành hai miền Nam và Bắc, hai miền hai chế độ. Quốc gia Việt Nam trở thành Cộng hòa liên bang Việt Nam với hai tiểu bang Nam Việt và Bắc Việt.

Điều này hoàn toàn phù hợp với công pháp quốc tế, vì nó đặt nền tảng trên các hiệp định khai sinh quốc gia Việt Nam, đó là hiệp định Genève 1954 và Hiệp định Paris 1973.

Hai hiệp định khẳng định Việt Nam là một quốc gia "độc lập, có chủ quyền, lãnh thổ bất khả phân, thống nhứt ba miền bắc, trung, nam". Hiệp định Paris 1973 qui định mỗi miền có "quyền lựa chọn chế độ chính trị thích hợp" (tức quyền dân tộc tự quyết).

Quốc gia liên bang (như Mỹ, Đức…) là "quốc gia độc lập có chủ quyền, thống nhứt các miền". Một quốc gia hai chế độ cũng là việc thường thấy, như TQ với lục địa và Đài loan, Hồng Kông...

Điều này được thực hiện thì vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ được "đơn giản" hóa. Hoàng Sa và Trường Sa thuộc VN, trước 75 do miền Nam (VNCH) quản lý, có đầy đủ bằng chứng chủ quyền, lịch sử và pháp lý, thì bây giờ tiếp tục do "tiểu bang Nam Việt quản lý", với những bằng chứng pháp lý và lịch sử có giá trị không thay đổi. Công hàm 1958 của Phạm văn Đồng cùng những bằng chứng pháp ý và lịch sử khác, khẳng định HS và TS thuộc TQ, tự động sẽ vô hiệu hóa.

Điều này được thực hiện, dân chúng hai miền tranh đua với nhau để phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, tổ chức xã hội v.v… Miển Bắc, nếu thích, cứ tiếp tục xây dựng xã hội chủ nghĩa theo mô hình Mác Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. cũng như tiếp tục xây dựng "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa". Miền Nam thì đơn giản, chỉ cần xây dựng "quốc gia dân chủ pháp trị" và kinh tế tự do theo qui luật kinh tế thị trường.

Lãnh đạo miền nào sẽ do dân miền đó bầu lên. Tổng thống (hay chủ tịch) liên bang sẽ luân phiên, theo nhiệm kỳ định trước.

Điều này xảy ra, có lợi là toàn dân VN. Tất cả các "vấn nạn khó khăn" đều được đơn giản hóa. Phía bất lợi là đảng CSVN.

Các vụ kỳ thị vùng miền, chia để trị, gây mâu thuẩn để dễ cai trị… xưa nay là thủ thuật của đảng CSVN. Ông Trọng khi nói "Tổng bí thư phải do Bắc kỳ biết lý luận phụ trách" là có lý do. Vì vậy bất cứ đề nghị nào, cho dầu có hay cách mấy, làm lợi cho đất nước, cho dân tộc cách mấy, nếu nó có hại cho đảng thì đề nghị này trở thành "phản động". Ý kiến này rồi cũng sẽ vậy.

(Ý kiến này là "nho còn xanh", lẽ ra không nên nói trong lúc này. Nhưng vì thấy nhiều chính trị gia tâm thần tự phong tổng thống, có tham vọng phục hoạt VNCH, hoặc những người vĩ cuồng, người dốt nhưng nhiều tham vọng chính trị... E rằng dân mình trên facebook nhiều người bị mắc bẫy. Bất đắc dĩ phải đưa ra như một "đề nghị").

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 27/10/2017

Published in Diễn đàn