Quốc gia giàu mạnh nhứt hành tinh hiện nay là nước Hoa Kỳ, một quốc gia theo mô hình "quốc gia liên bang". Quốc gia cộng sản (trước khi sụp đổ) hùng mạnh nhứt là Liên Xô, cũng là một quốc gia áp dụng mô hình liên bang. Kế thừa Liên Xô, Nga hiện nay cũng là một quốc gia liên bang. Đức là quốc gia có nền kinh tế mạnh nhứt Châu Âu, cũng theo mô hình liên bang. Nếu kể ra các nước giàu mạnh, có vị thế, có uy tín trước quốc tế, như Canada, Úc, Thụy Sĩ, Ấn Độ… các quốc gia này đều theo mô hình liên bang.
Bản đồ Việt Nam với 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh trong đó có 5 thành phố trực thuộc trung ương - Ảnh minh họa
Khối ASEAN, loại trừ Singapore, quốc gia có GDP đầu người cao nhứt khối là Mã Lai, một quốc gia theo mô hình liên bang.
Mô hình quốc gia liên bang phải thế nào các quốc gia này mới phát triển "thần kỳ", xã hội ổn định hài hòa như vậy.
Trong khi Việt Nam, một quốc gia có dư thừa các yếu tố để phát triển "thành rồng, thành cọp" thì lại lụn bại, xã hội bất ổn, dân tộc ngày càng chia rẽ kỳ thị vùng miền. Dĩ nhiên nhiều vấn đề của Việt Nam cần phải được đặt ra. Trong đó có vấn đề Việt Nam có nên theo mô hình "quốc gia liên bang" để "trỗi dậy" hay không ?
Báo chí đăng tin vùng Catalogne (Catalunya), một vùng trù phú của Tây Ban Nha, đóng góp 20% GDP cho cả nước, vừa tuyên bố "độc lập".
Hầu hết các quốc gia, các định chế quốc tế… đều lên tiếng phản đối, chống lại việc "ly khai" này. Dĩ nhiên, là một người Việt Nam có trách nhiệm, tôi cũng cực lực chống lại hành vi đơn phương tuyên bố độc lập của các "nghị viên" thuộc Nghị viện Catalogne. Tiếng nói của dân chúng Catalogne, thể hiện qua các lá phiếu của các nghị viên, không phải là tiếng nói của một "dân tộc", ngay cả ở vùng Catalogne.
Bởi vì không hề có cái gọi là "dân tộc Catalogne" để vịn vào đó đòi quyền "dân tộc tự quyết". Catalogne là một phần bất khả phân của lãnh thổ Tây Ban Nha. "Dân tộc" Catalogne là một phần của "quốc dân" Tây Ban Nha. Chỉ có một cuộc trưng cầu dân ý "toàn quốc" Tây Ban Nha, mỗi công dân Tây Ban Nha đều biểu lộ ý kiến, thì kết quả trưng cầu dân ý mới có giá trị pháp lý.
Theo tôi, hiện tượng nhiều người Việt Nam có tham vọng chính trị (như ông luật sư Vũ Đức Khanh) mừng rỡ và ủng hộ Catalogne độc lập là một dấu hiệu "bất thường". Những người này sẽ không còn lý do nào để phản biện, hay chống lại, một chủ trương "phục họat quốc gia Việt Nam Cộng Hòa", hay các chủ trương ly khai (Khmer Krom ở miền Nam, nhà nước Đề ga ở miền Trung…).
Tương tự trường hợp Tây Ban Nha, ta cũng thấy mô hình "các vùng tự trị" ở Trung Quốc (gồm các vùng Quảng Tây, Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông) cũng bị đe dọa "ly khai", đòi độc lập. Ngay cả ở Ý, vùng lãnh thổ phía Bắc cũng muốn tách ra đòi "độc lập".
Câu hỏi đặt ra, tại sao mô hình quốc gia liên bang lại không có nơi nào các tiểu bang đòi độc lập như ở các quốc gia "bình thường" ?
Trường hợp tiêu biểu cần nghiên cứu là mô hình của Canada với vùng Québec. Khuynh hướng ly khai ở Québec luôn gây "nhức đầu" cho chính phủ liên bang. Cũng như trường hợp Venezuela, một quốc gia liên bang trên đà "tê liệt", không phải vì các khuynh hướng đòi ly khai, mà vì sự phá sản của đường lối "xã hội chủ nghĩa".
Lịch sử cho thấy, khi xã hội chủ nghĩa sụp đổ, các quốc gia thuộc khối này đều có nguy cơ "phân liệt". Hai miền Tiệp và Khắc "li dị" với nhau trong hòa bình, trở thành hai quốc gia độc lập. Các nước Baltique và Trung Á cũng đã "li dị" khỏi Liên Xô trong hòa bình.
Nhưng trường hợp khủng hoảng ở Venezuela là cái gương để Việt Nam soi vào.
Vì vậy mô hình quốc gia liên bang có thể là mô hình "lý tưởng" cho một số trường hợp. Trong đó có Việt Nam.
Quốc gia "bị phân hóa" như Việt Nam, một mặt do ngoại bang (Trung Quốc), mặt khác do chính sách kỳ thị của đảng cộng sản Việt Nam, cùng với việc dành quyền lực không chính đáng… làm cho xã hội Việt Nam phân tán. Hệ quả sẽ đưa Việt Nam đến bờ vực phân liệt. Mặt khác, như đã nói hôm qua, mô hình "quốc gia liên bang" có thể giúp Việt Nam "đơn giản hóa" về mặt pháp lý trong vấn đề tranh chấp biển, đảo với Trung Quốc.
Điều lo ngại là Trung Quốc cũng áp dụng mô hình "liên bang". Tỉnh Hải Nam, bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sẽ trở thành một "quốc gia quần đảo". Hệ quả là Luật Quốc tế nhìn nhận "vùng nước quần đảo", Trung Quốc sẽ "chính thức" chiếm trọn Biển Đông.