Dân mạng Việt Nam vui sướng kháo nhau rùm trời như thế, cho sự việc Bộ Chính trị kỷ luật ông Vương Đình Huệ nguyên Chủ tịch Quốc hội, và treo kỷ luật ông Võ Văn Thưởng, nguyên Chủ tịch nước.
Lễ quốc tang Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 26/7/2024
Bỗng dưng thôi chức
Quốc tang thì ai cũng biết đại khái rồi, đó là nghi thức tang lễ cao nhất dành cho những người quyền cao chức trọng nhất của một thể chế. Khi có quốc tang, cả nước phải treo cờ rủ, dừng toàn bộ hoạt động giải trí, báo chí đưa tin, truyền hình trực tiếp lễ quốc tang. Ban tổ chức lễ gồm toàn các vị lãnh đạo máu mặt nhất trong Đảng, chính quyền, Quốc hội…v.v. Tóm lại, quốc tang là những ngày cả nước (buộc phải) để tang cho một nhân vật lãnh đạo, bày tỏ nỗi đau lòng thương tiếc trên bình diện quốc gia.
Việt Nam quy định chỉ có tứ trụ và cán bộ cấp cao khác có quá trình đóng góp và công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có uy tín lớn trong nước và quốc tế-do Bộ Chính trị quyết định - thì khi chết mới được hưởng nghi thức quốc tang. Tứ trụ gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch quốc hội (đương nhiệm hoặc đã thôi giữ chức đều được). Còn cán bộ cấp cao khác… thì đã từng có ông Võ Nguyên Giáp.
Tháng 4 năm nay, Trung ương đảng "đồng ý cho Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội khóa 15, nhiệm kỳ 2021-2026, theo nguyện vọng của đồng chí Huệ".
Đang yên đang lành làm gì có lãnh đạo to nào ấm đầu đi xin cho thôi giữ chức vụ, nhất là các chức vụ đảm bảo chắc suất quốc tang sau khi về với cụ Các-Mác cụ Lê-nin.
Trong cả dòng họ có một người được hưởng quốc tang là kinh lắm, vinh dự lắm, là mả tổ bốc khói xanh chứ đùa. Trịnh trọng ghi vào gia phả, sau này con cháu ốm đem ra khấn vái khéo bệnh còn hết nhanh hơn đi Bạch Mai khám chuyên gia ấy chứ.
Thế cho nên phải có cái lý do đằng sau việc bỗng dưng xin thôi chức của bác Huệ, anh Thưởng (và các cô các bác khác nữa, từ từ mình bàn tiếp).
Lý do đó được Trung ương đảng đưa ra trong các thông cáo chính thức là do bác và anh "đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của đảng và pháp luật của Nhà nước (…) gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng, Nhà nước và cá nhân".
Nội cái lý do kể trên và kết quả cho thôi giữ chức theo nguyện vọng đã vả nhau đôm đốp.
Ơ hay tại sao vi phạm trầm trọng đến thế mà lại không xử lý theo pháp luật, lại nhẹ nhàng cho hạ cánh an toàn ?
Nếu thượng tôn pháp luật thật sự như Đảng vẫn luôn tô khẩu hiệu rất đậm nét, thì mọi vi phạm của các ông Huệ và Thưởng đều phải xem xét công khai và thông qua các quy trình luật định, như với mọi công dân khác. Họ đã vi phạm điều cấm nào của đảng viên, vi phạm ra sao, hậu quả như thế nào, từ lúc nào và tại sao, đã khắc phục chưa ?
Còn nếu họ chỉ vi phạm các quy định nội bộ của Đảng thì tại sao lại dẫn đến kết luận nghiêm trọng đến mức "gây dư luận xấu làm ảnh hưởng đến uy tín của (Đảng và) Nhà nước" ?
Nếu thượng tôn pháp luật thật sự thì phải cho những người bị kết tội cũng như cho các đảng viên khác và cho người dân nói chung-một phiên tòa công khai và công bằng, có công tố luận tội nhưng cũng có luật sư bảo vệ.
Thế cắt giảm quốc tang à ?
Tóm lại cái kết luận tháng Tư còn u u minh minh, mờ ảo lắm, không thuyết phục.
Có lẽ vì thế mà kết luận tháng Mười một sáng tỏ thêm một khúc : Kỷ luật hai ông Huệ và Thưởng do có liên quan đến chống tham nhũng, tiêu cực.
Ông Huệ bị cảnh cáo. Ông Thưởng thì treo đấy do đang trị bệnh (nhưng nếu trị bệnh xong mà nghe kết quả kỷ luật khéo ông Thưởng lại lăn ra bệnh nặng hơn, thì lại tốn công trị quá, nhỉ) !
Tức thị có nghĩa thì là… cảnh cáo. Cảnh cáo là bước đầu, bước đệm, bước thăm dò hay đã là bước cuối ? Chúng ta chưa biết. Nhưng nhìn hướng gió thì thấy cổng nhà bác Huệ, anh Thưởng không còn vững nữa, đã lung lay rồi. Không còn êm đẹp kiểu trong nhà bảo nhau tuy chú có làm sai nhưng giờ chú tự nguyện xin thôi chức đi thì chúng mình vẫn là anh em như trước nữa. Dân lắm mồm Việt Nam đồn thổi phen này thì chết, cách hết, cách tuốt. Tuột luôn cả cái chức nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch nước.
Thế nghĩa là lúc chết thì cũng không được quốc tang, nghĩa là cắt giảm quốc tang đấy.
Việt Nam là đất nước nghệ thuật. Thường xuyên có rất nhiều kịch hay, bất ngờ đến phút chót. Nên cái sự cắt giảm quốc tang này có thật không, chỉ cắt hai vị hay là còn cắt tiếp thì chúng mình cứ ngồi bình tĩnh uống nước chè cắn hướng dương chờ xem. Nhưng có cái sự này thì phải nói luôn.
Ấy là, tâm lý sùng kính lãnh tụ ở Việt Nam (chết chửa) đã suy giảm rất nhiều so với trước.
Trên thế giới có lẽ chỉ có Việt Nam và Bắc Triều Tiên là được nhồi sọ tâm lý sùng kính lãnh đạo như cha, như ông, như tổ. Dân Bắc Triều đấm ngực khóc tập thể nức nở từng cơn khi lãnh tụ Kim Nhật Thành chết. Dân Việt Nam cũng thế.
Thơ ca :
Tháp Mười đẹp nhứt hoa sen
Việt Nam đẹp nhứt có tên Bác Hồ
(Bảo Định Giang)
Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha
(Tố Hữu)
Bác ơi nhớ mấy cho cùng
Ngoài xa Bác có thấu lòng cháu không.
Đêm đêm cháu những bâng khuâng
Giở xem ảnh Bác cất thầm bấy lâu
Nhìn mắt sáng, nhìn chòm râu
Nhìn vầng trán rộng, nhìn đầu bạc phơ
Càng nhìn càng lại ngẩn ngơ
Ôm hôn ảnh Bác mà ngờ Bác hôn
(Cháu nhớ Bác Hồ, tác giả Thanh Hải, 1956)
Có ai se sẽ ngồi xuống đầu giường
Đưa bàn tay mát như kem sữa
Xoa lên trán em đang dịu lửa
Vuốt lên mắt em đang bớt mờ
A, Bác Hồ !
Bác Hồ ta đó !
Bác mặc tấm áo ka ki
Bàng bạc sương rừng Pắc Bó
Trán Bác có ngôi saoThảo nào Bác đi đêm không lạc Bác ơi, Bác !
(Trần Đăng Khoa, 1969)
Bác Hồ là vị Cha chung
Là sao Bắc Đẩu, là vầng Thái dương
(Không tìm thấy tác giả)
Hồ Chí Minh - Người là con sông lớn
Người là mặt trời, Người là mặt trăng.
Mùa lạnh nhắc tên Hồ Chí Minh : Cái bụng ấm,
Mùa nắng nhắc tên Hồ Chí Minh : Mây thêu mặt trời hồng,
Mùa Thu nhắc tên Hồ Chí Minh : Mây lắng trời trong,
Mùa Xuân nhắc tên Hồ Chí Minh : Cây cỏ đâm nhựa trổ bông.
Đồng bào Ê đê, Gia lai, Ba na cũng thường hát :
Lên rừng nhắc tên Hồ Chí Minh
quên cả chân chồn, leo dốc nhanh
Xuống đồng nhắc tên Hồ Chí Minh
cấy lúa suốt ngày không thấy mệt.
Bữa ăn nhắc tên Hồ Chí Minh
đôi đũa và cơm như và ngọc
Nằm ngủ nhắc tên Hồ Chí Minh
trời tan bóng tối, ấm năm canh.
(Không tìm thấy tác giả)
vân vân…
Việt Nam có cả một đại dương thơ ca nhạc họa kịch phim múa… về chủ đề ca ngợi lãnh tụ. Cho đến nay những tượng đồng bia đá khổng lồ mang chân dung các lãnh tụ Đảng cộng sản Việt Nam vẫn thường xuyên được các địa phương xây dựng, để tỏ lòng biết ơn.
Cũng chỉ mới rợi đây thôi, công an còn phạt khá nhiều YouTuber, TikToker có nhiều người follow về cái tội lỡ miệng châm chọc lãnh đạo trên sóng livestream.
Từ gần cả trăm năm trước, tuy ngoài mặt những người cộng sản Việt Nam hô to đả phá phong kiến, hạ bệ vua chúa, nhưng bên trong, hệ tư tưởng đó không hề mất đi. Nó chỉ thay đổi danh xưng : họ vẫn tôn sùng lãnh tụ, nghe lời lãnh đạo y như nó đã được cấy vào máu, theo dòng sữa mẹ chảy vào thân thể. Rồi trên ghế nhà trường, tại nơi làm việc, nó được tiếp tục nhồi nhét vào sọ người ta như cách đúc một khối xi măng. Nó choán toàn bộ bộ não, phủ nhận tất cả những nghi ngờ thắc mắc, dần dần khiến những con người sống trong xã hội Việt Nam hình thành một phản xạ mặc định đã là lãnh đạo thì tất nhiên tài giỏi ; đã là lãnh tụ thì tất nhiên yêu nước thương dân đến hy sinh quên mình, sáng suốt tài ba cả thế giới phải nghiêng mình kính phục.
Trong văn viết chính thống, các lãnh tụ được trang trọng dành riêng một đại từ nhân xưng đặc biệt : chữ Người, viết hoa. Nó mang nghĩa cá nhân đó hội tụ toàn bộ những gì đẹp đẽ, trí tuệ nhất, là tinh hoa của loài người. Còn những "người" khác thì không phải người, có lẽ thế !
Trong gia đình các ông bà cách mạng lão thành và chưa lão thành, việc treo ảnh Hồ Chí Minh lên trên cả ảnh ông bà tổ tiên cũng không phải hiếm gặp. Trước đây nhiều địa phương đã trừ tiền đảng viên để mua ảnh "Bác Hồ" về treo trên bàn thờ.
Người dân thì trong bất cứ hành vi tương tác nào với chính quyền, với "quý cơ quan đoàn thể" cũng đều bắt đầu bằng Kính thưa, Kính xin.
Từ tâm lý kẻ dưới khúm núm luôn luôn biết ơn lãnh đạo, lãnh tụ đến như vậy, mà giờ đã dám đem cả các lãnh đạo cao nhất nước ra trào lộng kiểu "chiến dịch cắt giảm quốc tang".
Tâm lý tôn sùng, thánh hóa lãnh tụ đã suy giảm đến mức có lẽ nó sẽ tan biến cùng với sự ra đi của những người đã quá già hoặc quá hạn hẹp trong nhận thức.
Đó là một bước tiến vĩ đại trong nhận thức của người Việt Nam.
Là kết quả của cả một quá trình dài dằng dặc "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong nhận thức của không ít người Việt Nam hiện tại. Nó là kết quả của những đôi mắt giờ đã nhìn ra khắp thế giới, những đôi chân đã bước khắp hoàn cầu, để từ đó bộ não hình thành nhận thức và ý thức độc lập của mình chứ không phụ thuộc vào những tài liệu, nghị quyết được chép ra nhằm mục đích tuyên truyền cho những ý đồ nào đó. Đó, là "tự quan sát, tự suy nghĩ, tự định hướng".
Giống như một chấm màu nho nhỏ gần như không nhìn thấy trên cánh đồng tuyết vào cuối mùa đông.
Như tiếng leng keng thánh thót từ rất xa vẳng tới của chiếc chuông trên cổ chú tuần lộc Rudolph.
Như một dòng nước cực kỳ mỏng manh nhưng suốt ngày đêm dâng lên không ngừng.
Một ngày không xa, nó sẽ phá tung những rào chắn cuối cùng của sự kìm hãm, độc tài, nhồi sọ, "lề phải", để nở bung ngập tràn những đóa hoa, vang lộng bầu trời và tuôn chảy dòng thác dạt dào của trí tuệ và tâm hồn tự do vĩnh viễn.
Nguyễn Nhơn
Nguồn : RFA, 30/11/2024
Tham khảo :
- https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/hinh-tuong-dang-va-lanh-tu-trong-tho-ca-547850.html
- https://dangcongsan.org.vn/thanhuydanang/lists/xaydungdang/view_detail.aspx?itemid=383
Lễ Quốc Tang của Chủ tịch nước Trần Đại Quang dù được tổ chức trọng thể tại cả ba nơi Sài Gòn, Hà Nội, Ninh Bình ; và mặc dù nghĩa trang của ông rất lớn, nó chiếm một diện tích lên đến gần 30.000 m2, chúng ta vẫn thấy sự ra đi của ông rất mờ nhạt. Cái chết của một chủ tịch nước đương nhiệm mà lại không hề có chút gì ảnh hưởng đến 90 triệu dân của ông, sự ra đi đó không lay động chút gì trong lòng họ khiến tôi chạnh nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn vẫn kể cho con trai nghe ngày cháu còn bé. Chuyện "Con muỗi và con bò mộng".
Học sinh chui túi nylon vượt sông đi học ở Điện Biên. (Hình : VOV)
Câu chuyện như sau xin kể hầu bạn đọc :
Một con muỗi vẫn thường bay vo ve trên cánh đồng cỏ rồi đậu lại nghỉ ngơi trên đỉnh sừng một con bò mộng. Một ngày, muỗi quyết định dời đi nơi khác. Nó gọi bò mộng và chia sẻ về quyết định này. Chẳng ngờ, bò mộng thản nhiên trả lời : "Ồ ! Chẳng sao cả. Tôi thậm chí còn không biết rằng anh đã ở đó".
Sự ra đi của ông Trần Đại Quang có cái gì giông giống như thế, chẳng ai buồn tiếc nuối !
Chuyện "Con muỗi và con bò mộng".
Giá trước khi mất, thay vì cúng chùa Vĩnh Nghiêm cặp đèn trị giá 19 tỷ, ông dùng số tiền ấy xây cầu cho các em học sinh ở Mường Chà đi học, có lẽ còn có người tiếc nhớ đến ông.
Người Việt Nam bản tính vốn bao dung, xem "nghĩa tử là nghĩa tận". Thế mà ngày nay người ta lại hỉ hả vui mừng trước cái chết của các lãnh đạo cộng sản, từ vụ thanh toán lẫn nhau của ba cán bộ lãnh đạo Yên Bái cho đến cái chết đột ngột của ông Trần Đại Quang ! Có nghe những chia sẻ bức xúc của một số bạn trẻ mới hiểu vì sao lại có câu vè truyền miệng về Quốc tang của ông. Người ta bảo "hùm chết để da, người ta chết để tiếng" ; cái chết của lãnh đạo cộng sản đã tặng thêm một câu vè cho kho tàng dân gian Việt Nam :
Dân ta bản tính ngang tàng
Không mừng quốc khánh lại mừng quốc tang.
Với cái đà gia tăng trấn áp các nhà hoạt động, bỏ tù vô lối nhiều năm những người dân hiền lương. Giới lãnh đạo cộng sản nếu không ý thức được sự căm ghét đến tận cùng của dân chúng đối với họ thì sự sụp đổ tất yếu của chế độ này có thể sẽ không diễn ra yên thắm như khối cộng sản ở Đông Âu. Biết đâu nó lại rơi vào trường hợp đáng tiếc của Romania, nơi mà lãnh tụ Ceausescu cuối cùng bị lật đổ và giết chết.
Nhưng hãy trở lại với sự hiện hữu của con muỗi. Nếu đem sức vóc con muỗi mà so với con bò mộng thì con muỗi chẳng là gì cả. Nếu so tiềm lực về quân sự giữa Việt Nam với Trung Quốc, Việt Nam với Hoa Kỳ thì chúng ta đúng là một con muỗi. Nhưng nếu đem lịch sử dựng nước của dân tộc ta so với các dân tộc khác trên thế giới thì hình vóc chúng ta khác hẳn. Ta từng đánh bại đội quân hùng mạnh của Hốt Tất Liệt (không phải một mà đến ba lần) kẻ đã chiếm lĩnh Trung Quốc và từng làm cỏ một nửa thế giới.
Nhà sử học người Pháp Alain Rusco, chuyên gia nghiên cứu về lịch sử Đông Dương cũng viết rằng chiến thắng 30/4/1975 của quân đội Bắc Việt đã "gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế về một dân tộc không chịu khuất phục trước quân thù" (sic) ; và rằng đây là một cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của người dân Việt Nam.
Thế nhưng, không quá lâu sau cái ngày gọi là "vinh quang" ấy, dân tộc Việt Nam tuột dốc một cách thảm hại. Nay trước mắt thế giới, chúng ta chỉ còn lại một gương mặt nhem nhuốc, yếu kém một cách lạ lùng !
Thế thì đi đâu mất rồi tinh thần và những con người ái quốc ?
Tôi tin là không hiếm những đảng viên cộng sản đã hối tiếc, đớn đau vì đã dự phần vào chiến thắng dẫn đến sự tàn lụi và thảm họa cho cả hàng bao nhiêu thế hệ sau này. Nhưng họ ở đâu ? Họ đã không còn có mặt cho đất nước hay cho chính những giá trị mà họ tin vào. Sự hiện hữu của mỗi con người chỉ đáng kể khi chúng ta có mặt ít nhất là cho phẩm giá của chính mình. Nếu không, sự tồn tại ấy không có ý nghĩa và nó có nguy cơ bị bóp chết dưới chế độ độc tài.
Như trường hợp của tù nhân lương tâm Trần Thị Thúy, một phụ nữ bị cướp đất, trở thành dân oan rồi trở thành nhà hoạt động dân quyền. Như bao nhiêu dân oan khác, chị Thúy có đủ các yếu tố để dễ dàng bị hủy diệt bởi bạo lực. Chị nghèo, cô thế, thiếu kiến thức về luật pháp… chị chỉ có một niềm tin duy nhất : làm điều đúng và đấu tranh chống lại những kẻ đã cướp đất. Dù bị cán bộ trại giam đánh đập tàn nhẫn, ngược đãi, bỏ đói… Sống với niềm tin đó chị cương quyết không nhận tội.
Để bóp chết ý chí sắt đá của chị, Phó công an tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Thành Long đã đe dọa rằng sẽ cho y tá chích thuốc cho chết nếu chị tiếp tục phản kháng. Bị tù suốt 8 năm, thì hết 7 năm dài người phụ nữ này đã không hề được gặp mặt gia đình. Sống mỗi ngày với nỗi ám ảnh của cái chết chị vẫn không khuất phục. Nghe giọng nói miền Nam chơn chất của chị "tui thà chết ‘dzinh’ hơn sống nhục" mà phải thầm cảm phục sự bất khuất của người phụ nữ này. Chị mộc mạc đơn sơ nhưng vững chắc như cây Mắm, cây Bần giữ đất ven bờ phù sa quê hương của chị.
Nghe giọng nói miền Nam chơn chất của chị "tui thà chết ‘dzinh’ hơn sống nhục" mà phải thầm cảm phục sự bất khuất của người phụ nữ này.
Năm 2017 tổ chức Ân Xá Quốc Tế đã báo động về tình trạng ngược đãi tù nhân xuyên qua trường hợp tù nhân lương tâm Trần Thị Thúy. Sự kiên cường của người phụ nữ này đã khiến từ một dân oan vô danh, chị đã có thể cảnh báo thế giới về tình trạng nhân quyền tồi tệ mà đồng bào chị đang gánh chịu.
Tôi luôn tin tưởng vào sức mạnh của từng cá nhân và sự lan tỏa của nó. Khi chúng ta có một Luật sư Phạm Công Út tự nhận mình là "hiệp sĩ", giới luật sư sẽ có thêm nhiều hiệp sĩ khác. Khi chúng ta có 15 Đại biểu quốc hội không tán thành bấm nút thông qua Luật Đặc Khu, tương lai con số 15 này sẽ nở lớn. Tôi còn nhớ cái không khí tưng bừng của một biển người cùng xuống đường ăn mừng U23 bóng đá Việt Nam chiến thắng U23 Qatar. Nếu cái đám đông hỗ trợ U23 đó, một hôm bỗng bá vai nhau hô lớn "chúng ta phải làm sạch môi trường" thì tự khắc sáng hôm sau đường phố sẽ sạch rác và khi cầm miếng ăn lên chúng ta sẽ không còn lo ngại bị nhiễm độc.
Nhân nhắc đến chị Trần Thị Thúy tôi lại nhớ đến hàng bần ven bờ con sông Bến Tre ; chẳng biết vì sao sông nước miền Nam lại nhiều bần như vậy. Người ta còn kể lại rằng đêm 5/7 năm Đinh Mão 1867, khi cụ Phan Thanh Giản tuẫn tiết theo thành, những hàng bần ở vùng ngã ba sông Vàm Cỏ và sông Tra đã đồng loạt quỳ xuống chịu tang người trung liệt. Từ đó, dân gian ở đây gọi ngã ba này là Ngã ba Bần Quỳ.
Thiết nghĩ những cây bần ven sông kia còn có thể gợi niềm rung cảm về sự trung hiếu của con người, thì không có gì là không thể đóng góp được cho quê hương và tha nhân về sự có mặt của chúng ta trên cuộc đời này.
Nguyệt Quỳnh
Nguồn : VNTB, 12/10/2018
Chiều thứ Năm ngày 26 tháng 9 năm 2018, ông Đại tướng Trần Đại Quang đã về với đất mẹ ở Ninh Bình, nơi ông sinh ra và lớn lên, kết thúc hai ngày Quốc tang ở Việt Nam dành cho chủ tịch nước. Vậy nhưng có một quốc tang khác đang treo cờ rũ hàng ngày trước mỗi gia đình Việt Nam lúc này : quốc tang cho tính người, cho tình làng nghĩa xóm, cho sự gắn kết trong gia đình của mỗi thành viên.
Có một quốc tang khác đang treo cờ rũ hàng ngày trước mỗi gia đình Việt Nam lúc này : quốc tang cho tính người
Những vụ việc như hiếp dâm chị dâu không được, một thanh niên ở Cao Bằng đã dùng dao chém chết ông nội mình, người đứng ra can ngăn và cháu mình, sau đó treo cổ tự tử… đến mâu thuẫn trên bàn nhậu, một người đàn ông dùng dao đâm chết hai người hoặc xin ngủ lại qua đêm, một người đàn ông đâm chết ân nhân của mình để cướp tiền hay mâu thuẫn trong việc ly hôn, chồng cầm dao đâm vợ ngay trước sân tòa, cha cắt cổ con gái vì nài nỉ đi tập múa trung thu… Và gần đây là mâu thuẫn trong gia đình, một người đàn ông ở Thái Nguyên nửa đêm cầm dao sang nhà anh em, hàng xóm đâm chết 3 người và làm bị thương 4 người khác… không ít chuyện lên báo và làm nhiều người suy nghĩ miên man suốt ngày khi đọc tin vào sáng sớm, cũng không ít sự việc người ta chỉ truyền tai nhau ở quán cà phê vì là chuyện trong nhà, ngoài ngõ… nhưng đa phần người ta thường truyền cái tin xấu, cái sự việc xấu đi xa, cơ bản do đâu ?
Với những người tỉnh thức, người ta buồn trước một xã hội dần mất hết tính người và cảm thấy đau đầu cho tương lai đất nước. Nhưng ở đây tôi chỉ xin bàn đến đại đa số bộ phận dân chúng hiện tại, những người muốn đem cái xấu đi bêu riếu, đàm tiếu, phê phán… cơ bản là để che bớt cái xấu của mình.
Với gần 100 triệu dân, cứ trung bình một gia đình có khoảng 4 người thì hiện tại Việt Nam có khoảng 25 triệu gia đình, tức 25 triệu tế bào của xã hội. Trên một cơ thể hình chữ S được ví như người trẻ mắc phải chứng bệnh già cỗi khi tài nguyên, nguyên khí quốc gia hầu như không còn, thì những tế bào (gia đình) gốc rễ của đất nước là cứu cánh mà xã hội đang cần, thế nhưng không ? Gia đình ở Việt Nam hiện tại có thể nói không ngoa là không mấy gia đình hạnh phúc và cũng là những tế bào đang dần hoại thư.
Người ta rời bóng tối kinh tế tập thể, đi vào thời kỳ kinh tế thị trường từ những hũ vàng nhặt được lúc người khác chạy, cướp được của người khác khi anh ở ban này ngành nọ, từ những hũ vàng tổ tiên để lại, cất giấu được hay từ những mối quan hệ, những chuyến lao động nước ngoài… chung quy lại anh có cái vốn, và khi anh không có vốn luân chuyển được thì anh tìm mọi cách tạo ra vốn liếng riêng của mình, từ việc vay mượn, bán trôn nuôi miệng, bán sức lao động… rốt cuộc là để có cuộc sống tốt hơn, tiện nghi hơn.
Nhưng cũng chính vì cái tốt hơn, tiện nghi hơn (nhưng lại không có căn bản văn hóa, nhân tính và được phô diễn trên một nền giáo dục tệ hại) này mà nhiều người dần mất đi tính người, người ta chỉ miễn sao thu vào càng nhiều tiền càng tốt, càng có nhiều nhà, nhiều đất, nhiều xe càng tốt, người ta ăn trên ngồi trốc khi có cơ hội và khi đã ngồi trên được họ thi nhau vơ vét, quan thì thi nhau vơ vét theo đường quan, lợi dụng chức quyền và tìm mọi cách để tiền tự tìm đến túi của mình, dân thì vơ theo kiểu dân, ép sức lao động của người khác rồi lại đến người khác hét công lao động cao lên khi công trình thì nhiều mà lao động trong ngành nghề ít, cũng do từ đầu người ta vốn không có tính người với nhau.
Trường hợp những người Bắc miền Trung băng đèo Hải Vân, vào Đà nẵng, Quảng Nam để xin ăn vào thập niên 1990 không phải là ít, thời đó, khi cái ăn cái mặc cái ở vẫn còn là nỗi lo canh cánh, nhưng người ta vẫn sẵn sàng chia cho nhau lon gạo, củ khoai, cái áo… Nhưng thời này lại khác, vẫn có những người do hoàn cảnh đẩy đưa đi xin, nhưng có không ít người nằm trong một đường dây đi xin chuyên nghiệp, một tập đoàn sáng xin chiều xế xịn, người ta không còn tự trọng khi chọn cách sống, cách hành xử… Đừng hỏi vì sao nhiều người thờ ơ trong nhiều trường hợp người khác cần mình, bởi họ đã bị quá nhiều cú lừa, quá nhiều cái tính người của họ phải đánh đổi bằng lương thực, tiền bạc và đôi khi là cả mạng sống một cách phi lý, vô nghĩa.
Tình làng nghĩa xóm cũng dần mất hẳn, người ta thi nhau treo băng rôn khẩu hiệu này nọ khi Tết đến xuân về, hội hè đình đám hát nhậu say sưa nhưng khi một nhà có việc, một ai đó kêu cứu, không ai dám sang, cơ bản là vì người ta thờ ơ, thôi thì việc của nhà họ, nhưng trên hết là người ta sợ, bởi cái tính người của họ không còn đủ mạnh để thôi thúc họ can thiệp vào chuyện người khác và họ cũng hiểu rằng hàng xóm cũng chưa hẳn có tính người mạnh hơn mình, dính chuyện người ta, nhiều khi mất mạng như chơi.
Ông bà ta bảo : "Bán anh em xa mua láng giềng gần". Nhưng thời nay gần như chẳng mấy ai dám tin vào điều đó, anh em xa cũng không giúp được gì bởi gần chắc hẳn đã giúp được nhau ?! Xóm làng thì từ nông thôn đến thành thị, ngoại trừ vùng cao sâu hẻo lảnh, thôi thì phần ai nấy biết, nhà ai nấy rào.
Anh em trong gia đình cũng không ngoại lệ, khi đất đai lên giá, từ cái miếng đất cha mẹ, ông bà khai hoang hoặc xin không mấy chục năm trước, người ta thi nhau phân lô, lên ủy quyền, tranh thừa kế thừa tự, đùn đẩy trách nhiệm, bổn phận với cha mẹ và tranh nhau xâu xé miếng đất lúc cần. Họ hàng trở nên xa cách, chẳng còn ai muốn nhận bà con bởi trong một lúc nào đó, cái sự tranh giành, cái thờ ơ, cái lắm chuyện đã dần đẩy họ ra xa.
Một xã hội nhố nhăng với đủ màu xanh đỏ nhà cửa, xe cộ, áo quần và đen thùi lùi những trái tim đang di chuyển trên đường, ngồi trong nhà, buôn chuyện ngoài xóm. Một xã hội với tính người mất dần từ bên trong và không ít gia đình đang dần dà tan vỡ vì cái cốt lõi gắn kết không còn, với tình làng nghĩa xóm không hơn một lá cờ rũ… Thử hỏi đó có phải một quốc tang ? ! Một quốc tang dai dẵng lịch sử !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 27/09/2018 (VietTuSaiGon's blog)