Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/09/2018

Thêm một cái quốc tang

Viết từ Sài Gòn

Chiều thứ Năm ngày 26 tháng 9 năm 2018, ông Đại tướng Trần Đại Quang đã về với đất mẹ ở Ninh Bình, nơi ông sinh ra và lớn lên, kết thúc hai ngày Quốc tang ở Việt Nam dành cho chủ tịch nước. Vậy nhưng có một quốc tang khác đang treo cờ rũ hàng ngày trước mỗi gia đình Việt Nam lúc này : quốc tang cho tính người, cho tình làng nghĩa xóm, cho sự gắn kết trong gia đình của mỗi thành viên.

tang1

Có một quốc tang khác đang treo cờ rũ hàng ngày trước mỗi gia đình Việt Nam lúc này : quốc tang cho tính người

Những vụ việc như hiếp dâm chị dâu không được, một thanh niên ở Cao Bằng đã dùng dao chém chết ông nội mình, người đứng ra can ngăn và cháu mình, sau đó treo cổ tự tử… đến mâu thuẫn trên bàn nhậu, một người đàn ông dùng dao đâm chết hai người hoặc xin ngủ lại qua đêm, một người đàn ông đâm chết ân nhân của mình để cướp tiền hay mâu thuẫn trong việc ly hôn, chồng cầm dao đâm vợ ngay trước sân tòa, cha cắt cổ con gái vì nài nỉ đi tập múa trung thu… Và gần đây là mâu thuẫn trong gia đình, một người đàn ông ở Thái Nguyên nửa đêm cầm dao sang nhà anh em, hàng xóm đâm chết 3 người và làm bị thương 4 người khác… không ít chuyện lên báo và làm nhiều người suy nghĩ miên man suốt ngày khi đọc tin vào sáng sớm, cũng không ít sự việc người ta chỉ truyền tai nhau ở quán cà phê vì là chuyện trong nhà, ngoài ngõ… nhưng đa phần người ta thường truyền cái tin xấu, cái sự việc xấu đi xa, cơ bản do đâu ?

Với những người tỉnh thức, người ta buồn trước một xã hội dần mất hết tính người và cảm thấy đau đầu cho tương lai đất nước. Nhưng ở đây tôi chỉ xin bàn đến đại đa số bộ phận dân chúng hiện tại, những người muốn đem cái xấu đi bêu riếu, đàm tiếu, phê phán… cơ bản là để che bớt cái xấu của mình.

Với gần 100 triệu dân, cứ trung bình một gia đình có khoảng 4 người thì hiện tại Việt Nam có khoảng 25 triệu gia đình, tức 25 triệu tế bào của xã hội. Trên một cơ thể hình chữ S được ví như người trẻ mắc phải chứng bệnh già cỗi khi tài nguyên, nguyên khí quốc gia hầu như không còn, thì những tế bào (gia đình) gốc rễ của đất nước là cứu cánh mà xã hội đang cần, thế nhưng không ? Gia đình ở Việt Nam hiện tại có thể nói không ngoa là không mấy gia đình hạnh phúc và cũng là những tế bào đang dần hoại thư.

Người ta rời bóng tối kinh tế tập thể, đi vào thời kỳ kinh tế thị trường từ những hũ vàng nhặt được lúc người khác chạy, cướp được của người khác khi anh ở ban này ngành nọ, từ những hũ vàng tổ tiên để lại, cất giấu được hay từ những mối quan hệ, những chuyến lao động nước ngoài… chung quy lại anh có cái vốn, và khi anh không có vốn luân chuyển được thì anh tìm mọi cách tạo ra vốn liếng riêng của mình, từ việc vay mượn, bán trôn nuôi miệng, bán sức lao động… rốt cuộc là để có cuộc sống tốt hơn, tiện nghi hơn.

Nhưng cũng chính vì cái tốt hơn, tiện nghi hơn (nhưng lại không có căn bản văn hóa, nhân tính và được phô diễn trên một nền giáo dục tệ hại) này mà nhiều người dần mất đi tính người, người ta chỉ miễn sao thu vào càng nhiều tiền càng tốt, càng có nhiều nhà, nhiều đất, nhiều xe càng tốt, người ta ăn trên ngồi trốc khi có cơ hội và khi đã ngồi trên được họ thi nhau vơ vét, quan thì thi nhau vơ vét theo đường quan, lợi dụng chức quyền và tìm mọi cách để tiền tự tìm đến túi của mình, dân thì vơ theo kiểu dân, ép sức lao động của người khác rồi lại đến người khác hét công lao động cao lên khi công trình thì nhiều mà lao động trong ngành nghề ít, cũng do từ đầu người ta vốn không có tính người với nhau.

Trường hợp những người Bắc miền Trung băng đèo Hải Vân, vào Đà nẵng, Quảng Nam để xin ăn vào thập niên 1990 không phải là ít, thời đó, khi cái ăn cái mặc cái ở vẫn còn là nỗi lo canh cánh, nhưng người ta vẫn sẵn sàng chia cho nhau lon gạo, củ khoai, cái áo… Nhưng thời này lại khác, vẫn có những người do hoàn cảnh đẩy đưa đi xin, nhưng có không ít người nằm trong một đường dây đi xin chuyên nghiệp, một tập đoàn sáng xin chiều xế xịn, người ta không còn tự trọng khi chọn cách sống, cách hành xử… Đừng hỏi vì sao nhiều người thờ ơ trong nhiều trường hợp người khác cần mình, bởi họ đã bị quá nhiều cú lừa, quá nhiều cái tính người của họ phải đánh đổi bằng lương thực, tiền bạc và đôi khi là cả mạng sống một cách phi lý, vô nghĩa.

Tình làng nghĩa xóm cũng dần mất hẳn, người ta thi nhau treo băng rôn khẩu hiệu này nọ khi Tết đến xuân về, hội hè đình đám hát nhậu say sưa nhưng khi một nhà có việc, một ai đó kêu cứu, không ai dám sang, cơ bản là vì người ta thờ ơ, thôi thì việc của nhà họ, nhưng trên hết là người ta sợ, bởi cái tính người của họ không còn đủ mạnh để thôi thúc họ can thiệp vào chuyện người khác và họ cũng hiểu rằng hàng xóm cũng chưa hẳn có tính người mạnh hơn mình, dính chuyện người ta, nhiều khi mất mạng như chơi.

Ông bà ta bảo : "Bán anh em xa mua láng giềng gần". Nhưng thời nay gần như chẳng mấy ai dám tin vào điều đó, anh em xa cũng không giúp được gì bởi gần chắc hẳn đã giúp được nhau ?! Xóm làng thì từ nông thôn đến thành thị, ngoại trừ vùng cao sâu hẻo lảnh, thôi thì phần ai nấy biết, nhà ai nấy rào.

Anh em trong gia đình cũng không ngoại lệ, khi đất đai lên giá, từ cái miếng đất cha mẹ, ông bà khai hoang hoặc xin không mấy chục năm trước, người ta thi nhau phân lô, lên ủy quyền, tranh thừa kế thừa tự, đùn đẩy trách nhiệm, bổn phận với cha mẹ và tranh nhau xâu xé miếng đất lúc cần. Họ hàng trở nên xa cách, chẳng còn ai muốn nhận bà con bởi trong một lúc nào đó, cái sự tranh giành, cái thờ ơ, cái lắm chuyện đã dần đẩy họ ra xa.

Một xã hội nhố nhăng với đủ màu xanh đỏ nhà cửa, xe cộ, áo quần và đen thùi lùi những trái tim đang di chuyển trên đường, ngồi trong nhà, buôn chuyện ngoài xóm. Một xã hội với tính người mất dần từ bên trong và không ít gia đình đang dần dà tan vỡ vì cái cốt lõi gắn kết không còn, với tình làng nghĩa xóm không hơn một lá cờ rũ… Thử hỏi đó có phải một quốc tang ? ! Một quốc tang dai dẵng lịch sử !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 27/09/2018 (VietTuSaiGon's blog)

Quay lại trang chủ
Read 721 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)