Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/09/2018

Có thật tăng giá xăng để bảo vệ môi trường và ngừa đổ thải xuống biển ?

Kính Hòa

Phí bảo vệ môi trường có thể sòng phẳng như lời Chủ tịch Quốc hội ? (RFA, 27/09/2018)

Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng tại Việt Nam sẽ tăng lên khung cao nhất từ ngày một tháng một năm 2019. Mức thuế mới này sẽ gây ảnh hưởng như thế nào ? Liệu tiền thu thuế có được chi hoàn toàn cho công tác bảo vệ môi trường ?

xang1

Một trạm đổ xăng ở Hà Nội (Ảnh minh họa). AFP

Mặc dù có nhiều ý kiến phản đối tăng thuế môi trường đánh vào xăng dầu trong năm qua ; tuy nhiên, vào ngày 20 tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường. Trong đó thuế môi trường đối với xăng từ ngày một tháng một năm 2019, sẽ được tăng kịch trần lên mức 4.000 đồng/lít, mức cũ là 3.000 đồng/lít.

Ngoài xăng, thuế môi trường đối với dầu diesel sẽ tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, dầu mazut và dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít, dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít và mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít.

Trước đây, thuế môi trường đối với xăng chỉ 1.000 đồng mỗi lít, cho đến ngày 1/5/2015 tăng lên 3.000 đồng/lít, kể từ ngày một tháng một năm 2019 là 4.000 đồng/lít và lộ trình dự kiến sau năm 2020 sẽ thu thuế môi trường 8.000 đồng trên mỗi lít xăng.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tăng thuế môi trường trong xăng sẽ không tác động đến chỉ số giá tiêu dùng năm 2018, đảm bảo mục tiêu kiềm giữ lạm phát dưới 4% trong năm nay.

Tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Bùi Trinh, xăng dầu là sản phẩm thiết yếu nên khi tăng giá xăng sẽ dẫn tới ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá sản xuất PPI, ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng CPI… và sẽ là một điều đáng lo ngại.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, quyết định tăng thuế môi trường lần này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, vì các chi phí sẽ đều tăng khi giá xăng tăng. Ông nói tiếp :

"Xăng là mặt hàng thiết yếu trong đời sống xã hội hiện nay, nếu mà tăng thuế môi trường tính vào xăng thì giá xăng tăng lên, mà giá xăng tăng lên thì giá tất cả mặt hàng tăng lên. Trong kinh tế học, có cái gọi là cân đối liên ngành, tức là giá đầu vào một sản phẩm tăng thì giá đầu ra của nó sẽ tăng. Và giá đầu ra của một sản phẩm tăng sẽ lại trở thành giá đầu vào của một sản phẩm khác. Thí dụ giá xăng dầu tăng thì giá sắt thép sẽ tăng, giá sắt thép tăng thì giá các mặt hành sử dụng sắt thép sẽ tăng, nhà cửa sẽ tăng. Từ đó nó sẽ dẫn đến tăng mặt bằng giá cả. Cái sự tăng giá đó sẽ thể hiện đầy đủ sau ba tháng kể từ khi áp dụng cái thuế này".

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh thuộc Học viện Tài chính Việt Nam lại cho rằng việc tăng thuế môi trường đối với xăng cũng là điều hợp lý :

"Nếu mà nói giá xăng của các nước trong khu vực, thì hiện nay giá xăng dầu của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực Châu Á. Mà nếu nói thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu thì Việt Nam vẫn ở dưới mức trung bình chung của thế giới. Vì thế việc chúng ta tăng thuế bảo vệ môi trường lên thì nó cũng bình thường thôi, chứ không có gì để chúng ta đáng nói cả".

Tuy nhiên, theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, không thể so sánh giá xăng với các nước xung quanh như Singapore, Thái Lan, Malaysia vì mức thu nhập của người dân của họ cao hơn ở Việt Nam. Theo bà so sánh chi phí xăng dầu Việt Nam rẻ hơn một chút mà lại quên đi các yếu tố là thu nhập của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khác là so sánh không sòng phẳng. Bà cho biết thêm ý kiến :

"Nếu chưa chứng minh được là sử dụng tốt thuế môi trường thì không có lý do gì mà thu thêm của người dân, bởi vì thu thêm mà vẫn như vậy thì không ai sẵn sàng đóng thuế cả".

xang2

Người dân chờ đổ xăng tại một trạm xăng ở Hà Nội. AFP photo

Trước những lo ngại về việc sử dụng tiền thu thuế môi trường như thế nào. Trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 20 tháng 9 năm 2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, tiền thuế bảo vệ môi trường phải chi cho bảo vệ môi trường, thì người dân mới thấy sòng phẳng, chứ không phải thu chỗ này chi cho chỗ khác.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính Việt Nam, khoản thu từ thuế bảo vệ môi trường không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, không quy định sử dụng cho các nhiệm vụ chi cụ thể, mà thực hiện nhiệm vụ chi theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cũng nhìn nhận rất khó tách bạch thu chi tiền thuế bảo vệ môi trường, vì tiền thuế bảo vệ môi trường khi thu vào thì đều nhập vô nguồn thu ngân sách nhà nước. Và hàng năm chính phủ lập ra kế hoạch chi tiêu ngân sách dựa vào tổng thu, chứ không tách riêng ra là thuế bảo vệ môi trường chỉ chi cho bảo vệ môi trường. Ông nói tiếp :

"Việc chi cho bảo vệ môi trường nó cũng được hiểu theo các nghĩa khác nhau, và thông thường thì các nhà kinh tế học hiểu theo cái nghĩa rộng nhất của từ bảo vệ môi trường. Trong đó nó có cả việc làm các đường giao thông, cầu cống, để từ đó giảm thiểu ách tắc giao thông thì từ đó nó cũng giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nghĩa rộng như thế thì cũng không thể tách bạch chuyện thu cho bảo vệ môi trường thì chi cho bảo vệ môi trường".

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh tình hình bội chi ngân sách hiện nay của Việt Nam khá căng thẳng, vì vậy cho nên Bộ Tài chính tìm các nguồn thu để trang trải cho các nguồn chi cũng là một điều dễ hiểu. Theo ông, quyết định tăng thuế môi trường với xăng dầu lần này sẽ giúp ngân sách có thêm khoảng 15.600 tỉ đồng. Ông cho rằng đây là khoản thu lớn cho ngân sách nhưng sẽ làm tăng chi phí vận tải, tăng giá thành tất cả sản phẩm dịch vụ trên thị trường Việt Nam, dẫn đến việc các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp ASEAN khác ngay tại quê nhà.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thì lại cho rằng nguồn thu ngân sách nhà nước bị thu hẹp vì thuế xuất nhập khẩu giảm, do Việt Nam ký nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương với các quốc gia và nhiều khu vực trên thế giới. Ông cho biết thêm :

"Thật sự mà nói nguồn thu ngân sách đang rất là khó khăn. Tuy nhiên nếu mà nói vì nguồn thu ngân sách mà tăng thuế bảo vệ môi trường thì cũng chưa hẳn đúng. Nếu từ 1/1/2019 Việt Nam tăng thêm 1.000 đồng phí môi trường cho mỗi lít xăng thì cả năm 2019 cũng chỉ thu thêm từ 15 đến 16 ngàn tỷ đồng, thì rõ ràng nó chưa là gì cả để nói rằng nó có thể bù thâm thủng ngân sách".

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, mức tăng thuế môi trường trong xăng lên 4.000 đồng mỗi lít là không hợp lý, chính phủ Việt Nam nên có nỗ lực cắt giảm chi phí, cân đối ngân sách, hơn là nỗ lực tăng thêm phí môi trường để bù cho các khoảng bội chi ngân sách.

Theo tin chúng tôi mới nhận được, tại phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá của Bộ công thương sáng ngày 28 tháng 9 năm 2018, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết nên dời ngày tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng. Theo ông Hải, thời điểm tăng thuế môi trường đối với xăng rơi vào tháng Chạp và tháng Giêng, sẽ tác động tới điều hành CPI cả năm 2019. Vì vậy, ông Hải kiến nghị nên tăng vào thời điểm khác thích hợp hơn.

Đây không phải lần đầu tiên Bộ Công Thương nêu lo ngại về thời điểm tăng thuế môi trường đối với xăng. Tại cuộc họp báo của Ban chỉ đạo giá hồi tháng 7, ông Đỗ Thắng Hải cũng đã nêu vấn đề này và đề nghị chưa tăng ngay thuế bảo vệ môi trường với xăng.

*********************

Tại sao doanh nghiệp và viên chức thích đổ thải xuống biển ? (RFA, 27/09/2018)

Liên tục trong thời gian hai năm qua, người ta chứng kiến nhiều lời đề nghị của các doanh nghiệp hoặc viên chức nhà nước đổ chất thải của các dự án công nghiệp xuống biển.

Tại sao ?

dothai1

Cuộc biểu tình lớn nhất vì môi trường tại Việt Nam qui tụ hàng ngàn người, phản đối Formosa. 1/5/2016. AFP

Việc xin phép đổ chất thải xuống biển gần đây nhất là vào ngày 11/9/2018, Tỉnh Quảng Ngãi xin phép chính phủ đổ hơn 15 triệu mét khối chất nạo vét cảng của công ty thép Hòa Phát Dung Quất xuống biển.

Trước đó, giữa tháng 8/2018, một trung tâm điện lực ở Tỉnh Quảng Bình, xin phép đổ 2,5 triệu mét khối bùn nạo vét cảng xuống vùng biển gần đảo Hòn La của tỉnh này.

Gây xôn xao dư luận hơn cả là vào tháng 6/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép nhà máy điện Vĩnh Tân dìm chất nạo vét cảng than của nhà máy này tại vùng biển gần khu bảo tồn sinh học Hòn Cau của tỉnh Bình Thuận. Việc này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhà khoa học cũng như dân chúng. Kế hoạch này sau đó phải bị bãi bỏ.

Điểm chung của cả ba trường hợp này là việc đổ chất thải xuống biển không có trong dự tính ban đầu của các dự án.

Nhận định về việc này, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói với RFA :

"Khi lúc đầu không tính đến chất thải, mà trong quá trình vận hành dự án, khai thác nó, (chất thải) xuất hiện, thì đó là điều mà tôi cho là tầm nhìn không dài hạn kể cả của chủ đầu tự dự án, lẫn hội đồng thẩm định, hay cơ quan nhà nước phê duyệt".

dothai2

Làng chài Bình Thuận. AFP

Một điểm chung nữa trong các đề nghị đổ chất thải xuống biển vừa qua là những người đề nghị, có khi là doanh ngiệp, có khi là viên chức nhà nước tại địa phương, cho rằng những chất thải đó, chỉ là bùn cát nạo vét nên không nguy hại đến môi trường.

Giáo sư Đặng Hùng Võ nói rằng trên thế giới cũng không thiếu những trường hợp người ta dùng những chất thải không độc hại để xây đảo nhân tạo, lấn biển.

Một sân bay lớn hàng đầu thế giới là Kansai ở Nhật Bản đã được xây trên một đảo nhân tạo làm bằng cát.

Ông Đặng Hùng Võ nói tiếp :

"Tôi cho rằng đây là một câu chuyện có thể dẫn đến rất nhiều điều lợi, nhưng cũng có thể dẫn tới nhiều điều tai hại nếu khảo sát không kỹ. Trong đó cái mà tôi cho rằng nguy hại nhất là có thể làm đảo lộn hệ sinh thái biển. Khi mà chúng ta đổ rất nhiều chất thải, kể cả chất thải không nguy hại, nhưng mà nó làm đảo lộn hệ sinh thái biển thì cũng là điều tai hại".

Khi dự án nhấn chìm bùn cát thải ở Bình Thuận được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận, nhiều người dân Bình Thuận đã phản đối. Một chủ trại nuôi tôm nói với chúng tôi rằng ông không đồng ý với nhà chức trách cho rằng bùn cát nạo vét là hoàn toàn vô hại :

"Mấy ảnh nói như vậy, chứ thực ra san hô nó nằm trước trên bề mặt rồi, bây giờ mình đổ xuống thì nó nằm chồng lên bề mặt của san hô, san hô thiếu ô xy thì nó chết. Khi san hô chết thì hệ thống lọc nước của mình không lọc qua san hô được, thì công việc của mình trở nên khó khăn. Hệ sinh thái tảo tự nhiên, vi sinh động vật, tự nhiên của biển không còn dưỡng chất nữa, cho nên rất khó".

Đây chính là việc đảo lộn hệ sinh thái mà Giáo sư Đặng Hùng Võ đã đề cập.

Ông Nguyễn Huy Vũ, một chuyên gia kinh tế hiện sống ở Na Uy đưa ra ba nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp, hay viên chức nhà nước Việt Nam liên tục đề nghị đồ chất thải nạo vét xuống biển trong hai năm vừa qua :

"Các quan chức Việt Nam không đánh giá cao vấn đề môi trường. Đó là một. Thứ hai là họ không hiểu biết đầy đủ về môi trường. Nhưng quan trọng hơn hết là họ bị mua chuộc bởi những doanh nghiệp muốn đổ chất thải ra biển, bởi vì nếu đem chất thải đó đi xử lý thì rất tốn kém, cho nên cách hay nhất đối với họ là đút lót tiền mua chuộc quan chức để đem đổ thải ra biển".

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đồng ý với nhận định cho rằng các doanh nghiệp do muốn tiết kiệm chi phí nên đã đề nghị đổ chất thải xuống biển :

"Việc không có chổ để mà xử lý và muốn tiết kiệm chi phí thì chắc người ta chọn phương án này, nhưng chắc phương án này cần phải được nghiên cứu và đánh giá cẩn trọng hơn nữa".

Về cáo buộc có sự móc ngoặc với nhau giữa doanh nghiệp và các viên chức nhà nước trong việc đổ chất thải xuống biển, Giáo sư Đặng Hùng Võ có nhận xét :

"Tôi cho rằng những cáo buộc đó là có căn cứ vì đáng nhẽ ra khi chuyên gia đã chứng minh cái đó không được đổ xuống biển là bởi vì ngay cả khi nó không nguy hại thì cũng làm đảo lộn hệ sinh thái biển, nhưng mà địa phương thì vẫn cứ cho".

Trong dự án dìm bùn thải tại Bình Thuận, khi tin tức được đưa ra một cách chính thức, nhiều nhà khoa học cũng như dân chúng đã lên tiếng phản đối với những lập luận vững chắc, nhưng phải một thời gian dài sau đó dự án này mới được ngưng lại.

Ông Đặng Hùng Võ gọi việc tiết kiệm tiền để không xử lý chất thải mà đổ xuống biển là một hành động tham nhũng môi trường.

Tuy có cáo buộc như vậy nhưng cho đến nay chỉ có một viên chức liên quan đến các đề nghị xả thải xuống biển bị kỷ luật, là ông Hà Quốc Quân, bị cách chức Giám đốc công ty tư vấn vụ đề nghị xả thải ở Bình Thuận, nhưng với tội danh không kê khai tài sản trung thực chứ không phải là nhận hối lộ.

Về nhận thức và hiểu biết về môi trường yếu kém của các viên chức trong bộ máy quản lý nhà nước, những nhà khoa học và quản lý như Giáo sư Đặng Hùng Võ, Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật, hiện điều hành một khu sinh thái tại Nam Cát Tiên, cho rằng nó thể hiện trong việc các quan chức nhà nước Việt Nam thường xem nhẹ báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường là một nghiên cứu về khả năng gây hại của một dự án, cũng như những điều lợi do nó đem lại có bù đắp được những thiệt hại đó hay không.

Một tín hiệu đáng mừng, theo Giáo sư Đặng Hùng Võ là Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến nghiên cứu này trong các dự án, nhất là tự sau thảm họa môi trường Vũng Áng Hà Tĩnh, khi nhà máy thép Formosa xả chất thải trực tiếp xuống biển làm cá chết hàng loạt vào năm 2016, gây những thiệt hại kinh tế to lớn và bất ổn xã hội kéo dài.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 26/09/2018

Quay lại trang chủ
Read 581 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)