Không, chắc chắn là không. Cúm Vũ Hán sẽ không chừa bất kỳ quốc gia nào, và mức độ tàn khốc của nó cũng ngoài sức tưởng tượng, ngoài tất cả những gì chúng ta đang nhìn thấy và đang nhầm tưởng rằng mình đã an toàn.
Cúm Vũ Hán sẽ không chừa bất kỳ quốc gia nào, và mức độ tàn khốc của nó cũng ngoài sức tưởng tượng
Lộ trình của cúm Vũ Hán đi "ăn người" có thể nói cũng khá tinh ranh. Nghĩa là nó chọn món ngon gắp trước, xong món ngon rồi đến món bình dân. Trên bình diện quốc gia, nó sẽ chọn những quốc gia giàu có, siêu cường hay thiên đường hay cường quốc để tới, hoành hành, ăn vừa đủ no thì ngủ, sau đó tiếp tục đi ăn ở những quốc gia nghèo khổ hơn, lạc hậu hơn. Nó khác hẳn, ngược với đường đi của các loại cúm, dịch trước đây. Và đây không phải là một truyện hư cấu, đây là một câu chuyện thuộc về lịch sử văn minh nhân loại. Bởi xong mùa cúm đau khổ này, lịch sử văn minh nhân loại buộc phải viết lại một lần nữa !
Hiện tại, trừ Trung Quốc là cái nôi của cúm Vũ Hán, còn lại, những quốc gia nghèo, đang phát triển và đang giữ chế độ độc tài ít bị ảnh hưởng bởi dịch cúm hơn so với các quốc gia giàu có, phát triển và có nền dân chủ lâu dài. Vì sao ?
Vì công dân của những quốc gia dân chủ, giàu có, nắm trong tay tấm hộ chiếu được miễn thị thực trên rất nhiều quốc gia, luôn có khả năng đi du lịch, hưởng thụ ở nơi khác nhiều hơn công dân của những quốc gia nghèo khó, đang phát triển, độc tài. Chính vì đi nhiều, tương tác, va chạm nhiều nên việc truyền dịch cúm cũng mạnh hơn, khó quản lý hơn rất nhiều. Hệ quả của việc này, không cần nói thêm.
Các quốc gia còn lại, không có nền dân chủ, không có nền kinh tế đủ mạnh để công dân của họ có thể đi bất kỳ nơi nào nếu muốn… Thì chỉ có một số rất nhỏ có thể đi ra bên ngoài lãnh thổ. Và bằng chứng của việc này là hầu hết các ca nhiễm Covid_19 tại Việt Nam và các quốc gia nghèo khác đều có yếu tố nước ngoài và người bên trong đi du lịch, đi công tác mang về. Và khi cần thiết, chỉ cần đóng cửa khẩu quốc gia, yêu cầu cách ly toàn diện thì hầu như toàn dân tuân thủ, chỉ có vài người chống đối nhưng số lượng không đáng kể. Trong các quốc gia như Bắc Hàn thì nếu có người chống đối, có nguy cơ dính lệnh tử hình. Có thể nói rằng việc khống chế người dân ở trong nhà ở các quốc gia nghèo và thiếu dân chủ rất dễ ở các nước nghèo, đang phát triển và thiếu dân chủ, Trung Quốc, Ấn Độ, Bắc Hàn, Việt Nam, Campuchia, Lào… là những bằng chứng.
Và khi các quốc gia độc tài, thiếu dân chủ, đang tình trạng nghèo đói ngăn ngừa lây lan dịch hiệu quả và nhanh hơn so với các quốc gia giàu có, dân chủ. Thì điều đó không có nghĩa rằng họ sẽ không gặp phải dịch hoặc giảm được nguy cơ bùng phát dịch. Vì,có một qui luật rất dễ thấy trong đợt dịch thế kỉ này, đó là : Nước giàu có sẽ bị dính trước, có thể dính nặng hoặc nhẹ, nước nghèo khổ và thiếu dân chủ sẽ dính sau, nhưng sẽ dính rất nặng. Trừ khi chính phủ của nước đó đủ uy tín để tiếp tục chống dịch thì mọi việc mới tránh sụp đổ.
Bởi, nếu nhìn từ bên ngoài và nhìn ngắn hạn, sẽ dễ dàng thấy các nước độc tài đã chống dịch rất tốt so với các nước dân chủ, giàu có. Mỹ đã thành ổ dịch, Tây Ban Nha, Úc, Ý… Các nước Bắc Âu… Đều là những ổ dịch, đã có người chết, nhiều người chết. Nhưng Việt Nam thì chữa lành. Nhưng !
Trong thời gian các nước độc tài ra lệnh, đóng cửa biên giới, cách ly "rầm", sau đó bủa lực lượng an ninh điều tra, tìm hiểu các thành phần F0, F1, F2, F3, tới Fn… để cách ly, điều trị. Và để giữa bí mật quốc gia hay bí mật thể diện gì đó, việc công bố hay không công bố người chết vì Covid_19 rất dễ bởi hệ thống báo chí nhà nước luôn tuân thủ chính phủ, đảng nắm quyền… Thì ở các nước dân chủ, chỉ riêng chuyện thăm dò dư luận, họp bàn lưỡng đảng hoặc các đảng tham chính và họp các cơ quan tam quyền để đi đến kết luật cách ly, cách ly mức độ nào, cấp độ nào, bao giờ đóng cửa biên giới… đã tốn rất nhiều thời gian và chỉ cần chừng đó, dịch có thể hoành hành, tàn phá đất nước. Mỹ, Úc, Ý, Tây Ban Nha, Ý bà các nước Bắc Âu lâm y tình trạng này. Nhưng, có một vấn đề khác, virus Covid_19, theo các chuyên gia y tế hàng đầu thế giới chia sẻ các nghiên cứu của họ thì đây là loại virus nguy hiểm nằm ngoài khả năng khống chế của con người. Có thể hai năm sau, ba năm sau vẫn chưa dập được nó, và nếu dập được nó ở khu vực này nắng nóng này thì nó sẽ ngủ đông ở khu vực lạnh giá khác, đợi khi nhiệt độ thích hợp, nó lại luân chuyển. Thậm chí, có nhiều kết luận bi quan hơn là Covid_19 sẽ vĩnh viễn không chết đi.
Và, trong trường hợp này, thì chắc chắn một điều là không quốc gia nào thoát được nó. Và đáng sợ hơn là nó sẽ ăn thịt từ từ nhân loại, từ quốc gia mạnh cho đến quốc gia yếu. Nghĩa là xét về cả y học và xã hội. Các quốc gia mạnh đã vỡ trận vì quá chủ quan, vì "câu giờ" chính sách phòng chống nó. Nhưng họ đủ nội lực kinh tế và y tế để vượt quá nó, khống chế nó. Và khi đại dịch đi qua, nền kinh tế của các siêu cường, các nước phát triển cũng dễ phục hồi hơn so với các nước nghèo, độc tài.
Và, nếu như các nước đang phát triển, giữ thế chế độc tài rất dễ khống chế dịch bởi quyền ra lệnh một chiều từ chính phủ, đảng cầm quyền thì điểm dở của họ là nội lực để duy trì chống dịch lâu dài sẽ kém hơn các nước giàu. Các nước này không thể kéo dài thời gian cách ly, giãn cách và nếu gặp sự cố bùng phát, vỡ trận thì khả năng phục hồi của các quốc gia độc tài gần như không có, nạn cướp bóc, và bạo loạn sẽ xảy ra khắp nơi. Và nguy cơ này đang nhắm trực tiếp vào Việt Nam. Vì sao ?
Vì hiện tại, trong mắt của người dân khắp thế giới, Việt Nam là mảnh đất an toàn trước đại dịch Covid_19. Và tất cả những gì Việt Nam cố gắng làm trong thời gian chống dịch là để cho người dân các nước khác nhìn Việt Nam là một quốc gia chơi đẹp, tốt bụng, một quốc gia có cảnh và người đều đáng khám phá. Điều này dự báo trong tương lai, sau khi dịch Vũ Hán tạm lắng, Việt Nam mở cửa kinh tế, công nghiệp du lịch hoạt động trở lại thì tỉ lệ chọn Việt Nam để khám phá có thể nói là vô cùng cao. Bởi xét về công nghiệp du lịch, Việt Nam đã qua mặt đối thủ đáng gờm nhất là Trung Quốc. Chính điều này dự báo trong thời gian tới, có thể là năm tới, ngành du lịch Việt Nam sẽ bội thực khách, sẽ có thu nhập ngoài sức tưởng tượng cho dù kinh tế thế giới vẫn đang ngái ngủ, trầm cảm… Nhưng, đây là con dao hai lưỡi, quá nguy hiểm !
Bởi khi du lịch hoạt động trở lại, mọi nguồn lây lan còn ủ trong các khu vực lạnh sẽ di chuyển sang khu vực nắng ấm và khó để đoán được chuyện gì xảy ra tiếp theo. Và chắc chắn một điều là khi nền du lịch thế giới hoạt động trở lại, mức độ di chuyển của khách Châu Âu, Châu Mỹ sang Việt Nam sẽ cao hơn trước dịch vì Việt Nam phải hứng thêm lượng khách đã loại bỏ nền du lịch Trung Quốc. Nguy cơ sẽ rất cao.
Nói như vậy để thấy rằng cúm Vũ Hán là một thứ tai ương sẽ không chừa bất kì một quốc gia nào và Việt Nam chỉ mới đang bước vào khúc dạo đầu của nó. Mối nguy hiểm vẫn còn rình rập trước mặt. Nếu chính phủ các nước đang phát triển, các nước độc tài không có kế hoạch lâu dài và những sách lược hợp lý thì sắp tới đây, với tâm lý ham tiền của người dân (tâm lý chung của người dân các nước nghèo, chậm phát triển, đang phát triển) thì rất khó để đảm bảo họ tuân thủ các qui ước trong phòng chống dịch một khi đồng tiền bắt đầu luân chuyển mạnh trong các quốc gia này. Tình hình còn rất xấu, cho dù hiểu theo cách nào. Có thể nói không ngoai là Cộng sản Trung Quốc đã phát động thế chiến III bằng vũ khí sinh học và thế giới đang đối mặt với nguy cơ diệt vong !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 17/04/2020 (VietTuSaiGon's blog)
Đã nhiều đêm như thế, không chừng cũng đã hàng triệu đêm, kể từ khi con người còn là một sinh linh vô hình trôi nổi đâu đó trong vũ trụ cho đến khi máu đỏ xương trắng thành hình và đi suốt chặng đường làm người… Tiếng đất buồn thở than chưa bao giờ nguôi vọng.
Một ngày mùa Xuân, có tiếng súng giữa đêm khuya, lúc tờ mờ rạng đông, có một người già chết đi vì đạn bắn
Đã nhiều đêm như thế, đất mẹ rền vang tiếng buồn. Từ tiếng buồn đạn bom chiến tranh đến tiếng buồn than thở giun dế, tiếng buồn của người sống khóc cho người ngừng thở, tiếng buồn của người đi khóc cho người ở lại và người ở lại khóc cho người đi, tiếng buồn của những côn trùng dần vắng, tiếng buồn của không gian trầm đục bụi trần, tiếng buồn của hàng cây ngoi mình trong khói bụi, tiếng buồn của trùng trùng nỗi buồn vọng lại quanh ta.
Đã nhiều đêm như thế, nỗi hoang mang của con người đã chiếm trọn mặt đất này, khi người ta chưa kịp hoàn hồn về chiến tranh, chết chóc thì giật mình vì cái đói, lời đe dọa. Và chưa kịp nghỉ ngơi sau một chặng đường dài kiếm cái ăn mệt mỏi thì phải tiếp tục chạy, chạy mải miết vì dịch bệnh, lòng đố kị hay cả sự thù hận sâu xa giữa loài người với nhau. Và cả cây cối cũng đã bỏ mạng vì lòng tham và thù hận của con người.
Nhiều đêm, rất nhiều đêm người ta đã phải sống trong một khí quyển mà những vì sao thơ mộng cứ như một lời đe dọa bởi ngay cả bông hồng cũng không có quyền trổ bông thì làm sao con người có quyền lãng mạn ngắm sao.
Và cuộc sống trở nên trở trọi hơn bao giờ hết giữa những thứ giá trị phù ảo thoáng qua. Con người, ngay cả người đang ngồi nhấn bàn phím và người đang vô tình đọc qua những chữ này đều mang một chút gì đó bất an trước mọi thứ, mặc dù lòng yêu thương chúng ta không thiếu, mặc dù chúng ta luôn tìm trắc ẩn quanh mình và sẵn sàng chia sẻ, mặc dù chúng ta luôn an trụ trong niềm xác tín rằng chúng ta không làm việc xấu và tôn vinh cái đẹp, sự lương thiện và sẵn sàng trả giá cho điều đó nếu có. Nhưng chúng ta vẫn bất an, nỗi bất an cũng không phải từ bên ngoài. Bởi, nỗi bất an tự sâu thẳm lòng đất, nơi đã gắn cuống rốn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh em và cả chính chúng ta vào đó, nỗi bất an, tiếng buồn rền nơi mặt đất làm chúng ta bất an mơ hồ và lo lắng cho bản thân, cho đồng loại.
Những tiếng rền ấy, hơn bao giờ, nó đang hiện hữu, đang tăng công suất và cường độ, dộng thẳng vào bức tường tâm can mỗi người và không dừng ở đó, chúng xuyên vào tâm linh, xuyên qua mọi thứ linh giác của vạn vật để hoành hành theo cách thế của nó. Chúng ta hoang mang và đớn đau nhưng chẳng thể làm gì !
Một ngày mùa Xuân, có tiếng súng giữa đêm khuya, lúc tờ mờ rạng đông, có một người già chết đi vì đạn bắn nát đầu gối, một người kia ngất đi vì mất chồng, và một người già khác bị bắn nát hông, thủng phổi nhưng may sao chưa phải chết liền, đã kịp thời được cứu sống với thân thể bầm dập, và cả một ngôi làng trở nên hoang mang tột độ bởi chính cái biểu tượng mà họ tin yêu, tôn kính ngày nào đang lạnh lùng mở cửa tử cho họ, chỉ dành cho họ !
Một ngày mùa xuân, từng đoàn người dắt díu nhau chạy trốn dịch bệnh, và không có nơi nào có thể dung cứu họ trên mặt đất này, bởi con người đều yếu đuối, mong manh như nhau trước dịch bệnh, và có nhiều người đổ xuống, hàng ngàn người, rồi hàng chục ngàn người mưu tìm sự sống nơi phòng cách ly, sống chết chẳng biết bao giờ… Dường như tiếng buồn đã tràn trên mặt đất, nước mắt của người không kịp sống và người sống muộn màng tràn khắp các châu lục, cả thế giới này, dường như chỉ còn các nước Bắc Âu là chưa bị cuống cuồng vì dịch. Nhưng cũng chưa biết đến bao giờ !
Đã nhiều lần như thế, tôi tự huyễn hoặc mình và hi vọng rằng Châu Phi sẽ là nơi không bị nhiễm Covid_19. Bởi châu lục này quá nghèo, bởi chẳng có ai muốn đi du lịch sang đây, bởi nơi đây có nhiều nắng gió, bởi người dân ăn còn chưa đủ nữa thì lấy đâu ra tiền mà đi du lịch để rồi mang dịch về quê hương ! Và hi vọng rằng sẽ không có những biến cố nặng nề đến với châu lục nghèo đói này. Thế nhưng, bệnh vàng mắt vàng da cướp đi hàng ngàn sinh mạng chỉ chưa đầy một tháng. Mặt đất khô cằn nơi châu Phi nghèo khổ lại rên xiết vì những giọt nước mắt khô và mặn, đau mà trơ lì của những phận người băng qua gió cát và đói nghèo để tồn tại !
Và hằng đêm, tiếng buồn rền vang mặt đất, nơi người đã giết người, nơi máu của oan khiên và đau đớn đã đổ xuống một cách phi lý, không còn tình người, nơi của hàng triệu tấn rác sản sinh từ lòng ích kỉ và vụ lợi đã đổ vào dòng nước uống của đồng loại, nơi của hàng tỉ mét khối nước uống của con người, nước sinh hoạt và nước cho cây cối, mùa màng, thiên nhiên, vạn vật đã đã bị lòng ích kỉ chặn đứng. Tội ác này rồi sẽ phải trả giá. Nhưng đợi đến khi kẻ thủ ác trả giá thì có không biết bao nhiêu sinh mệnh, số phận đã đổ gục trong hạn hán.
Rõ ràng, ở đây, hạn mặn đồng bằng sông Cửu Long là thứ hạn mặn của lòng ích kỉ và tội ác con người. Mà cụ thể, chính quyền Trung Quốc hiện tại phải chịu trách nhiệm về điều này. Bởi khi thế giới con người đã rộng mở vòng tay nhân ái, anh không thể viện lý do vì lợi ích của một nhóm nhỏ trong dân tộc của anh mà đè nén, cắt đứt mạch sống của dân tộc khác ! Và, việc chặn đứng dòng chảy, nếu xét về bản chất, đó cũng là hành vi xâm lược. Bởi mục tiêu cuối cùng của xâm lược là chiếm lãnh thổ, tài nguyên. Ở đây, anh chặn đứng dòng tài nguyên của quốc gia, dân tộc khác và biến một vùng sinh thái trở thành vùng đất chết thì còn đáng sợ và tội ác còn ghê gớm hơn cả xâm lược !
Đã nhiều đêm, mặt đất buồn bởi lòng tham của kẻ này và sự nhẫn nhục của người khác, cả tội ác và sự chịu đựng đều không xứng đáng tồn tại trên mặt đất này. Bởi mặt đất này chỉ trở nên sinh động khi lòng yêu thương, sự chan hòa với thiên nhiên, vạn vật được xem trọng, được đặt lên thành ý nghĩa sống còn hay tồn tại. Rất tiếc, đã nhiều đêm, tiếng buồn cứ vang vọng nơi mặt đất này. Và con người cứ phải cúi mặt, lầm lũi chịu đựng mà đi.
Đến bao giờ con người ngẫng mặt như một con người lương thiện và có lòng tự trọng thì ắt hẳn, lúc ấy chúng ta không phải hoang mang hay bất an, lo lắng điều gì nữa. Bởi lúc ấy, lòng trắc ẩn và yêu thương đã trở lại, nó trở lại một cách tự nhiên, hiền hòa và không nhân danh bất kì thứ chủ thuyết nào ! Đơn giản, yêu thương là yêu thương !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 05/03/2020b (VietTuSaiGon's blog)
Thưa Ngài, nhân loại chúng con đã sai, đã nhầm đường và đã/đang trả giá cho việc này một cách nặng nề. Lòng nhân từ và đức hiếu sinh của Ngài đã cạn mòn trong cơn cuồng dữ, tham lam vô độ và bất chấp của nhân loại chúng con ! Corona Vũ Hán – Trung Hoa, hỏa hoạn Úc châu, Hạn mặn Nam Việt Nam, bệnh lạ Nigeria, dịch tả lợn Phi châu, dịch cúm gia cầm, nước biển dâng, băng tan, trái đất nóng dần, mặt đất nhuộm màu chết chóc và nhiều thứ tai ương rình rập… Chúng con đã thấy và đã nghe ra !
Ngập lụt nghiêm trọng nhất 10 năm qua tại huyện Hướng Hóa tháng 9/2019. Ảnh: Hoàng Táo.
Chúng con không dám mong một lần nữa được Ngài ban cho sức mạnh để vượt qua sự trừng phạt của Ngài. Vì chúng con biết, nhân loại đang tự trừng phạt mình, đang tự trả giá cho mọi hành vi man rợ, tàn nhẫn và gian manh của mình chứ không có bất kì hình phạt nào từ Ngài. Chính vì vậy, bây giờ nếu nhân loại gào kêu Thượng Đế nhân từ hãy buông tha cho họ thì cũng vô ích. Bởi dịch họa hay thiên tai không phải do Ngài tạo ra để trừng phạt nhân loại mà do chính nhân loại đang tự tạo ra cái bẫy trừng phạt mình.
Nếu như trước đây ngàn năm hay triệu năm gì đó, Ngài đã cố gắng xây dựng giấc mơ của mình bằng một quả địa cầu xanh, trên đó nhân loại và vạn loại quần tụ, sinh sôi nảy nở và sáng tạo trong ánh sáng của Ngài. Thì đến nay, có lẽ Ngài cũng không ngờ được rằng chính nhân loại đang ăn dần ăn mòn mọi thứ chung quanh họ và không dừng ở đó, họ đã cướp bóc, chinh phạt đồng loại, xâm lăng, đấu đá, giết tróc, thậm chí ăn thịt nhau trong hoang tưởng rằng có thể chạm được tay Ngài khi ăn thịt đồng loại của mình và có thể sai khiến được Ngài khi cố gắng giam hãm đồng loại, thâu tóm và biến họ thành những thứ nô lệ trong khu vườn chính trị của mình. Ngài đã thấy tất cả, và nếu có, Ngài cũng đã can thiệp bằng cách này hay cách khác nhưng mọi chuyện có vẻ như không có hiệu quả !
Bởi Ngài chỉ ban cho con người lòng yêu thương nơi linh hồn của họ nhưng Ngài cũng không lường được rằng sự thù ghét và lòng đố kị là một thứ đối dấu của lòng yêu thương, chúng luôn phục kích và có thể đánh úp lòng yêu thương bất kể giờ nào. Và rừng cạn kiệt, và những dòng sông trở nên dơ dáy, và biển nhiễm độc, và những thành phố trở thành các ổ chuột khổng lồ, con người tự chui vào cái hang bê tông ám tối của mình và tiếp tục thải ra độc tố bởi ích kỉ, kì thị, gian dối, đố kị và thù hận chồng chất thù hận… Và mặt đất trở nên chết chóc, và núi đồi trở nên trơ trọi, và biển mênh mông bỗng dưng trở thành cái ao có nhiều đường kẻ làm ranh giới sở hữu, và không khí ám ngộn mùi cừu thù, và nguồn nước hiền lành trở thành dòng thuốc độc, và vạn vật trở nên choáng váng, quay cuồng trong cơn chạy loạn, và mọi thứ thân quen trở nên xa lạ, và mọi thứ từ chỗ tin yêu, thuần hậu bỗng chốc trở thành mối hoài nghi và đầy đe dọa…
Đây không phải là sự trừng phạt của Ngài, chúng con biết là vậy, đây là sự trừng phạt có nguồn gốc từ sự sai lầm và tàn độc của nhân loại, dịch bệnh do nhân loại tạo ra, thiên tai cũng không còn do "ông trời" tạo ra mà do chính con người đã đan tâm chặt đứt huyết mạch thiên nhiên, đã bức tử những dòng sông, đã cào mòn những ngọn núi. Và giả sử như những con sông là mạch máu của địa cầu do Ngài dày công tạo ra thì chúng con tin rằng địa cầu này đang trong cơn tai biến bởi mọi mạch máu đã đông cứng hoặc xơ vữa hoặc nghẽn mạch. Và giả sử những ngọn núi là xương sườn của địa cầu do Ngài dày công vun nắn thì chúng con tin rằng địa cầu này đã bị tàn phế bởi mọi khúc xương đã bị dập nát hoặc róc thịt. Chúng con đang tự nhận lấy mọi tai họa do chúng con tự gây ra !
Lạy Thượng Đế, chúng con không cầu mong Ngài mở rộng lòng yêu thương để cứu giúp chúng con lần nữa bởi trong một nghĩa nào đó, chúng con không xứng đáng để nhận lòng từ ái của Ngài ! Nhân loại đã tự phản động nhân loại và tự phản động lại bản thân mình. Bởi nếu con người cần không khí để thở thì cũng chính con người thả khói độc vào không khí, bởi nếu con người cần nước để uống thì cũng chính con người thải độc vào nước, bởi nếu con người cần bóng mát và dưỡng khí từ cây xanh thì cũng chính con người đã tróc nã mọi cây rừng và giết hại muôn thú, bởi nếu con người cần một mặt đất yên bình để sống thì cũng chính con người đã bê tông hóa và chặn đường thở của địa cầu, bởi nếu con người cần thức ăn để tồn tại thì cũng chính con người đã tự biến thức ăn thành thuốc độc, bởi nếu con người cần sự thiện lương để nắm tay nhau đi tới thì cũng chính con người tự gieo rắc thù hận và đối đãi cừu thù với nhau để lùi dần xuống huyệt mộ, bởi nếu con người cần thực hiện những giấc mơ đẹp trong cuộc đời và mơ ước địa cầu xanh vĩnh cửu thì cũng chính con người tự biến chỗ ở của mình thành địa ngục của lòng tham và biến cuộc đời mình thành một cơn ác mộng… Chính nhân loại đã tạo ra tai họa và nhân loại đang đón lấy tai họa này !
Nhưng thưa Thượng Đế nhân từ ! Xin Ngài hãy một lần nữa đoái hoài đến chúng con, cho chúng con ánh sáng để tỉnh thức, để nhận chân cuộc sống giản dị quanh mình ! Để nhân loại còn biết nắm tay nhau mà san sẻ hơi ấm cùng sống sót trong cơn đại họa. Chúng con hiểu được rằng mọi tai họa, nếu nhân loại biết bình tĩnh nắm tay nhau thì câu chuyện không đến nỗi mệt mỏi và đau đớn như hiện tại. Chúng con biết rằng, hiểu rằng lòng tham, tính độc đoán và thứ cơ chế độc tài đã kìm kẹp mọi thứ thuộc về lòng yêu thương, tình lân mẫn và khả năng trắc ẩn cũng như bao dung của nhân loại. Chúng con hiểu đươc rằng tại sao ở những quốc gia độc tài, thế giới thứ ba lại hứng chịu nhiều tai ương hơn các nước tư bản, các nước có tự do. Bởi yêu thương chỉ tồn tại trên mảnh đất tự do. Và chỉ có yêu thương mới giúp cho con người đủ quả cảm để nắm tay nhau chia sẻ mọi tai ương mà không vướng bận đến bất kỳ thứ biên kiến nào trong đời sống hay suy nghĩ. Bởi chỉ có yêu thương mới giúp nhân loại trở nên sáng suốt và thông minh hơn khi đứng giữa lằn ranh sự sống và cái chết, thiên đường và địa ngục, bao dung và ích kỉ, trắc ẩn và trơ lì… Thưa Ngài, chúng con đã thấy ! Chúng ccon cũng thấy con người tự biến mình thành kẻ độc tài ngay trong cả giây phút kêu gọi tự do hay cổ xúy cho yêu thương đồng loại. Bi kịch nằm trong hốc tối linh hồn và sự cố chấp !
Chúng con chỉ xin cầu mong Ngài một lần nữa đoái hoài đến chúng con, hãy ban cho chúng con ánh sáng của tự do và yêu thương để chúng con kịp nắm tay nhau mà duy trì những gì còn có thể gọi là "nhân loại" trên mặt đất này. Tai ương liền tai ương, thù hận liền thù hận, bệnh tật liền bệnh tật, thiên tai liền thiên tai, nhân loại đã mệt mỏi và đau đớn, có lẽ, ở một chốn nào đó để quán chiếu nhân loại, Ngài cũng mệt mỏi và đau đớn không kém chúng con. Nhưng chúng con biết kêu gào ai ngoài bàn tay đã lỡ sáng tạo ra nhân loại của Ngài ! Chúng con xin Ngài hãy đoái hoài, để chúng con còn biết yêu thương nhau trong cơn bĩ cực tận cùng này ! Xin cảm tạ và cầu cứu Ngài dù đã rất muộn màng !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 12/02/2020 (VietTuSaiGon's blog)
Nghịch lý ở chỗ, đất nước càng nhiều tòa án thì bất công càng cao, càng nhiều nhà tù thì tội phạm càng manh động, bội phát, càng nhiều cơ sở tôn giáo thì niềm tin, tâm linh càng trở nên lu mờ, vô định, càng nhiều công an, cảnh sát thì kẻ trộm cướp cũng tăng tỉ lệ. Đó là một nghịch lý khôi hài của lịch sử mà Việt Nam đang trải qua. Sở dĩ mọi thứ đang trở nên tệ hại như hiện nay là vì ngay từ đầu, Việt Nam không có một mục tiêu vĩ mô rõ ràng, cụ thể cho tương lai.
Tình trạng các sĩ quan quân đội và công an mặc dù được đào tạo bằng những giáo trình cao cấp, tinh vi nhưng khi cận chiến, họ lại không những thiếu tinh nhuệ mà còn thiếu cả sự năng động và thiếu cả sự quả cảm hay thiện chiến là vì ngay từ đầu, đại đa số không vào ngành quân đội bởi lý tưởng bảo vệ tổ quốc mà động cơ chính nằm ở chỗ lương ngành quân đội rất cao - Ảnh minh họa lực lượng Cảnh sát cơ động tại Phan Rí vất bỏ áo giáp và khiêng để dễ trèo tường chạy thoát thân (10/6/2018)
Và một khi không có sự đồng bộ, không có mục tiêu cho tương lai thì bất cứ sự trương nở của một nhóm ngành/nghề nào trong hệ thống nhà nước, hệ thống đảng cũng có nguy cơ trở thành một cái ung nhọt tiềm ẩn. Chuyện cảnh sát, công an, quân đội trở nên thiếu tinh nhuệ, không thiện chiến, thậm chí kém cỏi như hiện tại là một bằng chứng.
Có một chuyện rất khôi hài là hệ công an chính qui hay cảnh sát cơ động bán chính qui, cũng như sĩ quan quân đội hiện nay được tuyển đầu vào khá kĩ và được đào tạo rất bài bản, có trình độ cao hơn rất nhiều so với thế hệ trước họ nhưng thực tế chiến đấu trong bất kì tình huống nào cũng tỏ ra lúng túng và yếu kém, thậm chí họ không thể tinh nhuệ hay giỏi chiến đấu được bằng 10% so với thế hệ trước họ. Điển hình những vụ gần nhất trong năm 2020 đã cho thấy rất rõ nhiều yếu kém.
Từ đầu năm 2020 đến nay, có nhiều vụ chấn động có liên quan đến lực lượng cảnh sát cơ động :
- vụ vài ngàn cảnh sát cơ động vây thôn Hoành và đổi ba mạng sĩ quan cấp tá và cấp úy để giết chết cụ Lê Đình Kình, một cụ ông 84 tuổi ;
- vụ vây bắt tội phạm cầm lựu đạn cố thủ trong nhà ở thành phố Sài Gòn và sau một thời gian gằng co, bố ráp, cảnh sát cơ động xông vào nhà thì tên tội phạm đã chạy không để dấu vết nào và ;
- mới đây nhất là vụ 500 cảnh sát với đầy đủ phương tiện chiến đấu cơ động và tối tân vây bắt Tuấn Khỉ - tên tội phạm đã nã súng vào sòng bạc giết chết 5 mạng người. Nghiệt nỗi, sau hai ngày bao vây, bố ráp, một chốn nào trong rừng cao su bỗng dưng thành nơi nghỉ mát tạm thời và sau đó ung dung của Tuấn Khỉ, mọi sự như tìm kim đáy bể !
Vì sao ngành cảnh sát cơ động, công an chính qui hay quân đội lại rất yếu kém trong thời gian gần đây mặc dù giáo trình đào tạo của họ là tinh hoa của thế hệ trước, đầu vào chọn kĩ và gắt gao, hơn hẳn thế hệ trước một cái đầu về kiến thức nhưng vào thực tiễn thì thua quá xa ?
Vì ngay từ đầu, cả đảng cộng sản, nhà nước cộng sản Việt Nam đã không có mục tiêu đồng thời cũng không đặt được mục tiêu nào cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, bản thân của các thế hệ sau hoàn toàn không có mục tiêu và đương nhiên họ không có lý tưởng hay niềm tin nào vào chỗ họ đang phục vụ. Mục tiêu nghề nghiệp không có, động cơ lợi tức quá cao và bất chấp trong công vụ sẽ là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các yếu kém sau này. Nghiệt nỗi, đây là yếu kém không thể khắc phục được !
Vấn đề đầu vào của bất kì một ngành nào cũng đóng vai trò tiên quyết trong tương lai phát triển của ngành. Tại Việt Nam, câu hỏi khi lựa chọn ngành nghề của đại đa số sinh viên là "ngành/nghề này có nhanh giàu, dễ xin việc hay không ?", chứ không phải là câu hỏi "ngành/nghề này có phù hợp với mình, có giúp mình sáng tạo, sống với nghề hay không ?". Chính vì câu hỏi ban đầu mang động cơ thực dụng, đầy tính vật dục nên một khi đã chọn ngành/nghề, người ta bất chấp danh dự hay tri đức mà sẵn sàng bỏ ra hàng núi tiền để có tấm bằng và sau đó tiếp tục bỏ hàng núi tiền để có chỗ làm việc. Và một khi có đầu tư thì phải có thu hồi vốn và sinh lãi. Tham nhũng, thụt két công quĩ, hối lộ, nhũng nhiễu… cũng hình thành từ chỗ này. Và niềm tin của đương sự xói mòn, đương nhiên dẫn đến hệ lụy mất dần niềm tin giữa người với người trong xã hội.
Và, niềm tin nhân dân từ chỗ bị mất dần do hệ thống công quyền ngày càng thể hiện sự bất cập và gian manh của họ (bởi những thành phần vừa nói) cũng song hành với một vấn đề khác đáng sợ hơn, đó là lệch chức năng và năng lực. Hầu hết những người bước vào ngành đều không có đầy đủ tố chất để trở thành người có năng lực của công việc bởi lựa chọn từ đầu của họ không phù hợp với ước mơ hay lý tưởng mà chỉ ám thực dụng. Đương nhiên năng lực yếu kém sẽ kéo theo hệ thống kém và kéo dây chuyền cả hệ thống đến chỗ suy đồi, bệ rạc.
Tình trạng các sĩ quan quân đội và công an mặc dù được đào tạo bằng những giáo trình cao cấp, tinh vi nhưng khi cận chiến, họ lại không những thiếu tinh nhuệ mà còn thiếu cả sự năng động, thiếu rất nhiều thứ và thiếu cả sự quả cảm hay thiện chiến là vì ngay từ đầu, đại đa số không vào ngành quân đội bởi lý tưởng bảo vệ tổ quốc mà động cơ chính nằm ở chỗ lương ngành quân đội rất cao, ngành an ninh cũng vậy, đại đa số thi vào ngành an ninh không phải do động cơ hay lý tưởng bảo vệ an ninh quốc gia mà vì ngành an ninh được ưu tiên (nhất là dưới thời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) và quyền lực ngành. An ninh có thể hô mưa gọi gió. Và đây là nguyên nhân chính để cho thấy vì sao ngày càng xuất hiện nhiều sĩ quan quân đội hay sĩ quan an ninh, thậm chí sĩ quan cấp cao của hai ngành này dính đến những vụ tham ô, tội phạm ma túy, đường dây cờ bạc. Đơn giản, động cơ ban đầu của họ là kiếm tiền, có thứ nào có thể giúp họ kiếm tiền nhanh hơn những thứ đó ?!
Điều này cũng lý giải tại sao 500 cảnh sát cơ động lại để lọt một tên tội phạm dễ dàng. Bởi bất kì dự tính xấu nào cũng có thể xảy ra, chẳng hạn bị tên tội phạm mua chuộc trực tiếp hoặc nghiệp vụ của lực lượng vây bắt kém, sức chiến đấu không có bởi không tìm thấy sự hữu lý để chiến đấu. Khi cần cho những vụ việc nổi cộm thì lực lượng cảnh sát cơ động được thả ra để trực chiến. Trong khi đó, cảnh sát cơ động là một dạng nghĩa vụ quân sự, bán chuyên nghiệp, họ chỉ được dạy những kĩ năng chiến đấu nhưng không có lý tưởng bảo vệ nhân dân và không được dạy đâu là nhân dân, đâu là kẻ thù, và họ cũng không được hứa hẹn một tương lai tốt trong ngành, nói cho cùng, họ là những con tốt thí của ngành công an. Chính vì tính thiếu chuyên nghiệp này cộng thêm với lý tưởng hụt hẫng nên hầu như mọi cuộc vây bắt hay bố ráp của họ đều không cho kết quả tốt đẹp mà chỉ có thể chọn đến giải pháp cuối cùng, tệ hại nhất, đó là nổ súng.
Nói cho cùng, những chuyện lệch lạc và không cân xứng giữa lý tưởng và công việc trong các ngành/nghề như vậy (kể cả ngành y tế, sư phạm, ngân hàng… đều nằm trong tình trạng này !) làm phát sinh một hiện tượng xã hội là nhóm ngành nghề nào có quyền lực, có ăn thì phình to, trương nở, khủng hoảng thừa.
Mà đáng sợ nhất của một quốc gia nằm ở chỗ khủng hoảng thừa quân đội mà biên giới quốc gia cứ hẹp dần, khủng hoảng thừa công an mà an ninh càng lúc càng tệ hại, khủng hoảng thừa trại giam mà tội phạm ngày càng gia tăng, khủng hoảng thừa cơ sở tôn giáo mà niềm tin, tâm linh con người ngày càng câm điếc, ù cạc, khủng hoảng thừa tòa án và cơ quan bảo vệ pháp luật mà công lý mờ nhòa ! Việt Nam đang trong tình trạng này, bởi thiếu một kế hoạch vĩ mô mang mô hình lý tưởng và khoa học ngay từ trứng nước !
Và đặt giả sử, Việt Nam có địa lý như Nhật Bản hay Hàn Quốc, thậm chí như Singapore, Phillipines… không có rừng vàng biển bạc, không có điều kiện khí hậu và đồng bằng trù phú, không có nhiều tài nguyên như chúng ta đang có thì, với hệ điều hành hiện tại, sợ rằng chúng ta còn kém hơn cả những quốc gia Châu Phi. Bởi tất cả đều có ý hướng làm giàu, người Việt thông minh, nhưng lại bâu bám vào tài nguyên, giành giật từng tấc đất và cào vét lòng biển, tham vọng manh mún… Nhưng tìm một ý hướng chung để phát triển cái vốn của tổ tông để lại, của thiên nhiên ban tặng thì dường như hoàn toàn thiếu vắng ! Đó mới thực sự là một bi kịch !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 02/02/2020 (VietTuSaiGon's blog)
Chọn một chế độ chưa hẳn là việc đúng – sai mà chọn một thái độ mới là vấn đề quyết định sống hay chết trong tương lai. Người Việt đã tự chọn cái chết cho mình ? Người Việt đã tự chọn tương lai cho mình ? Người Việt đã tự chọn sinh phần cho mình ? Không ! Hoàn toàn không nếu tính cho đến thời điểm này. Dường như người Việt, cả trí thức và người ít học, người lao động đều đã rất thụ động, nếu không muốn nói rằng người Việt chưa bao giờ hoặc quá hiếm người Việt đã lựa chọn thái độ sống nếu xét trên cục diện chính trị, quốc gia, dân tộc !
Nhà nước cộng sản Việt Nam tập hợp những người trẻ tuổi ngộ độc ảo thuyết cộng sản, trang bị cho họ chiếc áo đỏ lòm màu máu và lá cờ lênh láng màu máu, đẩy họ ra đối mặt với người dân…
Chính vì quá mơ hồ về thái độ tự thân nên người Việt dễ xúc động, dễ mủi lòng, dễ nổi nóng, dễ quá khích, dễ bạo lực, dễ giết người và dễ giết người hàng loạt. Đó là đặc tính hoàn toàn không phải dựa trên căn cơ thiện ác mà dựa trên hệ thống qui chiếu giáo dục và đạo đức.
Ngay từ đầu, những người miền Bắc Việt Nam đã không chọn chế độ Cộng sản, cũng như người miền Nam Việt Nam không chọn chế độ Cộng hòa mà chính chế độ đã chọn lấy họ do cơ duyên lịch sử, do địa chí quốc gia và do cả phước phần dân tộc. Nhưng, cũng chính vì thụ động để chế độ chọn lấy mình nên người miền Nam không giữ được nền Cộng hòa tốt đẹp của họ, cũng như người miền Bắc đã dần bị đè bẹp bởi lối hành xử ngày càng độc tài, độc đoán của người Cộng sản.
Không giữ được nền Cộng hòa bởi người miền Nam không có thái độ chính trị, được chăng hay chớ và chỉ một nhóm nhỏ có thái độ chính trị quyết định sinh phần cho cả miền Nam. Điều đó cũng giống như người miền Bắc dần bị lấn lướt bởi những kiểu độc tài, đàn áp, độc đoán của một nhóm nhỏ chính trị mà trước đó, có tưởng tượng giỏi mấy họ cũng không hình dung được một lúc nào đó người Cộng sản sẽ bắn họ hoặc đào đất chôn họ trong tranh chấp đất đai, tranh chấp giữa quyền lợi đảng và quyền lợi nhân dân (cải cách ruộng đất giữa thế kỉ trước hay những cuộc nổi dậy vì ruộng đất hiện tại).
Và, vì miền Nam không biết giữ chế độ Cộng hòa, nó đến rồi đi trong sự bất lực của các nhà kĩ trị như một thứ số phận. Cuối cùng, miền Bắc đã ủng hộ một cách thụ động cho người Cộng sản bằng mọi phương tiện để tấn công miền Nam. Cả một dân tộc thay màu theo mô hình miền Bắc. Và đương nhiên, sự tồn tại của chế độ Cộng sản ở cả hai miền trong suốt nửa thế kỉ qua đã chứng minh rằng họ có đất sống và họ cũng làm được một số việc đáng kể. Không thể phủ nhận rằng đến thời điểm hiện nay, Việt Nam khá phát triển về mặt kinh tế, dù ghét Cộng sản cỡ nào cũng phải công nhận thành quả của họ. Nhưng vấn đề vẫn là thái độ của một dân tộc. Giả sử chế độ là một tai họa hay phước báu của một dân tộc thì thái độ phổ quát của nhân dân mới quyết định tai họa hay phước báu dân tộc đó đi đến đâu.
Như đã nói từ đầu, người Việt không có thái độ, hoặc rất ít những người có thái độ chính trị rõ ràng. Sở dĩ có chuyện này vì dân tộc Việt vốn quen với tâm thức nông nghiệp, vốn quen với phục tùng phong kiến. Người quen với tâm thức nông nghiệp thì chỉ cầu mọi sự được bình an, mưa thuận gió hòa và cầu Trời thương phận bé mọn. Mà nhà vua là ông trời con (Thiên tử) nên người ta hoàn toàn thần phục. Chính vì loại tâm lý này đã ăn dằm trong huyết quản nên rất khó để thay đổi và dường như không có cơ hội thay đổi. May thay một nhóm chiếm tỉ lệ không cao các trí thức Tân Học với cái nhìn thoáng hơn và có biện chứng đã nhìn ra vấn đề. Nhưng rất tiếc, họ là thiểu số lẻ loi và cô đơn. Mãi cho đến bây giờ cũng vậy !
Và khi họ bày tỏ thái độ thì sẽ gặp ngay sự phản ứng gay gắt ở cả hai chiều. Phản ứng gay gắt cùng chiều với nhóm trí thức có nguy cơ quá khích, chống chế độ cầm quyền bằng bản năng phản kháng có kèm bạo động. Ngược lại, nhóm phản đối họ, tức nhóm theo Cộng sản, cụ thể ở đây là các dư luận viên và những AK47 cũng phản ứng bằng thái độ đầy quá khích và bạo động.
Sở dĩ có chuyện như vậy bởi vì cả những người ủng hộ nhóm dân chủ và những dư luận viên hay AK47 đều không có thái độ lựa chọn xác tín. Nếu như những người ủng hộ dân chủ vì bức xúc, vì đau khổ trước những bất công mà chế độ dành cho họ để rồi họ tìm thấy sự đồng cảm, tìm thấy niềm hi vọng ở nền dân chủ tương lai và họ ủng hộ (cũng như nhận ủng hộ) bằng tất cả bản năng sinh tồn của họ thì các AK47, các dư luận viên ngay từ đầu cũng không có thái độ xác tín về Đảng cộng sản, họ đứng ra làm bia đỡ dư luận và chiến với người ủng hộ dân chủ cũng như các nhà hoạt động dân chủ là vì một phần họ cần chỗ dựa quyền lực, phe phái, phần nữa họ cần nguồn sống, đồng lương ổn định. Nếu nói vì lý tưởng, thử cắt lương của lực lượng AK47 hoặc các dư luận viên chừng ba tháng thì sẽ biết ngay còn bao nhiêu người đủ nhiệt huyết để làm việc.
Và sự thiếu vắng thái độ lựa chọn đã giải thích được tại sao cả người ủng hộ dân chủ và cả phe ủng hộ nhà độc tài đều thiếu sự bình tĩnh, có nguy cơ quá khích. Bởi cả hai đều chưa quen với thái độ công nghiệp, chưa quen với tư duy phán xét cũng như chưa bao giờ có được sự bình tĩnh cần thiết của khoa học. Mà vấn đề chính trị của một quốc gia nếu xét trên mục tiêu tiến bộ thì cần tư duy khoa học và sự bình tĩnh chứ không cần thái độ quá khích, hằn học.
Gần đây nhất, các facebooker (đồ rằng của AK47 hoặc các dư luận viên) đã nêu ra một danh sách dài gần 1000 người, trong đó gồm những đại biểu quốc hội đương nhiệm như Dương Trung Quốc và Lưu Bình Nhưỡng và hàng loạt trí thức nghệ sĩ có uy tín dưới một status có nội dung giết tróc, đe dọa tính mạng và đương nhiên là các comment của nhóm cũng ngăm nhe, đe dọa sẽ giết nguội. Ngược lại, những người ủng hộ dân chủ cũng đã cho thấy trên một số diễn đàn rằng họ cũng có những sự chuẩn bị khi tình trạng bạo lực xảy ra và họ có thể là những Lê Đình Kình rốt ráo trong tương lai.
Rõ ràng, ở đây giả hay thật không quan trọng nữa mà vấn đề là thái độ. Cả các AK47, dư luận viên và các nhà ủng hộ dân chủ đều không còn đủ bình tĩnh trước tương lai, vận mệnh của quốc gia, dân tộc cũng như của tương lai chính mình. Bởi thái độ hiếu sát cũng đồng nghĩa với lựa chọn chặt đứt tương lai ngay trong chốc lát. Khi anh quyết định giết người thì sự sống của anh cũng bị đe dọa. Vụ giết cụ ông Lê Đình Kình ở Đồng Tâm làm chết ba sĩ quan công an là một bằng chứng. Điều này dân gian đã đúc kết rằng : Chó Chết Thì Mèo Cũng Nhăng Răng ! Và lựa chọn thái độ đẩy sự việc đến chỗ bạo lực, giết tróc là một lựa chọn bế tắc, thất bại cho dù đó là lời nói !
Sức mạnh của một dân tộc dựa trên sự tương thân tương ái giữa người với người, dựa trên lòng tự trọng và thanh liêm của giới lãnh đạo và dựa trên mối tương cảm, trắc ẩn và bao dung của những con người trong dân tộc, quốc gia đó dành cho nhau. Hơn bao giờ hết, khi mà dịch cúm nCoV đang hoành hành, mạng sống con người treo lơ lửng ngàn cân treo sợi tóc, thiên tai, dịch họa, mọi sự trừng phạt của thiên nhiên đang nhắm vào con người chưa đủ hay sao mà con người còn chỉa mũi dao chết chóc vào đồng loại ?! Tỉnh thức khi mọi việc chưa đến nỗi quá muộn màng, hãy yêu thương nhau và bình tĩnh, suy xét bình tĩnh trên tinh thần khoa học và nhân văn. Yêu thương không bao giờ thừa. Và dân tộc này đã đau khổ chất thành núi qua bao cuộc bể dâu ! Chỉ xin hãy yêu thương nhau để mà sống !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 28/01/2020 (VietTuSaiGon's blog)
Chưa bao giờ tình hình trở nên xấu như hiện tại. Xấu vì nhiều thứ : Đại dịch corona, chính sách nhà nước trong lúc dầu sôi lửa bỏng và lòng người trở nên thản bại. Dường như có hai chiều đối lập nhau ngay lúc này, dù có nhắm mắt cũng nhìn thấy. Kiểu trống đánh xuôi kèn thổi ngược diễn ra giữa nhà nước với nhà nước, giữa nhà nước với nhân dân và giữa nhân dân với nhân dân.
Đổ máu ở Đồng Tâm là chiêu bài gây nguy hại cho Nguyễn Phú Trọng nặng nề nhất.
Ở vấn đề trống đánh xuôi kèn thổi ngược giữa nhà nước với nhà nước, cụ thể là giữa nội bộ Đảng cộng sản với nhau, dường như đã rất rõ, không chí nhà nước để công kích khéo với nhau, và cũng không ngoại trừ việc công kích gay gắt với nhau. Cái lò chống tham nhũng của Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng càng ngùn ngụt cháy và các báo không ngần ngại nêu tên những cây củi sắp vào lò, trong đó có những cây củi từng là cổ thụ rừng già một thuở. Ngược lại, các nhóm bên dưới không những không đồng tình chống tham nhũng mà tạo ra nhiều scandal vì lợi ích nhóm, đạp qua mạng sống của nhân dân và không ngần ngại giết tróc, đẩy nhân dân ra đường trong lúc thủ lĩnh tối cao của đảng đang bị kiềm tỏa bởi bệnh tật và những vòng vây vô hình thiết lập từ phe nhóm. Có một sự mâu thuẫn rất rõ trong các chính sách gần đây nhất. Đổ máu ở Đồng Tâm là chiêu bài gây nguy hại cho Nguyễn Phú Trọng nặng nề nhất.
Giữa nhà nước với nhân dân thì quá nhiều chuyện để nói, bưng bít thông tin, thả sức tấn công nhân dân, kể cả việc lấy đi mạng sống của nhân dân, việc đó đã diễn ra và nó có chiều hướng tăng trưởng, lan rộng ra mọi miền đất nước chứ chưa dừng lại. Sự lan rộng bạo lực của nhà nước đối với nhân dân như một chỉ dấu cho thấy nhà nước đã bất lực và đuối lý trong các tranh chấp đất đai với nhân dân và họ buộc phải dùng sức mạnh bạo lực để tranh đoạt với nhân dân. Đương nhiên, hệ quả của việc này thì rất khó mà lường, bởi xây dựng nhà nước cũng từ nhân dân mà lật đổ nhà nước cũng bởi nhân dân. Đó là qui luật trường tồn của mọi dân tộc trên thế giới này. Hết bưng bít vụ Lộc Hưng, Đồng Tâm, xa hơn chút là Cồn Dầu, Ecopark Văn Giang… nhằm giữ bí mật lợi ích nhóm, nay nhà nước chuyển sang bưng bít thông tin về dịch cúm Corona.
Trong vấn đề dịch cúm Corona, rõ ràng, nhà nước đứng hai chân trên hai thái cực : Sự hỗn loạn có tính bao quát và ; Những vết chàm không thể xóa. Vì nhìn thấy sự hỗn loạn có tính bao quát, bắt nguồn từ tâm lý bất bình, mất niềm tin, thậm chí bất mãn và hận thù đối với nhà cầm quyền của nhân dân nên mọi thông tin đã bưng bít càng phải bưng bít kĩ hơn. Bởi mọi sự thật hiện nay đều không có lợi cho nhà cầm quyền, nó như một cái lò hỏa diệm sơn có thể bùng cháy mọi thứ khi có gió.
Việc nhà nước ban bố nghị định 100 ngay trong lúc đại dịch Corona hoành hành (có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2020, trong khi đó, đại dịch Corona Vũ Hán được phát hiện từ những ngày cuối tháng 11 năm 2019 !) là một việc hết sức tắc trách nếu nhìn sâu vào bản chất vụ việc.
Nhìn từ bề nổi, rất dễ thấy hai vấn đề gồm chấn chỉnh giao thông, giảm tai nạn ngày Tết và tìm một cái Tết lành mạnh. Bên cạnh đó, việc củng cố ngân sách của ngành công an, tạo khoản thu nhập Tết và tạo cảm hứng cho ngành từ việc thưởng Tết là hết sức cần thiết. Bởi các khoản thưởng Tết được trích từ tiền thu về của cảnh sát giao thông. Năm vừa qua, với 70% tền phạt do nồng độ cồn, xe không chính chủ, xe vi phạm luật giao thông… Có lẽ, ngành công an có được khoản thưởng kha khá hơn. Và đây là nhu cầu cấp thiết bởi nếu không có khoản này, ngành công an sẽ khá lúng túng trong việc thưởng Tết. Vì anh em nhà công an là nhóm có thế lực trong xã hội hiện tại, họ hô mưa gọi gió cho vợ con, gia đình họ làm kinh tế, họ bảo kê cho nhiều nhóm kinh tế, mức chi tiêu của họ không thấp, nếu thưởng Tết của ngành bèo quá thì mọi chuyện có khi lại tệ đi vì những râu ria vặt vãnh. Nghị định 100 cứu được khoản thưởng Tết của ngành là điều không thể chối bỏ. Nhưng, trong lúc dầu sôi lửa bỏng vì đại dịch corona, virus có thể lây nhiễm qua đường không khi, qua tai mũi họng mắt chứ không riêng gì đường tiếp xúc trực tiếp, hơn nữa, nó đã báo động trên toàn khu vực. Vậy mà các anh giao thông lại mang ống thổi đo cồn ra bắt tài xế, người đi đường dừng lại thổi. Cho dù có thay ống thổi thì cũng vô nghĩa bởi hơi thở phát tán ở không khí chỗ cảnh sát đứng, rồi nòng ống thổi vẫn còn virus (nếu có) đọng lại trong đó, chắc chắn, cái máy đo nồng độ cồn của cảnh sát giao thông nhanh chóng trở thành cơ quan phát tán virus.
Có thể nói cái máy đo nồng độ cồn của cảnh sát giao thông và cái khẩu trang y tế mà nhân dân mua phòng chống đại dịch là hai hình ảnh đối lập, trống đánh xuôi kèn thổi ngược trong mối quan hệ nhà nước – nhân dân trong lúc này.
Nhưng, đáng buồn hơn vẫn là chuyện trống đánh xuôi kèn thổi ngược giữa nhân dân với nhân dân. Đây là điều đáng sợ nhất nhưng nó từng xảy ra nhiều lần tại Việt Nam. Người Việt có câu nhiễu điều phủ lấy giá gương, hay bầu ơi thương lấy bí cùng… và nhiều câu khác nói lên tình tương thân tương ái giữa người cùng một quốc gia, dân tộc với nhau. Thế nhưng đó là lời, còn hành thì mọi chuyện lại khác. Có thiên tai, bão lụt, cũng có nhiều người lặn lội đường xa, gian khổ để chia sẻ với đồng loại nhưng cũng có người chờ thời cơ này để ép giá vật dụng nhà cửa, giá tăng chóng mặt, rồi có người chờ thời cơ để cướp cạn quà từ thiện. Gần đây nhất, đại dịch Corona, giá một cái khẩu trang y tế tăng vùn vụt từ 2000 đồng lên 30,000 đồng và có thể sẽ còn tăng nếu nhà nước không can thiệp kịp thời. Rõ ràng, ở đây, xét trong góc độ tình cảm con người với con người, giữa người dân với nhau đã có hiện tượng trống đánh xuôi kèn thổi ngược giữa hoạn nạn.
Và, một đất nước mà cứ liên tục diễn ra chuyện trống đánh xuôi kèn thổi ngược thì chắc khó mà lường được câu chuyện sẽ đi đến đâu !
Một cái Tết buồn, thật sự buồn !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 26/01/2020 (VietTuSaiGon's blog)
Tết Việt Nam buồn mà đẹp, dù là Tết thời chiến với xao xác tiếng gà tháng Chạp và canh khuya mang mang điệu buồn tản cư hay Tết thời bình người nhớ người vùi mình nơi biển cả hay bôn tẩu xứ người. Tết Việt Nam thơm tho mùi vạn thọ, cúc tần hay ngò cải đơm bông và giữa triệu triệu mùi hương ấy có hương hồn tổ tiên hiển hiện trong nét cười và cả lo toan con cháu. Tết Việt Nam ngày xưa có thêm mùi thuốc pháo và bây giờ những cành pháo bông trời đêm do ai đó lén lút đốt sáng làm phá vỡ không gian chứa đầy thanh âm giun dế.
Giữa hoang tàn đổ nát của những ngôi giáo đường đầy rêu xanh bỗng dưng mọc ra một cây cúc dại và trổ bông đón Tết.
Tết Việt Nam thời người ta chia nhau từng lát thịt và nắm tay nhau để vượt qua khốn khó đã qua rồi, Tết bây giờ không còn mùi thơm dưa cải kho cá với ớt xanh hâm đi hâm lại, cũng không còn mùi lửa rơm sáng sớm bà hay mẹ dậy sớm nấu nồi xôi cho cả nhà. Mùi hương của món xào một thuở cũng không còn… Thay vào đó là những món thập cẩm mua từ siêu thị, có chút mùi thơm của hương công nghiệp hiện đại và có cả chút khai khái của hơi máy lạnh ủ lâu ngày không gian kín… Nhưng, dù như thế nào thì Tết Việt Nam vẫn cứ buồn và đẹp. Vì sao ?
Vì giữa hoang tàn đổ nát của những ngôi giáo đường đầy rêu xanh bỗng dưng mọc ra một cây cúc dại và trổ bông đón Tết. Vì giữa hàng triệu sinh linh trôi dạt do biển nhiễm độc vẫn có những cụm rong xanh thoi thóp đón xuân về. Vì giữa hàng triệu nỗi đau mất mát vì thời cuộc vẫn có những cuộc đời, những số phận vươn lên với hành trang gồm mùi hương ngày Tết, ngai ngái sương sa tháng chạp hay âm ấm hương vạn thọ đầu làng. Và cuộc sống vẫn cứ phải trôi qua, con người vẫn cứ phải sống cho dù bi kịch luôn dựng bờ cõi trước trắc ẩn tâm hồn. Giữa muôn vàn nỗi đau và gian khổ, chữ sống hiện ra như một định dạng tâm linh.
Nếu Tết xưa với dưa món, củ kiệu, thịt heo, bánh tét, mứt, hạt dưa… và những thức ấy khan hiếm, ít ỏi, như một tượng trưng trên bàn nhà nông và người ta gắn mình với sự nghèo khổ mà yên bình ấy, người ta gắn lòng biết ơn với trời đất, cỏ cây, nguồn cội… Thì Tết nay, những món ngon có mặt hầu hết ở các gia đình và không còn mang tính tượng trưng nữa, nó trở nên ề hề, ứ hự. Và hình như người ta cũng không còn mấy ai gắn lòng biết ơn với tổ tiên, tiền nhân như trước, người ta đã khôn hơn, thậm chí khôn lõi khi biết đào xới, cưa xẻ thiên nhiên để mang về bỏ trong vườn, đặt trên bàn như một sự tôn vinh đẳng cấp thức thời. Và hình như, biết ơn thiên nhiên hay cỏ cây là điều gì đó đã trở nên xa xỉ và rởm đời đối với nhiều người, nhiều người lắm !
Nếu Tết xưa ở quê nghèo hay miền núi, trẻ con háo hức với áo mới, dép mới và những cây kẹo đường còn phưng phức mùi trời đất thì Tết nay, dường như mùi và màu ấy đã thuộc về quá vãng. Và Tết xưa cha mẹ đèo con dăm ba đứa trên chiếc xe đạp hay xe gắn máy để thăm ông bà, bà con, hàng xóm láng giềng, du xuân sơn thủy… Chúc nhau ly rượu mừng Xuân… Thì tết nay, việc ấy trở nên hãn hữu và ái ngại, bởi những chòm cảnh sát giao thông đã đứng sẵn bên ngoài chòm xóm để đo nồng độ cồn, mức phạt đôi ba triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng đang lấp ló ngoài cửa, người ta không còn cảm giác bình yên và lãng mạn, người ta đã đánh tráo sự lãng mạn, yên bình của mình bằng sắc màu vật dục, bằng những chiếc xe đời mới đậu trước cửa hay những thứ gì đó thuộc hàng hiếm, hàng độc và việc mua đường cũng là sự thể hiện đẳng cấp thời bây giờ.
Tết bây giờ, con người có nhiều thứ, nhưng hình như thiếu hẳn lòng trắc ẩn, tính bao dung và sự lãng mạn. Người ta đi du lịch, người ta liên tục chụp ảnh với cỏ cây và cảm nhận thiên nhiên qua tấm hình mình đã chụp. Tết đã mất đi không khí la đà sương chiều của đồng quê và những con đường đã bê tông hóa tự đáy tâm can chứ không phải nơi mặt đường hay lối xóm.
Tết Việt Nam buồn mà đẹp, vì sao ? Vì nếu không buồn thì làm sao có hàng triệu người bỏ nước mà đi, dù biết rằng việc đi ấy là nguy hiểm, việc ra đi là mãi mãi đánh mất quê hương thân yêu và có thể gắn sự sống mình ở một nơi chốn khác, không cùng giọng nói hay màu da hay điệu buồn riêng chung ? Nhưng đã có hàng triệu người ra đi, có lẽ vì Tết Việt Nam quá buồn, Tết buồn ngay trong cả tiếng cười hí hửng hay tiếng vỗ tay của bữa tiệc nhà quan ê hề rượu thịt. Tết buồn trong khóm hoa cúc hoa ngò hay cải hẹ tần ô bởi mùi hương năm cũ vẫn cứ phảng phất về một mối tương cảm giữa người với người nay đã mất. Tết buồn nên những ngôi mộ cỏ mọc hoang vu bởi người thân đã đi về một nơi nào đó xa xăm, chưa có dịp trở về cố quốc. Tết buồn bởi hàng triệu người đang đau đáu chuyện nhà cửa, chuyện chén cơm manh áo và sự chộn rộn kiếm cơm không thể khỏa lấp nỗi lo cơ chế. Tết buồn bởi có quá nhiều thứ gắn bó với con người trở nên hoang vu và trắng xóa chỉ sau một chữ ký của quan trên. Tết buồn bởi đâu đó, dư âm và hơi lạnh của Lộc Hưng, Đồng Tâm và hàng trăm địa điểm khác đang trở lại và sẽ có nhiều đồng loại bỗng dưng ôm mền mùng, chăn chiếu ra đường nằm ngủ và giấc ngủ của họ cũng không được yên bởi các anh dân phòng, công an khu vực tuần tra xua đuổi.
Còn hàng triệu nỗi buồn khác chưa kịp thống kê khi Tết về, chí ít là người đã biết lừa lọc người mỗi khi Tết đến, người đã biết bóc lột người mỗi khi Tết về, những chuyến xe chở người chật như nêm, đôn thêm ghế, nhét dưới gầm xe… và người chấp nhận đi như vậy, không cần biết chết sống ra sao, miễn sao là được về quê bởi đồng tiền trong túi cho họ biết rằng đó là cơ hội về quê và dư chút đỉnh để sắm quà Tết. Họ, những người nằm vật vạ trong xe ấy là ai nếu khhông phải những người lao động nghèo xa quê. Và Tết Việt Nam lạnh lùng buồn khi nghĩ đến những con người đã chết cóng trong thùng container nơi Anh Quốc, câu chuyện tưởng như cổ tích hay thần thoại buồn, nhưng nó có thật.
Nhưng, Tết Việt Nam đẹp, đẹp đến nao lòng, ngay cả những cánh rừng bị đốt trơ xương hay những ngọn đồi bị cắt lở lối vẫn toát lên vẻ lộng lẫy, huy hoàng của một vết thương vĩnh cửu. Tết Việt Nam đẹp bởi giữa muôn vàn xô bồ, người ta vẫn nghĩ đến một điều gì đó thiện lành để dành cho nhau và để nhớ về. Tết Việt Nam đẹp đến ấm lòng nên dù khi về quê, mới bước vào cửa khẩu đã bị hải quan rạch va ly, ăn cắp tiền bạc, vật dụng và ra đường thì bị taxi vẽ chuyện chặt chém, về nhà thì bị gia đình bóc thêm một lần nữa cho đến khi sạch túi, chỉ còn mỗi tấm vé để bay đi rồi lại cày xới, quần quật giữa xứ người… Nhưng người ta vẫn về, vẫn trở lại với lòng nhiệt tình, tha thiết. Bởi cái đẹp ẩn sâu níu gọi.
Giá như cái đẹp ẩn sâu của Tết Việt được phát lộ, giá như người tử tế với với người và biết nhìn vào nỗi buồn của nhau, thì Tết Việt đẹp lộng lẫy nhường bao ? !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 08/01/2020 (VietTuSaiGon's blog)
Chuyện miếng thịt heo (lợn) khan hiếm hay thịt heo tăng giá vùn vụt ngày Tết mà lại nghĩ đến tư duy xã hội chủ nghĩa thì nghe có vẻ hơi khiên cưỡng, nhưng kì thực, vấn đề cũng quanh quẩn đâu đó chứ chẳng ở đâu xa. Việt Nam nào ở đâu xa/ Thịt heo lên giá ấy là Việt Nam.
Tỉ lệ người nghèo mua không nổi thịt heo trong dịp cuối năm này không phải là thấp.
Cái vấn đề thịt heo lên giá nhìn từ bên ngoài nó là sự biến động thị trường do dịch tả gây ra. Nhưng nhìn sâu vào cả bên trong và nhìn rộng ra bên ngoài, nhìn cả Châu Á thì chỉ có Việt Nam và Trung Quốc bị biến động giá thịt heo/lợn. Và, chỉ có ở những quốc gia cộng sản xã hội chủ nghĩa này mới có những câu chuyện khôi hài xoay quanh miếng thịt heo/lợn, mới có chuyện người ta ăn mặc lịch sự, đi vào chợ để lén lút ăn cắp thịt heo bỏ vào túi veston. Và, sở dĩ câu chuyện trở nên khôi hài như vậy bởi vì đây là các quốc gia cộng sản xã hội chủ nghĩa.
Vì sao quốc gia cộng sản xã hội chủ nghĩa mới có chuyện thịt heo tăng giá làm ảnh hưởng thế giá xã hội của con người ? Cái này phải hỏi vì sao người cộng sản lại nghĩ ra được cái mô hình kinh tế chính trị quái thai mang tên Tập trung Bao cấp, và ở đó, người ta giành giật từng miếng ăn, chụp giật, cướp cạn, tranh giành, đội trên đạp dưới… có đủ ! Và cũng chính cái mô hình này đã nhanh chóng biến người Việt thành một tộc người vốn yêu nước, vốn quen với chiến trận giữ nước đã nhanh chóng chuyển sang yêu miếng ăn, dùng chiến thuật trận mạc để cướp, giật, giành miếng ngon của nhau.
Và thứ tư duy ấy, mặc dù chỉ phủ sóng qua miền Nam Việt Nam 11 năm, từ tháng 6 năm 1975 đến tháng 8 năm 1986 rồi sau đó chuyển sang thời đại kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là lúc nỗi thao thức về miếng ăn không còn ghê gớm như trước nhưng sự tranh giành miếng ngon lên đỉnh điểm. Bởi định hướng xã hội chủ nghĩa luôn gắn liền với con người xã hội chủ nghĩa mà con người xã hội chủ nghĩa ấy là ai nếu không phải là các đảng viên cộng sản cũng như những con người vốn quen sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương bác Hồ vĩ đại ?! Hay nói khác đi, con người gắn với xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam đồng nhất với con người gắn với cộng sản, yêu cộng sản. Nói như vậy để vỡ lẽ rằng, nguồn thức ăn có phần nhiều, dư dả hơn nhưng tâm lý tranh giành, chụp giật của người Việt vẫn cứ như cũ theo cái định hướng xã hội chủ nghĩa này. Mạnh được yếu thua, một người làm quan ba họ được giàu… Và, con người xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển, từ chỗ tranh nhau từng lạng gạo, lạng thịt thời tem phiếu, người ta chuyển sang tranh miếng ngon thời thị trường. Và chính cái tâm lý tranh giành ấy đẩy thị trường đến chỗ khủng hoảng.
Thử nhìn lại, khủng dịch tả heo Châu Phi không riêng gì Việt Nam hay Trung Quốc bị ảnh hưởng, nhưng chỉ có hai quốc gia này có giá thịt heo bị thổi liên tục và chỉ có hai quốc gia này mới có tình trạng người ta ăn cắp thịt, hoặc hình ảnh giễu nhại đẳng cấp bằng cách đeo một xâu thịt heo dài trước ngực, ăn mặc sang trọng… Tất cả điều đó như một chỉ dấu cho thấy rằng thịt heo đã lên ngôi, đã đi vào quan niệm về tầng bậc xã hội cũng như đẳng cấp tiêu dùng tại Việt Nam. Và nó cũng cho thấy Việt Nam và Trung Quốc là những quốc gia có mức thu nhập bất cân xứng bậc nhất. Người giàu thì có thể mua cả con heo, vơ cả cái chợ thịt heo về đãi khách nhưng người nghèo phải cân nhắc, ăn nhín uống nhịn mới mua nổi miếng thịt heo Tết. Và tỉ lệ người nghèo mua không nổi thịt heo trong dịp cuối năm này không phải là thấp.
Và nói tới miếng thịt heo, một thứ thực phẩm thuần túy, tưởng như không quan trọng gì cho mấy bởi nhịn thịt một tháng cũng không khiến cho người ta trở thành nô lệ hoặc vong thân, vong nô, thậm chí nhịn thịt, chay tịnh càng giúp cho người ta trở nên thanh tĩnh, tỉnh thức hơn. Nó hoàn toàn không giống với việc mất nước, mất đảo, mất tự do hay mất danh dự… Nhưng nghiệt nỗi, tại Việt Nam, câu chuyện chính trị, câu chuyện chống tham nhũng hoặc câu chuyện ngoại xâm tuy có nóng sốt cả khu vực thì với người Việt, chỉ một bộ phận nhỏ quan tâm. Nhưng miếng thịt heo tăng giá thì cả xã hội quan tâm và nháo nhào, cuống cuồng theo nó. Chuyện này chỉ có ở Trung Quốc và Việt Nam. Và có một vấn đề cũng đáng quan tâm nữa : Là tại sao cả Trung Quốc và Việt Nam đều có cơn sốt thịt heo lúc này trong khi các nước khu vực cũng bị ảnh hưởng giống mà lại không sốt ? Phải chăng miếng thịt heo là một loại đề tài thay thế cho rất nhiều bận tâm về Hồng Kông, biển đảo và chống tham nhũng ? !
Câu hỏi này không phải vô căn cứ khi hỏi. Nhưng rõ ràng, để có được những cơn sốt vì miếng ăn như hiện tại, đó là một quá trình dài xây dựng tâm lý xã hội của người cộng sản, kể cả Việt Cộng và Trung Cộng đều từng trải qua thời kỳ kinh tế tập thể, di chứng của nó sẽ còn kéo dài qua nhiều thế hệ. Và mỗi khi trái gió trở trời, nó lại mưng đau. Cơn gió thị trường thịt ngày Tết ở Việt Nam và Trung Quốc đang vô tình chạm vào nỗi đau, chạm vào vết thương mưng mủ của các dân tộc chịu ách độc tài quá lâu và ý nghĩa đời sống không có gì khác ngoài xoay quanh chuyện ăn, mặc, ở. Đây chính là mấu chốt của tư duy xã hội chủ nghĩa.
Và khi tư duy xã hội chủ nghĩa còn thì con người xã hội chủ nghĩa còn và hành xử xã hội chủ nghĩa còn. Khi những thứ đó còn thì miếng ăn vẫn mãi đứng trên vị trí tối thượng của xã hội và con người, ngoài việc sùng bái lãnh tụ một cách thụ động, người ta còn sùng bái miếng ăn, sùng bái miếng ngon một cách chủ động, tự thân ! Vô tình, miếng thịt heo ngày Tết lại nhắc nhớ những điều tưởng chừng đã qua lâu lắm rồi, không bao giờ lặp lại nữa. Nhưng hỡi ôi, nó vẫn đang tiếp diễn và phát triển một cách đáng sợ !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 26/12/2219 (VietTuSaiGon's blog)
Nói văn hóa ăn xin là không ngoa. Và văn hóa ăn xin không phải ở người dân, nó nằm trong hệ thống công quyền. Người dân có thể tay bị tay gậy ăn xin, bôi mặt đen, cầm đầu gà vừa ăn xin vừa trấn lột hoặc đi xin đểu ngoài công viên. Nhưng, những kiểu ăn xin này không có tính phổ quát, nó cũng không làm cho xã hội sa đọa. Ngược lại, kiểu ăn xin, hay nói khác đi là thứ văn hóa ăn xin rất đáng sợ của hệ thống công quyền mới đáng bàn.
Người ta bỏ tiền ra để mua những thẻ phước đức từ chùa và sau đó đánh bạc với nhau bằng thẻ phước đức này.
Và cũng xin nói thêm, loại ăn xin công quyền có hai hướng, hướng tư lợi, dùng quyền lực cơ quan để gửi thư xin đểu cũng rất đáng sợ bởi nó khiến cho các doanh nghiệp nhận được thư gặp nhiều phiền phức. Nhưng bù vào đó, doanh nghiệp nào được nó xin đểu cũng có "bánh ít trao đi bánh qui trả lại", nghĩa là dễ dàng trong thủ tục, phép tắc kinh doanh hoặc có thể toa rập với cơ quan đã xin xỏ mình để mua đất giá rẻ, hô biến bất động sản toàn dân… Nhìn chung, kiểu xin và cho này có tác động tiêu cực đến xã hội một cách đáng kể. Nhưng nó lại biến xã hội thành một sòng bạc và chơi theo qui luật sòng bạc.
Bởi chí ít, nó cũng đáp ứng được một luật chơi xã hội, đó là sòng bạc thì gian lận, có kẻ trắng tay nhưng có kẻ cũng giàu sau một đêm, khác với nhà nông hay xã hội tử tế, quanh năm vất vả nhưng khó giàu. Và đương nhiên, tiền đổ vào sòng bạc bao giờ cũng nhiều gấp bội tiền đổ vào các nơi nghiêm túc. Có vẻ như dựa vào tâm lý này mà hầu hết các chùa nhà nước đều biến cửa Phật thành những sòng bạc tâm lý, hay nói khác đi là người ta bỏ tiền ra để mua những thẻ phước đức từ chùa và sau đó đánh bạc với nhau bằng thẻ phước đức này. Và nói cho cùng thì cách chơi của một sòng bạc mặc dù bất ổn, lưu manh, xảo trả nhưng chí ít nó cũng mang lại một lượng tài chính khá lớn cho sòng, tạo ra môi trường ăn tiêu, chơi bời, dư dả ngay trong sòng. Nó khác hẳn với kiểu ăn xin dựa trên qui định pháp luật của hầu hết cơ quan công quyền địa phương hiện nay.
Vậy kiểu ăn xin, hay văn hóa ăn xin của cơ quan công quyền địa phương hiện nay ra sao ? Sao gọi là ăn xin ? Và mức độ tai hại của nó đến đâu ?
Nếu nói về mức độ tai hại của văn hóa ăn xin công quyền thì có lẽ, đích cuối của nó phải là giải thể chế độ. Vì lẽ, loại văn hóa này như những con bọ chét và loài ký sinh đáng sợ, truyền nhiễm, gây chết chóc cho cơ thể vật chủ. Thử tưởng tượng một bà vốn chưa bao giờ tham gia hoạt động cộng sản, chưa bao giờ làm rừng, cha mẹ bà ấy cũng chưa bao giờ dính gì đến chiến trường hay từng đi qua nhưng nơi có rải dioxin. Đùng một cái, nghe bà ta than thở về bệnh tật, hỏi ra mới biết bà ta bị chất độc màu da cam, bà đang điều trị và mỗi tháng phải nhận của nhà nước hơn 1,6 triệu đồng tiền nạn nhân. Và nghiêm túc mà nói thì trên đất nước này, những "nạn nhân" kiểu này nhiều vô kể, đó là chưa nói tới thân nhân liệt sĩ khai khống, một liệt sĩ có tới hai, ba người hưởng tiền tuất, thậm chí mẹ ruột của liệt sĩ suốt cả chục năm trời không biết tiền tuất của con là gì, trong khi đó, người họ hàng đã nhanh tay cấm lấy giấy tờ đi khai cho người thân của họ để hưởng mọi khoản tiền. Rồi thêm nữa là chuyện hộ nghèo, chuyện người tàn tật, thương binh… Thực ra, nếu bây giờ nhà nước, chính phủ chịu khó làm một cuộc tổng kiểm tra trên toàn quốc, phải có đến hơn 50% các đối tượng khai man, ăn gian tiền của nhà nước, nhân dân. Nhưng vì sao nó tồn tại ?
Có hai lý do để nó tồn tại. Thứ nhất, chính sách quản lý lỏng lẻo, thứ hai, chính sách ưu tiên vùng miền. Nghĩa là ngoài việc quản lý lỏng lẻo, cán bộ địa phương gian lận, người đi khai cũng gian lận thì các khoản thu, chi ở cơ quan trung ương cũng rất ầu ơ. Ví dụ như một xã có quá nhiều hộ nghèo, có quá nhiều đối tượng chính sách thì xã đó được miễn hoặc giảm sâu các khoản đóng vào ngân sách nhà nước, thậm chí được nhà nước rót ngân sách hỗ trợ. Chính sách này nhanh chóng tạo ra hàng triệu cơ quan, đoàn thể chuyên đi lùng sục cái nghèo và tàn tật. Thậm chí một người chả có dính dán gì tới chiến tranh hay rừng rú, cũng chả có tí dioxin nào trong cơ thể, mọi thứ lành lặn nhưng vẫn được nằm trong danh sách nạn nhân chất độc màu da cam. Vì sao ? Vì người này đồng ý khai man thì được hưởng lợi hằng tháng, trong khi đó cơ quan cấp xã tìm ra đủ đối tượng thì được nhiều thứ, được trên rót tiền xuống, được chấm mút, được miễn đóng vào ngân sách huyện, miễn các khoản đóng từ việc bán đất qui hoạch… Nói chung là được quá nhiều thứ cho một đơn vị xã nếu như đơn vị xã đó chịu khó lập cho được một danh sách hộ nghèo, tàn tật, đối tượng chính sách.
Chính vì thứ động cơ lợi lộc từ việc xin xỏ này mà người dân cũng chấp nhận xin xỏ một cách dối trá, cơ quan công quyền địa phương thì xin xỏ một cách gian lận, man trá, đê tiện, và có bao nhiêu đồng ngân sách xã, tự ban bệ dùng với nhau, rửa bằng nhiều cách để lọt vào túi cán bộ. Trong khi đó, bọn chính quyền địa phương lại nhơn nhơn với nhân dân, tự xem mình là cán bộ tốt vì đã mang lại chén cơm cho nhiều đối tượng "khốn khó". Trong khi đó, bọn họ không hề biết rằng chính họ gây ra tội ác, sự gian trá và chính họ đã đục khoét một cách kinh khủng nhất vào ngân sách quốc gia. Nếu không tin, thử làm một bài toán về tài chính quốc gia dành cho các trường hợp vừa nêu hằng năm thì sẽ thấy ngay mức độ tai hại của nó.
Và, có thể nói đây là một loại ăn mày trá hình của các cơ quan công quyền địa phương, không có đơn vị trung ương nào mà chịu cho thấu cái gánh nặng này. Và nói cho cùng thì một khi ngân sách nhà nước chịu quá nhiều sức nặng, thì thuế phải tăng, nhân dân bị tận thu qua nhiều hình thức, và khi đã tận thu được của nhân dân thì mức độ chấm mút, tham nhũng cũng tăng tỉ lệ thuận. Chung qui, kiểu ăn xin của cấp địa phương vô hình trung đã tạo thành một thứ văn hóa công quyền. Và không có gì đáng sơ, đáng tởm hơn cho một dân tộc hoặc một thể chế chính trị bằng thứ não trạng ăn bám, ký sinh này !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 26/12/2019 (VietTuSaiGon's blog)
Thời sinh viên của tôi gắn với Lộc Hưng, tôi và một vài người bạn đã thuê trọ ở đó gần nửa quãng thời gian học đại học. Hồi đó, vườn rau Lộc Hưng hoàn toàn chưa có nhà cửa, chỉ có rau và rau. Vườn Lộc Hưng nằm trước nhà thờ Lộc Hưng (Giáo xứ Lộc Hưng), rộng chừng vài chục hecta, được bao bọc bởi một con đường vòng cung nối Lý Thường Kiệt với Cách Mạng Tháng Tám. Có thể nói rằng cứ mỗi mùa Giáng Sinh, khu dân cư Lộc Hưng là khu đẹp nhất Sài Gòn, các con hẻm đều trang trí đèn màu, đủ màu sắc. Đi dưới các con hẻm ở Lộc Hưng giống như đang đi dưới một vòm trời đầy các ngôi sao xanh, đỏ, vàng, tím… Và chừng vài chục mét lại nhìn thấy hang đá, Chúa Hài Đồng, Đức Mẹ…
Cứ mỗi mùa Giáng Sinh, khu dân cư Lộc Hưng là khu đẹp nhất Sài Gòn, các con hẻm đều trang trí đèn màu, đủ màu sắc.
Có thể nói rằng để tìm ra một khu dân cư có hàng chục ngàn người đều đồng nhất chung tay làm nên một con phố Noel, chỉ có Lộc Hưng, Sài Gòn. Sau này thì nhiều nơi như vậy, nhưng thời tôi đi học, cách đây gần ba mươi năm, dường như chỉ có Lộc Hưng.
Và thời đó, cả con đường dài quanh vườn Lộc Hưng chỉ có đúng một quán cơm. Quán bình dân, không tên, nhưng chúng tôi đặt tên quán cơm Nỗi Niềm. Vì chủ quán có hai cô con gái, cả ba mẹ con của họ nhìn gương mặt lúc nào cũng chất nặng nỗi niềm. Cha của hai cô gái hình như đã mất thì phải. Hồi đó, tài sản sinh viên của tui tôi chẳng có gì ngoài một thùng gỗ đựng sách vở, gọi cho sang là vali, vài bộ quần áo và chiếc xe đạp. Chúng tôi sống trong một căn gác gỗ của một gia đình Thiên Chúa Giáo, mỗi năm, thú vị nhất vẫn là mùa lễ Tạ Ơn và Giáng Sinh, cách gì chúng tôi cũng được chủ nhà đãi cho một bữa ăn ngon và miễn cho một tháng tiền nhà, ngoài ra còn có phần mỗi đứa 50 ngàn đồng. Hồi đó thuê nhà mỗi tháng 100 ngàn đồng, có 50 ngàn đồng lúc đó giá trị hơn 500 ngàn đồng bây giờ rất nhiều.
Nhớ có năm, cũng mùa Noel, tôi và thằng bạn (bây giờ là nhà thơ khá nổi tiếng) rủ nhau đi dạo thành phố một đêm cho biết (sở dĩ có hứng để rủ nhau đi là do chiều đó được bà chủ nhà tặng cho mỗi đứa 50 ngàn đồng), tôi mua một đôi giày bata Thượng Đình hết 15 ngàn, vậy là hai thằng cùng đi. Không biết đi kiểu gì mà lòng vòng qua tận quận Nhất, rồi xuống sân bay Tân Sơn Nhất ở giáp giới Tân Bình, Gò Vấp, rồi lại quay về Cách Mạng Tháng Tám, mệt quá, hai thằng ngồi ở trước cổng nghĩa trang Hồi Giáo trên đường Cách Mạng Tháng tám nghỉ xả hơi, bị dân phòng tới hỏi giấy tờ, lại phải xuất trình thẻ chứng minh, thẻ sinh viên mới được cho về. Bụng đói meo vì đi bộ, tiền thì có rủng rỉnh mấy chục ngàn đồng trong túi như xui sao bữa đó lễ Giáng Sinh nên hầu hết những người bán thức ăn dạo ban đêm đều nghỉ. Sài Gòn mà đi ăn đêm không tìm ra chỗ thì cũng lạ. Thực ra có nhiều chỗ nhưng không hợp túi tiền, tụi tôi cần phải dành dụm và chỉ tìm cho được chỗ bán xôi, chỉ có xôi Sài Gòn vừa ngon, vừa rẻ, hợp với sinh viên.
Lang thang cuốc bộ, đôi giày tôi mua ban chiều đến khuya đã vẹt gót, lòi da, có lẽ do khúc đói bụng, đi hai chân cứ kéo xoèn xoẹt dưới đất nên nó nhanh mòn. Về đến nhà thờ Lộc Hưng, đã gần 4h sáng, tôi và thằng bạn mới nhớ sực là giờ này thì hết về nhà được rồi vì chủ nhà qui định phải về nhà trước 23h đêm. Thôi thì chui vào nhà thờ Lộc Hưng ngủ. Hai thằng chọn cái ghế đá, chỗ gần tượng Chúa nằm ngủ cho đỡ sợ. Lúc đó tự dưng cảm giá hơi ớn lạnh, bụng đói nữa nên hai thằng cứ run cầm cập theo cái lạnh Giáng Sinh. Nằm trằn trọc do ghế đá lạnh, do sợ mỗi khi nhìn ra vườn rau vì thằng bạn nó nghe ai đó kể ằng trước đây vườn rau là một nghĩa địa (chuyện này không đúng nhưng hồi đó người ta kể vậy để phỉnh những kẻ hái trộm rau thôi!). Chỉ mong trời mau sáng để về nhà trọ tắm rửa, kiếm chút gì bỏ bụng thì tự dưng thấy một bóng đen đứng lù lù bên cạnh, sợ chết khiếp nhưng cũng cố giữ can đảm, im lặng quan sát. "Các cậu làm gì nằm đây?", giọng hỏi hơi quát tháo. "Dạ, tụi con là sinh viên, lỡ ham chơi Giáng Sinh, về khuya quá, không dám gọi cửa nên nằm đỡ qua đêm chút về". "Sinh viên sao lại run như cầy sấy khi bị hỏi thế kia?". "Dạ, tại đói bụng mà lạnh chứ tụi con trả lời thật thà, đây, thẻ sinh viên của con đây, mời chú coi". "Người đàn ông bật đèn pin coi thẻ, sau đó giọng trầm ấm hẳn. "Ui chao là sinh viên! Đói bụng mà nằm ngủ lạnh như vậy có khi ngủ luôn cũng không chừng, thôi vào đây!". Nói xong ông quay đi và ra hiệu hai thằng tôi đi theo. Ông dắt vào một dãy phòng, chỉ cho chúng tôi một phòng trống có trải đệm hẳn hoi và nói "Vào đó ngủ đi. Đợi tôi chế mì gói cho mà ăn. Nói xong ông đi, chừng mười phút sau ông gọi tụi tôi ra ngoài phòng ăn, đã có hai tô mì gói chế với trứng và thịt bò. Hai thằng chẳng biết nói chi, chỉ biết cảm ơn rồi ăn. Xong rồi đi rửa mặt nhưng ngại không ngủ vì thấy giường sạch quá. Hình như hiểu ý chúng tôi, ông lại bảo "Ngủ và thức là ý Chúa, không phần biệt sạch dơ đâu, tụi con cứ ngủ". Đêm đó mặc dù chỉ ngủ vỏn vẹn hơn giờ đồng hồ nhưng giấc ngủ ngon đặc biệt của thời sinh viên, giờ nhớ lại vẫn còn cảm giác của đêm ấy.
Sau này, chúng tôi mới biết người đàn ông đó là một ông trùm họ đạo, ông cũng là người phụ trách cả viêc phụng vụ Chúa và Cha, ông ở lại nhà thờ để chăm sóc Cha và coi quản mọi việc. Ông cũng là người giới thiệu chúng tôi với quán cơm Nỗi Niềm để mỗi khi thiếu tiền, chúng tôi lại ăn nợ mà không cần thế chấp thẻ sinh viên. Thậm chí có thể dạy thêm tiếng Anh cho hai cô con gái trong cuối tuần để trừ tiền cơm. Mối gắn kết của chúng tôi với làng rau Lộc Hưng cũng gần gũi và thân thiết hơn từ đó.
Hầu hết người làm vườn ở Lộc Hưng đều không dùng phân bón hóa học, họ ra vùng ngoại ô để mua phân bò về ủ, muốn chở phân bò vào thành phố thì phải dùng loại bao đặc biệt, có hai lớp, gồm một lớp nilon và lớp bao tải, nhận đầy phân vào đó và chất lên xe chở về. Mỗi chuyến đi chừng vài chục bao tải như vậy, về đổ ra, chất thành đống và đậy bao tải lên trên, sau đó phủ bạt che kín để ủ. Cứ mỗi dịp tháng Mười Một, tháng Chạp thì đi qua đây chỉ nghe đúng hai mùi, rau ngò, hành cải và mùi bánh dầu ngâm. Có thể nói theo tiêu chuẩn rau sạch bây giờ thì lúc đó, vườn rau Lộc Hưng là vườn rau sạch. Hầu hết các nông dân Lộc Hưng là những người có nhà trên đường vòng cung nhà thờ Lộc Hưng, nhìn ra vườn rau. Chủ quán cơm Nỗi Niềm cũng có một lô đất trồng rau trước nhà.
Năm ngoái, nghe tin Lộc Hưng bị đập phá nhà cửa, tự dưng tôi nhớ đến cái đêm Giáng Sinh lạnh và những ngày sinh viên thiếu thốn, đói kém trên đất Sài Gòn, nhớ những bữa cơm thiếu nợ đầy ân tình ở Lộc Hưng và nhớ cả cảm giác ấm áp khi đi dạo trong vùng đất xa lạ những rất đỗi thân thương này. Tìm hiểu thêm thì tôi được biết hai cô con gái quán Nỗi Niềm cũng có nhà bị đập. Nghĩa là hai cô đã lấy chồng, làm nhà trên vườn rau của ông bà để lại. Vì vườn rau này vốn là thổ cư của nhiều người dân nơi đây từ thời mới khai canh cả gần trăm năm trước. Nhưng năm 1995, họ lại không được kê khai và cấp thổ cư vì trở ngại từ nhà nước, họ chỉ được công nhận là đất hoa màu, đó cũng là mấu chốt để chuyện đau lòng xảy ra ngày hôm nay.
Mấy đêm hôm này trời trở rét, cả ba miền Việt Nam đều rất lạnh, tự dưng tôi rùng mình nghĩ đến cái lạnh ở Lộc Hưng, cũng lạ, cả Sài Gòn chỉ có Lộc Hưng là nơi lạnh nhất và nóng nhất, mùa hè thì nóng muốn chảy mỡ, mùa đông thì lạnh cắt da cắt thịt, nhưng ra khỏi Lộc Hưng, đi vài cây số thì không còn lạnh như vậy. Giáng Sinh về, tự dưng, nghĩ đến cái lạnh, nghĩ đến những đứa trẻ mất nhà, những đứa trẻ phải ngủ nhờ lây lất, ấm lạnh chẳng biết về đâu vì tổ ấm không còn… Lòng bùi ngùi khó tả. Mới đây thôi mà đã gần ba mươi năm, vật đổi sao dời. Từ một Lộc Hưng thanh bình, quê kiểng giữa lòng phố, nay đã dâu bể đa đoan. Không biết người trùm họ đạo năm xưa có còn? Và không biết mùa Giáng Sinh năm nay, Lộc Hưng có còn những con phố giăng đèn, còn giống như một thiên đường ấm áp đèn hoa mà trước đây gần ba mươi năm tôi đã đi lang thang rồi mơ ước xa vời?! Chỉ biết cầu nguyện cho Lộc Hưng được bình yên, điều lành đến với người Lộc Hưng và Chúa thương xót mọi lầm lỗi để được sáng suốt, được yêu thương, để kẻ lầm lỗi được từ bỏ mọi thủ đoạn mất tính người, để trả Lộc Hưng về lại với Lộc Hưng!
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 09/12/2019 (VietTuSaiGon's blog)