Đây là câu hỏi rất cũ cho đến lúc này và đương nhiên trả lời nó cũng không mang lại điều gì mới mẻ. Nhưng, vấn đề nằm ở chỗ, giả sử nhìn theo góc độ phát triển thì phát triển ra sao và ngược lại. Bởi hơn bao giờ hết, cũng chưa bao giờ thế hệ trẻ Việt nam lại phải sống trong "tuổi trẻ hoang mang" như bây giờ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định : Việt Nam đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị.
Vậy, nếu gọi là phát triển thì Việt Nam phát triển như thế nào ? Có thể nói rõ ràng, dù nhìn nhận trên bất kì góc độ nào, Việt Nam vẫn là nước phát triển rất mạnh trong thập niên 2010. Mặc dù ẩn chứa bên trong của sự phát triển này là nợ công, bất công, tham nhũng, nạn dốt, độc tài, mất tự do… Nhưng, thử đi bất kì con đường nào trên đất nước, sự phát triển của các cung đường từ thôn quê cho đến thành thị, sự mọc lên ngày càng nhiều các khu nhà cao cấp, tòa nhà chọc trời hay khu phức hợp thương mại cao cấp… Tất cả cũng đủ trả lời cho vẻ bề ngoài phát triển.
Chưa dừng ở đó, sự phát triển còn biểu hiện qua chủ nghĩa tiêu dùng và khả năng mua của người Việt. Có thể nhìn thấy ở các vùng quê, bất kì nhà nào, gia đình nào cũng trang bị được quạt điện, ti vi, tủ lạnh và các phương tiện điện tử. Ngay cả những vùng núi hẻo lánh, việc có ti vi không còn là chuyện khó khăn hay lạ lẫm của các gia đình tộc người thiểu số. Đương nhiên, nói về khả năng kinh tế của các tộc người thiểu số còn quá nhiều điều để bàn, nhưng thử làm một cuộc khảo sát, họ vẫn vô tư nói rằng đời sống bây giờ khá hơn trước rất nhiều. Khả năng mua sắm, đi siêu thị của người vùng nông thôn đồng bằng cũng cao hơn trước… Nhìn chung, chủ nghĩa tiêu dùng đã xuất hiện tại Việt Nam. Vấn đề nó xuất hiện như thế nào và nguồn sản phẩm trong chuỗi tiêu dùng đó từ đâu chưa bàn. Dù sao, nó cũng là một nấc trên thang biểu kế kinh tế, nó cho thấy có sự phát triển.
Nhưng, khi cái nhà, cái xe, mặt tiền, sợi dây chuyền, mặt ngọc, thẻ vip, thương hiệu đeo trên người trở thành hay thay thế cho các giá trị đạo đức, thay thế cho các chuẩn mực về thẩm mỹ, lòng trắc ẩn, danh dự… Thì mọi chuyện không những xấu đi mà có nguy cơ kéo tuột mọi thứ trở về thời đồ đá. Điều đáng nói là Việt Nam đang ở tình trạng này !
Thanh niên sẵn sàng xếp hàng rồng rắn cả ngàn người dưới cái nắng oi bức mùa hè, chen chúc nhau hàng vài giờ đồng hồ để được ăn miễn phí một món sushi hay một chén chè, một ổ bánh mì của tiệm mới khai trương bởi thương hiệu của nó quá nổi tiếng. Nhưng thanh niên không bao giờ chịu đựng được quá hai phút chờ đèn đỏ, thậm chí nửa phút, chưa đầy 30s, đèn chưa kịp xanh thì thanh niên đã nhấn số, vặn ga mà vọt lẹ. Thanh niên chọn bóng mát dưới những gốc cây ở các ngã tư để chờ đèn đỏ và chẳng dại gì đứng đúng vạch khi đèn đỏ. Có thể nói rằng, con số rất đông, vô cùng đông người trẻ thực dụng, sống vô cảm, sống vội vàng, hời hợt và nông cạn. Đáng sợ hơn nữa là họ định giá con người bằng những gì đeo bám chung quanh. Một kẻ giang hồ, đâm thuê chém mướn, cho vay nặng lãi, buôn ma túy… vẫn có thể được coi trọng hơn một trí thức vì y/thị đeo nhiều vàng, có thế lực và đi xe khủng, có nhiều nhà đất.
Chưa dừng ở đó, tình làng nghĩa xóm trôi tuột chỉ sau một đêm, chiều hôm qua còn chén tạc chén thù tình anh em xóm làng, sáng hôm nay cò đất kéo tới, giá đất thổi tăng vùn vụt từng giờ, vậy là cái bờ rào giữa hai nhà vốn hiền hòa, thân thiện, tắt lửa tối đèn có nhau bỗng dưng trở thành công sự của hai gia đình. Người ta chỉ vì xê xích một vài tấc đất, thậm chí vài phân đất giữa hai vườn do cái bờ rào uốn ẹo mà vác dao, vác rựa, thậm chí vác cả mã tấu ra nói chuyện với nhau.
Cũng chưa bao giờ có chuyện làng xóm vì chuyện phân heo của nhà này bốc ra hôi thối, nhà kia nhắc nhở, không những nhà này không khắc phục mà còn mướn giang hồ về đánh nhà kia để dằn mặt. Đánh nhau chưa đủ, sát hại nhau đến mức mất mạng kia mới vừa lòng. Có vẻ như chuyện này chỉ mới xuất hiện trong thời giá đất tăng vọt, xuất hiện trong thời mà mọi thứ giá trị được định vị trên chiếc xe, cái nhà và bộ áo quần hay chiếc điện thoại thông minh. Lạ ở chỗ, người ta càng xài đồ thông minh thì bản thân con người lại càng trở nên u mê ám chướng và tàn độc.
Tất cả những biểu hiện trên cho thấy rằng về mặt kinh tế, Việt Nam có phát triển. Nhưng rất tiếc đây là một sự phát triển có trả giá, không đồng hướng với đạo đức và văn hóa. Tại sao lại có hiện tượng kì quặc này ? Bởi vì với bất kì quốc gia nào, phát triển kinh tế là cái nền tốt nhất để phát triển các giá trị tinh thần, ngay cả chủ nghĩa Cộng sản cũng từng nói "con người, phải ăn, mặc, ở đầy đủ rồi mới đến phát triển văn chương, nghệ thuật, các giá trị tinh thần…" (Tư Bản Luận – K. Marx). Sự ngược chiều giữa đạo đức và kinh tế này do đâu mà có ?
Xin bỏ qua giai đoạn kinh tế hợp tác xã, tập trung bao cấp, cái giai đoạn mà miếng ăn đã cướp mất linh hồn và cốt tủy của dân tộc, nỗi sợ hãi đã đè bẹp khí chất quốc gia. Ở đây, tôi muốn nói đến giai đoạn bây giờ, con người còn manh động gấp triệu lần giai đoạn kinh tế tập thể. Vì đâu ? Vì hầu hết cái vệt nối tệ hại của thời bao cấp chưa chịu dừng mà chúng càng nở rộ. Thử nhìn trong một quốc gia mà tỉ lệ tốt nghiệp đại học, du học xong về nước thất nghiệp quá cao, trong khi hầu hết các chân quyền lực từ địa phương tới cấp tỉnh đều là những kẻ dốt đặc cán mai. Nói nghiêm túc là dốt đặc cán mai, vì lẽ, những năm 1986 trở về sau, hầu hết những kẻ chen chân vào hệ thống hành chính xã đều là dân thất nghiệp, học dốt, chịu làm sai nha. Từ chân một anh xã đội trưởng ăn cục nói hòn, chữ bẻ đôi cũng còn vết mẻ lại bu bám mãi cho đến Phó chủ tịch xã rồi chủ tịch xã, chưa dừng, lên tới cấp huyện. Sau đó, chính vào thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, cách quản lý hành chính thay đổi đáng kể từ trục dọc sang trục ngang. Từ chỗ Chủ tịch xã, Chủ tịch huyện chỉ quản lý về lkinh tế, văn hóa và y tế chuyển sang quản lý luôn ngành giáo dục. Và họ được tạo điều kiện để hợp thức hóa bằng cử nhân, trên đại học. Vì có như vậy họ mới đủ "tư cách" sai bảo hiệu trưởng các trường trong địa hạt quản lý của họ.
Hậu quả là hàng chục triệu tấm bằng từ tốt nghiệp trung học phổ thông cho đến đại học, trên đại học được ra lò để đảm bảo chỗ ngồi cho các lãnh đạo địa phương. Và khi có đủ quyền bính trong tay, họ tha hồ tác oai tác quái, họ liên kết với xã hội đen, bảo kê cho các quán, các dịch vụ trong khu vực quản lý và hình thành hẳn một tầng lớp xã hội đỏ, về mặt quyền lực đứng trên xã hội đen một bậc, về mặt hung hăng thì các nhóm xã hội đen sẽ làm tay sai ủy nhiệm của xã hội đỏ. Người dân từ chỗ chưa kịp hoàn hồn sau cái đói đã phải chuyển sang trạng thái luôn luôn đối phó với hai cái tròng trên cổ và chẳng còn đủ thời gian để kiếm ăn thì lấy đâu ra thời gian để suy tư, để bồi bổ nhân tính, để hoàn thiện đạo đức !
Nói cho cùng, đạo đức người Việt trở nên suy đồi và mục ruỗng như ngày hôm nay là do hai thế lực vừa dốt, vừa hung ác có tên xã hội đen và xã hội đỏ này gây ra. Người dân phải chụp giật miếng ăn trước hai con quái thú ham ăn này, sẽ chẳng bao giờ có cơ hội mà yêu thương hay nghĩ về lòng nhân. Và, nếu không tiêu diệt hai con quái thú này, đến một lúc nào đó, chúng sẽ tự cắn nhau, người dân lại nổi dậy để tiêu diệt chúng… Và đáng buồn thay, lúc đó, chẳng ai có cơ hội lành lặn để đi tiếp trên con đường tiến bộ của nhân loại. Lại phải lùi về thuở ban đầu trong thú đau thương của một người vừa được cởi tròng vá trả giá không nhỏ cho việc đó. Có thể nói rằng, chưa bao giờ muộn nếu chúng ta kịp suy nghĩ và làm đúng cách !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 09/07/2019 (VietTuSaiGon's blog)
Việt Nam là một đất nước nghịch lý. Sự nghịch lý này này ăn dằm trong lịch sử, từ thời phong kiến cho đến bây giờ. Thời phong kiến, nhà Tây Sơn và nhiều nhà trước đó nổi dậy nhân danh nông dân nhưng chính họ là những kẻ bóc lột nông dân nặng nề nhất. Sự nghịch lý nằm trong cả người sống và người đã chết. Người chết cũng không được chết theo đúng di nguyện mà phải sống mãi trong sự nghiệp kiếm cơm của người sống bằng hóa chất. Trong kinh tế, mặc dù nền kinh tế thị trường đã diễn ra gần 40 năm, nhưng những cái hợp tác xã vẫn tồn tại nguyên vẹn và thay hình đổi dạng nhưng vẫn giữ nguyên tính chất lừa bịp và bóc lột của nó với cái tên Ban Quản trị Nông nghiệp và Giám đốc Nông nghiệp.
Giám đốc Nông nghiệp chẳng khác nào bóng ma đầu làng.
Giám đốc nông nghiệp là gì ?
Xin thưa, đó là chức danh Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp, loại hình này đã chết gần 40 năm, nó chính thức giải thể từ năm 1986 – kinh tế chuyển sang thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Những tưởng mô hình này đã chết từ đó, nhưng không ! Vì lẽ, bộ sậu Ban chủ nhiệm là những đảng viên, người có công với đảng. Nếu giải thể hoàn toàn, họ lấy gì để sống ? Bởi từ 1975 đến 1986, họ quen ăn trên ngồi trốc, ngồi chơi xơi nước và chỉ tay năm ngón cho nông dân, lao công làm những gì họ muốn, họ thích. Ngay cả khẩu phần ăn và khẩu phần thóc của nông dân cũng do họ quyết, họ cho đói thì đói, cho no thì no. Đùng một cái bắt họ về làm nông dân thì họ là những người chống đảng đầu tiên, sẽ có loạn đảng.
Chính vì vậy, mặc dù trên danh nghĩa là không giữ hợp tác xã lại và đã giải thể các ban bệ của nó. Nhưng trên thực tế, nó vẫn hoạt động dưới danh nghĩa khác. Nó trở thành công ty, một loại công ty không cần vốn pháp định, cũng không cần bất kì thành viên nào góp vốn điều lệ. Mọi thứ vốn đã có sẵn từ nguồn cũ – ngân sách hợp tác xã – do người dân đóng góp con trâu, con bò, cái cày, vài chỉ vàng, vài chục ngàn đồng (tương đương vài chỉ vàng) trước đây. Mọi thứ còn lại đều được bán, được qui ra tiền, sau đó mua lúa giống bán cho người nông dân (bắt buộc mua, nếu không mua thì cắt thủy lợi), bán nước nông nghiệp, bán điện cho nông dân. Nghĩa là nếu như hợp tác xã chính thức giải thể, nông dân được trả vốn và được tự do cày cấy, sẽ có được ba khoản lợi (tiền điện không bị hợp tác xã ăn chặn thêm một giá, tiền nước không bị tính cõng đủ các chi phí của ban bệ và tiền lúa giống không nặng nề, ra công ty giống mua trực tiếp thay vì hợp tác xã mua của công ty giống mang về bán lại cho dân kiếm lãi).
Và mô hình hợp tác xã đổi tên thành công ty cung cấp dịch vụ nông nghiệp kể từ năm 1986. Một loại công ty hoạt động sinh lãi cho một nhóm người trong đó có ăn nhất là Giám đốc Nông nghiệp, sau đó lai hai phó giám đốc nông nghiệp và kế toán, ban theo dõi, điều hành… Tổng cộng chừng 20 người. Và, xin nhắc lại, vớ bẫm nhất vẫn là Giám đốc Nông nghiệp. Bởi Giám đốc có quyền lên danh sách người tham gia, tham dự đại hội xã viên, giám đốc đề cử ban điều hành và ban giám sát. Nói cho cùng, mọi thứ trong các ban bệ do Giám đốc Nông nghiệp tung hứng. Hệ quả của việc vừa tung vừa hứng cho các Giám đốc Nông nghiệp này là hàng loạt các dự án nông nghiệp ma ra đời như chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi dê với vốn vài trăm triệu đồng đến tiền tỉ, sau đó vốn tự bay vào quán nhậu, bàn nhậu của ban bệ, không thấy lãi, không thấy vốn… Dân cũng không biết hỏi ai, mà ai dám hỏi !
Cho đến hôm nay, cái chức danh Giám đốc Nông nghiệp vẫn là chỗ ngồi nóng và béo bở của các vùng quê Việt Nam, nơi nào từng có mô hình hợp tác xã nông nghiệp thì ngày nay vẫn tiếp tục có công ty cung ứng nông nghiệp với đầy đủ ban bệ của nó. Nó lừa bịp người dân từ chỗ những năm đầu thập niên 1990, mỗi gia đình muốn kéo điện về nhà thì phải đóng tiền cược 50.000 đồng, giá trị một chỉ vàng lúc đó dao động từ 170.000 đồng đến 230.000 đồng. Nghĩa là tương đương 1 triệu đồng ngày nay. Tiền cọc đó đóng từ đó đến giờ không thấy trả cho dân và dân cũng không biết hỏi ai để lấy. Hiện tại, nó vẫn tiếp tục hoạt động bằng các loại dịch vụ cung ứng cho nông dân, mắc hơn thị trường tự do nhưng nông dân bắt buộc mua vì nếu không mua của công ty này sẽ rất khó khăn về sau.
Xác chết không được chôn ?
Ngay từ đầu, tôi đã đề cập đến cái sự nghịch lý của đất nước này, chết không được chết mà sống cũng không ra sống. Bởi chết thì không được chôn cất tử tế mà phải sống, sống mãi trong sự nghiệp của một ai đó. Hợp tác xã và chức danh Giám đốc hợp tác xã cũng là một kiểu chết mà không được chôn, bởi chôn thì nguy cơ nội loạn. Nhưng vấn đề là nó kéo dài cuộc ướp xác quá lâu, cho đến bây giờ, việc giải thể nó quá đơn giản, không còn là câu chuyện chính trị nhạy cảm của chế độ như trước đây 33 năm. Nhưng hình như, người ta đã "kháng thuốc" với chuyện này, người ta không còn quan tâm đến một con ma trấn ở đầu làng nữa. Bởi những gì cần cúng đã cúng, mà cúng rồi thì làm sao lấy lại nguyên như cũ được, thôi thì tin rằng nó đừng phá phách, nó ban cho cái lộc mà làm ăn mặc dù cái lộc là cái chi người ta cũng không rõ mà nếu có làm ăn được thì người ta cũng không biết có phải lộc do con ma đó cho hay không. Nhưng người ta xem như đó là chuyện đã rồi !
Nghịch lý nằm ở chỗ mặc dù hằng ngày phải tương tác, hằng ngày mở mắt là gặp và mất tiền, mất của vì nó nhưng người ta lại thấy đó là chuyện bình thường. Bởi lẽ, so với thời bao cấp, nó đỡ hơn, người dân bớt lầm than hơn, so với thời bao cấp, nó ít hầm hố, hò hét và hung hãn hơn, so với thời bao cấp, số tiền bỏ ra cho nó bây giờ chả thấm là bao, không kinh khủng như thời đó… Có lẽ vì vậy mà nó nghiễm nhiên tồn tại với ban bệ đầy đủ, với chức danh Giám đốc Nông nghiệp, một thứ chức danh ma không ra ma, người không ra người và người nông dân thì thây kệ nó ! Lạ, đất nước này nghịch lý từ trứng nước, từ chỗ khổ nhất trên cuộc đời.
Nói cho cùng thì việc tồn tại của Giám đốc Nông nghiệp chẳng khác nào bóng ma đầu làng. Và người dân có lẽ đã quá quen với kiểu sống chung với ma nên ma vẫn cứ rạng rỡ sáng ngời, soi đường cho người ! Lạ ! Và lạ hơn nữa là cho đến bây giờ, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn không biết chuyện này, bởi nếu biết thì ông phải lên tiếng, giải thể nó từ lâu, bởi nó tồn tại trái với Hiến định và nó tồn tại là một gánh nặng quá lớn cho đất nước, dân tộc !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 25/06/2019 (VietTuSaiGon's blog)
Tàu hủ, còn gọi là đậu hủ hay tàu phớ là một loại sữa đậu nành cô đặc gần với đậu hủ miếng nhưng chưa đến nỗi đông đặc như đậu hủ, người ta thoa một ít thạch cao trên thành hủ và đổ thứ nước lỏng lỏng nấu từ đậu nành đó vào, đậy nắp, chừng 30 phút sau thì nó đông lại thành tàu phớ, tàu hủ. Người miền Nam ăn món này bằng cách múc ra, để nguội và cho đá vào, có người thêm nước cốt dừa. Khi ăn, nó cho cảm giác rất đặc biệt về cái lưng chừng giữa cô đặc và lỏng lẽo, giữa cái có thật và không có thật, giữa cái có nghĩa và vô nghĩa, giữa cái nghiêm túc và tào lao…
Tàu hủ, còn gọi là đậu hủ hay tàu phớ là một loại sữa đậu nành cô đặc gần với đậu hủ miếng nhưng chưa đến nỗi đông đặc như đậu hủ
Có vẻ như nói về món ăn chứa nhân sinh quan của người miền Nam trước thế cuộc, món tàu hủ đá là đặc trưng nhất. Và, khi nói đến một thứ gì đó vừa ngu xuẩn lại vừa đeo mác oách, ví như trí thức ngu, người ta chỉ cần xếp vào "trí thức tàu hủ đá" là đủ !
Vậy trí thức tàu hủ đá, chắc không cần bàn thêm về nó. Nghiệt ở chỗ không cần bàn nhưng lại đáng bàn bởi nó xuất hiện ngày càng nhiều, từ ông nghị nghĩ ra chuyện "phí chia tay để cán bộ và dân cùng cười" hay "giá điện tăng, xăng tăng mọi người dân đều được lợi" hay gần đây nhất là Huỳnh Thế Du, một tay trí thức tàu hủ đá cấp tiến nổi tiếng với câu góp ý : "Việt Nam có thể áp dụng giải pháp để các nhà thầu Trung Quốc xây dựng và mời tư vấn Nhật bản giám sát. Khả năng hai anh này bắt tay với nhau là rất thấp vì đang là đối thủ cạnh tranh một mất một còn… Khi đó, Trung Quốc có khả năng xây đường chi phí thấp và chất lượng cao và Nhật Bản giám sát thì con muỗi cũng không thể chui lọt. Việt Nam sẽ là ngư ông đắc lợi…".
Đã có nhiều người chửi (phải nói toạc móng heo là chửi chứ không gọi là phản biện hay phản ánh gì !) trên các trang mạng xã hội vì kiểu phát biểu ngu xuẩn của ông ta. Và lý lẽ người ta đưa ra khi chửi cũng rất sắc sảo, chuẩn xác. Bởi nói Trung Quốc làm đường giá rẻ mà chất lượng cao thì chỉ có thằng ngu mới dám nói vậy, bài học đường sắt Cát Linh – Hà Đông còn sờ sờ ra đó. Nói nhà thầu Trung Quốc và nhà thầu Nhật Bản không thể bắt tay với nhau là một loại tư duy tham nhũng, đã quen ăn không chùi mép, bởi khi đưa ra một dự án kinh tế, người ta chỉ cần tính đến chuyện các thông số kĩ thuật, thông số kinh tế, chỉ số lợi tức tối thiểu và tối ưu có tính đến trượt giá, chỉ số thông minh đầu tư bên trong dự án có đủ cập thời với khoa học hiện tại và tương lai, chỉ số an toàn của hệ thống qui ước và qui chế thực hiện, phát triển dự án, chỉ số an toàn quốc gia. Khi các chỉ số này đạt đủ thang ứng dụng thì dự án đó được thực hiện và đi vào hoạt động, mọi kiểu bắt tay dưới gầm bàn sẽ không bao giờ thực hiện được một khi dự án có đủ các chỉ số này.
Ở đây, Du lại cho rằng Trung Quốc và Nhật Bản không thể bắt tay vì họ đang cạnh tranh khốc liệt là một kiểu tư duy bần cố nông, nhiều chuyện và đâm bị thóc thọc bị gạo. Làm ăn trên bình diện quốc gia và ký hợp đồng trên phương diện quốc tế mà còn mang lối tư duy này thì chỉ có ăn cám ! Hơn nữa, Du còn cho rằng khi hai nhà thầu này cạnh tranh khốc liệt thì Việt Nam sẽ "ngư ông đắc lợi".
Thuê nhà thầu xây dựng và thuê nhà thấu giám sát, cả hai nhà đều phải thuê và phải trả tiền. Một khi thiết chế xây dựng, qui chế hợp đồng và các qui chuẩn về an toàn quốc gia đảm bảo thì tại sao phải sợ hai nhà này bắt tay nhau ? Mà bắt hay không bắt thì Việt Nam cũng phải trả tiền cho cả hai nhà thầu. Một khi Du nghĩ rằng hai nhà này sẽ không bắt tay nhau được là Việt Nam "ngư ông đắc lợi" thì rõ ràng kiểu tư duy thọc mạch, luồn cửa sau, ngồi lê buôn dưa ngoài chợ vẫn chưa được gột bỏ. Mà một khi thứ tư duy này còn tồn tại trong não trạng thì e rằng khó mà thoát khỏi tâm thức nô lệ. Bởi anh chưa vượt qua được cái chợ đầu làng thì đừng mơ ra biển lớn !
Hơn nữa, đã là một trí thức, là người hiểu biết thì chí ít anh phải biết về lịch sử suốt gần hai ngàn năm nay người phương Bắc đã âm mưu thôn tính nước Nam ra sao ? Ngay cả một kẻ lên ngôi chính thống như Lê Chiêu Thống, để đảm bảo ngai vàng đã chạy sang cầu cạnh nhà Thanh và trả giá cho việc ngu xuẩn này nặng nề, nhục nhã ra sao, đến một người nông dân cũng biết. Và cái vết nhơ của Lê Chiêu Thống còn khiến người đời bụm mũi, nhăn mặt mãi mãi về sau. Đã có bao nhiêu máu xương của con dân Việt đã đổ xuống vì âm mưu xâm lăng của Trung Quốc, vì giấc mơ Đại Hán của nhiều đời, nhiều triều đại Trung Hoa ? Đã có bao nhiêu người sống dở chết dở bởi người bạn "bốn tốt, mười sáu vàng" này ? Đã có bao nhiêu ngư dân Việt Nam bỏ mình trên biển, để lại biết bao đau khổ và khoảng trống hụt hẫng cho gia đình cũng chỉ vì kẻ ngoại bang phương Bắc hung hăng và tàn ác này ?
Bắt tay với kẻ xâm lăng, kẻ nuôi mộng nuốt chửng Việt Nam chẳng khác nào nộp thân cho quỉ dữ. Rước kẻ nói láo, không giữ lời hứa và làm ăn cẩu thả, xả bừa, gây ô nhiễm môi trường như Trung Quốc với Formosa, bauxite Tây Nguyên, nhiệt điện Vĩnh Tân, đường sắt Hà Đông – Cát Linh… vào nhà là rước họa. Là một trí thức, là người hiểu biết, việc đầu tiên cần làm là phải yêu nước thương nòi, phải yêu lấy quê hương, môi trường, yêu từng giọt mồ hôi của nhân dân đã đổ xuống để có ngày hôm nay. Rước kẻ ăn phàm, dối trá và bịp bợm như nhà thầu Trung Quốc vào làm một tuyến đường cao tốc xuyên quốc gia thì đích thị là phản động, không thể nói khác đi được.
Và đương nhiên, đáng trách hơn không phải là Huỳnh Thế Du hay những con người mang danh trí thức như anh ta vốn nhan nhản trong hệ thống nhà nước. Mà là cả một hệ thống báo chí nhà nước, cái hệ thống mang danh báo chí nhưng chưa bao giờ hoạt động báo chí, chỉ hành sự như những trạm, những trung tâm bồi bút cho các nhóm lợi ích. Các trạm, các trung tâm này viết và phổ biến ý đồ của nhóm lợi ích bằng những bài viết thoa son trét phấn và che đậy để đạt mục đích của các nhóm lợi ích này. Hậu quả của việc này là các nhóm lợi ích ngày càng tác oai tác quái, trí thức thì phát biểu như đứa đần độn, nhân dân bị tung hỏa mù và ngân sách quốc gia khủng hoảng, nợ công ngập đầu vì rước phải nhà thầu Trung Quốc, môi trường tự nhiên, môi trường xã hội ngày càng xấu đi, chạm mức đen tối.
Và sở dĩ đất nước lâm vào thảm cảnh này là do, không ai khác, chính những trí thức tàu hủ đá, những kẻ người ngợm khó lường, những kẻ trắng đen lẫn lộn, những kẻ phản động giả danh yêu nước, những kẻ đặc lỏng không rõ nét, những kẻ ngọt không ra ngọt mặn không ra mặn với cái mác "trí thức thời đại vừa hồng vừa chuyên" này gây ra. Và nếu không sớm loại bỏ nhóm này ra khỏi hệ thống quyền lực, thì nhất định hệ thống đó phải đi đến hệ quả sụm bà chè. Và một khi nó sụm bà chè, nhân dân cũng điêu đứng vì cái món nợ nó gây ra và cái xác trương sình của nó.
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : VOA, 19/06/2019 (VietTuSaiGon's blog)
Cuộc Cách mạng dù do những sinh viên Hồng Kông thực hiện cách đầy chưa đầy nửa thập kỉ đã được tiếp nối bởi hàng triệu người Hồng Kông trong tuần qua. Cả hai cuộc xuống đường đều có chung mục tiêu : Phản đối các chính sách, tác động của nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc lên vùng đất vốn dĩ quen với văn minh, năng động và dân chủ này.
Cuộc Cách mạng dù do những sinh viên Hồng Kông thực hiện cách đầy chưa đầy nửa thập kỉ đã được tiếp nối bởi hàng triệu người Hồng Kông trong tuần qua.
Kết quả có thể chưa biết bao giờ mới đạt được, nhưng với chiều hướng phát triển như đã thấy, có thể nói rằng Hồng Kông không hổ danh là một vùng đất tiến bộ, văn minh. Nhìn lại cuộc xuống đường hàng triệu người vừa qua ở xứ bạn, lại thấy buồn và hổ thẹn cho xứ minh. Và tự hỏi : Tại sao Việt Nam không có những động thái đi tìm tiếng nói tiến bộ ? Đến bao giờ Việt Nam mới có được tự do ?
Hỏi là hỏi cho đỡ buồn, chứ câu trả lời cũng rành rành ra trước mắt : Việc đi tìm tiếng nói tiến bộ là vô cùng khó đối với người Việt. Và bản thân chúng ta đã quen với tư duy chịu phụ thuộc, chịu nô lệ nên rất khó để tìm đến tự do. Và tự do muôn đời vẫn là giấc mơ của số ít người Việt !
Người Hồng Kông ngạo cốt, người Việt ngạo tâm ?
Trước nhất, phải trả lời thế nào là ngạo cốt, thế nào là ngạo tâm ? Ngạo vốn dĩ là đức tính không tốt. Nhưng trong một số trường hợp có liên quan đến đại thể, đại cuộc thì ngạo là vốn quí của dân tộc. Nếu không ngạo, không đặt cái tôi của dân tộc, cộng đồng và bản thân lên cao thì chấp nhận dưới vế, chấp nhận thân phận tôi đòi, nô lệ là điều hiển nhiên. Chính vì vậy, cái cốt cách ngạo đời vẫn luôn là thứ vô cùng quan trọng cho con người khi đặt trên phương diện quốc gia, dân tộc. Một người có cốt cách cao ngạo, hẳn nhiên sẽ tự nhận thấy tầm quan trọng bản thân, tự nhận thấy những cái ao đời bẩn thỉu, cặn bã mà họ không nên bước vào, tự nhận thấy vị thế của bản thân và người anh em đồng tộc trên bản đồ thế giới. Và đương nhiên, người ngạo cốt không tỏ ra cao ngạo, không to tiếng, không đè người khác xuống kèo dưới mình, không đẩy người khác vào chỗ bế tắc… Vì họ từ mình mà suy ra, giá trị, nhân phẩm, lòng yêu thương và tự do là những thứ vô cùng quí giá, không thể đánh đổi bằng bất cứ thứ gì !
Ngược lại, kẻ ngạo tâm thì có cốt cách chưa hẳn cao quí, tư chất chưa hẳn hơn người nhưng luôn đặt mình vào một vị trí tâm lý cao hơn đời một bậc. Luôn tự hào mình là "vĩ nhân của mọi vĩ nhân", rồi "anh hùng của mọi thời đại", hoặc có thân phận, địa vị thấp bé hơn thì xem mình là trung tâm của gia đình, trung tâm của xóm làng, trung tâm của cộng đồng… Mặc dù không biết được, không thấy được, cũng không hiểu được mình có cái gì để xứng đáng là "trung tâm", không biết cái "trung tâm ấy nó nằm chỗ nào, mình hơn người thứ gì…!" Ngạo tâm là một thứ hoang tưởng bệnh hoạn, người ta tự huyễn hoặc mình cao hơn thiên hạ, tự đặt mình lên đầu tha nhân nhưng chẳng hiểu để làm gì và cũng chẳng mang lại kết quả tốt đẹp nào.
Chính vì kiểu hoang tưởng bệnh hoạn này nên kẻ ngạo tâm rất dễ chửi mắng, hoài nghi người khác, và đương nhiên thấy bất kì thứ gì "không phải là mình" thì kẻ ngạo tâm sẵn sàng chửi, rủa sả, miễn sao thỏa cái ngạo. Điều này rất dễ nhận thấy ở phần đông người Việt, từ quan chức cho đến trí thức và thường dân, tính ngạo đều rất cao, đều xem người khác dưới mắt mình, và điều đó cũng giống với người Trung Quốc, họ khó có thể làm việc chung. Hễ cứ ba người ngồi làm chung một công việc thì người nào cũng thấy hai người còn lại quá tệ, khó có đủ tư cách để làm việc với mình.
Ngạo tâm không phải chỉ riêng ở những kẻ tự xem mình là "chính qui, chính thống" mà nó còn bàng bạc trong khắp nẻo đấu tranh dân chủ, nhân quyền. Trong chưa đầy ba năm, từ chỗ mạnh mẽ, luôn tìm được tiếng nói chung của mọi giới thì, hiện tại, có thể nói rằng giới đấu tranh dân chủ tại Việt Nam đã đánh rớt quá nhiều thứ. Mặc dù phong trào, tư duy dân chủ của người dân đang ngày càng mạnh lên nhưng nghiệt nỗi, những nhà dân chủ trong và ngoài nước gần như không còn chiếm được tình cảm của người dân như trước đây. Bản thân người viết bài này cũng thú nhận là rất tiếc những tình cảm mà mình đã dành cho các nhà dân chủ, nhân quyền. Bởi càng lúc, các nhà này càng tỏ ra cao ngạo, không coi ai ra gì và sẵn sàng rủa sả người khác không tiếc lời. Điều này trái hẳn với tư duy dân chủ. Bởi muốn có dân chủ, khởi nguyên của nó phải là từ ngôn ngữ. Không cần biết anh làm gì, nhưng lời nói của anh mạ lị, xúc phạm người khác cũng đồng nghĩa với sự méo mó về tư duy dân chủ ở anh. Đặt giả sử, anh chửi một tử tù. Điều đó càng cho thấy anh kém về dân chủ, bởi họ đã trả giá cho tội lỗi của họ bằng kết cục "tử tù", thì có cần thiết nhà dân chủ phải lên tiếng. Và, nếu lên tiếng để phanh phui một thứ gì đó tội lỗi, thì hòa khí, tính trí tuệ của ngôn ngữ không bao giờ đồng nhất với sự mạ lị hay rủa sã.
Chỉ riêng điểm này, người Việt, nhà đấu tranh Việt mãi mãi không thể so sánh với các nhà đấu tranh Hồng Kông, và người dân Việt thì có lẽ còn nhiều kiếp lắm mới kịp người dân Hồng Kông về văn minh, tiến bộ. Thử nghĩ, nhà đấu tranh thì coi dân là lũ ngu lâu, khó thay đổi, đám đông bị dắt mũi, còn người dân thì nhìn nhà đấu tranh như một thứ dân buôn lậu trá hình, lợi dụng sức mạnh tập thể của họ để kiếm ăn… Thì đến bao giờ mới có được tiếng nói chung ? Đến bao giờ mới đi đến mục tiêu cao quí? Đến bao giờ Việt Nam mới có những cuộc cách mạng làm ‘thay cũ đổi mới" với đúng bản chất của hai chữ này ?!
Thật là khó, bởi nhìn đi nhìn lại, người có tâm huyết, cầu tiến không phải ít. Nhưng cái con số "không phải ít" ấy lại bị kiềm tỏa bởi số đông, nếu không muốn nói là quá đông những kẻ ngạo tâm. Một người hoạt động, đấu tranh dân chủ dám nói thật rằng "người Việt bây giời không còn nghèo vật chất, họ nghèo kém về tinh thần" thì ngay tức thì bị qui chụp "cộng sản nằm vùng, nó tuyên truyền cho Cộng sản chứ đất nước đó chỉ có bọn quan chức mới phè phỡn, dân thì nghèo cạp đất mà ăn…". Trong khi đó, kẻ tức giận hay rủa sã kia mới đáng bàn bởi họ nói theo cách kiêu ngạo về cái sự biết của họ, thực tế ra sao thì mặc kệ! Kiểu nói bất chấp này để lại hệ lụy không nhỏ !
Và còn một triệu lẻ một thứ ngạo tâm mà người Việt mắc phải, bởi chúng ta trải qua thời gian làm nô lệ phương Bắc và nô lệ đồng tộc quá lâu, chúng ta đã đánh mất từ vô thức cái cốt cách, khí phách của một con người tự chủ và tĩnh tại. Sự kiêu ngạo của chúng ta như thể để lấp đi mặc cảm về sự nhỏ nhoi của mình. Và càng ngạo tâm, chúng ta càng nhỏ bé. Đừng hỏi vì sao ta không được như bạn, vì bạn không bao giờ hỏi câu đó, họ biết họ là ai, họ chẳng đặt ai thấp hơn họ và cũng chẳng cúi luồn ai. Ngạo cốt khác với ngạo tâm. Chúng ta đã quá nặng ngạo tâm !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 11/06/2019 (VietTuSaiGon's blog)
"Ngẫm lại mình", xin giải thích chỗ này, "mình" xin hiểu là một đại từ chứ không phải cá nhân của người viết. Vì cá nhân người viết bé tẹo, chỉ là phần rất nhỏ của "mình". Vấn đề ở đây là thế hệ của chúng tôi đã trải qua những biến cố mà có lẽ, ngẫm lại, thấy đau, ngẫm lại, thấy buồn, ngẫm lại, thấy hoang mang chẳng biết nói sao cho vừa, cho đủ… ? Một đất nước, một khu vực trải qua quá nhiều khói lửa, tang thương, biết nói sao cho đủ ? Mà nói thì bắt đầu từ đâu, nói cái gì ? Để làm gì ?
Bộ đội Việt Nam trên đất Campuchia
Mấy ngày nay, mặc dù đã xem đi xem lại nhiều lần, nhưng hình ảnh sự kiện Lục Tứ - Thiên An Môn vẫn cứ như vừa xảy ra, ám ảnh, bần thần, rồi thêm sự kiện ông Lý Hiển Long ám chỉ Việt Nam xâm lăng Campuchia. Chữ nghĩa của ông Long không hề tránh trớ (nói thẳng là invade = xâm lăng chứ không phải landing = đổ bộ). Cùng năm 1979, phía bắc Việt Nam diễn ra cuộc chiến tranh biên giới, phía Nam xảy ra vụ Ba Chúc khiến cho hơn 3.000 người mất mạng trong chưa đầy tuần lễ. Và vô hình trung, lời phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long khiến cho người ta phải suy nghĩ rất nhiều về đất nước, về quá khứ, hiện tại và tương lai.
Lúc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, lũ chúng tôi còn bi bô đánh vần, tập viết. Lúc thảm sát biên giới Tây Nam, lũ chúng tôi có đứa còn mặc quần ống lò xo, vá chằng vá đụp đến trường. Lúc những người con Việt Nam ngã xuống, máu nhuộm thắm núi rừng Tây-Bắc, Đông-Bắc và nhuộm thắm đất khách Campuchia, lũ chúng tôi tóc còn khét nắng vì ham chơi, chưa biết gì là buồn. Và, mãi sau gần mười năm, khi lũ chúng tôi thành học trò cấp 2, cấp 3, những người con Việt Nam từ Campuchia trở về, trên những chuyến xe nhà binh, họ đi trên quốc lộ 1A và vẫy chào bất kì ai đi qua, vẫy chào phấn khởi, vui (giờ nghĩ lại tôi còn rưng rưng bởi tôi hiểu nỗi vui của họ, họ tin mình đã sống, được sống, được chạm đất mẹ !), lũ chúng tôi đã chào họ, một cái vẫy tay, những cái vẫy tay giữa người với người, nghe đâu họ là người về từ chiến trường… Ngoài ra, chúng tôi không được biết gì thêm, không có thầy cô nào nói cho lũ chúng tôi biết họ đã đi đánh ở Campuchia trở về, cũng như cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, cũng chẳng có ai nói cho chúng tôi nghe về cuộc chiến này.
Mãi cho đến khi lũ chúng tôi vào đại học, rồi tiếp xúc với internet, mới mang máng hiểu rằng mình từng chào những người lính trở về từ Campuchia, và thêm nữa, tôi mới được hiểu rằng câu chuyện trái ớt quí ngang với mạng sống của những người lính từng đánh trận ở Campuchia trở về giống như ông có ý nghĩa nhường nào. Những người lính trở về từ Campuchia, một ngàn người thì có chín trăm chín mươi chín phẩy chín người nghiện ớt, nghiện ăn cay. Bởi họ tin rằng trong vị cay của ớt có chất chống sốt rét rừng. Họ, ngoài việc đối mặt với những người lính Khơ Me Đỏ ("xuất quỉ nhập thần" thoắt ẩn thoắt hiện và đạn bắn khó trúng bởi kiểu chạy zic zắc trong rừng cây) họ còn phải đối mặt với sốt rét rừng, có những ngày cả hơn nửa sư đoàn lên cơn sốt rét. Những lúc như vậy, nếu quân Khơ Me Đỏ tấn công, chắc chắc khó ai sống sót.
Mãi cho đến bây giờ, lũ chúng tôi mới hiểu được rằng trong lúc chúng tôi lơ mơ biết về đất nước hình chữ S qua bài học địa lý năm đầu tiên cấp trung học cơ sở, tức lớp sáu, thì ở hai đầu chữ S "rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt, nằng chói sông Lô hò ô tiếng hát, chuyến phà rào rạt bến nước Bình Ca" ấy đang chảy máu, chảy rất nhiều, nhuộm thắm đất quê, nhuộm thắm bản làng, nhuộm thắm núi đồi. Và không dừng ở đó, dòng máu Việt Nam nhạt loãng, tan trong biển mặn, dòng máu Việt Nam chảy lạc loài nơi đất khách, tuổi trẻ Việt Nam, tâm hồn Việt Nam mãi mãi làm ma đất khách… Có biết bao nhiêu nỗi buồn, có biết bao nhiêu nước mắt đã nhỏ xuống cho đất nước hình chữ S này, trong lúc lũ chúng tôi đầu xanh tới lớp, mơ về tương lai nào đó qua lăng kính lát thịt heo mỡ ngày Tết hay nỗi vui tròn vành vạnh như cái bánh tráng, chiếc bánh bèo.
Rồi Trường Sa, những năm mà lũ chúng tôi đã lớn, đã biết được đôi điều về cuộc đời, có những người con Việt Nam ngã xuống vì mưa đạn của Trung cộng, vì một cái lệnh trớ trêu, chỉ đứng bồng súng mà không được bắn lại. Rồi xa hơn một chút, có bao nhiêu người con Việt Nam đã ngã xuống trên dải đất này vì cuộc chiến Nam – Bắc ? Vì ý thực hệ, vì tự do, vì một thứ gì đó giống như chiến tranh ủy nhiệm ư ? Tất cả những điều đó trở nên vô nghĩa, bởi máu xương, da thịt là thật, cái chết, những con người ngã xuống là thật. Và ngay bây giờ, cái nhìn của ông Lý Hiển Long cũng là thật.
Thật bởi đâu riêng người Việt chết trên đất Campuchia, hàng ngàn, thậm chí hàng vạn người Campuchia vô tội ngã xuống vì làn đạn của hai phía, ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm ? Hàng ngàn người dân vô tội chết ở Ba Chúc, Ang Giang, ai đứng ra chịu trách nhiệm ? Và hàng triệu máu xương rải rác, vẫn hồn xiêu phách lạc xứ người, ai chịu trách nhiệm ? Và hàng triệu số phận đánh mất tương lai vì cái nhìn "bên ni bên nớ", ai chịu trách nhiệm ? Sá gì một lời nhận định chưa chắc đã sai của ông Lý Hiển Long, bởi trong cái nhìn của một người nước thứ ba, anh mang quân sang một nước khác nghĩa là anh đang xâm lăng. Giả sử lúc đó, Khơ Me Đỏ không thua, họ toàn thắng và "giải phóng" Campuchia lần nữa, thiết lập nên chế độ chính trị bền vững, thì trong bài học lịch sử họ dạy cho con cháu, quân Việt Nam là một đoàn quân xâm lược. Tất nhiên ! Và cũng đương nhiên, sẽ chẳng có bất kì người lính nào, người bộ đội nào khi mang súng sang nước khác hay mang súng sang Campuchia mà được huấn thị rằng mình mang súng đi xâm lược nước khác. Bởi chỉ cần biết rõ sự thật này, sẽ chẳng có người lính nào không chuẩn bị tinh thần đào ngũ. Có thể ông Lý Hiển Long nói đúng sự thật lịch sử. Có thể những người lính may mắn sống sót trở về từ Campuchia bây giờ đã biết được sự thật lịch sử, họ hiểu rằng họ đã mang súng sang Campuchia không phải là lý tưởng như ban đầu họ được huấn thị ! Mà cũng có thể, cái lý tưởng theo đoàn quân đi làm nhiệm vụ quốc tế vẫn theo đuổi họ cho đến lúc chết ! Nhưng, với những người đã gửi máu xương trên đất bạn, thì có lẽ, họ mãi mãi là những người lính tình nguyện, họ đi làm nhiệm vụ cao cả ! Và lịch sử của họ là lịch sử của cỏ xanh, lịch sử của những ly rượu cúng cô hồn vong xứ…
Và, còn biết bao nhiêu trang sử chưa được phủi bụi mờ ? Và còn biết bao nhiêu oan khuất lịch sử ? Và chuyện hôm nay người ta nổi nóng hay gân cổ lên án ông Lý Hiển Long, lên án những ai phát biểu chính kiến về cuộc chiến hay lên án cả những ai nhắc về chiến tranh biên giới phía Bắc, lên án những người kêu gọi chống Trung Quốc và lên án cả những người nhắc về vụ thảm sát Thiên An Môn… Tất cả điều đó có ý nghĩa gì ?
Có thể nói rằng thế hệ của chúng tôi đã sinh ra, lớn lên và sống trong một bầu khí quyển dị thường, không khí của nước mắt, mùi máu đồng loại, đồng tộc và cả mùi vong thân, vong nô của những kẻ mưu đồ bán nước, của những kẻ cơ hội vinh thân phì gia !
Hãy thôi nói về sự cao cả mà hãy nghĩ nhiều hơn về sự thấp hèn của bản thân khi có quá nhiều thế hệ Việt Nam phải trả giá cho sự dối trá và vong ân của chúng ta. Dù đứng trên biên kiến nào chăng nữa, xin hãy bớt vong ân !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 09/06/2019 (VietTuSaiGon's blog)
Đó lá kiểu tư duy rất quen thuộc trong thời đại bây giờ, mà cũng không chừng là từ thời đại xa xưa cũng đã có đối với người Việt. Bình dân nhưng hống hách. Muôn đời nuôi giữ cái nghèo trong tinh thần tự cao tự đại không ai giàu hơn ta. Muôn đời úp mở cái dốt với niềm kiêu hãnh ta là thiên tài, không chừng ta là rốn của vũ trụ. Gần đây, phản ứng của hành khách đối với hãng hàng không Vietjet Air và nhiều công ty, tập đoàn nửa nạc nửa mỡ lại càng cho thấy rõ hơn điều này.
Sáng 29/12/2017, Liên minh hợp tác xã Thành phố Hà Nội tổ chức Đại hội lần thứ 5, nhiệm kỳ 2017-2022
Nhưng cũng xin nói qua, thế nào là hống hách và thế nào là công ty nửa nạc nửa mỡ ?
Có lẽ, nói về công ty nửa nạc nửa mỡ tại Việt Nam thì con số này không ít, nó nửa nạc nửa mỡ bởi vì nó là loại hình công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước không ra nhà nước mà tư nhân cũng chả ra tư nhân. Bởi nó là công ty, tập đoàn kinh tế có vốn tư nhân, vốn cổ đông không thuộc nhà nước 100% nhưng lại không thể tồn tại, không thể hoạt động nếu không dựa vào quyền lực nhà nước. Hay nói khác đi, các công ty, tập đoàn này là sân sau của một nhóm lợi ích nào đó trong đảng. Và với nguồn gốc nửa nạc nửa mỡ như vậy, từ cung cách làm ăn cho đến ứng xử của các tập đoàn này đều bất minh và ngày càng yếu kém.
Điều này gợi nhớ đến những công ty hợp tác xã tại Việt Nam sau khi giải thế hợp tác xã. "Công ty hợp tác xã". Cụm từ này nghe rất lạ nhưng thực chất là vô cùng quen. Nó là loại hình quán xá, cửa hàng được đào thải sau khi giải thể hợp tác xã. Sau khi giải thể, các hợp tác xã nông nghiệp thay vì giải tán thì vẫn giữ nguyên hệ thống ban bệ, cơ sở vật chất và tiếp tục hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, biến nông dân thành cổ đông và ban chủ nhiệm thành ban giám đốc, dùng vốn cũ mua giống lúa, thuốc trừ sâu, các thiết bị nông nghiệp để bán lại cho nông dân (bán ngay cho chính các cổ đông, biến cổ đông thành loại khách hàng bắt buộc) và người nông dân không biết gì về vốn liếng của họ ngoài việc hằng năm nhận vài ngàn đồng hoặc cao nhất là 10 ngàn đồng lãi bằng một gói bột ngọt hoặc một chai nước mắm.
Bên cạnh đó, các cửa hàng bách hóa, cửa hàng phân phối dầu hợp tác xã, các kho lương thực được chính những người từng là ban bệ lương thực, thuế vụ đứng ra thuê và cho con cháu của họ kinh doanh. Loại hình kinh doanh của họ chủ yếu là cửa hàng ăn uống, thực phẩm, nhu yếu phẩm. Và có thể nói là họ độc quyền kinh doanh trong ít nhất là khu vực mà cha mẹ, ông bà của họ từng quản lý.
Cả hai loại hình kinh doanh công ty hợp tác xã và cửa hàng ăn uống này đều có chung một kiểu làm ăn là dựa vào quyền lực, độc quyền nên các mặt hàng của họ không những không phong phú mà còn rất hạn chế, quá hạn sử dụng, chất lượng kém… Đó là nói về hàng hóa, về cung cách làm ăn đều có chung tính chất là hách dịch, cửa quyền và coi thường khách hàng, thậm chí vô văn hóa. Cái loại hình kinh tế thị trường nửa nạc nửa mỡ này kéo dài mãi cho đến khi các cửa hàng tư nhân chính thức ra đời với hàng loạt sản phẩm cạnh tranh hấp dẫn.
Khi bị cạnh tranh khốc liệt, loại công ty hợp tác xã và cửa hàng ăn uống này vẫn chưa chịu chết, quay sang o ép khách hàng bằng nhiều kiểu và dìm hàng những công ty, cửa hàng tư nhân bằng truyền thông xã, truyền thông huyện. Hậu quả của nó gây ra là cả một giai đoạn dài hàng chục năm kinh tế bị lũng đoạn. Mãi cho đến khi khách hàng li khai, loại trừ nó ra khỏi danh mục mua sắm thì nó vẫn cứ giữ cung cách hách dịch, vô văn hóa, đến lúc chết vẫn cứ vô văn hóa.
Những tưởng loại hình nửa nạc nửa mỡ này chết hẳn, nhưng không, nó vẫn tồn tại với hình thái khác, thay vì trước đây nhỏ lẻ, manh mún thì hiện tại, nó phát triển theo chiều kích mở rộng và nâng cao. Những tập đoàn kinh tế tư nhân có thể chi phối cả một khu vực kinh tế như Vietjet, Hoàng Anh Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai, FLC, Vincom… Tất cả đều là kinh tế tư nhân, cổ đông, nhưng lại hoạt động dựa trên quyền lực nhà nước và cả thứ quyền lực nhà nước ngoại lai. Bởi với các tập đoàn này, khi chân rết, cái dù quyền lực bị gãy, không còn che chở được và chân rết quyền lực bị đứt thì tự thân của nó sẽ chết đi, không tài nào ngóc đầu dậy được. Một khi quyền lực còn mạnh, cái dù còn vững thì nó tha hồ làm mưa làm gió.
Tập đoàn Vietjet là một ví dụ, trước đây, khi mới hình thành, VJ làm ăn theo tinh thần kinh tế tư nhân (và giấu đi ban bệ quyền lực cũng như cái dù che cho nó), chọn phân khúc bình dân, giá rẻ với khẩu hiệu "mọi người đều có thể đi máy bay". Cái khẩu hiệu này nhanh chóng ma mị hành khách và họ đã chọn VJ với niềm tin nó rẻ hơn các hãng bay khác. Và ban đầu nó cũng rẻ thật. Nhưng càng về sau, giá vé của VJ mắc ngang ngửa với các hãng bay cao cấp, có nhiều lúc vé loại tiết kiệm của VietNam Airlines còn rẻ hơn vé tiết kiệm của VJ. Trong khi đó, máy bay VNA chất lượng cao hơn, ghế ngồi cũng thoải mái và cung cách phục vụ ở hạng 4 sao rất khác biệt. Nó không giống như VJ, chỗ ngồi chết chội, giống ghế xe đường dài hơn là máy bay, cung cách phục vụ thì miễn bàn.
Vụ hành khách Đà Nẵng đưa ba đứa con vào Sài Gòn để tang cho cha mẹ, họ đặt vé cho cả ba đứa con và VietJet đã bán vé căn cứ trên giấy khai sinh của ba đứa con. Khi vào check in, vẫn check in và qua cửa an ninh xong thì chính hãng bay này lại tráo trở, đòi giấy chứng minh nhân dân của đứa bé 14 tuổi. Đứa bé 14 tuổi chưa kịp làm chứng minh thư (vì loại chứng minh dành cho độ tuổi này được phát động làm theo đợt tại Việt Nam, cứ đúng đợt thì công an xã/phường sẽ kết hợp với công an huyện/quận phát thông báo kêu gọi hàng loạt đứa trẻ lên công an xã/phường chụp hình, làm thẻ. Thường thì đợt làm thẻ rơi vào giữa mùa hè. Chính vì vậy, đứa bé 14 tuổi kia phải đợi đến giữa hè mới được làm thẻ và cuối hè mới nhận thẻ). Hãng bay làm khó dễ cho đến phút chót, máy bay chuẩn bị cất cánh vẫn không cho đứa bé 14 tuổi lên máy bay và yêu cầu để đứa bé ở lại.
Thử hỏi, một đứa bé 14 tuổi bị hãng bay yêu cầu để lại ở sân bay và cha mẹ, em của nó được lên máy bay, vậy nó sẽ ra về với ai ? Ai nấu cơm cho nó ăn ? Ai quản lý nó? Và nếu không cho nó lên máy bay tại sao ngay từ đầu lại bán vé theo giấy khai sinh ? Tất cả những hành tung làm ăn và hành xử với khách hàng của VJ có gì đó rất chợ búa và thiếu khoa học, thiếu nhân tính.
Mà chuyện xảy ra với hãng bay này không phải chỉ mới lần đầu, số lượng hành khách phàn nàn về VJ ngày càng tăng nhưng hãng này vẫn không có những điều chỉnh, khắc phục mà thả bừa như không có chuyện gì. Vì VJ tự tin vào thế lực nhóm ? VJ cũng mang căn bệnh của loại hình kinh tế nửa nạc nửa mỡ ?
Có lẽ cả hai câu hỏi này đều có câu trả lời là đúng, VJ dựa vào quyền lực nhóm và cung cách phục vụ theo kiểu cửa hàng ăn uống tư nhân sau khi hợp tác xã giải thể, ban đầu thì đưa ra nhiều tuyên bố hấp dẫn, một khi đắt khách thì chuyển sang chểnh mãng, coi thường khách và thậm chí có những hành vi vô văn hóa. Vì lúc đó cái hụi quyền lực đã hốt xong, cái cần đã có, cái muốn cũng đã đủ. Cái còn thiếu duy nhất là thể hiện bản năng ăn trên ngồi trốc, đạp vào mặt khách hàng khi đã no. Và họ đã chọn thái độ này !
Rất tiếc, tại Việt Nam, có quá nhiều loại công ty, tập đoàn kinh tế nửa nạc nửa mở kiểu này nên có hàng ngàn thứ tiêu cực và khó bề phát triển bền vững, mọi thứ đều ăn xổi, bất chấp… Tất cả những vấn đề này, nếu không kịp sửa đổi, chấn chỉnh và trang bị văn hóa, đạo đức nghề nghiệp cho vững thì hậu quả của nó sẽ khó mà lường !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 31/05/2019 (VietTuSaiGon's blog)
Chính trị cộng sản là loại chính trị mâm thịt chó, điều này nhiều người đã nói, thậm chí nói nhiều. Nhưng, nói nhiều vẫn chưa đủ. Bởi kinh tế xã hội chủ nghĩa là kinh tế mâm thịt chó, bị chi phối bởi chính trị mâm thịt chó. Nhưng, vì sao lại không ví với mâm thịt dê hay thịt chồn, thịt nai, thịt chuột… và các loại thịt khác mà phải ví với mâm thịt chó ? Và, tại sao lại nói thịt chó làng rồi thịt chó khu vực ?
Từ chuyện thịt chó, và chỉ có thịt chó…
Trước đây, trong số những ông bạn, bà bạn nhà thơ mà tôi chơi, có một nhà thơ viết về đồng nội, về tình yêu quê ngoại, về nắng tháng ba đất bệ khói đồng, về những dòng sông chảy miên man trong chữ nghĩa và hệ lụy làm người… Có thể nói, anh là nhà thơ còn giữ giọng quê, chữ nghĩa, câu từ đẹp và hồn hậu nhất tôi từng gặp. Thế nhưng cũng giống như rất nhiều nhà thơ nhớn, nhà thơ bé trong các hội đoàn nhà nước, thịt chó là món khoái khẩu, giúp cho câu chữ thăng hoa và cảm hứng dạt dào hơn, giúp cho ý tứ trở nên sắc sảo, thông minh hơn. Thịt chó luôn là món được hầu hết nhà thơ, nhà văn các hội, đoàn nhà nước mê tít, trừ một số nhà thơ là Phật tử, họ sẽ dùng "thiền" để thay thế thịt chó. Nhưng, nếu chỉ mê thịt chó thuần túy thì có gì để nói ?
Nhà thơ chân quê bạn tôi có thói quen giết chó đãi khách, cứ gặp nhà phê bình văn học nào vui tính, hiểu thơ của anh và tỏ ra có quyền lực chữ nghĩa thì anh xem là xứng tầm chơi với anh, anh bắt chó (nhà nuôi) làm thịt, đãi đằng. Lần đó, anh bắt con chó đen đốm của anh đi làm thịt để đãi "nhà phê bình trung ương", tôi cũng có mặt bữa đó, nhìn thấy con chó đốm quá dễ thương và khôn, khi anh huýt sáo gọi thì nó chạy đến, anh bế nó bỏ vào bao nó vẫn ngoắc đuôi. Tôi can anh nhưng không được, anh nói đã kiếm đủ mẻ rượu, lá mơ, củ riềng, sả và mắm tôm, rượu ngon cũng đang chờ… Anh mang cái bao tải ra ngoài ao và nhận nước con chó. Dìm một hồi, không thấy bong bóng thì anh kéo bao lên, còn cái bao không. Bên kia ao, con chó đang giũ nước, ngoắc đuôi nhìn anh (chắc nó tưởng anh tắm cho nó, còn cái bao lủng đáy là chỗ bồn tắm không chừng !). Tưởng mọi chuyện dừng ở đó, không ! Ông bạn nhà thơ quyết bắt chó lần hai và cho ra mâm thịt chó.
Tôi và một người bạn nhà thơ khá nổi tiếng bỏ về, người bạn muốn khóc vì chuyện này ! Tôi thì bình tĩnh hơn, trò chuyện một lúc cho hắn bớt buồn, và hắn phán một câu xanh rờn : "Chỉ có thịt chó mới đủ làm con người chó hơn cả chó như vậy. Ghê thật !". Hóa ra thịt chó có sức hút bởi nhóm protein của nó rất gần với con người, có người bảo rằng thịt chó nướng có mùi hơi giống thịt người bị cháy trong các cơn hỏa hoạn… Và cái sức hút của việc ăn thịt đồng loại được đẩy sang thịt chó một cách bất chấp. Có lẽ vì vậy mà người ta hay ví von những nhóm lợi ích là "chung mâm chó" chứ ít nghĩ tới mâm khác.
Và khi đã ngồi vào mâm chó thì hình như người ta rất tôn tin trật tự, nghĩa là có lớp có lang, người bự thì được gắp trước, gắp miếng ngon, người bé thì gắp sau, gắp miếng dính mỡ, miếng nhỏ, còn con nít thì không được ăn thịt chó. Ăn vồ vập, ăn nhanh nhưng gọn, chùi mép cũng sạch, chứ lòm thòm lòi thòi thì mắm tôm văng đầy bàn, dính đầy mồm. Và để giữ hòa khí, để tránh bị mất ngon, khi ăn thịt chó, người ta tập trung vào chuyên môn rất cao, phần ai nấy ăn, biết thân biết phận mà gắp, tránh để căng thẳng làm rây mắm, đổ rượu, tránh nộ xung thiêng khiến mâm chó bị hất, cả bàn mất ăn.
Cái kiểu chia chác lợi ích nhóm bây giờ trong nội bộ Đảng cộng sản có nét rất giống với cung cách ngồi mâm chó. Cũng chia chác từng lát từng miếng, cũng có lớp có lang, cũng "con nít không được ăn thịt chó", cũng giữ hòa khí để tránh đổ mâm… Có tất mọi thứ. Và mọi thứ qui luật, nguyên tắc mâm thịt chó trong thời kinh tế mở cửa chỉ mới dừng ở cấp độ tỉnh, trung ương, quốc gia nhưng chưa mở rộng theo cấp độ khu vực và khối như hiện nay.
Nếu như trước đây, sau cái đói, cái khó của chủ trương kinh tế tập trung bao cấp, cào bằng và chỉ một số kẻ nắm quyền lực được đối xử công bằng hơn những người khác không có quyền lực, những mâm thịt chó lén lút trong bóng tối… để rồi bước sang giai đoạn kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, những mâm thịt chó mới, thịt chó không cần giấu diếm, không cần phải ăn lén lút được bày ra với đủ món, từ rựa mận đến hấp, dồi, xáo măng, quay, thui, nướng… Nguồn chó vẫn cứ là nguồn chó trộm, chó đánh bả, nguồn tàn nhẫn và bất chấp, máu lạnh hơn. Kẻ ăn hơn hớn, kẻ bán hằm hằm… Và cái mâm thịt chó thời kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa tràn mứa, ê hề đến độ người ta trở nên chán vì hàm lượng độc tố ngày càng cao do đánh bả mà quanh đi quẩn lại cũng chỉ giọng Việt ngồi ăn với nhau, có bị đánh, bị đập thì cũng chỉ một nhóm lẻ loi. Chi bằng kéo bè kéo đám khu vực cho nó ra vẻ Mafia chó !
Cho đến thời điểm bây giờ, bất kì mâm chó nào bày ra ở Việt Nam cũng đều có đến ba, bốn giọng lơ lớ Bắc – Nam – Trung và Trung Hoa ngồi lại với nhau. Vì có thêm anh bạn ngoại bang to vâm, ăn khỏe, vồ vập nên mâm chó bày ra cũng đầy hơn, có thêm gái gú chân dài ngồi cho thêm màu thêm sắc. Một khi mọi thứ đã thành thói quen, mâm chén, chiếu ngồi đã hình thành thì thông lệ thịt chó cũng hình thành. Nếu như trước đây, thông lệ thịt chó cấp làng, cấp xã, cấp quận huyện, cấp tỉnh thành, cấp trung ương đã chấp nhận nít nhịn để giữ ngon bữa ăn và chấp nhận mọi khuất tất, trái khoáy để no bụng. Thì bây giờ, mâm chó khu vực, mâm chó khối Cộng sản cũng theo thông lệ này để giữ nguyên tắc cả nhóm cùng chén no bụng, cả nhóm cùng hưởng thịt chó, không phân biệt giọng Tàu giọng Ta.
Vé tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được áp dụng theo hình thức tính "giá vé theo cự li". Ảnh: PV
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Formosa Hà Tĩnh, casino ở Đà nẵng, khu người Hoa ở Bình Dương, quyền lực xã hội đen của người Hoa ở vùng biên giới Viêt – Trung và các tỉnh thành trên cả nước… Mọi thứ đều mang lại bất lợi, nguy hiểm cho người Việt nhưng lại sinh lợi và đảm bảo mâm thịt chó Cộng sản Việt – Trung đủ ngon, đủ đầy để chén. Chỉ riêng đường sắt Cát Linh – Hà Đông và Formosa đang mang lại thiệt hại vô kể cho Việt Nam, vậy mà những kẻ thèm thịt chó trong hệ thống mâm bát chó Việt – Trung vẫn tiếp tục đào cho được đường cao tốc Bắc – Nam cho nhà thầu Trung Quốc với đủ các lý do, trong đó không quên dìm hàng nhà thầu Việt Nam và chê bai năng lực của nhà thầu Việt Nam.
Chỉ riêng chuyện chê bai năng lực của nhà thầu Việt Nam, nếu Chủ tịch kiêm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng bộ sậu trung ương Cộng sản đủ khôn, đủ tỉnh táo và không dây vào mâm thịt chó Việt – Trung thì họ sẽ không bao giờ chấp nhận thứ lập luận phản động này.
Từ những năm 1960, nếu như giới lãnh đạo Nam Hàn chê bai nhà thầu của Nam Hàn không có kinh nghiệm và không đủ năng lực (có ý kiến cho rằng trong thời điểm đó, chê bai như vậy là đúng với thực tế) và không giao các cơ hội xây dựng quốc gia cho các nhà thầu Nam Hàn, không đặt ra các thiết chế gắt gao chống tham nhũng, chống thất thoát và nâng cao trình độ, năng lực thi công cho nhà thầu của họ mà giao cho nhà thầu nước ngoài thì mãi cho đến bây giờ, Nam Hàn chũng chỉ là một quốc gia không có gì để nói trong khu vực. Nhưng không, giới lãnh đạo Nam Hàn đã sáng suốt nhận ra rằng không có gì cao quí hơn việc xây dựng quốc gia và không có bất kì nhà thầu của quốc gia nào có trách nhiệm và thấy được sự thiêng liêng này ngoài nhà thầu Nam Hàn. Và kết quả là một Nam Hàn (mặc dù còn phân li Nam – Bắc) hùng mạnh như hiện nay !
Và, hơn bao giờ hết, thời điểm hiện nay là thời điểm mà nhà lãnh đạo Việt Nam cần phải nhìn rõ tầm qua trọng của việc kiến thiết, xây dựng quốc gia, tạo ra hành lang pháp lý phù hợp, chặt chẽ để giảm thiểu và triệt tiêu mọi vấn đề tham nhũng, tắc trách, cửa quyền, lũng đoạn… Phải đặt niềm tin, đặt trọng trách xây dựng quốc gia lên đôi vai của chính người dân Việt Nam và cho họ thấy rằng nếu họ gian lận của quốc gia, dân tộc một xu thì chính họ phải trả giá bằng mạng sống của bạn trước sông núi, trước tổ tiên và dân tộc. Ngược lại, nếu các nhà lãnh đạo tiếp tục giữ luận điệu "nhà thầu Việt Nam không đủ năng lực" để rồi giao các công trình trọng điểm quốc gia cho nhà thầu nước ngoài thì chẳng khác nào các vị tự khai ra rằng "tớ cũng đang chung mâm chung chiếu chó với người Trung Hoa, có lỗ, có chết tớ cũng phải giao, giờ không giao cho họ làm thì khác nào hất cái mâm ấy đi !".
Ông bà thường nói
"Miếng ăn là miếng tồi tàn
Mất đi một miếng lộn gan lên đầu".
Mong quí vị hãy bỏ qua cái miếng tồi tàn ấy để góp tay xây dựng đất nước. Mong các vị hãy nghĩ đến những bàn thịt chó thừa mứa Formosa, đường sắt Cát Linh – Hà Đông đang xả xương, nhổ bọt và mắm tôm lên đầu, lên lưng dân tộc ! Và đừng để vì miếng ăn ấy mà các nhà thầu Việt "lộn gan lên đầu" thay vì họ được giao để làm một cách chân chính, mình bạch, có khoa học và có giám sát tài chính rành mạch, họ vẫn vừa kiếm được chén cơm lại vừa góp tay xây dựng quốc gia đúng với ý nghĩa thiêng liêng của cụm từ này ! Dù muộn còn hơn không, xin đừng vì mâm chó ấy nữa !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 19/05/2019 (VietTuSaiGon's blog)
Nói gì thì nói, cho dù nhìn ở góc độ nào, đứng trên biên kiến nào, cũng phải chịu buồn mà thừa nhận rằng : Máu thù hận của người Việt quá cao. Và hệ lụy của chuyện này chẳng nhỏ một chút nào, nếu không muốn nói rằng nếu còn nuôi giữ máu thù hận lớn như đang thấy, kinh tế càng phát triển thì Việt Nam càng nhanh xuống hố. Và đến một lúc nào đó đủ giàu có, chúng ta sẽ tự diệt vong !
Vì sao ?
Trước nhất, phải giải thích vì sao nói rằng máu thù hận của người Việt quá cao ? Vì lẽ, sau hơn 40 năm kể từ biến cố 30 tháng Tư năm 1975 đến nay, dường như những người tưởng nhớ về ngày ấy như một mốc lịch sử buồn để tiếp tục bước đi thì rất ít, mà người xem đó như một ngày thù hận của cả hai phía thì rất đông. Dù đứng trên góc độ nào, đây cũng là một sự thất bại xét trên góc độ tình tự dân tộc và lòng yêu thương, tính vị tha, bao dung giữa người với người. Hơn nữa, đây là người cùng một dân tộc !
Và hơn bao giờ hết, chúng ta phải vui vẻ, bao dung, tha thứ cho tha nhân và cho cả chính mình. Để con cháu chúng ta có cơ hội nắm tay nhau mà xây dựng quốc gia, dân tộc !
Phía cộng sản thì ăn mừng đình đám và thay vì xem đó là ngày kỉ niệm thống nhất để từ đó nói lên tiếng nói quê hương, nắm tay cả những người thắng cuộc và không thắng cuộc trên tinh thần tôn trọng, yêu thương, hòa giải và hòa hợp… để cùng nhau xây dựng tương lai đất nước thì họ vẫn giữ ngôn ngữ, giọng điệu đầy cừu thù, thậm chí ông Thủ tướng Việt Nam cũng không thoát được giọng điệu này !
Bên thắng cuộc thì ích kỉ, cố chấp muốn duy trì quyền lực theo kiểu "sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta" và đẩy thân nhân, người thân của bên thua cuộc vào chỗ thấp cổ bé miệng, vào chỗ không còn chốn dung thân.
Ngược lại, bên thua cuộc, thù hận cộng sản là lẽ tự nhiên, không có gì đáng bàn bởi chính cộng sản đã đẩy cả một thế hệ tinh hoa của dân tộc ra biển, lưu vong xứ người và lưu vong ngay bản xứ. Nhưng, vấn đề đáng bàn ở đây là trọng trách, sứ mệnh "diệt Cộng" mà các bậc cao niên đã ký thác, gửi gắm vào thế hệ sau. Bởi nếu chống Cộng, chống cái xấu, chống cái ác là lẽ tự nhiên thì hà cớ gì phải giao trọng trách này cho con cháu ? Cứ để con cháu phát triển một cách tự nhiên nhất trên một quốc gia có nền giáo dục ưu việt, có nền dân chủ hàng đầu thế giới và có nền khoa học cấp tiến của thế giới. Thụ đắc nền giáo dục, hưởng thụ mọi giá trị xã hội tiên tiến một cách thấm nhuần, con cháu sẽ biết họ phải làm gì. Và chưa chắc đấu tranh theo kiểu các bậc cao niên đã thành công.
Giả định "chưa chắc" này cũng giống như một giả định khác rằng chưa chắc con cháu cộng sản đã muốn duy trì chế độ cộng sản. Có thể có những vụ nổi cộm về "cha truyền con nối" nhưng nên nhớ rằng để chiếm được miền Nam, có đến hơn 10 triệu người cộng sản thực hiện, đến khi chiếm được miền Nam thì chỉ còn chưa tới 3 triệu đảng viên cộng sản được hưởng lợi. Và có hàng vài chục triệu con người gồm cả đảng cộng sản và người của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trả giá cho cái mốc lịch sử 30 tháng 4.
Nếu như người bên ngoài vẫn giữ thái độ xem những người bên trong Việt Nam là những người cộng sản, là kẻ lấm bụi cộng sản hoặc là ăn cơm cộng sản lâu ngày… Thì tất yếu, người bên trong cũng rất khó gần với người bên ngoài. Và giả sử có những liên minh để đạp đổ cộng sản diễn ra, thì đó mãi mãi là những liên minh giả tạo, người ta lợi dung nhau trong một giai đoạn thấy đôi bên còn có lợi cho nhau chứ chưa bao giờ có chung chí hướng. Bởi chí hướng gồm cả chí và hướng. Cùng chung chí nghĩ là cùng chung lòng yêu thương, cùng chung chiến tuyến, cùng chung quyết tâm và nhiệt huyết để hướng đến cái hướng mà cả hai bên cùng chung. Nếu chỉ cùng chung hướng mà không cùng chung chí, người ta dễ dàng lợi dụng và đạp lên nhau.
Tình trạng hiện tại giữa người Việt bên trong và người Việt bên ngoài, có vẻ như cùng chung hướng và khó để cùng chung chí, đó là sự thật ! Sở dĩ còn cái sự thật này bởi lòng thù hận của người Việt quá cao, cho dù đang sống tại Việt Nam hay bất kì nơi nào, thù hận như một thứ vô thức tập thể đã tích tập từ nhiều đời nhiều kiếp, từ thời tổ tiên, ông bà và đến chúng ta, nỗi phân li, sự mất mát bởi "bên ni bên nớ" vẫn chưa nguôi đau, và càng đau, người ta càng thù hận ! Và càng thù hận, người ta càng dễ dàng lợi dụng nhau cho dù trả giá cho việc ấy cao chừng nào, người ta vẫn chấp nhận và làm điều ấy như một thứ sứ mệnh mơ hồ.
Và giả sử chúng ta bớt thù hận ?
Đây là câu hỏi khó, chẳng khác nào đặt câu hỏi cho một người bị bệnh sắp chết rằng giả sử ông / bà / cô / chị / anh / em… khỏe mạnh và bước ra võ đài. Điều này là viễn vông và vô nghĩa. Nhưng, cũng không có câu hỏi nào khác cho người Việt Nam trong lúc này nếu như chúng ta còn nghĩ đến tương lai, con cháu của chúng ta !
Bởi lòng thù hận "bên ni bên nớ" vẫn không ngừng chảy trong dòng máu của người Việt suốt nhiều thế kỉ nay chứ không riêng gì giai đoạn cộng sản nổi lên. Bởi lòng thù hận đã ăn lan sang thế hệ trẻ, chúng luôn nhìn cuộc sống bằng ánh mắt thù hận và luôn muốn mình là kẻ chiến thắng mặc dù chúng không hiểu được vì sao lại phải thù hận và chiến thắng để làm gì, có ý nghĩa gì… ?
Bởi không có gì đáng sợ hơn khi người ta trở nên có nhiều tiền bạc với một bầu thù hận nuôi sẵn trong tâm hồn. Lúc đó, người ta sẽ dễ dàng mua những thứ để phục vụ cho lòng thù hận. Và cái giá phải trả cho một dân tộc sống trong thù hận là nồi da xáo thịt, người đứng ngoài sẽ ung dung hưởng lạc trên máu xương của những kẻ thù hận chém giết nhau.
Việt Nam đã trả giá quá nặng cho chiến tranh, cho lòng thù hận và cho cả những oan khiên máu xương, không có lý do gì để phải trả giá thêm cho lòng thù hận. Và hơn bao giờ hết, chúng ta phải vui vẻ, bao dung, tha thứ cho tha nhân và cho cả chính mình. Để con cháu chúng ta có cơ hội nắm tay nhau mà xây dựng quốc gia, dân tộc !
Có gì phải ngại ngần khi con của một người Cộng hòa nắm lấy tay con của một người Cộng sản và xây dựng đất nước trên tinh thần hòa ái, yêu thương, vì con cháu, vì tương lai vững mạnh của dân tộc, quốc gia ? Có gì phải ngần ngại khi con cháu của một người cộng sản chung tay với con cháu của một người cộng hòa thiết lập nên một chế độ chính trị mới, chế độ không cộng sản cũng không cộng hòa, ở đó chỉ có quyết tâm xây dựng đất nước lành mạnh, văn minh và cường thịnh ? Có gì phải ngạc nhiên khi hai người lính già của cộng sản, cộng hòa qua đời và cùng thiêu chung một hỏa lò ? Có gì phải ngạc nhiên khi lòng yêu thương lãnh đạo dân tộc, quốc gia đi đến tương lai ? !
Và hãy tin chắc rằng, khi con cháu chúng ta đủ tin yêu và sáng suốt, đủ quật cường và phồn thịnh, đủ tiến bộ và bao dung, lúc đó, tự thân những cái xấu sẽ chết đi và sức mạnh dân tộc lại quay về. Nhưng muốn được vậy, người lớn ơi, xin hãy bỏ lòng thù hận và nghĩ đến con cháu Việt Nam !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 05/05/2019 (VietTuSaiGon's blog)
"Vặt lông gà, lông vịt là phải vặt từ từ, nó mới khỏi kêu…". Một tay Bộ trưởng đã nói như vậy trong phiên họp quốc hội năm 2018. Thiết nghĩ không cần nêu tên của tay Bộ trưởng này nữa, bởi suy cho cùng, với lối suy nghĩ "gà vịt" như vậy thì không nên nhắc đến. Mà vấn đề tôi muốn nói ở đây là không lẽ nào cả hệ thống quản lý nhà nước cũng có lối suy nghĩ "gà vịt" như tay Bộ trưởng gà vịt kia !
Các doanh nghiệp xăng dầu còn đòi tăng thêm 2.900 đồng/mỗi lít xăng Ron 95 để "bảo vệ xăng E5".
Vì cho đến thời điểm hiện nay, khi mà giá điện, giá xăng nói riêng và thời giá Việt Nam nói chung bắt đầu gây bão, tăng vùn vụt. Chưa dừng ở đó, các doanh nghiệp xăng dầu còn đòi tăng thêm 2.900 đồng/mỗi lít xăng Ron 95 để "bảo vệ xăng E5". Nói đến đây, tự dưng cái câu "vặt lông vịt, gà thì phải vặt từ từ" của tay kia không còn ý nghĩa gì. Bởi không riêng gì y mà có rất nhiều người xem dân tộc này, nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa này là những còn gà, con vịt để tha hồ vặt lông, vặt cho đến khi không còn cái lông nào để vặt. Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo ?
Cũng xin nói thêm, hệ thống kinh tế Việt Nam hiện tại, nếu tăng một đồng giá điện, nước, xăng, nó không những làm ảnh hưởng đến các gia đình Việt Nam, mà sâu xa hơn, điều này có thể kéo theo hệ lụy đất nước rơi vào khủng hoảng nặng nề. Bởi người nghèo càng thêm nghèo vì chi phí điện, nước, xăng và các mặt hàng tiêu dùng tăng tỷ lệ, người giàu cũng không thoát khỏi vì mọi thứ họ sử dụng cũng không miễn trừ các mặt hàng này. Và đặc biệt, với các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam, đây là bài toán hóc búa nhất !
Giá điện tại Việt Nam cũng sẽ tăng ít nhất 35% vào tháng/2019.
EViệt Nam vừa ra thông báo thừa nhận phiếu báo điện của tháng sau sẽ tăng ít nhất 35%. Điều đó cũng đồng nghĩa với 35% sẽ là mức tăng tiềm năng của hầu hết mọi sản phẩm trên thị trường mà trong quá trình sản xuất có liên quan đến điện. Bên cạnh đó, tiền lương của người lao động cũng phải tăng tỉ lệ, bởi dù muốn hay không muốn thì các doanh nghiệp buộc phải trả lương cho người lao động tỉ lệ thuận với thời giá nếu như họ muốn doanh nghiệp của họ tồn tại.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam tồn tại được chủ yếu dựa vào nguồn lao động và mặt bằng tương đối rẻ của Việt Nam đễ sản xuất, sau đó đưa sản phẩm trở lại quê hương để tiêu thụ hoặc xuất sang nước thứ ba. Và thị trường ở hầu hết các nước trên thế giới đều không có biến động, trừ những nước có nền kinh tế độc tài, đang bị biến động chính trị và đồng tiền trượt giá. Nhưng các nước này không phải là thị trường đầu ra cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Thử đặt một phép tính, sau một tháng, từ nguồn nguyên liệu đến chi phí sản xuất đều tăng đột ngột, thậm chí thuế xuất khẩu cũng tăng tỉ lệ theo qui luật thời giá, thì liệu doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam sẽ phản ứng ra sao ?
Đương nhiên họ không thể biểu tình, họ không thể đóng cửa sản xuất bởi đóng cửa cũng chết, họ buộc phải lao theo và giảm dần các quota, giảm dần mọi thứ cho đến khi họ tìm ra mảnh đất đầu tư màu mỡ hơn và thiết lập cơ sở ở đó. Điều này mới nghe tưởng đơn giản nhưng với người lao động Việt Nam, đây là tai họa.
Bởi khi doanh nghiệp giảm dần qui mô sản xuất thì việc tăng ca của công nhân không xảy ra, thậm chí họ bị giảm bớt ca làm việc và tiền lương của họ cũng bị giảm tỉ lệ. Nhưng ca lao động giảm thì công suất lao động phải tăng để bù lỗ cho giới chủ. Tiền lương bị giảm mà các mặt hàng tăng liên tục, tiền điện, tiền xăng, tiền sinh hoạt, tiền thuê nhà… Tăng ! Người lao động nhanh chóng bị vặt đến những chiếc lông cuối cùng.
Và một khi doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cảm thấy Việt Nam không còn là một mảnh đất màu mỡ, hấp dẫn (nhờ vào giá lao động rẻ mạt) nữa thì e rằng câu chuyện sẽ diễn ra không hế tốt đẹp chút nào. Các doanh nghiệp chỉ cần giảm chi phí lao động, tăng công suất lao động thì không bao lâu, trong vòng hai tháng, Việt Nam sẽ có những lộn xộn và có khi chưa đầy quí ba tháng thì đã có nội loạn. Ở đây, rõ ràng chủ trương tăng giá để bù lỗ cho EViệt Nam là một chủ trương phản động (đối với Đảng cộng sản) bởi không có thứ gì mau gây bùng nổ làn sóng phản đối, thậm chí bạo lực nhanh hơn việc ngắt bớt miếng ăn của người dân.
Cũng có thể EViệt Nam và những kẻ phản động đã dùng lý luận cũ rích của những nhà lãnh đạo Cộng sản thời kinh tế tập trung bao cấp, đó là phải để cho con người đói khát và sợ hãi thì mới dễ quản lý. Không, điều đó chỉ phù hợp với tâm lý xã hội hậu chiến và bị cắt đứt mọi thông tin cũng như đoạn tuyệt với mọi luồng tư tưởng. Xã hội bây giờ là một xã hội mở, nếu cắt đứt mọi thông tin và đoạn tuyệt với mọi luồng tư tưởng thì nhà nước sẽ sụp đổ đầu tiên bởi mọi bang giao quốc tế bị chấm dứt ngay tức thời. Ngược lại, nếu giữ hiện trạng văn minh như đang có mà ngắt đi miếng ăn thì chẳng khác nào chọc giận và cố tình khích động nhân dân nổi dậy.
Không có nhân dân, thử hỏi có doanh nghiệp hay bất kì tổ chức nhân đạo nào chấp nhận còng lưng đóng thuế, ngắt bớt chi tiêu, ăn nhín uống nhịn để bù lỗ cho một nhóm người mà nhìn ở góc độ nào họ cũng bị ghét cay ghét đắng bởi tính trí trá, xảo quyệt và ích kỉ của họ ? Tôi dám nói nếu như chủ tịch tập đoàn EViệt Nam đi ra biển một mình, nếu người dân phát hiện ra y, rất có thể y sẽ bị nhận nước tập thể. Y chết không phải do người dân tàn độc mà đó là cái chết trả nợ cho những gì y đã cướp đi từ bữa ăn của hàng triệu gia đình và cái chết của y sẽ giải thoát cho một gánh nặng chung, với hi vọng ngành điện phải nhìn lại !
Và không riêng gì chủ tịch EViệt Nam, sẽ có rất nhiều tay quan tham nếu như có biến, bọn họ sẽ bị nhân dân trừng phạt khó lường. Nhưng cũng chắc chắn một điều, một khi làm hỏng mọi chuyện, lấy hết sự bao dung của nhân dân dành cho Đảng cộng sản – một cái đảng mà không riêng gì nhân dân miền Bắc từng tin cậy, cưu mang, che chở - thì bọn quan tham kia sẽ cao chạy xa bay (bởi chúng đã tính trước điều này). Chúng đổ tội lên những nhà lãnh đạo cao cấp hơn chúng như Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Tổng bí thư và những công thần bậc nhất của chế độ Cộng sản… Những nhà lãnh đạo cao cấp này sẽ ở lại ‘chịu lời đắng cay" với nhân dân. Bởi không có cơ hội đào thoát nào cho các nhà lãnh đạo cao cấp một khi họ bị xem là đầu sỏ độc tài. Trong khi đó, những thằng tép riu như Chủ tịch EViệt Nam hay Petro hay các tập đoàn khác được xem là doanh nhân, chủ doanh nghiệp nên cơ hội đào thoát rất cao.
Sở dĩ phải nói nặng nề như vậy bởi một khi có khủng hoảng kinh tế, một khi các nhà đầu tư nước ngoài rút đi, để lại một lượng người thất nghiệp khổng lộ, ngân sách bệ rạc vì phải liên tục trả nợ công và bù lỗ cho những con đỉa hút máu như EViệt Nam thì chắc chắn lúc đó, công an, quân đội cũng trở nên mỏi mệt vì tiền lương hụt hẫng, vì xã hội quá bất ổn, chẳng ai chọn đứng trong các hàng ngũ có thể trở thành lực lượng đàn áp nhân dân (vốn là che mẹ, anh em, họ hàng của họ) nghèo khổ, rên xiết, mà có đàn áp thì cũng chẳng đi đến đâu !
Đến đây, khi nhân dân bị "vặt lông" và bắt đầu cảm thấy không chịu đựng được nữa, đứng lên phản ứng, chính phủ, nhà nước và đảng bị khủng hoảng vì mất lòng dân, ngân khố trống rỗng, đánh mất sức mạnh công an, quân đội… Thì, nhân dân bị vặt lông thì ít, mà những người như Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân mới bị vặt lông nặng nề !
Thực ra EViệt Nam và những tập đoàn (nói chính xác hơn là những tay đầu sỏ của các tập đoàn này) đang vặt lông ai ? Không, họ không chỉ vặt lông nhân dân, mà mục tiêu cuối cùng của họ là vặt lông những con người như ông Trọng, ông Phúc, bà Ngân. Nếu không tin, cứ để họ tiếp tục vặt lông đi rồi sẽ thấy ? ! Bài học Venezuela, Lybia và các nước khối độc tài Cộng sản bị sụp đổ do hầu hết trách nhiệm của những tay tài phiệt đỏ trong hệ thống và họ bỏ chạy khi có biến, các nhà lãnh đạo ở lại chịu trừng phạt chưa đủ cho các ông, các bà sáng mắt sáng lòng sao ? !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 30/04/2019 (VietTuSaiGon's blog)
Sau vụ tai tiếng dẹp vỉa hè và đội đơn xin từ chức, rồi lại xin ở lại tiếp tục "phục vụ" của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, có lẽ, vụ dắt nhau đi bắt chó rông của quận 1 cũng đáng kể không kém. Sở dĩ phải nói rằng ông Đoàn Ngọc Hải dắt đoàn đi bắt chó rông đúng hơn là đi thực thi pháp luật hay là đi củng cố an ninh trật tự. Vì lẽ : Cách hành xử của đoàn làm việc không những thiếu chuyên nghiệp mà còn vi phạm pháp luật.
Cách hành xử của đội bắt chó rông của quận 1 làm việc không những thiếu chuyên nghiệp mà còn vi phạm pháp luật.
Vô hình trung, một ngày đi bắt chó rông của đoàn đã phạm phải luật bảo vệ động vật.
Văn hóa, văn minh của đoàn làm việc có vấn đề trầm trọng, cách làm việc và thái độ của ông trưởng đoàn Đoàn Ngọc Hải cũng như các nhân viên công lực đều thiếu văn hóa và không đảm bảo yêu cầu về đạo đức.
Cụ thể, cách hành xử vi phạm pháp luật ra sao ? Thứ nhất, quận 1 đã không phát đi thông báo mà theo đúng tinh thần luật hành chính là liên tiếp ba ngày để người dân biết các qui định của nhà nước mà rọ mõm, chích vacine, nhốt chó, ngưng thả rông. Thứ hai, khi vào nhà dân để bắt chó, người đại diện trong đoàn phải chào hỏi người dân, đọc lệnh bắt hoặc ra thông báo tức thời, giải thích vì sao chó của người dân bị bắt chứ không phải cứ chạy xe, tấp vào lề, chạy thẳng vào nhà dân để bắt chó. Như vậy là xâm nhập gia cư bất hợp pháp và hành xử không minh bạch.
Theo dõi một video clip trên mạng xã hội, cảnh đoàn bắt chó quận 1 vào nhà dân theo kiểu đánh úp, không nói không rằng, các anh dân phòng và công an cầm thòng lọng chạy vào rượt con chó đang đứng ăn khúc xương trước cửa nhà để bắt. Chó sợ bỏ chạy vào nhà, chủ nhà chạy ra can ngăn và cam đoan là chó đã chích phòng dại nhưng đoàn vẫn khăng khăng đòi bắt. Bà cụ chủ nhà tự chui đầu vào thòng lọng và nói "hãy bắt tôi đi, đừng bắt nó, nó không có chạy ra đường". Câu nói và hành động của bà cụ vô hình trung làm chạm đến lòng trắc ẩn con người. Một cụ già sẵn sàng chịu chui đầu vào tròng để thế mạng cho con vật, đây là hành vi nhân ái và cao thượng cho dù đứng trên góc độ nào. Rất tiếc là hành vi của bà cụ không đánh động được lòng thương xót của những người trong đoàn, họ vẫn khăng khăng đòi bắt chó.
Đến khi người con trai thứ và con trai trưởng của bà cụ ra can ngăn, nói lý lẽ thì chính ông Đoàn Ngọc Hải lại nói giọng găng-tơ, thách đố với người con trai trưởng rằng ông nhất định bắt chó và sẽ mời người con trai thứ về phường làm việc. Sau lời ông Hải là trưởng công an phường vào mời người con trai thứ về phường. Không có giấy mời của Trưởng công an quận/huyện ký là sai qui trình chấp pháp. Và khi người con trai thứ mặc áo vào để đi thì có hai công an choàng tay qua hông, đẩy đi. Đây không thể gọi là mời mà đang trấn áp người dân và có dấu hiệu cưỡng bức ý chí chứ không đơn giản là mời làm việc như ông Hải nói. Từ chỗ mời sai qui trình, làm việc sai luật, ông Hải còn dặn các công an về "làm biên bản mạ lị, xúc phạm đoàn làm việc" cho người con trai thứ gia đình vừa nói. Khi người con trai thứ ngồi lên xe, chưa kịp đội mũ bảo hiểm thì một công an phóng xe như điên chở anh ta về phường. Hình ảnh này không những xấu xí mà dự cảm một điềm chẳng lành cho người sắp làm việc với công an !
Và cách hành xử của đoàn vô hình trung chạm đến luật bảo vệ động vật. Đương nhiên, tình trạng chó thả rông, không có rọ mõm và đuổi cắn người là chuyện bức xúc của không riêng gì Hồ Chí Minh mà tất cả các thành phố, vùng quê đều xảy ra. Bắt chó thả rông để giữ an toàn cho người dân là một việc tốt. Nhưng điều đó không có nghĩa là cứ thấy chó chạy ngoài hiên nhà người ta hoặc chạy trong nhà nào mà không xích thì cứ xông vào bắt. Rồi khi chủ nhà khẳng định là mới tháo rọ mõm cho chó ăn, chó đã tiêm phòng dại mới gọi cán bộ bên vệ sinh phòng dịch mang sổ sách tới để kiểm tra. Như trường hợp trong video clip. Khi ông Hải kiểm tra danh sách tiêm phòng dịch thì thấy chó định bắt đã tiêm, vẫn cứ chống chế muốn bắt. Cuối cùng, không bắt được chó thì chuyển sang "mời" người về phường.
Cách làm việc như vậy có chút gì đó vừa tráo trở lại vừa hống hách, thiếu khoa học và thiếu cả nhân tâm, kém đạo đức. Lẽ ra, trước khi đi bắt, danh sách những con chó đã phòng dịch phải được khoanh vào vùng xanh và sẽ được nhắc nhở lần đầu nếu chủ của nó thả rông. Đằng này cứ nhắm mắt nhắm mũi xông vào bắt, mặt đằng đằng sát khí chẳng kém lúc đi dẹp vỉa hè. Mà thử nhìn lại, sau chiến dịch dẹp vỉa hè, liệu vỉa hè quận 1 có gì tốt hơn so với các quận khác ? Thậm chí sau đợt dẹp vỉa hè trên cả nước, các vỉa hè có hết các quán nhậu hoặc có tốt hơn, thông thoáng hơn hoặc văn minh hơn trước hay không ? Có thể nói là Không !
Đến đây, có thể nói rằng văn hóa, văn minh và đạo đức của cán bộ là hết sức quan trọng. Nó càng đặc biệt quan trọng hơn với Việt Nam, bởi người dân Việt Nam trải qua quá nhiều gian nan, từ chiến tranh cho đến trưng thu tài sản rồi kinh tế tập trung bao cấp, kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thời chiến tranh thì chết chóc, ly tán ; Thời sau 1975 thì mất nhà cửa, mất tài sản, mất người thân ngoài biển ; Thời kinh tế tập trung bao cấp thì miếng ăn, cái nhục và nỗi đau vì miếng ăn đã làm người ta không còn nghĩ gì được ngoài miếng ăn và cái bụng đang sôi sùng sục ; Thời kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì những kẻ thời cơ, gian lận, tham ô nhiều như nấm… Chính những yếu tố này đã lấy mất đi vốn liếng văn hóa của người dân. Và một chính quyền có trách nhiệm thì phải hướng người dân từ chỗ kém cỏi đến chỗ tốt đẹp, từ chỗ thiếu văn hóa, thiếu tình người đến chỗ có văn hóa, nhân bản.
Nhưng không, không riêng gì Đoàn Ngọc Hải mà hầu hết cán bộ nhà nước Cộng sản Việt Nam từ Nam chí Bắc, từ địa phương đến tỉnh, thậm chí đến trung ương đều có cách hành xử na ná nhau, đó là hách dịch, cửa quyền, bất minh và ngồi xổm trên pháp luật. Đó là chưa muốn nói đến vô văn hóa, vô đạo. Thử nghĩ, với cách hành xử như vậy từ phía cán bộ thì người dân phải hành xử ra sao khi đối phó với cán bộ ? Đương nhiên là họ phải phát huy cái thô thiển, tục tằng, cộc cằn và hung hăng, thậm chí bạo lực đầu đường xó chợ để đối phó.
Và một đất nước mà những kẻ đứng vai lãnh đạo lại là những cái ngòi nổ của thói xấu, vô đạo và băng hoại thì liệu người dân của đất nước đó có chạm đến nhân văn được không ?
Nói cho cùng, mỗi lần có chiến dịch nào đó mang danh nghĩa "vì nhân dân" là một lần giới cán bộ có cơ hội châm ngoài nổ bạo lực, tức giận, thậm chí thù hận với nhân dân. Mà một khi chính quyền đẩy nhân dân về phía cừu thù thì còn gì để nói nữa đây ?
Lại một lần nữa, Đoàn Ngọc Hải ra quân bắt chó, lại một lần nữa, người ta lại kháo nhau rằng trước đây Hải thù hận mấy mái che, mấy tam cấp, bây giờ Hải chuyển sang thù hận chó mèo ? Sao lại để người dân xếp mình vào diện thù hận với chó, mèo hả ông Đoàn Ngọc Hải ? !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 23/04/2019 (VietTuSaiGon's blog)