Biểu tình vì cái gì ?
Và biển Việt Nam chết tự bao giờ ?
Câu trả lời là biển Việt Nam chết từ khi tâm hồn người Việt không còn và không thể bao dung và rộng lượng được nữa, từ khi các phe nhóm lợi ích nổi lên từ địa phương đến trung ương. Và tình trạng các nhóm lợi ích cấp cao hơn phủ che xuống nhóm lợi ích địa phương tạo ra những bức xúc tuyến tính nhưng lại dễ tạo ra hiệu ứng bàng quang ở số đông người Việt. Và câu trả lời thứ hai sẽ giúp đi đến câu trả lời thứ nhất.
Người Việt Nam cảm thấy mình bị gạt khỏi những giá trị dân tộc và chủ quyền quốc gia.
Tôi muốn nhấn mạnh, tình trạng biểu tình kêu gọi chống luật đặc khu nhanh chóng chết đi không chỉ vì bị đàn áp mà vì một nguyên nhân khác sâu xa hơn : Người Việt Nam cảm thấy mình bị gạt khỏi những giá trị dân tộc và chủ quyền quốc gia.
Ở khía cạnh thứ nhất, người dân cảm thấy mình bị gạt ra khỏi những giá trị dân tộc, chuyện này không phải mới đây, đặc biệt là vấn đề về biển, bờ biển. Bỏ qua hàng loạt những thiệt thòi của người dân về tài nguyên, giá trị dân tộc và nhiều thứ liên đới trong suốt chiều dài nhiều thập kỉ, kể từ khi chủ nghĩa Cộng sản phủ màu lên Việt Nam, chỉ xin nói qua về quyền lợi của người dân với bờ biển, tài sản do thiên nhiên ban tặng.
Không phải mới đây, mà đã rất lâu, từ khi kĩ nghệ du lịch giúp cho nhiều gia đình hái ra tiền thì hầu hết bờ biển Việt Nam đều lọt vào tay các nhóm lợi ích địa phương. Các bờ biển tự nhiên, thơ mộng nhanh chóng bị phân lô và các tay quan chức chính quyền địa phương đã chia thịt bờ biển. Các chủ quán ven biển đều là những kẻ có thế lực dây mơ rễ má với giới chức địa phương. Và các chủ quán ven biển này tự cho phép họ cái quyền cấm biển đối với người dân.
Trước đây, người nông dân các vùng trung du hay miền núi, thậm chí đồng bằng nghèo khổ có thể thỏa ước mơ đi tắm biển, thăm biển hay ngắm biển bằng cách đạp xe, đi xe máy hoặc đi xe buýt tìm đến bờ biển, trải một tấm bạt cùng ngồi với nhau... Nhưng đó là câu chuyện đã xưa, hiện tại, và chuyện này cũng không phải mới xảy ra, các chủ quán ven biển tự cho họ cái quyền cấm được trải bạt, cấm được ngồi nghỉ ngơi trên bãi biển trong các vị trí ngay trước quán của họ, mặc dù sát mép nước. Và những cái ghế tắm nắng được bày ra khắp các bờ biển, các hàng quán bày ra khắp nơi với giá chặt chém không thương tiếc. Điều này làm cho đại bộ phận người dân cảm thấy họ bị đẩy ra khỏi các quyền lợi dân tộc một cách rất tự nhiên.
Và nhìn lại lần nhiễm độc tại các bờ biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, những người được đền bù thiệt hại cũng chỉ xoay quanh các chủ hàng quán, những gia đình giới chức có nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản hoặc khai khống để nhận đền bù... Quyền lợi của đại bộ phận nhân dân không được nhắc đến. Và với đại bộ phận nhân dân, việc chuyển tư hữu các phần bờ biển từ tay người Việt Nam sang người Trung Quốc cũng không có ý nghĩa gì mấy đối với họ. Bởi cho dù nó nằm trong tay người Việt hay nằm trong tay người Trung Quốc, điều đó cũng chẳng mang lại lợi ích nào hay chút lân mẫn nào cho những người nghèo khổ như họ. Tâm lý dửng dưng của người dân bắt nguồn từ việc nhận biết các quyền lợi dân tộc bị cắt xén bởi các nhóm lợi ích địa phương.
Và đâu đó, khi có những cuộc biểu tình nhỏ lẻ hoặc biểu tình rầm rộ ở các địa phương để phản đối các tập đoàn... Điều này không hoặc rất hiếm xuất phát từ tâm thức bảo vệ dân tộc mà nó đã có bàn tay lèo lái từ các nhóm lợi ích địa phương hoặc các nhóm chính trị từ bên ngoài, đây là khả năng khó chối bỏ. Rất hiếm hoi những cuộc chống đối, nổi dậy bởi ý thức nội tại và tinh thần dân tộc. Bởi điều đó quá xa vời đối với người dân. Và nếu có một động cơ chung để biểu tình, nổi dậy hay cách mạng, có vẻ như động cơ không phải và khó có thể là Chống Bành Trướng Trung Quốc.
Cái động cơ Chống Bành Trướng Trung Quốc chỉ gần và có trong những người trí thức, những người quan tâm dến vận mệnh dân tộc và, vẫn có trong huyết quản đại bộ phận nhân dân. Nhưng khi phân tích và mổ xẻ về chuyện được/mất giữa bành trướng Trung Quốc với bành trướng lợi ích nhóm địa phương, lợi ích nhóm Trung ương trước các đợt bố ráp, khủng bố tinh thần... Thì người dân xem việc bành trướng Trung Quốc hay bành trướng lợi ích nhóm đều độc hại như nhau, thậm chí chẳng có thằng nào tốt hơn thằng nào !
Chính vì vậy mà hầu hết các cuộc biểu tình, bày tỏ thái độ của người dân đều nhanh chóng và dễ dàng bị bẻ lái sang biểu tình kêu gọi lật đổ chế độ hoặc nhẹ nhất cũng là biểu tình kêu gọi bãi nhiệm hay giải giáp quyền lực của một nhóm quyền lực địa phương nào đó. Điều này không do bất kỳ động cơ chính trị có tính khởi nguyên nào mà do những tác động nhỏ trong quá trình biểu tình. Nhưng động lực lớn mạnh nhất vẫn là sự bất mãn đến tận chân tơ, kẽ tóc của người dân trước sự vô cảm, giả dối và tham lam của các nhóm lợi ích, của chính quyền từ địa phương đến trung ương.
Nghĩa là, biển, đất liền, tài nguyên và các giá trị dân tộc đã bị xẻ thịt, bị chia phần bởi các nhóm lợi ích từ rất lâu, người dân không có phần trong các giá trị đó và động cơ để đấu tranh giữ lấy các giá trị này trước ngoại bang của đại bộ phận nhân dân là rất thấp. Và vì sao các cuộc biểu tình luôn manh nha bạo động lật đổ chính quyền, luôn là mối nguy, nỗi lo của nhà cầm quyền và họ buộc phải ra tay gắt gao, sắc máu ? Bởi vì họ nhìn thấy trách nhiệm, bổn phận trả lại các giá trị dân tộc chỉ nằm trong tay bành trướng Trung Quốc chưa tới 20% mà nằm trong tay đảng lãnh đạo đến hơn 80%.
Một khi người dân biểu tình hay nổi dậy đòi lại các giá trị dân tộc, thì không ai ngoài đảng Cộng sản phải là kẻ đầu tiên có trách nhiệm trả lại. Và khi đảng Cộng sản trả lại giá trị dân tộc thì những gì thuộc về xâm lược ngoại bang sẽ giải quyết một cách dễ dàng, nhanh chóng. Và đây là đầu mối, nguyên nhân mà hầu hết các cuộc biểu tình ở Việt Nam bị đàn áp thô bạo, gắt máu và luật biểu tình luôn là cái bánh vẽ chưa bao giờ thành hình tại Việt Nam.
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 25/06/2018 (VietTuSaiGon's blog)
Nói nghe to tiếng nhưng thật sự, chưa bao giờ người Việt cần phục dựng lòng tín ái hơn lúc này. Bởi qua nhiều biến cố xảy ra, không riêng gì ở giai đoạn Cộng sản xã hội chủ nghĩa, mà ngay từ trước, từ nếp tư duy phong kiến và phụ thuộc, người Việt đang dần mất đi những tự tình dân tộc và thay vào đó là hàng loạt hệ hình về văn hóa, chính trị, xã hội vừa lai căn vừa đi dần đến chỗ vong bản.
Người Việt đang dần mất đi những tự tình dân tộc - Ảnh TTXVN
Đương nhiên, mỗi hệ hình đều có tính phát sáng của nó đối với một dân tộc qua nhiều thế kỉ sống trong bóng tối nô lệ, nồi da xáo thịt và kém văn minh như Việt Nam. Nhưng cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Nếu như ở phía bắc, Cộng sản như một lời hứa hẹn để phá tan cái không gian trì trệ sau nhiều năm Nam – Bắc chia lìa và mất phương hướng thì ở miền Nam, món hàng xuất khẩu của người Mỹ gồm Thị Trường, Vũ Khí và Nhân Quyền cũng đóng vai trò khai phóng vùng đất vốn dĩ khô hạn về chủ nghĩa và có sẵn lòng hào hiệp bản địa.
Hiện tại, sau nhiều chu kì nhập khẩu món hàng Nhân Quyền của Mỹ quốc vào Việt Nam nhưng có vẻ như món hàng này không hoặc chưa phù hợp với khẩu vị của người Việt. Và nó chỉ hợp với một số ít những người thuộc tầng lớp trí thức, thượng lưu và văn nghệ sĩ tỉnh thức với đất nước. Số đông còn lại, hoặc là hiểu nhầm khái niệm, hoặc là không biết gì và thả sức phung phí những giá trị tự do, nhân quyền (mà một nhóm nhỏ đã nỗ lực để có được) bằng chuỗi hành vi có tính bản năng. Và giá trị tự do, nhân quyền thêm phần khủng hoảng.
Những cuộc biểu tình nhanh chóng rơi vào bạo động hoặc thụ động. Nếu như các cuộc biểu tình ở Bình Thuận rơi vào bạo động bởi nguyên nhân tức nước vỡ bờ của người dân chịu quá nhiều cay đắng, thiệt thòi và thấp cổ bé miệng... Thì những cuộc biểu tình kêu gọi chống Trung Quốc, bảo vệ môi trường hay bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và chống đặc khu, chống luật an ninh mạng... của nhân dân ở các thành phố, tỉnh thành Việt Nam nhanh chóng bị dập tắt bởi bạo lực nhà nước. Mọi thứ tại Việt Nam hiện nay, nhìn theo chiều kích nào vẫn thấy đều bị giải quyết theo khuynh hướng bạo lực, nếu nhân dân không đủ bạo lực thì nhà nước cũng thừa bạo lực. Bạo lực như một trái phá nhằm chấm dứt những xung động xã hội.
Và đây cũng là mấu chốt để giải thích vì sao món hàng nhập khẩu từ Mỹ Quốc có tên Nhân Quyền lại không thể tồn tại được trên đất nước Việt Nam mà món hàng nhập khẩu từ phía bắc như Liên Xô, Trung Quốc với cái tên Độc Tài Cộng Sản lại nhanh chóng bén rễ và sinh trưởng trên mảnh đất hình chữ S này ! Lẽ nào từ căn nguyên, người Việt đã quen với tính ác và mọi giá trị thiện lương đều không có đất sống ở đây ?!
Và dù nhìn như thế nào thì có một thực tế phũ phàng là những giá trị văn minh chưa bao giờ có cơ hội bén rễ một cách toàn triệt trên mảnh đất Việt Nam mà nó chỉ thấm nhuần ở một bộ phận tiến bộ. Vấn đề này có hai nguyên nhân : Nội tại dân tộc và Ngoại cảnh dân tộc. Nhưng cả hai nguyên nhân này thực tế cùng nằm trong một tập hợp Tâm Tính Dân Tộc Việt Nam.
Về vấn đề nội tại dân tộc, người ta buộc phải đặc câu hỏi về khả năng tiếp nhận, lĩnh hội của người dân, của mỗi tế bào, mỗi cá thể trong Việt Tộc trước những mô thức xã hội từ bên ngoài. Hay nói khác đi là khả năng tiếp nhận Dân Chủ, Nhân Quyền với khả năng tiếp nhận Độc Tài Cộng sản, khả năng nào cao hơn ?!
Và thật đáng tiếc khi xét chiều dài lịch sử Việt Nam, trên góc độ nội tại dân tộc thì có vẻ như khả năng tiếp nhận độc tài, tiếp nhận một mô thức kìm kẹp, ác ôn lại cao hơn khả năng tiếp nhận mô thức tiến bộ của tự do, nhân quyền. Và cái câu cửa miệng của người Việt khi tự thấy "tự do trong khuôn khổ" hoặc sống ở thế kỉ 21, thời đại cộng sản nhưng hành xử theo nguyên tắc, lý lẽ của luật nhà Nguyễn và Hồng Đức Luật, từ việc trọng nam khinh nữ cho đến tính gia trưởng, tính đề cao gia tộc... là một hiển nhiên đã minh chứng cho điều đó.
Đáng sợ hơn là hiện tại, trong các đám cưới, đám giỗ, ma chay, ngay cả người dân thành phố cũng luôn có câu mào đầu khi thư trình : "Kính thưa các cấp chính quyền địa phương" rồi sau đó mới tới ông bà, người cao tuổi, thân bằng quyến thuộc. Và đáng sợ hơn là "Nhờ sự đồng ý và ưng thuận của các cấp chính quyền địa phương mà con cháu chúng tôi được lấy nhau/ cha mẹ, ông bà chúng tôi được yên nghỉ (chết)..".. Đây là sự thật ! Một sự thật cho thấy khả năng chịu đựng và tự chui đầu vào tròng của đại bộ phận nhân dân Việt Nam không phải là thấp !
Về mặt ngoại cảnh dân tộc, có thể nói rằng chủ nghĩa Cộng sản với lối tư duy độc tài, độc đoán và vô thần của họ một khi đã áp đặt lên quốc gia nào thì lập tức nơi đó trở thành vùng đất chết của tri thức, giá trị con người và giá trị văn hóa. Việt Nam không là ngoại lệ của tai họa này. Chủ trương, đường lối lãnh đạo hà khắc, bưng bít và đóng cửa bằng mọi cách, mọi phương thức cũng như lối giáo dục tuyên truyền đầy thù hận của nhà nước đã nhanh chóng đẩy nhiều thế hệ dân tộc Việt Nam vào cửa tử. Hành xử man rợ, máu lạnh và tham vọng không còn phân biệt phải trái, giá trị đạo đức, lương tri bị hạ xuống mức thấp nhất khi chủ nghĩa Cộng sản cũng như các giá trị độc tài, độc đoán của họ tăng cao.
Và chủ trương độc tài, độc đoán, vô thần của người Cộng sản nhanh chóng đẩy dân tộc Việt Nam đến chỗ tai điếc, mắt mù, chân không vững. Chính vì tai điếc nên không nghe thấu những giá trị tâm hồn, chính vì mắt mù nên không nhìn rõ giá trị của văn minh, tiến bộ và tự do, chính vì chân đi không vững nên người ta không bao giờ đủ dũng khí để nhận định cái đúng để đấu tranh và bảo vệ nó một cách toàn triệt. Và cũng vì chân đi không vững nên người ta dễ dàng run sợ trước bạo quyền, dễ dàng làm con rùa rụt cổ và người ta tự đánh mất dần lòng tín ái.
Khi đánh mất lòng tín ái, người ta có thể làm chung một công việc, ngồi chung một bàn cà phê, bàn nhậu, thậm chí ở chung một phòng... nhưng người ta không những không tin nhau mà còn đặt đối phương vào tình trạng khả nghi. Khi đánh mất lòng tín ái, người ta có thể dùng những mỹ từ để bốc thơm nhau một cách không biết ngượng nhưng người ta cũng sẵn sàng thanh trừ nhau nếu thấy điều đó là cần thiết và phát sinh tư lợi. Khi đánh mất lòng tín ái, người ta có thể ngồi chung một chiến tuyến nhưng không chung một điểm đến, mục đích hay lý tưởng. Và điều này gây ra sự xáo trộn dẫn đến khủng hoảng dân tộc.
Cho đến thời điểm hiện nay, sau hai tuần dài kể từ khi các cuộc biểu tình trên khắp đất nước diễn ra vào ngày 10 tháng 6 năm 2018, sau đó là biểu tình bạo động ở Bình Thuận và an ninh siết chặt khắp mọi nơi... Việt Nam không có thêm cuộc biểu tình nào nữa ở các thành phố lớn. Và có một vấn đề dễ nhận biết nhất là các cuộc biểu tình, hoặc là người dân đi đến bạo động, hoặc là nhà nước dùng bạo lực. Và ở cả hai khía cạnh này, nguyên nhân bạo động ban đầu được xác định là do nhà nước kích hoạt.
Trước, trong và sau mỗi cuộc biểu tình hay những biến động xã hội Việt Nam, người chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là nhân dân và kẻ thụ hưởng những món lợi lộc bao giờ cũng là các nhóm đầu tư mang yếu tố Trung Quốc. Nói như vậy để thấy dân tộc Việt Nam đang lâm nguy đến mức độ nào. Nhà nước, đảng Cộng sản đóng vai trò tay sai và công cụ cho Trung Quốc. Người dân thì đã nhiễm quá nặng tập khí thù hận và bạo động, các giá trị nhân quyền, tự do trở thành thứ xa xỉ và ít phù hợp, nếu không muốn nói là không phù hợp. Hay nói cách khác, lòng tín ái đã vắng bóng trên dải đất hình chữ S này !
Và bây giờ, ngay lúc này, nếu muốn dân tộc này tồn tại, vấn đề qua trọng nhất là phải tự phục dựng Lòng Tín Ái. Nếu không làm được điều này, chúng ta sẽ không còn đất sống !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 25/06/2018 (VietTuSaiGon's blog)
Một cuộc biểu tình chưa phải là qui mô, rầm rộ, thậm chí là vô tổ chức, nhưng nhà cầm quyền với đầy đủ hệ thống công an, quân đội, hành chính của một tỉnh trong tay mà thất thủ trước nhân dân là một chuyện hết sức tệ hại. Sự tệ hại không nằm ở chỗ thất thủ hay càn quét dẹp sạch cuộc biểu tình của nhân dân. Mà vấn đề cho thấy cho đến thời điểm hiện nay, một bộ phận không nhỏ các đảng viên cộng sản có chức sắc, đứng đầu một địa phương, một tỉnh thành đã chính thức đẩy nhân dân về phía thù địch. Và điều này cũng cho thấy bộ phận không nhỏ này đã chính thức giở thói tráo trở, coi thường dân tộc, coi thường quốc gia, và trên hết là coi thường đảng cộng sản.
Một bộ phận không nhỏ các đảng viên cộng sản có chức sắc, đứng đầu một địa phương, một tỉnh thành đã chính thức đẩy nhân dân về phía thù địch.
Vì sao tôi lại nói bộ phận không nhỏ đảng quyền cấp địa phương này lại coi thường đảng cộng sản ? Bởi điều dễ thấy nhất là họ đẩy đảng cộng sản vào tình thế thù địch với nhân dân và thay vì chọn nhân dân để phát triển, họ đã bỏ qua nhân dân trong một lựa chọn hết sức mơ hồ, thậm chí có nguy cơ mất nước.
Ở vấn đề xa rời và đẩy nhân dân vào chỗ thù địch, xin nói thêm, đảng cộng sản hình thành, sinh trưởng, nảy nở trong lòng nhân dân, từ chén cơm, bát gạo cứu tế cho đến bát gạo nuôi quân, sự hi sinh, chia sẻ, cống hiến và dung dưỡng của nhân dân… Có ngày hôm nay, đảng cộng sản hoàn toàn là "của nhân dân", nhưng có "do nhân dân, vì nhân dân" hay không thì nên coi lại !
Ngay cả một công ty bảo hiểm của Anh, Prudential, khi bước qua Việt Nam kinh doanh, làm ăn, câu slogan của họ chọn là "luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu". Và cũng nhờ cái tinh thần cũng như hình thức luôn luôn lắng nghe luôn luôn thấu hiểu này mà Prudential tồn tại gần 20 năm nay tại Việt Nam một cách mạnh mẽ trong lúc có hàng chục công ty bảo hiểm khác đã rớt đài trên đất nước này mặc dù lợi tức khách hàng của họ còn cao hơn cả Prudential.
Nói như vậy để thấy rằng muốn tồn tại ở Việt Nam, tồn tại với một dân tộc nhiều trắc ẩn, cần được lắng nghe, cần được thấu hiểu và cần được chia sẻ, bất cứ tập đoàn chính trị hay kinh tế nào cũng phải hiểu thấu cái nhu cầu cần lắng nghe, cần thấu hiểu của người dân Việt Nam. Bởi với một đất nước trải qua nhiều binh biến, thăng trầm, khó khăn, đau khổ, mất mát, thứ cần nhất của người dân vẫn phải là lắng nghe, thấu hiểu.
Người dân có thể nhịn ăn, nhịn mặc, chịu lạnh để chia sẻ cho những ai biết lắng nghe, biết thấu hiểu mình. Bằng chứng là những năm đảng cộng sản, đảng Lao Động còn yếu ớt manh nha hình thành, người dân đã cưu mang, vun vén cho họ trưởng thành. Nếu không có bát cơm, củ sắn, củ khoai của nhân dân thì chắc gì có đảng cộng sản ngày hôm nay. Và sở dĩ nhân dân tin yêu người cộng sản (từ trứng nước) lúc đó bởi vì họ thể hiện được cái tôn chỉ "của dân, do dân và vì dân" của họ.
Và những ngày 30 tháng 4 năm 1975, ai đã đón mừng anh bộ đội cụ Hồ vào Sài Gòn nếu không phải là nhân dân ?! Nhưng rồi cho đến hiện tại, ai đã đốt phá, đập bỏ, đánh lãnh đạo phải thương tích đi cấp cứu ngoài nhân dân ? Vì sao lại ra nông nỗi như vậy ?
Bởi một lý do đơn giản, người cộng sản chỉ tồn tại với câu cửa miệng là "của dân, do dân và vì dân" nhưng bản chất phản bội nhân dân, coi thường nhân dân, hách dịch, cửa quyền, thậm chí hống hách, mất dạy với nhân dân dường như ngày càng lộ rõ, không cần giấu diếm hay che đậy.
Miệng thì luôn nói mình là "đầy tớ nhân dân, phục vụ nhân dân…" nhưng hành vi của họ thì đi ngược hoàn toàn. Cung cách của từ một cán bộ quèn cấp thôn, cấp xã cho đến cấp huyện, cấp tỉnh đều coi dân như cỏ rác, xem mình là cha mẹ của nhân dân chứ chưa bao giờ tỏ ra mình "phục vụ nhân dân". Cái mà họ nói là "phục vụ nhân dân", thực ra là họ đang ngồi mát xơi bát vàng, đang ngồi tréo cẳng ngỗng trên cơ quan công quyền và nhìn nhân dân bằng nửa con mắt, mỗi khi nhân dân cần ký đấm thủ tục hành chính thì phải bỏ phong bì, phải năn nỉ, xuống giọng ỉ ôi để họ "chiếu cố, nhiệt tình" làm giúp ! Mà trong khi đó, tất cả những việc đó lẽ ra họ phải làm nhanh, làm gọn đúng trách vụ của họ !
Thử nghĩ, họ sống dựa vào thứ gì ? Đồng lương của họ nhận hằng ngày do đâu mà có ? Và họ đối xử như thế nào với nhân dân ? Và trên hết, cung cách đối xử của họ với nhân dân là một đòn trực tiếp đánh vào uy tín của đảng cộng sản, thậm chí không ai khác, chính những đảng viên cộng sản đang cố tình bôi tro trét trấu, cố tình lật đổ nền móng của đảng cộng sản.
Và bằng chứng rõ nét nhất của công cuộc "đả đảo cộng sản" của các đảng viên cộng sản chính là tình trạng nhân dân nổi dậy không còn suy nghĩ đúng sai ở Bình Thuận hôm 11 tháng 6 năm 2018. Ở đây, nhân dân đốt tài sản công cũng là đốt mồ hôi, nước mắt còng lưng đóng thuế của mình. Nhưng vì tức giận, phẫn uất nên nhân dân không còn phân biệt đúng – sai mà chỉ cần biết đập, phá, đốt… cho thỏa dạ. Bởi họ đã đốt gì ? Họ đốt những chiếc xe mà các quan chức hằng ngày ngồi chễm chệ trên đó, họ đốt những chiếc xe đã chở cảnh sát đi đàn áp họ.
Vá đáng sợ nhất là nhân dân đã không còn biết nương tay khi đánh ông chủ tịch huyện trọng thương phải đi cấp cứu, đập chiếc xe ông này nát không còn gì nát hơn. Cũng là con người với nhau, ngoài ra còn tình đồng hương, tình dân với đảng, sao người dân lại ra tay ác như vậy ?
Bởi vì thái độ của ông chủ tịch huyện này, đã quá lâu, ông ta không còn xem nhân dân là nước, đảng viên là cá nữa mà ông ta xem nhân dân như cỏ rác. Khi nhân dân biểu tình thì ông đứng chống nạnh, chỉ chỏ, hù dọa nhân dân… Thái độ vô lễ đối với nhân dân ông ta đã trả giá. Nhưng uy tín của một cán bộ, một lãnh đạo cộng sản trước nhân dân khi nhân dân cần nói lên nguyện vọng của mình thì mất mãi mãi. Không ai khác, chính thái độ hống hách, cửa quyền, vô lễ với nhân dân và đối đầu với nhân dân thay vì đối thoại, lắng nghe nhân dân của ông chủ tịch đã làm cho sự việc trở nên căng thẳng, bạo động, thậm chí bạo loạn.
Hình ảnh những chiếc xe công bị đốt trơ khung sắt, hình ảnh nhân dân nổi giận, đập phá không thương tiếc, hay hình ảnh một Đoàn Văn Vươn cài bình gas thành bom tự chế để chống chọi với lực lượng 113, rồi nhân dân Dương Nội bắt cảnh sát cơ động… Cuối cùng thả họ ra, không mảy may làm tổn hại đến một cọng tóc của họ cho dù trước đó không lâu, chính họ dùng bình xịt hơi cay hay dùi cui mà hành động với nhân dân. Điều này cho thấy nhân dân mãi mãi là cha, là mẹ của bất kì thể chế chính trị nào, nhân dân luôn bao dung và dễ tha thứ. Mọi khuất tất hay nóng giận của nhân dân đều có nguyên nhân của nó và khi giải quyết ổn thỏa thì sự nóng giận sẽ chuyển sang cảm thông và tha thứ.
Và ngay bây giờ, điều mà ông Nguyễn Phú Trọng cũng như Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam cần xem lại chính là thái độ của các đảng viên, của tập thể đảng đối với nhân dân ra sao ? Đảng có lắng nghe và thấu hiểu nhân dân chưa ? Và liệu dùi cui, súng ống, vũ khí, bạo lực, bưng bít thông tin hay độc đoán giáo dục có thực sự giúp cho đảng cộng sản khống chế, kìm kẹp và cai trị được nhân dân.
Đảng cũng nên tự hỏi lại là sự tồn tại của đảng cộng sản trên dải đất hình chữ S này là cai trị/thống trị hay là lãnh đạo/phục vụ. Bởi nếu cai trị, thống trị thì cứ tiếp tục kiềm kẹp, tiếp tục đàn áp, tiếp tục chặn đứng các biểu lộ tình cảm hay nguyện vọng của nhân dân bằng dùi cui, súng ống và bạo lực. Ngược lại, nếu tồn tại đúng sứ mệnh lãnh đạo thì bắt buộc phải lắng nghe nhân dân, tôn trọng nhân dân và phải mở rộng thông tin, mở rộng văn hóa, mở rộng cả thể chế để tránh tình trạng "tức nước vỡ bờ" trong nhân dân.
Mọi chuyện tuy hơi muộn màng nhưng vẫn chưa phải là không cứu được ! Bởi hơn bao giờ hết, ông Nguyễn Phú Trọng phải nhìn thấy rằng chỉ riêng cuộc đấu đá nội bộ chính trị không thôi cũng làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của đảng cộng sản cỡ nào, huống gì bây giờ, các thuộc cấp của ông vẫn tiếp tục bày trận và tạo cừu thù với nhân dân để đi đến kết cục đảng và nhân dân nằm ở hai chiến tuyến. Và ông cũng đừng quên rằng trừ ngân hàng nhà nước là đảng có thể giữ bằng cách để nó ở lại Việt Nam hay đưa nó ra nước ngoài, còn lại, công an nhân dân, quân đội nhân dân, mọi thứ đều dễ dàng gắn với chữ Nhân Dân và cũng đều có thể trở về với nhân dân một cách tự nhiên như chính tên gọi của nó !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 12/09/2018 (VietTuSaiGon's blog)
Tuổi trẻ của con người đi qua rất nhanh, và dường như không có gì đáng nhớ, cho dù thành công và thất bại vẫn cứ diễn ra triền miên, nhưng dường như chưa bao giờ thấy buồn vì điều này, và mọi chuyện trôi đi như nó vốn. Nhưng ở tuổi tứ tuần, ngũ tuần, bất kì một chuyện nhỏ nào cũng đủ làm ta mất ngủ, ăn mất ngon, một câu xúc phạm nhẹ nhàng cũng đủ làm người ta suy nghĩ và đau đầu cả tuần.
Dân chủ chưa bao giờ đến với cả giới nghèo khổ, người lao động có thu nhập thấp mặc dù người Việt Nam khát dân chủ còn hơn cả người đi qua sa mạc khát nước.
Có phải vì chúng ta đã đủ chín chắn, đủ suy tư nên đâm ra mọi chuyện trở nên "trầm trọng" ? Không, tôi không nghĩ là vậy, bởi hiện tại, cũng có rất nhiều bạn trẻ không còn trẻ như thế hệ trước, họ có thể cay cú, bực bội vì những chuyện rất ư nhỏ nhặt, cứ như một ông cụ.
Vì sao lại có chuyện thay đổi từ tuổi tác đến thế hệ như vậy ? Xin thưa, chúng ta chưa bao giờ nhìn vào tâm thức của con người như một hồ nước. Một hồ nước sạch, không cặn bã thì cho dù chúng ta có khuấy bao nhiêu lần, có tạo sóng cho nó thì nó vẫn cứ trong veo. Ngược lại, một hồ nước chứa nhiều cặn bã thì chỉ cần khuấy động vài cái đã trở nên ngầu đục, tanh hôi. Tâm thức con người cũng vậy, lúc tuổi thơ, rồi tuổi trẻ, chúng ta là một hồ nước trong, qua thời gian, tuổi càng cao, chúng ta tích càng nhiều cặn bã cuộc đời, cho đến một ngày nào đó, chỉ cần một cú tác động nhẹ thì mọi cặn bã nổi lên, mà khoa học gọi là stress hay đại loại là vậy.
Có lẽ vì vậy mà tuổi càng cao, con người càng trở nên nhạy cảm với bất kì chuyện gì và sự khó tính cứ đến hành hạ chúng ta ! Thế nhưng tuổi trẻ bây giờ, chúng chưa trải qua thời gian, chưa tích cặn bã cuộc đời, sao chúng cũng "nhạy cảm" và dễ nổi nóng, dễ cuồng sả ?
Vấn đề này không đơn giản là qua thời gian nữa mà nó thuộc về thời đại và thế hệ. Và đặc biệt hơn nữa là mọi hành vi có tính máu lạnh, côn đồ hay tàn nhẫn lại trở nên nở rộ từ khi các phong trào dân chủ tại Việt Nam hình thành và nở rộ ! Tôi xin nhấn mạnh là tôi không có ý đánh đồng Dân Chủ và sự Bất An Xã Hội trong một cơ chế hoạt động xã hội nào đó có tính tương quan hay nhân quả ! Mà vấn đề tôi một nói đến ở đây chính là tội lỗi của chúng ta, của những người hiểu biết.
Chúng ta từng và đang thừa nhận với nhau rằng người Cộng sản vẫn chưa thoát khỏi man rợ, họ có đủ các yếu tố xấu xa của một con người xấu xa và cơ thể chính trị Cộng sản là một cơ thể bệnh hoạn. Điều này hoàn toàn đúng cho lịch sử và đúng cho cả hiện tại. Nhưng chúng ta cũng thử nhìn lại các hoạt động dân chủ của chúng ta là gì ?
Đó là nếu nhà cầm quyền tổ chức ra những đội dư luận viên, những nhóm/trung đội/trung đoàn AK47 để chọc khuấy, để chửi các nhà hoạt động dân chủ. Thì ngược lại, các nhà hoạt động dân chủ cũng không tiếc lời mắng nhiếc, chửi lại họ. Nếu nhìn từ bên ngoài, cuộc đấu tranh dân chủ tại Việt Nam có thể bị hiểu nhầm (mà cũng có thể là hiểu đúng) rằng đã sa lầy vào một cuộc chửi vả chính trị nhằm bảo vệ chính kiến bên nào đúng, bên nào sai.
Và những thể hệ trẻ trong thế giới có tương tác với mạng xã hội, nếu họ không đủ bản lĩnh, sau khi quá ngán ngẫm, thất vọng với môi trường giáo dục, họ phải chứng kiến thêm cuộc chửi vả, tranh luận giữa các nhà dân chủ và các nhóm phản dân chủ từ phía nhà nước… Thật là tai họa cho họ ! Họ đang thụ động đón nhận mọi cặn bã cuộc sống, xã hội do chính thế hệ đi trước, do giáo dục và do cả những cuộc giằng co dân chủ - phi dân chủ để lại. Hậu quả của nó là càng ngày, các hoạt động dân chủ tại Việt Nam càng sa lầy vào chửi vả, tranh luận gay gắt và hung hăng.
Nhưng, điều mà chúng ta cần nỗ lực để đi đến một xã hội dân chủ hoàn toàn không nằm trong tất cả những gì chúng ta đã làm và đang cố gắng làm. Bởi chúng ta chọn nhầm phương tiện ngay từ đầu.
Giáo sư Carl Thayer, cho rằng dân chủ không đến được với giới trung lưu Việt Nam nên Việt Nam khó có dân chủ. Nhưng đó là quan sát từ xa, tôi cho rằng dân chủ chưa bao giờ đến với cả giới nghèo khổ, người lao động có thu nhập thấp mặc dù người Việt Nam khát dân chủ còn hơn cả người đi qua sa mạc khát nước. Nhưng họ không thể chịu cảnh vừa bị chính quyền bóp ngạt, lợi dụng mọi thứ, lại vừa bị "các nhà dân chủ" dùng họ như một quân bài !
Thử nghĩ, vụ dùng cờ vàng ba sọc để biểu tình kêu gọi bảo vệ môi trường tại Nghệ An, cuối cùng, người biểu tình được gì ? Họ bị nhà cầm quyền cho công an đến bắt bớ, uy hiếp, khủng bố tinh thần, khủng bố sức khỏe vì tội "phản động". Trong khi đó, cái gọi là "thành tích dân chủ" chỉ có ở một nhóm người nào đó. Và kết cục của câu chuyện này chính là những người từng biểu tình cảm thấy họ bị lợi dụng, bị bỏ rơi và họ nhận lãnh mọi hậu quả. Và với cung cách làm việc như vậy, các nhà hoạt động dân chủ mang lại thứ gì cho người dân ?
Đây chỉ mới là một đơn cử, một ví dụ nhỏ để tôi muốn nói đến một vấn đề khác, đó là suy cho cùng, dân chủ cần những cái máy hút cặn bã, thanh lọc cặn bã xã hội hơn là những cái máy khuấy dộng mặt nước, tạo sóng. Bởi cơ thể xã hội Việt Nam trải qua chiều dài lịch sử gần một thế kỉ nhận chịu cặn bã cộng sản xã hội chủ nghĩa, chỉ cần khuấy nhẹ một chút thì mọi thứ trở nên ngầu đục. Một khi các nhà hoạt động dân chủ chọn tâm thế đối đầu, sẵn sàng đấu khẩu với các nhóm AK47 hoặc dư luận viên cộng sản thì mọi việc nghe có vẻ như đang khuấy động nhiều hơn là thanh lọc cặn bã.
Và điều này dẫn đến hệ quả là các thế hệ sau càng lún sâu hơn vào thù hận, lằn ranh bên ta – bên địch ngày càng giãn rộng. Hay nói cách khác, các thế hệ nối tiếp đang thụ động nhận lãnh cặn bã của các thế hệ đi trước. Và không có gì nguy khốn cho dân tộc Việt, không có gì làm suy yếu dân tộc Việt hơn là sự thù hận và những thế hệ kế tiếp với tâm thức chứa đầy cặn bã tiền nhân !
Hơn bao giờ hết, xã hội Việt Nam cần có dân chủ, cần có một mô hình dân chủ cùng với một hệ thống các chỉ tiêu, qui chế, tiêu chí, mục tiêu, mục đích đậm tính dân chủ - nhân văn, dân tộc – khai phóng. Dân chủ không thể là một sới đấu, càng không thể là một chiếc bánh, mà dân chủ là một dưỡng chất cần thiết, tích tụ trong máu huyết dân tộc theo thời gian để cơ thể tự trưởng thành một cách lành mạnh.
Thiết nghĩ, hơn bao giờ hết, dân tộc Việt Nam, hay nói khác đi là cơ thể chính trị, sinh phận Việt Nam cần một sự tĩnh lặng cần thiết để rồi từ đó, có những cỗ máy thực hiện đúng chức năng loại bỏ cặn bã của nó. Bởi chúng ta đã khuấy động quá nhiều và càng khuấy động, dường như bùn và nước càng lẫn lộn đến mức chúng ta có thể chết ngộp trong cái ao tâm thức dân tộc bất kì giờ nào ! Đã đến lúc chúng ta tĩnh lặng. Bởi tĩnh lặng là một công việc khó nhất và tối thiết trong lúc này. Và tôi cũng xin nhấn mạnh, tĩnh lặng không có nghĩa là ngồi bó gối hoặc yếm thế, bởi đó là những khái niệm hoàn toàn xa lạ với tĩnh lặng !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 30/05/20148 (VietTuSaiGon's blog)
Người Cộng sản gọi thời đại họ đang sống là thời đại Hồ Chí Minh ; Dân giang hồ gọi thời đại họ đang sống là thời đại Cá Lớn Nuốt Cá Bé ; Dân ma túy, chích choác gọi thời đại họ đang sống là thời đại Hoàn Kim (nghĩa là có những dịch vụ bán kim hoàn hảo) ; Dân bảo kê nhà hàng, khách sạn, lâm tặc, sa tặc, thảo tặc, xa lộ tặc, nói nôm na là xã hội đen gọi thời đại của họ là thời đại Bác Kính Yêu… Dường như có hàng trăm cách gọi về thời đại của mình trong lúc này, tại Việt Nam.
Quan tham thời đại Hốt Tất Liệt - Tranh vẻ minh họa
Cách gọi tên thời đại tùy thuộc vào cảm hứng cũng như đặc trưng công việc, vùng miền. Nhưng cái tên thời đại Hốt Tất Liệt thì có vẻ lạ nhất, nghe có vẻ phim Tàu rặt Tàu.
Và lạ hơn nữa là cái tên thời đại này lại xuất hiện khá nhiều ở miền Nam, ở những người đấu tranh cho dân chủ, kêu gọi bảo vệ môi trường, chống bành trướng Trung Quốc. Điều này dễ gây hoang mang về tính hai mang của họ. Nhưng không phải vậy.
Giải nghĩa thời đại, một bạn trẻ người Công giáo đã nói rằng Hốt Tất Liệt là "hốt tất tần tật mọi thứ và làm tê liệt đến tế bào tự chủ cuối cùng của con người". Để chứng minh điều mình nói là đúng, bạn trẻ này nêu ví dụ mới mẽ nhất trong vài ngày trở lại đây về vụ một đại biểu quốc hội đưa ra ý kiến "người bán trà đá tại Việt Nam có tỉ suất lợi nhuận cao nhất thế giới…" nhằm đặt vấn đề về thu thuế đối với họ. Và trước đây, một người giờ chắc cũng đang mục rữa cùng giun dế - ông Giàng Seo Phử, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Việt Nam từng nói "người bán vé số có thu nhập cao ngất ngưởng…". Tất cả những phát biểu này cùng nằm trong một loại tư duy rất chung của người Cộng sản, đó là tư duy Hốt Tất Liệt trong thời đại Hốt Tất Liệt.
Bởi chỉ có thứ tư duy hốt tất tần tật không ngoại trừ thứ gì và dây thần kinh con người đã bị liệt, không còn biết phải trái, hốt cho đến khi đối phương tê liệt mọi thứ, mất khả năng tự chủ mới nghĩ ra được những thứ thuế, phí mà nghe qua không thôi người có chút lương tri cũng đã cảm thấy buồn nôn.
Nhẹ một chút thì buồn nôn vì chuyện giá xăng, giá dầu, giá cước trạm BOT, giá cước các dịch vụ công cộng thi nhau tăng một cách bệnh hoạn. Tiếp đến là bất kì thứ gì có trong nhân dân, nhà cầm quyền, giới chức cũng nghĩ đến chuyện biến nó thành thuế, phí, ngay cả đến người bán vé số, người bán trà đá cũng không tha cho họ. Thuế, thu phí, thu giá… Rồi không biết đến thu gì nữa !
Nhưng vì sao người Cộng sản chỉ nghĩ đến chuyện hốt, hốt và hốt vậy ? Bàn chất của họ là gì ?
Điều này cũng nên nhìn lại cái gốc hình thành của người Cộng sản một cách thực tế, bớt mơ mộng và cũng đừng mạ lị họ nhiều, bởi chúng ta đã tự rước khỉ về nhà, rồi đưa chúng lên phòng khách ngồi ghế salon, bảo chúng xem tivi, đưa chúng vào phòng tắm và chỉ dĩa trái cây trên bàn thờ cho chúng thì đừng bao giờ mạ lị chúng, bởi điều này vô nghĩa !
Tôi nói "chúng ta" ở đây là đang đứng trên bình diện của những người "có công cách mạng" mà hầu hết đang nếm trải mọi khổ ải từ việc bị ép chế, bị thu hồi đất vô căn cớ, bị người Cộng sản đẩy ra đường để lấy nhà… Con số này, xét trên cả nước còn đông hơn cả những người từng tham gia bộ máy chính quyền miền Nam Việt Nam.
Từ những năm đầu thập niên 1950, ai đã sống trong quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, hưởng mọi chế độ của chính quyền VNCH để "ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản" ? Rồi những thập niên sau đó, ai đã đưa và giấu diếm Cộng sản tại miền Nam khiến cho họ nhiều hơn cả lực lượng Việt Nam Cộng Hòa ? Đến 30 tháng 4 năm 1975, ai đã ra đường, xếp hàng để chào mừng "bộ đội cụ Hồ" trên thành phố Sài Gòn ? Và đến nay, hàng ngàn, hàng chục ngàn cái vẫy tay reo mừng đó, có cái nào tiếp tục vẫy reo mừng, có cái nào phải huơ lên trời kêu khổ ?
Chỉ chừng đó cũng đủ thấy cái giá mà cả dân tộc này phải trả cho việc rước khỉ dòm nhà. Bởi bản chất của người Cộng sản là Vô Sản, đưa một thằng không có gì vào chỗ có nhiều thứ thì nó phải khoắn nhiều thứ, khoắn cho đến bao giờ thỏa cái thèm, cái đói của nó mới thôi ! Đến khi mọi thứ trở nên thừa mứa, thì thứ nó khoắn không phải là bữa ăn, cái nhà nữa mà là sự rên xiết của đồng loại.
Cho đến thời điểm hiện nay, khi mà mọi thứ đã trở nên thừa mứa, trương nở vô tội vạ và không quản lý được thì đó cũng là lúc mà mọi thứ nhu cầu bệnh hoạn phát sinh. Có thể nói chưa có thời điểm nào mà mọi thứ bệnh hoạn phát sinh trong cơ thể đảng Cộng sản nặng nề hơn lúc này. Bạo trưng thu, bạo thuế, bạo phí, bạo giá… như một căn bệnh phát sinh trong cơ thể chính trị Cộng sản sau khi chè chén quá độ.
Và, nếu như trước đây vài thập kỉ, người Cộng sản tỏ ra tàn bạo trước nỗi khổ của đồng bào là vì họ thiếu thốn, họ cần tranh ăn và vơ vét bằng bạo lực. Đến lúc này, họ ít tỏ ra tàn bạo hơn nhưng lại tỏ ra dửng dưng, máu lạnh và cười cợt trên nỗi đau của đồng bào hơn là vì họ đã đến thời kì bệnh hoạn. Họ không thiếu đói cơm áo gạo tiền, nhà cửa xe cộ nữa mà họ thiếu đói những trò chơi bạo liệt hơn, tàn nhẫn hơn. Tận thu, tận vét, tận hốt của dân nghèo lúc này cũng là trò chơi họ vừa sáng tạo trong thời đại mới của họ. Thời đại này có nhiều người gọi là thời đại Hốt Tất Liệt. Nhưng trên thực tế, nếu gọi đúng tên của nó, có lẽ phải nói đây là thời đại của những trò chơi mới.
Khi nhân dân tê liệt, họ hốt tất tần tật, và khi hốt đủ, họ cần cảm giác tê liệt của những con nghiện, giả sử con nghiện cần tê liệt mọi đau khổ thì không ít người Cộng sản cần được tê liệt mọi nỗi nhục trong tiến thân bằng cách hành hạ đồng loại. Và trong cuộc chơi này, đồng loại nghèo khổ càng rên xiết thì cuộc chơi càng máu !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 25/05/2018 (VietTuSaiGon's blog)
Cái lò ông Trọng đốt lên chưa đầy nửa năm, nghe ra đã rơi vào tình trạng "tức củi", dường như củi tươi củi khô ngày càng nhiều, nó nhiều đến mức giả sử như cái lò này đốt nổi thì chắc chắn không còn bất kì cái cây chế độ nào tồn tại.
Khi Tổng Trọng tuyên bố công khai tài sản thì đó cũng là cơ hội để họ, trong một vai diễn truyền thông, sẽ đứng lên lần lượt điểm danh từng khối tài sản chìm, nổi của người đốt lò.
Từ một quan chức cấp xã cho đến cấp huyện, cấp trung ương đều có thể thành củi trong cái lò "chống tham nhũng" của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.
Từ Ecopark, Văn Giang đến Sơn Trà, Đà Nẵng, Thủ Thiêm, Sài Gòn… Từ đồng bằng lên núi cao, từ những con hẻm nhỏ nhất với những căn nhà chuồng cu, chuồng chó rộng chưa đầy 10 mét vuông cho đến những khu biệt thự ngàn tỉ… Dường như đụng vào bất kì chỗ nào cũng có thể thấy một đống củi tươi, củi khô nằm chờ vào lò.
Từ lĩnh vực giáo dục cho đến y tế, kinh tế, văn hóa… Đi đâu, đụng đâu cũng thấy củi. Mà toàn củi gộc !
Nhưng đáng sợ hơn cả là bây giờ củi thay nhau lộ diện, củi không còn sợ lò. Có nghĩa là có một cuộc chiến ngấm ngầm giữa củi và lò, củi tìm cách làm cho người đốt lò cảm thấy mệt mỏi, lúng túng trước một núi củi trước mắt và chẳng biết nên đốt từ cây nào, chỗ nào.
Trong thời gian qua, sau khi cái lò chống tham nhũng của Tổng Trọng đốt lên vài tháng thì có hai hiện tượng rất rõ nét : Yêu cầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải công khai tài sản và ; Mọi ngóc ngách sai phạm tự thân nó vén lên khắp mọi nơi.
Sở dĩ gọi đây là hiện tượng bởi nó không bình thường, nó có dự tính và có chiến thuật, chiến lược hẳn hoi. Một mặt thì công khai tấn công vào người đốt lò Nguyễn Phú Trọng để ông này tự biết, tự hiểu mà chùng tay. Mặt khác cho tất cả mọi thứ lộ diện như một tất yếu của chế độ. Trong trường hợp này, nếu người đốt lò chấp nhận luật chơi đã đặt ra là đốt tất cả thì e rằng sẽ không đủ sức và đặc biệt là không thể đốt xong rồi tự biến mình thành củi, nếu may mắn thì thành cây củi sau cùng.
Những người yêu cầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng công khai tài sản không phải là những kẻ vất vơ không biết gì, nói cho thỏa chí, cho sướng miệng. Mà có thể, họ đã có một danh sách tài sản chìm, nổi của Tổng Trọng. Điều mà họ mong đợi là khi Tổng Trọng tuyên bố công khai tài sản thì đó cũng là cơ hội để họ, trong một vai diễn truyền thông, sẽ đứng lên lần lượt điểm danh từng khối tài sản chìm, nổi của người đốt lò.
Có vẻ như đã nhìn thấy được đối phương muốn gì, hoặc giả nhìn thấy sự thất bại phía trước một khi chấp nhận lời thách đấu của đối phương nên Tổng Trọng im hơi lặng tiếng, không dám công khai tài sản. Nhưng có vẻ như Tổng Trọng có một lựa chọn khác, bởi ông là người kiến tạo và chủ trì cuộc chơi đốt lò nên ông đã có những đấu pháp chưa trình diễn.
Về phía "củi", gần như số lượng tăng đột ngột kể từ khi cái lò ông Trọng nổi lửa. Điều này, nếu nhìn từ bên ngoài, người ta dễ dàng lạc quan và tin rằng nhờ cái lò chống tham nhũng mà mọi chuyện được công khai, mọi cái xấu được tố giác và trật tự xã hội, công bằng sẽ dần được lấy lại.
Nhưng thực tế, mọi chuyện không phải vậy. Hãy nhìn vào vụ án của kẻ ấu dâm có trên 50 năm tuổi đảng Nguyễn Khắc Thủy, y không những bị trừng phạt đích đáng mà y được hưởng một mức án salon với 18 tháng tù treo. Mà với kẻ có tiền, có quyền và lộng dâm như Thủy, 18 tháng không được đi ra khỏi nơi cư trú cũng chẳng khác nào 18 tháng đi nghỉ mát và chơi bời. Và cái bản án này cho thấy điều gì ?
Nó không đơn giản cho thấy sự bất minh, dốt nát và tăm tối của nền chấp pháp Việt Nam, bởi điều này không cần chứng minh thêm nó vẫn tồn tại mạnh mẽ. Vấn đề là nó cho thấy cái lò chống tham nhũng, chống tiêu cực của ông Trọng không đủ nóng, không làm rát mặt bất kì cây củi nào nếu như chúng không nằm trong tầm vói của Tổng Trọng.
Nghĩa là nó không thuộc phe nhóm đối thủ, nó không thuộc những nhóm quyền lực đối lập của Tổng Trọng. Ngược lại, nếu cái lò ông Trọng nhằm bảo vệ sự trong sạch của đảng thì chắc chắn tòa án Vũng Tàu có ăn gan trời cũng không dám tuyên án chẳng khác gì con nít chơi đồ hàng như vậy.
Bởi để sổng một con dê già từng hãm hại nhiều số phận trẻ em, đã giết chết nhiều tương lai của quốc gia là một trọng tội. Đặc biệt đây là con dê có tới hơn 50 năm là đảng viên cộng sản. Nếu để sổng con dê này thì đảng cộng sản chẳng còn mặt mũi nào mà ngẩng mặt.
Nhưng không, tòa án Vũng Tàu dường như chẳng sợ sệt gì cái lò ông Trọng, họ sẵn sàng đạp qua dư luận, đạp qua lương tri, đạo đức và đạp qua pháp luật, thậm chí đạp qua cả điều lệ đảng cộng sản để làm cho được chuyện động trời. Mà cái chuyện động trời ở đây là lấy tay che mặt trời, toa rập, bảo vệ cho một kẻ ấu dâm, kẻ phá tan nát điều lệ đảng và đạp đổ giá trị đạo đức, đổ dơ lên mặt đảng.
Sở dĩ tòa án Vũng Tàu dám tuyên án qua loa chiếu lệ cho Thủy bởi vì họ biết và tin rằng họ còn lâu lắm mới vào lò ông Trọng. Vì ông Trọng có cố gắng tăng công suất đốt lò lên gấp năm, gấp mười lần hiện tại thì cho đến khi hết nhiệm kì, về vườn, số củi ông đốt được cũng chưa đầy 10%. Và số củi thừa này sẽ là tai họa cho Tổng Trọng cùng phe nhóm của ông ta.
Điều đáng sợ nhất là củi đang chơi trò đánh đố với người đốt lò, chúng thi nhau, nhao nhao gọi "củi đây, củi đây, đốt tao đi, đốt em đi, đốt ông đi…". Người đốt lò vã mồ hôi vì nhìn đâu cũng thấy củi, cả một rừng xanh đảng viên cộng sản là một rừng củi và cây nào cũng nhao nhao chực nhảy vào lò hoặc xông tới để đẩy người đốt lò vào lửa bởi ông ta cũng là cây củi !
Một rừng xanh đảng viên cộng sản là một rừng củi và cây nào cũng nhao nhao chực nhảy vào lò hoặc xông tới để đẩy người đốt lò vào lửa bởi ông ta cũng là cây củi !
Chiến thuật này không có gì mới mẽ, nhân dân dùng để đối phó với chính quyền cũng nhiều, ví dụ như trong làng có người bị kết tội đánh kẻ bắt chó trộm dẫn đến chết người thì cả làng kéo đến tòa, ai cũng nhận mình từng đánh kẻ trộm chó. Kết quả là không thể bắt nhốt tất cả dân làng và càng không thể bắt nhốt người vừa bị kết tội. Bởi làm vậy là đang chọc giận đám đông dân làng và dư luận.
Cái kiểu chơi nhận tội tập thể hoặc lộ tội tập thể và ngầm gửi thông điệp đến "quan tòa" về những liên lụy của ông ta trong tội lỗi đã giúp không ít đám đông giảo hoạt nắm phần thắng. Và hiện nay, dù có mắt nhắm mắt mở, người ta cũng dễ dàng nhận ra là tổng Trọng đang chịu sức ép "lộ tội tập thể" và mối nguy xâu chuỗi tội lỗi có thể dẫn đến tình trạng người đốt lò chết ngộp vì khói lò.
Điều này chỉ cho thấy người dân Việt Nam thật đau khổ và tội nghiệp, dường như chúng ta đã quen với chịu đựng khổ nhục, quen với bất công, quen với việc bị đè đầu cưỡi cổ và quen với mọi khổ ải… Nhưng chưa hề quen với tỉnh thức nhìn lại thân phận mình, chưa bao giờ quen với tự vấn, tự đặt câu hỏi vì sao mình khổ ? Chính vì vậy mà nhân dân còn khổ dài, khổ mãi, vừa khổ vừa vỗ tay trước màn kịch của kẻ thống trị mình !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 11/05/2018 (VietTuSaiGon's blog)
Tôi nghe tin ông qua đời với một chút bùi ngùi, một chút thương tiếc nhưng cũng có cả một chút vui mừng cho ông. Bùi ngùi bởi tiếc một bậc tài hoa, thương tiếc bởi tiếc một con người tử tế và dễ bao dung đến mức khó tin, và mừng vui cho ông bởi từ nay ông được tự do, những ai đến viếng ông thì con cháu ông ghi sổ, ông không phải ngồi hí hoáy ghi chép… !
Nhà báo Trương Duy Nhất (trái) và nhà thơ Trần Vàng Sao (phải) tại Huế tháng 2/2016 - Blog Trương Duy Nhất
Tôi biết ông khá muộn màng, gặp ông đúng hai lần tại nhà ông và hai lần ấy để lại cho tôi ấn tượng khá mạnh. Lần thứ nhất, tôi và một người em (nhà văn, sống ở Huế, tôi xin giấu tên) đến nhà thăm ông ở phường Vĩ Dạ, sau một cơn mưa mùa xứ Huế. Nhà ông có một cây vú sữa khá to và lâu năm trước sân. Vào nhà ông, ấn tượng mạnh nhất vẫn là khoảng sân rộng có tiếng chim gù, cây vú sữa và những bức tranh Đạt Ma của ông vẽ.
Lần đầu thăm ông, tôi cảm nhận hầu hết các bức tranh Đạt Ma do ông vẽ đều có nét mặt rất Trần Vàng Sao. Sau khi trò chuyện thân mật, tôi hỏi ông đang vẽ Đạt Ma hay là đang vẽ chính ông. Ông chỉ cười, nói nửa giỡn nửa thật rằng Đạt Ma đang vẽ ông cũng đúng…
Sau một lúc trò chuyện, tôi chuyển đến ông một chút quà do người anh em bên hải ngoại gửi tặng ông và không quên xin ông chép cho một bài thơ mới nhất. Ông nói lâu lắm rồi không làm thơ, chỉ vẽ, mà chỉ vẽ Đạt Ma thôi, làm thơ khổ quá !
Khi tôi ra về, ông không quên hỏi tên tôi lần nữa và mở cuốn sổ ra ghi đầy đủ : Ngày… tháng… năm… anh… đến thăm vào lúc …g, ngồi chơi chừng…g rồi về… Anh người từ… đến… Nội dung nói chuyện…". Nhìn cuốn sổ dày cộm và chi chít chữ kia, tôi hỏi ông có mấy cuốn sổ như vậy. Ông nói mình không nhớ nổi, cứ cuốn này đầy lại phải ghi cuốn khác.
Người em nhà văn ở Huế phân trần "Đôi khi ông cẩn thận đến mức mình phát chán. Nhưng thực sự khó cho ông, bởi con của ông đều làm chủ tịch phường, làm chức này chức nọ, vì vấn đề chính trị của chúng, ông phải chấp nhận hi sinh nhiều thứ thôi !...".
Lần thứ hai, tôi đến thăm ông vì một lẽ khác, tôi muốn tìm hiểu câu chuyện về Huế Mậu Thân 1968, tôi đến tìm ông. Lần này tôi đi với một anh bạn nhà thơ khá nổi tiếng trên đất Huế và khá thân với ông. Nói cách khác, anh này là bạn vong niên của ông.
Lần thăm thứ hai này, có vẻ như ông mệt mỏi và yếu hơn lần thứ nhất mặc dù thời gian chỉ cách nhau chưa tròn năm. Ông nói chuyện không còn hoạt bát và có vẻ như ông rất ngại nói đến những chuyện nhạy cảm. Khi tôi hỏi về chuyện Mậu Thân, trong đó gồm cả Hoàng Phủ Ngọc Tường lúc đó đang ở đâu, thì ông lắc đầu, nói thôi đừng nhắc chuyện cũ chi thêm buồn và mệt lắm. Ông kể sang chuyện đốt cỏ tranh trên rừng để lấy muối và nhử chồn, nhử thỏ.
Nhưng trước lúc tôi về, ông không quên nói lại lần nữa "Lúc đó hình như Tường nó ở trên căn cứ, chắc là không tham gia đổ máu đâu. Nhưng mà cứ nào thì mình không rõ chứ chỗ cứ mình thì không thấy Tường… Mình tin là Tường nó tội lắm, nó là nhà thơ, không thể giết người được !".
Thực ra, tôi cảm nhận được trong sâu thẳm ông muốn nói gì, bởi ông là nhà thơ có ánh mắt biết nói và nói rất rõ. Nhưng ông không muốn bạn bè tổn thương, ông cũng chẳng muốn nhắc đến bất kì chuyện gì của quá khứ, ai làm sai thì lương tâm tự vấn mà tự đau khổ, dằng vặt… Ông từng nói vậy.
Và đương nhiên, khi tôi ra về, ông vẫn không quên lấy sổ ra ghi họ tên người thăm đầy đủ, sau đó lại nói về cây vú sữa trong sân nhà rồi tiễn khách. Vấn đề tự do của ông mà tôi nói rằng tôi có chút vui mừng vì ông được tự do khi qua đời cũng nằm ở cái cuốn sổ này. Ông chưa bao giờ có tự do ngay trong cả gia đình.
Trừ người vợ tảo tần của ông ra, dường như chung quanh ông là một hệ thống chính quyền thu nhỏ, các con của ông làm chức sắc địa phương, có người làm chủ tịch phường. Và ông không được phép nói gì thêm kể từ sau Bài thơ của một người yêu nước mình. Bởi ông làm cha, ông không thể ngồi viết những câu thơ khiến cho nồi cơm và cái ghế của con ông bị hất đổ. Và ông vẽ, ông vẽ như một sự ký thác linh hồn. Có lẽ vì vậy mà ông vẽ Đạt Ma khá là giống ông.
Có thể nói rằng hai chữ tự do theo nghĩa trọn vẹn của nó đối với cuộc đời Trần Vàng Sao là quá xa xỉ và hoang đường. Ông bị mất tự do trên mọi nghĩa. Và cuộc đời ông, có lẽ chỉ có vợ ông và những câu thơ là hiểu và gần với ông nhất !
Và hình như, ngoài những người tìm đến thăm ông như một tri âm, trong giới văn nghệ nhà nước cũng lắm kẻ đến để bá vai, quàng cổ, chụp hình cùng ông và không quên diễn một tư thế để thấy mình cao hơn ông một chút hoặc mạnh mẽ, trẻ trung hơn ông một chút… Cái "một chút" đó không biết để làm gì nhưng người ta thường làm vậy. Chính vì vậy mà khi ông qua đời, có lắm người khi ông sống cũng chẳng thân thiết chi, nhưng nghe tin ông mất là trưng ngay một tấm ảnh chụp chung với ông cùng vài lời thương tiếc. Đương nhiên có người thương tiếc ông thật, cũng có người không biết có thật tình thương tiếc ông không !
Bởi tôi nghi ngờ điều này khi họ khoác cho ông một chiếc áo dũng cảm, dám nói dám làm. Không, Trần Vàng Sao không phải là một người như họ mô tả đâu ! Ông cũng sợ nhiều thứ, ông sợ ngay cả những bài thơ của ông và ông chịu mất tự do, ngay cả việc uống cà phê với bạn bè, ông cũng hạn chế uống và mỗi lần uống, ông tranh thủ hít thở như đang nuốt lấy nuốt để bầu tự do thoáng qua. Và những lúc như vậy, nói chuyện là một cực hình đối với ông.
Tôi mới gặp ông có hai lần thôi nhưng sao tôi dám nói về ông nhiều vậy ? Bởi hai lần gặp ấy, tôi chứng kiến mọi thứ, kể cả việc mời ông cùng ra phố uống cà phê và khi đưa ông về, ông nói là dạo này hơi hụt tiền nên chẳng dám cà phê, tôi lại nhờ ông chép tặng tôi bài thơ để tôi gửi nhuận bút cho ông. Chỉ là cái cớ thôi ! Và gặp nhau cũng chỉ là cái cớ, làm thơ cũng là cái cớ, viết văn cũng là cái cớ và sống cũng chỉ là cái cớ để thấy mình tự do trong phút chốc với thiên thu !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 10/05/2018
**********************
Trần Vàng Sao và lời thơ 'yêu nước đau đớn' (BBC, 10/05/2018)
Nhà thơ Trần Vàng Sao, được biết đến với những bài thơ 'yêu nước' nhưng 'đau đớn'
Nhà thơ Trần Vàng Sao, được biết đến với những bài thơ 'yêu nước' nhưng 'đau đớn', qua đời ngày 10/5.
"Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình" là tên một bài thơ nổi tiếng của nhà thơ gốc Huế sinh năm 1942.
Nhưng nổi tiếng hơn có lẽ phải kể đến tập thơ "Bài thơ của một người yêu nước mình", do Nhà xuất bản Giấy Vụn xuất bản.
Nhà thơ 'yêu nước mình'
Báo chí của nhà nước Việt Nam có nhiều bài viết về nhà thơ Vàng Sao sau khi ông mất.
Tờ Tuổi Trẻ gọi ông là 'nhà thơ yêu nước mình', in năm 1967, được đánh giá là một trong 100 bài thơ Việt hay nhất thế kỷ XX.
Còn tờ Người Lao Động nói thơ của Vàng Sao có 'giọng điệu không lẫn với ai.
Ông Hồ Thế Hà, Đại học Khoa học Huế, được Tuổi Trẻ trích lời, nói "Bài thơ của một người yêu nước mình" là điển hình cho phong cách Trần Vàng Sao.
Bài thơ của một người yêu nước mình
Buổi sáng tôi mặc áo đi giày
ra đứng ngoài đường
Gió thổi những bông nứa trắng bên sông
Mùi toóc khô còn thơm lúa mùa qua
Bầy chim sẻ đậu trước sân nhà
Những đứa trẻ đứng nhìn ngấp nghé
Tôi yêu đất nước này như thế
Mỗi buổi mai
Bầy chim sẻ ngoài sân
Gió mát và trong
Đường đi đầy cỏ may và muộng chuộng
Tôi vẫn sống
vẫn ăn
vẫn thở
như mọi người
Đôi khi chợt nhớ một tiếng cười lạ
Một câu ca dao buồn có hoa bưởi hoa ngâu
Một vết bùn khô trên mặt đá
Không có ai chia tay
Cũng nhớ một tiếng còi tàu.
Mẹ tôi thức khuya dậy sớm
Năm nay ngoài năm mươi tuổi
Chồng chết đã mười mấy năm
Thuở tôi mới đọc được i tờ
Mẹ thương tôi mẹ vẫn tảo tần
Nước sông gạo chợ
Ngày hai buổi nhà không khi nào vắng người đòi nợ
Sống qua ngày nên phải nghiến răng
Cũng không vui nên mẹ ít khi cười
Những buổi trưa buổi tối
Ngồi một mình hay khóc
Vẫn thở dài mà không nói ra
Thương con không cha
Hẩm hiu côi cút
Tôi yêu đất nước này xót xa
Mẹ tôi nuôi tôi mười mấy năm không lấy chồng
Thương tôi nên ở góa nuôi tôi
Những đứa nhà giàu hằng ngày chửi bới
Chúng cho mẹ con tôi áo quần tiền bạc,
như cho một đứa hủi
Ngày kỵ cha họ hàng thân thích không ai tới
Thắp ba cây hương
Với mấy bông hải đường
Mẹ tôi khóc thút thít
Cầu cha tôi phù hộ tôi nên người
Con nó còn nhỏ dại
Trí chưa khôn chân chưa vững bước đi
Tôi một mình nuôi nó có kể chi mưa nắng
Tôi yêu đất nước này cay đắng
Những năm dài thắp đuốc đi đêm
Quen thân rồi không ai còn nhớ tên
Dĩ vãng đè trên lưng thấm nặng
Áo mồ hôi những buổi chợ về
Đời cúi thấp
Giành từng lon gạo mốc,
Từng cọng rau hột muối
Vui sao khi con bữa đói bữa no
Mẹ thương con nên cách trở sông đò
Hàng gánh nặng phải qua cầu xuống dốc
Đêm nào mẹ cũng khóc
Đêm nào mẹ cũng khấn thầm
Mong con khôn lớn cất mặt với đời
Tôi yêu đất nước này khôn nguôi
Tôi yêu mẹ tôi áo rách
Chẳng khi nào nhớ tuổi mình bao nhiêu.
Tôi bước đi
Mưa mỗi lúc mỗi to,
Sao hôm nay lòng thấy chật
Như buổi sáng mùa đông chưa thấy mặt trời mọc
Con sông dài nằm nhớ những chặng rừng đi qua
Nỗi mệt mỏi, rưng rưng từng con nước
Chim đậu trên cành chim không hót
Khoảng vắng mùa thu ngủ trên cỏ may
Tôi yêu đất nước này những buổi mai
Không ai cười không tiếng hát trẻ con
Đất đá cỏ cây ơi
Lòng vẫn thương mẹ nhớ cha
Ăn quán nằm cầu
Hai hàng nước mắt chảy ra
Mỗi đêm cầu trời khấn phật, tai qua nạn khỏi
Tôi yêu đất nước này áo rách
Căn nhà dột phên không ngăn nổi gió
Vẫn yêu nhau trong từng hơi thở
Lòng vẫn thương cây nhớ cội hoài
Thắp đèn đêm ngồi đợi mặt trời mai
Tôi yêu đất nước này như thế
Như yêu cây cỏ ở trong vườn
Như yêu mẹ tôi chịu khó chịu thương
Nuôi tôi thành người hôm nay
Yêu một giọng hát hay
Có bài mái đẩy thơm hoa dại
Có sáu câu vọng cổ chứa chan
Có ba ông táo thờ trong bếp
Và tuổi thơ buồn như giọt nước trong lá sen
Tôi yêu đất nước này và tôi yêu em
Thuở tóc kẹp tuổi ngoan học trò
Áo trắng và chùm hoa phượng đỏ
Trong bước chân chim sẻ
Ngồi học bài và gọi nhỏ tên tôi
Hay nói chuyện huyên thuyên
Chuyện trên trời dưới đất rất lạ
Chuyện bông hoa mọc một mình trên đá
Cứ hay cười mà không biết có người buồn.
Sáng hôm nay gió lạnh vẫn còn
Khi xa nhà vẫn muốn ngoái lại
Ngó cây cam cây vải
Thương mẹ già như chuối ba hương
Em chưa buồn
Vì chưa rách áo
Tôi yêu đất nước này rau cháo
Bốn ngàn năm cuốc bẫm cày sâu
Áo đứt nút qua cầu gió bay
Tuổi thơ em hãy giữ cho ngoan
Tôi yêu đất nước này lầm than
Mẹ đốt củi trên rừng cha làm cá ngoài biển
Ăn rau rìu rau éo rau trai
Nuôi lớn người từ ngày mở đất
Bốn ngàn năm nằm gai nếm mật
Một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ
Một tiếng nói cũng đầy hồn Thánh Gióng.
Tôi đi hết một ngày
Gặp toàn người lạ
Chưa ai biết chưa ai quen
Không biết tuổi không biết tên
Cùng sống chung trên đất
Cùng nỗi đau chia cắt Bắc Nam
Cùng có chung tên gọi Việt Nam
Mang vết thương chảy máu ngoài tim
Cùng nhức nhối với người chết oan ức
Đấm ngực giận hờn tức tối
Cùng anh em cất cao tiếng nói
Bản tuyên ngôn mười bốn triệu người đòi độc lập tự do
Bữa ăn nào cũng phải được no
Mùa lạnh phải có áo ấm
Được nói cười hát ca yêu đương không ai cấm
Được thờ cúng những người mình tôn kính
Hai mươi năm cuộc đời chưa khi nào định.
Tôi trở về căn nhà nhỏ
Đèn thắp ngọn lù mù
Gió thổi trong lá cây xào xạc
Vườn đêm thơm mát
Bát canh rau dền có ớt chìa vôi
Bên hàng xóm có tiếng trẻ con khóc
Mẹ bồng con lên non ngồi cầu Ái tử
Đất nước hôm nay đã thấm hồn người
Ve sắp kêu mùa hạ
Nên không còn mấy thu
Đất nước này còn chua xót
Nên trông ngày thống nhất
Cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam
Cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc
Lòng vui hôm nay không thấy chật
Tôi yêu đất nước này chân thật
Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi
Như yêu em nụ hôn ngọt trên môi
Và yêu tôi đã biết làm người
Cứ trông đất nước mình thống nhất.
(19/12/1967)
Trang VnExpress bình luận rằng :
"Bài thơ dài 155 câu được tác giả trình bày theo lối tự do. Nét đặc trưng của bài thơ là sự hòa quyện giữa cảm xúc trữ tình của tác giả với hình tượng đất nước, đặt trong liên hệ với người mẹ, người thân, người yêu và quê hương khốn khó cùng khát vọng độc lập tự do, khát vọng làm người chân chính".
'Nhà thơ có số phận thăng trầm'
Tờ Người Lao Động gọi ông là 'nhà thơ có số phận thăng trầm' trên bài viết ngày 10/5.
Trước đây, có vẻ như ít báo trong nước nhác đến nhà thơ Trần Vàng Sao. Còn những bài thơ táo bạo của ông, như bài 'Tau chưởi', thì chỉ có cách tìm trên Google, theo nhà văn Nguyễn Viện.
tau chưởi
tau tức quá rồi
tau chịu không nổi
tau nghẹn cuống họng
tau lộn ruột lộn gan
tau cũng có chân có tay
tau cũng có đầu có óc
có miệng có mắt
có ông bà
có cha mẹ
có vợ con có ngày sinh tháng đẻ
có bàn thờ tổ tiên một tháng hai lần
rằm mồng một hương khói bông ba hoa quả
tau đầu tắt mặt tối
đổ mồ hôi sôi nước mắt
vẫn đồng không trự nõ có
suốt cả đời ăn tro mò trú
suốt cả đời khố chuối Trần Minh
kêu trời không thấu
tau phải câm miệng hến
không được nói
không được la hét
nghĩ có tức không
tau chưởi
tau phải chưởi
tau chưởi bây
tau chưởi thẳng vào mặt bây
không bóng không gió
không chó không mèo
mười hai nhánh họ bây đem lư hương bát nước
giường thờ chiếu trải sắp hàng một dãy ra đây
đặng nghe tau chưởi
tau kêu thằng khai canh khai khẩn tam đợi mười đời
cao tằng cố tổ ông nội ông ngoại cha mẹ chú bác cô dì
con cháu thân hơi cật ruột bây tau chưởi
tau chưởi cho tiền đời dĩ lai bây mất nòi mất giống
hết nối dõi tông đường
tau chưởi cho mồ mả bây sập nắp
tau chưởi cho bây có chết chưa liệm ruồi bu kiến đậu
tam giáo đạo sư bây
cố tổ cao tằng cái con cái thằng nào móc miếng cho bây
hà hơi trún nước miếng cho bây
bây ỉ thế ỉ thần
cậy nhà cao cửa rộng
cậy tiền rương bạc đống
bây ăn tai nói ngược
ăn hô nói thừa
đòn xóc nhọn hai đầu
ngậm máu phun người
bây bứng cây sống trồng cây chết
vu oan giá hoạ
giết người không gươm không dao
đang sống bây giả đò chết
người chết bây dựng đứng cho sống
bây sâu độc thiểm phước
bây thủ đoạn gian manh
bây là rắn
rắn
toàn là rắn
như cú dòm nhà bệnh
đêm bây mò
ngày bây rình
dưới giường
trên bàn thờ
trong xó bếp
bỏ tên bỏ họ cha mẹ sinh ra
bây mang bí danh
anh hùng dũng cảm vĩ đại kiên cường
lúc bây thật lúc bây giả
khi bây ẩn khi bây hiện
lúc người lúc ma
lúc lên tay múa ngón sủi bọt mép gào thét
lúc trợn mắt khua môi múa mỏ đả đảo muôn năm
lúc như thầy tu vào hạ
lúc như con nít đói bụng đòi ăn
hai con mắt bây đứng tròng
bây bắt hết mọi người trứơc khi chết phải hô
cha mẹ bây ông nội ông ngoại bây tiên sư cố tổ bây
sống dai đời đời kiếp kiếp
phải quỳ gối cúi đầu
nghe bây nói không được cãi
phải suốt đời làm người có tội
vạn đợi đội ơn bây
đứa nào không nghe bây hớt mỏ chôn sống
thằng nào không sợ bây vằm mặt thủ tiêu
bây làm cho mọi người tránh nhau
bây làm cho mọi người thấy nhau nhổ nước miếng
đồ phản động
đồ chống đối
đồ không đá bàn thờ tổ tiên
đồ không biết đốt chùa thiêu Phật
thượng tổ cô bà bây
mụ cô tam đợi mười đời bây
tau xanh xương mét máu
thân tàn ma dại
rách như cái xơ mướp chùi trách nồi không sạch
mả ông bà cố tổ bây kết hết à
tụi bây thằng nào cũng híp mắt hai cằm
bây ăn chi mà ăn đoản hậu
ăn quá dã man
bây ăn tươi nuốt sống
mà miệng không dính máu
người chết bây cũng không chừa
năm năm mười năm hai mươi năm
xương chân xương tay sọ dừa vải liệm`
bây nhai bây khới bây mút
cả húp cả chan bây còn kêu van xót ruột
bao nhiêu người chết diều tha quạ rứt xương
khô cốt tàn dọc bờ dọc bụi giữa núi giữa rừng
để bây xây lăng đắp mộ dựng tượng dựng đài cho
cha mẹ cố tổ bây
hỡi cô hồn các đảng
hỡi âm binh bộ hạ
hỡi những kẻ khuất mặt đi mây về gió
trong am trong miếu giữa chợ giữa đường
đầu sông cuối bãi
móc họng bóp cổ móc mắt bọn chúng nó
cho bọn chúng nó chết tiệt hết cho rồi
bây giết người như thế
bây phải chết như thế
ác lai thì ác báo
tau chưởi ngày chưởi đêm
mới bét con mắt ra tau chưởi
chập choạng chạng vạng tau chưởi
nửa đêm gà gáy tau chưởi
giữa trưa đứng bóng tau chưởi
bây có là thiền thừ mười tám con mắt tau cũng chưởi
mười hai nhánh họ bây
cao tằng cố tổ bây
tiên sư cha bây
tau chưởi cho bây ăn nửa chừng mẻ chai mẻ chén
xương cá xương thịt mắc ngang cuống họng
tau chửi cho nửa đêm oan hồn yêu tinh ma quỷ
mình mẩy đầy máu hiện hình vây quanh bây đòi trả đầu trả chân trả tay trả hòm trả vải liệm
tau chưởi cho cha mẹ bây có chết cũng mồ xiêu mả lạc
đoạ xuống ba tầng địa ngục bị bỏ vào vạc dầu
tau chưởi cho cha mẹ bây có còn sống cũng điên tàn
đui què câm điếc làm cô hồn sống lang thang đầu đường xó chợ
bốc đất mà ăn xé áo quần mà nhai cho bây có nhìn ra
cũng phải tránh xa
tau chưởi cho con cái bây đứa mới đi đứa đã lớn
sa chân sẩy tay đui què sứt mẻ nửa đòi nửa đoạn
chết không được mà sống cũng không được
tau chưởi cho dứt nọc dòng giống của bây cho bây chết sạch hết
không bà không con
không phúng không điếu
không tưởng không niệm
không mồ không mả
tuyệt tự vô dư
tau chưởi cho bây chết hết
chết sạch hết
không còn một con
không còn một thằng
không còn một mống
chết tiệt hết
hết đời bây
29 tháng 6 năm 1997
Năm 1988, nhà thơ Trần Vàng Sao tiếp tục nổi tiếng với bài thơ "Người đàn ông 43 tuổi nói về mình" đăng trên tạp chí Sông Hương năm 1988. Một bài thơ mang đến cho ông nhiều 'khổ sở'.
Người đàn ông 43 tuổi nói về mình
1.
tôi tuổi tỵ
năm nay bốn mươi ba tuổi
thường không có một đồng trong túi
buổi sáng buổi chiều
thứ hai thứ ba thứ bảy chủ nhật
trong nhà ngoài sân với hai đứa con
cây cà cây ớt
con chó con mèo
cái đầu gãy cái tay gãy của con búp bê
cọng cỏ ngọn lá vú sữa khô
thúng mủng chai chén sách vở quần áo mũ nón cuốc rựa trên ghế dưới bàn
hai ba ngày một tuần một tháng có khi không đi đâu hết
một hai ba giờ sáng thức dậy ngồi vác mặt ngó trời nghe chó sủa
miếng nước trà mốc nguội có mùi bông lài rát cổ
cũng không có chi phiền
vấn một điếu thuốc hút
hai ba lần tắt đỏ
rồi nửa chừng rách giấy
bạn bè gặp nhau
cho uống một ly cà phê
một lần
qua hai lần phải tránh
không phải ai cũng nghĩ như mình
nhiều đứa vui gặp nhau cho năm ba đồng một chục
đưa tay cầm lấy
miệng nói không được
2.
tôi thấy tôi như người tù được thả rông
lang thang giữa đường giữa phố
nhìn hết mọi người
xem mình lâu ngày mặt mũi có khác người không
tôi đi lui
tôi đi tới
phố phường đông chật
tiếng cười tiếng la tiếng nói tiếng xe cộ
chẳng có ai quen thử nói chào tôi một tiếng
tôi đưa hai tay lên đầu vuốt tóc
lấy chân hất một hòn đá
cúi xuống nhìn mấy bao thuốc không bên lề đường
rồi đi về
qua cầu dép sút một quai
tôi không muốn nhớ gì hết
3.
tôi ngồi trên hòn đá trước nhà
buổi chiều không có một con chim đậu trên cây
đám trẻ con chia phe bắn nhau cười la ngoài sân
đứa sống đứa chết cãi nhau ăn gian chưởi thề
những người đi bán về nói chuyện to
hai đứa nhỏ nhà bên cạnh cầm đèn che miếng lá chuối
qua xin lửa hỏi tôi nấu cơm chưa
tôi cười lắc đầu muốn đi ngủ
trong gió có mùi rơm cháy
tôi không biết làm gì hết
tôi bỏ hai chân ra khỏi dép cho mát
đám trẻ con bỏ chơi chạy theo phá đàn trâu bò đi qua
tôi bước vào nhà mở rộng hai cánh cửa lớn thắp một cây đèn để lên bàn thờ
hai đứa con ra ngoài đường chờ mẹ chưa về
trời còn lâu mới tối
tôi đi gánh một đôi nước uống
4.
tôi sống yên ổn với những việc làm hàng ngày của mình
không định được ngày mai
có một đồng để mua cho con nửa cái bánh tráng hay hai
cái kẹo gừng
có hai đồng cất dưới chân đèn trên bàn thờ
lỡ khi hết dầu thắp tới bữa thiếu ruốc hết bột ngọt
mả cha cuộc đời quá vô hậu
cơm không có mà ăn
ngó lui ngó tới không biết thù ai
những thằng có thịt ăn thì chẳng bao giờ ỉa vất
5.
lâu ngày tôi thấy quen đi
như quen thân thể của mình
tiếng ho gà nửa đêm của những đứa bé chưa đầy hai tuổi
buổi chiều không có cơm ăn
những con ruồi ăn nước mũi khô trên má
những đứa đau quan sát những con chuột
chết lòi ruột ở bến xe đò
những tiếng cha mẹ vợ chồng anh em
con cái chưởi bới la hét trong bữa ăn
người điên ở trần đứng làm thinh
giữa trời mưa ngoài chợ
những ngày hết gạo hết tiền hết củi
muối sống không còn một hột của tôi
những trách canh rau khoai tháng năm không có bột ngọt
hai mắt tôi mở to
đầu tôi cúi thấp
miệng tôi há ra
những lá khoai nhám và rít mắc vài hột cơm
dồn cứng chật cuống họng
nói thật lúc này tôi muốn được say rượu
họa may thấy một đồng thành ba bốn đồng
6.
nhiều khi tôi quá chán
chân tay rã rời
đầu óc đau nhức
không muốn làm gì hết
mấy đứa nhỏ chơi buôn bán bỏ đi đâu không biết
để đất đá lá cây đầy nhà
tôi dựa cửa ngồi yên một chỗ
dụi mắt nghĩ hết chuyện này tới chuyện khác
nói chi tới những đứa đã chết trên rừng giữa phố
bạn bè có đứa giàu đứa nghèo
đứa ngụy đứa cách mạng
đứa của tiền ăn tiêu mấy không hết
đứa không có được một cái áo lành
đứa đi kinh tế mới ba bốn bảy tám năm
trở về xách một cái bị lát
mặt cắt không có một hột máu
đứa đạp xe thồ ngồi vắt chân ăn củ sắn
chờ khách ở bến xe
đứa vô tích sự ở nhà không có việc chi làm
có đứa râu tóc dài che kín mặt
có đứa tàn không nhớ mình tên chi
có đứa chịu không nổi dắt vợ con vào nam
ăn chợ ngủ đường
mỗi lần gặp nhau mở to mắt cười hút một điếu thuốc
hết chuyện nói
hai đứa con đi chơi về cười nói
đứa nhỏ bắt tôi đánh trống
cho nó làm ông địa múa thiên cẩu
7.
cái trống lon mặt ni lông và hai chiếc đũa tre
tôi đánh
múa đi các con
này đây cái nón gãy vành làm đầu thiên cẩu
và sợi dây chuối treo ngọn lá làm tiền
múa đi các con
cái bụng ông địa to tròn giơ lỗ rún gài nút áo không được
ông địa chống tay vỗ bụng ngửa mặt lên trời cười ha ha
tôi vỗ tay hoan hô
và không biết mình có nhớ ra được
cái mặt ông địa không
Tháng chín 1984
Bài này chỉ tự sự, "miêu tả rất thật cảnh sống lặng lẽ của mình mà cũng đủ khiến nhiều kẻ quyền hành bất an và ra tay bịt miệng ông", cây bút Uyên Vũ từ Sài Gòn từng bình luận trên một bài viết về những vần thơ 'đau đớn' của Trần Vàng Sao gửi BBC.
Nhà thơ Trần Vàng Sao không còn nữa
Tên tuổi ông được để ý hơn từ năm 2005 với bài Bài thơ của một người yêu nước mình" và nhất là khi mạng talawas đăng tập hồi ký "Tôi bị bắt", kể về những năm tháng ông "bị bắt rồi được thả ra và sống như trong tù" (chữ của Trần Vàng Sao).
Còn nhà thơ Trần Mạnh Hảo thì gọi Trần Vàng Sao là 'nhà thơ bị cầm tù trong sự thật' Facebook cá nhân. Ông Hảo nhớ lại :
"Thỉnh thoảng ra Huế, tôi lại ghé ngôi nhà ở Vĩ Dạ thăm Trần Vàng Sao. Anh có gương mặt cổ quái, già nua như người của thế kỷ thứ 17, 18 còn sót lại. Thông qua cuốn sách anh viết : "Tôi bị bắt"... tôi tìm thấy ngôi nhà tù vĩ đại trùm lên cả thế hệ chúng tôi. Đó là những tù nhân được thả rông đã bị cầm tù tư tưởng, thậm chí tâm hồn bị nhốt trong tù mà lại cảm thấy tự do".
Theo tiểu sử của nhà thơ Vàng Sao được Trần Mạnh Hảo đăng ở bài viết trên trang cá nhân, Vàng Sao là con liệt sĩ. Ông "tham gia phong trào thanh niên sinh viên đấu tranh theo Việt Cộng" và từng sống năm năm tại "chiến khu rừng Thừa Thiên Huế" để "viết báo viết văn phục vụ đảng".
Nhưng "miền Bắc xã hội chủ nghĩa năm 1970 nghèo đói" khiến ông "thất vọng".
"Ông bắt đầu viết nhật ký để thoát khỏi những ẩn ức thực tại có thể làm anh tuyệt vọng đến vỡ tim mà chết vì cái xã hội cộng sản bánh vẽ kia…", nhà thơ Trần Mạnh Hảo viết.
"Từ một nhà thơ dùng tên lá cờ làm bút hiệu, ông đã bị đấu tố, bị coi là kẻ phản động, nói xấu lãnh tụ, đả kích chế độ. Ông đã bị trù dập, cô lập, và bị hành hạ đến sống dở chết dở trở thành một kẻ bị mọi người khinh bỉ, xa lánh", theo tác giả Uyên Vũ từ Thành phố Hồ Chí Minh.
'Vĩnh biệt thi sĩ Trần Vàng Sao'
Lời tiễn biệt thi sĩ Trần Vàng Sao cũng được nhiều cây bút đăng tải trên mạng xã hội ngày 10/5.
Facebooker Dũng Trung kể lại : "Tháng 9/2013, tôi và Lê Minh Phong ghé Huế thăm ông, uống với ông vài chai bia, nghe ông kể chuyện bị đoạ đày kinh khiếp…".
"Chẳng biết sao lúc đó tôi lại hứng thú lấy bút giấy ra ký hoạ chân dung và nụ cười của người đàn ông khốn khổ này".
"Hôm nay ông đi. Ông đi thanh thản !"
"Cầu mong ông đến được nơi nào đó vui vẻ hơn, hạng phúc hơn... Đỡ đói, rét hơn nơi này".
"Hy vọng ở nơi mới, đất nước mới, đồng bào mới, các "đồng chí" mới... sẽ ăn ở, đối xử với ông tử tế hơn !"
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo cảm thán : "Anh đã đi theo cha mình là liệt sĩ, nguyện đứng dưới ngọn cờ đỏ sao vàng mãi mãi nên mới có bút danh Trần Vàng Sao…"
"Ngôi sao vàng kia không chấp nhận anh, không cho phép anh nhìn và viết ra sự thật. Ngạn ngữ Pháp có câu : "Với chữ nếu, ta có thể bỏ tháp Eiffel vào cái chai". Vâng, nếu sống lại, trở về thời 20 tuổi, Trần Vàng Sao chắc chắn sẽ lấy bút danh là Trần Vàng… Vĩnh biệt ngôi sao của ảo tưởng đã bị sự giả dối nuốt sống, cũng như cuộc đời anh đã bị lý tưởng kia nuối sống và nhả ra một cái bã người tội nghiệp, khổ đau uất hận đến chết . Trần Vàng… Sao, thương anh vô cùng ! Anh một nhà thơ đã bị sự thật cầm tù…".
Trần Vàng Sao tên thật là Nguyễn Đính, sinh năm 1942 ở Thừa Thiên, Huế.
Năm 1962 ông thi đỗ tú tài rồi dạy học ở Truồi, tham gia các phong trào đấu tranh của sinh viên cùng thế hệ với Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Quang Long, Ngô Kha.
Từ 1965 đến 1970, ông lên chiến khu và công tác tại Ban Tuyên huấn Thành ủy Huế, viết báo với các bút danh Nguyễn Thiết, Lê Văn Sắc, Trần Sao.
Sau tháng 4 năm 1975, Trần Vàng Sao xung phong về quê công tác nhưng ông bị gạt khỏi danh sách như một kẻ "có vấn đề".
Ông tự trở lại Huế làm liên lạc ở xã, sau đó được bố trí công tác tại Phòng Văn hóa thành phố Huế rồi được điều về làm liên lạc ở xã Hương Lưu (nay là phường Vỹ Dạ), Huế cho đến khi nghỉ hưu năm 1984.
Nguồn : BBC, 10/05/2018
Có những vết thương liền sẹo và trở nên hiền lành, người ta nhìn vết thương như một kỉ niệm buồn (mà có thể đẹp !). Có những vết thương cứ sưng tấy theo thời gian và càng cố xoa dịu, thời tiết, khí độc lại càng làm cho nó mưng đau. Tôi gọi 30 tháng 4 là một vết thương mưng đau. Bởi lẽ…
Hiện trạng Việt Nam là hiện trạng của tiền, tiền và tiền.
Nếu nhìn suốt chiều dài đất nước hình chữ S này, mốc thời gian 30 tháng 4 là một mốc lịch sử vừa đáng nhớ vừa kinh hoàng. Đáng nhớ bởi từ giây phút ấy, người Nam kẻ Bắc được gặp nhau, cho dù gặp nhau trong hận thù hay gặp nhau trong nước mắt đoàn tụ thì một cuộc gặp như vậy cũng giải quyết được hàng hàng lớp lớp mọi ẩn ức của một dân tộc đã sống và chết trong phân ly Nam – Bắc.
Nhưng đằng sau sự gặp nhau ấy là gì ? Là sự mất mát quá lớn mà lẽ ra nó không xảy ra đối với người miền Nam cũng như sự vui mừng, hãnh tiến quá đà của người phía Bắc mà lẽ ra nó cũng không nên có. Sự mất mát quá lớn ấy nhanh chóng làm sụp đổ một nền văn minh, văn hóa non trẻ mà người miền Nam đã cố gắng xây dựng được trong khói lửa chiến tranh. Sự hãnh tiến, reo hò và có phần chụp giật, manh động, đẩy đến tầng suất cướp bóc của người miền Bắc đã nhanh chóng lấy đi toàn bộ cái ý nghĩa ban đầu của hàng triệu người là "cứu người miền Nam khỏi ách đô hộ…", đẩy họ đến cánh rừng tâm thức tập thể bầy đàn.
Và cái vệt bầy đàn kể từ sau 30 tháng 4 năm 1975 với cướp bóc, giết tróc, trả thù, reo hò chiến thắng, đẩy người khác ra đường, xuống biển, vào trại cải tạo hay lên vùng kinh tế mới… không hề ngừng, nó vẫn kéo dài cho đến bây giờ, phát triển mức độ tàn bạo của nó với màu sắc, hình hài khác. Điều này chẳng khác nào vết thương không những được chăm chuốt cho lành lặn mà còn bị tác động gây đau liên tục cho đến ngày sưng tấy và hoại tử của dân tộc.
Hiện trạng đất nước, nếu nhìn từ bề ngoài thì nhà cửa xây càng ngày càng nhiều, càng cao, đường sá mở ra ngày càng nhiều, bê tông hóa liên tục, đô thị hóa liên tục… Nhưng, giả sử như Việt Nam cố gắng để trở thành một đô thị lớn trong khu vực, thì du khách, nhà kinh doanh từ các nước văn minh, thậm chí cả những du khách vốn ồn ào, hành xử thô lỗ như Trung Quốc sẽ tìm gì ở cái thành thị của khu vực này ?
Đương nhiên, tiêu chuẩn của một đô thị hay vùng quê nào cũng là chiều sâu văn hóa, cung cách ứng xử thương mại và mức độ văn minh của con người bản địa. Người ta không chỉ tìm đến Việt Nam để ăn hải sản, để tìm gái, để thả sức vung tiền vào những tửu quán hay các hộp đêm giả cầy chuyên chặt chém. Thứ mà người ta cần tìm là con người và văn hóa bản địa. Đi du lịch hay đi kinh doanh không có nghĩa là tìm những căn nhà, những khách sạn, những khu giải trí tiêu chuẩn 5 sao, 5 sao + về mặt xây dựng, kiến trúc để rồi gặp những con người trống rỗng, vô cảm, chỉ biết tiền, tiền và tiền… !
Hiện trạng Việt Nam là hiện trạng của tiền, tiền và tiền. Nếu muốn có danh dự, muốn có sức nặng của tiếng nói, bạn không cần phải có nhiều tri thức hoặc bạn không cần phải là người tỉnh thức. Bạn có thể nói năng lớ mớ, bổ bả, vô hồn những điều hết sức nhảm nhí nhưng tiền của bạn chi ra thật nhiều thì mọi thứ lớ mớ, nhảm nhí và bổ bả của bạn sẽ thành chân lý của một đám đông khổng lồ, bởi những con người hưởng "mưa móc" từ tiền của bạn.
Và trên đất nước này, qui luật cá lớn nuốt cá bé đang là qui luật chung, có tính phổ quát. Một người nghèo, không có danh phận trong xã hội, cho dù chỉ ăn cắp một ổ bánh mì và biết ăn năn, hối lỗi thì vẫn bị phạt tù ba năm, năm năm… Một kẻ có quyền thế, địa vị, thì y/thị có thể ăn cắp cả một cánh rừng gỗ quí, thậm chí ăn cắp bí mật quốc gia hay ăn cắp sinh mệnh, tương lai của người khác… Y/thị vẫn nhơn nhơn sống trong "danh dự, uy tín và quyền lực". Đó là sự thật !
Và đất nước cứ dần thay đổi màu sắc một cách lạnh lùng, xơ cứng, giả tạo, bê tông hóa. Tâm hồn con người cũng dần bị xơ cứng, bê tông hóa, trí tuệ của con người bị mụ mị trong công cuộc đánh tráo khái niệm. Giá trị tri thức và danh dự được hoán đổi bằng giá trị tiền bạc… Ngay cả tôi, người viết bài này, khi gặp cha mẹ vợ, anh em vợ, thay vì tôi ngồi tâm tình với họ những gì sâu thẳm của tôi, của con người với con người, tội buộc lòng phải chọn kể cho họ nghe tôi đã sắm được những gì, giàu có cỡ nào… Bởi họ thích nghe câu chuyện đó hơn là ngồi tâm tình, bình luận hay bàn thảo về xã hội, nghệ thuật… Bởi những thứ đó đối với họ quá xa lạ, họ chỉ cần nhìn cái nhà, cái xe, bộ áo quần tôi mặc. Đó là sự thật đau lòng, nhưng tôi cũng đành bó tay !
Và tuổi trẻ, phần đông, phải nói là rất đông tuổi trẻ Việt Nam đều có mối quan tâm về tiền bạc, gia tài của cha mẹ để lại lớn cỡ nào chứ chẳng mấy ai quan tâm về đạo đức, văn chương, nghệ thuật hay triết học… Bởi những thứ ấy xa xỉ và vô bổ đối với họ. Đối với những đứa em vợ của tôi, chúng trẻ, học hành có bằng này bằng nọ, và cả bạn của chúng cũng như thế hệ của chúng, khi nói ra, tôi chỉ nghe tiền, nhà cửa, xe cộ, ngồi ăn nhà hàng nào, uống quán nào, giá bao nhiêu… Tất cả là danh dự, đẳng cấp và vị thế, giá trị làm con người của chúng. Chấm hết !
Đất nước trở nên khốn đốn, khốn nạn và đồi bại như này hôm nay là do đâu ? Hãy nhìn lại những tháng ngày xếp hàng, giành giật từng miếng ăn như bầy đàn của các thế hệ trước trong thời kinh tế tập trung bao cấp ! Hãy nhìn vào công cuộc thao túng quyền lực bằng lợi ích nhóm của gần đây và hiện tại ! Hãy nhìn vào chương trình giáo dục, đào tạo con người xã hội chủ nghĩa cũng như những thanh âm cuồng nộ của nó sau mỗi dư chấn giáo dục tỉ như Sầm Đức Xương, cải cách giáo dục, thầy giáo yêu râu xanh, dạy thêm, học thêm, tham nhũng, hối lộ (kể cả hối lộ tình dục) trong ngành giáo dục !
Và hãy nhìn cung cách hành xử của người Trung Quốc ngay trên đất nước Việt Nam cũng như những gì gọi là "biện pháp đối phó" của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đối với họ ! Hãy nhìn tương lai tự do cho người dân Việt Nam ! Hãy nhìn vào thẳng lòng yêu thương đã bị tổn thương bởi tiếng reo hò của kẻ thắng cuộc và giọt nước mắt của nhiều thế hệ đã nhỏ xuống mặt trái của trang lịch sử ! Hãy nhìn và hãy nhìn… !
Mọi thứ bạn và tôi nhìn được sẽ không giải quyết được bất kì thứ gì ngoài việc làm cho chúng ta nguôi ngoai nỗi đau, nỗi cô đơn khi bạn tìm một tiếng nói hay một hơi thở tâm hồn đồng điệu, đồng cảm. Và cái điều đáng sợ nhất là hiện nay, khi mà đất nước đã trở nên rối ren và tao loạn, thì việc triệt hạ cường quyền ác bá cho dù có thực hiện được cũng không làm thay đổi thực trạng một cách nhanh chóng hay rốt rào mà cái vệt đen này còn kéo dài qua nhiều thế hệ !
Tôi xin gọi đây là cái vệt 30 tháng 4, kể từ khi đất nước nối liền Nam – Bắc và chịu chung một luật chơi mới đầy manh động, máu lạnh cho đến bây giờ và không biết mãi cho đến bao giờ !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 01/05/2018 (VietTuSaiGon's blog)
Có những con người khi đất nước gọi tên, cái tên cha mẹ đặt trở nên trìu mến và tha thiết. Có những con người khi đất nước gọi tên, cái tên cha mẹ đặt bỗng dưng thành đồ tể, thành kẻ phản động và thành những tên hèn mạt, nỗi ô nhục trăm năm.
Cuộc chiến săn quỹ đất, sóng ngầm của các đại gia bất động sản ? - Ảnh Pháp Luật Việt Nam
Đến thời điểm này, dường như đất nước gọi tên cũng đã nhiều, anh hùng, trung tín cũng có mà gian thần, đồ tể cũng không ít. Nhưng có vẻ như có nhiều cái tên đang dần lộ mặt đúng với bản chất đồ tể và hèn mạt của nó.
Vì sao gọi chúng là đồ tể, vì sao gọi chúng là kẻ hèn mạt ?
Vì hơn ai hết, chính những kẻ mà tôi đang đề cập tới là những kẻ trực tiếp hoặc gián tiếp giết người, họ giết bằng nhiều cách, từ giết dần giết mòn sức khỏe đồng loại bằng kiểu làm ăn bất chính, bất chấp sức khỏe cộng đồng cho đến kiểu bóc lột không thương tiếc những đồng bào của mình trong từng miếng ăn, từng cái thẻ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng như đồng lương... Và không có gì làm cho cộng đồng, dân tộc mau chết hơn là bóp nghẹt bằng mọi cách, đẩy con người vào chỗ bần cùng hoặc chí ít cũng tương đương với mức "chó ăn đá gà ăn muối" !
Gọi chúng là kẻ hèn mạt bởi cho đến thời điểm hiện nay, sự giàu có, phát tài của họ không dựa vào năng lực của họ, thậm chí họ cũng chẳng phải là kẻ tài năng gì. Sự giàu có của họ không giúp cho xã hội nở ra, phát triển thêm mà còn khiến cho xã hội trở nên rối ren và bất an, nghèo khổ hơn. Đó là chưa muốn nói đến chuyện họ đã ngu xuẩn làm kẻ đánh thuê cho ngoại bang mà không được trả một xu nào. Cuối cùng, quốc gia, lãnh thổ bị mất dần bới đám người này.
Gần đây, thông tin về những "đại tập đoàn" kinh tế Việt Nam, những tỉ phú đô la Việt Nam đều mắc nợ Trung Quốc những khoản vay khổng lồ khiến cho dư luận thêm một lần té ngửa và ngay cả những người bình tĩnh nhất cũng không khỏi bàng hoàng. Bởi đây là cửa tử, là yết hầu quốc gia mà ngoại bang đã khéo kéo mượn tay các tay hám tiền người Việt để kết liễu.
Các tập đoàn kinh tế có sức chi phối mạnh nền kinh tế Việt Nam nếu như thật sự họ đã vay của Trung Quốc số tiền khổng lồ thì hệ lụy của nó hết sức khó lường. Bởi đây là cái bẫy hiệu quả nhất mà Trung Quốc đã cố gắng cài gắm, đặt tại Việt Nam. Những tay "đại gia" Việt Nam từ chỗ không có gì trong tay, đùng một cái được kết nối và được cho vay khoản tiền khá lớn để mua những phần đất mệnh danh là đất vàng tại Việt Nam. Để rồi sau đó đẩy một bộ phận nhân dân vào chỗ bần cùng sau khi toa rập với chính quyền địa phương cướp đất của nhân dân dưới vỏ bọc "thu hồi, đền bù xây dựng công trình xã hội".
Nhưng thử nhìn lại hiệu quả kinh tế của các "đại gia" này ? Thu không bù chi, kinh doanh nghe to tát nhưng lợi tức không có, không đủ để trả lương cho nhân viên. Vậy mà họ vẫn cứ kinh doanh rầm rộ và tiếp tục mở rộng mô hình. Bởi họ có người đứng sau chống lưng, bơm vốn dưới hình thức vay lãi thấp hoặc không lãi. Và họ vẫn cứ mơ hồ nghĩ rằng mục tiêu của họ là chiếm cho được những phần diện tích vàng ấy, bởi địa ốc, bất động sản là con gà đẻ trứng vàng.
Nhưng họ quên mất là cho vay càng nhiều thì đòi càng gắt gao. Và thử nghĩ trong lúc nợ công cao chất ngất, những doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế là chỗ dựa, là cái phao không nhỏ cho an ninh kinh tế quốc gia... Thì chính những tập đoàn hay doanh nghiệp này lại là những cục nợ đáng sợ và họ cũng có thể vỡ nợ bất kỳ lúc nào, họ buộc phải trả nợ một cách vá víu và nhục nhã cho kẻ cho vay bằng cách bàn giao tài sản đang có để thế nợ.
Trong trường hợp các tập đoàn như VinCom, Sun Group, FLC... vỡ nợ thì điều gì sẽ xảy ra ? Điều dễ nhận biết nhất là toàn bộ những vị trí trọng yếu của quốc gia sẽ rơi vào tay chủ nợ. Như vậy, kẻ chủ nợ (cũng là chủ mưu) không cần phải tốn một viên đạn nào, cũng không mất đồng xu trả công nào mà vẫn có được thứ họ muốn.
Và nên nhớ, chiêu bài này chẳng mới, cũng chẳng thông minh gì trong vấn đề bành trướng. Có chăng là kẻ vay nợ đã ngu xuẩn đến mức thấy tiền là tối mắt tối mũi và múa may quay cuồng trong cái ảo giác giàu có do nó mang lại. Và đương nhiên, hậu quả thì không chỉ riêng những kẻ ngu xuẩn này gánh chịu, mà là cả quốc gia, dân tộc đi đến chỗ bế tắc.
Nhưng không dưng, những kẻ đang thụ động tiếp tay cho giặc kia không thể tự động đi vay tiền của ngoại bang được, họ phải có sự kết nối, giới thiệu từ phía nhà nước, chính phủ, thậm chí được nhà nước, chính phủ đỡ đầu trong chuyện làm ăn.
Như vậy, suy cho cùng, cả đám sẽ xuống hố nếu như xảy ra vỡ nợ. Và cái ngu này sẽ là cái ngu lịch sử. Cái giá để trả cho sự ngu xuẩn này không hề nhỏ chút nào. Trong khi đó, những kẻ ngu vẫn ung dung múa lửa lắc vòng trước thần chết.
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 27/04/2018 (VietTuSaiGon's blog)
Ở Việt Nam có trí thức hay không ? Trí thức Việt Nam đang ngồi chỗ nào trong câu chuyện chính sự ? Đó là những câu hỏi nổi cộm hiện nay, khi mà số lượng giáo sư, tiến sĩ tại Việt Nam nhiều tựa lá mùa thu, trong khi đó, hầu hết các sách lược cho tương lai Việt Nam lại có nguy cơ rơi vào tắt tị.
Có người ví von chính trường Việt Nam như một mâm thịt chó, và trí thức Việt Nam có người thèm thịt chó, có người ăn gượng gạo, có người không muốn ăn. Vậy vấn đề mâm thịt chó và trí thức Việt Nam diễn tiến ra sao ?
Nền chính trị buffect của các quốc gia dân chủ mà ở đó, chính khách có thể chọn món ăn vừa ý và đứng trò chuyện với nhau một cách thoải mái, cởi mở…
Nói cho nhanh, chính trị Việt Nam hiện tại và nền chính trị các quốc gia độc tài có mô hình chính trị mâm thịt chó. Có nghĩa là khác xa với nền chính trị buffect của các quốc gia dân chủ mà ở đó, chính khách có thể chọn rượu vang đỏ, vang trắng, bia, rượu mạnh… Có thể chọn ăn bánh ngọt, bánh mặn, thịt heo xông khói, thịt bò hay cua biển… Và có thể đứng trò chuyện với nhau một cách thoải mái, cởi mở trong giai điệu du dương của một symphony… Thì, nền chính trị mâm thịt chó chỉ có độc nhất là chó ! Thịt chó có thể biến thể thành bảy món, chín món, rượu có thể là rượu ngô Bắc Hà hay rượu nếp cốm hoa vàng hay Bàu Đá… Nhưng, chắc chắn một điều, trong mâm thịt chó, người ta chuộng ăn tạp, uống mạnh và ồn ào.
Trí thức ngồi vào mâm thịt chó, nguyên tắc bắt buộc là không được nói gì ngoài ăn thịt chó !
Trong mâm thịt chó chỉ có rượu, lá mơ, củ sả, củ riềng, thịt chó, dồi chó, các món biến thể của chó nhưng tuyệt nhiên không có món thịt của bất kì con gì khác lọt vào mâm được. Và muốn ngồi chung chiếu chung mâm, người ta phải cùng tầng số ăn uống, cùng tầng số hưởng thụ. Điều này cũng thể hiện qua đẳng cấp mâm, nghĩa là người bình dân, kẻ tiện dân thì ngồi trong các quán bình dân, giá rẻ, chuyên bán chó đánh bả. Ngược lại, dân thịt chó hạng sang thì ngồi chiếu hoa, uống rượu ngon và mỗi phần thịt chó có giá tiền ít nhất là gấp đôi, gấp ba lần quán bình dân.
Muốn ăn hạng sang, muốn nâng level, người hạng bình dân hay hạ tiền phải bằng cách này, cách khác lân la, hi sinh nhiều thứ và thậm chí nịnh nọt, chạy chọt để được làm quen với các mâm hạng sang mà tới. Đương nhiên, kẻ bình dân hay mạt hạng muốn đổi đời, trước đó hắn/y/thị phải có một cục tiền thật to (cũng có khi nhờ buôn chó, bắt trộm chó, đánh bả chó mà có được !). Và trong mâm thịt chó, dù là hạng sang hay hạng bình dân, hạng rượu gạo nát bét đi nữa thì vấn đề ăn và uống vẫn quan trọng nhất. Bởi không thể có chuyện vừa chấm mắm tôm, vừa nhai nhoàm nhàm lá mơ, thịt chó mà nói chuyện về âm nhạc, chính trị, văn hóa, văn chương hay triết học. Người ta ngại nói bởi nói sẽ văng mắm tôm sang người khác, văng vào mâm, sẽ gây khó chịu. Và nói cũng làm "mất năng suất" ăn uống, mất cảm giác ngon khi ăn, mất "tập trung dân chủ" khi ăn.
Đến đây, có thể thấy rõ dần mối quan hệ giữa trí thức và mâm thịt chó chính trị Việt Nam. Một trí thức, dù muốn hay không muốn, khi bước vào nền chính trị mâm thịt chó thì phải chấp nhận luật chơi của mâm thịt chó nếu không muốn bị tống cổ ra khỏi mâm, khỏi chiếu.
Thử xem lại, vấn đề gần gũi nhất, quan trọng nhất đối với người trí thức chính là Giáo Dục. Trí thức Việt Nam đã làm được gì cho nền giáo dục ? Xin thưa là họ không những không làm được gì mà có nguy cơ trở thành những kẻ xôi thịt, những kẻ ăn bám hoặc những kẻ ù lì mang mầm mống phá hoại.
Vì sao lại nói các trí thức Việt Nam có nguy cơ trở thành mầm mống phá hoại và nói như vậy khi đứng ở góc nhìn nào ? Trước tiên, phải xét vấn đề tiếng nói của người trí thức trong mối tương quan chính trị Việt Nam, nói về sức nặng của trí thức trong mối tương quan đó.
Thử nhìn lại suốt gần 50 năm, nền chính trị Việt Nam do ai quản lý, ai lãnh đạo và ai cai trị ? Đương nhiên, trí thức Việt Nam không có mặt trong hệ thống quản lý, lãnh đạo và cai trị. Có chăng là tới thời điểm bây giờ có ông Nguyễn Phú Trọng với học hàm Giáo sư, học vị Tiến sĩ nhưng cái học hàm học vị của ông này không phải là học hàm học vị của trí thức, những thứ tri thức ông ta thụ đắc để có học hàm học vị không phải là tri thức quí của nhân loại mà là Mác, Lê, một loại "hoại tử tri thức". Nghĩa là nền văn minh nhân loại đã vứt thứ tri thức ấy vào sọt rác rất lâu rồi, bởi nó có nguy cơ gây họa cho nhân loại.
Và cái họa dễ nhận thấy nhất là hệ thống chính trị Việt Nam trở thành hệ thống biệt lập so với đà tiến triển của nhân loại. Thay vì cố gắng thiết lập một nền giáo dục tiến bộ, thiết lập một nền chính trị khoa học, dân chủ và cởi mở để thông qua đó, các vấn đề về y tế, giáo dục, kinh tế được minh bạch, sạch sẽ và văn minh… Thì nền chính trị cộng sản xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam dường như lãnh đạo và lãnh đạo, đi theo một đường hướng chẳng liên quan gì mấy các lĩnh vực cấp thiết dân sinh.
Nền chính trị quyền lợi mâm chén này nhanh chóng đẩy xã hội đến chỗ thực dục và cơ hội chưa từng có trong lịch sử. Một cử nhân sư phạm, muốn trở thành giáo viên, thay vì tốn công sức đầu tư cho kĩ năng, bản lĩnh và đạo đức sư phạm thì người ta tốn công sức để đào ra một khoản tiền đủ lớn để đút lót, hối lộ, kiếm chỗ đứng trên bục giảng. Để rồi sau đó, với mức lương thực nhận, phải tốn đền mười, mười lăm năm thì "nhà giáo" kia mới gở được vốn đã đầu tư cho chỗ đứng bục giảng. Thử hỏi, với kiểu đầu tư như vậy, liệu giáo viên có thể chịu đứng yên mà dạy học sinh cho tới nơi tới chốn, dạy một cách nhiệt tình ? Hay là giáo viên kia phải ngồi trên lửa, phải phóng lao theo lao, phải chấp nhận chịu những cái nhục kế tiếp để mà giữ chỗ dạy, giữ cái hợp động, hi vọng biên chế ?
Và cái giá phải trả cho việc này là sinh quyển giáo dục vốn thiêng liêng, trong lành nhanh chóng bị biến thành hố rác văn hóa, hố rác lịch sử và ngành giáo dục vốn tĩnh lặng, trí tuệ trở thành cái chợ ồn ào, nhặng xị.
Các nhóm ngành nghề khác từ y tế, truyền thông cho đến văn hóa, kinh tế đều không thoát khỏi tình trạng chạy chỗ, móc ngoặt, tham nhũng, đút lót, hối lộ mà ngành giáo dục đang dính chấu. Và với một quốc gia mà mọi thứ đều thực dục, đều qui ra tiền, đều chạy chọt, đều cá lớn nuốt cá bé, đều đội trên đạp dưới… Thì liệu sự nghiêm túc, sự tử tế, lòng tự trọng có tồn tại được không ?
Nói đến đây để thấy chỗ đứng của người trí thức trước mâm thịt chó chính trị Việt Nam, dường như tri thức không còn là trí thức một khi họ ngồi vào mâm thịt chó. Họ phải im mồm, nhìn trước ngó sau mà ăn để vừa không mất miếng ngon lại không gây mích lòng người khác vì đã gắp quá nhiều, gắp quá nhiệt tình. Và trong mâm thịt chó, mọi người đều đồng đẳng, đều uống rượu như nhau, đừng mang âm nhạc hay thơ ca, khoa học vào đây để nói. Bởi nói chỉ làm văng mắm tôm, ảnh hưởng đến bữa ngon của người khác.
Muốn nói đến tri thức nhân loại, muốn hành xử như một trí thức, người trí thức phải tìm chỗ khác, phải nói chuyện đó trong buổi cà phê, trong buổi uống trà, những những người cùng tiếng nói với nhau. Và đương nhiên, nói để mà nói, nói để giải bớt cái ấm ức không nói được lúc ăn thịt chó chứ không phải nói ra để thay bữa thịt chó bằng tiệc buffect hay bữa cà phê hay kêu gọi bỏ thịt chó. Bởi tất cả những hành động đó có thể khiến nhà trí thức tắm đầy mắm tôm trước khi bị tống ra khỏi mâm thịt chó và có thể là trước khi chết.
Nói cho cùng thì nếu xét trong hệ thống chính trị Việt Nam, có thể khẳng định là không có nhà trí thức nào trong đó cho dù họ mang danh và có thực tài với học hàm, học vị của họ. Nhưng những thứ đó chỉ có giá trị khi họ đứng bên ngoài chính trị. Còn những gì họ phải dùng, phải sống trong hệ thống là nói và làm cho phù hợp với chỉ thị, với cương lĩnh đảng. Điều này cũng giống như trí thức ngồi vào mâm thịt chó, nguyên tắc bắt buộc là không được nói gì ngoài ăn thịt chó ! Trí thức Việt Nam đang phải tham gia, tham dự và hưởng thụ một cái mâm thịt chó quá đa dạng, phong phú và ngon miệng, đừng trách vì sao họ chỉ biết nhoàm nhàm nhai. Bởi không nhai cũng chết !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 12/04/2018 (VietTuSaiGon's blog)