Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vụ nhà xe bỏ tiền lẻ vào chai để đưa cho nhân viên thu phí trạm Cai Lậy, khiến cho trạm này khóc trời khóc đất, sau đó nhà nước vào cuộc, đưa ra cái qui định khá khôi hài là bất kì nhà xe nào bỏ tiền lẻ vào chai khi thanh toán sẽ bị phạt từ 3 đến 5 năm tù.

Điều này khiến cho ba câu hỏi được đặt ra :

1. Nhà xe dùng tiền lẻ bỏ vào chai nhựa để thanh toán phí cầu đường là đúng hay sai ?

2. Tại sao nhà xe phải chơi trò này ? Và nhà nước qui định với mức chế tài từ 3 đến 5 năm tù đối với nhà xe như vậy đúng hay sai ?

3. Và câu hỏi mấu chốt : Đâu là nguyên nhân của vấn đề ?

tienle1

Vụ nhà xe bỏ tiền lẻ vào chai để đưa cho nhân viên thu phí trạm Cai Lậy, khiến cho trạm này khóc trời khóc đất

Ở câu hỏi thứ nhất, nhà xe hành xử đúng hay sai, nếu nhìn trực diện vào vấn đề, chưa bàn chuyện sâu xa phía sau nó và xét theo góc độ lương tâm cũng như trách nhiệm của một công dân trong văn hóa đi đường thì rõ ràng là nhà xe đã sai. Bởi việc dùng tiền lẻ nhét từng đồng vào chai nhựa để đóng cho trạm thu phí, điều này sẽ dẫn đến hệ quả là nhân viên trạm sẽ tốn rất nhiều thời gian để đếm số tiền đó và ùn tắc giao thông sẽ xảy ra.

Giả sử trong đoàn xe tham gia lưu thông phía sau có một xe cứu thương hoặc có xe chở bà bầu đi bệnh viện trong lúc chuyển dạ thì câu chuyện sẽ lấn sang vấn đề nhân đạo cũng như lương tâm con người. Bàn theo cách gì thì kiểu nhét tiền lẻ vào chai nhựa để cho trạm thu phí phải đếm từng đồng cho bỏ ghét là cách làm thiếu suy nghĩ sâu xa, thiếu trách nhiệm với đồng loại.

Ở câu hỏi thứ hai, tại sao người ta phải làm như vậy ? Rõ ràng, đây là vấn đề sâu xa, là nguyên nhân dẫn đến những hành xử như đã thấy của nhà xe. Ai đã từng có một chiếc xe hơi tại Việt Nam đều biết chi phí đóng thuế đường bộ cho một chiếc xe nằm chỗ mỗi năm tốn hết 2 triệu đồng, chi phí đăng kiểm 1 triệu đồng nữa, sau đó là bảo hiểm này nọ, chiếc xe tốn đến 5 triệu đồng mỗi năm. Cộng thêm với việc ra đường, liên tục gặp các trạm thu phí, mỗi trạm tốn hết 35 ngàn đồng. 

Đó là chưa muốn nhắc đến giá xăng tại Việt Nam có gánh 9 ngàn đồng đủ các loại phí, mà trong đó lại kéo theo phí đường bộ một lần nữa, rồi thêm chuyện các tổ cảnh sát giao thông đứng đường, bắn tốc độ, kêu vào xin ổ bánh mì. Nói một cách công tâm thì các loại phí quá cao, cao không thể tưởng tượng được, một người lao động bình thường cho dù có trúng số độc đắc thì giỏi lắm cũng đủ để mua chiếc xe hơi và đi trong vòng ba năm rồi sau đó bán xe vì theo không nổi. Chỉ mới là xe gia đình, loại 5 chỗ, trường hợp xe khách, xe tải thì miễn bàn, mức phí mỗi năm của nó có thể lên đến cả trăm triệu đồng chưa tính tiền xăng.

Với kiểu bị bóc lột từ xương đến gân như vậy, khó có nhà xe nào giữ nổi bình tĩnh để mà không hành xử như đã thấy. Bởi vấn để nhét tiền lẻ vào chai nhựa ở đây không còn là chuyện trí trá với trạm thu phí hay thể hiện nỗi bức xúc mà là một cuộc biểu tình linh hoạt theo kiểu "ở bầu thì tròn ở ống thì dài". Ngoài cách này ra, họ cũng chẳng thể làm cách nào khác, bởi nếu biểu tình hay đình công gì đó trong cơ chế hiện tại, nhà xe chỉ có thua và thiệt hại từ nhiều đến rất nhiều cho họ. Điều này cho thấy vấn đề quản lý nhà nước có một cái gì đó bất thường, nó đẩy nhà xe đến chỗ bế tắc và có thể là manh động để giải tỏa nỗi uất ức.

Ở câu hỏi thứ ba, nhà nước qui định mức hình phạt từ ba đến năm năm tù giam đối với nhà xe nhét tiền lẻ vào chai nhựa khi thanh toán là đúng hay sai ? Không cần bàn luận gì nhiều, chỉ nhìn qua, đã thấy sai. Cũng không cần phải có kiến thức về luật gì cho nhiều, chỉ cần bằng trực giác của một đứa trẻ đã ít nhiều nhận thức được thế giới, xã hội, nó vẫn nhìn ra sự vô lý trong kiểu qui định trái khoáy và khôi hài này rồi !

Bởi không có bất kì điều luật nào, lương tâm nào lại đi bắt nhốt, giam hãm tự do của người khác chỉ vì người ta bỏ tiền lẻ của họ vào chai nhựa. Và giả sư như đi sâu vào vấn đề ách tắc giao thông hay làm gián đoạn giao thông của người cấp cứu, của bà mẹ sắp sinh thì chuyện này nằm ngoài chủ ý của tài xế/nhà xe, nó không nằm trong sự tính toán cũng như cấu thành tội phạm của họ. 

Cái qui định phạt tù này nghe ra có vẻ để bảo vệ cho đồng tiền bát gạo của các trạm BOT (1) và bảo vệ cho cái lý lệch lạc của nhà cầm quyền nhằm che đây hàng loạt vấn đề dây mơ rễ má, có tính ăn chia và bất minh phía sau nó nhiều hơn là vì sự công tâm của pháp luật hay vì tiếng gọi của lương tri, đạo đức. Bởi nếu vì đạo đức, người ta buộc phải giải quyết từ căn cội của vấn đề chứ không ai chọn kiểu đối phó với nhân dân như vậy.

Điều này cũng giống như trường hợp Formosa Hà Tĩnh thải độc ra biển, thay vì giải quyết ngay vào cái gốc vấn đề là rà soát lại hệ thống xử lý thải của Formosa, truy cứu trách nhiệm tập đoàn này và những quan chức Việt Nam có liên quan... Thì người ta lại tổ chức đối phó với sự phẫn nộ của những ngư dân bị thiệt hại do Formosa gây ra.

Ở đây, thay vì truy xét vấn đề thu phí xem có hợp lý hay không, kiểm tra, rà soát các tuyến đường có bị xuống cấp hay không và xem lại mức thu nhập của người dân Tây Nam Bộ có tương thích với mức phí phải đóng mỗi khi qua trạm hay không, cũng như xem xét thử có những khuất tất nào trong vấn đề xây dựng trạm, thu phí của người dân và thời gian thu phí có còn hiệu lực hay hợp lý nữa hay không... Để sau đó tìm hiểu những thắc mắc của người dân, tìm hiểu xem nguyện vọng của nhân dân là gì... ? Đằng này nhà nước đã chọn ngay phương án bóp mạnh tay với dân. Có thể nói đây là một lựa chọn tồi mà hệ quả của nó là đổ thêm dầu vào chảo lửa bất bình của nhân dân.

Ở câu hỏi cuối, do đâu lại nên cớ sự như đang xảy ra tại trạm BOT Cai Lậy, Tiền Giang ? Thực ra, câu trả lời này nó trải dài từ Bắc tới Nam, ra đường, đổ xăng cũng đắt đỏ, mua bình nhớt cũng đắt hơn so với các nước tư bản, mua con ốc cũng đắt, thay cái lốp là nghe mất cả tháng lương, đường sá thì ổ gà ổ voi, công an đứng núp lùm và xin bánh mì bất kỳ giờ nào, mọi thứ đều xuống cấp, chỉ có mức phí thì tăng cao. Thử hỏi, người dân còn lựa chọn nào khác ? Mỗi sự thông minh, điêu trá trong hành xử của nhà xe chỉ cho thấy họ quá cô đơn, lẻ loi trong lý sự quốc gia, họ không được bảo vệ nên họ phải phản ứng bằng cách nào đó.

Và trong một quốc gia mà ngay cả quyền bày tỏ những uất ức của mình cũng có thể bị ngồi tù thì e rằng khó có một nhà nước bền vững cũng như khó có một quốc gia cường thịnh và văn minh !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 08/08/2017 (VietTuSaiGon's blog)

(1) BOT (Build-Operate-Transfer) có nghĩa là Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao. Đây là những cơ sở kiểu "giao chìa khóa", nghĩa là đã hoàn tất, người nhận chỉ việc vận hành và sử dụng.

Published in Diễn đàn
mercredi, 26 juillet 2017 02:00

Một miền quê thanh bình

Tôi yêu một miền quê thanh bình, nơi tuổi thơ tôi đi qua êm ả với ruộng mạ, chạng vạng nhuộm màu trăng hay chiều tà phất phơ ngọn tre làng, diều vi vút mục đồng quần rách… Tất cả những hình ảnh ấy, ngay trên quê hương tôi, giờ dường như không tìm thấy, vẫn mảnh trăng năm nào, nhưng bây giờ ngước nhìn thấy xa lạ, vẫn là đàn trâu hay những bụi tre còn sót lại, nhưng cái tả tơi đã nhuốm màu thời gian, không thể nói gì khác là nhìn lại những hình ảnh cũ, cái đẹp của nó đã ngân vang tiếng đau.

Image associée

Tôi yêu một miền quê thanh bình, nơi tuổi thơ tôi đi qua êm ả với ruộng mạ, chạng vạng nhuộm màu trăng hay chiều tà phất phơ ngọn tre làng, diều vi vút mục đồng quần rách…

Cái đau của tôi không lớn, không kì vĩ như cái đau của những người đấu tranh yêu nước, không hiền hòa hay bao dung như cái đau của những nghệ sĩ, không mềm mại như nỗi đau của những người lao động chất phác, không vi vút âm ỉ như nỗi đau của những trí thức… Cái đau của tôi đôi khi nhỏ bé và có chút gì đó thận phận nhược tiểu, tôi tự hiểu, cho dù có sống tăng cuồng vài kiếp nữa, tôi cũng là thằng nhược tiểu kinh niên !

Vì sao tôi lại tự nhốt mình trong tư duy và ám thị nhược tiểu ? Bởi tôi chưa bao giờ thấu hiểu đời sống này, chưa bao giờ dám nói thực những điều mà lẽ ra tôi phải nói dõng dạt, phải gào to cho thỏa chí. Không, tôi đã không hề làm như vậy, bởi tuổi thơ, tuổi trẻ của tôi đã chứng kiến nhiều nỗi đau của đồng loại, tôi đã chứng kiến một bà lão vừa dắt đàn bò đi ăn vừa chửi ra rả bên một bãi sông, bà chửi suốt ngày, và sức sống của bà mạnh mẽ đến lạ thường, tôi chưa bao giờ nghe bà khản giọng mặc dù mỗi ngày đi học, ngang qua chỗ bến sông, mặc dù cách xa bà hàng nửa cây số, tôi đã nghe tiếng chửi của bà vọng từ biền dâu.

Sau này, lớn lên, trong một dịp tình cờ, tôi nghỉ hè ở năm nhất đại học, trên đường về, tôi lan man nhớ đến bà, tôi lại chạy đến bến sông để… nghe bà chửi. Nhưng đó là một bến sông vắng lạnh, tôi tìm đến nhà bà, một ngôi nhà hoang, ảnh thờ bám đầy mạng nhện, lạnh đến mức rợn người ! Hỏi ra mới biết bà cụ trước đây vốn là gia đình giàu có, bà có bốn người con trai đều học trường Võ Bị Đà Lạt, có người tốt nghiệp, theo binh nghiệp lên đến cấp Tá trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1974, bốn người con của bà đều bị ám toán trong một chiều cuối tuần, bốn anh em chở nhau trên chiếc Jeep, đi qua cánh đồng thì bị phục kích và họ đã chiến đấu đến người cuối cùng.

Sau 1975, lúc này bà đã bị hơi đãng trí sau khi mất con, chồng bà cũng đau đớn, lâm bệnh rồi qua đời. Sau khi mất chồng, bà mang toàn bộ số bò trong nhà nộp cho hợp tác xã với điều kiện để bà chăn đàn bò này. Nhiều người lắc đầu hỏi bà tại sao lại nộp cho hợp tác xã của Việt Cộng, bà nói : “Không nộp thì họ cũng đến thu, mà thu xong thì có khi bò của mình bị giết thịt, thôi thì nộp sớm, để mình còn tính !” (Cách nói như vậy không biết bà điên kiểu gì ? !). Từ đó người ta nhìn thấy bà vừa chửi vừa lùa bò vào bãi dâu. Lâu dần,người ta gọi bà là “bà Lời điên”.

Rồi người ta cũng bán đàn bò của bà khi hợp tác xã sắp giải thể, nghe đâu bà được trả cổ phần với số tiền tương đương một con bò. Bà vui vẻ nhận phần mà không có lời nào. Nhưng bà đã chửi té tát vào mặt tay chủ nhiệm hợp tác xã khi các cổ phần khác không bằng bà. Lúc đó, hợp tác xã của bà có ba trăm hộ (gia đình), đàn bò của bà hơn 300 con, đàn bò khủng nhất trên cả nước thời đó. Bà yêu cầu chia mỗi cổ đông một con bò giống như bà và những con con dư ra thì dành cho ban chủ nhiệm chia nhau. Cuối cùng, bà đã thắng, ba trăm hộ gia đình đều có những con bò béo tốt. Phần con bò của bà, bà tặng cho một cặp vợ chồng mới cưới. Sau khi bán đàn bò mấy hôm, người ta thấy “bà Lời điên” nằm chết bên bờ sông. Nghe đâu đám tang của bà tuy không làm rình rang nhưng nhưng người dân trong làng đến đưa bà đông không tả xiết.

Tự dưng nói về yêu quê hương, yêu buổi chiều hay sự nhút nhát, nhược tiểu của mình, tôi lại nhớ đến chuyện “bà Lời điên” ! Mà nhớ tới chuyện của Bà (tôi xin viết hoa chữ này !), tôi lại nghĩ đến vấn đề xung năng, năng lượng quốc gia. Nghe buồn cười thật ! Mà thực tâm mà nói, năng lượng quốc gia hay xung năng dân tộc là chuyện vớ vẩn nhất đã ám ảnh tôi nhiều năm nay. Tôi luôn tự hỏi : Tại sao cái thời nghèo khổ, ít học, không có thứ gì để cho, tặng nhau mà người ta lại đối xử tử tế với nhau, lại cho, tặng nhau vô tư đến vậy, còn bây giờ, người ta mất tử tế và cho tặng đều có mục đích, toan tính ?

Đó cũng do năng lượng mà ra, năng lượng mà tôi suy nghĩ không phải là kiểu điện trường mà người ta hay luyện nhân điện hoặc nội lực, nội công gì đó trong võ thuật, nó đơn giản là năng lượng yêu thương và năng lượng dành cho tha nhân. Bởi lẽ, trước đây, mặc dù nghèo khổ, thiếu thốn nhưng lòng yêu thương cũng như óc suy nghĩ về đồng loại chiếm phần nhiều trong suy nghĩ con người. Người ta dành phần lớn năng lượng trong việc tương tác với tha nhân và không cần suy nghĩ gì nhiều về điều đó.

Ngược lại, trong thời đại mà người ta phải bỏ ra quá nhiều thứ để có được tấm bằng hay chỗ đứng, chỗ ngồi trong xã hội, rồi thêm chuyện đất đai bị bơm giá ảo, mọi quan tâm của con người hướng vào thiên nhiên không còn là cánh đồng, ruộng mạ, lũy tre, cánh rừng ngút mắt… Mà thay vào đó là nhìn cánh đồng, người ta nghĩ ngay đến một quĩ đất bạc tỉ nếu biết đầu tư, nhìn vào lũy tre hay dòng sông, thay vì nhìn thấy vẻ thơ mộng của có, người ta lại nghĩ đến những cái quán núp lùm hay thủy điện, và tư duy, năng lượng người ta đã bị chi phối nặng bởi những thứ không liên quan đến con người, hay nói cách khác là ngộ nhận. Năng lượng không còn dành cho tha nhân mà dành cho những thứ gắn bên ngoài tha nhân với động cơ chiếm hữu, giành lấy nó.

Hiện tại, cả một quốc gia, từ hệ thống nhà nước cho đến người dân đi cày, tất cả đều bận tâm về những gì được mất của bản thân, năng lượng không dành cho tha nhân, cộng đồng, câu hỏi thường trực của người ta thay vì “Tại sao đất nước này nghèo ? Tại sao chúng ta mãi nhược tiểu ?” thì người ta lại hỏi “Tại sao ông A, bà B giàu ? Tại sao mình phải bỏ buôn bán hàng Tàu khi nó mang tiền về cho mình ?”. Những câu hỏi này xuất hiện chỉ cho chúng ta một điều duy nhất, đó là tiếp tục nô lệ hóa bản thân và tiếp tục sống trong thân phận nhược tiểu.

Vấn đề của một quốc gia, một con người, một số phận nghe ra lắm rối rắm nhưng đồng thời nó cũng rất đơn giản. Rối rắm bởi đó là xã hội, mà con người thì phải tương tác với thế giới chung quanh. Nhưng cũng đơn giản bởi vì số phận, tương lai con người tùy thuộc vào cách đặt câu hỏi và giải quyết câu hỏi cho tương lai. Và câu hỏi cũng là năng lượng.

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 26/07/2017 (VietTuSaiGon's blog)

Published in Diễn đàn
samedi, 29 juillet 2017 01:15

Đừng để phải chết chùm !

Ông Nguyễn Phú Trọng từng nói “Nhìn tổng quan, đất nước có bao giờ được như hôm nay ?”. Và nếu mang câu nói này ra mổ xẻ, có vẻ như nó chính xác 100% với hiện tình đất nước. Và cái chữ “được”, chữ then chốt trong câu nói này cũng chính xác 100%. 

Résultat de recherche d'images pour "lô 136 – 03"

Việc Việt Nam khoan dầu tại lô 136/03, Biển Đông, khiến Trung Quốc tức giận. Ảnh chụp màn hình (twitter.com)

Được nhìn thấy sự thật, được hiểu biết chính trị, được lo lắng, được cõng nợ, được nổi giận, được im lặng nhìn hàng loạt vấn đề sai trái của nhà cầm quyền, được ăn cá nhiễm độc, được lội bùn đỏ bì bõm, được biểu tình và gào khản cổ kêu đòi công lý trước khi công an gô cổ đánh đập, được đi xe buýt hiện đại trong cách hành xử của người thô lỗ mông muội, được chứng kiến cảnh xe container và cảnh sát giao thông rượt đổi nhau như phim hành động… Có cả hàng ngàn cái được, trong đó, được nhất vẫn là nhìn đồng hồ nợ công nhích dần từ 700 Mỹ kim, rồi 800, 900, và gần đây là 1.000 Mỹ kim/đầu người, con số này biến thiên nhanh chóng trong vòng chưa đây 5 năm !

Rồi thêm chuyện cấm người ta chơi đàn ngoài bờ hồ Hoàn Kiếm, bắt chẹt người đi làm giấy khai tử để nhận tiền phong bì. Quan chức, từ thời ông Nông Đức Mạnh phơi bày đời sống như một ông hoàng đến nay có thêm hàng trăm quan chức cấp tỉnh, cấp huyện chẳng cần giấu diếm sự giàu có xa hoa, sống chễm chệ, phè phỡn, sung túc trên nỗi khổ, trên nợ công, trên cái đói vì thiên tai, nhân họa do chính các ông gây ra…

Và gần đây nhất, có lẽ, cái được lớn nhất của người dân là được mở ,mắt nhìn giới lãnh đạo cộng sản ra lệnh cho công an, quân đội chuẩn bị vào cuộc để chiến đấu với dân nếu như nhân dân biểu tình yêu cầu nhà nước phải có thái độ rõ ràng, minh bạch và dứt khoát trước sự lấn lướt của Trung Quốc trong khu vực thuộc quyền khai thác tài nguyên biển Việt Nam, cụ thể là lô 136 – 03, nơi công ty Repsol đang khai thác dầu theo hợp đồng với Việt Nam mà nếu Việt Nam chịu lùi bước trước Trung Quốc, đơn phương rút hợp đồng thì không những mất hàng núi tiền đền bù mà còn mất cả chủ quyền quốc gia.

Điều này khiến cho người ta đặt ra một câu hỏi và một giả định : Liệu đây có phải là nước cờ của kẻ bán nước ? Và đây có phải là thương vụ xông ống cháo cho đảng cộng sản Việt Nam, một thương vụ mà ít nhất trong lúc này là giữ được cái túi mang tên “ngân sách nhà nước” không bị trống rỗng ? Liệu có khi nào các ông, các bà chấp nhận bán đứng chủ quyền quốc gia cho Trung Quốc với giá hàng trăm tỉ Mỹ kim để rồi chấp nhận đền bù cho Repsol vài tỉ Mỹ kim, số tiền còn lại tha hồ bỏ túi, tha hồ phân bổ ngân sách nhà nước để rồi sau đó tính tiếp ?

Bởi hơn bao giờ hết, đảng cộng sản Việt Nam đang ngồi trên lưng cọp, tuy bên ngoài vẫn giao du, quan hệ với các nước, thậm chí vẫn bỏ ra vài chục triệu Mỹ kim để hỗ trợ cho Lào, Campuchia (mà mới nhìn thì có vẻ như đây là cách để giữ chân các quốc gia này bớt lún sâu vào vũng lầy Trung Quốc. Nhưng thực tế, khi đặt câu hỏi liệu với tình hình nợ nần, ngân khố báo động như đang thấy thì lấy đâu ra tiền để hỗ trợ cho quốc gia khác ?) nhưng thực tế bên trong thì đã mọt ruỗng, hoại thư giai đoạn cuối bởi các chính sách vĩ mô lựa chọn từ đầu.

Thử đặt câu hỏi : Liệu đảng cộng sản tồn tại được bao nhiêu ngày nếu như họ liên tục trong hai tháng không có tiền để trả lương cho bộ máy cồng kềnh gồm hơn hàng chục triệu con người lãnh lương nhà nước, từ đương chức, đương nhiệm cho đến về hưu và những gia đình chính sách, đó là chưa muốn kể đến các hội đoàn, trực thuộc đảng ? Sở dĩ xảy ra chuyện này là do chính sách tuyển dụng mập mờ, đưa những con người thừa gian manh từ bằng cấp cho đến biển thủ nhưng lại thiếu năng lực để tạo ra lợi tức trong công việc. Và bên cạnh đó, chính sách tuyển dụng vô tội vạ, dựa trên lý lịch đỏ là chính đã dẫn đến cả một hệ thống nhà nước từ trung ương xuống địa phương giống hệt như một bầy giun bâu bám đông đúc trong một cơ thể ốm yếu có cái tên là Việt Nam. Cái con vật mang tên Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam này chỉ cần thiếu ăn vài giờ thì phải lăn ra chết vì giun hút sạch máu. 

Bán lãnh thổ, lãnh hải theo kiểu cho thuê lâu dài để rồi người Trung Quốc được quyền xây riêng những biệt khu của họ với mọi quyền lợi, quyền hạn chẳng khác nào một lãnh sự quán của họ trên đất Việt Nam, để rồi sau cùng là bán lãnh hải bằng một kịch bản nhún nhường, lép vế nhưng thực tế là bán để cứu ngân sách, để cứu đảng. Đó có phải là giải pháp cấp thời của đảng cộng sản Việt Nam ? 

Bởi hiện tại, mối nguy lớn nhất ảnh hưởng đến sự tồn vong của đảng là những tướng lĩnh quân đội có tài thì hoặc là họ đã bị loại ra khỏi vòng quyền lực, hoặc là họ không coi đảng ra gì, đứng riêng một cõi để làm kinh tế, để tạo lập vương quốc quyền lực và tiền bạc. Và không chừng, họ là những kẻ đảo chính đầu tiên khi thấy cần thiết có sự thay đổi. Còn những kẻ bất tài trong hệ thống quân đội thì rất trung thành với đảng nhưng thực ra, sự trung thành này là kiểu trung thành của một phép ăn chia, còn lợi nhuận thì còn trung thành, hết lợi nhuận, hết trung thành, quay ra đối nghịch.

Thử hỏi, với một cơ thể chứa toàn mối nguy như vậy, liệu đảng cộng sản Việt Nam sẽ tồn tại như thế nào nếu như ngân sách trống rỗng ? Và các động thái huy động vốn từ người dân, huy động vàng trong dân hoặc bán trái phiếu đều xoay quanh vấn đề ngân sách chop thấy điều gì ? Bây giờ, đùng một cái Nguyễn Phú trọng mang số tiền hàng triệu Mỹ kim sang tài trợ cho Campuchia, rồi sắp tới đây lại bỏ ra hàng tỉ Mỹ kim đền bù hợp đồng cho Repsol. Đó là chưa muốn nhắc đến hàng chục tỉ Mỹ kim mà ông Phúc đã dắt các doanh nhân Việt Nam sang ký hợp đồng với Mỹ trong vài tháng trước.

Trong khi đó, Việt Nam không có bất kì thứ gì để bán kiếm tiền ngoài đất đai và tài nguyên. Các doanh nhân sừng sỏ xứ Việt, nói cho sang vậy thôi chứ thực lực của họ cũng chỉ xoay quanh đất đai, tài nguyên và quyền lực nhóm, họ không có đù khả năng sáng tạo hay sáng chế một con ốc cho ra hồn. Điều này khác xa với doanh nhân tư bản có thể không có những thương vụ hàng trăm tỉ sau một chữ kí nhưng họ lại bán được những phần mềm, những con ốc, những cái ca nhựa, hay những vỏ lon với giá vài xu, và bán hàng triệu cái, hàng tỉ cái trên thế giới. Sự giàu có của phương Tây dựa trên tính sáng tạo và thiết thực, sự giàu có của Việt Nam dựa trên mánh khóe và hoang tưởng, đó là sự khác biệt rất rõ.

Với tiềm lực kinh tế như vậy, với năng lực quản lý và làm kinh tế như đã thấy suốt nửa thế kỉ qua, Việt Nam chỉ có bán và bán, và khi không còn thứ gì để bán nữa, người ta xoay sang bán nước, đó là hệ quả tất yếu của những kẻ chỉ biết bán để ăn. Điều này chẳng khác nào một chủ nhà có nhiều của cải ông bà để lại, đến thời anh ta chỉ có bán và ăn. Bán mãi rồi cũng hết, bán nốt căn nhà, không còn nhà để bán ăn nữa thì chuyển sang bán vợ đợ con. Cái mô hình BDA (bán ăn dần) có vẻ như người cộng sản đã đến lúc xoay sang bán căn nhà của họ. Bởi nếu không bán thì chết đói, anh em nồi da xáo thịt. 

Nhưng thiết nghĩ, tại sao ngay lúc đói nhất, lúc sắp bán căn nhà, người ta không vùng dậy và lao động như một con người để kiếm hạt gạo mà sống, mà thay đổi cuộc sống ? Chuyện này đâu có khó. Nó cũng giống như người cộng sản lúc này, lẽ ra họ phải bình tĩnh hơn và bỏ thói quen làm liều để tránh tình trạng chết chùm. Mà muốn tránh tình trạng hiện tại hoàn toàn không khó. Muốn biết nó không khó như thế nào thì hãy quay lại với nhân dân và hãy để chính những trí thức đích thực họ chỉ cho cách tồn tại. Bởi chó chết thì mèo cũng nhăng răng, họ cũng chẳng dại gì để đất nước bị mất dần vào tay kẻ khác để rồi cùng cảnh chết chùm !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 29/07/2017 (VietTuSaiGon's blog)


 [SL1]

Published in Diễn đàn

Hiếm có nơi nào mà hai chữ “bí mật” được sử dụng tùy tiện như Việt Nam hiện nay. Đụng thứ gì cũng nghe bí mật ! 

Résultat de recherche d'images pour "bí mật nhà nước"

Hiếm có nơi nào mà hai chữ “bí mật” được sử dụng tùy tiện như Việt Nam hiện nay

Tàu ngư dân Việt bị tàu hải giám Trung Quốc đâm chìm, bắt bớ, cướp bóc, thậm chí nổ súng giết người, bí mật !

Người Việt Nam lang thang, chui nhủi ở xứ người làm thuê, bữa no bữa đói, chị giới chủ ép đủ điều vì không được bảo vệ quyền lợi theo hợp tác quốc tế, bí mật !

Rừng Việt Nam bị chặt sạch cây cổ thụ, trở thành đất trống đồi trọc, bí mật !

Biển Việt Nam từng là vùng biển đẹp, hoang sơ và giàu tài nguyên một thuở, nay thành biển độc, bí mật !

Người lao động Việt Nam bị giới chủ nước ngoài đánh đập, ức hiếp ngay trên quê hương, bí mật !

Họp ủy ban thường vụ quốc hội, cho báo chí có mặt vài phút lấy lệ rồi đóng cửa bí mật !

Chuyện tham nhũng, điều tra, bóc mẽ chiếu lệ cho vui rồi lại bí mật !

Thủy thủ đoàn Việt Nam bị phiến quân Abu Sayyaf bắt cóc làm con tin đòi tiền chuộc, bí mật !

Đến khi có hai người bị phiến quân giết dã man, gia đình vật vã, đau khổ, kêu gọi nhà nước và công ty chủ quản mang xác con họ về, vẫn phải bí mật !

Dường như không có thứ gì là không bí mật trên đất nước này, từ cây kim, sợi chỉ cho đến con gà, con cá, con lợn, con bò, tất cả sẽ đi vào vòng bí mật nếu như một ngày đẹp trời nào đó, ông thôn, ông xã, ông huyện, ông tỉnh hay ông trung ương nổi hứng, xếp nó vào diện bí mật.

Càng buồn cười hơn là những thứ mà người dân dù có mắt nhắm mắt mở vẫn thấy nó sờ sờ ra đó, nhưng họ lại phải giữ bí mật về cái điều hết sức công khai, lộ liễu kia, họ bí mật mà không hiểu vì sao mình phải bí mật. Bởi bí mật đôi khi là chiếc bùa hộ mệnh, giúp người ta sống sót và ít bị quấy nhiễu.

Và đặc biệt hơn là hiếm có quốc gia nào có những qui định bí mật vớ vẩn như Việt Nam, ví dụ như chuyện liên quan đến nghĩa tử nghĩa tận, chuyện sinh mạng, chuyện cái chết tromng trại tạm giam, lẽ ra phải được bạch hóa, phải trả công bằng cho nạn nhân thì đảng, nhà nước lại cho vào bí mật, cấm đoán, ngăn cản bằng mọi cách để câu chuyện không được công khai.

Ngay cả cái nhà của Phạm Sĩ Quí, nó cũng được xếp vào vòng bí mật mặc dù nó chẳng có gì là bí mật, thậm chí nó cần phải được công khai, bạch hóa cho người dân biết được tài năng làm kinh tế, nuôi lợn, nuôi gà, đánh bạc của ông giỏi đến mức có thể xây được biệt phủ nghìn tỉ. Nhưng không, đó là bí mật, không tin thì đến nhà của ông Quí, đưa máy lên chụp ảnh thì biết ngay, một bà cắt cỏ cũng có thể cầm kéo đe dọa người chụp hình bởi bà không cho phép người ta chụp hình bãi cỏ, tượng đá hay cây cối. Bởi nó là bí mật.

Vậy những thứ gì không xếp vào vùng bí mật trong truyền thông ?

Đó là chuyện cô hoa hậu đi ăn vặt, bị cắn lưỡi chảy máu, câu chuyện được giật tít lớn ở một tờ báo lớn và thu hút một lượng lớn bạn đọc.

Đó là chuyện anh chàng ca sĩ hát nhép, hát chữa cháy đùng một cái thành ngôi sao ca nhạc và tuôn ra những lời phát biểu bổ bả chẳng ra làm sao cả nhưng được giật tít ngay điểm nhấn của trang đầu một tờ báo lớn như một sự kiện lớn, một triết gia lớn, một nghệ sĩ lớn đang nhả lời vàng ngọc.

Đó là một cô người mẫu chân dài rủa sả người đối diện vì người đó chê cô ta vú mướp và cô dạy cho người đó một bài học bằng lời rủa sả không thương tiếc. Câu chuyện được khai thác hết cỡ trên các mặt báo.
Đó là mấy câu thơ đọc vừa sai nội dung, vừa sai tác giả của ông Thủ tướng đương nhiệm được lăng xê thành“câu thơ phản ánh ba giai đoạn lịch sử”, mà dù có cố vắt óc nghĩ cũng không ra ba giai đoạn này nằm ở đâu trong câu thơ. Hỏi nhà thơ Đỗ Trung Quân, tác giả chính thức bị tráo tên và đạo thơ về bà giai đoạn đó, không chừng ông tưởng mình đang nói chuyện với đứa khùng. Thử hỏi, những câu “Quê hương mỗi người chỉ một/ Duy chỉ một mẹ thôi” của ông Nguyễn Xuân Phúc đọc từ hai câu gốc là “Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi” của nhà thơ Đỗ Trung Quân phản ánh ba giai đoạn lịch sử nào ? Vậy mà các nhà báo Việt Nam thường trú tại Đức cố vặn vẹo, nhét vào mồm nó ba giai đoạn lịch sử. 

Chung qui, những thứ được công khai tại Việt Nam là những thứ mà người nghèo ngửi không vô, kẻ có tiền, có quyền thì khạc nhổ xong rồi sờ mó lên nó. 

Và mọi thứ thuộc về bài học lương tri, bài học làm người đều phải xếp vào góc tối, trong căn phòng bí mật, những thứ trơ trẽn, hớ hên được cổ xúy tối đa để thành đề tài nóng trong xã hội.

Một phiên tòa có ảnh hưởng đến tương lai dân tộc, ảnh hưởng đến chính trường Việt Nam như phiên tòa xử Mẹ Nấm bị bịt kín, bị xếp vào bí mật nhưng một phiên tòa xử về một bản hợp đồng tình dục giữa một tay trọc phú với một cô chân dài lại được báo chí trong nước quan tâm hết mức, số lượng bài đi trên các trang báo lên đến hàng trăm, thậm chí có thể hàng ngàn nếu xét thêm các status của các dư luận viên và những người rỗi hơi, hóng chuyện.

Tại sao lại có chuyện kỳ cục và thối nát như vậy ?

Thực sự, điều này cho thấy rằng đảng Cộng sản mặc dù độc tài, mặc dù nắm hết toàn bộ mọi thứ từ quyền lực đến tài nguyên. Nhưng có một thứ họ không thể nắm được, và cho đến bây giờ thì họ không thể có được, nếu không muốn nói là họ sẽ vĩnh viễn không chạm tới được, đó là Lòng Dân.

Và trong một xã hội mà mọi chuyện dấy động lòng dân, gây bi thương và phẫn uất trong nhân dân lại có nguyên nhân, gốc gác từ sự lãnh đạo chểnh mãn, từ sự kém cỏi và thiếu lương tâm của nhà cầm quyền thì chắc chắn nó khó có cơ hội được công khai. 

Ngược lại, một xã hội độc tài bao giờ cũng muốn dân chúng trở thành một bầy cừu biết vâng lời, răm rắp nghe theo sự chỉ dẫn của chủ và luôn sợ những con chó săn trong bụi rậm, chúng phải luôn câm mồm để gặm cỏ và chẳng bao giờ dám mở miệng vì sợ chó săn nghe tiếng. Có cách gì làm cho xã hội nhanh chóng bị ngu đần nhanh hơn là hằng ngày, hằng giờ cho người ta tiếp thu và hấp thụ những thứ vô bổ nhưng lại có khả năng kích động bản năng ?

Như lời của một ông trưởng xóm ở miền Bắc từng nói với ông chủ tịch xã để xin kinh phí cúng xóm : “Xin cấp trên hãy cho tôi kinh phí để thuê giàn loa, giàn nhạc thật oách. Tiền mua rượu bia thì xóm đã chung mua đủ. Muốn xóm làng bình yên, đừng thằng nào quan tâm đến chính trị hay nêu nó ra thì tốt nhất là sau khi cúng, chó chúng ăn uống thật nhiều và ăn uống no say rồi thì cho chúng tranh nhau hát, chỉ có vậy mới yên !”.

Cái câu nghe tưởng chừng là ngu ngốc của ông trưởng xóm kia lại rất minh triết trong chiến lược ngu dân của nhà độc tài. Và có lẽ do vậy mà xứ Việt cứ đụng thứ gì cũng bí mật, trừ những thứ rác rưởi, hôi hám ngửi không vào thì được công khai !

 Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 11/07/2017 (VietTuSaiGon's blog)

Published in Diễn đàn
vendredi, 21 juillet 2017 16:56

Khi mạng người bị xem rẻ

Để có một thứ gì đó ưng ý, người ta có thể bằng cách này hay cách khác bao biện rằng sự có mặt của nó là hợp lý, là cần thiết. Và khi không cần một thứ gì đó nữa, muốn tống khứ nó đi cho rảnh chuyện, người ta lại thiết lập cả một hệ thống suy nghĩ để bao biện cho sự tống khứ của mình là hợp lý, cần thiết. Với tính mạng của một con người cũng vậy, nhất là trong thời đại Cộng sản xã hội chủ nghĩa này, mạng người đôi khi rẻ hơn lá mít mà cũng có lúc đánh đổi cả giang sơn.

Résultat de recherche d'images pour "Khi mạng người bị xem rẻ"

Mẹ và chị dâu nạn nhân Hoàng Văn Hải - Citizen

Nói nghe có vẻ buồn cười và không thật nhưng đó là sự thật, và cái sự thật cay đắng, đau lòng này đã kéo dài khá lâu trên đất nước này, nó như một minh chứng về thân phận của một quốc gia, một dân tộc nhược tiểu và đầy ma mãnh, trí trá. Đáng sợ hơn là sự ma mãnh, trí trá này được hợp thức hóa bằng con đường chính thống và nó đẩy dạt mọi giá trị đạo đức sang hai bên lề trên đường đi của nó.

Thử đặt câu hỏi : Nếu như anh Hoàng Trung Thông và Hoàng Văn Hải (hai nạn nhân bị Abu Sayyaf chặt đầu tại Phillipines) là con của một quan lớn nào đó trong hệ thống trung ương đảng Cộng sản thì họ có ra nông nổi như đã thấy ?

Vì sao tôi phải đặt câu hỏi này ? Bởi vì hiện tại, có hàng triệu người trẻ Việt Nam đã trả giá cho việc học hành, theo đuổi tấm bằng đại học, rồi bằng thác sĩ, tiến sĩ, việc theo đuổi này bị đánh đổi bằng việc cha mẹ của họ phải bán đất đai, bán nhà cửa, cầm cố, vay nợ… Để rồi khi tốt nghiệp, họ lại tiếp tục cầm tấm bằng chạy vạy khắp nơi xin việc, đi bưng cà phê, đi bán bảo hiểm, đi phụ hồ… Trong khi đó, con cái của giới quan chức học hành chẳng ra gì, một ngàn đứa thì có một đứa học hành tử tế, con số 999 đứa còn lại không cần học hành gì, thậm chí ăn chơi sa đọa mà vẫn có được chỗ làm vững chãi, làm sếp, làm lãnh đạo người khác.

Những đứa con nhà quan tuy học hành chả ra trò trống gì nhưng chúng có cha mẹ của chúng làm cái dù che chở cho chúng, và để có được sự no lưng ấm cật cho con cái, giới quan chức đã không nghần ngại đạp đổ mọi qui tắc đạo đức, mọi qui định của pháp luật để lấy cho được cái ghế quyền lực và bổng lộc cho con của họ. Ngược lại, một cử nhân hay một thạc sĩ học hành tử tế nhưng không có cái dù thì cho dù có cầm tấm bằng đi gõ cửa khắp mọi nơi cũng sẽ nhận được cái lắc đầu lạnh lùng. Và đương nhiên cái lắc đầu này nhân danh mọi qui định hiện hành và nhân danh mọi giá trị đạo đức.

Đáng sợ hơn là khi con các quan chức (tạm gọi là “cô chiêu cậu ấm”) vi phạm một chuyện gì đó, thay vì phải để họ đối diện với pháp luật, phải được pháp luật răn đe để trưởng thành, để người hơn thì họ lại được cha mẹ che chở, bao bọc nhằm tránh tội, yên thân. Và đương nhiên, họ mãi mãi sống trong no lưng ấm cật, mặc ai đói khổ, mặc ai kêu than, mặc ai cầm bằng đi chạy vạy, mặc ai bị họ xúc phạm. Bởi họ là con nhà quan, trừ khi chế độ Cộng sản sụp đổ thì họ mới sợ, mới chịu làm người tử tế. Nhưng với họ, còn lâu thì chế độ Cộng sản mới sụp đổ, bởi có ai dám hé răng với họ điều gì đâu, cuộc sống hằng ngày nhung lụa và quyền lực trước đám dân đen sợ sệt, yếu vía đã chứng mình cho họ thấy họ tồn tại, họ phát triển và “sống mãi”.

Trở lại chuyện các thủy thủ Việt Nam bị bắt cóc, tống tiền, giả sử như Hoàng Trung Thông và Hoàng Văn Hải là con nhà quan chức Cộng sản thì chắc chắn là họ không bị giết, họ đã được cứu ngay từ đầu, người ta sẽ vận dụng mọi cách có được để cứu họ, không ngoại trừ dùng cả nguyên tắc Tối Huệ Quốc để cứu lấy mạng sống của con cháu họ. Và lúc đó, một kịch bản yêu thương nòi giống Việt Nam, một tiểu thuyết về khả năng tồn tại trước cái chết của cô chiêu, cậu ấm được trình làng để biến họ thành những ngôi sao của sự sống bất diệt… Điều đó vừa có lợi cho quá trình chuộc con tin lại vừa có lợi cho cái điều gọi là “mầm mống của đảng, thành phần ưu tú của xã hội”.

Nói như vậy để thấy rằng khi muốn có một thứ gì đó, người ta sẽ bằng mọi giá để bao biện rằng sự tồn tại của nó là ý nghĩa, là giá trị và không được phép mất nó. Ngược lại, khi thấy không cần thiết, người ta cũng tìm cách bao biện cho sự đập bỏ của mình bằng một hệ thống lý lẽ nghe ra cũng không đến nỗi chói tai.

Trường hợp mà ông Lê Hưng Quốc, chuyên gia đối ngoại của nhà nước Cộng sản Việt Nam trả lời trên RFA về cái chết của hai công dân Việt Nam Hoàng Trung Thông và Hoàng Văn Hải : “… Nhưng làm như thế nào thì phải theo thông lệ quốc tế. Ví dụ như tự mình đi gặp riêng bọn bắt cóc để đưa tiền chuộc là không được. Quốc tế không cấm nhưng người ta kêu gọi chính phủ là không nên. Bởi vì sao ? Nó tạo ra 1 tiền lệ hôm nay mình bồi thường trường hợp khác thì sẽ bắt trường hợp khác, cuối cùng cả thế giới này nằm trong khủng hoảng, khủng bố. Không được. Cái này cũng là 1 thông lệ mà các quốc gia đã thoả thuận với nhau, là tất cả phải báo cáo Liên hợp quốc, báo cáo với các nước có trách nhiệm và các nước sở tại để cùng nhau xử lý những trường hợp này chứ anh không được đơn phương xử lý.

Mọi trường hợp bắt cóc đều có các lý do của nó. Và mỗi vụ này với vụ khác hoàn toàn khác nhau. Không thể lấy vụ năm ngoái để suy diễn cho vụ năm nay, cách đây 10 năm cũng tương tự như thế này nên bây giờ cũng như thế. Không bao giờ.

Chỉ có cái là ngày xưa chính phủ cứ đơn phương “đi đêm” với bọn bắt cóc, rồi trả tiền chuộc. Hiện nay có rất nhiều vụ báo cứ đăng ầm lên là trả bao nhiêu triệu đô ấy, là rất nguy hiểm vì khuyến khích bọn bắt cóc.

Những chuyện như vậy Liên hiệp quốc phải khuyến cáo, không nên bồi thường như thế vì sẽ lan rộng chuyện bắt cóc là không được”.

Nói như vậy thì cuối cũng nghe ra cũng rất chi là hợp lý, hợp tai và chẳng ai có thể trách ai được trong chuyện này, mọi chuyện đều đổ lên “thông lệ quốc tế”, mượn thông lệ quốc tế vốn dĩ là bài thuộc lòng của giới chuyên gia nhà nước mặc dù cái họ mượn chỉ có hại cho dân và có lợi cho sự vô trách nhiệm của họ.

Thử nghĩ, nếu họ thực sự coi trọng thông lệ quốc tế hay các qui định quốc tế thì tại sao họ phải ém nhẹm thông tin về vụ các nạn nhân bị bắt cóc và sau đó là cấm đoán thông tin về cái chết của các nạn nhân ? Và nếu thực sự coi trọng các qui định quốc tế thì tại sao các phiên tòa xử các nhà hoạt động đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam lại khuất tất và man trá như đã thấy ? Không phải là một vụ mà đã có quá nhiều vụ !

Điều nhà làm tôi liên tưởng đến một thứ rất dân dã của nhà nông, đó là cái cuốc. Với người nông dân, cái cuốc là phương tiện, là sinh kế để đào ra hột gạo mà sống, nhưng với người Cộng sản, nó không phải là sinh kế, không phải là phương tiện đào ra hột gạo tồn tại, mà là thứ vũ khí để đập vào sọ đối phương. Đã có rất nhiều cái chết trong chiến tranh chứng minh cho điều này, xét nghĩ không cần bàn thêm. Điều ước hay qui định quốc tế cũng vậy thôi, với người này, nó là phương tiện để nâng cao tính nhân đạo, với kẻ khác, nó là phương tiện để bao biện, thậm chí để trí trá, bao che cho sự vô cảm, lạnh lùng, cái ác !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 21/07/2017

Published in Diễn đàn

Trong tuần này, có nhiều sự kiện diễn ra ở khu vực Bắc miền Trung. Một đoàn xe hơn 100 chiếc của các gia đình kéo lên trạm thu phí cầu Bến Thủy và dùng tiền lẻ để trả phí, nhân viên kiểm tiền phí phải tốn hàng giờ đếm tiền và cả một đoạn xe rồng rắn dài hàng ngàn mét nối đuôi để chờ. Bà con ngư dân xã Kỳ Lợi lên đèo Con, đoạn phía Bắc đèo Ngang, dùng ngư cụ như lưới, dầm chèo để chặn xe, bày tỏ thái độ bất bình bởi đền bù không thỏa đáng. Người dân hai xã Thạch Bằng và Thạch Kim đã kéo lên trụ sở ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà để yêu cầu Chủ tịch huyện đối chấp về việc hai công an viên đã nổ súng đe dọa người trong xã. Và còn nhiều sự kiện khác đã và sắp diễn ra…

danviet1

Dân kéo đến trụ sở UBND huyện Lộc Hà để đối chấp về việc công an nổ súng đe dọa dân trong xã

Tất cả những sự kiện trên đây buồn nhiều hơn vui và bi quan nhiều hơn lạc quan. Vì sao ? Vì nếu như niềm vui của một con người chứng đất nước đã thay đổi, người dân đã biết tự mình nói lên tiếng nói của mình, cùng kết đoàn với nhau để đấu tranh cho lẽ phải chưa tày gang thì nỗi buồn về một đất nước đang bị kéo ngược bởi một thứ chủ trương mơ hồ, nước đôi và khó định dạng.

Thiết nghĩ, chuyện Formosa có thể đã giải quyết êm thấm từ lâu. Nếu như chính phủ và trung ương cộng sản Việt Nam làm quyết liệt ngay từ đầu, đừng dấm dúi và nói láo rằng cá chết, hải sản chết là do thừa amoniac, rồi do tảo đỏ, do tảo độc… Để cuối cùng, khi các nhà nghiên cứu độc lập vào cuộc, kết quả không thể chối cãi thì nhà cầm quyền trung ương mới tuyên bố biển nhiễm độc và tiếp tục dựng vở kịch "xin lỗi" của ban giám đốc Formosa cùng với gói đền bù đầy tính tượng trưng : 500 triệu Mỹ kim – một số tiền mà mới nghe tưởng lớn nhưng thực tế thì chẳng có ý nghĩa gì so với thiệt hại biển, thiệt hại con người, vạn vật.

Và chưa dừng ở đó, thêm một vở kịch khác của chính phủ về việc "đã nỗ lực điều tra và buộc thế Formosa" càng làm cho mọi chuyện trở nên hợm hĩnh, tầm thường và dối trá. Nhưng, giá như mọi chuyện tệ hại chỉ dừng tại đây thì mọi chuyện vẫn còn có thể hi vọng vớt vát, xoa dịu được nỗi bức xúc của ngư dân. Đằng này thì không, tiếp tục chuyện cơ quan chính quyền địa phương ăn chặn đền bù, gian dối đền bù. Thêm một lần nửa, chảo lửa bất bình trong nhân dân bùng phát.

Trong lúc hàng triệu gia đình lâm vào khốn khó, mất sinh kế, đội đơn đi hết nơi này đến nơi khác để yêu cầu đền bù nhưng không có hồi đáp, con cái phải bỏ học đi làm thuê tứ xứ… Thì có nhiều nhà quan chức không hề tổn thất trong vụ biển nhiễm độc lại được nhận đền bù tỉ này tỉ nọ, sắm thêm nhà cửa, xe cộ. Người dân bức xúc, yêu cầu nhà cầm quyền trả lời cụ thể, giải trình rõ ràng thì bị làm ngơ, thậm chí bị công an mang súng đến nhà hù dọa. Sự việc có vẻ như khó bề dừng lại được khi sự bức xúc của nhân dân càng lúc càng cao, nỗi thất vọng về sự sòng phẵng của chính quyền càng ngày càng đầy và những gì nhân dân chứng kiến đều là nhà nước bao che, toa rập với Formosa, sẵn sàng tung công an, quân đội, hàng rào kẽm gai và bạo lực để đối xử với nhân dân, để bảo vệ cho Formosa.

Tất cả những động thái của nhà cầm quyền chỉ mang lại một hệ quả duy nhất : ngày càng làm mất niềm tin và thiện cảm của nhân dân, đẩy nhân dân vào thế phản kháng. Và dường như mọi thứ đang diễn ra đúng với luật nhân quả của nó. Điều này thật đáng buồn. Bởi chỉ vì bênh vực, toa rập với Formosa, vì những thứ thỏa hiệp có tính chất đấu đá nội bộ trung ương đảng cũng như vì những đòn loại nhau trong nội bộ trung ương đảng đã dẫn đến tình trạng xuất hiện hàng chục Trần Ích Tắc sẵn sàng rước voi về dày mả tổ, sẵn sàng rước kẻ xâm lược vào làm đồng bọn, cho chúng mặc sức tác oai tác quái trên quê hương, bỏ mặc hàng triệu người dân phải đau khổ, mất mát đất đai, tài sản và gào khản tiếng, rên xiết vì bất công, vì bị đàn áp và tuyệt vọng!

Ở đây, khi người dân biết tự đấu tranh cho mình là tín hiệu vui nhưng lại quá buồn trong bối cảnh hiện tại. Bởi lẽ, một nhà nước, một đảng phải tồn tại được là hoàn toàn nhờ vào đồng thuế của dân thì họ phải có những hành động đền ơn, đáp nghĩa phải lẽ với nhân dân, phải tìm cách nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí và mở rộng dân chủ bằng mọi giá để đất nước được phát triển tốt đẹp. Đằng này, không những làm cho mọi chuyện trở nên ngột ngạt, người dân bức bách mà nhà nước còn đẩy nhân dân về một phía, phía còn lại là nhà nước và những nhóm lợi ích, trong đó gồm cả những nhóm lợi ích ngoại quốc, đặc biệt là Trung Quốc, Đài Loan được ưu tiên hàng đầu.

Kiểu làm việc và hành xử như thế nhanh chóng đẩy nhân dân về phía cùng khổ, thù nghịch với nhà nước và điều này càng trở nên khốc liệt hơn khi nhà nước thẳng tay đàn áp nhân dân của mình chỉ vì quyền lợi của nhóm lợi ích nào đó. Hưng Nghiệp Formosa, FLC, VinCom, Hoàng Anh Gia Lai, kẽm Núi Pháo và hàng trăm tập đoàn, nhóm lợi ích khác đang dày xéo lên quyền sinh tồn của nhân dân. Nhà nước trắng trợn chống lưng cho bọn họ, đẩy nhân dân về phía kẻ thù, kẻ phản động. Và buộc lòng nhân dân phải nổi dậy.

Đây là điều đáng buồn, là chuyện không may của quốc gia, dân tộc. Bởi một quốc gia, một dân tộc may mắn sẽ có được hệ thống nhà nước tốt đẹp để phát triển, để bền vững. Ngược lại, một quốc gia, dân tộc không may mắn như Việt Nam, vẫn có một bộ máy nhà nước vững mạnh với cơ chế độc tài, toàn trị một cách đầy đủ của nó. Nhưng tự do, sự tiến bộ và dân chủ thì không có. Bởi sự vững mạnh của nhà nước Cộng sản Việt Nam ngược dấu với tự do, dân chủ và tiến bộ.

Cuối cùng, ở một quốc gia tử tế, người dân không phải mất công để đấu tranh cho những thứ không cần đấu tranh mà vẫn có, như việc đền bù thỏa đáng, việc giữ tài nguyên, môi trường, việc công lực nhà nước đảm bảo đối xử tử tế với công dân chẳng hạn !Rất tiếc, nếu xét trên khía cạnh này, người dân Việt còn phải đấu tranh lâu dài mới có được. Và càng đấu tranh lâu dài, càng lan rộng cuộc đấu tranh chỉ cho thấy dân tộc Việt Nam không may mắn. Ít nhất là không may mắn vì phải cõng một nhà nước tồi tệ trên lưng. Thật đáng buồn!

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, .03/04/2017 (VietTuSaiGon's blog)

Additional Info

  • Author Viết từ Sài Gòn
Published in Diễn đàn
Trang 11 đến 11