Vụ nhà xe bỏ tiền lẻ vào chai để đưa cho nhân viên thu phí trạm Cai Lậy, khiến cho trạm này khóc trời khóc đất, sau đó nhà nước vào cuộc, đưa ra cái qui định khá khôi hài là bất kì nhà xe nào bỏ tiền lẻ vào chai khi thanh toán sẽ bị phạt từ 3 đến 5 năm tù.
Điều này khiến cho ba câu hỏi được đặt ra :
1. Nhà xe dùng tiền lẻ bỏ vào chai nhựa để thanh toán phí cầu đường là đúng hay sai ?
2. Tại sao nhà xe phải chơi trò này ? Và nhà nước qui định với mức chế tài từ 3 đến 5 năm tù đối với nhà xe như vậy đúng hay sai ?
3. Và câu hỏi mấu chốt : Đâu là nguyên nhân của vấn đề ?
Vụ nhà xe bỏ tiền lẻ vào chai để đưa cho nhân viên thu phí trạm Cai Lậy, khiến cho trạm này khóc trời khóc đất
Ở câu hỏi thứ nhất, nhà xe hành xử đúng hay sai, nếu nhìn trực diện vào vấn đề, chưa bàn chuyện sâu xa phía sau nó và xét theo góc độ lương tâm cũng như trách nhiệm của một công dân trong văn hóa đi đường thì rõ ràng là nhà xe đã sai. Bởi việc dùng tiền lẻ nhét từng đồng vào chai nhựa để đóng cho trạm thu phí, điều này sẽ dẫn đến hệ quả là nhân viên trạm sẽ tốn rất nhiều thời gian để đếm số tiền đó và ùn tắc giao thông sẽ xảy ra.
Giả sử trong đoàn xe tham gia lưu thông phía sau có một xe cứu thương hoặc có xe chở bà bầu đi bệnh viện trong lúc chuyển dạ thì câu chuyện sẽ lấn sang vấn đề nhân đạo cũng như lương tâm con người. Bàn theo cách gì thì kiểu nhét tiền lẻ vào chai nhựa để cho trạm thu phí phải đếm từng đồng cho bỏ ghét là cách làm thiếu suy nghĩ sâu xa, thiếu trách nhiệm với đồng loại.
Ở câu hỏi thứ hai, tại sao người ta phải làm như vậy ? Rõ ràng, đây là vấn đề sâu xa, là nguyên nhân dẫn đến những hành xử như đã thấy của nhà xe. Ai đã từng có một chiếc xe hơi tại Việt Nam đều biết chi phí đóng thuế đường bộ cho một chiếc xe nằm chỗ mỗi năm tốn hết 2 triệu đồng, chi phí đăng kiểm 1 triệu đồng nữa, sau đó là bảo hiểm này nọ, chiếc xe tốn đến 5 triệu đồng mỗi năm. Cộng thêm với việc ra đường, liên tục gặp các trạm thu phí, mỗi trạm tốn hết 35 ngàn đồng.
Đó là chưa muốn nhắc đến giá xăng tại Việt Nam có gánh 9 ngàn đồng đủ các loại phí, mà trong đó lại kéo theo phí đường bộ một lần nữa, rồi thêm chuyện các tổ cảnh sát giao thông đứng đường, bắn tốc độ, kêu vào xin ổ bánh mì. Nói một cách công tâm thì các loại phí quá cao, cao không thể tưởng tượng được, một người lao động bình thường cho dù có trúng số độc đắc thì giỏi lắm cũng đủ để mua chiếc xe hơi và đi trong vòng ba năm rồi sau đó bán xe vì theo không nổi. Chỉ mới là xe gia đình, loại 5 chỗ, trường hợp xe khách, xe tải thì miễn bàn, mức phí mỗi năm của nó có thể lên đến cả trăm triệu đồng chưa tính tiền xăng.
Với kiểu bị bóc lột từ xương đến gân như vậy, khó có nhà xe nào giữ nổi bình tĩnh để mà không hành xử như đã thấy. Bởi vấn để nhét tiền lẻ vào chai nhựa ở đây không còn là chuyện trí trá với trạm thu phí hay thể hiện nỗi bức xúc mà là một cuộc biểu tình linh hoạt theo kiểu "ở bầu thì tròn ở ống thì dài". Ngoài cách này ra, họ cũng chẳng thể làm cách nào khác, bởi nếu biểu tình hay đình công gì đó trong cơ chế hiện tại, nhà xe chỉ có thua và thiệt hại từ nhiều đến rất nhiều cho họ. Điều này cho thấy vấn đề quản lý nhà nước có một cái gì đó bất thường, nó đẩy nhà xe đến chỗ bế tắc và có thể là manh động để giải tỏa nỗi uất ức.
Ở câu hỏi thứ ba, nhà nước qui định mức hình phạt từ ba đến năm năm tù giam đối với nhà xe nhét tiền lẻ vào chai nhựa khi thanh toán là đúng hay sai ? Không cần bàn luận gì nhiều, chỉ nhìn qua, đã thấy sai. Cũng không cần phải có kiến thức về luật gì cho nhiều, chỉ cần bằng trực giác của một đứa trẻ đã ít nhiều nhận thức được thế giới, xã hội, nó vẫn nhìn ra sự vô lý trong kiểu qui định trái khoáy và khôi hài này rồi !
Bởi không có bất kì điều luật nào, lương tâm nào lại đi bắt nhốt, giam hãm tự do của người khác chỉ vì người ta bỏ tiền lẻ của họ vào chai nhựa. Và giả sư như đi sâu vào vấn đề ách tắc giao thông hay làm gián đoạn giao thông của người cấp cứu, của bà mẹ sắp sinh thì chuyện này nằm ngoài chủ ý của tài xế/nhà xe, nó không nằm trong sự tính toán cũng như cấu thành tội phạm của họ.
Cái qui định phạt tù này nghe ra có vẻ để bảo vệ cho đồng tiền bát gạo của các trạm BOT (1) và bảo vệ cho cái lý lệch lạc của nhà cầm quyền nhằm che đây hàng loạt vấn đề dây mơ rễ má, có tính ăn chia và bất minh phía sau nó nhiều hơn là vì sự công tâm của pháp luật hay vì tiếng gọi của lương tri, đạo đức. Bởi nếu vì đạo đức, người ta buộc phải giải quyết từ căn cội của vấn đề chứ không ai chọn kiểu đối phó với nhân dân như vậy.
Điều này cũng giống như trường hợp Formosa Hà Tĩnh thải độc ra biển, thay vì giải quyết ngay vào cái gốc vấn đề là rà soát lại hệ thống xử lý thải của Formosa, truy cứu trách nhiệm tập đoàn này và những quan chức Việt Nam có liên quan... Thì người ta lại tổ chức đối phó với sự phẫn nộ của những ngư dân bị thiệt hại do Formosa gây ra.
Ở đây, thay vì truy xét vấn đề thu phí xem có hợp lý hay không, kiểm tra, rà soát các tuyến đường có bị xuống cấp hay không và xem lại mức thu nhập của người dân Tây Nam Bộ có tương thích với mức phí phải đóng mỗi khi qua trạm hay không, cũng như xem xét thử có những khuất tất nào trong vấn đề xây dựng trạm, thu phí của người dân và thời gian thu phí có còn hiệu lực hay hợp lý nữa hay không... Để sau đó tìm hiểu những thắc mắc của người dân, tìm hiểu xem nguyện vọng của nhân dân là gì... ? Đằng này nhà nước đã chọn ngay phương án bóp mạnh tay với dân. Có thể nói đây là một lựa chọn tồi mà hệ quả của nó là đổ thêm dầu vào chảo lửa bất bình của nhân dân.
Ở câu hỏi cuối, do đâu lại nên cớ sự như đang xảy ra tại trạm BOT Cai Lậy, Tiền Giang ? Thực ra, câu trả lời này nó trải dài từ Bắc tới Nam, ra đường, đổ xăng cũng đắt đỏ, mua bình nhớt cũng đắt hơn so với các nước tư bản, mua con ốc cũng đắt, thay cái lốp là nghe mất cả tháng lương, đường sá thì ổ gà ổ voi, công an đứng núp lùm và xin bánh mì bất kỳ giờ nào, mọi thứ đều xuống cấp, chỉ có mức phí thì tăng cao. Thử hỏi, người dân còn lựa chọn nào khác ? Mỗi sự thông minh, điêu trá trong hành xử của nhà xe chỉ cho thấy họ quá cô đơn, lẻ loi trong lý sự quốc gia, họ không được bảo vệ nên họ phải phản ứng bằng cách nào đó.
Và trong một quốc gia mà ngay cả quyền bày tỏ những uất ức của mình cũng có thể bị ngồi tù thì e rằng khó có một nhà nước bền vững cũng như khó có một quốc gia cường thịnh và văn minh !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 08/08/2017 (VietTuSaiGon's blog)
(1) BOT (Build-Operate-Transfer) có nghĩa là Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao. Đây là những cơ sở kiểu "giao chìa khóa", nghĩa là đã hoàn tất, người nhận chỉ việc vận hành và sử dụng.