Tin ông Trần Đại Quang qua đời lúc 10g05 ngày 21 tháng 9 năm 2018 dường như không làm người nghe ngạc nhiên, thậm chí còn tạo ra nhiều luồng dư luận trái chiều và gây ngạc nhiên cho giới quan sát. Điều đáng ngạc nhiên nhất là thái độ của đại bộ phận nhân dân trước cái chết của một nguyên thủ quốc gia. Thay vì thương tiếc một vị Chủ tịch, không ít người tỏ ra vui mừng, thậm chí reo mừng. Tại sao lại đến nông nỗi như đang thấy ?
Ông Trần Đại Quang qua đời lúc 10g05 ngày 21 tháng 9 năm 2018
Hiện tại, sau tin Chủ tịch Trần Đại Quang chết chưa đầy nửa ngày, đã có nhiều facebook kêu gọi "tuần hành" tưởng nhớ ông. Đương nhiên, đây là cuộc tuần hành không phải để "tưởng nhớ" như chủ trang này "kêu gọi". Bởi điều này không cần phân tích, mổ xẻ nhiều lắm cũng đủ nhận ra chủ trang facebook này là ai và họ có thiện cảm gì với chế độ cầm quyền.
Vấn đề đáng nói ở đây là người Việt vốn giữ đạo lý "nghĩa tử nghĩa tận", cho dù ghét nhau đến mức nào thì khi nhắm mắt lìa đời, người ta cũng tránh nói đến những thói hư tật xấu của người chết và chỉ nhắc đến những gì tốt đẹp như một sự yên ủi, tiễn biệt nhẹ nhàng, ấm tình người… Nhưng ở đây thì không, thay vì hoặc im lặng, hoặc bày tỏ sự phân ưu, người ta lại vui mừng, thậm chí reo mừng ! Phải chăng người Việt đã trở nên vô cảm ? Hoặc nền giáo dục Việt Nam đã đẩy con người đến chỗ không còn tinh thần tương thân tương ái, nghĩa tử nghĩa tận hoặc có một vấn đề gì khác ?
Cái khả năng thứ nhất và thứ nhì có vẻ như không hẳn đúng. Vẫn biết là người Việt Nam có phần vô cảm hơn so với trước, nền giáo dục Việt Nam cũng góp phần không nhỏ đến việc làm băng hoại nhiều thế hệ. Nhưng điều đó không có nghĩa là tính nhân cảm của dân tộc này bị loại bỏ hoàn toàn một sớm một chiều. Hơn nữa, giếng mối tộc họ, xóm làng, tình anh em đồng nghiệp, tình đồng hội, đồng thuyền, đồng hương, tình luyến lưu giọng nói cùng quê… Là chất keo gắn kết con người với con người trong mọi hoàn cảnh.
Và điều này càng được minh chứng rõ hơn giữa xã hội ngày càng khắc nghiệt này, vẫn có nhiều nghĩa cử, nhiều tấm lòng làm đẹp cuộc sống. Phải nói là những nghĩa cử, tấm lòng này không hề ít ! Như vậy, hai khả năng trên nghe có vẻ không hợp lý để giải thích cho sự vui sướng của đại bộ phận nhân dân trước thông tin về cái chết của Chủ tịch Trần Đại Quang.
Mà vấn đề đáng sợ ở đây là mối thiện cảm có được của Đảng cộng sản dường như hoàn toàn mất dấu trong nhân dân và trong chính nội bộ Đảng cộng sản. Nếu như cái chết của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 49 năm khiến cho hàng triệu trái tim người miền Bắc và hàng trăm ngàn trái tim người cộng sản tại miền Nam Việt Nam thổn thức bao nhiêu thì hiện nay, cái chết của một vị Chủ tịch của cùng một chế độ cộng sản lại khiến cho hàng triệu người miền Bắc cười thầm và hàng triệu người miền Nam reo hò. Chưa dừng ở đó, nếu như cái chết của Hồ Chí Minh khiến cho không ít các đồng chí của ông thấy tuyệt vọng, rớt nước mắt thì cái chết của Chủ tịch Trần Đại Quang lại khiến cho rất nhiều đồng chí của ông mừng thầm vì mới có một cái ghế quyền lực bỏ trống, và cơ hội tranh đoạt lại bắt đầu !
Điều này cho thấy ngay trong nội bộ Đảng cộng sản cũng đã có nhiều chuyển biến và càng ngày, sự chuyển biến này càng lớn. Nếu như trước đây, cơ chế cũng như động cơ hoạt động của Đảng cộng sản chủ yếu dựa vào lý tưởng xây dựng đảng thì bây giờ, cơ chế và động cơ hoạt động của những người cộng sản đã hoàn toàn phá bỏ những lý tưởng đó và hai chữ cộng sản chỉ duy trì trên mặt khẩu hiệu, hình thức. Mục tiêu lớn nhất của người cộng sản bây giờ là tranh đoạt quyền lực và vinh thân phì gia, bất chấp sự thăng trầm của hệ thống hay cái chết của đồng chí.
Và đây cũng là cốt lõi dẫn đến sự mất niềm tin trong nhân dân. Một phần nhân dân trở nên vô cảm bởi sống trong cơ chế kiểm kẹp gắt máu của chế độ, thụ đắc nền giáo dục lạc hậu và vô cảm của chế độ, một phần khác, chính những cú áp phe quyền lực, bất chấp số phận của nhân dân và thậm chí biến nhân dân thành một đám dân đen dốt nát để dễ bề sai bảo và ngày càng thể hiện sự xa hoa, sự coi thường nhân dân một cách trơ tráo, thô bạo của người cộng sản đã khiến cho nhân dân nhìn Đảng cộng sản bằng con mắt khác.
Theo thời gian, nếu như cái chết của người lãnh đạo cộng sản những năm thập niên 1970 là một quốc tang thực sự của nhiều người theo lý tưởng cộng sản, thì đến những năm 1980, nó đã phai nhạt, đến thập niên 1990 thì chuyện quốc tang chỉ còn là hình thức, đến những năm 2000, quốc tang đã chia đôi dư luận một cách rõ rệt, kẻ khen, người chê nhà lãnh đạo. Và đến thời điểm hiện nay, dường như quốc tang đang trở thành trò cười hoặc sự hả hê của số đông, đáng sợ nhất là trong số đông ấy có cả số đông các đồng chí thuộc nhóm lợi ích đối lập với nhà lãnh đạo vừa chết !
Có thế nói rằng cuộc sống dằng dai sau 6 lần đi điều trị bệnh "nhiễm virus lạ" tại Nhật Bản mà sau mỗi lần điều trị, ông Trần Đại Quang lại xuất hiện với một diện mạo khác thường, điều này gây ra nhiều nghi vấn về "Quang thật Quang giả" (cũng giống như năm sinh trên giấy tờ của ông cũng khiến cho người ta không thể không nghi vấn) thì dù sao đi nữa, cái chết chính thức của ông lần này cũng cởi bỏ được nhiều nghi vấn Quang thật Quang giả. Và đúng như ôÔng Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương Đảng cộng sản Việt Nam nói là ông Quang đi Nhật chữa bệnh 6 lần, thì ông cũng có 6 lần xuất hiện trước công chúng với 6 diện mạo khác nhau.
Con số 6 lần này đặt ra dấu hỏi liệu có thật hay không thật 6 lần đi điều trị bệnh tại Nhật Bản ? Hay con số 6 lần là một sự tính toán để trùng khớp với 6 lần ông Trần Đại Quang xuất hiện một cách khác thường ? Và liệu có phải ngày công bố cái chết là ngày chết thực sự hay ông đã chết một ngày nào đó không phải là ngày công bố ?
Nói cho cùng, những câu hỏi đặt ra cũng chẳng giài quyết được gì một khi ông Trần Đại Quang đã chết. Nhưng cái chết của ông lại đóng vai trò nhiệt kế về lòng tin của người dân vào chế độ. Công tâm mà nói thì mặc dù ông Quang từng làm Bộ trưởng Bộ Công an, thời ông làm Bộ trưởng cũng khá gắt máu. Nhưng trên cương vị Chủ tịch nước, đứng trước bộ sậu "tứ trụ", ông là người chiếm được thiện cảm của nhân dân hơn cả. Vì chí ít, lựa chọn chuyến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức Chủ tịch nước, ông không thăm Trung Quốc như các tiền nhiệm đã làm mà ông chọn thăm Hoa Kỳ. Chính điều này giúp ông chiếm được thiện cảm nhân dân nhiều hơn ba nhân vật còn lại trong bộ tứ.
Thử hỏi, một người chiếm được lòng dân trong bộ tứ chóp bu Đảng cộng sản mà khi chết, người dân còn tỏ ra hồ hỡi, các đồng chí còn tỏ ra vui mừng vì có ghế trống để tranh đoạt như vậy, thì liệu các quan chức cộng sản khác chết, phản ứng của người dân sẽ đi đến đâu ? Dù sao chúng tôi cũng xin cầu nguyện ông – vị Chủ tịch cộng sản Việt Nam được ra đi thanh thản ! Bởi ra đi thì mọi thứ đã không còn gì, đã về cát bụi, về với đất mẹ. Tiếng thơm hay tiếng xấu rồi cũng chỉ ở lại với nhân gian, nó không thuộc cõi khác !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 21/09/2018 (VietTuSaiGon's blog)
***************
Khóc anh Trần Đại Quang
JB Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 21/09/2018
Thế rồi anh cũng ra đi vào nơi vô định
Thỏa ước ao, mong muốn của bao người
Anh đừng trách dân bây giờ bạc ác
Chỉ nên tự trách mình và đảng của anh thôi
Đã bao năm, dân lầm than cơ cực
Rên xiết dưới giày đinh của chế độ bạo tàn
Đã bao người dân không còn đường sống
Cũng bởi vì đảng độc tài tàn bạo, dã man
Tôi thương anh, hết tranh rồi lại đấu
Với đồng chí của mình, để leo tới đỉnh cao
Gót chân anh, giờ đang còn ngập máu
Máu của nhân dân, chiến sĩ, đồng bào
Khổ công anh, diễn mọi trò ma quỷ
Cha mẹ đẻ đúng ngày, anh cãi lại thiên cơ
Anh chỉnh, sửa để mong còn trụ lại
Hút máu dân mình, đã mòn mỏi, xác xơ
Từ vị trí đỉnh cao quyền lực
Anh ra oai, bỏ ngục dân lành
Họ trắng tay, chỉ còn một thứ
Lòng yêu nước thương nòi như ngọc sáng long lanh
Tôi biết anh yêu anh em, con cháu
Nên đã cắm, cài những chỗ béo, chỗ sâu
Toàn những nơi đầy hương thơm, mật ngọt
Cứ tưởng triều đại mình sẽ tồn tại dài lâu
Đâu có ngờ, đời chỉ là cõi tạm
Sáng nắng, chiều mưa, sinh, lão… tử bất ngờ
Nên hôm nay, nghe tin mà sửng sốt
Cả đất nước vui mừng, cứ như ở trong mơ
Không phải dân chỉ ghét anh nên thế
Họ ghét cả tập đoàn ma quỷ tựa Satan
Bớt được thằng nào, thì hay thằng ấy
Nếu được cả bầy, đất nước sẽ hân hoan
Tôi gửi anh mấy dòng tiễn biệt
Khóc cho bạc tiền, cho sự nghiệp của anh
Cầu cho anh, một lời cầu tha thiết
Nơi tầng địa ngục cuối cùng, anh sẽ biết ăn năn
21/9/2018
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 21/09/2018 (nguyenhuuvinh's blog)
Đến lúc này, khi mà số lượng ngày tuyệt thực của anh Trần Huỳnh Duy Thức đã vượt qua mốc 30 ngày và cuộc tuyệt thực này vẫn còn tiếp tục trong trong một bầu không khí hết sức đáng ngại bởi gần như không có bất kì dấu hiệu nào cho thấy số đông người dân kịp tỉnh thức sau 30 ngày này và nhà cầm quyền đang cổ tình đẩy cuộc tuyệt thực của anh Thức đến điểm cuối của nó là cái chết. Điều này cho thấy hai vấn đề : Cuộc chiến giữa cộng sản và Dân Chủ đang ở hồi kịch tính nhất và ; Dường như ván bài của người cộng sản đã chính thức lật ngửa trước lịch sử.
Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức - Ảnh minh họa
Vì sao cộng sản họ muốn anh Thức chết ? Anh Thức chết có lợi và có hại gì cho họ ?
Ở câu hỏi này, phải lần ngược vấn đề về ván bài lật ngửa của người cộng sản lúc này. Họ không sợ anh Thức chết làm ảnh hưởng đến uy tín của họ trên chính trường quốc tế. Bởi cho đến giờ phút này, thứ mà họ có được trên chính trường quốc tế không phải là uy tín của chế độ mà là một ván bài mà món hàng họ cược trước thế giới tiến bộ không phải là năng lực chính phủ hay uy tín đảng cầm quyền, mà là hơn 100 triệu dân Việt. Họ không cần uy tín bởi họ không có nó ngay từ đầu và càng về sau, họ càng trở nên lèm nhèm, bầy hầy, thì chuyện tìm uy tín trước quốc tế là chuyện không có.
Và những gì lâu nay Đảng cộng sản đang nỗ lực làm là vừa đấm vừa xoa đối với nhân dân. Đấm bằng mọi thủ đoạn, bằng mọi hình thức bưng bít thông tin, bằng đòn tra và bằng cả cái chết uất ức của nhiều người nơi trại tạm giam, nơi góc khuất của công lý, nơi quyền lực đỏ và xã hội đen bắt tay nhau. Bên cạnh những đòn gây bất an tâm lý trên diện rộng trong nhân dân, họ lại dùng cộng hưởng với chính sách cưỡng bức thuế, cưỡng bức đất đai, cưỡng bức tài sản, cưỡng bức tự do và dân chủ bằng mọi giá… Điều này khiến cho người dân, kể cả giàu và nghèo, kể cả trí thức và nông điền đều cảm thấy mệt mỏi trước hàng loạt những chính sách áp đặt từ phía nhà cầm quyền. Và sự mệt mỏi khi sống trên đất nước hình chữ S này luôn hiện hữu, luôn có thật và luôn khiến người ta quay quắt, lẩn quẩn trong cái vòng lẩn quẩn của nó.
Một khi không kịp ngừng suy nghĩ để đối phó với thủ đoạn nhà cầm quyền thì e rằng mọi suy nghĩ khác cho dù mang màu sắc cứu cánh vẫn không thể tồn tại một cách bền bĩ hay thường trực nơi người dân. Nếp suy nghĩ thường trực nó khác hẳn với hướng đến cứu cánh. Nghĩa là cái ăn, cái mặc, chỗ ở và sự bình an tâm hồn hay sự yên tâm về giáo dục, y tế cũng như bảo đảm tài sản không bị cướp đi bởi hệ thống cầm quyền trong một ngày nào đó khiến cho người ta khó lòng mà chọn đối đầu với nhà cầm quyền. Nhưng điều đó không có nghĩa là người dân không dám đấu tranh và càng vô nghĩa hơn khi nói rằng người dân mất khả năng phản kháng. Vấn đề là mô hình phản kháng nào, mô hình đấu tranh nào khả thế trong lúc này ?!
Đến đây, có thể thấy rằng sự im lặng như bầy cừu của số đông người dân Việt Nam trước sự kiện tuyệt thực có nguy cơ dẫn đến cái chết của Trần Huỳnh Duy Thức chỉ dừng ở tính biểu tượng trong một phần lý tưởng và ước mơ của người Việt Nam nhưng nó không đủ động cơ để thúc đẩy hàng triệu con người cùng khổ đứng dậy để cùng đấu tranh. Vì sao ?
Vì trò mị dân, ngu dân và dùng bạo lực xuyên suốt với nhân dân trong suốt hơn nửa thế kỉ nay của Đảng cộng sản đã phát huy được hiệu quả của nó. Hiện tại, ván bài của Đảng cộng sản đã chính thức lật ra, họ cố tình đẩy anh Thức đến chỗ chết như là một sự răn đe đối với số đông nhân dân. Ở đây, họ sẽ tìm cách lấp liếm sự việc trước quốc tế và họ muốn gửi đến nhân dân một thông điệp rằng "các người có đủ bản lĩnh hay gan lì như Trần Huỳnh Duy Thức không ? Các người có nhìn thấy một ngôi sao dân chủ phải chết như thế nào trong trại giam hay không ?!". Chỉ chừng đó, họ chỉ cần và cần một cách bạo liệt cái giây phút anh Trần Huỳnh Duy Thức trút hơi thở cuối sau một chuỗi ngày dài tuyệt thực mà quốc tế không nói gì, thế giới tiến bộ không thể can thiệp để giữ lấy mạng sống của anh. Và một khi Trần Huỳnh Duy Thức qua đời, ván bài xem như chung cục, Đảng cộng sản một lần nữa thành công với cây gậy bạo lực của họ.
Và không phải ngẫu nhiên mà Đảng cộng sản ngăn cản, cấm nhập cảnh đối với bà Debbie Stothard và ông Minar Pimple, hai gương mặt đại diện của quốc tế dân chủ, nhân quyền. Và càng không phải ngẫu nhiên mà những cán bộ quản giáo trại giam cấm anh Thức và người thân trao đổi tình hình, tin tức, thời sự với nhau để rồi họ dùng đến hành vi tước đoạt quyền thăm nuôi ngay tức khắc và cưỡng bức anh Thức quay trở lại phòng giam cũng như cưỡng bức gia đình anh Thức ra ngoài bằng công an một cách thô bạo. Để rồi anh Thức tuyên bố tiếp tục tuyệt thực mà theo anh là lẽ ra anh quyết định dừng sau khi gặp người thân.
Rõ ràng, đây là một kịch bản có tính toán kỹ lưỡng để đẩy anh Thức đến chỗ chết cũng như thách thức công luận quốc tế bằng cái lý do rất hợp lý là anh Thức tuyệt thực "không xác định được nguyên nhân hay lý do gì". Nói cho cùng, nếu anh Thức qua đời trong lúc này, điều đó có thể đánh thức rất lớn lương tri của người hiểu biết và giới đấu tranh cho dân chủ, độc lập và nhân quyền Việt Nam. Nhưng đó là lương tri được đánh thức của một tập hợp không lớn giữa số đông nhân dân vốn quen với sợ hãi và thỏa hiệp. Cái số đông này càng thêm sợ hãi và thỏa hiệp hơn sau khi anh Thức qua đời.
Cuộc tuyệt thực của anh Thức cũng là một thử thách sự quả cảm của giới đấu tranh Việt Nam có dám đồng hành cùng với anh hay không, và là dấu hỏi đối với quốc tế, đối với các cường quốc vốn có nền dân chủ lâu đời, bền vững. Họ buộc phải kịp thời lên tiếng, thậm chí tác động một cách mạnh mẽ nhất để đòi quyền lợi cho anh Thức, cũng là đòi quyền lợi cho một biểu tượng về thế giới của họ trong đất nước độc tài này. Nếu bây giờ, họ vẫn giữ thái độ như suốt 30 ngày qua, phản ứng có chừng mực, thì điều đó cho thấy dường như thế giới tiến bộ, dân chủ chỉ là cái vỏ bọc cho một cơ chế độc tài kiểu mới trong chiếc áo dân chủ.
Và đương nhiên rất khó để đoán định được rằng có hay không có độc tài trong thế giới dân chủ mà phần lớn chỉ còn là danh nghĩa trên các văn bản khế ước dân tộc chứ không còn là động cơ thôi thúc hành động của các nhà lãnh đạo như hiện nay. Trong một thế giới mà mộng bá chủ vẫn chưa bao giờ ngưng trong lúc bậc thang về văn minh, văn hóa có phần đi lùi so với các thập niên trước.
Chỉ biết cầu nguyện cho anh Thức chân cứng đá mềm và chúng tôi vẫn đinh ninh một niềm tin : Thế giới chưa đến nỗi bệ rạc như chúng ta tưởng. Và anh Trần Huỳnh Duy Thức phải được sống, được tự do như một minh chứng về sự tồn tại của Tự Do, Dân Chủ và tiến bộ trên mặt địa cầu này !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 15/09/2018 (VietTuSaiGon's blog)
Câu chuyện học sinh miền núi lội suối tới trường, ăn cơm trắng hoặc với muối trắng giã gừng, giã ớt, hái lá rừng, củ gừng… xào, luộc qua ngày đoạn tháng để mong kiếm lấy con chữ không còn mấy xa lạ ở thời đại bùng nổ thông tin qua internet như hiện nay. Mọi chuyện dường như chẳng bao giờ ngã ngũ với cơ chế quản lý như hiện tại, khi các quan không dừng lại ở nhà lầu xe hơi, nhà cao cửa rộng mà là mấy biệt phủ dát vàng, bao nhiêu nhà, tài sản ở nước ngoài… thì đâu đó, chút phần quà cứu trợ của các em cũng bị chén xén chỉ còn nhỏ giọt khi đến được vùng núi cao.
Xót cảnh học sinh vùng cao ăn cơm nguội trộn mì tôm một cách ngon lành - Kul News
Thế nhưng, có một câu chuyện khác cũng đáng bàn không kém khi nhắc đến những phần quà cứu trợ, những bữa ăn từ thiện… đó là "đại nạn một bữa no".
Những tưởng đó chỉ là câu chuyện trong văn học của nhà văn Nam Cao hơn nửa thế kỷ trước, nhưng không, một bữa no của hiện tại không chỉ là của một nhân vật nào, ở một địa điểm nào. Một bữa no của hiện tại bao phủ lên ba miền đất nước, những nơi núi cao hẻo lánh, nơi đầm sình lầy lội, nơi hun hút những con gió biển thổi tít tận đâu đâu nhưng không lấy đi được cái nghèo của học sinh nơi đó.
Một đoạn clip ghi lại cảnh một bữa ăn của các em học sinh trường tiểu học Keo Lôm xã Keo Lôm huyện Điện Biên Đông tỉnh Điện Biên vào đầu năm học này hay cảnh trẻ em ở một trường miền núi nào đó đang ngồi theo hàng và được ban phát một bữa ăn, các em ăn say sưa mặc cho mọi người đứng quanh hay quay phim, chụp hình, mặc cho nền đất chân trần hay dép lê, dép đứt… đó là một vài ví dụ cho trường hợp một bữa no của các em. Đại nạn một bữa no của các em có thể xuất phát từ sự yêu thương của mọi người, một người nào đó dành cho các em mà đâu đó, nó cũng thể hiện một phần căn cốt của người xem mà người truyền thông điệp muốn chuyển tải.
Hãy bỏ qua vấn đề liên quan đến nạn tham nhũng, cửa công, ăn chặn, sự chậm trễ hay bất lương từ việc ăn trên mồ hôi của người lao động, bòn rút từ những hạt gạo của trẻ em miền núi của các giới chức, cán bộ… Bởi điều đó quá mặc nhiên và miễn bàn ở hệ thống hiện tại. Bới ví như nếu anh chỉ là một anh vận chuyển, một phó thôn, phó xóm… nhìn thấy cảnh cơ cực của những đứa nhỏ bữa đói bữa no với từng lon gạo cha mẹ ki cóp cho con mang tới trường, những búp chuối rừng, cá suối mà các em buộc sống đời sống của Tarzan… không ai có lương tâm dám ăn chặn…
Nhưng những người ở xa hơn một chút, người ở cao hơn một chút… anh nằm trong một hệ thống được ăn chỉ theo tỷ lệ 4-3-2-1 nghĩa là cứ 10 đồng hỗ trợ cho trẻ em miền núi thì sẽ có 4 đồng được chia cho bậc cao nhất từ quyết định xuất tiền/gạo/vật phẩm… được ký, 3 đồng tiếp theo sẽ nằm trong tay bậc tiếp theo khi số tiền/gạo/vật phẩm ấy được xuất kho và trên đường đến với cơ sở tổng ở địa phương được hỗ trợ, 2 đồng tiếp sẽ nằm ở các viên chức địa phương, nơi trực tiếp nhận số tiền/gạo/vật phẩm đó để đưa về đến tay các em và 1 đồng còn lại chính là những gói mì tôm hết hạn, những đồng tiền nhỏ giọt mà các trường miền núi, vùng sâu vùng xa chờ dài cổ từ năm này qua năm khác… Nếu nhận được một bữa no từ những hệ thống này, e rằng các em đã đến lúc tự bước ra khỏi rừng núi để làm thuê xứ người hoặc lùi sâu hơn vào đại ngàn để kiếm sống như muôn thú.
Tôi còn nhớ vào một chiều mưa rả rích cách đây hai tuần, lang thang cà phê cóc và ngồi bên một nhóm bạn trẻ chừng đôi mươi. Tôi lùi ghế vào góc xa bên gốc cây bông giấy xù xì nở thêm vài bông nhỏ, nhóm trẻ lặng thinh chuyển dần thành xì xùm bàn luận về một câu chuyện mà anh chàng kính cận đi cùng vừa kể :
"Hôm rồi tao coi một đoạn phim, kể về việc một chú chim đại bàng ra sức bảo vệ con mình trước một bộ tộc đói khát và xem trứng đại bàng là món bổ. Đại bàng mẹ lượn lờ quanh tổ để bảo vệ trứng chim, thế rồi một ông nọ bày cho những người quấn khố kia cách lấy một chiếc lá thổi, tạo ra một loại âm thanh thu dụ chim mẹ. Lúc âm thanh phát ra cách tổ chim một khoảng đủ xa và không quá gần, chim mẹ bay lại tìm kẻ địch, và kết quả là lúc bay lại về tổ, nguyên một ổ trứng đã bị hốt. Chim mẹ vung cánh tìm đến bên một đống lửa với 2 quả trứng trong xô nước treo lủng lẳng. Nó lao vào đám đông và hất đổ xô nước, nhưng quá muộn màng… những quả trứng đã bị luộc chín… Nó đứng lặng nhìn ổ trứng luộc một lúc rồi bay đi… !".
Chiều thu trở nên ảm đạm khi tụi trẻ lặng thinh và rồi :
"Thiệt tình, loài này sinh ra là để dưỡng loài khác, bình thường mà".
"Tao thì thấy thương con đại bàng quá, cái cảnh đó…".
"Thì họ đói quá mà, cần gì nghĩ…".
"Trách thì trách cái thằng nghĩ ra cái âm thanh dẫn dụ đại bàng ấy".
"Tao thì thấy thường, mà có trách thì hỏi cái thằng đạo diễn đoạn phim ấy…".
Hai từ "đạo diễn" bám chặt lấy đầu óc tôi suốt chiều hôm ấy. Tại sao các mạnh thường quân không phân phát bữa ăn về nhà các em, hoặc giả là để vào bàn ăn trong lớp học ? Bởi các em có thể tập trung lại được với nhiều người đứng quanh thì chứng tỏ đó có thể là trước một mái trường hoặc chí ít quanh đó cũng có nhà ai đó, sao không để trẻ vào nhà ngồi ăn. Không múa lân, không phải bánh kẹo, không phải đồ chơi để con trẻ ngồi ngay sân mà chơi… lạy Chúa, đó là một bữa ăn. Người ta đã có thể làm nhiều hơn thế, đã có thể để các em có một bữa no tử tế chỉ với việc thay đổi địa điểm và tư thế ăn của các em, nhưng không, họ đã chọn cách làm như vậy : Những trẻ em nghèo khổ xếp hàng ngồi chồm hỗm ăn một món gì đó có vẻ là bún…
Và một clip khác, cảnh các em học sinh trường tiểu học Keo Lôm xã Keo Lôm huyện Điện Biên Đông tỉnh Điện Biên ngồi trong lớp học có bàn với những hộp nhựa đựng cơm ăn cùng mì tôm. Và mì tôm ở đây là phần quà của một số người thấy thương các em nên tặng gạo, mì tôm… Tác giả của clip lên tiếng rằng các em là học sinh người H'Mong, vì thấy các em thương quá nên anh đã quay lại clip đó.
Tôi một lần nữa ngậm ngùi trước cảnh chẳng mấy lạ ở cái xứ sở này, nhưng một người bạn nữ của tôi thì lại khác. Cô ấy bảo rằng sao người ta phải múc lấy múc để mì tôm để thêm vào tô của các em, sao người ta không chia phần ra và để các em ăn vừa phải… họ không sợ một bữa no sao ?
Một bữa no của những học sinh vốn dĩ hiền lành, chân chất, chỉ thấy đói ăn, khát uống… Hình ảnh của các em được lan tỏa khắp địa cầu và vô hình trung, một đám trẻ ngây thơ trở thành nhân vật đang diễn cảnh thật của mình trong một kịch bản ngẫu nhiên tìm tiếng nói, hạt gạo, gói mì tôm để ủng hộ các em.
Từ một góc xa xôi nào đó của địa cầu, trong hình hài một cục đất sét của trẻ con nhào nặn, có người đang tự hỏi rằng phải chăng nếu các em có được một bữa no tử tế theo đúng nghĩa, các em sẽ khó có được một bữa no tiếp theo. Bởi ở cái thời giả giả thật thật, nếu các em ăn theo đúng nghĩa ăn, không lê thê lếch thếch, không tay chân dính đất, không hì hà hì hục… nhiều người không tin các em đói ?!
Rõ ràng nhiều người trong chúng ta chọn cách nhanh nhất có thể được để giúp đỡ các em, trong số đó, có nhiều góp nhiều, có ít góp ít, quen nhiều kêu gọi nhiều, quen ít thì tìm cách khác kêu gọi… suy cho cùng ai cũng muốn giúp các em có được bữa no hơn… Nhưng phải thảm khổ, phải phi lý, phải rớt xuống tận cùng của thống khổ kia mới đủ hiệu năng đánh động lòng thương cảm đồng loại mới được chăng ?!
Đôi lúc tôi tự hỏi rằng liệu có một nhóm vận động hành lang nào có thể tồn tại ở đất nước này, lúc này không ? Những nhóm người dùng tấm lòng của mình, một chút tiền của mình, một chút vị thế của mình… cùng góp lên tiếng nói ủng hộ các em thông qua các đạo luật, thông qua những áp lực buộc hệ thống 4-3-2-1 tan rã, rằng 10 phần gạo sẽ về thẳng nồi cơm của các em ?
Đôi khi, mọi mong ước, mọi câu hỏi chỉ dừng lại ở việc mong rằng các em không trở thành nhân vật thật trong cuốn phim đi tìm một bữa no nào đó như các em đã từng và đang tiếp tục chịu sắm vai "một bữa no" ! ?
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 10/09/2018 (VietTuSaiGon's blog)
Cụm từ ‘đi bão’xuất hiện nhiều trong những ngày gần đây sau khi U23 Việt Nam giành quyền vào trận bán kết gặp Hàn Quốc ở Asiad 2018 đang diễn ra ở Indonesia. Thế nhưng cơn bão nào đang thực sự gây chấn động khiến nhiều người phải nghĩ đến chuyện ‘chạy bão’ ngay trong những ngày cuối tháng 8 này, có lẽ phải kể đến hai cơn bão lớn : bão giáo dục (thổi vào) lớp 1, bão bóng đá.
Nhiều bậc cha mẹ đang đau đầu nhức óc về vấn đề mua sách giáo khoa và chọn trường cho con học
Ở cơn bão thứ nhất, giáo dục lớp 1 : hiện tại là khoảng thời gian nhiều bậc cha mẹ đang đau đầu nhức óc về vấn đề mua sách giáo khoa và chọn trường cho con học. Việc chọn trường lẽ ra đã diễn ra từ đầu tháng 6, lúc trẻ con bắt đầu tạm biệt trường mẫu giáo và các trường tiểu học chuyên, chuẩn, công mở bán hồ sơ đăng ký vào các trường… Tuy nhiên không phải ai trong các bậc cha mẹ cũng có đủ điều kiện để xếp hàng, để đăng ký và xin cho con mình vào các trường ưng ý nên buộc lòng nhiều người phải nhắm mắt chờ số phận đẩy đưa, thôi hên xui, may rủi để mong con gặp được giáo viên tốt ở lớp 1.
Và cuối tháng 8, khi lịch đã lên sẵn, dắt tay con đến trường để nhận lớp chuẩn bị trước khai giảng, nhiều người ngỡ ngàng trước quy định đồng phục, sách vở, môn học mỗi trường mỗi khác. Và một cuộc ‘chạy bão’ nước rút hình thành. Từ việc cảm nhận của con, của phụ huynh về giáo viên, những người họ đã biết rõ hoặc cảm nhận của cái nhìn, cách xử sự của giáo viên với học sinh hoặc cha mẹ học sinh… nhiều lý do để dẫn đến việc nên tìm đường chuyển lớp cho con hay không. Bởi lớp 1 trẻ con bỡ ngỡ bước vào, rời xa búp bê, xe gỗ, rời những trượt xích đu nhựa, những bữa ăn í à í ơi các cô mẫu giáo, trẻ con cần một sự yêu thương, thấu hiểu trước khi nhận đòn roi hay cái nhìn gay gắt (mà về nguyên tắc là tối kị trong giáo dục) của thầy cô giáo.
Đó là chưa kể đến việc lãng phí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho việc mua sách giáo khoa. Nếu như trước đây nhiều thế hệ học chung một bộ sách giáo khoa thì bây giờ các trường, các vùng không còn thống nhất giáo trình, chưa kể đến việc sách năm nay khác sách năm ngoái. Tôi gặp không ít bậc cha mẹ phải chạy tới chạy lui cả chục hiệu sách để tìm cho bằng được một, hai cuốn giáo trình đạo đức lớp 1 hoặc bài thực hành toán lớp 1… Và họ càng rối trí hơn khi ngày khai giảng của con đang tới gần và các nhà sách đều trả lời rằng ‘vừa hết’.
Vấn đề đáng bàn là họ đã mua cho con cả bộ giáo trình lớp 1 từ đầu hè, và tin rằng như vậy con đã đủ sách học. Nhưng khi tập trung, nhiều người hỡi ôi vì mỗi trường yêu cầu mỗi sách khác nhau, ví như theo bộ sách đóng sẵn thì có sách bài tập toán, nhưng trường thì bảo sách này không dùng, phải thay bằng sách thực hành toán, trường thì bảo phải thay bằng sách thực hành toán và tiếng việt… Rồi nhiều sách trở thành sách vừa học vừa làm bài tập, buộc học sinh giải ngay trong sách khiến việc chuyền tay sách cũng không thể được.
Hiện tại, toàn bộ sách giáo khoa do nhà xuất bản giáo dục Việt Nam độc quyền in ấn và phát hành, và việc loạn giáo trình một lần nữa đặt câu hỏi về nạn cát cứ quyền lực trong giáo dục Việt Nam.
Mọi thứ gây được tiếng động và màu sắc, nẹt pô, giựt cờ, lập nhóm đua xe… chỉ cần hô theo câu thần chú ‘Việt Nam vô địch’ là mọi sự được hợp thức hóa.
Cơn bão thứ hai, bóng đá : Những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt các cổ động viên, từ người già, trẻ em, thí sinh thi hoa hậu, những cơ quan cho nhân viên nghỉ sớm để cỗ vũ cho bóng đá khi Việt Nam sẽ bước vào trận tranh huy chương đồng sau khi thua Hàn Quốc với tỷ số 1 – 3 ở trận bán kết. Với nhiều người yêu thể thao tỉnh thức, người ta mừng vì Việt Nam đã dừng lại đúng với trình độ của mình. Rõ ràng, thể thao bao gồm của sự hên xui, nhưng với một đội bóng mong qua khỏi vòng loại, giờ được bước vào tranh giải ba đã là một kỳ tích, sao cố đấm ăn xôi mong vào chơi chung kết. Những trận bão xảy ra sau khi bóng đá nam Việt Nam thắng hoặc thua một trận cầu nào đó, từ bão truyền thông với những bài báo, những video gia đình các cầu thủ từ dự bị đến chính thức, từ những cầu thủ có ‘pha chuyền kiến tạo’ đến cầu thủ ghi bàn, từ việc gia đình cầu thủ mổ trâu đãi khách đến làm gà mừng khi con về hoặc khóc cảm động khi con ghi bàn, ngay cả gu ăn mặc của một cầu thủ nào đó hoặc bạn gái cậu ta sexy ra sao… Không có gì những tờ báo Việt Nam không khai thác nếu được. Rồi đến bão cổ động viên, người ta ùn ùn đổ ra đường mang theo bình gas, nắp nồi, trống, cờ, xé áo, vẽ màu… mọi thứ gây được tiếng động và màu sắc, nẹt pô, giựt cờ, lập nhóm đua xe… chỉ cần hô theo câu thần chú ‘Việt Nam vô địch’ là mọi sự được hợp thức hóa.
Có thể nói gì đây ngoài việc cảm thương cho một thế hệ, một dân tộc ? Chúng ta xót thương cho chúng ta, những con người sống trong một dải đất được điều khiển bằng những lời nguyền giai cấp, bằng những cái nhìn tô đắp tiền bạc, bằng những câu khẩu hiệu và những điều luật buộc người ta gói tiếng nói trong những bao nylon. Và khi ống loa đu đủ nhận được đường truyền từ câu thần chú mới : "Việt Nam vô địch", chúng ta như những con thiêu thân lao ra đường để hít cho thỏa cái ánh sáng hô khẩu hiệu, nẹt ga, ôm, khóc… thỏa chí… thỏa sức vùng vẫy trong cái ánh sáng giả tạo mà chúng ta đều biết nhưng ít nhất, trong đó có một phần của chúng ta, niềm đam mê với trái bóng, niềm khát khao được ôm choàng lấy nhau, cùng nói chung tiếng nói của một dân tộc không theo biên kiến nào, không phân biệt giai cấp, lề lối, không phân biệt kẻ thắng người thua, không phân biệt Nam Bắc, con bạn, con thù… Hãy bỏ qua mọi thiên kiến, hãy cảm thông, bởi đó là lúc mà xung năng của chúng ta được giải thoát sau bao ngày kìm kẹp mà không phải mất cái ăn, không phải bị vào tù ? !
Nhưng cơn bão bóng đá không chỉ dừng lại ở đó, bởi nó còn làm nhiều người buồn, buồn bởi người ta đã đứng lên, vùng vẫy chỉ vì một pha ghi bàn đâu đó bên kia biên giới, nhưng không mấy ai sẵn sàng nói lên tiếng nói của chính lương tâm, của những điều tưởng chừng vì tương lai chúng ta : đảo mất, chữ Tàu đầy đường, luật biểu tình, tưởng niệm yêu nước, đàn áp biểu tình… Xin hãy cảm thông bởi đôi khi trong sự no đủ của hiện tại, không ít người hàng ngày vẫn giữ trên đầu nằm một ổ bánh mì, một vài lon gạo hay một cái áo ấm, một đôi giày mới, bởi họ sợ chiến tranh, họ sợ cái đói, họ nguyền rủa sự cấm đoán và sự xếp hàng chờ cái ăn. Nỗi sợ truyền kiếp của những đứa con giai cấp !
Ai đó nói rằng hãy nhìn ra hạnh phúc của mình và gắng giữ gìn nó ! Biết đâu đấy, trong sự nhược tiểu hiện thời và cái sợ mất của hiện tại, nhiều người đang gắng giữ hạnh phúc mà họ thấy và rồi một lúc nào đó, khi con người nhận ra cái gốc cội của hạnh phúc, mọi biên kiến, ràng buộc, áp đặt, kìm chông… sẽ bị phá tung chỉ trong tích tắc và rồi… Mọi trận bão sẽ mãi là sức mạnh của gió, vấn đề là nó nổi lên từ đâu và khi nào… !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : VOA, 29/08/20148 (VietTuSaiGon's blog)
Kỹ nghệ ăn mày, có lẽ từ này không còn mới trong từ điển sống của Việt Nam 10 năm trở lại đây. Từ những anh thanh niên khỏe mạnh hô biến thành người tàn tật ăn lê ngồi lốc xin người qua đường năm, ba ngàn rồi tối đến có xe hơi đưa rước đi ăn nhậu. Đến bà mẹ hờ véo tai con hờ khóc thét để xin ăn, từ những người tìm một ống truyền dịch cũ rồi treo lủng lẳng trên người, len vào các khu chợ xin chút tiền "mua thuốc uống"…
Tháng Bảy, những hồi chuông nguyện siêu thăng bạt độ với loa bắc ra từ các chùa làng khiến nhiều Phật tử sụt sùi nước mắt thương mẹ thương cha...
Có những mảnh đời thật nhưng cũng không hiếm mảnh đời giả nhiều khi khiến những người đi đường, người đi chợ phải đau đầu nhức óc.
Tháng Bảy, những hồi chuông nguyện siêu thăng bạt độ với loa bắc ra từ các chùa làng khiến nhiều Phật tử sụt sùi nước mắt thương mẹ thương cha... Tháng Bảy với những cơn chớp giông đầu thu (mà thực chất là cuối mùa khô ở miền Trung Việt Nam), người dân lo sợ bom nước nổ trên đầu. Tháng Bảy với những tiếng kêu răng rắc từ những căn nhà cổ rệu rã với thời gian… Tất cả như những nốt dạo đầu của mùa giông bão mà cũng là bước vào đoạn cao trào về một kỹ nghệ ăn mày cần được nêu tên.
Đầu tiên cần nhắc đến có lẽ không thể bỏ qua câu chuyện nhà của vua Mèo ở Hà Giang, vốn dĩ đã tốn không ít mực giấy của báo giới và thời gian gõ chữ của các fabooker, coffeer, buôn chuyện cer… không chỉ vì nguồn gốc ngôi nhà của một người được tung là vua Mèo, về khoản đóng góp của dòng tộc này cho nhà nước Việt Nam, về sự bất minh trong quá trình làm giấy tờ xác nhận quyền sở hữu của khu dinh thự… Điều mà nhiều người một lần nữa bàn tán là kỹ nghệ ăn mày từ các khu nhà cổ.
Tôi có một người bạn, gia đình anh là cháu đời thứ ba của chủ một ngôi nhà cổ, mẹ anh là cháu nội của chủ căn nhà này trước đây. Theo thời gian, chiến tranh và tuổi tác, mỗi con cháu trong gia đình đều đã chết hoặc đi xa, giờ chỉ còn mẹ anh ở gần bên nhang khói cho ông bà. Những trận mưa bão, lũ lụt, những đợt nắng gắt… căn nhà vẫn còn lại hình dáng xưa với kiến trúc lai Pháp ở tiền sảnh và nhà 3 gian 28 cột gỗ phía trong, nơi sinh hoạt chính của gia đình hồi xưa tuy nhiên những cột gỗ bắt đầu bị mối mọt xâm chiếm, lượng ngói âm dương được lợp mấy lớp trên mái hiên bắt đầu đổ xuống, sau thì tùy nơi tùy ý của mưa gió mà đổ. Buồn thương cho một thời xưa cũ và tự thân không đủ nguồn lực, người bạn này của tôi vận động để xin bà con một người một ít trùng tu căn nhà nhưng không ai chịu, cuối cùng anh nghĩ đến cách xin kinh phí trùng tru nhà cổ của sở Văn hóa tỉnh nơi anh đang sống.
Những tưởng mọi chuyện tiến hành suông sẻ thì anh lại ngao ngán lắc đầu bởi không còn dám giữ đức tin khi mọi thứ dường như tiến hành theo quy trình của ‘kỹ nghệ ăn mày’. Anh bảo, có thể gọi tên nó là gì khác chứ nếu không phải là ‘ăn mày’. Bởi con cháu ở xa của ông cố của anh đều thở ra khi anh vận động trùng tu, nhưng khi nghe nói có thể xin được một khoản tài trợ trùng tu thì ai cũng bảo : ‘để tôi quản lý tài chánh…’, anh này hỡi ôi. Vậy nhưng mọi chuyện càng hỡi ôi hơn khi anh biết rằng, ngôi nhà đó sẽ nhận được 30% khoản tiền trùng tu nếu như người đứng ra xin trùng tu hiểu luật ngầm ‘70% tiền chi phí’ để có được 30% đó, nếu không thì không có khoản nào cả.
Cuối cùng, anh bạn tôi lấy bồ hòn làm ngọt, thôi tự mình chống chắn những nơi mục nát của căn nhà và dặn kỹ mọi người tránh xa căn nhà mỗi khi mưa gió.
Chuyện thứ hai, có lẽ cũng sẽ không buộc tôi phải nghĩ ngợi nếu những tiếng chuông chùa dẫn lỗi không reo rỉ quanh nhà tôi suốt tháng Bảy. Nhiều người hàng xóm của tôi rên đau đầu nhưng nhiều người sụt sùi nước mắt mỗi khi tháng Bảy về. Bao nhiêu tiền họ dành dụm ki cóp không dám ăn uống cả năm được lận vào một túi áo lam và lần lượt cống nộp tại các thùng phước sương của chùa hoặc trao nộp tận tay thầy. Tôi không dám bình xét trên đức tin của mỗi người bởi chúng ta đều có đức tin riêng nhưng sự thật khi các chùa chiền, đền miếu được xây nên như một trạm kinh doanh ngày càng nhiều buộc người ta phải đưa ra lời bình phẩm.
Một ngôi chùa nuôi đủ ngỗng gà, khỉ… các loại và sư thầy có thuê hẳn một cô sồn sồn đôi mươi buổi chiều muộn dọn chùa giúp thầy đến sáng sớm, rồi ơ hay nhiều khi người đi lễ sớm thương thầy vì còn xoa bóp cho thí chủ kia bị gió lúc nửa đêm. Nhiều người xì xầm, nhiều lời bàn tán nhưng rồi đứng trước tượng Phật, đứng trước lời giáo huấn của thầy, đứng trước nhu cầu gửi tiền vào thùng phước sương để rửa sạch việc cho vay nặng lãi, việc buôn bán chặt chém, việc hục hặc gia đình… Nhiều người như những con thiêu thân lao đến chốn chùa chiền.
Thử hỏi ở đây ai đang vận hành một guồng máy đầy đủ tính chất của kỹ nghệ ăn mày hiện đại. Người đi lễ với những mánh khóe lừa lọc trong đời sống, những cuộc đâm thuê chém mướn, những khuôn dấu thay đổi giấy tờ đất đẩy biết bao gia đình lên bờ xuống ruộng, những cái nhìn trừng trừng trong anh em hàng xóm, những cuộc thanh trừng đôi khi đổ máu vì vài tấc đất… để rồi tiền bạc rủng túi, nhà cao cửa rộng, hô mưa gọi gió trong thế giới của mình. Nhưng để rồi chính họ phải đi ăn mày chút ‘’đức’’ còn sót lại của việc mua ở cổng chùa.
Rõ ràng họ cứ vận hành, vận hành cái chuỗi đó bởi họ biết rằng có một cái guồng khác sẽ tạo ra thứ mà họ muốn ăn mày. Và có cung thì có cầu, kỹ nghệ ăn mày theo hướng ngược lại được dựng nên từ những đàn cứu tế, những nhà phao và những bông sen nhựa trên khắp chốn, trong mọi hang cùng ngõ hẻm. Người thì ăn mày chút đức, kẻ ăn mày chút tiền và sự cung phụng. Đôi khi một vài nhà sư thánh thiện chấp nhận phụng hiến cả đời để mong có thể ăn mày chút nhân cách còn sót lại trong những con người khoác áo nâu đến lễ chùa của mình. Nhưng… !
Để rồi, chút nắng cuối mùa còn sót lại, tháng Bảy sẽ qua đi để tháng Tám, tháng Chín ùa về. Những cánh đồng lúa chưa kịp chín, những ngôi nhà chưa kịp may vá trước mưa giông, những ao cá, vườn rau… những bước chân vội vã men núi sau buổi học, sau buổi săn bắt sóc rừng, hái lượm thuốc nam, bắp chuối… Lũ ập về bất ngờ bởi rừng thiêng chảy máu, con người hóa thành thánh nhân khi dùng bê tông cốt thép mong nắn xương sống của mẹ thiên nhiên, tạo ra những đập thủy điện… Ùm, xòa… nhiều thứ trở về với cát bụi mang theo biết bao nước mắt và nỗ lực sống của những cư dân còn sót lại nơi dòng lũ đi qua.
Lúc này một kỹ nghệ ăn mày mới xuất hiện. Có chăng trong lời nói của một cậu bé tôi từng gặp, cậu thầm trách những đoàn cứu trợ, bởi có lẽ trong số họ có những người mong thiên tai nhân họa đến với vùng đất của họ, để từ đó họ ăn mày chút tên tuổi trên truyền hình, đánh bóng chút thương hiệu trong những chuyến đi từ thiện, trong những căn nhà tình nghĩa mới xây. Và bởi trong chính những người bản xứ, nhiều người thả mặc cho số phận, cho thời gian bởi đến tháng Chín tháng Mười, khi con nước ùn ùn đổ xuống, không mang theo phù sa và tôm cá, không mang theo những gốc gỗ rừng hoặc một vài cành cây như trước nhưng sẽ mang đến cho họ những cái nhìn thương cảm, những món tiền khổng lồ và đôi khi là cả một gia tài nếu bạn biết diễn. Đáng buồn thay, cậu bé cúi đầu bơ vơ khi cảm thấy rằng, không có ai trong số những người cậu quen biết biết mình đang làm gì, có lẽ họ lạc trong những giấc mơ mà ở đó, cái thiện cái ác, cái thiện tâm thực sự được đánh đồng trong những mớ bòng bong để rồi ai cũng thở để mà sống tiếp.
Tháng Bảy, đâu đó trong tiếng gió vi vu, trong những đám mây tượng hình ngôi nhà nhỏ, trong những tiếng kinh cầu báo hiếu mùa Vu Lan, trong những cái thiện tâm đau đáu… ai đó đang chạnh lòng bởi màn kỹ nghệ ăn mày dần đến buổi cao trào.
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : VOA, 23/08/2018 (VietTuSaiGon's blog)
Sáng cuối tuần, thức giấc sau một tuần dài mệt nhọc, vất vả, lo từ cái ăn, cái mặc, chỗ ở, cái chơi, cái chức cho đến chuyện cái bệnh, cái chết, cái hồi sinh… để nghĩ, ngẫm, thở, cười, khóc, trầm ngâm, gật đầu, dụi bước… Có lẽ, âu đó cũng là một trong những lý do ngày cuối tuần được sinh ra.
Nhưng cái cuối tuần thời đại bây giờ lại khác, dù không có tờ báo giấy đặt mua được đặt trước cửa nhà, dù cố giấu cái điện thoại không selfie một bữa hoặc đôi khi là ‘kệ nó, vứt qua một bên’ để lang thang cà phê, dạo bộ vỉa hè… thì tai bạn cũng sẽ nghe thấy, mắt bạn cũng có thể nhìn thấy những gì đang xảy ra chung quanh, những hình ảnh, những tiếng xì xầm về những chuyện kinh thiên động địa chỉ có thể xảy ra ở Việt Nam.
Và cuối tuần qua, ba câu chuyện choáng không ít tâm tư của người Việt Nam : Chuyện tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông tiến hành chạy thử, gần 300 học viên cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy Tiền Giang vượt ra khỏi trung tâm và việc hai viên chức bệnh viện tâm thần trung ương 1 bị bắt giam… một lần nữa buộc nhiều người đặt câu hỏi ai thật, ai giả trong những câu chuyện này ?
Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông tiến hành chạy thử
Ở vấn đề thứ nhất, dự án tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông với quãng đường 13km, do chủ thầu Trung Quốc thực hiện, ban đầu dự kiến triển khai từ tháng 11/2008 đến tháng 11/2013 hoàn thành với số vốn mức đầu tư hơn 552,8 triệu USD (tương đương 8.769 tỷ đồng). Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD phục vụ xây lắp, mua đoàn tàu, thiết bị, đào tạo, vận hành và tư vấn giám sát. Vốn đối ứng của Việt Nam là 133,86 triệu USD phục vụ giải phóng mặt bằng, thuế, phí, lãi suất, quản lý dự án, bảo hiểm… Tuy nhiên, với tiến độ chậm, đến tháng 10/2011, dự án mới chính thức triển khai và điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỷ đồng).
Được đưa vào chạy thử vào hôm 11 tháng 8 vừa qua, nhiều người bực bội bởi giải thích của Ban Quản lý dự án Đường sắt của Bộ Giao thông và vận tải Việt Nam khi hễ có chuyện gì, họ đều bảo là ‘Tổng thầu đã tự ý ‘, ở đây tổng thầu là Trung Quốc. Từ chuyện biển chỉ dẫn có tiếng Trung to hơn tiếng Việt, đến chuyện tấm vé lên tàu vận hành thử có in chữ Trung Quốc, rồi việc ‘đã tự ý cho những người không có chức năng, nhiệm vụ lên tàu’.
Với chi phí dội lên được giải thích là do thời giá và lạm phát của Trung Quốc (bởi dự án này do nhà thầu và nhân công Trung Quốc thi công), chuyện tổng thầu, chuyện lạm phát Trung Quốc, chuyện in nhầm chữ… có thể là giả, nhưng có một chuyện thật là dư luận đang xôn xao về khoản lời lỗ hằng ngày mà tuyến đường sắt này mang lại, với ước tính mức lỗ khoảng 1,8 tỷ đồng (khoản tính từ các facebooker sau khi tính tổng tiền vé thu vào hằng ngày và tiền chi phí phải trả, nặng nhất là khoản nợ 250 triệu đô với Trung Quốc do đội vốn và chi phí nhân công cho gần 700 người vận hành 13km đường sắt). Một chuyến đường sắt với cái ngáp dài của cả người dân và du khách khi đến thăm Hà Nội trong những năm qua khi cả đoạn đường ngổn ngang xe cộ trong thời gian thi công, một tuyến đường sắt với cái nhìn bi quan của nhiều người vì những tai tiếng mà nó mang lại, một tuyến đường sắt được kích hoạt có thể là để giữ chức của ai đó trong thời gian còn đương chức. Bởi có người kháo nhau rằng tại sao đã lỗ lại cứ phải vận hành, có chăng là anh buộc phải vận hành, không vận hành thì cái đống bê tông khổng lồ và mấy chục khối sắt để lâu ngày sẽ rỉ sét sẽ tố cáo và truy cứu trách nhiệm ( ?). Mặc dù trong một chừng mực nào đó, một vài con cừu cũng chỉ cần cái ăn cái uống, sẵn sàng chịu chăn dắt khi (chỉ cần) tin rằng cuối đường có cỏ xanh. Gần 100 triệu dân với đủ thành phần, nơi cư ngụ, độ tuổi… khi đảng bảo rằng đất nước đang vận hành đoàn tàu phát triển, đưa Việt Nam bắt kịp văn minh nhân loại thì ắt hẳn sẽ có biểu dương… !
Nhưng thật thật giả giả… cứ nhìn vào cách vận hành của Vinashin, Vinalines sẽ đoán trước kết quả.
300 học viên cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy Tiền Giang trốn trại
Sự kiện thứ hai, gần 300 học viên trung tâm cai nghiện Tiền Giang đánh nhân viên quản trại để thoát ra đường, đây cũng không phải lần đầu xảy ra ở Việt Nam. Họ đã từng là những người ‘thử cho biết nàng tiên nâu’, họ đã từng là những người có thể cướp vặt, có thể dằn vặt, có thể tự nguyện, có thể bị ép buộc để vào trung tâm cai nghiện. Sự cai nghiện có được thật hay không, sự thay đổi về nhân cách của họ theo chiều hướng tốt sau khi ra khỏi trung tâm có thật hay không, sự đón nhận của xã hội ngày họ trở lại có thật hay không ?… Không chắc ! Nhưng có những điều chắc chắn rằng, một trong số họ bị bắt quỳ thẳng 3 giờ đồng hồ vì xếp mền không thẳng, bị đá thẳng cẳng khi quỳ không nghiêm, họ tràn ra đường và hô hào tán loạn, cởi áo vứt đường đang làm cách mạng, tràn bờ tự do… kèm theo đó là những biện pháp đối phó tạm thời của các bậc cha mẹ như không cho con ra đường, dặn dò kỹ lúc đi học hè và đương nhiên là cả việc đến trường trước giờ đón con… Và vũ khí tự vệ phải luôn luôn sẵn sàng.
Từ người cai nghiện cho đến cán bộ cai nghiện, cái lõi vấn đề đã đi từ nhân cảm sang bệnh hoạn. Nếu người nghiện thuốc nghiện sự tự do vùng vẫy của kẻ nghiện thì người cai nghiện nghiện ‘thương cho roi cho vọt’ để ‘giáo huấn’ người nghiện, nghiện kiểu bắt giờ nào, việc gì thì người nghiện phải làm giờ đó, nghiện kiểu rút chút bớt cơm canh để các anh hết sức hết nghiện, nghiện cái kiểu hành xử tập thể để rồi lỡ có chuyện gì xảy ra, nếu đứng trên phương diện người dân, không mấy ai dám khẳng định lỗi thuộc về cán bộ hay học viên.
Từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, sự băng hoại nhân cách ngày càng lộ rõ, chỉ cần anh có tiền, bà có chức, cô có sắc, ông có danh... Bỏ ra từ khoảng 85 triệu sẽ được hô biến từ bình thường trở thành người điên. Ơ hay, với gia đình bình thường, nhà có người điên, họ sẽ xem đó là sự bất phược, không may mắn trong gia đạo, giờ không điên muốn hóa thành điên chắc thích ăn cơm miễn phí trong các trại. Có lẽ cơm trong trại tâm thần ngon hơn cơm trong trại giam bởi những người ‘mua điên’ đều đang đứng trước vòng lao lý.
Hai cán bộ của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 bị điều tra về hành vi làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần
Vụ việc xảy ra hôm tháng 6 nhưng đến cuối tuần qua, hai cán bộ gồm một bác sĩ và một chuyên trách điều dưỡng của viện tâm thần trung ương I mới bị bắt tạm giam, một lần nữa lên tiếng cảnh báo về hội chứng tâm thần.
Thay vì sử dụng chức vụ và trí óc để làm cho xã hội tốt hơn thì người ta dùng nó để biến xã hội gọn trong túi mình, tõm trong miệng mình và rồi khi cần thiết người ta dùng cái miệng đó để biến mình thành kẻ điên, dùng tiền vơ vén đó để mua được tấm giấy chứng nhận điên. Và cái điên hơn là những người trị bệnh điên lại thấy viện điên còn thiếu suất, hội chứng tâm thần của họ xuất hiện để mang thêm về viện vài người điên... Thật hết hiểu nổi cái cơ sự của những cái điên này, phải chăng đây là thời đại của chứng điên lên ngôi ? !
Đầu tuần ngẫm nghĩ chuyện cuối tuần, âu cũng vô vàng trách móc và bất lực bởi cái dửng dưng trong xã hội này, thật thật giả giả đôi khi là cái cớ để người ta cảm giác bớt bất lực hơn chăng ?
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 14/08/2018 (VietTuSaiGon's blog)
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 39 km đường chim bay, hơn 2 tuần nay người dân xã Nam Phương Tiến huyện Chương Mỹ đang phải sống chung với nước bẩn và rác ngập. Sau nhiều nỗi lo về sản xuất, sinh hoạt, học hành… của con cái, người dân nơi đây đang phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật bởi biển rác đang lấn át sân nhà.
Người dân xã Nam Phương Tiến huyện Chương Mỹ đang phải sống chung với nước bẩn và rác ngập.
Rác thải sinh hoạt, xác động vật, túi nillon, rác nhựa, gỗ…cơ hà các loại rác liên tục tấp vào sân và nhà nhiều gia đình trong các thôn đang ngập lụt ở Chương Mỹ. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao rác được dọn hàng ngày, tập kết hàng tuần vẫn còn nhiều đầy rẫy, bốc mùi khắp nơi mặc cho nước có về hay không ?
Để trả lời câu hỏi này, thiết nghĩ phải kể đến thói quen tiêu dùng của người Việt Nam.
Tôi từng gặp nhiều người phụ nữ than phiền về việc rác đâu ra nhiều thế, ở thành phố thì đi đâu cũng thấy thùng rác, ở nông thôn thì lâu lâu mới có một ngày không nghe mùi mắm thối, mùi xác cá mà theo họ thực ra là mùi từ các bãi rác phát ra, theo gió phân tán đến các khu vực chung quanh. Và nhiều người trong số họ đều đồng tình rằng : "khủng hoảng thừa" trong tiêu dùng của người Việt là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc này.
Với cơ cấu kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp, mặc dù du lịch, dịch vụ, công nghiệp và các ngành khác có xu hướng tăng trong những năm gần đây nhưng mức thu nhập cao vẫn chỉ nằm trong một nhóm nhỏ… Đa số người lao động chọn lựa các mặt hàng phổ dụng ở phân khúc bình dân. Từ thức ăn, nước uống, áo quần, đồ chơi trẻ con… các mặt hàng giá rẻ mà đa số xuất xứ từ Trung Quốc được tiêu dùng nhiều do phù hợp với mức chi tiêu của người dân.
Nhiều người chọn lựa việc mua nhiều đồ với mức giá rẻ để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng bội thực của gia đình. Thay vì mua một quả táo Mỹ, quả lê Hàn, hay là vài quả chuối Việt ở siêu thị với mức giá vài chục ngàn động, nhiều bà nội trợ buộc phải chọn mua một nải chuối với mức giá mười hoặc mười mấy ngàn đồng hoặc một ký táo được dán mác Mỹ ở chợ với giá vài chục ngàn đồng, một ký chôm chôm, ký cam không rõ nguồn gốc với giá từ 15 đến 25 ngàn đồng… Rẻ, nhiều… Rác thải cũng từ đó mà ra.
Một cuộc khủng hoảng thừa thức ăn, rác thải xuất hiện khi hàng mua về với giá rẻ chưa sử dụng đã hư hỏng, buộc phải loại bỏ. Với việc túi nillon được sản xuất hàng loạt với mức giá rẻ bèo, chỉ cần ghé chợ mua một ít tôm cá, trái cây, bún, tỏi, hành… mỗi thứ một ít, người nội trợ được miễn phí mang về ít nhất vài cái túi nilong đủ màu, đủ kích cỡ.
Đó là chưa kể đến một khối lượng lớn rác thải đến từ các nguồn khác, nhất là rác thải y tế từ các bệnh viện, từ vô vàng thuốc giả được kê bán theo đơn hoặc tự phát mua theo nhu cầu. Các bệnh viện ồ ạt thải rác chưa qua xử lý, người tiêu dùng mặc sức mua thuốc giá rẻ về rồi thải ra khi thấy thuốc không chất lượng hoặc đôi khi may mắn uống vài viên đã lành và cũng chẳng mảy may để ý đến những đợt phát thuốc từ thiện miễn phí hoặc bán thuốc, thực phẩm chức năng gần hết hạn sử dụng với giá khoảng 50% dưới danh nghĩa ‘hỗ trợ giá’ trong các bệnh viện, để rồi họ mua về và lại thải ra… Cơ bản là vì mức giá rẻ và họ không cần để ý đến.
Theo một thống kê gần đây trên các trang báo trong nước, nếu làm tròn dân số Việt Nam là 100 triệu người thì số lượng rác thải là 120.000 tấn mỗi ngày. Trong số đó 16% là rác thải nhựa,, như vậy mỗi ngày sẽ có gần 19.000 tấn rác thải nhựa được thải ra ở Việt Nam.
Một khối lượng rác quá khổng lồ so với số lượng nhà máy xử lý rác đếm được trên đầu ngón tay ở Việt Nam !
Rõ ràng, ở Việt Nam đang tồn tại song song một cuộc ‘khủng hoảng thừa’ và một cuộc ‘khủng hoảng thiếu’.
Người ta thừa đủ thứ từ thức ăn, nước uống không đảm bảo chất lượng, vệ sinh… Thừa nguyên vật liệu dởm để tạo ra những công trình cũng thừa không kém bởi mọc ra mà không thể sử dụng. Một cuộc khủng hoảng thừa về những y bác sĩ không có tâm đức, về những nhà giáo sẵn sàng mang học sinh đi bán hoặc bán dâm, bán điểm, thừa những kẻ không biết xấu hổ.
Cuộc khủng hoảng thừa về nông sản hàng năm với đầu ra không có hoặc hàng không đảm bảo chất lượng.
Việt Nam thừa một số lượng khổng lồ giáo sư tiến sĩ được phong hàm và vẫn thừa nhiều vị trí cần được phong hàm bởi số lượng hiện tại chưa đủ để đọ với các nước trong khu vực, mặc dù phong ra chỉ để được gọi là giáo sư, tiến sĩ giấy.
Việt Nam thừa một khoản nợ công mà nhân dân đang còng lưng nộp thuế, lệ phí đủ kiểu vẫn không hiểu vì sao món nợ này ngày càng trương nở ra khi mức GDP năm sau cao hơn năm trước mà số tiền vay mượn cũng ngày càng tăng tỷ lệ.
Nhưng vẫn thiếu ?
Những hàng hóa chất lượng Made in Việt Nam tốt hơn hàng Trung Quốc. Nguồn nhân lực chuyên môn cao cho các ngành công nghệ. Những công trình đúng chất lượng với số tiền đầu tư. Những cuộc chuyển đổi ngành nghề được chuẩn bị sẵn về tính chuyên môn, chất lượng cũng như lòng tự trọng, những y bác sĩ tâm huyết với nghề, những thầy cô giáo tận tâm truyền đạt kiến thức, dẫn dắt thế hệ tương lai vào đời…
Những người lãnh đạo đã làm tròn chức trách, những chính sách đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu… ?
Liệu đến bao giờ một người dân có quyền được hưởng những gì mà họ đáng được có ?
Trở lại với vấn đề người dân Chương Mỹ đang phải đối mặt với nước ngập và rác thải, tôi tình cờ nghe được cuộc nói chuyện của hai người đàn ông trong một quán cà phê ở Hà Nội. Một trong hai người họ nói rằng anh ta đứng ngồi không yên bởi đang buộc phải nghĩ phương án đối phó nếu sự cố vỡ thủy điện Hòa Bình xảy ra, bởi theo tính toán của giới chuyên môn, Hà Nội có thể bị nhấn chìm hơn 30m nếu điều đó xảy ra. Nhưng người còn lại thì lại bảo rằng anh chưa lo đến chuyện đó bởi vấn đề anh nghĩ bây giờ là liệu có ai nghĩ được làm sao ngăn điều đó xảy ra. Anh ta bảo lấy làm lạ là sao người dân Chương Mỹ có thể chung sống được với tình cảnh đó mà không tự hỏi nguyên nhân và hỏi xem ai phải chịu trách nhiệm cho chuyện này, bởi lẽ suy cho cùng, tìm được căn cốt của vấn đề mới có thể giải quyết được
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 04/08/2018 (VietTuSaiGon's blog)
Có ba nguyên nhân căn bản để đi đến hệ quả đất nước ngày càng băng hoại, bệ rạc, cán bộ đi từ hành xử vô đạo đức đến chỗ hành xử bệnh hoạn, nhân dân không còn niềm tin, thậm chí khinh bỉ nhà cầm quyền và mối nguy dân tộc phân rã, mất sức sống : Luật không trượt giá kịp tiền ; Đạo đức bị đánh tráo ; Sự lộng hành của cái dốt.
Sờ soạng, cắn rách môi nữ đồng nghiệp chỉ bị phạt 200 ngàn đồng : Có tạo tiền lệ xấu ?
Điều khoản luật không “trượt giá” theo tiền, nguyên nhân thứ nhất có thể là đầu mối của ba nguyên nhân kia trong lúc này nhưng lại là hệ quả của hai nguyên nhân kia trong giai đoạn nó phôi thai. Nghĩa là trong gia đoạn hình thành các điều khoản luật, do dốt, thiếu kiến thức lập pháp, do tham lam, người ta đã đạp qua nhiều thứ. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, các điều khoản luật có tính chế tài lại tạo điều kiện cho cán bộ lộng hành, phạm tội nặng nề nhưng không cần trả giá.
Một ví dụ : “Công an huyện Triệu Phong (Quảng Trị) ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 200 nghìn đồng đối với ông Nguyễn Bình Triệu vì hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nữ đồng nghiệp. Thượng tá Trần Minh Chữ - Phó trưởng Công an huyện Triệu Phong hôm nay cho biết, Nguyễn Bình Triệu (chuyên viên Phòng Tài chính - Kế hoạch của huyện Triệu Phong) bị phạt vi phạm hành chính 200 nghìn đồng theo điểm a, khoản 1, nghị định 167/2013/NĐ-CP. Theo ông Chữ, sau khi tiếp nhận đơn tố cáo của chị N.T.L.A (chuyên viên cùng Phòng Tài chính - Kế hoạch) về việc chị bị ông Triệu có hành vi hiếp dâm tại trụ sở, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện đã có kết luận.
Quá trình điều tra, Công an huyện xác định, trưa 21/6, ông Triệu mở cửa vào phòng làm việc chị L.A. và dùng sức mạnh ôm, giữ và khống chế nữ đồng nghiệp.
Tiếp đó, ông Triệu hôn, cắn vào vùng môi của chị A., dùng tay sờ vào các vùng “nhạy cảm” nhưng không nhằm mục đích thực hiện hành vi muốn giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác đối với chị A.
Cơ quan điều tra xác định hành vi của ông Triệu chỉ nhằm mục đích trêu ghẹo, sàm sỡ nên không đủ yếu tố để cấu thành tội hiếp dâm và không đủ căn cứ khởi tố hình sự”.
Trong ví dụ này, cho thấy hai vấn đề : Mức qui định hình phạt của nghị định này quá thấp, nó chỉ phù hợp với thời giá những năm 1990 của thế kỉ trước. Thứ đến, kĩ thuật phân tích phân tâm học và tâm lý trong quá trình làm luật ở dạng thô sơ, nên nó nhanh chóng biến một con rắn độc thành một con lươn hiền từ, vô độc. Và hậu quả của nó là những cán bộ - kẻ có cơ hội hiểu biết các qui định pháp luật cao nhất tại Việt Nam nhanh chóng lợi dụng kẽ hở, đạp lên đạo đức và pháp luật. Đến đỉnh điểm của việc này là các hành xử bệnh hoạn được bao che bằng tiền và các điều khoản ngớ ngẩn của luật Việt Nam. Và đây là một ví dụ nhỏ trong hàng ngàn ví dụ trong xã hội Việt Nam hiện nay. Người ta phải ngao ngán nói rằng nếu phạt mức như vậy, còn rẻ hơn nửa bữa nhậu bình dân, với đà này, kẻ nào có ý định “nộp phạt” sẽ có nhiều cơ hội và dũng khí để “nộp phạt”.
Đạo đức bị đánh tráo, và sở dĩ đi đến chỗ tệ hại, bệnh hoạn như ngày hôm nay, có lẽ phải nói đến nguyên nhân thứ hai, đó là đạo đức bị đánh tráo. Từ đạo đức Hồ Chí Minh làm chuẩn mực học tập cho đến mọi thứ hành xử, hành vi đều qui nạp vào cái gọi là chuẩn mực đảng. Và một khi đã có công thức để qui nạp mọi thứ vào đó, người ta cũng dễ dàng mượn công thức ấy để nhào nặn ra những thứ mô phạm giả cầy.
Một ông thầy giáo trường chính trị hẹn hò với một cán bộ xã đã có chồng, nhậu say, cùng dắt nhau tới phòng karaoke, bị té xe giữa đường, trầy mặt, gã thầy giáo nói tỉnh bơ : “Té giữa đường như vậy mất quan điểm quá !”. Cô “học trò cán bộ” thay vì lo lắng chuyện phản bội chồng, dối trá con thì lại tập trung vào chỗ “mất quan điểm” này đến mức chẳng còn biết mắc cỡ hay nhục trước hành vi mất phẩm cách của bản thân và của ông thầy giáo.
Cái thứ quan điểm thối nát kia đã làm bình phong cho mọi thứ tội lỗi và tội ác của nhiều lớp cán bộ và điểm cuối của nó là lối sống bệnh hoạn của họ như một dấu hiệu đặc trưng của chế độ. Khi các chuẩn mực đạo đức bị đảo lộn và sự dối trá, sự kệch cỡm, hợm hĩnh cũng như tính bệnh hoạn tăng trưởng, thì hệ quả đương nhiên là các ứng xử xã hội ngày càng tỏ rõ dấu hiệu bệnh hoạn. Sự bệnh hoạn này lại bắt nguồn từ chuẩn mực đạo đức của chế độ, không thể nói khác !
Sự lộng hành của cái dốt, như một hiển nhiên trong cơ thể của một chế độ chính trị đang ở buổi chiều tà với đầy đủ ẩm ướt và thối rữa của nó. Và cái dốt tha hồ nảy nở, sinh trưởng trong bầu sinh quyển Việt Nam hiện tại. Một ông Bộ trưởng giáo dục nói năng hồ đồ, đểu giả và không có liêm sỉ.
Trả lời phỏng vấn VTV1 về vụ gian lận điểm ở Hà Giang và Lạng Sơn, ông Phùng Xuân Nhạ không có bất kì một lời xin lỗi hay nhận trách nhiệm nào. Thay vào đó, ông Nhạ lên giọng giáo huấn và đổ trách nhiệm cho cơ sở, cấp dưới. Chưa dừng ở đó, ông còn nói sẽ rút kinh nghiệm cho năm sau. Như vậy cũng có nghĩa là ông sẽ thực hiện và rút kinh nghiệm cho lần sau, ông vẫn giữ chức và không có gì thay đổi, bởi ông không có lỗi ( ? !).
Thử nghĩ, nếu có một chút liêm sỉ và có một chút phong cách trí thức, bớt hồ đồ, ông ta sẽ từ chức để thể hiện mình là một con người đi làm cán bộ chứ không phải là con đỉa đeo bám quyền lực. Nhưng không, khi cái dốt đã phủ khắp mọi ngóc ngách, ông bộ trưởng giáo dục này nghiễm nhiên cười nói và thơn thớt trả lời phỏng vấn báo chí với giọng đầy dạy dỗ, răn đe đạo đức.
Không riêng gì ông bộ trưởng giáo dục mà bà bộ trưởng y tế hay một ông vụ trưởng nào đó, bà chủ tịch quốc hội chẳng hạn… Tất cả đều nói năng như kẻ bị ma ám mụ mị, nói như đứa nghiện không còn lý trí khi phát biểu những vấn đề có tính sống còn của quốc gia. Thử nghĩ, một khi những kẻ được xem là tinh hoa của thế hệ cộng sản hiện đại, kẻ đứng vị trí chóp bu còn thớ mớ vớ vẩn đến mức như vậy thì liệu những kẻ tép riu ăn lương bám chế độ bên dưới sẽ ra trò trống gì ? Sẽ làm được gì và sẽ bệnh hoạn đến mức nào ? !
Có thể nói rằng chưa bao giờ mà nhân cách cán bộ Cộng sản lại rơi vào tình trạng báo động đỏ như hiện nay. Mà đáng sợ hơn là những kẻ bệnh hoạn kia đều nắm trách vụ chỉ huy, quản lý và lãnh đạo. Họ chi phối và làm gương cho đại đa số cán bộ trẻ có thông minh hơn thế hệ trước nhưng lại rất manh động và dễ làm theo.
Điều này tạo ra hậu quả khó mà lường được. Với một đất nước mà hệ thống cán bộ hành xử bệnh hoạn hoặc tiềm năng tính khí bệnh hoạn. Người dân mất niềm tin vào hệ thống chính quyền và hành xử buông thả đến mức có thể bệnh hoạn chẳng kém. Liệu sức mạnh đất nước này sẽ tới đâu khi nó ủ mầm bệnh hoạn ? !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 26/07/2018 (VietTuSaiGon's blog)
Điều đáng sợ nhất của một quốc gia, một dân tộc là sự nhảm nhí, tính xảo trá, lộng ngôn phát triển và soán ngôi của sự nghiêm túc. Mức độ "mẫu mực" và lan rộng, phổ biến của sự nhảm nhí nhanh đến độ nó trở thành một kiểu ứng xử mới để đi đến chính thống và người ta dùng nó như một thước đo văn hóa hay quyền lực. Điều đó đã xảy ra tại Việt Nam, lúc này.
Chủ tịch Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu cho ý kiến về Dự án Luật Đặc khu kinh tế - Ảnh : quochoi.vn
Một bà Chủ tịch Quốc hội nói một cách không cần suy nghĩ về việc "bỏ một đồng vào đặc khu thì thu về một trăm đồng thậm chí nhiều hơn…".
Một ông Thủ tướng nói không biết ngại miệng về các đầu tàu kinh tế, cứ đi đến đâu ông cũng phán rằng chỗ đó ngang với Hồng Kông, Singapore, Dubai, Paris… Trong khi cái nơi ông nói chỉ cần một trận mưa nhỏ thì ngập tới lưng quần.
Một ông Bộ trưởng Bộ Công thương nói rằng do thiếu công cụ kiểm tra chuyên nghiệp nên việc kiểm định chất lượng phân ở một số nơi, cán bộ phải dùng miệng để thử.
Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật thì cho rằng mức độ độc tố vượt quá mức qui định từ 2 đến 3 lần trong rau củ quả vẫn an toàn và thực tế cho thấy nhiều người dùng nó rồi vẫn không sao.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, do thiếu thiết bị kiểm định, có nơi cán bộ quản lý thị trường phải kiểm định phân bón vô cơ bằng miệng.
Cục trưởng Cục đường sắt thì trả lời bâng quơ (như trẻ nít) về việc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông bị đội vốn lên gần 340 triệu Mỹ Kim rằng "chỉ làm sai có chút xíu mà cứ la lối ỏm tỏi trong khi ông làm được nhiều việc mà chẳng có ai khen…
Nói về trẻ em thiệt mạng do tiêm vaccine, bà Bộ trưởng bộ y tế cho rằng có nhiều nguyên nhân chưa rõ nguyên dân dẫn đến tình trạng trẻ em tử vong sau khi tiêm vacine.
Nguyễn Phú Trọng thì khen trà Trung Quốc ngon hơn trà Việt Nam và Trung Quốc là người bạn láng giềng ăn đời ở kiếp bởi có ai chọn được láng giềng đâu…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì cho rằng "nếu chúng ta không giáo dục cho con cháu, chúng ta rưng rưng khi hát quốc ca thì đất nước không thể giàu mạnh được...".
Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông phát biểu về tình trạng cá chết hàng loạt ở Hà Tĩnh "Nguyên nhân cá chết còn liên quan đến thủ phạm gây ra nguyên nhân đó…".
Đại biểu quốc hội Hoàng Hữu Phước cho rằng "biểu tình là ô danh, đất nước chưa đủ giàu mạnh để chi tiền cho việc ô danh đó".
Cao Đức Phát, Ủy viên ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Việt Nam thì cho rằng ngộ độc thực phẩm phải lăn ra chết kia mới xử lý được…
Có hàng ngàn câu phát biểu không đụng hàng của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Và gần đây nhất là câu phát biểu của Đào Minh Tú, Phó Thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam "Nợ công tăng vì giá lợn rớt".
Đến nước này thì không có cửa ngõ nào để bình luận về độ thông thái và uyên bác của các bác lãnh đạo nữa ! Vấn đề người ta muốn bàn tới ở đây là tại sao những con người nhìn mặt mày cũng không đến nỗi u thộn kia lại có thể nói ra được những lời kia ?!
Và những câu nói trên phản ánh thái độ, trách nhiệm của người nói nó ra như thế nào ? Nó vừa có vẻ bỡn cợt, xem thường người nghe, vừa có chút gì đó dưới mức trí tuệ bình thường… Nhưng đó là phát biểu của giới lãnh đạo.
Điều này chứng tỏ rằng sự tử tế cũng như tính nghiêm túc đã mất hẳn trong giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam, và thay vào đó là những lời phát biểu gàn dỡ, nhảm nhí. Hay nói cách khác, dường như sự nhảm nhí đã soán ngôi của sự nghiêm túc từ bao giờ không rõ.
Ông bà thường dùng câu "ăn no rửng mỡ" ám chỉ những kẻ ăn không ngồi rồi, nhàn rỗi, không biết làm gì, lại nghĩ ra đủ trò để hưởng thụ, phá phách và đương nhiên không ngoại trừ kiểu nói năng lăng nhăng, nhảm nhí càng ngày càng trở nên trầm trọng ở những kẻ này.
Nhưng ở đây, kẻ nói năng nhảm nhí lại là những người lãnh đạo đất nước hoặc chí ít cũng là người đứng đầu ngành, chịu trách nhiệm về sự tồn tại, phát triển của một nhóm ngành nghề, một lĩnh vực, thậm chí một quốc gia.
Người ta nói rằng khi ăn quá no, con người sẽ trở nên mụ mị và buồn ngủ, đầu óc lười suy nghĩ và tính ích kỉ phát triển. Một khi tính ích kỉ phát triển thì người ta sẽ hành xử dựa trên căn bản lười suy nghĩ cũng như bảo thủ, triệt tiêu mọi hướng nghĩ tốt hơn, tích cực hơn suy tính của mình để đạt cho được mục đích.
Và cái thứ mục đích đầy tính ích kỉ và ngụy biện kia luôn gắn với những thứ xảo ngôn, gắn với diễn ngôn đầy tính nhảm nhí và tráo trở nhằm miễn sao phá tan mọi lý lẽ trái chiều cho dù các lý lẽ đó có là chân lý. Bởi càng xảo ngôn, càng nói càng nói quấy, càng nói nhảm nhí, người ta càng dễ đạt được mục đích đẩy mọi thứ vào chỗ rối mù.
Và thử hình dung, trong một quốc gia, một dân tộc mà ở đó các nhà lãnh đạo trở thành những nhà xảo ngôn, mọi thứ nói xuôi cũng được nói ngược cũng xong trong một sinh quyển mờ mờ ảo ảo và nhảm nhí.. Liệu đất nước đó có phát triển nổi hay không ?
Điều đáng sợ nhất cũng đã đến, đó là sự nhảm nhí được chính qui hóa, nó trở thành diễn ngôn thường ngày của những nhà lãnh đạo. Và hệ quả của việc này là không nhỏ một chút nào, những vấn đề nghiêm túc của quốc gia, dân tộc bị hô biến thành chuyện chơi đùa, giễu nhại của cả người nói và người nghe. Đến một mức độ nào đó, thì sự việc tiến đến chỗ "lộng giả thành chân". Nghĩa là cái dối, cái nhảm cứ nói đi nói lại, lặp đi lặp lại sẽ thành điển cổ, thành chuẩn mực của xã hội.
Và hình như cái thứ chuẩn mực nhảm nhí đó đang được phổ biến một cách sâu rộng và toàn triệt ở Việt Nam lúc này. Dường như đi bất kì đâu, từ dinh ông Tổng cho đến phủ ông Thủ cho đến cơ quan bà chủ tịch rồi cả ở chợ, ở những phòng karaoke, những tiệm massage gội đầu hay quán bia ôm… Đi đâu cũng gặp những kiểu lộng ngôn na ná nhau và sự nhảm nhí trở nên kinh điển và chính thống hơn bao giờ hết !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 10/07/2018 (VietTuSaiGon's blog)
Câu hỏi này rất cũ, nhưng nó lại đặc biệt mới sau khi tôi đọc lá thư của một nữ sinh viên gửi cho ông thầy tên Hạ trên facebook (thiết nghĩ không cần nhắc thêm về nội dung lá thư này), hay bản tin của Lý Đợi trên facebook về việc nhà văn hóa Thanh Niên Thành phố Hồ Chí Minh đóng cửa triển lãm "bí ẩn cơ thể người". Và hơn nữa, sau khi tôi đọc đoạn tin về nhóm nhạc đường phố đang biểu diễn tại Đà Nẵng "thành phố đáng sống", bên cạnh chân cầu Tình Yêu và cầu Rồng thì bị một nhóm cán bộ và dân quân, công an phường đến tịch thu dàn âm thanh, đạo cụ mang về phường, phạt hành chính và nhắc nhỡ tuyên truyền… đừng xin tiền !
Nhà văn hóa Thanh Niên Thành phố Hồ Chí Minh đóng cửa triển lãm "bí ẩn cơ thể người" - Saostar.vn
Chuyện nghe cứ như phim ảnh hay một thứ gì đó thuộc về thế giới tưởng tượng hay thế giới hồi tưởng của người văn minh nhớ về một quá khứ đen tối của quốc gia, dân tộc. Nhưng không phải, đây là câu chuyện mới, rất mới, nó vừa xảy ra !
Bởi với con người có đủ hoặc chí ít có được một phần văn minh, tiến bộ và nhân bản trong tâm hồn, trí tuệ, sẽ chẳng có ai hành xử cổ hủ và chẳng khác nào "dùi đục chấm mắm cái" như vậy. Trong khi đó, kẻ hành xử vừa nói là những viên chức, quan chức nhà nước Việt Nam trong thế kỉ 21 này !
Như trường hợp ông thầy giáo Hạ cũng không kém phần đáng sợ bởi ông ta là một trí thức, một người có ăn học tới nơi tới chốn, một người có hiểu biết pháp luật (bởi đây là môn bắt buộc của một sinh viên hệ trung cấp, cao đẳng, cử nhân và môn có chuyên sâu của nghiên cứu sinh hệ trên cử nhân theo qui định của ngành giáo dục Việt Nam từ trước tới nay) nhưng lại cố tình lờ đi trước bất công và vô pháp, lại tuyên bố "thầy không biết luật !"…
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học-Xã hội-Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, cố tình lờ đi trước bất công và vô pháp, lại tuyên bố "thầy không biết luật !"
Điều này khiến cho người chứng kiến phải bật ra câu hỏi tưởng như đã cũ "Chúng ta đang sống trong thời đại nào đây ?!". Và câu trả lời, đương nhiên là đã có sẵn, một sự đương nhiên "chúng ta đang sống trong thời đại Hồ Chí Minh, thời đại cộng sản xã hội chủ nghĩa". Không có câu trả lời nào khác !
Vấn đề làm người ta thắc mắc và lấy làm lạ là hiện nay đã bước vào thế kỉ 21, loài người đã có những bước tiến khá xa từ khoa học cho đến triết lý sống cũng như các chuẩn mực đạo đức, dân quyền… Việt Nam không phải là quốc gia đóng cửa kín bưng trước thế giới, Việt Nam kêu gọi đầu tư nước ngoài, mở rộng các quan hệ quốc tế và tham gia Liên Hiệp Quốc, thậm chí ký kết các điều khoản về nhân quyền, tự do của Liên Hiệp Quốc như mọi quốc gia tiến bộ khác. Vậy tại sao Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn lại có cách hành xử cứ như mới từ trong bụi chui ra như vậy ?
Đà Nẵng, một thành phố mà người ta vẫn hay kháo với nhau rằng đây là thành phố "đáng sống nhất Việt Nam" bởi cơ sở hạ tầng tốt, cung cách hành xử của hệ thống quan chức địa phương có văn hóa, môi trường thân thiện… Nhưng nghe ra chuyện này đã thuộc về quá khứ. Ngay trong lúc các trào lưu nghệ thuật đường phố xuất hiện ở Hà Nội, Huế như một tín hiệu về sự giao thoa văn hóa, sự tiến bộ và hiện đại của đất nước thì tại Đà Nẵng, việc một nhóm sinh viên mang nhạc cụ ra đường phố đứng biểu diễn và để chiếc hộp đàn để nhận tiền thưởng của khán giả (một chuyện hết sức thường tình và tạo hình ảnh đẹp) lại bị một cán bộ phường đến quát tháo, tịch thu nhạc cụ, lập biên bản, phạt tiền…
Điều này cho thấy gần như mọi yếu tố cát cứ, lộng quyền đã phát triển đến đỉnh của nó. Có nghĩa là cái điều mà tối kị nhất trong một cơ thể quốc gia là "trên bảo dưới không nghe" dường như đang diễn ra đầy rẫy tại Việt Nam. Một tay cán bộ xã, phường, thậm chí cán bộ thôn, ấp tự xem mình là một ông vua khu vực. Và những kẻ lính lác bên dưới tự xem họ là những khanh tướng, được quyền, được phép ăn trên ngồi trốc, đè đầu cưỡi cổ nhân dân.
Dường như mọi lý thuyết như "cán bộ là đầy tớ trung thành của nhân dân" hoặc cán bộ là "của dân, do dân và vì dân", "cán bộ được đào tạo để phục vụ nhân dân"… đều là những câu cửa miệng được nói không ngớt bởi chính những kẻ phản bội lại nhân dân.
Tính phản bội nhân dân của họ phát triển thông qua những món lợi ích từ lợi ích nhóm cho đến lợi ích cá nhân, vinh thân phì gia. Và đến khi mọi lợi ích vật chất đã đủ, người ta chuyển sang những lợi ích tinh thần. Mà bất kỳ thứ ích kỉ nào được đính kèm với thế giới tinh thần đều cho ra những kiểu tinh thần bệnh hoạn và kỳ dị, nếu không muốn nói là kinh dị.
Bằng chứng, một ông thầy giáo, giảng viên đại học, hiệu phó một ngôi trường đại học thuộc dạng hàng đầu Việt Nam sẵn sàng nói không biết ngượng miệng trước sinh viên của mình rằng "thầy không biết luật !". Một câu trả lời mà bất kì nhà giáo nào (kể cả giáo viên mầm non) nói ra đều cảm thấy đó là nỗi nhục. Bởi pháp luật là thứ không riêng gì trí thức phải hiểu biết, mà nó là thứ qui định, là loại khế ước xã hội bắt buộc mọi người đều phải biết, phải nắm những thông tin cơ bản của nó để hành xử, để sống.
Ở đây, câu "thầy không biết luật" như một thứ bệnh hoạn tinh thần. Cụ thể là căn bệnh lợi ích tinh thần. Bởi để có được cái quyền lợi từ đảng phái, quyền lợi tiến thân trong hệ thống và quyền ăn trên ngồi trốc, người ta sẵn sàng đạp lên mọi giá trị đạo đức. Và đôi khi, mỗi cái chết của giá trị đạo đức lại tạo ra tiếng cười đắc thắng ngấm ngầm trong phép thắng lợi tinh thần bệnh hoạn. Nó bệnh hoạn đến mức một ông thầy giáo có thể đứng nhìn một đám đàn ông (không cần biết họ là gì) nhục mạ một cô nữ sinh bằng những từ ngữ không còn gì bỉ ổi và sỉ nhục hơn và không có bất kì một phản ứng nào ngoài việc đồng tình với đám đàn ông kia !
Và câu chuyện cấm văn hóa, từ việc cấm triển lãm "bí ẩn cơ thể người" ở Sài Gòn cho đến cấm các bạn trẻ chơi nhạc đường phố ở Đà Nẵng cũng là một phép thắng lợi tinh thần bệnh hoạn khác. Đó là một loại bệnh sợ phát triển của tinh thần. Người ta sẵn sàng để hàng trăm, hàng ngàn đám đông nhậu nhẹt ngồi tràn lan ra lề đường, thậm chí che trại lấn cả lòng đường để hát hò, nhảy nhót, karaoke tưng bừng. Trong đó, không ngoại trừ những bài ca ngợi đảng, ca ngợi bác Hồ và những bài theo kiểu "không còn yêu thì anh cứ đi, trên đường đi nói câu biệt ly yeah !" hay ""nếu em thấy không còn cảm giác, thì vui lòng đi tìm người khác yeah !". Những thứ đó hoàn toàn không bị cấm, thậm chí được ngầm cổ xúy, và không ít trường hợp, những đám đông nhảy nhót đó có đầy các gương mặt cán bộ phường, xã, thậm chí huyện, quận…
Nhưng người ta lại không chấp nhận những cuộc chơi nghiêm túc hàm chứa học thuật. Bởi đâu đó trong sâu thẳm của phép thắng lợi tinh thần còn hàm chứa cả nỗi sợ hãi. Sợ nhân dân nổi dậy, sợ những đám đông hành xử có văn hóa, sợ những đám đông hiểu biết, sợ những cuộc hội tụ không tạp nhạp và không có biểu hiện bản năng.
Ở một đất nước mà các đám đông tạp nhạp, biểu hiện bản năng và suồng sả thì được hoạt động thoải mái nhưng bất kì một nhóm nhỏ nào có biểu hiện văn minh hay một chút gì đó thuộc về văn hóa, nghệ thuật thì bị chặn đứng bởi một nỗi sợ hãi nào đó từ sâu thẳm nhà cầm quyền thì có vẻ như cái lổ hổng đạo đức, tư duy và văn háo đã không còn chỗ vá.
Bởi nó cho thấy nỗi bất an đã xâm chiếm mọi ngõ ngách tâm hồn, và chính những kẻ cấm đoán lại là kẻ bất an nặng nề nhất. Sự giải tỏa bất an bằng những hành vi dần rời xa tính người là một biểu hiện suy thoái tinh thần đến đỉnh điểm trong cái phép thắng lợi tinh thần của kẻ bất an !
Và người tỉnh thức, người sở cầu văn minh, nhân bản, nhân văn bao giờ cũng là người phải đeo vòng gai và vác thánh giá trên sa mạc cô đơn này !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 06/07/2018 (VietTuSaiGon's blog)