Kỹ nghệ ăn mày, có lẽ từ này không còn mới trong từ điển sống của Việt Nam 10 năm trở lại đây. Từ những anh thanh niên khỏe mạnh hô biến thành người tàn tật ăn lê ngồi lốc xin người qua đường năm, ba ngàn rồi tối đến có xe hơi đưa rước đi ăn nhậu. Đến bà mẹ hờ véo tai con hờ khóc thét để xin ăn, từ những người tìm một ống truyền dịch cũ rồi treo lủng lẳng trên người, len vào các khu chợ xin chút tiền "mua thuốc uống"…
Tháng Bảy, những hồi chuông nguyện siêu thăng bạt độ với loa bắc ra từ các chùa làng khiến nhiều Phật tử sụt sùi nước mắt thương mẹ thương cha...
Có những mảnh đời thật nhưng cũng không hiếm mảnh đời giả nhiều khi khiến những người đi đường, người đi chợ phải đau đầu nhức óc.
Tháng Bảy, những hồi chuông nguyện siêu thăng bạt độ với loa bắc ra từ các chùa làng khiến nhiều Phật tử sụt sùi nước mắt thương mẹ thương cha... Tháng Bảy với những cơn chớp giông đầu thu (mà thực chất là cuối mùa khô ở miền Trung Việt Nam), người dân lo sợ bom nước nổ trên đầu. Tháng Bảy với những tiếng kêu răng rắc từ những căn nhà cổ rệu rã với thời gian… Tất cả như những nốt dạo đầu của mùa giông bão mà cũng là bước vào đoạn cao trào về một kỹ nghệ ăn mày cần được nêu tên.
Đầu tiên cần nhắc đến có lẽ không thể bỏ qua câu chuyện nhà của vua Mèo ở Hà Giang, vốn dĩ đã tốn không ít mực giấy của báo giới và thời gian gõ chữ của các fabooker, coffeer, buôn chuyện cer… không chỉ vì nguồn gốc ngôi nhà của một người được tung là vua Mèo, về khoản đóng góp của dòng tộc này cho nhà nước Việt Nam, về sự bất minh trong quá trình làm giấy tờ xác nhận quyền sở hữu của khu dinh thự… Điều mà nhiều người một lần nữa bàn tán là kỹ nghệ ăn mày từ các khu nhà cổ.
Tôi có một người bạn, gia đình anh là cháu đời thứ ba của chủ một ngôi nhà cổ, mẹ anh là cháu nội của chủ căn nhà này trước đây. Theo thời gian, chiến tranh và tuổi tác, mỗi con cháu trong gia đình đều đã chết hoặc đi xa, giờ chỉ còn mẹ anh ở gần bên nhang khói cho ông bà. Những trận mưa bão, lũ lụt, những đợt nắng gắt… căn nhà vẫn còn lại hình dáng xưa với kiến trúc lai Pháp ở tiền sảnh và nhà 3 gian 28 cột gỗ phía trong, nơi sinh hoạt chính của gia đình hồi xưa tuy nhiên những cột gỗ bắt đầu bị mối mọt xâm chiếm, lượng ngói âm dương được lợp mấy lớp trên mái hiên bắt đầu đổ xuống, sau thì tùy nơi tùy ý của mưa gió mà đổ. Buồn thương cho một thời xưa cũ và tự thân không đủ nguồn lực, người bạn này của tôi vận động để xin bà con một người một ít trùng tu căn nhà nhưng không ai chịu, cuối cùng anh nghĩ đến cách xin kinh phí trùng tru nhà cổ của sở Văn hóa tỉnh nơi anh đang sống.
Những tưởng mọi chuyện tiến hành suông sẻ thì anh lại ngao ngán lắc đầu bởi không còn dám giữ đức tin khi mọi thứ dường như tiến hành theo quy trình của ‘kỹ nghệ ăn mày’. Anh bảo, có thể gọi tên nó là gì khác chứ nếu không phải là ‘ăn mày’. Bởi con cháu ở xa của ông cố của anh đều thở ra khi anh vận động trùng tu, nhưng khi nghe nói có thể xin được một khoản tài trợ trùng tu thì ai cũng bảo : ‘để tôi quản lý tài chánh…’, anh này hỡi ôi. Vậy nhưng mọi chuyện càng hỡi ôi hơn khi anh biết rằng, ngôi nhà đó sẽ nhận được 30% khoản tiền trùng tu nếu như người đứng ra xin trùng tu hiểu luật ngầm ‘70% tiền chi phí’ để có được 30% đó, nếu không thì không có khoản nào cả.
Cuối cùng, anh bạn tôi lấy bồ hòn làm ngọt, thôi tự mình chống chắn những nơi mục nát của căn nhà và dặn kỹ mọi người tránh xa căn nhà mỗi khi mưa gió.
Chuyện thứ hai, có lẽ cũng sẽ không buộc tôi phải nghĩ ngợi nếu những tiếng chuông chùa dẫn lỗi không reo rỉ quanh nhà tôi suốt tháng Bảy. Nhiều người hàng xóm của tôi rên đau đầu nhưng nhiều người sụt sùi nước mắt mỗi khi tháng Bảy về. Bao nhiêu tiền họ dành dụm ki cóp không dám ăn uống cả năm được lận vào một túi áo lam và lần lượt cống nộp tại các thùng phước sương của chùa hoặc trao nộp tận tay thầy. Tôi không dám bình xét trên đức tin của mỗi người bởi chúng ta đều có đức tin riêng nhưng sự thật khi các chùa chiền, đền miếu được xây nên như một trạm kinh doanh ngày càng nhiều buộc người ta phải đưa ra lời bình phẩm.
Một ngôi chùa nuôi đủ ngỗng gà, khỉ… các loại và sư thầy có thuê hẳn một cô sồn sồn đôi mươi buổi chiều muộn dọn chùa giúp thầy đến sáng sớm, rồi ơ hay nhiều khi người đi lễ sớm thương thầy vì còn xoa bóp cho thí chủ kia bị gió lúc nửa đêm. Nhiều người xì xầm, nhiều lời bàn tán nhưng rồi đứng trước tượng Phật, đứng trước lời giáo huấn của thầy, đứng trước nhu cầu gửi tiền vào thùng phước sương để rửa sạch việc cho vay nặng lãi, việc buôn bán chặt chém, việc hục hặc gia đình… Nhiều người như những con thiêu thân lao đến chốn chùa chiền.
Thử hỏi ở đây ai đang vận hành một guồng máy đầy đủ tính chất của kỹ nghệ ăn mày hiện đại. Người đi lễ với những mánh khóe lừa lọc trong đời sống, những cuộc đâm thuê chém mướn, những khuôn dấu thay đổi giấy tờ đất đẩy biết bao gia đình lên bờ xuống ruộng, những cái nhìn trừng trừng trong anh em hàng xóm, những cuộc thanh trừng đôi khi đổ máu vì vài tấc đất… để rồi tiền bạc rủng túi, nhà cao cửa rộng, hô mưa gọi gió trong thế giới của mình. Nhưng để rồi chính họ phải đi ăn mày chút ‘’đức’’ còn sót lại của việc mua ở cổng chùa.
Rõ ràng họ cứ vận hành, vận hành cái chuỗi đó bởi họ biết rằng có một cái guồng khác sẽ tạo ra thứ mà họ muốn ăn mày. Và có cung thì có cầu, kỹ nghệ ăn mày theo hướng ngược lại được dựng nên từ những đàn cứu tế, những nhà phao và những bông sen nhựa trên khắp chốn, trong mọi hang cùng ngõ hẻm. Người thì ăn mày chút đức, kẻ ăn mày chút tiền và sự cung phụng. Đôi khi một vài nhà sư thánh thiện chấp nhận phụng hiến cả đời để mong có thể ăn mày chút nhân cách còn sót lại trong những con người khoác áo nâu đến lễ chùa của mình. Nhưng… !
Để rồi, chút nắng cuối mùa còn sót lại, tháng Bảy sẽ qua đi để tháng Tám, tháng Chín ùa về. Những cánh đồng lúa chưa kịp chín, những ngôi nhà chưa kịp may vá trước mưa giông, những ao cá, vườn rau… những bước chân vội vã men núi sau buổi học, sau buổi săn bắt sóc rừng, hái lượm thuốc nam, bắp chuối… Lũ ập về bất ngờ bởi rừng thiêng chảy máu, con người hóa thành thánh nhân khi dùng bê tông cốt thép mong nắn xương sống của mẹ thiên nhiên, tạo ra những đập thủy điện… Ùm, xòa… nhiều thứ trở về với cát bụi mang theo biết bao nước mắt và nỗ lực sống của những cư dân còn sót lại nơi dòng lũ đi qua.
Lúc này một kỹ nghệ ăn mày mới xuất hiện. Có chăng trong lời nói của một cậu bé tôi từng gặp, cậu thầm trách những đoàn cứu trợ, bởi có lẽ trong số họ có những người mong thiên tai nhân họa đến với vùng đất của họ, để từ đó họ ăn mày chút tên tuổi trên truyền hình, đánh bóng chút thương hiệu trong những chuyến đi từ thiện, trong những căn nhà tình nghĩa mới xây. Và bởi trong chính những người bản xứ, nhiều người thả mặc cho số phận, cho thời gian bởi đến tháng Chín tháng Mười, khi con nước ùn ùn đổ xuống, không mang theo phù sa và tôm cá, không mang theo những gốc gỗ rừng hoặc một vài cành cây như trước nhưng sẽ mang đến cho họ những cái nhìn thương cảm, những món tiền khổng lồ và đôi khi là cả một gia tài nếu bạn biết diễn. Đáng buồn thay, cậu bé cúi đầu bơ vơ khi cảm thấy rằng, không có ai trong số những người cậu quen biết biết mình đang làm gì, có lẽ họ lạc trong những giấc mơ mà ở đó, cái thiện cái ác, cái thiện tâm thực sự được đánh đồng trong những mớ bòng bong để rồi ai cũng thở để mà sống tiếp.
Tháng Bảy, đâu đó trong tiếng gió vi vu, trong những đám mây tượng hình ngôi nhà nhỏ, trong những tiếng kinh cầu báo hiếu mùa Vu Lan, trong những cái thiện tâm đau đáu… ai đó đang chạnh lòng bởi màn kỹ nghệ ăn mày dần đến buổi cao trào.
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : VOA, 23/08/2018 (VietTuSaiGon's blog)