Cụm từ ‘đi bão’xuất hiện nhiều trong những ngày gần đây sau khi U23 Việt Nam giành quyền vào trận bán kết gặp Hàn Quốc ở Asiad 2018 đang diễn ra ở Indonesia. Thế nhưng cơn bão nào đang thực sự gây chấn động khiến nhiều người phải nghĩ đến chuyện ‘chạy bão’ ngay trong những ngày cuối tháng 8 này, có lẽ phải kể đến hai cơn bão lớn : bão giáo dục (thổi vào) lớp 1, bão bóng đá.
Nhiều bậc cha mẹ đang đau đầu nhức óc về vấn đề mua sách giáo khoa và chọn trường cho con học
Ở cơn bão thứ nhất, giáo dục lớp 1 : hiện tại là khoảng thời gian nhiều bậc cha mẹ đang đau đầu nhức óc về vấn đề mua sách giáo khoa và chọn trường cho con học. Việc chọn trường lẽ ra đã diễn ra từ đầu tháng 6, lúc trẻ con bắt đầu tạm biệt trường mẫu giáo và các trường tiểu học chuyên, chuẩn, công mở bán hồ sơ đăng ký vào các trường… Tuy nhiên không phải ai trong các bậc cha mẹ cũng có đủ điều kiện để xếp hàng, để đăng ký và xin cho con mình vào các trường ưng ý nên buộc lòng nhiều người phải nhắm mắt chờ số phận đẩy đưa, thôi hên xui, may rủi để mong con gặp được giáo viên tốt ở lớp 1.
Và cuối tháng 8, khi lịch đã lên sẵn, dắt tay con đến trường để nhận lớp chuẩn bị trước khai giảng, nhiều người ngỡ ngàng trước quy định đồng phục, sách vở, môn học mỗi trường mỗi khác. Và một cuộc ‘chạy bão’ nước rút hình thành. Từ việc cảm nhận của con, của phụ huynh về giáo viên, những người họ đã biết rõ hoặc cảm nhận của cái nhìn, cách xử sự của giáo viên với học sinh hoặc cha mẹ học sinh… nhiều lý do để dẫn đến việc nên tìm đường chuyển lớp cho con hay không. Bởi lớp 1 trẻ con bỡ ngỡ bước vào, rời xa búp bê, xe gỗ, rời những trượt xích đu nhựa, những bữa ăn í à í ơi các cô mẫu giáo, trẻ con cần một sự yêu thương, thấu hiểu trước khi nhận đòn roi hay cái nhìn gay gắt (mà về nguyên tắc là tối kị trong giáo dục) của thầy cô giáo.
Đó là chưa kể đến việc lãng phí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho việc mua sách giáo khoa. Nếu như trước đây nhiều thế hệ học chung một bộ sách giáo khoa thì bây giờ các trường, các vùng không còn thống nhất giáo trình, chưa kể đến việc sách năm nay khác sách năm ngoái. Tôi gặp không ít bậc cha mẹ phải chạy tới chạy lui cả chục hiệu sách để tìm cho bằng được một, hai cuốn giáo trình đạo đức lớp 1 hoặc bài thực hành toán lớp 1… Và họ càng rối trí hơn khi ngày khai giảng của con đang tới gần và các nhà sách đều trả lời rằng ‘vừa hết’.
Vấn đề đáng bàn là họ đã mua cho con cả bộ giáo trình lớp 1 từ đầu hè, và tin rằng như vậy con đã đủ sách học. Nhưng khi tập trung, nhiều người hỡi ôi vì mỗi trường yêu cầu mỗi sách khác nhau, ví như theo bộ sách đóng sẵn thì có sách bài tập toán, nhưng trường thì bảo sách này không dùng, phải thay bằng sách thực hành toán, trường thì bảo phải thay bằng sách thực hành toán và tiếng việt… Rồi nhiều sách trở thành sách vừa học vừa làm bài tập, buộc học sinh giải ngay trong sách khiến việc chuyền tay sách cũng không thể được.
Hiện tại, toàn bộ sách giáo khoa do nhà xuất bản giáo dục Việt Nam độc quyền in ấn và phát hành, và việc loạn giáo trình một lần nữa đặt câu hỏi về nạn cát cứ quyền lực trong giáo dục Việt Nam.
Mọi thứ gây được tiếng động và màu sắc, nẹt pô, giựt cờ, lập nhóm đua xe… chỉ cần hô theo câu thần chú ‘Việt Nam vô địch’ là mọi sự được hợp thức hóa.
Cơn bão thứ hai, bóng đá : Những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt các cổ động viên, từ người già, trẻ em, thí sinh thi hoa hậu, những cơ quan cho nhân viên nghỉ sớm để cỗ vũ cho bóng đá khi Việt Nam sẽ bước vào trận tranh huy chương đồng sau khi thua Hàn Quốc với tỷ số 1 – 3 ở trận bán kết. Với nhiều người yêu thể thao tỉnh thức, người ta mừng vì Việt Nam đã dừng lại đúng với trình độ của mình. Rõ ràng, thể thao bao gồm của sự hên xui, nhưng với một đội bóng mong qua khỏi vòng loại, giờ được bước vào tranh giải ba đã là một kỳ tích, sao cố đấm ăn xôi mong vào chơi chung kết. Những trận bão xảy ra sau khi bóng đá nam Việt Nam thắng hoặc thua một trận cầu nào đó, từ bão truyền thông với những bài báo, những video gia đình các cầu thủ từ dự bị đến chính thức, từ những cầu thủ có ‘pha chuyền kiến tạo’ đến cầu thủ ghi bàn, từ việc gia đình cầu thủ mổ trâu đãi khách đến làm gà mừng khi con về hoặc khóc cảm động khi con ghi bàn, ngay cả gu ăn mặc của một cầu thủ nào đó hoặc bạn gái cậu ta sexy ra sao… Không có gì những tờ báo Việt Nam không khai thác nếu được. Rồi đến bão cổ động viên, người ta ùn ùn đổ ra đường mang theo bình gas, nắp nồi, trống, cờ, xé áo, vẽ màu… mọi thứ gây được tiếng động và màu sắc, nẹt pô, giựt cờ, lập nhóm đua xe… chỉ cần hô theo câu thần chú ‘Việt Nam vô địch’ là mọi sự được hợp thức hóa.
Có thể nói gì đây ngoài việc cảm thương cho một thế hệ, một dân tộc ? Chúng ta xót thương cho chúng ta, những con người sống trong một dải đất được điều khiển bằng những lời nguyền giai cấp, bằng những cái nhìn tô đắp tiền bạc, bằng những câu khẩu hiệu và những điều luật buộc người ta gói tiếng nói trong những bao nylon. Và khi ống loa đu đủ nhận được đường truyền từ câu thần chú mới : "Việt Nam vô địch", chúng ta như những con thiêu thân lao ra đường để hít cho thỏa cái ánh sáng hô khẩu hiệu, nẹt ga, ôm, khóc… thỏa chí… thỏa sức vùng vẫy trong cái ánh sáng giả tạo mà chúng ta đều biết nhưng ít nhất, trong đó có một phần của chúng ta, niềm đam mê với trái bóng, niềm khát khao được ôm choàng lấy nhau, cùng nói chung tiếng nói của một dân tộc không theo biên kiến nào, không phân biệt giai cấp, lề lối, không phân biệt kẻ thắng người thua, không phân biệt Nam Bắc, con bạn, con thù… Hãy bỏ qua mọi thiên kiến, hãy cảm thông, bởi đó là lúc mà xung năng của chúng ta được giải thoát sau bao ngày kìm kẹp mà không phải mất cái ăn, không phải bị vào tù ? !
Nhưng cơn bão bóng đá không chỉ dừng lại ở đó, bởi nó còn làm nhiều người buồn, buồn bởi người ta đã đứng lên, vùng vẫy chỉ vì một pha ghi bàn đâu đó bên kia biên giới, nhưng không mấy ai sẵn sàng nói lên tiếng nói của chính lương tâm, của những điều tưởng chừng vì tương lai chúng ta : đảo mất, chữ Tàu đầy đường, luật biểu tình, tưởng niệm yêu nước, đàn áp biểu tình… Xin hãy cảm thông bởi đôi khi trong sự no đủ của hiện tại, không ít người hàng ngày vẫn giữ trên đầu nằm một ổ bánh mì, một vài lon gạo hay một cái áo ấm, một đôi giày mới, bởi họ sợ chiến tranh, họ sợ cái đói, họ nguyền rủa sự cấm đoán và sự xếp hàng chờ cái ăn. Nỗi sợ truyền kiếp của những đứa con giai cấp !
Ai đó nói rằng hãy nhìn ra hạnh phúc của mình và gắng giữ gìn nó ! Biết đâu đấy, trong sự nhược tiểu hiện thời và cái sợ mất của hiện tại, nhiều người đang gắng giữ hạnh phúc mà họ thấy và rồi một lúc nào đó, khi con người nhận ra cái gốc cội của hạnh phúc, mọi biên kiến, ràng buộc, áp đặt, kìm chông… sẽ bị phá tung chỉ trong tích tắc và rồi… Mọi trận bão sẽ mãi là sức mạnh của gió, vấn đề là nó nổi lên từ đâu và khi nào… !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : VOA, 29/08/20148 (VietTuSaiGon's blog)