Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/04/2019

Đoàn Ngọc Hải, sao lại thù mèo hận chó đến thế ?

Viết từ Sài Gòn

Sau vụ tai tiếng dẹp vỉa hè và đội đơn xin từ chức, rồi lại xin ở lại tiếp tục "phục vụ" của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, có lẽ, vụ dắt nhau đi bắt chó rông của quận 1 cũng đáng kể không kém. Sở dĩ phải nói rằng ông Đoàn Ngọc Hải dắt đoàn đi bắt chó rông đúng hơn là đi thực thi pháp luật hay là đi củng cố an ninh trật tự. Vì lẽ : Cách hành xử của đoàn làm việc không những thiếu chuyên nghiệp mà còn vi phạm pháp luật.

cho1

Cách hành xử của đội bắt chó rông của quận 1 làm việc không những thiếu chuyên nghiệp mà còn vi phạm pháp luật.

Vô hình trung, một ngày đi bắt chó rông của đoàn đã phạm phải luật bảo vệ động vật.

Văn hóa, văn minh của đoàn làm việc có vấn đề trầm trọng, cách làm việc và thái độ của ông trưởng đoàn Đoàn Ngọc Hải cũng như các nhân viên công lực đều thiếu văn hóa và không đảm bảo yêu cầu về đạo đức.

Cụ thể, cách hành xử vi phạm pháp luật ra sao ? Thứ nhất, quận 1 đã không phát đi thông báo mà theo đúng tinh thần luật hành chính là liên tiếp ba ngày để người dân biết các qui định của nhà nước mà rọ mõm, chích vacine, nhốt chó, ngưng thả rông. Thứ hai, khi vào nhà dân để bắt chó, người đại diện trong đoàn phải chào hỏi người dân, đọc lệnh bắt hoặc ra thông báo tức thời, giải thích vì sao chó của người dân bị bắt chứ không phải cứ chạy xe, tấp vào lề, chạy thẳng vào nhà dân để bắt chó. Như vậy là xâm nhập gia cư bất hợp pháp và hành xử không minh bạch.

Theo dõi một video clip trên mạng xã hội, cảnh đoàn bắt chó quận 1 vào nhà dân theo kiểu đánh úp, không nói không rằng, các anh dân phòng và công an cầm thòng lọng chạy vào rượt con chó đang đứng ăn khúc xương trước cửa nhà để bắt. Chó sợ bỏ chạy vào nhà, chủ nhà chạy ra can ngăn và cam đoan là chó đã chích phòng dại nhưng đoàn vẫn khăng khăng đòi bắt. Bà cụ chủ nhà tự chui đầu vào thòng lọng và nói "hãy bắt tôi đi, đừng bắt nó, nó không có chạy ra đường". Câu nói và hành động của bà cụ vô hình trung làm chạm đến lòng trắc ẩn con người. Một cụ già sẵn sàng chịu chui đầu vào tròng để thế mạng cho con vật, đây là hành vi nhân ái và cao thượng cho dù đứng trên góc độ nào. Rất tiếc là hành vi của bà cụ không đánh động được lòng thương xót của những người trong đoàn, họ vẫn khăng khăng đòi bắt chó.

Đến khi người con trai thứ và con trai trưởng của bà cụ ra can ngăn, nói lý lẽ thì chính ông Đoàn Ngọc Hải lại nói giọng găng-tơ, thách đố với người con trai trưởng rằng ông nhất định bắt chó và sẽ mời người con trai thứ về phường làm việc. Sau lời ông Hải là trưởng công an phường vào mời người con trai thứ về phường. Không có giấy mời của Trưởng công an quận/huyện ký là sai qui trình chấp pháp. Và khi người con trai thứ mặc áo vào để đi thì có hai công an choàng tay qua hông, đẩy đi. Đây không thể gọi là mời mà đang trấn áp người dân và có dấu hiệu cưỡng bức ý chí chứ không đơn giản là mời làm việc như ông Hải nói. Từ chỗ mời sai qui trình, làm việc sai luật, ông Hải còn dặn các công an về "làm biên bản mạ lị, xúc phạm đoàn làm việc" cho người con trai thứ gia đình vừa nói. Khi người con trai thứ ngồi lên xe, chưa kịp đội mũ bảo hiểm thì một công an phóng xe như điên chở anh ta về phường. Hình ảnh này không những xấu xí mà dự cảm một điềm chẳng lành cho người sắp làm việc với công an !

Và cách hành xử của đoàn vô hình trung chạm đến luật bảo vệ động vật. Đương nhiên, tình trạng chó thả rông, không có rọ mõm và đuổi cắn người là chuyện bức xúc của không riêng gì Hồ Chí Minh mà tất cả các thành phố, vùng quê đều xảy ra. Bắt chó thả rông để giữ an toàn cho người dân là một việc tốt. Nhưng điều đó không có nghĩa là cứ thấy chó chạy ngoài hiên nhà người ta hoặc chạy trong nhà nào mà không xích thì cứ xông vào bắt. Rồi khi chủ nhà khẳng định là mới tháo rọ mõm cho chó ăn, chó đã tiêm phòng dại mới gọi cán bộ bên vệ sinh phòng dịch mang sổ sách tới để kiểm tra. Như trường hợp trong video clip. Khi ông Hải kiểm tra danh sách tiêm phòng dịch thì thấy chó định bắt đã tiêm, vẫn cứ chống chế muốn bắt. Cuối cùng, không bắt được chó thì chuyển sang "mời" người về phường.

Cách làm việc như vậy có chút gì đó vừa tráo trở lại vừa hống hách, thiếu khoa học và thiếu cả nhân tâm, kém đạo đức. Lẽ ra, trước khi đi bắt, danh sách những con chó đã phòng dịch phải được khoanh vào vùng xanh và sẽ được nhắc nhở lần đầu nếu chủ của nó thả rông. Đằng này cứ nhắm mắt nhắm mũi xông vào bắt, mặt đằng đằng sát khí chẳng kém lúc đi dẹp vỉa hè. Mà thử nhìn lại, sau chiến dịch dẹp vỉa hè, liệu vỉa hè quận 1 có gì tốt hơn so với các quận khác ? Thậm chí sau đợt dẹp vỉa hè trên cả nước, các vỉa hè có hết các quán nhậu hoặc có tốt hơn, thông thoáng hơn hoặc văn minh hơn trước hay không ? Có thể nói là Không !

Đến đây, có thể nói rằng văn hóa, văn minh và đạo đức của cán bộ là hết sức quan trọng. Nó càng đặc biệt quan trọng hơn với Việt Nam, bởi người dân Việt Nam trải qua quá nhiều gian nan, từ chiến tranh cho đến trưng thu tài sản rồi kinh tế tập trung bao cấp, kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thời chiến tranh thì chết chóc, ly tán ; Thời sau 1975 thì mất nhà cửa, mất tài sản, mất người thân ngoài biển ; Thời kinh tế tập trung bao cấp thì miếng ăn, cái nhục và nỗi đau vì miếng ăn đã làm người ta không còn nghĩ gì được ngoài miếng ăn và cái bụng đang sôi sùng sục ; Thời kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì những kẻ thời cơ, gian lận, tham ô nhiều như nấm… Chính những yếu tố này đã lấy mất đi vốn liếng văn hóa của người dân. Và một chính quyền có trách nhiệm thì phải hướng người dân từ chỗ kém cỏi đến chỗ tốt đẹp, từ chỗ thiếu văn hóa, thiếu tình người đến chỗ có văn hóa, nhân bản.

Nhưng không, không riêng gì Đoàn Ngọc Hải mà hầu hết cán bộ nhà nước Cộng sản Việt Nam từ Nam chí Bắc, từ địa phương đến tỉnh, thậm chí đến trung ương đều có cách hành xử na ná nhau, đó là hách dịch, cửa quyền, bất minh và ngồi xổm trên pháp luật. Đó là chưa muốn nói đến vô văn hóa, vô đạo. Thử nghĩ, với cách hành xử như vậy từ phía cán bộ thì người dân phải hành xử ra sao khi đối phó với cán bộ ? Đương nhiên là họ phải phát huy cái thô thiển, tục tằng, cộc cằn và hung hăng, thậm chí bạo lực đầu đường xó chợ để đối phó.

Và một đất nước mà những kẻ đứng vai lãnh đạo lại là những cái ngòi nổ của thói xấu, vô đạo và băng hoại thì liệu người dân của đất nước đó có chạm đến nhân văn được không ?

Nói cho cùng, mỗi lần có chiến dịch nào đó mang danh nghĩa "vì nhân dân" là một lần giới cán bộ có cơ hội châm ngoài nổ bạo lực, tức giận, thậm chí thù hận với nhân dân. Mà một khi chính quyền đẩy nhân dân về phía cừu thù thì còn gì để nói nữa đây ?

Lại một lần nữa, Đoàn Ngọc Hải ra quân bắt chó, lại một lần nữa, người ta lại kháo nhau rằng trước đây Hải thù hận mấy mái che, mấy tam cấp, bây giờ Hải chuyển sang thù hận chó mèo ? Sao lại để người dân xếp mình vào diện thù hận với chó, mèo hả ông Đoàn Ngọc Hải ? !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 23/04/2019 (VietTuSaiGon's blog)

Quay lại trang chủ
Read 954 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)