Chưa bao giờ tình hình trở nên xấu như hiện tại. Xấu vì nhiều thứ : Đại dịch corona, chính sách nhà nước trong lúc dầu sôi lửa bỏng và lòng người trở nên thản bại. Dường như có hai chiều đối lập nhau ngay lúc này, dù có nhắm mắt cũng nhìn thấy. Kiểu trống đánh xuôi kèn thổi ngược diễn ra giữa nhà nước với nhà nước, giữa nhà nước với nhân dân và giữa nhân dân với nhân dân.
Đổ máu ở Đồng Tâm là chiêu bài gây nguy hại cho Nguyễn Phú Trọng nặng nề nhất.
Ở vấn đề trống đánh xuôi kèn thổi ngược giữa nhà nước với nhà nước, cụ thể là giữa nội bộ Đảng cộng sản với nhau, dường như đã rất rõ, không chí nhà nước để công kích khéo với nhau, và cũng không ngoại trừ việc công kích gay gắt với nhau. Cái lò chống tham nhũng của Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng càng ngùn ngụt cháy và các báo không ngần ngại nêu tên những cây củi sắp vào lò, trong đó có những cây củi từng là cổ thụ rừng già một thuở. Ngược lại, các nhóm bên dưới không những không đồng tình chống tham nhũng mà tạo ra nhiều scandal vì lợi ích nhóm, đạp qua mạng sống của nhân dân và không ngần ngại giết tróc, đẩy nhân dân ra đường trong lúc thủ lĩnh tối cao của đảng đang bị kiềm tỏa bởi bệnh tật và những vòng vây vô hình thiết lập từ phe nhóm. Có một sự mâu thuẫn rất rõ trong các chính sách gần đây nhất. Đổ máu ở Đồng Tâm là chiêu bài gây nguy hại cho Nguyễn Phú Trọng nặng nề nhất.
Giữa nhà nước với nhân dân thì quá nhiều chuyện để nói, bưng bít thông tin, thả sức tấn công nhân dân, kể cả việc lấy đi mạng sống của nhân dân, việc đó đã diễn ra và nó có chiều hướng tăng trưởng, lan rộng ra mọi miền đất nước chứ chưa dừng lại. Sự lan rộng bạo lực của nhà nước đối với nhân dân như một chỉ dấu cho thấy nhà nước đã bất lực và đuối lý trong các tranh chấp đất đai với nhân dân và họ buộc phải dùng sức mạnh bạo lực để tranh đoạt với nhân dân. Đương nhiên, hệ quả của việc này thì rất khó mà lường, bởi xây dựng nhà nước cũng từ nhân dân mà lật đổ nhà nước cũng bởi nhân dân. Đó là qui luật trường tồn của mọi dân tộc trên thế giới này. Hết bưng bít vụ Lộc Hưng, Đồng Tâm, xa hơn chút là Cồn Dầu, Ecopark Văn Giang… nhằm giữ bí mật lợi ích nhóm, nay nhà nước chuyển sang bưng bít thông tin về dịch cúm Corona.
Trong vấn đề dịch cúm Corona, rõ ràng, nhà nước đứng hai chân trên hai thái cực : Sự hỗn loạn có tính bao quát và ; Những vết chàm không thể xóa. Vì nhìn thấy sự hỗn loạn có tính bao quát, bắt nguồn từ tâm lý bất bình, mất niềm tin, thậm chí bất mãn và hận thù đối với nhà cầm quyền của nhân dân nên mọi thông tin đã bưng bít càng phải bưng bít kĩ hơn. Bởi mọi sự thật hiện nay đều không có lợi cho nhà cầm quyền, nó như một cái lò hỏa diệm sơn có thể bùng cháy mọi thứ khi có gió.
Việc nhà nước ban bố nghị định 100 ngay trong lúc đại dịch Corona hoành hành (có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2020, trong khi đó, đại dịch Corona Vũ Hán được phát hiện từ những ngày cuối tháng 11 năm 2019 !) là một việc hết sức tắc trách nếu nhìn sâu vào bản chất vụ việc.
Nhìn từ bề nổi, rất dễ thấy hai vấn đề gồm chấn chỉnh giao thông, giảm tai nạn ngày Tết và tìm một cái Tết lành mạnh. Bên cạnh đó, việc củng cố ngân sách của ngành công an, tạo khoản thu nhập Tết và tạo cảm hứng cho ngành từ việc thưởng Tết là hết sức cần thiết. Bởi các khoản thưởng Tết được trích từ tiền thu về của cảnh sát giao thông. Năm vừa qua, với 70% tền phạt do nồng độ cồn, xe không chính chủ, xe vi phạm luật giao thông… Có lẽ, ngành công an có được khoản thưởng kha khá hơn. Và đây là nhu cầu cấp thiết bởi nếu không có khoản này, ngành công an sẽ khá lúng túng trong việc thưởng Tết. Vì anh em nhà công an là nhóm có thế lực trong xã hội hiện tại, họ hô mưa gọi gió cho vợ con, gia đình họ làm kinh tế, họ bảo kê cho nhiều nhóm kinh tế, mức chi tiêu của họ không thấp, nếu thưởng Tết của ngành bèo quá thì mọi chuyện có khi lại tệ đi vì những râu ria vặt vãnh. Nghị định 100 cứu được khoản thưởng Tết của ngành là điều không thể chối bỏ. Nhưng, trong lúc dầu sôi lửa bỏng vì đại dịch corona, virus có thể lây nhiễm qua đường không khi, qua tai mũi họng mắt chứ không riêng gì đường tiếp xúc trực tiếp, hơn nữa, nó đã báo động trên toàn khu vực. Vậy mà các anh giao thông lại mang ống thổi đo cồn ra bắt tài xế, người đi đường dừng lại thổi. Cho dù có thay ống thổi thì cũng vô nghĩa bởi hơi thở phát tán ở không khí chỗ cảnh sát đứng, rồi nòng ống thổi vẫn còn virus (nếu có) đọng lại trong đó, chắc chắn, cái máy đo nồng độ cồn của cảnh sát giao thông nhanh chóng trở thành cơ quan phát tán virus.
Có thể nói cái máy đo nồng độ cồn của cảnh sát giao thông và cái khẩu trang y tế mà nhân dân mua phòng chống đại dịch là hai hình ảnh đối lập, trống đánh xuôi kèn thổi ngược trong mối quan hệ nhà nước – nhân dân trong lúc này.
Nhưng, đáng buồn hơn vẫn là chuyện trống đánh xuôi kèn thổi ngược giữa nhân dân với nhân dân. Đây là điều đáng sợ nhất nhưng nó từng xảy ra nhiều lần tại Việt Nam. Người Việt có câu nhiễu điều phủ lấy giá gương, hay bầu ơi thương lấy bí cùng… và nhiều câu khác nói lên tình tương thân tương ái giữa người cùng một quốc gia, dân tộc với nhau. Thế nhưng đó là lời, còn hành thì mọi chuyện lại khác. Có thiên tai, bão lụt, cũng có nhiều người lặn lội đường xa, gian khổ để chia sẻ với đồng loại nhưng cũng có người chờ thời cơ này để ép giá vật dụng nhà cửa, giá tăng chóng mặt, rồi có người chờ thời cơ để cướp cạn quà từ thiện. Gần đây nhất, đại dịch Corona, giá một cái khẩu trang y tế tăng vùn vụt từ 2000 đồng lên 30,000 đồng và có thể sẽ còn tăng nếu nhà nước không can thiệp kịp thời. Rõ ràng, ở đây, xét trong góc độ tình cảm con người với con người, giữa người dân với nhau đã có hiện tượng trống đánh xuôi kèn thổi ngược giữa hoạn nạn.
Và, một đất nước mà cứ liên tục diễn ra chuyện trống đánh xuôi kèn thổi ngược thì chắc khó mà lường được câu chuyện sẽ đi đến đâu !
Một cái Tết buồn, thật sự buồn !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 26/01/2020 (VietTuSaiGon's blog)