Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/01/2020

nCoV-2019 và SARS : loại nào tai hại hơn ?

Nguyễn Trang Nhung

nCoV-2019 có thể lây nhanh hơn SARS

Nguyễn Trang Nhung, RFA, 27/01/2020

Một nghiên cứu, được công bố vào ngày 26/1 trên website biorxiv.com, của một nhóm nhà khoa học tại Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh (GDCDC) tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc về tính lây truyền của nCoV đã đưa ra nhận định rằng nCoV có thể lây nhanh hơn SARS [1].

ncov0

Hình : nCoV-2019 (Nguồn : nbc11news.com)

Nghiên cứu xem xét dữ liệu từ những ca nhiễm nCoV trước 23/1 được thu thập từ các hồ sơ y tế, điều tra dịch tễ và các website chính thức khác. Trong khi đó, dữ liệu về các ca nhiễm hội chứng hô hấp cấp nghiêm trọng (SARS) tại tỉnh Quảng Đông trong các năm 2002-2003 được lấy từ GDCDC.

Các phương pháp ước tính tăng trưởng hàm mũ (exponential growth, EG) và khả năng tối đa (maximum likelihood, ML) được áp dụng để ước tính hệ số lây truyền hiệu dụng R (effective reproductive number) (sau đây gọi ngắn gọn hơn là hệ số lây truyền) của nCoV và SARS.

Theo tính toán, các hệ số lây truyền của nCoV là 2,9 theo phương pháp EG và 2,92 theo phương pháp ML. Trong khi đó, các hệ số lây truyền tương ứng của SARS là 1,77 và 1,85. Nhóm nghiên cứu đã quan sát xu hướng theo thời gian từ khi triệu chứng phát tác ở bệnh nhân đến khi bệnh nhân được cách ly trong 2 trường hợp của 2 loại virus.

Hệ số lây truyền của nCoV thấp hơn của SARS có nghĩa là nCoV có nguy cơ lây truyền cao hơn so với SARS. Cứ mỗi ca nhiễm nCoV trung bình sẽ lây cho 2,9 hoặc 2,92 ca khác, trong khi cứ mỗi ca nhiễm SARS trung bình sẽ lây cho 1,77 hoặc 1,85 ca khác.

Nhóm nghiên cứu nhận định rằng mặc dù các nỗ lực y tế công cộng đã làm giảm đáng kể nguy cơ lây truyền của nCoV, song điều trên ngụ y rằng cần thiết phải có các biện pháp kiểm soát và ngăn ngừa nghiêm ngặt hơn để phát hiện, chuẩn đoán và điều trị sớm để kiềm chế sự lan rộng của virus.

Cho đến thời điểm nghiên cứu, nhiều trường hợp lây nhiễm ngoài Trung Quốc từ các nhân viên y tế cho thấy nCoV lây nhiễm nhanh giữa người với người. Trong nghiên cứu, do hạn chế về thông tin, nhóm nghiên cứu đã dùng thời gian phát tác triệu chứng từ ca sơ phát đến ca thứ phát (generation time, GT) của SARS để áp dụng cho nCoV là 8,4 ngày.

Sẽ cần thêm thời gian cho các nhà khoa học tìm hiểu về nCoV. Và từ giờ đến khi nCoV được kiểm soát và ngăn ngừa hiệu quả, điều nên làm cho tất cả mọi người là tuân theo các quy tắc vệ sinh (đặc biệt là cho đường hô hấp) như hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới,[2] và cùng với đó là hạn chế tiếp xúc đông người, thể hiện thái độ thận trọng tối đa trong việc phòng tránh lây nhiễm.

Nguyễn Trang Nhung

Nguồn : RFA, 27/01/2020

Chú thích :

[1] Transmission dynamics of 2019 novel coronavirus (2019-nCoV)

[2] Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới về vệ sinh nhằm phòng tránh nCoV

**********************

nCoV-2019 : Vì sao WHO chưa tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế về sức khỏe cộng đồng ?

Nguyễn Trang Nhung, RFA, 26/01/2020

Trong hai ngày 22, 23/1, Ủy ban Khẩn cấp (EC) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhóm họp để thảo luận xem liệu có tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế về sức khỏe cộng đồng (PHEIC) trước dịch bệnh virus corona mới (viết tắt là nCoV-2019 hay nCoV) theo Bộ Quy định về Y tế Quốc tế (IHR) 2005 hay không.

ncov2

Nhân viên y tế đưa bệnh nhân đến bệnh viện Jinyintan, nơi điều trị nCov-2019 (Nguồn : AFP)

Vào thời điểm EC nhóm họp, có hơn 600 trường hợp nhiễm nCoV, trong đó hầu hết là tại Trung Quốc, còn lại là tại ít nhất 6 quốc gia khác.

Các thành viên trong EC đã đưa ra các quan điểm khác nhau, và mặc dù khuyến nghị trong ngày đầu (22/1) là dịch bệnh chưa cấu thành PHEIC, nhưng họ đã đồng ý về tính cấp bách của tình huống [1].

Khi tái lập vào ngày sau (23/1), EC đã xem xét thông tin cụ thể về tình hình tại Trung Quốc cùng thông tin về tình hình tại các quốc gia khác, và một số thành viên cho rằng vẫn còn quá sớm để tuyên bố PHEIC [2].

Cuối cùng, WHO đã quyết định vào ngày 23/1 không tuyên bố PHEIC, vì mặc dù nCoV lan truyền nhanh chóng tại Trung Quốc song quốc gia này đang nỗ lực kiểm soát, và vì số trường hợp nhiễm tại các quốc gia khác còn hạn chế [3].

Theo Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc của WHO, đây là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe tại Trung Quốc nhưng chưa trở thành tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu [4].

Tedros cho biết thêm là vào thời điểm này, không có bằng chứng về sự lây lan từ người sang người ngoài Trung Quốc, nhưng không có nghĩa là điều này sẽ không xảy ra [5]. (Lây lan từ người sang người có nghĩa là nhanh hơn và đáng lo ngại hơn).

PHEIC, được định nghĩa trong IHR là "một sự kiện bất thường được xác định là gây ra rủi ro cho sức khỏe cộng đồng cho các quốc gia khác thông qua sự lây lan tế của bệnh tật và có khả năng phải có phản ứng quốc tế phối hợp" [6].

Đây là công cụ chính trị mà WHO có thể sử dụng để thu hút sự chú ý đến một căn bệnh nghiêm trọng gây nguy hiểm cho sức khỏe mà thế giới mất cảnh giác, nhằm thúc đẩy phản ứng quốc tế trước căn bệnh để ngăn chặn sự lây lan qua biên giới [7].

Một cân nhắc quan trọng trong việc tuyên bố PHEIC là liệu mối đe dọa của căn bệnh có đủ nghiêm trọng để các quốc gia có thể ban hành các hạn chế về du lịch và thương mại hay không, vì tuyên bố có thể khiến các nền kinh tế địa phương thiệt hại [8]. Theo Reuter, thiệt hại kinh tế toàn cầu do dịch SARS năm 2003 lên tới 40 tỷ USD [9]. (Khi dịch SARS xảy ra, IHR chưa ra đời, và do đó khái niệm PHEIC chưa tồn tại).

Cho đến nay, WHO chỉ tuyên bố PHEIC 5 lần, vào các năm 2009 (1 lần – dịch cúm), 2014 (2 lần – dịch bại liệt và dịch Ebola), 2016 (1 lần – dịch Zika), và 2019 (1 lần – dịch Ebola khác). Đối với sự bùng phát nhẹ, WHO không đưa ra cảnh báo [10].

Một số chuyên gia hay tổ chức chuyên môn không đồng ý với quyết định của WHO. Tom Inglesby, giám đốc Trung tâm An ninh Y tế tại Trường Y tế Công cộng John Hopkins Bloomberg cho biết đây là "sự bùng phát rất nghiêm trọng với khả năng lan rộng tiềm tàng", và tuyên bố PHEIC sẽ là "một phương tiện để có sự hợp tác quốc tế sâu sắc hơn". Jac Phelan, thành viên của Trung tâm Khoa học và An ninh Y tế Toàn cầu tại Đại học Georgetown thì cho rằng sự bùng phát của nCoV thỏa mãn các tiêu chí của PHEIC [11].

Tuy WHO không tuyên bố PHEIC vừa qua, song Tedros có thể sẽ triệu tập một cuộc họp khác trong vòng khoảng 10 ngày hoặc sớm hơn nếu thấy cần thiết để đánh giá lại tình hình và cân nhắc có tuyên bố PHEIC hay không [12].

Nguyễn Trang Nhung

Nguồn : RFA, 27/01/2020

Chú thích :

[1][2] Statement on the meeting of the International Health Regulations (2005) Emergency Committee regarding the outbreak of novel coronavirus (2019-nCoV)

[3][4][5] The coronavirus outbreak is not yet a global health emergency, WHO says

[6] What are the International Health Regulations and Emergency Committees ?

[7][8] như [3]

[9] Factbox : How a virus impacts the economy and markets 

[10][11] như [3]

[12] như [1]

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Trang Nhung
Read 648 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)