Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/01/2020

Virus, champagne, Đảng Xanh, dơi, chuột và lời lãnh đạo

Nguyễn Giang

Châu Á bước nào năm Canh Tý 2020 với nỗi lo sợ lan ra về con virus Vũ Hán.

Cho đến hôm 27/01/2020, các lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc có vẻ đã bình tâm lại, và lên tiếng chứng tỏ với dư luận quốc tế là họ vẫn sống, không vì nghỉ Tết mà quên đi đồng bào và nhân loại.

xanh1

Thủ tướng Lý Khắc Cường tới Vũ Hán hôm 27/01 giám sát việc xây bệnh viện để đối phó với hàng nghìn ca nhiễm bệnh coronavirus

Hôm trước, Chủ tịch Tập Cận Bình nêu cảnh cáo tình hình ở Vũ Hán, Hồ Bắc là "nghiêm trọng".

Cuối tuần qua, thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì họp Ban chỉ đạo thuộc Trung ương Đảng (chú ý : ông Lý thường chỉ lo việc Quốc vụ viện, tức chính phủ, nay chỉ đạo cả bên Đảng), để ra lệnh kéo dài kỳ nghỉ Tết tới 02/02, và hạn chế giao thông nội địa ngăn virus lây lan.

Ngay hôm nay, ông Lý Khắc Cường tới Vũ Hán giám sát việc xây bệnh viện để đối phó với hàng nghìn ca nhiễm bệnh.

Chậm phản ứng gây cáo buộc "che đậy"

Tuy thế, lãnh đạo Trung Quốc đã mất điểm nghiêm trọng qua việc xử lý, thông báo cho quốc tế rất chậm về dịch coronavirus.

Trong thế giới phẳng về thông tin, và sự hiện diện của hàng vạn người nước ngoài ở chính Vũ Hán, chính quyền Trung Quốc đã phạm sai lầm là cứ làm theo cách riêng khi bất ngờ cách ly đô thị 11 triệu dân này mà không thông báo minh bạch các bước xử lý là gì.

Chỉ vào các mạng xã hội tiếng Anh ở Anh tôi đã thấy đủ các loại "phóng sự nhân dân" : nào là live streaming của một cô người Thổ Nhĩ Kỳ đi khắp các phố, các chợ ghi lại cảnh hoang vắng, lo ngại, nào là video đăng trên báo Hong Kong từ trong một bệnh viện ở Vũ Hán với hàng nghìn người lo âu, chầu chực để được khám nghiệm.

Gần đây nhất là lời kêu gọi của một thanh niên Trung Quốc ở Vũ Hán mô tả cặn kẽ tình hình bị cách ly gây lo sợ ra sao.

Dư luận quốc tế rất công bằng, nhân chứng là người Anh, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Hán, đều được hoan nghênh, miễn là bạn đưa tin trung thực từ Vũ Hán ra cho thế giới bên ngoài.

Các báo Anh cũng ngay lập tức đặt câu hỏi, "Vì sao ca mắc coronavirus đầu tiên được báo vào ngày 01/12/2019, mà qua cả kỳ nghỉ cuối năm, sang Tết Trung Hoa, chính quyền chẳng làm gì, thậm chí còn để cho 5 triệu dân Vũ Hán kịp túa đi khắp nơi ?"

xanh2

Đây không phải là bát canh dơi 'đặc sản' được nhà hàng nào đó giới thiệu mà là hình từ Bảo tàng 'Các món ăn kinh tởm' (Disgusting Food Museum) khai trương tại Los Angeles cuối năm 2018. Một phần rất đông công chúng Âu Mỹ coi thói quen ăn thú hoang là xấu xa, tàn ác và kinh dị

Nghi ngờ về chuyện Đảng Cộng sản Trung Quốc "che đậy" thông tin lan ra nhanh ngang virus.

Zeng Yan, anh bạn Trung Quốc ở London giải thích với tôi : "Không phải chính quyền cố ý che giấu, mà cơ chế chính trị Trung Quốc là như thế".

"Lãnh đạo tối cao đã đề ra hình ảnh rất đẹp của chế độ rồi thì quan chức Vũ Hán không ai dám báo cáo lên trung ương về thảm họa đến gần", anh giải thích.

Đúng là kịch bản 'Tránh tin xấu để nhận tin cực xấu'.

Zeng Yan cho hay :

"Trung Quốc cấm cả Facebook, Twitter, và lãnh đạo coi mạng xã hội là nguy hiểm, chỉ quen đưa tin qua phương thức cổ điển : truyền hình, họp báo.

Trong khi nhà nước lo các khâu đó, mạng Weibo, WeChat đã đầy tin thật, tin đồn, và nhiều nhất là các tư vấn phòng ngừa virus lây lan".

Tóm lại là bộ máy Trung Quốc bị động, và còn tiếp tục bị động.

Tin đồn thổi rằng con virus này là 'vũ khí sinh học' lọt ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán chưa được quân đội Trung Quốc bác bỏ.

Kiểu xử lý khủng hoảng này không chỉ quá trễ, quá lạc hậu, đem lại "điểm xấu" cho Trung Quốc - tin mới nhất là trên mạng Weibo đang có yêu sách đòi thị trưởng Vũ Hán từ chức vì nắm sai con số khẩu trang cần thiết - mà còn gây hại cho hình ảnh nước này và những nước có lối sống tương tự.

Các báo lá cải ở Anh tuần qua không đưa tin hân hoan về 'Lunar New Year' mà toàn đăng bài về "thiếu nữ Trung Hoa nhai thịt dơi".

Mới hôm qua 26/01, một số báo tiếng Anh có thêm bài "Video kinh tởm cảnh một người đàn ông Châu Á ăn tươi nuốt sống chuột bé" (Disgusting video : An Asian man can be seen eating an alive baby mice).

Không biết có phải vì làn sóng toàn cầu phê phán thói ăn thịt động vật hoang dã hay không mà chính phủ TQ vừa ra lệnh cấm buôn bán các loài này.

Trong khi đó, báo Việt Nam dịp Tết vẫn khen thú vui "săn chuột đồng" ở miền Tây, kèm ảnh trẻ em bóp chết chuột, treo thành chuỗi.

Xin nhắc, câu chuyện động vật luôn nhạy cảm, ảnh hưởng đến hình ảnh các nước và người Châu Á, cho dù bạn có thể nóng mặt, nói là 'unfair', là "cá nhân tôi không phải như vậy".

Nhắc lại hồi 2018, dư luận Châu Âu choáng váng về video trên mạng xã hội "sáu thanh niên nam ở Việt Nam giết và ăn dã man một con khỉ thuộc loài động vật quý hiếm".

Những người này đã bị xử tù, nhưng dư âm xấu vẫn còn.

Từ lâu rồi, giới khoa học chỉ ra việc xâm lấn vào môi trường tự nhiên, đào bới đồi núi, săn bắt động vật, rắn rết, sâu bọ không chỉ tàn phá thiên nhiên, mà còn khiến con người tiếp xúc với nhiều sinh vật hoang, tăng cao nguy cơ nhiễm virus lạ.

Trong khi giới trẻ khắp nơi biểu tình vì môi trường, vì quyền của động vật và nếp ăn chay ngày càng phổ biến, hình ảnh ăn sống nuốt tươi thú rừng gây phản cảm kinh khủng.

Thời nay, vì vấn đề văn hóa tế nhị, Phương Tây không gọi thẳng đó là thói man rợ, mà chỉ dùng các từ như 'disgusting' (kinh tởm, buồn nôn), 'gruesome' (ghê rợn) khi nói về chuyện làm thịt, ăn các món "đặc sản", diễn ra khá nhiều ở Châu Á.

Dư luận tiến bộ cũng hỏi "Vì sao chính quyền các nước đó vẫn luôn cam kết bảo vệ môi trường, đề cao lối sống văn minh mà cứ để việc như thế xảy ra ?"

Va chạm hai cách nhìn, hai lối sống

Thế giới ngày nay như đang phân biệt ra khá rõ : Lối sống vì môi trường (đôi khi cực đoan) và Lối sống vì phát triển, tiêu dùng, xả thải.

xanh3

Nghị sĩ EU, Ellie Chowns (trái) và Saskia Brichmont cùng là thành viên Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu (INTA). Cả hai đều phản đối EU ký hiệp định tự do thương mại với chính phủ Việt Nam. Bà Chowns còn tự nhận là một nhà vận động xã hội (activist).

Xét cho cùng, việc ăn thú rừng, săn bắt cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên cũng là một triết lý sống, không chỉ ở Châu Á.

Nó cho rằng đời là chuỗi trải nghiệm và sống có một lần, cần phải bắn giết, ăn của lạ mới oách.

Ăn được con vật sắp tuyệt chủng cũng giống như khoe khoang các "chiến tích" kiểu bắn hổ, sư tử ở Châu Phi mà thủ phạm đã bị lên án là một số du lịch thợ săn người Mỹ, người Hoa.

Nhưng tư duy ích kỷ này đang ngày càng va chạm với suy nghĩ về Trái Đất, về môi trường sống, về tính chính danh của các đảng phái cầm quyền dựa trên uy tín bảo vệ môi trường, chống Biến đổi Khí hậu, chứ không phải nhờ vào các đường lối trừu tượng nào đó.

Bạn là nhà chính trị tốt thì hãy tốt ngay với những người xung quanh, với động thực vật đi đã.

Cũng nhân đây tôi thấy cũng cần nhìn lại vụ dân biểu Nghị viện EU, bà Ellie Chowns, trả lại món quà là chai champagne mà Sứ quán Việt Nam ở Brussels tặng.

Vụ việc này xét cho cùng cũng là biểu hiện của sự va chạm hai lối nghĩ.

Bà dân biểu Chowns cho rằng một số quan chức ngoại giao Việt Nam muốn "mua chuộc" bà trước vụ bỏ phiếu EVFTA.

Phía phản bác lại, chủ yếu trên mạng xã hội, coi bà này quá đáng, trái thông lệ cư xử, nhận được quà rồi làm toáng lên, chính trị hóa vấn đề.

Cá nhân tôi nghĩ Brussels là điểm tụ họp của lobby quốc tế, chẳng ai đi "mua chuộc" lá phiếu chỉ bằng một chai rượu.

Có khi chỉ đơn giản là chuyện gửi quà hàng loạt theo một danh sách có sẵn.

Thế nhưng đây là một bài học cho ngoại giao Việt Nam ở thủ đô Châu Âu : tặng quà nên tìm hiểu trước xem người nhận là ai.

Vào trang cá nhân của Ellie Chowns thì thấy bà dùng mạng xã hội rất nhiều, đi đâu, làm gì cũng chạy live streaming trên Twitter luôn.

Ngay đầu trang của mình, Ellie Chowns nhận là 'Người mẹ, nhà vận động, người lạc quan' : "Green Party MEP for the West Midlands, & Herefordshire Councillor. Mum, activist, optimist !"

Đây không phải là điều lạ.

Ranh giới giữa chính trị gia và giới vận động (activist) ngày nay không còn rõ rệt như xưa.

Rất nhiều dân biểu, bộ trưởng ở Phương Tây "ăn ngủ trên Twitter" và dùng kênh này để đối thoại với công chúng, để đả phá đối thủ...

Nếu đã biết bà Ellie Chowns 'active' trên Twitter như vậy mà vẫn tiếp xúc với bà ấy bằng kiểu giao thiệp ngoại giao truyền thống thì khó tránh khỏi sự cố 'champagnegate'.

Sau vụ việc này cũng không chưa thấy ai ở Việt Nam lên Twitter "đáp lời" bà dân biểu EU.

Twitter chưa phổ biến ở Việt Nam - vì hạn chế số từ nên không hợp với người nói lắm ? - nhưng không vì thế mà coi nhẹ nó.

Lãnh đạo Trung Quốc né tránh Twitter nên liên tục bị động trước một ông Trump cao niên, mất ngủ về sáng, bắn tweet liên tiếp.

Ngay cả vụ coronavirus ông ta cũng ghi điểm thay cho Tập Cận Bình qua câu khen ông Tập "hạn chế virus lây lan", trên Twitter.

Dư luận chỉ đọc được lời Trump mà chẳng thấy Tập Cận Bình ở đâu, ông ta có suy nghĩ gì, cảm xúc gì không khi cả thế giới loạn vì virus ?

Bà Ellie Chowns 'đột nhiên nổi tiếng ở Việt Nam' chỉ còn làm dân biểu EU của Anh vài ngày nữa là hết.

Anh rút khỏi mọi cơ chế chính trị EU sau tiếng chuông Brexit điểm lặng lẽ nửa đêm thứ Sáu này, giờ Brussels, khi mới 23 :00 giờ London.

Nhưng bài học từ vụ Việt Nam tặng 'chai rượu' Tết ở Brussels không hẳn đã mất tính thời sự.

Cần tư duy mới về môi trường, và cần rất nhanh

Đó là vì vai trò của Đảng Xanh đang ngày một mạnh, dù một bà Chowns có rời Nghị viện EU.

Tại Đức, nước hùng mạnh nhất EU, Đảng Xanh giành 27% phiếu cử tri năm qua, trên cả đảng cầm quyền CDU của Angela Merkel, bỏ xa đảng cánh tả SPD và gấp đôi số phiếu của đảng cực hữu AfD.

Ở Châu Âu nay người ta coi cách mạng cộng sản là chuyện đã quá xa từ cả 100 năm trước (1917/19), cách mạng XHCN cũng đã thôi ba thập niên rồi (1989), nhưng như Emma Graham-Harrison viết trên The Guardian, cuộc Cách mạng Xanh đang diễn ra, như sóng ngầm.

xanh4

Biểu tình chống khai thác dầu khí trước trụ sở ENI ở Rome, Ý đầu 2019. Giới trẻ Châu Âu nay đang bước vào một phong trào vì môi trường rất mạnh.

Trong Nghị viện EU, sức mạnh của Đảng Xanh đến từ chỗ họ là đảng duy nhất có tiếng nói thống nhất 100% ở mọi quốc gia thành viên.

Có thể nói Đảng Xanh là một trên toàn Châu Âu, và các Đảng Xanh ở Đức, Anh, Pháp, Thuỵ Điển, Hà Lan...chỉ là phân bộ của họ.

Nhiều ý tưởng của 'Greens' bị cho là không tưởng, là phi thực tế, hoặc chưa đến lúc, nhưng chắc chắn là họ hiện đóng vai trò "chìa khóa quyền lực" trong EU (Greens are kingmakers in the decision process - theo Centre for European Reform).

Với dư luận, đảng Xanh lướt trên làn sóng chống Biến đổi Khí hậu, chống rác thải, chống năng lượng bẩn - toàn những điều thiết thân với mọi con người thời này.

Bởi vậy, nhận được món quà EVFTA, chính phủ Việt Nam chắc chắn không thể bỏ qua ý kiến của các dân biểu Đảng Xanh trong quá trình áp dụng, thực thi hiệp định thương mại.

Ngoài chuyện các tiêu chuẩn EU về thực phẩm, năng lượng, môi trường đất, biển...đều cao, chúng còn được sự ủng hộ của rất đông dư luận Việt Nam đang ngày càng ý thức về môi trường sống đáng có của họ.

Thành tích phát triển kinh tế của Việt Nam quả là ngoạn mục, nhưng nước này đã đến lúc cần một tầm cao mới.

Liên hHiệp Châu Âu nhiệm kỳ này tự hào về viễn kiến rằng kinh tế tốt là kinh tế phục vụ dân tốt, thân thiện với môi trường .

EU đặt ra chức 'Cao ủy vì một nền kinh tế tốt cho nhân dân' (An Economy that Works for People), hiện do Valdis Dombrovskis (Latvia) nắm giữ.

'Cao ủy vì một thỏa thuận Xanh cho Châu Âu' (European Green Deal) được trao cho phó chủ tịch Ủy ban EU, Frans Timmermans (Hà Lan).

Cao ủy 'Môi trường và Các Đại dương' (Environment and Oceans), hiện về tay Virginijus Sinkevicius (Lithuania).

Cuộc chơi với EU này rất mới, trải dài nhiều năm, trải rộng trên không gian từ Brussels tới Hà Nội, và trên cả mạng xã hội.

xanh5

Tình hình lây lan của coronavirus từ Vũ Hán

Cùng bài học ở trên, nhân Năm mới Canh Tý, tôi rất hy vọng các nhà ngoại giao, các nhóm hoạch định chính sách, và cả cấp lãnh đạo cao cấp nhất ở Việt Nam thực sự đổi mới tư duy, nhất là tư duy môi trường.

Ví dụ hiểu EU nghĩ gì thì vận động cho Biển Đông sẽ dễ, bởi họ không dính vào tranh chấp lãnh thổ nhưng tin rằng xây đảo nhân tạo là tàn phá môi trường biển.

Song hành với tư duy mới đó, quan chức Việt Nam cần hiện đại hóa nhanh chóng ứng xử truyền thông, đi trước Trung Quốc thì càng hay.

Lên mạng Facebook đã là nỗ lực tốt, lên Twitter, để theo (follow) các nhân vật hàng đầu ở Phương Tây, xem họ nói gì, viết gì rồi chia sẻ nhanh chóng ý kiến cá nhân, kể cả phản bác lại, sẽ tốt hơn là im.

Ít ai đòi lãnh đạo Việt Nam phải chịu trách nhiệm cho mọi hành vi của hàng triệu dân và hàng trăm nghìn quan chức dưới quyền.

Nhưng phản ứng kịp thời của họ trước dư luận, sự can đảm dám nêu ý kiến cá nhân (personal), bớt quan cách, trịnh trọng sẽ chỉ tăng tính thuyết phục của thông điệp trong thời đại Xanh và Nhanh.

Và nếu thân, tâm, ý đều vì cuộc sống của mọi người, vì môi trường thiên nhiên sạch đẹp thì điều tốt chung sẽ đến với tất cả mà chẳng cần nói quá nhiều.

Nguyễn Giang

Nguồn : BBC, 27/01/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Giang
Read 647 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)