Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Châu Á bước nào năm Canh Tý 2020 với nỗi lo sợ lan ra về con virus Vũ Hán.

Cho đến hôm 27/01/2020, các lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc có vẻ đã bình tâm lại, và lên tiếng chứng tỏ với dư luận quốc tế là họ vẫn sống, không vì nghỉ Tết mà quên đi đồng bào và nhân loại.

xanh1

Thủ tướng Lý Khắc Cường tới Vũ Hán hôm 27/01 giám sát việc xây bệnh viện để đối phó với hàng nghìn ca nhiễm bệnh coronavirus

Hôm trước, Chủ tịch Tập Cận Bình nêu cảnh cáo tình hình ở Vũ Hán, Hồ Bắc là "nghiêm trọng".

Cuối tuần qua, thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì họp Ban chỉ đạo thuộc Trung ương Đảng (chú ý : ông Lý thường chỉ lo việc Quốc vụ viện, tức chính phủ, nay chỉ đạo cả bên Đảng), để ra lệnh kéo dài kỳ nghỉ Tết tới 02/02, và hạn chế giao thông nội địa ngăn virus lây lan.

Ngay hôm nay, ông Lý Khắc Cường tới Vũ Hán giám sát việc xây bệnh viện để đối phó với hàng nghìn ca nhiễm bệnh.

Chậm phản ứng gây cáo buộc "che đậy"

Tuy thế, lãnh đạo Trung Quốc đã mất điểm nghiêm trọng qua việc xử lý, thông báo cho quốc tế rất chậm về dịch coronavirus.

Trong thế giới phẳng về thông tin, và sự hiện diện của hàng vạn người nước ngoài ở chính Vũ Hán, chính quyền Trung Quốc đã phạm sai lầm là cứ làm theo cách riêng khi bất ngờ cách ly đô thị 11 triệu dân này mà không thông báo minh bạch các bước xử lý là gì.

Chỉ vào các mạng xã hội tiếng Anh ở Anh tôi đã thấy đủ các loại "phóng sự nhân dân" : nào là live streaming của một cô người Thổ Nhĩ Kỳ đi khắp các phố, các chợ ghi lại cảnh hoang vắng, lo ngại, nào là video đăng trên báo Hong Kong từ trong một bệnh viện ở Vũ Hán với hàng nghìn người lo âu, chầu chực để được khám nghiệm.

Gần đây nhất là lời kêu gọi của một thanh niên Trung Quốc ở Vũ Hán mô tả cặn kẽ tình hình bị cách ly gây lo sợ ra sao.

Dư luận quốc tế rất công bằng, nhân chứng là người Anh, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Hán, đều được hoan nghênh, miễn là bạn đưa tin trung thực từ Vũ Hán ra cho thế giới bên ngoài.

Các báo Anh cũng ngay lập tức đặt câu hỏi, "Vì sao ca mắc coronavirus đầu tiên được báo vào ngày 01/12/2019, mà qua cả kỳ nghỉ cuối năm, sang Tết Trung Hoa, chính quyền chẳng làm gì, thậm chí còn để cho 5 triệu dân Vũ Hán kịp túa đi khắp nơi ?"

xanh2

Đây không phải là bát canh dơi 'đặc sản' được nhà hàng nào đó giới thiệu mà là hình từ Bảo tàng 'Các món ăn kinh tởm' (Disgusting Food Museum) khai trương tại Los Angeles cuối năm 2018. Một phần rất đông công chúng Âu Mỹ coi thói quen ăn thú hoang là xấu xa, tàn ác và kinh dị

Nghi ngờ về chuyện Đảng Cộng sản Trung Quốc "che đậy" thông tin lan ra nhanh ngang virus.

Zeng Yan, anh bạn Trung Quốc ở London giải thích với tôi : "Không phải chính quyền cố ý che giấu, mà cơ chế chính trị Trung Quốc là như thế".

"Lãnh đạo tối cao đã đề ra hình ảnh rất đẹp của chế độ rồi thì quan chức Vũ Hán không ai dám báo cáo lên trung ương về thảm họa đến gần", anh giải thích.

Đúng là kịch bản 'Tránh tin xấu để nhận tin cực xấu'.

Zeng Yan cho hay :

"Trung Quốc cấm cả Facebook, Twitter, và lãnh đạo coi mạng xã hội là nguy hiểm, chỉ quen đưa tin qua phương thức cổ điển : truyền hình, họp báo.

Trong khi nhà nước lo các khâu đó, mạng Weibo, WeChat đã đầy tin thật, tin đồn, và nhiều nhất là các tư vấn phòng ngừa virus lây lan".

Tóm lại là bộ máy Trung Quốc bị động, và còn tiếp tục bị động.

Tin đồn thổi rằng con virus này là 'vũ khí sinh học' lọt ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán chưa được quân đội Trung Quốc bác bỏ.

Kiểu xử lý khủng hoảng này không chỉ quá trễ, quá lạc hậu, đem lại "điểm xấu" cho Trung Quốc - tin mới nhất là trên mạng Weibo đang có yêu sách đòi thị trưởng Vũ Hán từ chức vì nắm sai con số khẩu trang cần thiết - mà còn gây hại cho hình ảnh nước này và những nước có lối sống tương tự.

Các báo lá cải ở Anh tuần qua không đưa tin hân hoan về 'Lunar New Year' mà toàn đăng bài về "thiếu nữ Trung Hoa nhai thịt dơi".

Mới hôm qua 26/01, một số báo tiếng Anh có thêm bài "Video kinh tởm cảnh một người đàn ông Châu Á ăn tươi nuốt sống chuột bé" (Disgusting video : An Asian man can be seen eating an alive baby mice).

Không biết có phải vì làn sóng toàn cầu phê phán thói ăn thịt động vật hoang dã hay không mà chính phủ TQ vừa ra lệnh cấm buôn bán các loài này.

Trong khi đó, báo Việt Nam dịp Tết vẫn khen thú vui "săn chuột đồng" ở miền Tây, kèm ảnh trẻ em bóp chết chuột, treo thành chuỗi.

Xin nhắc, câu chuyện động vật luôn nhạy cảm, ảnh hưởng đến hình ảnh các nước và người Châu Á, cho dù bạn có thể nóng mặt, nói là 'unfair', là "cá nhân tôi không phải như vậy".

Nhắc lại hồi 2018, dư luận Châu Âu choáng váng về video trên mạng xã hội "sáu thanh niên nam ở Việt Nam giết và ăn dã man một con khỉ thuộc loài động vật quý hiếm".

Những người này đã bị xử tù, nhưng dư âm xấu vẫn còn.

Từ lâu rồi, giới khoa học chỉ ra việc xâm lấn vào môi trường tự nhiên, đào bới đồi núi, săn bắt động vật, rắn rết, sâu bọ không chỉ tàn phá thiên nhiên, mà còn khiến con người tiếp xúc với nhiều sinh vật hoang, tăng cao nguy cơ nhiễm virus lạ.

Trong khi giới trẻ khắp nơi biểu tình vì môi trường, vì quyền của động vật và nếp ăn chay ngày càng phổ biến, hình ảnh ăn sống nuốt tươi thú rừng gây phản cảm kinh khủng.

Thời nay, vì vấn đề văn hóa tế nhị, Phương Tây không gọi thẳng đó là thói man rợ, mà chỉ dùng các từ như 'disgusting' (kinh tởm, buồn nôn), 'gruesome' (ghê rợn) khi nói về chuyện làm thịt, ăn các món "đặc sản", diễn ra khá nhiều ở Châu Á.

Dư luận tiến bộ cũng hỏi "Vì sao chính quyền các nước đó vẫn luôn cam kết bảo vệ môi trường, đề cao lối sống văn minh mà cứ để việc như thế xảy ra ?"

Va chạm hai cách nhìn, hai lối sống

Thế giới ngày nay như đang phân biệt ra khá rõ : Lối sống vì môi trường (đôi khi cực đoan) và Lối sống vì phát triển, tiêu dùng, xả thải.

xanh3

Nghị sĩ EU, Ellie Chowns (trái) và Saskia Brichmont cùng là thành viên Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu (INTA). Cả hai đều phản đối EU ký hiệp định tự do thương mại với chính phủ Việt Nam. Bà Chowns còn tự nhận là một nhà vận động xã hội (activist).

Xét cho cùng, việc ăn thú rừng, săn bắt cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên cũng là một triết lý sống, không chỉ ở Châu Á.

Nó cho rằng đời là chuỗi trải nghiệm và sống có một lần, cần phải bắn giết, ăn của lạ mới oách.

Ăn được con vật sắp tuyệt chủng cũng giống như khoe khoang các "chiến tích" kiểu bắn hổ, sư tử ở Châu Phi mà thủ phạm đã bị lên án là một số du lịch thợ săn người Mỹ, người Hoa.

Nhưng tư duy ích kỷ này đang ngày càng va chạm với suy nghĩ về Trái Đất, về môi trường sống, về tính chính danh của các đảng phái cầm quyền dựa trên uy tín bảo vệ môi trường, chống Biến đổi Khí hậu, chứ không phải nhờ vào các đường lối trừu tượng nào đó.

Bạn là nhà chính trị tốt thì hãy tốt ngay với những người xung quanh, với động thực vật đi đã.

Cũng nhân đây tôi thấy cũng cần nhìn lại vụ dân biểu Nghị viện EU, bà Ellie Chowns, trả lại món quà là chai champagne mà Sứ quán Việt Nam ở Brussels tặng.

Vụ việc này xét cho cùng cũng là biểu hiện của sự va chạm hai lối nghĩ.

Bà dân biểu Chowns cho rằng một số quan chức ngoại giao Việt Nam muốn "mua chuộc" bà trước vụ bỏ phiếu EVFTA.

Phía phản bác lại, chủ yếu trên mạng xã hội, coi bà này quá đáng, trái thông lệ cư xử, nhận được quà rồi làm toáng lên, chính trị hóa vấn đề.

Cá nhân tôi nghĩ Brussels là điểm tụ họp của lobby quốc tế, chẳng ai đi "mua chuộc" lá phiếu chỉ bằng một chai rượu.

Có khi chỉ đơn giản là chuyện gửi quà hàng loạt theo một danh sách có sẵn.

Thế nhưng đây là một bài học cho ngoại giao Việt Nam ở thủ đô Châu Âu : tặng quà nên tìm hiểu trước xem người nhận là ai.

Vào trang cá nhân của Ellie Chowns thì thấy bà dùng mạng xã hội rất nhiều, đi đâu, làm gì cũng chạy live streaming trên Twitter luôn.

Ngay đầu trang của mình, Ellie Chowns nhận là 'Người mẹ, nhà vận động, người lạc quan' : "Green Party MEP for the West Midlands, & Herefordshire Councillor. Mum, activist, optimist !"

Đây không phải là điều lạ.

Ranh giới giữa chính trị gia và giới vận động (activist) ngày nay không còn rõ rệt như xưa.

Rất nhiều dân biểu, bộ trưởng ở Phương Tây "ăn ngủ trên Twitter" và dùng kênh này để đối thoại với công chúng, để đả phá đối thủ...

Nếu đã biết bà Ellie Chowns 'active' trên Twitter như vậy mà vẫn tiếp xúc với bà ấy bằng kiểu giao thiệp ngoại giao truyền thống thì khó tránh khỏi sự cố 'champagnegate'.

Sau vụ việc này cũng không chưa thấy ai ở Việt Nam lên Twitter "đáp lời" bà dân biểu EU.

Twitter chưa phổ biến ở Việt Nam - vì hạn chế số từ nên không hợp với người nói lắm ? - nhưng không vì thế mà coi nhẹ nó.

Lãnh đạo Trung Quốc né tránh Twitter nên liên tục bị động trước một ông Trump cao niên, mất ngủ về sáng, bắn tweet liên tiếp.

Ngay cả vụ coronavirus ông ta cũng ghi điểm thay cho Tập Cận Bình qua câu khen ông Tập "hạn chế virus lây lan", trên Twitter.

Dư luận chỉ đọc được lời Trump mà chẳng thấy Tập Cận Bình ở đâu, ông ta có suy nghĩ gì, cảm xúc gì không khi cả thế giới loạn vì virus ?

Bà Ellie Chowns 'đột nhiên nổi tiếng ở Việt Nam' chỉ còn làm dân biểu EU của Anh vài ngày nữa là hết.

Anh rút khỏi mọi cơ chế chính trị EU sau tiếng chuông Brexit điểm lặng lẽ nửa đêm thứ Sáu này, giờ Brussels, khi mới 23 :00 giờ London.

Nhưng bài học từ vụ Việt Nam tặng 'chai rượu' Tết ở Brussels không hẳn đã mất tính thời sự.

Cần tư duy mới về môi trường, và cần rất nhanh

Đó là vì vai trò của Đảng Xanh đang ngày một mạnh, dù một bà Chowns có rời Nghị viện EU.

Tại Đức, nước hùng mạnh nhất EU, Đảng Xanh giành 27% phiếu cử tri năm qua, trên cả đảng cầm quyền CDU của Angela Merkel, bỏ xa đảng cánh tả SPD và gấp đôi số phiếu của đảng cực hữu AfD.

Ở Châu Âu nay người ta coi cách mạng cộng sản là chuyện đã quá xa từ cả 100 năm trước (1917/19), cách mạng XHCN cũng đã thôi ba thập niên rồi (1989), nhưng như Emma Graham-Harrison viết trên The Guardian, cuộc Cách mạng Xanh đang diễn ra, như sóng ngầm.

xanh4

Biểu tình chống khai thác dầu khí trước trụ sở ENI ở Rome, Ý đầu 2019. Giới trẻ Châu Âu nay đang bước vào một phong trào vì môi trường rất mạnh.

Trong Nghị viện EU, sức mạnh của Đảng Xanh đến từ chỗ họ là đảng duy nhất có tiếng nói thống nhất 100% ở mọi quốc gia thành viên.

Có thể nói Đảng Xanh là một trên toàn Châu Âu, và các Đảng Xanh ở Đức, Anh, Pháp, Thuỵ Điển, Hà Lan...chỉ là phân bộ của họ.

Nhiều ý tưởng của 'Greens' bị cho là không tưởng, là phi thực tế, hoặc chưa đến lúc, nhưng chắc chắn là họ hiện đóng vai trò "chìa khóa quyền lực" trong EU (Greens are kingmakers in the decision process - theo Centre for European Reform).

Với dư luận, đảng Xanh lướt trên làn sóng chống Biến đổi Khí hậu, chống rác thải, chống năng lượng bẩn - toàn những điều thiết thân với mọi con người thời này.

Bởi vậy, nhận được món quà EVFTA, chính phủ Việt Nam chắc chắn không thể bỏ qua ý kiến của các dân biểu Đảng Xanh trong quá trình áp dụng, thực thi hiệp định thương mại.

Ngoài chuyện các tiêu chuẩn EU về thực phẩm, năng lượng, môi trường đất, biển...đều cao, chúng còn được sự ủng hộ của rất đông dư luận Việt Nam đang ngày càng ý thức về môi trường sống đáng có của họ.

Thành tích phát triển kinh tế của Việt Nam quả là ngoạn mục, nhưng nước này đã đến lúc cần một tầm cao mới.

Liên hHiệp Châu Âu nhiệm kỳ này tự hào về viễn kiến rằng kinh tế tốt là kinh tế phục vụ dân tốt, thân thiện với môi trường .

EU đặt ra chức 'Cao ủy vì một nền kinh tế tốt cho nhân dân' (An Economy that Works for People), hiện do Valdis Dombrovskis (Latvia) nắm giữ.

'Cao ủy vì một thỏa thuận Xanh cho Châu Âu' (European Green Deal) được trao cho phó chủ tịch Ủy ban EU, Frans Timmermans (Hà Lan).

Cao ủy 'Môi trường và Các Đại dương' (Environment and Oceans), hiện về tay Virginijus Sinkevicius (Lithuania).

Cuộc chơi với EU này rất mới, trải dài nhiều năm, trải rộng trên không gian từ Brussels tới Hà Nội, và trên cả mạng xã hội.

xanh5

Tình hình lây lan của coronavirus từ Vũ Hán

Cùng bài học ở trên, nhân Năm mới Canh Tý, tôi rất hy vọng các nhà ngoại giao, các nhóm hoạch định chính sách, và cả cấp lãnh đạo cao cấp nhất ở Việt Nam thực sự đổi mới tư duy, nhất là tư duy môi trường.

Ví dụ hiểu EU nghĩ gì thì vận động cho Biển Đông sẽ dễ, bởi họ không dính vào tranh chấp lãnh thổ nhưng tin rằng xây đảo nhân tạo là tàn phá môi trường biển.

Song hành với tư duy mới đó, quan chức Việt Nam cần hiện đại hóa nhanh chóng ứng xử truyền thông, đi trước Trung Quốc thì càng hay.

Lên mạng Facebook đã là nỗ lực tốt, lên Twitter, để theo (follow) các nhân vật hàng đầu ở Phương Tây, xem họ nói gì, viết gì rồi chia sẻ nhanh chóng ý kiến cá nhân, kể cả phản bác lại, sẽ tốt hơn là im.

Ít ai đòi lãnh đạo Việt Nam phải chịu trách nhiệm cho mọi hành vi của hàng triệu dân và hàng trăm nghìn quan chức dưới quyền.

Nhưng phản ứng kịp thời của họ trước dư luận, sự can đảm dám nêu ý kiến cá nhân (personal), bớt quan cách, trịnh trọng sẽ chỉ tăng tính thuyết phục của thông điệp trong thời đại Xanh và Nhanh.

Và nếu thân, tâm, ý đều vì cuộc sống của mọi người, vì môi trường thiên nhiên sạch đẹp thì điều tốt chung sẽ đến với tất cả mà chẳng cần nói quá nhiều.

Nguyễn Giang

Nguồn : BBC, 27/01/2020

Published in Diễn đàn

Năm nay kỷ niệm 100 năm vua Khải Định chính thức bãi bỏ khoa cử Nho học và cho dùng chữ Quốc ngữ ở Việt Nam. BBC News Tiếng Việt nói chuyện với bà Phạm Thị Kiều Ly, tiến sĩ Đại học Sorbonne Nouvelle, Pháp, về sự hình thành chữ Quốc ngữ qua các giai đoạn khác nhau, với đóng góp của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha, Pháp và người Công giáo Việt Nam từ thế kỷ 17 đến 1919. Cuộc phỏng vấn do Nguyễn Giang thực hiện bên lề Hội thảo Viet-Studies tại Porto, Bồ Đào Nha tháng 7/2019. BBC News Tiếng Việt

Nguyễn Giang thực hiện

Nguồn : BBC, 30/09/2019

Published in Văn hóa

Tới Toronto, Canada tị nạn vào ngày 30/4/1975, nữ diễn viên Kiều Chinh nổi danh của Sài gòn và điện ảnh Châu Á khi đó bỗng chốc trở nên hoang mang.

kc1

Tài tử Kiều Chinh : Từ Sài Gòn tới Hollywood

"Đi phỏng vấn xin việc làm, người ta hỏi tôi có kỹ năng nghề nghiệp gì, tôi nói tôi là diễn viên, họ nói họ không tuyển diễn viên", bà kể với BBC Tiếng Việt.

"Không xin được việc làm nào, cuối cùng tôi chấp nhận làm công việc đi hót phân gà với mức tiền công tối thiểu 2 đô la một giờ".

Tài tử Kiều Chinh, một gương mặt tài sắc của sân khấu điện ảnh miền Nam và Châu Á thời trước 1975, tưởng chừng bà sẽ chấp nhận cuộc sống mới.

Tuy nhiên, "làm được vài ngày, tôi ngã bệnh. Một phần là do không quen công việc, một phần là do trong lòng thấy quá xốn xang".

Sự nghiệp điện ảnh Kiều Chinh

Phim :

- Hồi Chuông Thiên Mụ (1957)

- A Yank in Viet-Nam (1964)

- Operation C.I.A. (1965) cùng Burt Reynolds

Sản xuất :

- Người Tình Không Chân Dung (1971)

Đóng phim :

- M*A*S*H "In Love and War"

- The Children of An Lac (TV)

- Hamburger Hill (1987)

- The Joy Luck Club (1993)

- Riot (1997)

- Catfish in Black Bean Sauce (1999)

- Face (2002)

- Journey From The Fall (2005)

Vai Triệu Âu trong China Beach

Cùng sản xuất Ride The Thunder (2015)

Con đường đến với điện ảnh

Trước đây, "tôi không bao giờ nghĩ tôi sẽ trở thành diễn viên điện ảnh", người phụ nữ gốc Hà Nội sinh năm 1937 nói với BBC Tiếng Việt.

Năm 1957, trong một lần đi trên đường phố Sài Gòn, cô Kiều Chinh khi đó mới di cư từ Bắc vào Nam, đã 'lọt vào mắt xanh' đoàn làm phim The Quiet American.

Cô được mở thử vai chính. Thuận theo ý bố mẹ chồng, cô đã từ chối cơ hội ngàn năm một thuở này và chỉ nhận một vai phụ, xuất hiện thoáng qua trong bộ phim ra năm 1958 của đạo diễn Joseph L. Mankiewicz.

Tuy nhiên, đây cũng là bước khởi đầu cho sự nghiệp điện ảnh của bà, với vai chính đầu tiên là vai ni cô trong Hồi Chuông Thiên Mụ (1957) của hãng phim Tâm Việt.

Bên cạnh việc tham gia diễn xuất tại nhiều quốc gia Á Châu như Singapore, Ấn Độ, Hong Kong, tài tử Kiều Chinh nói bà "có may mắn được làm việc" cùng ba tài nữ của nền sân khấu điện ảnh miền Nam, gồm nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng, kỳ nữ Kim Cương, và nữ hoàng sân khấu Thanh Nga.

Mối tình thân quý giữa bà với những người này vẫn được duy trì bền lâu.

"Chúng tôi rất quý nhau, thân nhau".

"Sau 1975, đến năm 1995, lần đầu tiên tôi trở lại Việt Nam, tôi được gặp lại chị Kim Cương và chị Thẩm Thúy Hằng. Lúc đó Thanh Nga đã qua đời. Thương lắm, chúng tôi rất cảm động".

Cũng nhờ điện ảnh mà bà được một số bạn diễn nước ngoài bảo lãnh, sớm đưa bà từ Canada sang Mỹ và tiếp tục trở lại với nghiệp diễn viên.

Bà được trao vai chính trong show truyền hình MASH (1977) và trong bộ phim điện ảnh The Joy Luck Club (1993).

kc2

Tài tử Kiều Chinh trong chuyến đi Châu Âu, 10/2018

Tuy nhiên, bà vẫn cảm thấy như sự nghiệp của mình chưa thật trọn vẹn.

"Từng tham gia đóng trên 100 bộ phim, tôi luôn được hỏi là tôi có mãn nguyện với sự nghiệp của mình không".

"Tôi luôn trả lời rằng tôi vẫn mong có một bộ phim, một cuốn truyện nào đó nói về người phụ nữ Việt Nam trong Cuộc chiến Việt Nam, trong đó nhân vật được thể hiện một cách xứng đáng".

"Cho đến nay, trong điện ảnh, chúng ta thường chỉ là nạn nhân hoặc nhân vật phụ, hoặc những vai diễn được nhìn nhận chưa đúng mức".

"Tôi mong có một tác phẩm nói về một người phụ nữ Việt Nam, một người mẹ Việt Nam với tất cả những sự nổi trôi của đất nước".

Gia đình ly tán

Bản thân Kiều Chinh và gia đình bà cũng là một trong những trường hợp 'nổi trôi cùng đất nước'.

kc3

Tài tử Kiều Chinh và cuộc đời đầy chia ly

Bà và những người ruột thịt đã sớm phải sống cảnh chia ly kẻ Bắc người Nam.

"Ở phi trường [Gia Lâm] đông kẹt người, mọi người tranh nhau lên máy bay", bà kể về chuyến bay rời Hà Nội của mình hồi 1954.

"Đến lượt chúng tôi, bố đẩy tôi lên máy bay và nói, 'Con đi đi, bố ở lại tìm anh, rồi bố và anh sẽ gặp con sau'".

"Lúc tôi trèo lên máy bay cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy bố, nghe thấy tiếng nói của bố".

"Bố nói rằng, 'Con đi đi, bố sẽ gặp con sau', thế nhưng chúng tôi đã không bao giờ gặp lại nhau nữa".

"Câu chuyện đau thương của đất nước mình xảy ra cho bao triệu người. Cuộc chiến kéo dài khiến hàng triệu gia đình, bố mẹ, con cái, vợ chồng... bị chia ly".

"Trong gia đình tôi, tôi mất bố từ năm mới 15 tuổi. Tôi có ba anh em, thì ba anh em tản mát sống ba quốc gia. Anh tôi kẹt ở Hà Nội, chị tôi sống ở Pháp, còn tôi vào Sài Gòn. Ba anh em mỗi người mỗi ngả".

Nguyễn Giang thực hiện

(trụ sở BBC ở London, tháng 10/2018)

Published in Văn hóa

Tin nhà văn Kim Dung tức Louis Cha qua đời ở Hong Kong, thọ 94 tuổi, đang làm sống dậy nhiều cảm xúc trong giới bạn đọc người Việt.

kimdung1

Thần điêu đại hiệp được dịch là The Legend of the Condor

Lần 'gặp gỡ' đầu tiên của tôi với sách Kim Dung là vào hồi học cấp hai trường Tô Hoàng, Hà Nội.

Có cậu bạn nhà ở Phố Huế cho mượn một cuốn sách nhàu nát, không rõ vì bị vò xé lúc xem trộm hay bị nhét gậm giường nhiều lần.

Tiếng Việt trong cuốn Lục mạch Thần kiếm đó là một thứ gì khác lạ, chữ in, trang bìa cũng khác, vì là in ở Sài Gòn và như vô số đầu sách 'ngoài luồng' khác, được chuyển ra Bắc sau 1975.

Từ đó, tôi đã bắt đầu đọc Kim Dung và say mê 'phiêu du' trong mộng tưởng với Trương Vô Kỵ, Đoàn Dự, Quách Tỉnh, Hoàng Dung... như nhiều bạn cùng thế hệ.

Nhưng sau này, khi truyện chưởng được công khai hóa và bày bán khắp nơi, phim chưởng cũng kéo dài liên miên trên băng và truyền hình thì tôi không thích nữa.

Sống đã nhiều năm tại Châu Âu, tôi tưởng đã quên đi thể loại truyện và phim ảnh đặc thù Trung Hoa và có ảnh hưởng ở Việt Nam này.

Nhưng cái chết của Kim Dung là dịp nhìn lại giá trị thực và hạn chế của loại hình văn học này mà ông là tác giả hàng đầu.

Có thể nói truyện chưởng và văn Kim Dung tuy rất nổi tiếng ở Châu Á nhưng gần như không có mặt ở Âu Mỹ.

kimdung2

'The Book and the Sword' - truyện kiếm hiệp Trung Hoa đã không, hoặc chưa vào được dòng chính của văn học Âu Mỹ.

Như tờ The Guardian ở Anh viết hồi năm 2017, khi phim 'A Hero is Born' (dựa trên Thần điêu Đại hiệp - Legends of the Condor Heroes) ra mắt, đây là thứ văn chỉ phổ biến ở Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Thái Lan.

Dù đã có các bản dịch tiếng Anh khá sớm - như Thư kiếm ân cừu lục được Graham Earnshaw dịch là 'The Book and the Sword' - truyện kiếm hiệp Trung Hoa đã không, hoặc chưa vào được dòng chính của văn học Âu Mỹ.

Có ba lý do cho hạn chế này.

1. Một là về thể loại :

Truyện võ hiệp (wuxia novel) sang Châu Âu được xếp vàodòng sách chivalric fantasy, theo truyền thống truyện hiệp sỹ thời Trung Cổ.

Các motives chính của truyện 'hiệp sỹ cứu công nương' đã dừng lại ở thời rất xưa tại Châu Âu và bị Miguel de Cervantes nhạo trong Don Quixote (thế kỷ 17).

Nói như Lewis Manalo thì nhờ phim ảnh, những cảnh trong truyện võ hiệp của Kim Dung tuy không còn xa lạ với khán giả Phương Tây nhưng vẫn là thứ 'đặc thù' :

"Kiếm thủ nam hoặc nữ làm những cú nhảy như diễn viên xiếc từ mái nhà lợp bằng đá, rồi phi thân đuổi theo tên cướp. Tay kiếm thủ nhảy từ mái nhà này sang mái nhà kia, vượt qua những khoảng cách khó tin tới mức quái dị, thực hiện những chiêu diệu nghệ như vũ ballet, và trông cứ như là sắp bay (on the edge of flying)..".

Với tin Kim Dung qua đời, một số báo ví truyện của ông với Lord of the Rings của JR Tolkien, xét về độ dài và tình tiết kiểu du hành phiêu lưu.

Nhưng điều khác là sách của Tolkien, đã dựng thành phim, là loại truyện thần thoại ma quỷ, còn võ công trong truyện chưởng là của người trần mắt thịt.

Cách luyện công phu được giới phê bình sách Châu Âu mô tả như trò phù thủy hoặc phép chế độc dược của các nhà giả kim thuật (alchemists).

Võ công thâm hậu đạt được là "nhờ sự tu luyện kỳ bí nào đó, họ phát được ra lực khủng khiếp từ trong người".

Giới phê bình Phương Tây cũng chú ý đến tính bình dân, hoặc 'dân chủ đường phố' của truyện chưởng nói chung và truyện Kim Dung nói riêng.

Đó là già trẻ lớn bé, quý tộc, ăn mày... ai cũng có thể thành cao thủ làng võ, nhờ công phu luyện tập, nhờ may mắn gặp được bí quyết, người thầy giỏi.

Phân loại hình tượng nhân vật qua tuyến Chính - Tà trong các tác phẩm đều dễ hiểu cho độc giả bình dân.

Những lời khen dừng lại ở đây.

kimdung3

Sách của Kim Dung ra bản tiếng Anh nhưng không quá phổ biến ở Phương Tây

2. Độ dài quá mức và cách hành văn và ngôn ngữ

Nhưng ngoài những điểm chung với văn học thế giới thì độ dài quá mức và cách hành văn và ngôn ngữ là vấn đề thứ hai.

Đúng thế, bạn đọc Âu Mỹ khó nắm bắt ngôn ngữ Hán văn cổ của Kim Dung.

Nick Frisch viết trên The New Yorker trong bài ca ngợi Kim Dung qua bản dịch Thần điêu đại hiệp của nữ dịch giả Anna Holmwood (người Thụy Điển có chồng Đài Loan) thừa nhận văn Kim Dung rất khó dịch.

"Những cái tên đọc lên rất dễ nghe trong tiếng Hoa đơn âm trở thành khúc mắc trong tiếng Anh... Ví dụ chiêu thức võ công (kung-fu maneuver) như Lạc Anh thần kiếm trưởng (luo ying shen jian zhang), chỉ là năm âm trong tiếng Trung, trở thành 'Wilting Blossom Sacred Sword Fist', nghe thật nặng nề trong tiếng Anh..".

Ta hãy xem một số tên đã dịch sang Anh văn :

- Thiên Long Bát Bộ - Demi-Gods and Semi-Devils

- Anh hùng Xạ điêu - The Legends of the Condor Heroes

- Ỷ thiên Đồ long kiếm - The Heaven Sword and Dragon Saber

Những tên tiếng Anh đều tối nghĩa vì phải cố chuyển tải tên truyện chữ Hán mà đọc lên không vang dội, 'hoành tráng' như bản chữ Hán hoặc Việt văn.

Võ công 'Cửu âm bạch cốt trảo' được dịch là 'Nine yin white bone claw', vừa lạ tai như món chân gà trong quán ở Chinatown, vừa phải giữ từ 'yin' không dịch được vì chứa đựng toàn bộ phần triết lý âm ương (yin-yang)của Phương Đông.

'Võ mục di thư' phải dịch là 'Book of Wumu', và giải thích thêm ý nghĩa trong phụ lục.

Phái Nga Mi được giữ nguyên là 'Emei Sect', còn Cái bang là 'The Beggars' Sect', đều lạ tai trong tiếng Anh.

Tóm lại, chính những cái tên này làm nên bản sắc của truyện chưởng Kim Dung nhưng là cản trở lớn để truyện của ông nhập vào dòng văn học Âu Mỹ.

Giới phê bình Phương Tây có ca ngợi bộ Thần điêu đại hiệp (The Condor Trilogy) nhưng cũng ái ngại về độ dài : 2,5 triệu Hán tự, dịch trọn sẽ là 1,5 triệu từ tiếng Anh.

Theo tôi đây là vấn đề của truyện Kim Dung : rất dài và phủ sóng vài thế kỷ nhưng chưa thể sánh được với 'Chiến tranh và Hòa bình' của Leon Tolstoy về tầm tư tưởng.

Có thể là vì đây là dạng truyện chương hồi đăng trên các số báo ở Hong Kong nên không gọn ghẽ.

3. Thông điệp chính trị - xã hội của Kim Dung

Điểm thứ ba tôi muốn nói chính là thông điệp chính trị - xã hội của Kim Dung, và đây mới là điều khác biệt lớn giữa văn hóa Đông và Tây.

Trung thành với các khái niệm trung hiếu tiết nghĩa của Khổng giáo, pha trộn tinh thần trọng tự do cá nhân kiểu đạo Lão, truyện Kim Dung đã làm say mê hàng triệu bạn đọc Châu Á.

Nhưng sách của ông dù tạo dựng thành công nhiều nhân vật có cá tính, sống chết vì tình nghĩa trong thế giới luôn đầy thù ít bạn, tình duyên trắc trở, đã rơi vào một số tuyến giá trị mà chân thiện mỹ dồn hết cho văn hóa Hán (Sinocentricism).

Nhìn chung, với Kim Dung, các tà phái, những võ công tàn độc đều đến từ bên ngoài, còn Hoa Hạ là đỉnh cao của văn minh, của chính nghĩa.

Vì sao lại như thế ?

Ta phải hiểu bối cảnh các tác phẩm của Kim Dung là thời tộc du mục Nữ Chân và Mông Cổ lấn vào Trung Nguyên đầu thế kỷ 13, và Thanh Triều diệt nhà Minh và đô hộ Trung Quốc mấy thế kỷ sau đó.

Lần đầu, dân tộc Trung Hoa bị mất nước, tước quyền chính trị khi nhà Nam Tống sụp đổ, khiến Quách Tỉnh và Hoàng Dung tự sát và cuộc đấu tranh gìn giữ văn minh Hán phải đi vào bí mật.

Lần hai, khi Thanh chiếm Trung Hoa, áp đặt một hệ thống quân quản hà khắc, khiến các hội kín nổi lên, đưa cả phong trào Phản Thanh phục Minh ra khỏi lãnh thổ Trung Hoa sang Đông Nam Á.

Người đàn ông Trung Hoa ở thế thua trận, mất nước chỉ có tìm vào võ công thần bí với niềm tin tự tôn chủng tộc, và kể cả như vậy, các nhân vật hàng đầu cuối cùng đều thất bại, hoặc bị giết, thất tình, hoặc phải xa lánh cuộc đời, đi vào chốn tu hành hoang vu.

kimdung4

Giới trẻ Trung Quốc nay chia sẻ tin Kim Dung qua đời trên mạng Weibo

Để thỏa mãn 'thắng lợi tinh thần', Kim Dung cho vua Càn Long là người Hán, là em của Trần Gia Lạc nhưng trớ trêu thay, quyền lực đã thắng và Càn Long - nhân vật tưởng tượng đó, đã lừa bắt cả Hồng Hoa Hội và khiến nàng Kha Lệ Tư phải chọn cái chết.

Vấn đề của Kim Dung là ông dựng lại một thế giới theo các giá trị và tiêu chuẩn Hán và tạo ra thắng lợi nội tâm và tinh thần cho dân tộc ông trong xung đột Hán - du mục, trước khi Trung Hoa tan rã.

Ở mặt nào đó, cuộc đời Kim Dung và tâm thế phải bỏ quê hương, nơi mẹ chết vì chiến tranh, cha bị đấu tố và xử tử sau khi chế độ Mao lên cầm quyền, đã ảnh hưởng đến motive hoài cổ và lý tưởng hóa quá khứ trong văn của ông.

Điều đáng chú ý là những kinh điển về tình yêu kiểu Khổng giáo được giữ nguyên cho các nhân vật nữ : họ luôn phải chọn giữa tình yêu cá nhân và chữ hiếu, lòng trung thành với gia đình, dòng tộc, môn phái.

Sự giằng xé trong con tim của họ tạo ra nhiều hình ảnh lãng mạn đẹp kiểu Châu Á nhưng ít sức thuyết phục với người Phương Tây vì họ coi nó ủy mị, đau thương không cần thiết, theo kiểu hơi trẻ con, thậm chí hơi 'sến' (cheesy).

Những yếu tố trên khiến truyện Kim Dung cũng rất hấp dẫn với một bộ phận người Việt Nam vì tương đồng văn hóa và giá trị của một thời.

Nhưng người đọc Việt Nam, trừ những người gốc Hoa, lại nhìn vào vấn đề trong truyện chưởng Kim Dung theo một cách khác.

Đối với người Việt thì Càn Long trong Thư kiếm ân cừu lục là người Hán hay Mãn cũng không quan trọng, vì đằng nào thì ông ta cũng đã thua vua Quang Trung trong lịch sử thật, không phải sử tưởng tượng.

Nhưng người Việt thích truyện chưởng vì tình tiết ly kỳ, và quan trọng hơn là tinh thần tính phản kháng trước giặc ngoại xâm, trước quan nha tàn ác.

Tính bình dân, giang hồ dễ khiến ai cũng tìm thấy một nhân vật điển hình mà mình thích.

Bên cạnh đó, người Việt trong chiến tranh và hậu chiến đã ngưỡng mộ tinh thần xả thân vì nghĩa, và dám hy sinh cho tình bạn, tình yêu trong truyện Kim Dung, điều thực ra khi đó cũng rất ít thấy trong cuộc sống thật và ngày này thì còn ít hơn.

Vì thế, có thể nói dân tộc Trung Hoa có 'fantasy' tự tôn tinh thần riêng cùng truyện Kim Dung, còn người Việt Nam, lại lấy có cảm hứng từ một góc hơi khác.

Cả hai tình cảm đặc biệt này với truyện Kim Dung xem ra vẫn xa lạ với người Phương Tây.

Với 1 tỷ đầu sách được in ra, gồm cả sách in lậu, Kim Dung là nhân vật lớn trong làng văn Châu Á.

Nhưng ngay tại Trung Quốc, giới trẻ nay đọc ít Kim Dung hơn trước mà biết về ông chủ yếu qua các game điện tử.

Thời thế đã đổi, thanh thiếu niên Việt Nam nay không còn chuộng các nhân vật của võ lâm như thế hệ tôi.

Cuộc sống ở ngưỡng cửa một thiên niên kỷ nhiều bất trắc làm lộ ra các vấn đề rất khác trước mà đạo lý nặng về trung hiếu kiểu xưa, tính chịu khó luyện rèn chưa chắc đã phù hợp.

kimdung5

Tại Âu Mỹ, văn học fantasy nay cũng đã đi khá xa trước, thành thể loại thần thoại pha trộn khoa học viễn tưởng, vũ trụ chứ không còn là võ nghệ kiểu 'thủ công'.

Một dòng văn học khác là dystopian fiction mà cuốn tiêu biểu là The Hunger Games của nữ nhà văn Mỹ Suzanne Collins, nói về thế giới tương lai ám màu bi quan, Ác nhiều hơn Thiện, đang nổi lên.

Chừng nào tâm thế bất an đó còn bao trùm đầu óc nhiều bạn trẻ thì chắc chắn người ta vẫn cần những hình tượng văn học và điện ảnh, nhưng phải mới hơn những suy tư của Tiểu Long Nữ, Tiêu Phong và Đoàn Dự.

Nguyễn Giang

Nguồn : BBC, 02/11/2018

Published in Văn hóa

Thương chiến Mỹ -Trung đã sang hồi 2, và đúng với phương án hai mà các học giả Trung Quốc dự đoán, theo một nhà báo từ Bắc Kinh nói với tôi.

soi1

Ông Trump nghĩ gì khi đứng ở Tử Cấm Thành hồi thăm Bắc Kinh tháng 11/2017 ?

Tôi quen anh bạn người Giang Tô trong một lần đến giảng tại trường cũ là Goldsmiths College, University of London.

Chen Zhiqun (Trần Chí Quân) học một năm lấy bằng thạc sỹ ngành global communications ở Anh rồi về nước làm việc.

Nay anh quay lại cùng làn sóng bành trướng sang Châu Âu của truyền thông Trung Quốc, và làm sub-editor cho một trang tin song ngữ Anh-Hoa.

Gặp lại nhau, chúng tôi chia sẻ chuyện trường cũ rồi tất nhiên là không thể tránh khỏi nói về cuộc thương chiến Mỹ - Trung.

Chen cũng hỏi tôi về Brexit, về chuyện EU và Trung Quốc.

Tôi bảo Chen" nói về Anh Quốc thì bạn cứ tạm quên đi, chừng nào cái đống mess về Brexit này xong đã", và tôi nói thêm, "mà cũng chưa biết bao giờ nó xong".

Khả năng cao là sẽ khó có thỏa thuận gì cụ thể trong năm nay mà sẽ là đi từ 'chuyển tiếp' này sang 'chuyển tiếp' khác.

Bà Theresa May sẽ cố tại vị đến tháng 3/2019 và khi Anh không còn trong EU nhưng vẫn có 21 tháng 'transition' thì ai lên thay bà sẽ phải lo có một 'deal'.

Chen hỏi tôi :

"Anh đã sống ở nhiều nước Châu Âu vậy cho tôi biết tại sao họ không thích Trung Quốc ? Đầu tư vào Hy Lạp để cứu kinh tế của họ cũng có người phản đối, bỏ tiền vào Ba Lan, Hungary cũng có kẻ ghét, vì sao thế, hay là họ phân biệt chủng tộc (racist) ?".

Tôi nghĩ một lúc rồi đáp và bảo Chen là đây chỉ theo trải nghiệm riêng thôi :

"Người Châu Âu, không kể các nhóm bài ngoại, cực hữu đang nổi lên, thì đa số là thân ái, tôn trọng công bằng, có tinh thần dân chủ, và không phân biệt chủng tộc như chúng ta hiểu ở Châu Á".

"Nhưng họ có vấn đề cố hữu là phân biệt và tự tôn văn hóa".

Chen ngạc nhiên :

"Nghĩa là sao ?"

"Nghĩa là dù người Châu Á, kể cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, có nỗ lực đến đâu, thì đa số người Âu vẫn rất tự hào và tự tôn văn hóa, và chuyện Trung Quốc các bạn mở viện Khổng tử, quảng bá văn hóa Hán, sẽ vô ích thôi. Dân bản xứ có thể coi đó là thứ là lạ, có chút thiện cảm, nhưng bảo họ bị ảnh hưởng và đi theo thì sẽ không xảy ra".

Tôi phải nói thêm cho người bạn Trung Quốc rằng sự phân biệt văn hóa đầu tiên là sự phân biệt giữa nước này với nước kia ở Châu Âu.

Người Áo và Thụy Sĩ tìm mọi cách để tỏ ra họ không phải người Đức dù vẫn dùng tiếng Đức.

Người Ba Lan hiểu rõ người Nga, người Czech nhưng lại quý... người Hungary hơn.

Người Irish vừa chào xong đã nhấn mạnh trong câu thứ nhì họ không phải là người Anh.

Đại loại như vậy.

Tôi cho Chen một ví dụ là yoga và võ thuật Nhật, Hàn, Trung và Việt vào Châu Âu vài chục năm qua kể cũng là một thành công của người Đông Á.

soi2

Lễ hội Prometheia ở Litochoro, Hy Lạp. Dù cần tiền đầu tư từ Trung Quốc, các xã hội Châu Âu vẫn giữ truyền thống văn hóa mà họ tự hào

Nhưng tư tưởng và nếp sống hàng ngày của người Âu vẫn theo truyền thống Hy Lạp, La Mã và các tôn giáo lớn của họ : Công giáo La Mã, Tin Lành, Chính thống giáo... cộng với hai kỷ nguyên Phục hưng, Khai sáng và thời công nghiệp hóa đã sang thế hệ ba.

Không kể EU mà các xứ còn nghèo như Albania, Ukraine cũng tự hào với di sản Châu Âu của họ.

Đầu tư Trung Quốc có thể thành công về kinh tế nhưng chỉ dừng ở đó.

Sẽ khó có chuyện người Châu Âu đi theo đạo giáo, cách dạy con, chơi đàn, thể thao của Trung Quốc.

Chen đồng ý và cho hay chính giới nhà giàu ở Trung Quốc đang 'phát rồ' với đàn piano, với tennis, với đua xe F1.

Sự nhìn nhận từ Phương Tây vẫn là niềm khao khát, và lời phê phán to hay nhỏ từ Âu Mỹ đều là điều nhạy cảm ở Trung Quốc.

Chúng ta đang ở phương án 2

Sang chuyện thương chiến, Chen bảo tôi, ngay từ khi Trump bắt đầu đe dọa đánh thuế, các học giả Trung Quốc đã dự báo ba phương án (scenario) :

- Một là Trung Quốc thủ thúc, không đáp trả, cố bảo vệ đồng nhân dân tệ và mạng lưới xuất khẩu ;

- Hai là Trung Quốc sẽ đáp trả vừa phải, chờ xem có cách nào tốt hơn, tốt nhất là 'vừa đàm vừa đánh' ;

- Ba là hai bên đánh nhau bằng kinh tế tới cùng (all-out war).

Vào lúc tôi và Chen nói chuyện thì phương án một coi như không còn vì Trung Quốc đã đáp trả bằng vài chục tỷ USD thuế quan lên hàng Trung Quốc.

Như thế chúng ta đang sống trong phương án 2 và cuộc giao đấu cũng vào giai đoạn 2.

Các đợt tariffs, ban đầu chỉ đánh vào hàng thép, công nghiệp nặng nhưng nay nhắm tới sản phẩm tiêu dùng, hàng nông sản.

soi3

Trung Quốc đang cố giải mã 'nụ cười Trump'

Nghe nói đậu nành của Mỹ cũng đang "trúng chưởng" từ Trung Quốc.

Cuộc chiến này sẽ đi về đâu, có tàn phá nhiều nền kinh tế hay không thì không ai dám đoán trước.

Nhưng câu chuyện Chen kể thì lại là vấn đề tâm lý, là cuộc chiến cân não Trump - Tập.

Khi ông Trump mới lên, người Trung Quốc vui mừng vì nghĩ ông ta không biết gì, và mạng xã hội còn nhạo ông.

Tên chính thức của Trump là Te-Lang-Pu (特朗普) bị gọi là 'Chuan Pu'(川普) với Chuan như Xuyên trong Tứ Xuyên, ám chỉ kẻ quê mùa, từ vùng sâu vùng xa chui ra.

Nhưng nay thì Trump hiện rõ là tay chơi quỷ quyệt, một 'sói già' không e ngại tung đủ mọi đòn mà không ai lường trước được.

Các cuộc thăm viếng lẫn nhau, thưởng trà, tiệc tối, bữa trưa, với bà Bành và bà Melania khoe váy dài áo đẹp tưởng như đã chinh phục được nhà Trump.

Nay thì rõ là không phải như vậy.

Ông Tập Cận Bình hiện mắc kẹt ở hai điểm.

Một là trong quá trình thu quyền bính về một mối, ông đã hạ gục hết các đối thủ nội bộ vùng miền, phe Thượng Hải, Quảng Đông, Trùng Khánh nên chính trị Trung Quốc mất đi tính đa dạng.

Ông Tập cũng trở nên cô đơn vì 'duy nhất đúng'.

Chen bảo nhiều báo cáo "dâng lên" chỉ để vừa lòng ông trong khi nợ công ngoài khu vực tài chính của các tỉnh, đô thị nay lên tới 250% GDP, rất đáng lo ngại.

Hai là, ông Tập đi lên từ một cán bộ trường Đảng trung ương, đã xây dựng hình ảnh của mình như một 'nhà đức trị' (man of virtue).

Điều này hóa ra là một cản trở, vì ông không thế nói ngược nói xuôi tùy lúc như ông Trump và không dùng mạng xã hội.

Chính phủ Trung Quốc liên tiếp bị choáng bởi những phát biểu bất ngờ trên mạng xã hội của ông Trump, về Bắc Hàn, về Biển Đông, về Trung Quốc.

Mà hệ thống của họ vận hành theo kiểu truyền thống, vẫn phải đợi duyệt qua nhiều cấp : Đảng, tuyên giáo, an ninh, rồi mới cho Bộ Ngoại giao phát biểu định kỳ.

Còn ông Trump, cứ 4 giờ sáng giờ bờ Đông nước Mỹ vì khó ngủ hay sao mà liên tục bắn ra các cú Twitter.

Điều này khiến cá nhân ông Tập Cận Bình đang lúng túng.

Ông Tập không có tài khoản mạng xã hội Weibo, WeChat tuy Chen bảo một số nhân vật và cơ quan không chính thức đôi khi bắn tin ra thay cho ông.

Cái được và mất của ông Trump thật khó định nghĩa, còn cái mất đầu tiên của ông Tập mà ông lo nhất là 'mất mặt', tỏ ra yếu.

CEO hay Chủ tịch của China Inc ?

Vụ tan rã của các mạng tín dụng tư (P2P lending platform) cho thấy nếu Trung Quốc là một đại tập đoàn thì cần có một chủ tịch hội đồng quản trị vững về tầm nhìn xa, và một CEO rất quyền biến, linh hoạt.

Nay cả hai chức này gộp vào một vị trí của ông Tập, và Lý thủ tướng chỉ còn là phụ tá.

Và bài toán thương chiến đang diễn ra khá phức tạp.

Các đợt thuế ông Trump tung ra đầu tiên để làm vừa lòng cử tri ủng hộ ông trong tinh thần "Hoa Kỳ là trên hết".

Nhưng nay người ta cảm thấy ông Trump muốn đánh qụy và phá vỡ (disrupt) cả mạng lưới sản xuất - chế biến - xuất khẩu, là xương sống của kinh tế Trung Quốc.

Trung Quốc hoàn toàn có thể 'ém quân' bằng cách chuyển sản xuất sang Đông Nam Á, sang Châu Phi như đang làm, nhưng khó làm nhanh.

Để xuất khẩu, Trung Quốc cần công nghệ cao từ Hoa Kỳ, nhưng Trump đã ra lệnh "chặn lương" nguồn này, bất kể nó có tác động xấu đến chính một số công ty Mỹ.

Với ông Trump, kinh tế, quân sự và công nghệ có nhiều liên quan.

Ông ký Luật Chính sách Quốc phòng (NDAA-National Defense Authorization Act) trị giá 716 tỷ USD, văn bản bị coi là thù địch nhất với Trung Quốc từ Chiến tranh Lạnh.

Luật này có mục đánh cả vào ZTE và Huawei.

Ông vứt cam kết từ xưa và ve vãn Đài Bắc, khiến các công ty Hoa Kỳ cũng 'định hướng lại' cùng chính trị : Google, Facebook, IBM nay đầu tư ồ ạt vào Đài Loan.

Tôi hỏi Chen vậy giới trẻ Trung Quốc nghĩ gì ?

Anh cho biết họ sợ Trung Quốc không đủ tiền để bước vào phương án 3, 'chơi tới bến' với ông Trump trong cuộc thương chiến.

Về cảm quan cá nhân, anh nói sau hai ba thế hệ Khai phóng, hàng chục triệu người Trung Quốc đã biết quá rõ hết những điều hay dở trong và ngoài nước.

soi4

Bà Bành Lệ Viện tặng bà Melania Trump chữ 'Phúc'

Tất nhiên, họ phải tự khôn ngoan chọn cho mình và con cái.

Giới còn trẻ thì đang tìm "cơ hội ở Trung Quốc, cuộc sống ở bên ngoài".

Ai đã đi cũng muốn về Trung Quốc kiếm tiền nhất là khi chính quyền và doanh nghiệp đang kêu gọi nhân tài, đầu tư tiền tỷ vào AI, vào công nghệ sinh học.

Nhưng tốt nhất thì vẫn có một lối quay lại Âu, Mỹ, Úc, và người giàu cũng tìm một vị trí công việc, bất động sản, cơ sở bên ngoài để khi cần khi đi.

Không chỉ dân trung lưu mà không ít doanh nghiệp đang tìm cách lặng lẽ chuyển đi nơi khác.

Điều họ lo là Trung Quốc sẽ còn lâu mới có nhà nước pháp quyền.

Một doanh nhân thành đạt, một diễn viên xinh đẹp nổi danh có thể bị gọi đi đâu đó, bị 'biến mất' vài tuần, vài tháng, hoặc mất hút luôn, mà không ai biết.

Nhà nước có thể ra lệnh cho mạng xã hội xóa mọi dấu vết về sự tồn tại trên thế giới ảo của họ.

Nói chuyện với Chen tôi hiểu thêm về một nước Trung Quốc năng động, phức tạp, con người tài năng, nhiều tham vọng nhưng cũng không ít lo âu.

Đúng năm nay là năm kỷ niệm vụ ngân hàng Lehman Brothers tan rã, khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng kinh tế, bắt đầu từ tài chính.

Gặp Chen sau vài hôm thì tôi đọc được Niall Ferguson viết rằng nhìn lại Khủng hoảng 2008, người ta nghĩ ngay đến Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay.

Và biết đâu sẽ đến lượt Trung Quốc, ông Ferguson từ Harvard nêu vậy.

Tôi thì nghĩ Trung Quốc đã liên kết sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, nên một Trump 'phá lệ' chưa chắc đã lật lại được cả cuộc chơi to của chủ nghĩa tư bản.

Nhưng mô hình Nhất nhân trị của Trung Quốc đang bộc lộ nhiều bất cập trước một Trump đầy bất trắc.

Nguyễn Giang

Nguồn : BBC, 17/09/2018

Published in Diễn đàn

Một chuyện của mấy tuần hè nóng bức ở Việt Nam là cha mẹ 'thất thần', 'òa khóc', 'van xin' để con được vào lớp 10 công lập.

giaoduc1

Một hội chợ du học tại Việt Nam : thanh thiếu niên muốn ra nước ngoài học vì các kỳ thi tuyển được cho là bình đẳng cơ hội

Chỉ riêng ở TPHCM, việc tăng điểm chuẩn vào trung học của nhiều trường công khiến chừng 33 nghìn em học sinh bị rớt ra, theo Tuổi Trẻ (05/07).

Chỗ còn lại cho các em là trường tư thục, phải trả tiền, hoặc trường nghề.

Luật phổ cập giáo dục ở Việt Nam vẫn chưa tính đến hết cấp trung học phổ thông, và đây là điều cần bàn.

So sánh đầu tàu kinh tế của Việt Nam là TP HCM với Thượng Hải của Trung Quốc ta thấy ở Việt Nam đang thua kém.

Tổ chức OECD nói Thượng Hải xứng đáng đi đầu không chỉ Trung Quốc mà của cả thế giới về việc đảm bảo trẻ em có được giáo dục tiểu học : 99,9%, và trung học : 97%, tính đến 2010.

giaoduc2

Khu du lịch, di tích cách mạng Củ Chi : Di sản cuộc chiến ở Việt Nam vẫn tác động vào chế độ tuyển chọn trong giáo dục

Còn tại Anh Quốc, đúng là trước đây luật quy định tuổi thôi học (school leaving age) chỉ là 16, sau đó có tăng lên 17.

Nhưng từ 2015, chính phủ Anh nhận thức rằng học hết trung học hay trường nghề đến 18 tuổi sẽ giúp giới trẻ tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động toàn cầu.

Vì thế, các trường công có nhiệm vụ phải nhận hết mọi học sinh chừng nào các em chưa tròn 18 tuổi.

Những nơi thiếu trường thì chính quyền cho xây thêm.

Theo một kế hoạch của chính phủ công bố năm 2016 thì đến 2020 chỉ riêng xứ Anh (England) sẽ xây thêm 378 trường trung học và 1744 trường tiểu học.

Nếu thiếu niên 16 tuổi chọn học nghề (vocational training), đi thực tập học việc(apprenticeship), luật giáo dục bắt các hội đồng địa phương phải hỗ trợ tài chính.

Ở Việt Nam thì có vẻ như xu hướng xã hội hóa, cho mở trường tư đã đồng hành cùng sự cởi mở hơn về giáo dục.

Nhưng nếu trường công không nhận học sinh, gồm cả những em đạt 37,5 trên 40 điểm, câu hỏi là Bộ Giáo dục có phải đã lơ là trách nhiệm đảm bảo quyền giáo dục cho nhiều công dân trẻ tuổi ?

Việc có nhiều trường tư thục không nên coi là lý do để tước cơ hội cho học sinh vào trường công.

Vì như ở Anh và nhiều nước khác, trường tư đã có từ lâu, nhà nào đủ tiền thì cho con học, từ mẫu giáo, tiểu học đến trung học, đại học cũng được.

Nhưng quyền giáo dục công đã được Liên Hiệp Quốc công nhận thì chính quyền phải nỗ lực đảm bảo có chỗ cho học sinh.

Việc loại trừ học sinh bằng điểm số là đi ngược lại một xu hướng tiến bộ, không tạo ra xã hội bao dung (inclusive).

Ưu tiên mấy đời ?

Cùng lúc, hệ thống giáo dục Việt Nam lại đầy các thứ ưu tiên mà xét cho cùng là việc bớt miếng bánh của người này trao cho người kia.

giaoduc3

Ở Việt Nam, thi cử và bằng cấp là chủ đề xã hội rất quan tâm

Ở cấp trên trung học, rất nhiều bộ ngành có trường đại học hoặc cao đẳng đào tạo con em công chức làm thế hệ kế tiếp.

Ngay từ khởi điểm, những bạn này đã có ưu thế hơn con dân thường.

Bên ngoài xã hội thì có chế độ cộng điểm dài dòng, phức tạp và không giống nước nào cả.

Các văn bản chính thức ở Việt Nam nêu ra một loại nhóm người được ưu tiên khi thi vào đại học, cao đẳng, từ dân tộc thiểu số, dân vùng xa, hải đảo, vùng núi, thương binh, bệnh binh, người có 'giấy chứng nhận người được hưởng chính sách như thương binh', tới quân nhân, công an tại ngũ, đã xuất ngũ...

Không ai nói có phải các nhóm cư dân đó thiếu gì về học thức, học lực, trí tuệ mà cần cộng điểm.

Nhưng cách ưu đãi này không chỉ dừng lại ở đời 1, mà còn kéo sang đời 2.

Trong 7-8 diện đối tượng ưu tiên, được cộng điểm, thì di sản chiến tranh, cách mạng (mới nhất cũng là năm 1945), được lưu truyền sang cả đời sau :

- Con của thương binh, liệt sĩ

- Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học ;

- Con của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày ;

- Con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế ;

- Con của người có công giúp đỡ cách mạng ;

Ngoài ra, người có cha mẹ được công nhận 'lao động ưu tú', 'thợ giỏi, nghệ nhân', có 'huy hiệu lao động sáng tạo'... cũng được ưu tiên khi thi đại học (đối tượng 07).

Những bằng khen, huy hiệu này thì phải có đến hàng triệu trong xã hội, và ưu tiên người này thì khỏi ưu tiên người kia, nên không khỏi gây ra bất công.

Tóm lại, hệ thống nói là bình đẳng nhưng có không ít người được hưởng quyền 'bình đẳng hơn' qua mạng lưới phân phát 'phiếu chen hàng'.

Việc này nhắc lại thời hậu chiến sau 1975, khi chủ nghĩa lý lịch từng rất nặng nề, khoét sâu chia rẽ xã hội.

giaoduc4

Trường thi Bắc Kỳ năm 1888 : thời phong kiến Việt Nam có chế độ thi cử không cộng điểm

Sự nâng đỡ là để bù đắp cho thiệt thòi của một số giới bị ảnh hưởng của chiến sự nhưng kéo dài quá dễ tạo ra tâm lý 'ăn mày dĩ vãng' và khiến cả triệu người Việt Nam đến nay vẫn như thể còn là 'nạn nhân chiến tranh'.

Các nước khác ra sao ?

Các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore có hệ thống giáo dục ưu việt hơn cả tại Châu Á vì hoàn toàn dựa trên 'meritocracy' : thăng tiến nhờ tài năng cá nhân.

So Singapore với Malaysia thì thấy rất rõ : cùng một gốc thuộc địa Anh, thậm chí từng cùng một liên bang nhưng Singapore bật lên, còn Malaysia, vì ưu tiên người bản địa Mã Lay qua chính sách 'bumiputera privilege' nên không tiến bằng.

Chính phủ Mahathir Mohamad đang phải tìm cách cải cách hệ thống ưu đãi này vì nó không chỉ gây bất công xã hội, tạo sự lười biếng mà chỉ còn làm nảy sinh các nhóm lợi ích khổng lồ về chính trị và kinh tế, kéo lùi Malaysia lại.

Trong phát biểu mới nhất tại Tokyo, bác sĩ Mahathir Mohamad nói người Malaysia cần học 'văn hóa Nhật Bản trong mọi mặt', nếu không Malaysia sẽ tụt hậu.

Trung Quốc từng có hệ thống giáo dục nhiều thứ hạng ưu tiên như Việt Nam.

Nhưng cải cách giáo dục năm 1985 cũng xóa đi rất nhiều rào cản, và càng gần đây Trung Quốc càng thí điểm để mô hình ở Thượng Hải giống với Hong Kong.

Từ Thượng Hải, Bắc Kinh và các đô thị Tier 1, họ sẽ lan rộng cách làm thành công ra cả nước.

Tháng 4/2018, Bộ Giáo dục Trung Quốc tuyên bố xóa bỏ năm diện đối tượng ưu tiên, cộng điểm (bonus points) cho kỳ thi 'cao khảo' (Gaokao) ở 18 tỉnh.

Nên nhớ cách cộng 5-20 điểm ở Trung Quốc không còn dựa trên lý lịch (nội chiến đã chấm dứt từ năm 1949), mà chỉ là điểm cho dân tộc thiểu số, cho thành tích thi học sinh giỏi (Olympiad), thể thao.

Nhưng báo chí Trung Quốc từ lâu đã cười các chuyện như thành tích bơi giúp học sinh thêm 5 điểm vào một đại học không có bể bơi.

Họ cũng nói chẳng đại học ở nước ngoài nào chấp nhận chuyện ưu tiên điểm cho người Trung Quốc thì vì sao tự người Trung Quốc lại phân biệt đối xử lẫn nhau.

Hoặc có sự phi lý khi học sinh thiểu số được cộng điểm Hán ngữ (không cần thiết vì tiếng này đã quá phổ biến) nhưng thi tiếng Anh (khó hơn) không được ưu tiên.

Bộ trưởng Trần Bảo Sinh cho biết sẽ hoàn toàn xóa bỏ hệ thống cộng điểm trên cả nước Trung Quốc vào năm 2020 để đảm bảo giáo dục thực sự công bằng.

Giáo dục Việt Nam cần học theo kinh nghiệm quốc tế và các láng giềng, mau mau tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả, không loại trừ và cũng không nâng đỡ bất cứ ai.

Nguyễn Giang

Nguồn : BBC, 05/07/2018

Published in Diễn đàn

Nhân chuyện bộ máy ở Việt Nam cần tìm kiếm, đào tạo cán bộ và lãnh đạo cấp chiến lược', tôi thấy cần nhắc đến một số ví dụ trên thế giới.

dot1

Tượng Charlemagne Đại đế nhân một dịp kỷ niệm về ông tại Aachen, Đức, năm 2014. Hoàng đế của người Frank có viễn kiến thống nhất Châu Âu thành một cường quốc

Nếu 'chiến lược' là tầm nhìn hoàn toàn mới để xoay chuyển tình thế, đặt lại vị thế cho quốc gia, thì số nhà lãnh đạo chiến lược thường rất ít.

Có những dân tộc phải chịu cảnh hàng chục năm, thậm chí hàng thế kỷ mà không sản sinh ra một ai tạo chuyển biến thay đổi số phận cho họ.

Ngược lại, không ít quyết định chiến lược của nước này lại gây hại lâu dài cho nước kia như Cuộc chiến Việt Nam đã chứng minh.

Quyết tâm vượt lên số phận

Nhìn lại trong số những người đã được lịch sử công nhận thì các nhà chiến lược lớn đã để lại dấu ấn hàng chục năm đến hàng trăm năm.

Thế giới cổ đại để lại hai nhân vật : Tần Thủy Hoàng đế ở Trung Hoa, và Charlemagne ở Châu Âu.

Chiến lược thống trị của họ thực ra khá đơn giản nhưng nhất quán.

Tần Doanh Chính muốn thống nhất Trung Nguyên về một mối qua chinh phục, rồi củng cố quốc gia bằng pháp luật, hệ thống đo lường, tiền tệ và hình phạt.

Charlemagne (768 - 814), vươn lên từ vị thế vua của tộc Frank đã chiếm vùng nay là Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Ý, để trở thành hoàng đế vĩ đại đầu tiên của Châu Âu.

Chiến lược của ông là dùng kỵ binh để chinh phục, và xây các chuỗi pháo đài để giữ đất, khác vua chúa thời trước chỉ chinh chiến, cướp bóc rồi rút về.

Ông cũng là vị vua đầu tiên tin rằng dù khác biệt sắc tộc, Châu Âu có thể, và nên trở thành MỘT thực thể chính trị.

Ý tưởng này khiến Charlemagne được coi là ông tổ của Châu Âu thống nhất, như lời ca ngợi ở triển lãm hồi 2014 về ông ở Aachen.

Chiến lược đôi khi còn là một ý tưởng tôn giáo.

dot2

Huy chương Châu Âu ghi lại hình Hoàng đế La Mã Constantine vào đạo Thiên Chúa

Người ta hay nói đến quyết định của Hoàng đế Constantine lấy Ki Tô làm quốc đạo cho La Mã vào thế kỷ 4.

Đem sự cao sang của thế quyền La Mã hòa hợp với tính bình dân nhưng huyền bí của một đạo lan rộng, ông biến đổi hoàn toàn thế giới Phương Tây cho đến nay.

Sau này, người ta cũng nhắc đến Otto von Bismarck với Realpolitik, thống nhất các xứ nói tiếng Đức thành một đế chế vào cuối thế kỷ 19.

Gần đây nhất có Winston Churchill của nước Anh.

Xin chia sẻ đôi câu chuyện về ông mà tôi đã tìm hiểu.

Trước khi Châu Âu rơi dần vào quỹ đạo của Đức Quốc xã, Churchill đã mất chức Bộ trưởng, về nhà đuổi gà cho vợ.

Đó không phải là câu ví von, mà thực sự ông Winston và bà Clementine đã nuôi gà trong khu nhà vườn ở Charwell thuộc vùng Kent tôi đã đến thăm nhiều lần.

dot3

Winston Churchill trong quân đội, năm 1910. Sau ông làm Bộ trưởng Chiến tranh, Bộ trưởng Tài chính rồi bị cho về vườn trước Thế Chiến 2. Chỉ sau khi phe chủ hòa với Đức thất thế, Churchill mới được mời lại chấp chính và đã trở thành lãnh tụ kháng chiến chống Đức cho cả Châu Âu.

Chuồng nay vẫn có gà và người ta cho biết con gái ông bà Churchill là Margaret tiếp tục chăm sóc gà, ngỗng và ao cá nhiều năm sau khi cha mẹ mất.

Trở lại lịch sử trước Thế Chiến.

Lúc quốc gia nguy biến, Churchill thuộc phe chủ chiến, mà quyền lực ở Anh do Lord Halifax và Neville Chamberlain kiểm soát lại trong tay phe chủ hòa.

Churchill nuôi dưỡng ý tưởn chống Đức, nhưng thực ra chưa nắm quyền và cũng chưa có chiến lược cụ thể gì.

Chỉ sau khi nỗ lực cứu vãn hòa bình ở Châu Âu của Chamberlain thất bại, Churchill mới được 'vời ra' làm Bộ trưởng Hải quân, rồi làm Thủ tướng.

Sau nhiều đêm mất ngủ, làm bạn với whiskey và cigar, chiến lược Churchill đưa ra gồm hai phần :

- Bảo vệ Anh bằng mọi giá, kể cả tiêu thổ kháng chiến nếu Đức đổ bộ ;

- Lôi kéo Hoa Kỳ và Liên Xô vào liên minh chống Đức.

Hai mục tiêu chiến lược đó đã thay đổi con người Churchill.

Từ một nhân vật bảo hoàng, gốc quý tộc cao sang - cụ của Churchill là Đại công tước Marlborough thời Nữ hoàng Anne - và tự kiêu, ông trở thành lãnh tụ chống phát-xít, gương cao ngọn cờ tự do cho cả Châu Âu.

Churchill mở rộng tấm lòng - tất nhiên vì sự ích kỷ và sống còn của Anh - để đón hàng trăm nghìn quân và dân Pháp, Ba Lan, Czech, Hà Lan, Na Uy, Serbia, Hy Lạp, Do Thái... tỵ nạn sang Anh.

Anh không chỉ giúp vũ trang cho các chính phủ lưu vong đóng ở London mà còn đón vua Harald V sang tỵ nạn khi Đức chiếm Na Uy.

Churchill nuôi Charles de Gaulle, cho một kênh BBC phát về Pháp và thường phải chịu đựng tính khí thất thường của ông tướng Gô-loa, tất cả để giữ liên minh.

Dù ghét chủ nghĩa cộng sản, Churchill vẫn nhún mình bay sang Moscow thuyết phục Stalin mở mặt trận chống Đức.

Trong nước, từ Hoàng gia đến quan chức, gồm cả Churchill, đã bớt khẩu phần ăn để nuôi quân.

Súng đạn, xe cộ, và cả viện trợ Mỹ được Anh chuyển qua đường Biển Bắc đầy bom đạn sang Arkhangelsk giúp Liên Xô kháng chiến.

Nghe nói chỉ có whiskey là Churchill không bị cắt khẩu phần, còn rượu brandy cũng bị giảm để chuyển cho lính thủy.

dot4

Churchill trở về Anh tháng 6/1943 sau khi thăm Hoa Kỳ và ký kết được nhiều thỏa thuận quan trọng cho kế hoạch Đồng minh chống Đức

Chiến lược của Churchill đã thành công, cứu được Anh và đánh thắng chủ nghĩa phát-xít, và định hình bản đồ Châu Âu từ 1945 đến tận năm 1991.

Chiến lược về cơ bản là sự đánh đổi, phá bỏ một cách nghĩ, một hệ thống quyền lực, quyền lợi, nên không thể nào có kết quả toàn vẹn 'vẫn như cũ'.

Churchill đã cứu được Anh, nhưng chiến lược của ông đã khiến Anh Quốc vĩnh viễn đóng vai trò số hai, nhường vị thế số một cho cậu em to khoẻ là nước Mỹ.

Trong nửa thế kỷ Châu Âu hậu chiến có lẽ chỉ có hai nhà lãnh đạo khác : François Mitterand và Helmut Kohl được coi là có chiến lược cho Châu Âu.

Quyết tâm lấy Pháp và Đức làm trụ cột cho EU, họ đã xóa bỏ hận thù, nắm tay nhau trước mồ tử sĩ hai nước, cam kết xây dựng Ngôi nhà chung Châu Âu.

Lãnh đạo thế hệ cháu chắt của họ như Emmanuel Macron hiện hô hào nhiều, nói năng 'mượt mà', đông 'fan' trên mạng xã hội nhưng chưa thấy có viễn kiến gì mới.

Mutti của EU, bà Angela Merkel thì đang bám quá chặt câu hỏi 'Đức cần làm gì ?' (chi ra bao nhiêu ?) nên chưa tìm ra bước đi chiến lược cho thế kỷ 21.

Muốn quá nhiều mục tiêu

Có chiến lược đúng thì cũng có không thiếu chiến lược sai.

Sai thường vì tham lam, muốn quá nhiều thứ một lúc, nên thiếu quyết đoán.

Adolf Hitler đã đầu tư vào hải quân và không quân rất nhiều nhưng không hiểu sao đã bỏ dở chừng kế hoạch chiếm đảo Anh.

Đánh sang Liên Xô, sau bước khởi đầu thắng như chẻ tre thì đến mùa hè năm 1940, Hitler băn khoăn trước ba mũi giáp công, Đông, Bắc hay Đông Nam.

Nếu 'Lebensraum' - không gian sinh tồn cho giống nòi Đức - là chiến lược của Hitler thì y hoàn toàn có thể dừng lại sau khi đã giết chết hàng triệu người dân Liên Xô, và chiếm các vựa lúa Ukraine, Belarus.

Là quốc gia tầm trung, tham vọng lớn nhất của Đức từ nhiều đời là làm chủ từ Biển Baltic đến Hắc Hải, vươn nữa là quá sức.

Nhưng trong một quyết định sinh tử, Hitler đã cho dàn trải các quân đoàn tinh nhuệ đánh cả vào cả ba hướng Moscow, Leningrad và Đông Nam.

Mosow không phải là mục tiêu chiến lược về quân sự và Hitler đã thua trước cửa ngõ thủ đô Liên Xô, như Napoleon năm nào.

dot5

Xe tăng Đức vượt sông Đông xuống vùng bình nguyên phía Nam nước Nga. Cuộc chiến của Hitler đã thất bại khi đánh vào cả ba mũi ở Mặt trận Phía Đông

Đánh lên Leningrad, dù bao vây thành phố này nhiều tháng, quân Đức cũng đã thua.

Con đường xuống phía Đông Nam để chiếm các giếng dầu Baku bị chặn ở Stalingrad.

Dù chiến đấu hết mình, Thống chế Friedrich Wilhelm Ernst Paulus đã phải ra hàng sau khi Đức và đồng minh Romania, Hungary và Ý bị giết chừng 800 nghìn quân.

BBC History nhận định : Vì cả hai quyết định nửa vời (half-hearted decision) là không đánh sang Anh, và phân tán quân Liên Xô, Hitler thực sự đã thua từ 1940.

Nhờ một quyết định chiến lược, đôi khi chỉ về giáo dục, pháp lý thôi, quốc gia có thể hưng thịnh qua nhiều thế hệ.

Ở đây tôi muốn nhắc lại câu Lý Quang Diệu trả lời báo chí nước ngoài về lý do thành công của Singapore.

Đó là quyết định giữ tiếng Anh chứ không bỏ nó để chọn một tiếng bản địa cho quốc gia mới độc lập để thỏa mãn tinh thần dân tộc.

Khác với nhiều nước Châu Á sau độc lập chỉ muốn xóa bỏ càng nhanh càng tốt 'di sản thực dân', Singapore còn giữ cả hệ thống luật Anh.

hiều nhân vật lớn khác của lịch sử Châu Á cũng có những quyết định chiến lược trong hoàn cảnh bị bó buộc của họ.

Trung Quốc nay nói đến ba thế hệ lãnh đạo với ba mục tiêu chiến lược liên tiếp, không hoàn hảo nhưng có định hướng rất rõ.

Mao Trạch Đông đã bằng mọi giá - kể cả bạo lực khủng khiếp - đưa dân tộc Trung Hoa đứng lên, gột bỏ mọi vết nhơ gông cùm ngoại bang.

Đặng Tiểu Bình mở cửa Trung Quốc, đề cao thực dụng, giảm ý thức hệ, đẩy công thương, kỹ nghệ, nhằm xóa nốt nhục đói nghèo.

Tập Cận Bình xây dựng quân đội, vươn ra bốn biển, giành ngôi vị bá chủ hoàn cầu.

Ta có thể khen hoặc chê cả ba ông này nhưng định hướng của họ thì đều đáng nể, và đáng sợ cho các quốc gia lân bang.

'Vành đai và Con đường' là phương tiện thực hiện chiến lược đưa cả lục địa Âu-Á và ba vùng biển vào quỹ đạo kinh tế, chính trị và quân sự của Trung Quốc.

Mọi mục tiêu khác chỉ mang tính thứ yếu, phục tùng.

Người ra nói chiến lược lớn (grand strategy) của ông Tập đã bóp chết 'chiến lược Tây Nam' nhỏ hơn mà Bạc Hy Lai có tham vọng thực hiện riêng.

Đưa ra thuyết về 'chủ quyền trong không gian mạng', Trung Quốc đã thành công với các sản phẩm công nghệ cao đang chiếm lĩnh thị trường thế giới.

Chính sách đúng sẽ lộ ra ai tự nhiên thành đối thủ, ai bỗng là bạn thân hoặc là những thằng ngốc hữu dụng.

Sự trở lại ngoạn mục mang tính 'rửa tội' của ông Mahathir Mohamad ở Malaysia vừa qua cũng cho thấy điều đó.

Bỏ đảng UMNO đã thành thương hiệu 'nhiễm độc' (toxic brand) dưới thời Najib Razak, Mahathir giành lại được niềm tin của cử tri.

Nhược điểm trong quá khứ và độ tuổi sắp 93 cái mùa xuân trên đầu của ông không phải là vấn đề gì hết với cử tri trẻ Malay, Hoa và Ấn.

Một trang báo Châu Âu còn vẽ hình các cử tri trẻ bỏ đảng UMNO bằng câu 'Um, No' để nói về trào lưu này.

Người ta bỏ qua hết cho ông Mahathir vì ông đã dũng cảm thay đổi.

Lãnh đạo chiến lược lại không thích 'chiến lược' ?

Các sách dạy khoa học chính trị và cẩm nang thương mại đều nói về nhu cầu tìm ra cán bộ chiến lược.

Một nghiên cứu của PwC hồi 2015 cho thấy trong 6000 vị CEO được thử, chỉ có 8% đạt phẩm chất 'lãnh đạo chiến lược' và đa số là nữ.

Độ tuổi có tư duy chiến lược được xác định là 45 trở lên.

Nhưng ta có thể đào tạo ra các cán bộ chiến lược hay cho họ qua 'lò luyện' là đạt ?

dot6

Đông Nam Á thời của các nhân vật lớn : Bộ trưởng Cố vấn của Singapore, Lý Quang Diệu thăm Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia năm 2005. Nay ông Lý đã qua đời, còn ông Mahathir vừa trở lại chính trường ngoạn mục khi đã gần 93 tuổi.

Theo tôi thì khả năng KHÔNG là khá cao.

Vì trường đời chứ không phải trường lớp mới tạo ra các chiến lược gia.

Thế nhưng dịch vụ tìm doanh nhân chiến lược, giống như sách cẩm nang thành triệu phú, vẫn luôn là một ngành hái ra tiền.

Điều thú vị cuối cùng trong bài này tôi muốn chia sẻ là thái độ của Churchill về 'tư duy chiến lược'.

Người Việt Nam hẳn còn nhớ B-52 từng mang danh 'máy bay ném bom chiến lược' đã oanh kích nhiều vùng ở Việt Nam thời chiến.

Nhưng khái niệm 'ném bom chiến lược' (strategic bombing) thì đã có từ Thế Chiến 2 và được các tướng Anh cổ vũ như cách để đánh quỵ nước Đức.

Riêng Thủ tướng Churchill coi đây là chuyện vớ vẩn.

Khi được hỏi vậy chiến lược quân sự của ông là gì, Churchill đáp trong làn khói cigar :

"Chiến lược lớn nhất của tôi vào lúc này là sống sót trong ba tháng tới"

(My general strategy at present is to last out the next three months).

Nguyễn Giang

Nguồn : BBC, 21/05/208

Published in Diễn đàn

Câu chuyện hàng chục khu du lịch, khách sạn lớn đã bịt gần hết lối xuống biển dọc đường Võ Nguyên Giáp - Trường Sa ở Đà Nẵng đã được Bí thư Trương Quang Nghĩa hứa giải quyết hôm 27/04/2018, theo báo Việt Nam.

danang1

Đà Nẵng bùng nổ xây cất để thành một đô thị hiện đại nhưng đang có vấn đề về quyền ra biển của dân

Nhưng câu chuyện này, và những chuyện kỳ quái ở cả Hà Nội và một số đô thị Việt Nam về chuyện 'cụ già phải trèo tường vào nhà riêng' vì hàng xóm bịt lối cho thấy ở Việt Nam quyền có lối đi chưa được tôn trọng.

Hồi tháng 07/2015, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng có viết trên báo Việt Nam nói, "quyền tiếp cận bãi biển là quyền đương nhiên của mỗi người dân Việt Nam".

"Lý do đơn giản là vì ở nước ta đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Một quyền như vậy chưa chắc đã là đương nhiên ở nhiều nước trên thế giới. Lý do cũng đơn giản là vì quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai được công nhận ở các nước đó".

Có thể chuyện "sở hữu tư nhân" gây ra việc chặn lối ra biển mà Tiến sĩ Dũng nói xảy ra ở những nước Châu Á, Châu Phi nào đó mà tôi không rõ.

Lối đi công cộng

Còn sau nhiều năm sống ở Châu Âu, tôi chưa thấy ở một quốc gia nào thuộc EU mà lại có ai đó dùng quyền chủ đất để chặn lối đi công cộng, gọi là 'public path'.

Nói ngắn gọn thì bạn có thể đi bộ tới mọi ngọn núi, bãi biển, đi xuyên qua tất cả các cánh đồng, rừng cây, đầm lầy trên cả Châu Âu.

Quyền tự do đi qua (freedom to trespass) không cho chúng ta tự ý leo trèo, dẫm đạp lên ruộng vườn làm hỏng hoa màu mà chỉ đi trên lối đã quy định.

Ở Anh, có khá nhiều rừng là của tư nhân, hoặc thuộc các khu bảo tồn do hội đồng địa phương quản lý, và việc đi xe hơi qua sẽ bị cấm.

Nhưng mọi cánh rừng ở Anh, của tư cũng như của công luôn có lối đi bộ (public foot path) được đánh dấu màu trên cây để người dân, du khách qua lại.

Quyền đi qua của công chúng (public rights of way) có từ luật La Mã và sau sang thời Anglo-Saxon thuộc phần gọi là 'Law of Tort' ở Anh.

Còn nếu hai mảnh đất cạnh nhau đều của chủ tư nhân, luật cho người hàng xóm hưởng quyền tiếp cận ruộng đất, điền sản của mình.

Bán nhà, bán đất cho ai đó mà lại chặn lối vào để họ không tiếp cận nhà đất một cách an toàn, hợp lý, sẽ vi phạm luật.

Anh Quốc chỉnh sửa lại luật này năm 1992, gọi là 'Access to Neighbouring Land Act'.

Vì thế, chuyện láng giềng bịt lối ra vào nhà của người khác như ở Việt Nam là hành vi phi pháp.

Nói riêng đến quyền tiếp cận bãi biển, ngoài quyền tự do đi bộ qua lại mọi mảnh đất mà không gây phiền nhiễu vốn có từ hàng trăm năm Anh Quốc và EU gần đây ngày càng tăng quyền cho công chúng hưởng các lợi ích công cộng.

Hồi 2015, EU ra luật làm sạch các bãi biển, và theo đó, gây ô nhiễm biển tức là xâm hại đến lợi ích công cộng của người dân vốn có quyền ra biển, tắm biển, sưởi nắng, chơi thể thao không phải trả tiền.

Cao hơn nữa về nhân quyền và các quyền hưởng lợi ích công, gồm thiên nhiên, rừng, biển là quy định về người khuyết tật.

Ngay từ 2005, EU đã ra quy định quyền của du khách khuyết tật (Rights of Tourists with Disabilities), trong đó ghi rõ các chủ sở hữu công và tư của các điểm du lịch, gồm bãi biển, rừng cây, danh lam thắng cảnh phải cung cấp lối đi vào các nơi đó cho người ngồi xe lăn.

Xin nhắc đây là lối đến các điểm đó (access to the sites), chứ không phải là lối đi qua cả một vùng núi non. có thể trắc trở.

Lối đến tất nihên phải đủ điều kiện an toàn để xe chở người khuyết tật tới được.

Hướng dẫn có hình xe lăn cần được để ngay lối vào các khu rừng, lối xuống bãi biển.

Các dịch vụ giúp cho cuộc sống tốt hơn

Trong một văn bản của Liên hiệp Châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh Gothenburg tháng 2/2018, người ta nhấn mạnh lại quyền tiếp cận "các dịch vụ giúp có cuộc sống tốt, gồm nguồn nước, vùng núi có không khí trong lành, bãi biển, sông hồ", bất kể sở hữu của ai.

Điều này không chỉ hạn chế hơn nữa quyền sử dụng toàn bộ của các chủ xây dựng những công trình có thể chắn lối, mà còn buộc họ phải tạo điều kiện để có lối đi an toàn tới các địa điểm đó.

Tôi không sống ở Mỹ nhưng biết rằng về cơ bản, quyền đi qua còn gọi là 'quyền tung tăng chạy nhảy' (rights to roam) bên đó có cùng gốc với Anh.

danang2

Bãi biển Đà Nẵng

Hồi 2017, một tòa ở California ra lệnh cho tỷ phú Vinod Khosla không được chặn lối ra bãi biển Martins Beach sau khi ông ta mua bất động sản ở đây.

Việc ông Khosla tự dựng lên biển 'cấm đi qua' bị tòa cho là bất hợp pháp, trái với luật của tiểu bang California vốn đã ghi rằng công chúng luôn có quyền ra bãi biển câu cá, tắm và nghỉ ngơi ở diện tích 'tới bề rộng của ngấn thủy triều lên'.

Câu chuyện khách sạn xây bịt lối ra biển ở Đà Nẵng, Phú Quốc hay nơi khác cho thấy việc diễn giải và áp dụng luật tại Việt Nam đang có vấn đề.

Chưa cần nói đến luật Việt Nam thì Điều 13 của Hiến chương Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ghi rõ quyền đi lại, di chuyển tự do của mọi con người, miễn sao không ảnh hưởng đến tự do của người khác.

Nhân quyền về cơ bản cần được hiểu là quyền quan trọng giúp cho cuộc sống có chất lượng hơn, chứ không phải lúc nào cũng là chuyện chính trị.

Vì thế, nếu cấp phép cho các cơ sở kinh doanh xây cất bịt lối như vậy, chính quyền địa phương hẳn đã vô tình tiếp tay cho việc hạn chế nhân quyền của dân.

Trước khi nhắc đến quyền tiếp cận biển của 'toàn dân', ta thấy các cá nhân, gồm cả du khách, cả người khuyết tật, có thể kiện các 'chúa đất' chắn biển.

Đà Nẵng đang trên đà phát triển tốt nên việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về bãi biển sẽ chỉ giúp thành phố có tiếng tốt trong nước và trên trường quốc tế.

Chính quyền cần giải quyết vụ 'bịt lối' này trước khi nó bị đưa vào các guidebook như Lonely Planet.

Nguyễn Giang

Nguồn : BBC, 28/04/2018

Published in Diễn đàn