Tới Toronto, Canada tị nạn vào ngày 30/4/1975, nữ diễn viên Kiều Chinh nổi danh của Sài gòn và điện ảnh Châu Á khi đó bỗng chốc trở nên hoang mang.
Tài tử Kiều Chinh : Từ Sài Gòn tới Hollywood
"Đi phỏng vấn xin việc làm, người ta hỏi tôi có kỹ năng nghề nghiệp gì, tôi nói tôi là diễn viên, họ nói họ không tuyển diễn viên", bà kể với BBC Tiếng Việt.
"Không xin được việc làm nào, cuối cùng tôi chấp nhận làm công việc đi hót phân gà với mức tiền công tối thiểu 2 đô la một giờ".
Tài tử Kiều Chinh, một gương mặt tài sắc của sân khấu điện ảnh miền Nam và Châu Á thời trước 1975, tưởng chừng bà sẽ chấp nhận cuộc sống mới.
Tuy nhiên, "làm được vài ngày, tôi ngã bệnh. Một phần là do không quen công việc, một phần là do trong lòng thấy quá xốn xang".
Sự nghiệp điện ảnh Kiều Chinh
Phim :
- Hồi Chuông Thiên Mụ (1957)
- A Yank in Viet-Nam (1964)
- Operation C.I.A. (1965) cùng Burt Reynolds
Sản xuất :
- Người Tình Không Chân Dung (1971)
Đóng phim :
- M*A*S*H "In Love and War"
- The Children of An Lac (TV)
- Hamburger Hill (1987)
- The Joy Luck Club (1993)
- Riot (1997)
- Catfish in Black Bean Sauce (1999)
- Face (2002)
- Journey From The Fall (2005)
Vai Triệu Âu trong China Beach
Cùng sản xuất Ride The Thunder (2015)
Con đường đến với điện ảnh
Trước đây, "tôi không bao giờ nghĩ tôi sẽ trở thành diễn viên điện ảnh", người phụ nữ gốc Hà Nội sinh năm 1937 nói với BBC Tiếng Việt.
Năm 1957, trong một lần đi trên đường phố Sài Gòn, cô Kiều Chinh khi đó mới di cư từ Bắc vào Nam, đã 'lọt vào mắt xanh' đoàn làm phim The Quiet American.
Cô được mở thử vai chính. Thuận theo ý bố mẹ chồng, cô đã từ chối cơ hội ngàn năm một thuở này và chỉ nhận một vai phụ, xuất hiện thoáng qua trong bộ phim ra năm 1958 của đạo diễn Joseph L. Mankiewicz.
Tuy nhiên, đây cũng là bước khởi đầu cho sự nghiệp điện ảnh của bà, với vai chính đầu tiên là vai ni cô trong Hồi Chuông Thiên Mụ (1957) của hãng phim Tâm Việt.
Bên cạnh việc tham gia diễn xuất tại nhiều quốc gia Á Châu như Singapore, Ấn Độ, Hong Kong, tài tử Kiều Chinh nói bà "có may mắn được làm việc" cùng ba tài nữ của nền sân khấu điện ảnh miền Nam, gồm nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng, kỳ nữ Kim Cương, và nữ hoàng sân khấu Thanh Nga.
Mối tình thân quý giữa bà với những người này vẫn được duy trì bền lâu.
"Chúng tôi rất quý nhau, thân nhau".
"Sau 1975, đến năm 1995, lần đầu tiên tôi trở lại Việt Nam, tôi được gặp lại chị Kim Cương và chị Thẩm Thúy Hằng. Lúc đó Thanh Nga đã qua đời. Thương lắm, chúng tôi rất cảm động".
Cũng nhờ điện ảnh mà bà được một số bạn diễn nước ngoài bảo lãnh, sớm đưa bà từ Canada sang Mỹ và tiếp tục trở lại với nghiệp diễn viên.
Bà được trao vai chính trong show truyền hình MASH (1977) và trong bộ phim điện ảnh The Joy Luck Club (1993).
Tài tử Kiều Chinh trong chuyến đi Châu Âu, 10/2018
Tuy nhiên, bà vẫn cảm thấy như sự nghiệp của mình chưa thật trọn vẹn.
"Từng tham gia đóng trên 100 bộ phim, tôi luôn được hỏi là tôi có mãn nguyện với sự nghiệp của mình không".
"Tôi luôn trả lời rằng tôi vẫn mong có một bộ phim, một cuốn truyện nào đó nói về người phụ nữ Việt Nam trong Cuộc chiến Việt Nam, trong đó nhân vật được thể hiện một cách xứng đáng".
"Cho đến nay, trong điện ảnh, chúng ta thường chỉ là nạn nhân hoặc nhân vật phụ, hoặc những vai diễn được nhìn nhận chưa đúng mức".
"Tôi mong có một tác phẩm nói về một người phụ nữ Việt Nam, một người mẹ Việt Nam với tất cả những sự nổi trôi của đất nước".
Gia đình ly tán
Bản thân Kiều Chinh và gia đình bà cũng là một trong những trường hợp 'nổi trôi cùng đất nước'.
Tài tử Kiều Chinh và cuộc đời đầy chia ly
Bà và những người ruột thịt đã sớm phải sống cảnh chia ly kẻ Bắc người Nam.
"Ở phi trường [Gia Lâm] đông kẹt người, mọi người tranh nhau lên máy bay", bà kể về chuyến bay rời Hà Nội của mình hồi 1954.
"Đến lượt chúng tôi, bố đẩy tôi lên máy bay và nói, 'Con đi đi, bố ở lại tìm anh, rồi bố và anh sẽ gặp con sau'".
"Lúc tôi trèo lên máy bay cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy bố, nghe thấy tiếng nói của bố".
"Bố nói rằng, 'Con đi đi, bố sẽ gặp con sau', thế nhưng chúng tôi đã không bao giờ gặp lại nhau nữa".
"Câu chuyện đau thương của đất nước mình xảy ra cho bao triệu người. Cuộc chiến kéo dài khiến hàng triệu gia đình, bố mẹ, con cái, vợ chồng... bị chia ly".
"Trong gia đình tôi, tôi mất bố từ năm mới 15 tuổi. Tôi có ba anh em, thì ba anh em tản mát sống ba quốc gia. Anh tôi kẹt ở Hà Nội, chị tôi sống ở Pháp, còn tôi vào Sài Gòn. Ba anh em mỗi người mỗi ngả".
Nguyễn Giang thực hiện
(trụ sở BBC ở London, tháng 10/2018)