Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

27/12/2018

Những câu thơ trong sáng từ ngục tối

Tâm Don

Khoảng 20 năm lại nay, thơ là mặt hàng ế ẩm nhất trong thị trường sách vở. Không ai bỏ tiền ra, dù chỉ vài chục ngàn đồng, để mua một tập thơ. Những người bỏ tiền ra để in thơ, thường tặng bạn bè và những người quen biết. Người được tặng thơ cũng hờ hững đón nhận theo phép lịch sự. Có thể nói thơ ca Việt đã không còn đất sống trong tâm hồn người Việt.

tho1

Tập thơ Thương ơi là thương của một tác giả có tên ngắn ngủn : TRẦN.

Trong hoàn cảnh éo le ấy, một tia chớp đã xuất hiện trên thi đàn Việt như một niềm kinh dị. Vào dịp giáng sinh này, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã tiến hành xuất bản tập thơ Thương ơi là thương của một tác giả có tên ngắn ngủn : TRẦN.

Theo các nhà hoạt động xã hội và những người đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam, TRẦN là ẩn danh của tù nhân lương tâm nổi tiếng Trần Huỳnh Duy Thức. Các bài thơ trong Thương ơi là thương được Trần Huỳnh Duy Thức viết trong nhà tù, khi người nhà đến thăm nuôi, anh đưa cho người thân trong gia đình. Quản giáo đã đọc những bài thơ này rất kỹ nhưng họ thấy không có vấn đề gì nên để cho người nhà nhận. Gia đình và thân hữu anh Trần Huỳnh Duy Thức đã đi đến quyết định cho ra đời tập thơ này. Để lọt lưới kiểm duyệt gắt gao ở Việt Nam, những người lo cho tập thơ này ra đời đã quyết định lấy ẩn danh Trần. Sự ngắn gọn này đã giúp tập thơ Thương ơi là thương vượt mặt kiểm duyệt, để hiện nay đang gây sốt trên mạng.

Và, còn một điều rất đặc biệt, tập thơ Thương ơi là thương còn hãnh diện xuất hiện trong các nhà sách trên phạm vi toàn quốc.

Khi biết tin Trần Huỳnh Duy Thức cho ra đời tập thơ Thương ơi là thương, một nhà báo trong hệ thống báo chí nhà nước đã ngay lập tức ra nhà sách mua luôn 10 cuốn, và hào hứng viết trên trang FB cá nhân của mình :

"Các bạn có thể tưởng tượng được rằng, tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức vừa được xuất bản tập thơ Thương ơi là thương ? Đó là một sự thật. Bằng một cách thức nào đó, tập thơ Thương ơi là thương của TRẦN- ẩn danh của Trần Huỳnh Duy Thức đã được Nhà xuất bản Hội nhà văn cấp phép xuất bản".

Về mặt hình thức, tập thơ Thương ơi là thương được trình bày nền nã, sang trọng nhưng vẫn toát lên vẻ dung dị và đằm thắm.

Tập thơ Thương ơi là thương là tiếng lòng khắc khoải, đau đớn, hy vọng và lạc quan của một tù nhân lương tâm. Trong tập thơ này chỉ có chỗ cho nhân bản, bao dung và bác ái, không có chỗ cho căm ghét và thù hận.

Bạn hãy thưởng thức những câu thơ tự nhiên như nhiên, tràn đầy nhân bản của Trần Huỳnh Duy Thức :

"Giọt nước mắt rơi trên đất cằn cỗi

Thương hạt mầm nứt nẻ khát mưa

Mặt trời ủ rủ

Xám đen

Không chờ mùa thu

cành lá rơi

tự cháy

thương chồi non trổ đất cần tìm sáng

Lửa tình

thương khát khao xanh

nhen lửa hy vọng

Ngọn gió nhẹ êm

thổi bùng khát vọng"

Trần Huỳnh Duy Thức tôn kính yêu thương, với anh, yêu thương là tất cả :

"Có nhiều cái nên

Nhưng tóm bốn chữ

Thương ơi là thương

Kêu gọi yêu thương

Tỏ lòng trắc ẩn"

Trần Huỳnh Duy Thức đắm chìm vào chiêm nghiệm yêu thương :

"Thế giới này, có lẽ

Thứ duy nhất nhân loại cần phải chung

Là THƯƠNG YÊU"

Luật sư Lê Công Định, cũng là một cựu tù nhân lương tâm đã viết về Thương ơi là thương : "Đọc thi phẩm của Trần tiên sinh, tôi mang cảm giác phiêu bồng thư thái trong tâm hồn như thuở xưa đọc danh tác "Hoàng tử bé" nổi tiếng của nhà văn và phi công Pháp Antoine de Saint-Exupéry, xuất bản năm 1943.

Bàng bạc trong "Thương ơi là thương" là suy tư sâu lắng về vẻ đẹp của cuộc sống thuận theo quy luật hài hòa của vũ trụ, được diễn đạt bằng ngôn từ giản dị, mộc mạc. Chẳng hạn, bài thơ "Cân bằng" tại trang 103 :

"Tôi chết thì vẫn nguy

cái nguy cho muôn loài

lại mất bầu trời chung

Nguyên nhân là Bóng tối

Hãy phân biệt bóng tối

chứ không phải bóng đêm

đêm tối, ngày thì sáng

là cân bằng tự nhiên -

Cân bằng theo quy luật

để tồn tại muôn loài

Tối không phải là xấu

Sáng không phải là tốt

mà chính sự cân bằng

mới là điều tốt đẹp".

Vẫn giản dị và mộc mạc như vậy, Trần tiên sinh viết về tình yêu thương mà nhân loại cần để sống và chuyển sinh từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bài thơ "Bầu trời chung" tại trang 132 như một cơn gió thoảng nhẹ nhàng mang thông điệp đó :

Trăng khuya mỏi, tựa đỉnh đồi

Sao kim lấp lánh, như vội vàng

Trôi trôi mây nâng trăng, gió thổi

Bầu trời chung, đêm vẫn đẹp sáng trong

Ngủ ngoan anh nhé

Em bước lên nữa một tầng lầu

để tận hưởng tình yêu anh rộng lớn

Em trưởng thành rồi anh nhỉ

như anh ví, nho chín mộng cáo chê xanh

Trần tiên sinh ấy tuy thân thể trong lao tù, nhưng vẫn không ngừng nghĩ về cuộc sống tươi đẹp bên ngoài và vận nước sáng lạn ngày mai, bất chấp những thử thách khắc nghiệt mà ông đang trải qua hàng ngày. Tiên sinh họ TRẦN ấy chính là tù nhân nổi tiếng Trần Huỳnh Duy Thức.

Anh Thức đã viết những vần thơ đẹp đẽ và trong sáng giữa những ngày tù đày từ nhiều năm qua. Gia đình đã mang tập thơ ra ngoài và cùng với bạn bè anh lo toan việc ấn hành. Để thi phẩm được xuất bản và đến tay độc giả, chúng tôi chỉ ghi họ của anh, một họ chung của rất nhiều người Việt, thay vì nguyên tên anh.

Đây là một món quà Giáng Sinh đầy ý nghĩa, mà anh Thức muốn tặng và chúng tôi muốn giới thiệu đến quý bạn, những người yêu mến và quý trọng tinh thần, tư tưởng, nhân cách và sự hy sinh vô bờ bến của Trần Huỳnh Duy Thức".

Có lẽ nào bạn bỏ qua tập thơ Thương ơi là thương ? 

Tâm Don

Nguồn : VNTB, 27/12/2018

Quay lại trang chủ
Read 584 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)