Những ngày cuối năm, tôi có dịp được sang Phnôm-pênh, thủ đô của nước bạn Cam-pu-chia chung đường biên giới với Việt Nam. Phnôm-pênh có tên Việt hóa là Nam Vang. Từ Sài Gòn có xe buýt hạng sang đi sang Nam Vang chỉ mất khoảng 6-7 giờ đồng hồ, dễ đi như đi chợ, chỉ cần có tấm hộ chiếu trong tay. Gía vé đi từ Nam Vang sang Sài Gòn nằm ở mức một ngày công lao động trung bình ở Việt Nam (khoảng 230 000 Việt Nam đồng, tương đương khoảng 10 đô-la Mỹ).
Cam-pu-chia từng là xứ thuộc địa của Pháp, cùng nằm trong xứ Đông Dương như Việt Nam và Lào. Do là thuộc địa của Pháp nên nền kiến trúc ở thành đô xứ Miên chịu ảnh hưởng của Pháp rõ rệt. Có thể ví Phnôm-pênh giống như Sài Gòn, khi Phnôm-pênh cũng được quy hoạch theo hình vuông vức như hình bàn cờ. Tìm đường ở Phnôm-pênh rất dễ, vì các con đường đặt tên theo tên số, đường này song song với đường kia là hai con số chẵn (hoặc hai con số lẻ) liền nhau, do đó người đi bộ có thể định vị được mình đang ở chỗ nào trong thành phố một cách dễ dàng.
Đường phố ở Cam-pu-chia sạch sẽ, thoáng đãng. Các hàng cây được chăm tưới, vun trồng cẩn thận, làm nền màu xanh thành phố. Không có khi nào xảy ra tắc đường, trừ vào lúc mấy dịp lễ tôn giáo rất lớn mà thôi. Đường rộng, an toàn, cho nên nhiều gia đình người Cam để cho co em nhỏ tự đi học chứ bố mẹ không phải xe máy đưa đón như ở Việt Nam.
Đến Phnôm-pênh, bạn sẽ thấy trong thành phố đầy xe túc túc. Loại xe lam gọn nhẹ này chiếm lĩnh mọi con đường. Grab hay Uber không thể vào được Cam-pu-chia. Dân Cam-pu-chia coi xe túc-túc là phương tiện di chuyển thoải mái nhất, các tài xế xe túc-túc ở Cam-pu-chia rất coi trọng nghề của mình, cho nên tự ý thức đối xử với khách trong nước hay nước ngoài đều phải niềm nở nhiệt tình. Đặc biệt là, khi bạn trả tiền cho họ thì họ bảo là trả bao nhiêu cũng được. Cho nên, khách lại càng thích đi xe túc-túc hơn.
Cam-pu-chia cũng có xe ôm. Đặc biệt, giới xe ôm ở Cam-pu-chia rất sành tiếng Việt. Nhiều gia đình có những đứa trẻ mới lớn choai choai đã biết thông thạo cả ba thứ tiếng : tiếng Miên (Cam-pu-chia), tiếng Việt và tiếng Hoa. Tuy nhiên ở đây, giới xe ôm rất yếu, lý do thì như đã kể ở trên, các gia đình chọn đi xe túc-túc rộng hơn, rẻ hơn, đi được cả gia đình.
Ở Cam-pu-chia có công đoàn CLC (Cambodian Labour Confederation) quy tụ được rất nhiều đàn ông con trai hành nghề lái xe túc-túc, mỗi thành viên đóng nguyệt liểm (1% thu nhập hàng tháng) cho công đoàn ấy, nên về tài chính thì CLC ổn định không thua gì công đoàn quốc doanh do chính phủ Hun-xen dựng nên. Khi đi ra ngoài quốc tế, công đoàn độc lập CLC được bạn bè năm châu yêu mến hơn là công đoàn do đảng cộng sản đài thọ.
Mỗi người dân Cam-pu-chia có ý thức rất cao về môi trường. Dọc hai bờ sông Mê-kông, các gia đình dặn con cái là không được vứt rác thải ny-lông xuống biển. Nước sông Mê-kông trong vắt. Ngay các con đường ven bờ, buôn bán ăn uống nhộn nhịp, cũng không ai xả rác xuống lòng sông.
Ở Cam-pu-chia, chủ yếu người dân theo đạo Phật. Thỉnh thoảng khách bộ hành mới bắt gặp được một số cơ sở thờ tự của các tôn giáo thờ đấng Ki-tô. Trong nội đô chủ yếu hai nhóm tôn giáo ấy. Ở ngoại thành, nơi những vùng nghèo nhất và vẫn còn hoang sơ, là nơi tập trung sống của dân theo đạo Hồi. Các gia đình theo đạo Hồi mưu sinh chủ yếu trên những con thuyền đánh bắt cá nhỏ ven bờ. Con trai ở truồng, con gái trùm khăn từ đầu xuống chân.
Thủ đô Cam-pu-chia có một số trường đại học, số lượng ít ỏi nhưng nhìn chung khá là chất lượng. Nhiều trường duy trì từ thời Pháp. Trường đại học hoàng gia là trường được thanh niên hâm mộ nhất, như là niềm tự hào của cả dân tộc.
Hiện ở Cam-pu-chia, đặc biệt là ở thủ đô Phnôm-pênh có rất nhiều người Việt. Những người Việt theo đoàn quân của Hà Nội sang đánh Polpot năm xưa, mang theo nhiều gia đình người Việt sang đây định cư. Sau đó, những gia đình này bị kẹt lại, không về được, mà cũng không thể sang Úc định cư theo diện bảo lãnh, nên đã ở lại Cam-pu-chia và được cấp quốc tịch thành công dân nước này.
Kiều Phong
Nguồn : VNTB, 26/12/2018