Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

02/11/2018

Vì sao chưởng Kim Dung chỉ thu hút người Hoa và Việt ?

Nguyễn Giang

Tin nhà văn Kim Dung tức Louis Cha qua đời ở Hong Kong, thọ 94 tuổi, đang làm sống dậy nhiều cảm xúc trong giới bạn đọc người Việt.

kimdung1

Thần điêu đại hiệp được dịch là The Legend of the Condor

Lần 'gặp gỡ' đầu tiên của tôi với sách Kim Dung là vào hồi học cấp hai trường Tô Hoàng, Hà Nội.

Có cậu bạn nhà ở Phố Huế cho mượn một cuốn sách nhàu nát, không rõ vì bị vò xé lúc xem trộm hay bị nhét gậm giường nhiều lần.

Tiếng Việt trong cuốn Lục mạch Thần kiếm đó là một thứ gì khác lạ, chữ in, trang bìa cũng khác, vì là in ở Sài Gòn và như vô số đầu sách 'ngoài luồng' khác, được chuyển ra Bắc sau 1975.

Từ đó, tôi đã bắt đầu đọc Kim Dung và say mê 'phiêu du' trong mộng tưởng với Trương Vô Kỵ, Đoàn Dự, Quách Tỉnh, Hoàng Dung... như nhiều bạn cùng thế hệ.

Nhưng sau này, khi truyện chưởng được công khai hóa và bày bán khắp nơi, phim chưởng cũng kéo dài liên miên trên băng và truyền hình thì tôi không thích nữa.

Sống đã nhiều năm tại Châu Âu, tôi tưởng đã quên đi thể loại truyện và phim ảnh đặc thù Trung Hoa và có ảnh hưởng ở Việt Nam này.

Nhưng cái chết của Kim Dung là dịp nhìn lại giá trị thực và hạn chế của loại hình văn học này mà ông là tác giả hàng đầu.

Có thể nói truyện chưởng và văn Kim Dung tuy rất nổi tiếng ở Châu Á nhưng gần như không có mặt ở Âu Mỹ.

kimdung2

'The Book and the Sword' - truyện kiếm hiệp Trung Hoa đã không, hoặc chưa vào được dòng chính của văn học Âu Mỹ.

Như tờ The Guardian ở Anh viết hồi năm 2017, khi phim 'A Hero is Born' (dựa trên Thần điêu Đại hiệp - Legends of the Condor Heroes) ra mắt, đây là thứ văn chỉ phổ biến ở Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Thái Lan.

Dù đã có các bản dịch tiếng Anh khá sớm - như Thư kiếm ân cừu lục được Graham Earnshaw dịch là 'The Book and the Sword' - truyện kiếm hiệp Trung Hoa đã không, hoặc chưa vào được dòng chính của văn học Âu Mỹ.

Có ba lý do cho hạn chế này.

1. Một là về thể loại :

Truyện võ hiệp (wuxia novel) sang Châu Âu được xếp vàodòng sách chivalric fantasy, theo truyền thống truyện hiệp sỹ thời Trung Cổ.

Các motives chính của truyện 'hiệp sỹ cứu công nương' đã dừng lại ở thời rất xưa tại Châu Âu và bị Miguel de Cervantes nhạo trong Don Quixote (thế kỷ 17).

Nói như Lewis Manalo thì nhờ phim ảnh, những cảnh trong truyện võ hiệp của Kim Dung tuy không còn xa lạ với khán giả Phương Tây nhưng vẫn là thứ 'đặc thù' :

"Kiếm thủ nam hoặc nữ làm những cú nhảy như diễn viên xiếc từ mái nhà lợp bằng đá, rồi phi thân đuổi theo tên cướp. Tay kiếm thủ nhảy từ mái nhà này sang mái nhà kia, vượt qua những khoảng cách khó tin tới mức quái dị, thực hiện những chiêu diệu nghệ như vũ ballet, và trông cứ như là sắp bay (on the edge of flying)..".

Với tin Kim Dung qua đời, một số báo ví truyện của ông với Lord of the Rings của JR Tolkien, xét về độ dài và tình tiết kiểu du hành phiêu lưu.

Nhưng điều khác là sách của Tolkien, đã dựng thành phim, là loại truyện thần thoại ma quỷ, còn võ công trong truyện chưởng là của người trần mắt thịt.

Cách luyện công phu được giới phê bình sách Châu Âu mô tả như trò phù thủy hoặc phép chế độc dược của các nhà giả kim thuật (alchemists).

Võ công thâm hậu đạt được là "nhờ sự tu luyện kỳ bí nào đó, họ phát được ra lực khủng khiếp từ trong người".

Giới phê bình Phương Tây cũng chú ý đến tính bình dân, hoặc 'dân chủ đường phố' của truyện chưởng nói chung và truyện Kim Dung nói riêng.

Đó là già trẻ lớn bé, quý tộc, ăn mày... ai cũng có thể thành cao thủ làng võ, nhờ công phu luyện tập, nhờ may mắn gặp được bí quyết, người thầy giỏi.

Phân loại hình tượng nhân vật qua tuyến Chính - Tà trong các tác phẩm đều dễ hiểu cho độc giả bình dân.

Những lời khen dừng lại ở đây.

kimdung3

Sách của Kim Dung ra bản tiếng Anh nhưng không quá phổ biến ở Phương Tây

2. Độ dài quá mức và cách hành văn và ngôn ngữ

Nhưng ngoài những điểm chung với văn học thế giới thì độ dài quá mức và cách hành văn và ngôn ngữ là vấn đề thứ hai.

Đúng thế, bạn đọc Âu Mỹ khó nắm bắt ngôn ngữ Hán văn cổ của Kim Dung.

Nick Frisch viết trên The New Yorker trong bài ca ngợi Kim Dung qua bản dịch Thần điêu đại hiệp của nữ dịch giả Anna Holmwood (người Thụy Điển có chồng Đài Loan) thừa nhận văn Kim Dung rất khó dịch.

"Những cái tên đọc lên rất dễ nghe trong tiếng Hoa đơn âm trở thành khúc mắc trong tiếng Anh... Ví dụ chiêu thức võ công (kung-fu maneuver) như Lạc Anh thần kiếm trưởng (luo ying shen jian zhang), chỉ là năm âm trong tiếng Trung, trở thành 'Wilting Blossom Sacred Sword Fist', nghe thật nặng nề trong tiếng Anh..".

Ta hãy xem một số tên đã dịch sang Anh văn :

- Thiên Long Bát Bộ - Demi-Gods and Semi-Devils

- Anh hùng Xạ điêu - The Legends of the Condor Heroes

- Ỷ thiên Đồ long kiếm - The Heaven Sword and Dragon Saber

Những tên tiếng Anh đều tối nghĩa vì phải cố chuyển tải tên truyện chữ Hán mà đọc lên không vang dội, 'hoành tráng' như bản chữ Hán hoặc Việt văn.

Võ công 'Cửu âm bạch cốt trảo' được dịch là 'Nine yin white bone claw', vừa lạ tai như món chân gà trong quán ở Chinatown, vừa phải giữ từ 'yin' không dịch được vì chứa đựng toàn bộ phần triết lý âm ương (yin-yang)của Phương Đông.

'Võ mục di thư' phải dịch là 'Book of Wumu', và giải thích thêm ý nghĩa trong phụ lục.

Phái Nga Mi được giữ nguyên là 'Emei Sect', còn Cái bang là 'The Beggars' Sect', đều lạ tai trong tiếng Anh.

Tóm lại, chính những cái tên này làm nên bản sắc của truyện chưởng Kim Dung nhưng là cản trở lớn để truyện của ông nhập vào dòng văn học Âu Mỹ.

Giới phê bình Phương Tây có ca ngợi bộ Thần điêu đại hiệp (The Condor Trilogy) nhưng cũng ái ngại về độ dài : 2,5 triệu Hán tự, dịch trọn sẽ là 1,5 triệu từ tiếng Anh.

Theo tôi đây là vấn đề của truyện Kim Dung : rất dài và phủ sóng vài thế kỷ nhưng chưa thể sánh được với 'Chiến tranh và Hòa bình' của Leon Tolstoy về tầm tư tưởng.

Có thể là vì đây là dạng truyện chương hồi đăng trên các số báo ở Hong Kong nên không gọn ghẽ.

3. Thông điệp chính trị - xã hội của Kim Dung

Điểm thứ ba tôi muốn nói chính là thông điệp chính trị - xã hội của Kim Dung, và đây mới là điều khác biệt lớn giữa văn hóa Đông và Tây.

Trung thành với các khái niệm trung hiếu tiết nghĩa của Khổng giáo, pha trộn tinh thần trọng tự do cá nhân kiểu đạo Lão, truyện Kim Dung đã làm say mê hàng triệu bạn đọc Châu Á.

Nhưng sách của ông dù tạo dựng thành công nhiều nhân vật có cá tính, sống chết vì tình nghĩa trong thế giới luôn đầy thù ít bạn, tình duyên trắc trở, đã rơi vào một số tuyến giá trị mà chân thiện mỹ dồn hết cho văn hóa Hán (Sinocentricism).

Nhìn chung, với Kim Dung, các tà phái, những võ công tàn độc đều đến từ bên ngoài, còn Hoa Hạ là đỉnh cao của văn minh, của chính nghĩa.

Vì sao lại như thế ?

Ta phải hiểu bối cảnh các tác phẩm của Kim Dung là thời tộc du mục Nữ Chân và Mông Cổ lấn vào Trung Nguyên đầu thế kỷ 13, và Thanh Triều diệt nhà Minh và đô hộ Trung Quốc mấy thế kỷ sau đó.

Lần đầu, dân tộc Trung Hoa bị mất nước, tước quyền chính trị khi nhà Nam Tống sụp đổ, khiến Quách Tỉnh và Hoàng Dung tự sát và cuộc đấu tranh gìn giữ văn minh Hán phải đi vào bí mật.

Lần hai, khi Thanh chiếm Trung Hoa, áp đặt một hệ thống quân quản hà khắc, khiến các hội kín nổi lên, đưa cả phong trào Phản Thanh phục Minh ra khỏi lãnh thổ Trung Hoa sang Đông Nam Á.

Người đàn ông Trung Hoa ở thế thua trận, mất nước chỉ có tìm vào võ công thần bí với niềm tin tự tôn chủng tộc, và kể cả như vậy, các nhân vật hàng đầu cuối cùng đều thất bại, hoặc bị giết, thất tình, hoặc phải xa lánh cuộc đời, đi vào chốn tu hành hoang vu.

kimdung4

Giới trẻ Trung Quốc nay chia sẻ tin Kim Dung qua đời trên mạng Weibo

Để thỏa mãn 'thắng lợi tinh thần', Kim Dung cho vua Càn Long là người Hán, là em của Trần Gia Lạc nhưng trớ trêu thay, quyền lực đã thắng và Càn Long - nhân vật tưởng tượng đó, đã lừa bắt cả Hồng Hoa Hội và khiến nàng Kha Lệ Tư phải chọn cái chết.

Vấn đề của Kim Dung là ông dựng lại một thế giới theo các giá trị và tiêu chuẩn Hán và tạo ra thắng lợi nội tâm và tinh thần cho dân tộc ông trong xung đột Hán - du mục, trước khi Trung Hoa tan rã.

Ở mặt nào đó, cuộc đời Kim Dung và tâm thế phải bỏ quê hương, nơi mẹ chết vì chiến tranh, cha bị đấu tố và xử tử sau khi chế độ Mao lên cầm quyền, đã ảnh hưởng đến motive hoài cổ và lý tưởng hóa quá khứ trong văn của ông.

Điều đáng chú ý là những kinh điển về tình yêu kiểu Khổng giáo được giữ nguyên cho các nhân vật nữ : họ luôn phải chọn giữa tình yêu cá nhân và chữ hiếu, lòng trung thành với gia đình, dòng tộc, môn phái.

Sự giằng xé trong con tim của họ tạo ra nhiều hình ảnh lãng mạn đẹp kiểu Châu Á nhưng ít sức thuyết phục với người Phương Tây vì họ coi nó ủy mị, đau thương không cần thiết, theo kiểu hơi trẻ con, thậm chí hơi 'sến' (cheesy).

Những yếu tố trên khiến truyện Kim Dung cũng rất hấp dẫn với một bộ phận người Việt Nam vì tương đồng văn hóa và giá trị của một thời.

Nhưng người đọc Việt Nam, trừ những người gốc Hoa, lại nhìn vào vấn đề trong truyện chưởng Kim Dung theo một cách khác.

Đối với người Việt thì Càn Long trong Thư kiếm ân cừu lục là người Hán hay Mãn cũng không quan trọng, vì đằng nào thì ông ta cũng đã thua vua Quang Trung trong lịch sử thật, không phải sử tưởng tượng.

Nhưng người Việt thích truyện chưởng vì tình tiết ly kỳ, và quan trọng hơn là tinh thần tính phản kháng trước giặc ngoại xâm, trước quan nha tàn ác.

Tính bình dân, giang hồ dễ khiến ai cũng tìm thấy một nhân vật điển hình mà mình thích.

Bên cạnh đó, người Việt trong chiến tranh và hậu chiến đã ngưỡng mộ tinh thần xả thân vì nghĩa, và dám hy sinh cho tình bạn, tình yêu trong truyện Kim Dung, điều thực ra khi đó cũng rất ít thấy trong cuộc sống thật và ngày này thì còn ít hơn.

Vì thế, có thể nói dân tộc Trung Hoa có 'fantasy' tự tôn tinh thần riêng cùng truyện Kim Dung, còn người Việt Nam, lại lấy có cảm hứng từ một góc hơi khác.

Cả hai tình cảm đặc biệt này với truyện Kim Dung xem ra vẫn xa lạ với người Phương Tây.

Với 1 tỷ đầu sách được in ra, gồm cả sách in lậu, Kim Dung là nhân vật lớn trong làng văn Châu Á.

Nhưng ngay tại Trung Quốc, giới trẻ nay đọc ít Kim Dung hơn trước mà biết về ông chủ yếu qua các game điện tử.

Thời thế đã đổi, thanh thiếu niên Việt Nam nay không còn chuộng các nhân vật của võ lâm như thế hệ tôi.

Cuộc sống ở ngưỡng cửa một thiên niên kỷ nhiều bất trắc làm lộ ra các vấn đề rất khác trước mà đạo lý nặng về trung hiếu kiểu xưa, tính chịu khó luyện rèn chưa chắc đã phù hợp.

kimdung5

Tại Âu Mỹ, văn học fantasy nay cũng đã đi khá xa trước, thành thể loại thần thoại pha trộn khoa học viễn tưởng, vũ trụ chứ không còn là võ nghệ kiểu 'thủ công'.

Một dòng văn học khác là dystopian fiction mà cuốn tiêu biểu là The Hunger Games của nữ nhà văn Mỹ Suzanne Collins, nói về thế giới tương lai ám màu bi quan, Ác nhiều hơn Thiện, đang nổi lên.

Chừng nào tâm thế bất an đó còn bao trùm đầu óc nhiều bạn trẻ thì chắc chắn người ta vẫn cần những hình tượng văn học và điện ảnh, nhưng phải mới hơn những suy tư của Tiểu Long Nữ, Tiêu Phong và Đoàn Dự.

Nguyễn Giang

Nguồn : BBC, 02/11/2018

Quay lại trang chủ
Read 675 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)