Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

30/10/2018

Một đề xuất viết lại cổ sử Việt Nam qua các họ Đinh Lê Lý Trần

Trương Thái Du

Quyển quốc sử Việt Nam đầu tiên còn lưu giữ được cho đến ngày nay, đó là An Nam Chí Lược của Lê Tắc, được viết vào khoảng năm 1335.

viet1

Cầu Thê Húc - Ảnh minh họa

Trang đầu tiên của quyển này viết :

"Cõi Nam Giao ngày xưa, nhà Chu gọi là Việt Thường, tên thời Tần là Tượng quận.

Cuối Tần, quan úy quận Nam Hải là Triệu Đà đánh chiếm thôn tính, tự lập quốc và dùng đế hiệu.

Đầu Tây Hán, Cao đế Lưu Bang phong Triệu Đà làm Nam Việt vương.

Sau khi trải qua nhiều đời, thừa tướng Lữ Gia ở đấy làm phản, giết Nam Việt vương và sứ giả nhà Hán. Vũ đế chí tôn sai Phục ba tướng quân Lộ Bác Đức bình định Nam Việt, diệt quốc, trí đặt chín quận, thiết lập quan chức trấn nhậm.

Nước An Nam ngày nay từng thuộc chín quận ấy, bao gồm ba quận là Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Sau khi trải qua sự thay đổi của nhiều triều đại, quận huyện không còn tương đồng. Đến thời Ngũ Quý (907 - 960), Ngô Quyền, người Ái châu thống lĩnh Giao Chỉ. Sau thì đến các họ Đinh, Lê, Lý, Trần nối nhau tiếm đoạt.

Nhà Tống dựa vào đó mà phong vương tước. Quan chế pháp lệnh hình luật (ở trung ương) mô phỏng khá giống Trung Quốc. Bậc quận huyện thì có chỗ chiếu theo, có nơi khác biệt, (sau đây) tạm sơ lược lưu biên".

Về cơ bản, đây là quan điểm sử học Việt Nam thời Trần. Các tài liệu lịch sử phong kiến cũng như hiện đại sau này hầu như tiếp thu hoàn toàn nội hàm ở đây để diễn giải quá khứ dân tộc.

Tuy vậy, trong quá trình nghiên cứu cổ sử nhiều năm qua, tôi đã nêu quan điểm khác, với hy vọng bác bỏ việc suy đoán cổ sử Việt Nam thiên lệch và thiếu logic.

Mới đây, trong quyển sách vừa xuất bản, "Khảo chứng tiền sử Việt Nam" (Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018), tôi nêu các ý sau :

1. Từ Việt trong Việt Nam có xác suất rất cao mang nghĩa nước/vùng nước (water/water area) và được trừu tượng hóa thành quốc gia đầu tiên ở hạ lưu Dương Tử trên 4000 năm trước. Các âm khác ở Á Đông cũng có cùng tiền đề hình thành với Việt gồm Vũ ( trong Đại Vũ / Hạ Vũ), Chu (Nhà Chu), Lạc (Lạc Việt), Lang (Văn Lang)...

2. Tên gọi nước Việt Nam, người Việt Nam thật ra có tuổi đời trên 700 năm, dưới triều đại rực rỡ của họ Trần. Hai chữ Việt Nam mà nhà Thanh ép Thế tổ Gia Long Nguyễn Ánh phải nhận có lẽ lấy từ Khâm Định Tứ Khố Toàn Thư của họ. Nó là thành quả ngoại giao cương trực và ngoạn mục giữa Đại Việt và nhà Nguyên. Có bằng chứng thư tịch xác nhận ngày 18/3 (âm lịch) năm 1292 hai tiếng thân thương Việt Nam đã vang lên giữa lòng Hà Nội, tại khu vực chùa Quán Sứ ngày nay.

3. Chúng tôi đã tách được chủ lưu Âu Việt (Dương Tử) và phụ hợp Lạc Việt trong quá trình hình thành lịch sử và con người Việt Nam. Các căn cứ văn hóa, xã hội, phong tục khác biệt giữa Âu Việt và Lạc Việt đã chỉ ra người Lạc Việt chính là người Tai Kadai (Thái Tráng - Choang) cổ đại, tổ tộc của Hai Bà Trưng. Đến thời Lý Trần họ vẫn bị sách vở hoàng gia gọi là man mọi.

viet2

Người Tráng ở Quảng Tây ngày nay

4. Các hướng tiếp cận đã bổ sung cho nhau, đặc biệt là kết luận của công trình khám phá gene Việt được phiên bản trực tuyến của Nature công bố tháng 10/2017 : "Đứng trên quan điểm nhân chủng học, kịch bản chung là người Việt Nam ngày nay có nguồn gốc dân tộc kép : thành phần chính đến từ Hoa Nam, chồng lên thành phần phụ từ hợp chủng Thái - Indonesia. Nam tiến có lẽ là từ khóa cho sự mô tả cấu trúc di truyền của người Việt Nam hiện đại".

Đề xuất

Từ đó, tôi mạnh dạn đề xuất mô tả ngắn gọn lịch sử Việt Nam như sau :

Trước năm 330 BC chủ nhân vùng đất từ bắc bộ Việt Nam đến Thanh Hóa - Nghệ An là các bộ tộc du canh du cư Austronesian, ngoại hình thấp lùn, da ngăm đen (giống người Chàm ngày nay).

Khi Trang Kiểu đánh chiếm và ở lại làm vua vùng hồ Điền - Côn Minh - Vân Nam, một số bộ lạc tiền Thái Tráng (dáng người cao ráo, da trắng) ở đấy bỏ chạy theo sông Hồng và sông Mã xuống Việt Nam, hòa trộn với người Austronesian bản địa, xây dựng văn hóa bộ lạc hoặc liên minh bộ lạc Đông Sơn khá rực rỡ. Chủ nhân văn hóa này được Hán sử gọi là người Lạc Việt.

Ở thời điểm Công nguyên, người Hán bắt đầu thực dân hóa Việt Nam, đó là động lực và nguyên nhân cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng.

900 năm tiếp theo, Việt Nam là nơi hội tụ và hợp huyết của các nhóm người : Lạc Việt (da hơi ngăm, tầm vóc trung bình), Âu Việt con cháu Câu Tiễn di cư xuống từ lãnh thổ Mân Việt và Nam Việt cũ (da hơi sáng, tầm vóc trung bình, có tục cắt tóc xăm mình), quan binh người Hán viễn chinh đồn trú và tội nhân Hán đi đày hoặc lánh nạn (da trắng, cao lớn, đa số mắt một mí).

Giới tinh hoa của xã hội Việt Nam khi ấy chắc chắn có dòng máu từ mẹ Lạc Việt nhưng mang đậm nét văn hóa Âu Việt và Hán.

Năm 938, Ngô Quyền ly khai khỏi Nam Hán, lấy tên cũ của Nam Hán là Đại Việt (năm 917) để dựng nước. Rõ ràng quốc danh Đại Việt hàm ý quyền lực Việt Nam khi ấy thuộc về người gốc Âu Việt và Nam Việt. Các họ Đinh - Lê - Lý - Trần tiếp nối sau đó có lẽ đều là người Việt Nam gốc Âu Việt hoặc Hán lai Âu Việt. Hậu quả là chính sử Việt Nam bắt đầu từ thời Trần đã đưa Triệu Đà làm vua khai quốc.

Đến thời Hậu Lê, hoàng gia gốc tiền Thái Tráng đầu tiên nắm quyền ở Việt Nam. Họ dần dần loại bỏ Triệu Đà khỏi sử sách. Người miền trong Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh (gốc tiền Thái Tráng chiếm ưu thế) không tin tưởng người phía bắc (nặng gốc Âu Việt và Hán). Sự kiện gia tộc Nguyễn Trãi bị tru di hoặc gia tộc của Mạc Đăng Dung tiếm quyền, nên được nhìn thêm dưới con mắt mâu thuẫn huyết thống và văn hóa, hơn là đơn tuyến chính trị.

Cuối Minh đầu Thanh, chính trị trung ương bắc triều hỗn loạn, làn sóng di cư từ Hoa Nam xuống Việt Nam dâng cao. Thuyết Đại Việt của Lưu Nham từ năm 917 sống lại. Quang Trung có lẽ đã rất tin tưởng các đô đốc hải quân gốc Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông và Hải Nam của mình.

Ông mơ đến một nước Đại Việt hùng cường bao gồm cả Lưỡng Quảng. Giả thuyết trên càng có căn cứ hơn với đề xuất của Gia Long với Thanh triều, đặt tên mới Nam Việt cho đế quốc của ông. Nam Việt chính là phiên bản Đại Việt xưa hơn, gắn với tên tuổi Triệu Đà.

viet3

Chùa Thiên Mụ

Giải pháp Việt Nam của Gia Khánh vừa uyển chuyển vừa khôn khéo loại trừ được mầm mống tư tưởng Đại Việt. Thập kỷ 30 của thế kỷ 20, Trung Quốc cũng đã phải đối mặt với một luận thuyết tương tự từ một quốc gia Đông Nam Á. Đó là thuyết Đại Thái, tuyên xưng lãnh thổ dân tộc Thái bao gồm cả Vân Nam và một số vùng đất Hoa Nam khác.

Ngày 2/9 năm 1945 lãnh tụ Hồ Chí Minh khai sinh nước Việt Nam mới, kết thúc hơn một ngàn năm phong kiến.

Tương tự như vua Nhật từng đặt niên hiệu Minh Trị, cụ Hồ đổi tên mình thành Chí Minh. Minh Trị hay Hướng Minh/Chí Minh đều xuất phát từ một câu Chu Dịch : Nam diện hướng minh nhi trị. Nó nói lên ý chí độc lập của một quốc gia có chủ quyền bên cạnh Trung Hoa, chia sẻ cùng đất nước của Chu Công các giá trị văn hóa phổ quát cũng như lịch sử và di truyền của tổ tiên.

Quyển sách của tôi "Khảo chứng tiền sử Việt Nam" dành một phần không nhỏ để dịch nhiều thiên cổ thư Trung Hoa liên quan đến cổ sử Việt Nam.

Điều rất đáng tiếc của chúng tôi nằm ở bản dịch "Nam Man Tây Nam Di liệt truyện" gần 12 ngàn từ của Hậu Hán Thư. Do trình độ Hán văn tự học rất hạn chế, không tìm được chuyên gia hiệu đính và chưa từng có một bản dịch Việt ngữ đầy đủ để tham chiếu nên hẳn phải còn rất nhiều sai sót.

Biết thế nhưng chúng tôi vẫn quyết định in và hẹn những bạn đọc khó tính ở các lần tái bản (nếu có).

viet4

Lễ hội Quang Trung nhắc lại chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa chống quân Thanh

Rất mong các độc giả xí xóa cho tội của chúng tôi là "người đầu tiên" dám chuyển ngữ một sử liệu cấp một, từ thư khố hoàng gia Hán. Nó là tổng hợp những diễn biến gần như tức thời ở các địa phương đã được gửi về và lưu trữ tại triều đình.

Ngoài sai lỗi dễ biết và đã tự nhận thức được ở trên, "Khảo chứng tiền sử Việt Nam" chắc chắn không thiếu các luận điểm đầy tranh cãi, những góc tối rất cần thêm dữ kiện để tỏa sáng hoặc loại bỏ.

Tác giả tin rằng dù nhỏ bé như một gợi ý, sự xuất hiện của bất cứ quyển sách sử nghiêm túc nào cũng luôn cần thiết cho xã hội. Xin các bạn hãy mở lòng đón nhận thành ý của chúng tôi.

Trương Thái Du

Nguồn : BBC, 30/10/2018

Quay lại trang chủ
Read 527 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)