Lời người viết : Giữa thập niên 90, tôi viết loạt bài về Kim Dung, từ nhân vật đến tác phẩm. Bài "Kim Dung, Cuộc đời, Tác phẩm, Nhân vật hư cấu & hiện thực" đã đăng trong quyển Ngẫm chuyện nhân sinh của tôi ấn hành năm 2004 từ trang 15 đến trang 53. Sở dĩ trong quyển nầy đăng bài viết về Kim Dung vì trong số bài phiếm dựa vào mẩu chuyện và nhân vật hư cấu để ngẫm lại xã hội và nhân vật hiện tại.
Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh ngày 8 tháng 2 năm 1924, ở trấn Viên Hoa, huyện Hải Ninh, tỉnh Triết Giang.
Thời điểm đó bài viết của tôi không phổ biến trên internet, sau khi ấn hành quyển sách, tôi đọc được số bài dựa trên bài viết nầy nhưng không để nguồn đã trích dẫn. Và, tôi nghĩ rằng "muôn sự của chung" bởi đây chỉ dựa trên sách, báo để tổng hợp lại.
Vào giữa thập niên 60, tôi mê truyện kiếm hiệp, không những chỉ đấm đá với nhau mà tài hoa của nhà văn Kim Dung qua ngòi bút võ hiệp kỳ tình, gọi nôm na là truyện chưởng. Với ngòi bút tài tình mô tả, hư cấu nhiều mối tình quá đẹp, từ lãng mạn giữa thiên nhiên với cỏ cây, núi rừng, tình yêu thánh hóa, hy sinh vô bờ bến… đến oan trái, nghiệt ngã, thống hận… mà ở thế gian hiện hữu không thể xảy ra.
Vì ngưỡng mộ tác phẩm của ông nên tôi chọn nhân vật trong Võ Lâm Ngũ Bá để làm bút hiệu. Có vài lý do, gia đình ông là nạn nhân bi thảm khi Hoa Lục bị nhuộm đỏ, trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất ở Hoa Lục, gia đình ông bị quy thành phần địa chủ, cha ông bị đấu tố rồi tử hình. May mà năm 1948 ông sang Hồng Kông đến "vùng đất tự do" với hai bàn tay trắng để lập nghiệp. Vì vậy, năm 1966, khi cuộc Đại Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản do Mao Trạch Đông phát động ở Hoa Lục, Kim Dung đã viết một loạt những bài xã luận lên án rằng Cách Mạng Văn Hóa "hủy diệt văn hóa và truyền thống Trung Hoa".
Kim Dung mê nghiệp báo và cũng đa cảm… Với nhân sinh quan, kẻ ác nếu không thức tỉnh thì hậu quả bi thảm "quả báo nhãn tiền" và người hiền, trải qua bao sóng gió, bất hạnh rồi được yên lành. Có những nhân vật chịu phải nghịch cảnh, hy sinh để bảo vệ thanh danh, dòng giống…
Một số nhà văn, nhà báo đã chọn nhân vật thiện lẫn ác trong tác phẩm của Kim Dung để làm bút hiệu. Hư Trúc (Nguyên Sa), Kha Trấn Ác (Chu Tử), Kiều Phong (Lê Tất Điều), Hoàng Dược Sư (Đông Duy)… Lão Ngoan Đồng, Đoàn Dự, Mai Siêu Phong…
Nửa thế kỷ trước, tác phẩm Kim Dung trở thành hiện tượng với người dân miền Nam Việt Nam. Nhà văn Hiếu Chân với Bàn về tiểu thuyết võ hiệp, 1967.
Nhà báo Nguyễn Viết Khánh, Tiểu thuyết Tàu trên báo chí Việt, 1968. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác, Nỗi băn khoăn của Kim Dung, 1971. Nhà giáo Lưu Trung Khảo, Đi vào thế giới kiếm hiệp, 1965. Tác phẩm Vô Kỵ giữa chúng ta hay là Hiện tượng Kim Dung, của Đỗ Long Vân, Nhà xuất bản Trình Bày, Sài Gòn, 1968 rất ăn khách.
Khi tôi đọc tác phẩm Các ẩn số chính trị trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, mới hiểu được dụng ý của Kim Dung mà sự nhận xét của tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy là vị thầy dạy môn Chính trị học khi còn là Sinh viên sĩ quan ở quân trường tại Đà Lạt, vị thầy uyên bác thông suốt cổ kim, Đông Tây.
Theo các bản tin phổ biến trên internet, nhà văn Kim Dung qua đời vào Thứ Ba ngày 30/10/2018 tại Bệnh viện & Viện Điều dưỡng Hồng Kông (trùng ngày người tình là cựu minh tinh Hạ Mộng mất cách đây đúng 2 năm (16/2/1933 – 30/10/2016).
Để tưởng nhớ nhà văn tạo dựng ra nhân vật mà tôi mang bút hiệu, đăng lại bài viết trước đây về ông.
Tất cả bài viết feuilleton của Kim Dung đăng trên nhật báo, và sau đó in thành sách : Thư Kiếm Ân Cừu Lục (1955) - Bích Huyết Kiếm (1956) - Anh Hùng Xạ Điêu (1957) - Thần Điêu Hiệp Lữ (1959) - Tuyết Sơn Phi Hồ (1959) - Phi Hồ Ngoại Truyện (1960) - Bạch Mã Khiếu Tây Phong (1961) - Uyên Ương Đao (1961) - Ỷ Thiên Đồ Long Ký (1961) - Liên Thành Quyết (1963) - Thiên Long Bát Bộ hay Lục Mạch Thần Kiếm (1963) - Hiệp Khách Hành (1965) - Tiếu Ngạo Giang Hồ (1967) - Lộc Đỉnh Ký (1969-1972) - Việt Nữ Kiếm (truyện ngắn, 1970).
Vương Trùng Dương
(Little Sài Gòn Nov, 30)
***
Kim Dung, Cuộc đời, Tác phẩm, Nhân vật hư cấu & hiện thực
Vào thập niên 40, tiểu thuyết võ hiệp được xuất hiện ở Việt Nam bàng bạc qua sách báo nhưng chưa tạo được thế đứng trong giới thưởng ngoạn. Ở Đài Loan và Hồng Kông, Kim Dung không phải là nhà văn tiên phong về loại tiểu thuyết đem võ nghệ trong thế giới võ lâm tạo thành tác phẩm - tiểu thuyết kiếm hiệp, võ hiệp kỳ tình, chưởng - nhưng ông là người đã đưa bộ môn nầy lên đỉnh vinh quang. Những cây bút trong tiểu thuyết võ hiệp như Trương Mộng Hoàn, Nghê Khuông, Cổ Long, Gia Cát Thanh Vân, Ngọa Long Sinh, Lương Vũ Sinh, Mộ Dung Mỹ, Nam Kim Thạch, Độc Cô Hồng, Liễu Tân Dương, Trần Thanh Vân... xuất hiện cùng thời điểm với Kim Dung nhưng ngòi bút của Kim Dung như kiếm khách tuyệt luân đem thế giới giang hồ trong võ lâm vào ngôn ngữ văn chương.
Tên ông đã gắn liền với bộ môn tiểu thuyết kiếm hiệp bởi bề dày của tác phẩm và được phát hành rộng rãi khắp thế giới. Theo con số thống kê ở Hồng Kông vào cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, trong thị trường đọc chữ Hán trên thế giới, sách của ông đã tiêu thụ hàng trăm triệu bản. Tại Đài Loan, theo con số công bố của tạp chí People, tháng 10 năm 1994, trong vòng gần 5 năm từ 1990 đến 1994, Kim Dung đứng dầu trong danh sách 10 tác giả có số lượng bản in bán nhiều nhất với 4 triệu 200.000 bản, trong khi Quỳnh Giao đứng thứ tám với 600.000 bản.
Phận đời mỹ nhân thành danh từ phim kiếm hiệp Kim Dung : Người hạnh phúc trong vòng tay đại gia, kẻ khổ đau tự tử vì tình
Tại Trung Quốc, khi tác phẩm Kim Dung được phổ biến, trong năm 1985, nhà xuất bản ở Thiên Tân mua được bản quyền để in và bán ra với số lượng 40 triệu bản.
Tác phẩm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng như Đại Hàn, Nhật Bản, Thái Lan, Mã Lai, Ý, Tây Ban Nha, Nga, Anh, Pháp...
Ở Việt Nam, theo bài viết của Hồ Tây thì vào cuối năm 1960, có thêm các tờ báo ra đời, đó là tờ Đồng Nai, Sài Gòn Mai, Tiếng Dân, Mới, Dân Việt. Để có độc giả, Cao Giao hỏi ý kiến Vũ Khắc Khoan về truyện kiếm hiệp mà đi đâu Vũ Khắc Khoan đều kể là mê lắm... Cao Giao đặt Tiền Phong dịch bộ Bích Huyết Kiếm đăng trên tờ Đồng Nai, Đồ Mập dịch Anh Hùng Xạ Điêu cho tờ Dân Việt, Văn Giang thấy hai tờ báo kia có tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung nên nhờ Vũ Tài Lục và Hải Âu Tử dịch Thần Điêu Hiệp Lữ cho tờ Mới... Khi Tiền Phong Từ Khánh Phụng dịch Cô Gái Đồ Long (Đồ Long Đao, Ỷ Thiên Kiếm) trên nhật báo Đồng Nai, thu hút độc giả khá đông, ở đâu cũng bàn tán từng nhân vật vừa ly kỳ, hấp dẫn. Năm 1962, Hồ Tây và Tiền Phong sang Hồng Kông gặp Kim Dung để bàn thảo về vấn đề chuyển dịch.
Sau đó, dịch giả Hàn Giang Nhạn, Phan Cảnh Trung, Lão Sơn Nhân, Từ Khánh Vân nhập cuộc, tác phẩm của Kim Dung xuất hiện trên nhiều tờ báo ở Sài Gòn với Hiệp Khách Hành, Võ Lâm Ngũ Bá, Thiên Long Bát Bộ, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Lộc Đỉnh Ký... Hầu hết các nhật báo ở Sài Gòn đều tranh nhau đăng tiểu thuyết võ hiệp, tạo thành hiện tượng Kim Dung. Và, hầu hết tác phẩm của Kim Dung đã được in thành sách trước năm 1975...
Khi Cô Gái Đồ Long đã làm độc giả say mê thì Đỗ Long Vân đã viết quyển Vô Kỵ giữa chúng ta hay Hiện tượng Kim Dung, được ghi nhận là tác phẩm đầu tiên ở Việt Nam viết về Kim Dung. Sau hai năm 1967-1968, Tiếu Ngạo Giang Hồ tung hoành trên làng báo Sài Gòn, nhà báo Trần Việt Sơn chuyên về bình luận chính trị trên tờ Chính Luận đem ý nghĩa câu chuyện với hình ảnh Ngũ Nhạc Kiếm Phái của chính giáo đã thiếu tinh thần đoàn kết để đối đầu với Triêu Dương Thần Giáo của tà giáo và rút ra bài học cho công cuộc đấu tranh trong giai đoạn hiện tại.
Miền Nam Việt Nam là môi trường phổ biến tác phẩm Kim Dung rộng rãi và có ảnh hưởng sâu rộng nhất vì tên tuổi nhiều nhân vật hư cấu trong tác phẩm của ông đã trở thành quen thuộc trong lúc đó, có nhiều tác phẩm võ hiệp khác của các tác giả ở Đài Loan và Hồng Kông cũng được phổ biến nhưng hình như không được đề cập, bàn thảo.
Qua quá trình xuất hiện tác phẩm của Kim Dung hằng ngày dưới dạng "feuilleton", ngoài lãnh vực phổ biến qua sách báo, còn được thực hiện thành phim, video... với tác phẩm, với nhân vật, phổ biến rộng rãi khắp năm châu. Cuối thập niên 60, ở Pháp và Hoa Kỳ đã có Hội Nghiên Cứu Kim Dung ; từ đó đến nay, nhiều nước đã thành lập Hội Nghiên Cứu Kim Dung, trong đó ở Đài Loan, Hội Nghiên Cứu Kim Dung có trên 60.000 hội viên.
Dòng đời
Nằm cạnh sông Tiền Đường, Hải Ninh thuộc tỉnh Triết Giang, miền duyên hải phía Đông Trung Hoa nổi tiếng với danh lam non nước hữu tình và cũng là nơi xuất hiện nhiều nhân tài, địa linh nhân kiệt. Nơi đó, trên cổng vào từ đường dòng họ Tra, treo câu đối của vua Càn Long ca ngợi gốc gác và danh giá họ Tra : "Đường Tống dĩ lai cư tộc. Giang Nam hữu sổ nhân gia".
Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh ngày 8 tháng 2 năm 1924, ở trấn Viên Hoa, huyện Hải Ninh, tỉnh Triết Giang. Họ Tra thuộc gia đình khoa bảng, vọng tộc lưu danh qua nhiều đời. Kim Dung là người thứ hai trong số sáu anh chị em. Thân mẫu ông là cô họ thi hào Từ Chí Ma, thuộc dòng dõi vọng tộc thế gia ở Hải Ninh. Chẳng may bà qua đời lúc ông còn niên thiếu và được mẹ kế là Cổ Tú Anh nuôi dạy cho đến lúc trưởng thành.
Dòng họ Tra nổi tiếng với thư viện gia đình Tra Thị Tàng Thư, lưu trữ sách từ nhiều đời ; tiếp nối truyền thống của tổ tiên, từ nhỏ, Tra Lương Dung ham đọc sách nên đó cũng là môi trường thuận lơi để ông học hỏi, tìm tòi.
Thuở nhỏ, ông học tiểu học ở Viên Hoa, được đánh giá thông minh, chăm chỉ. Năm lên tám tuổi, ông đọc bộ tiểu thuyết đầu tiên là bộ Hoang Giang nữ hiệp của Cố Minh Đạo (1897-1944), đọc Giang hồ kỳ hiệp của Bình Giang Bất Tiếu Sinh trên tạp chí Hồng Mai Khôi, Cận Đại hiệp nghĩa hnh hùng trên tờ Trinh Thám Thế Giới... thấy say mê nên từ đó đã có mộng sẽ viết về bộ môn này.
Kim Dung trưởng thành trong giai đoạn chiến tranh Trung - Nhật bùng nổ dữ dội và quân đội Nhật đã xâm lăng từ Mãn Châu dần đến những tỉnh, thành khác dọc theo duyên hải Trung Hoa, bên cạnh đó, cuộc chiến Quốc - Cộng ngày càng lan rộng đưa đất nước vào cảnh lầm than, đầy biến động.
Năm 1937, mới 13 tuổi, mới học năm thứ ba trung học ở huyện Gia Hưng, ông đã cả gan viết một cuốn sách Dành cho người thi vào Sơ Trung, Tra Lương Dung biên soạn, nhà xuất bản ở Triết Giang ấn hành, được nhiều người trong mấy tỉnh lân cận mua đọc. Có thể nói đó là tác phẩm đầu tay của ông.
Hai năm sau, khi lên Liên Hợp Cao Trung, ông viết thêm cuốn Hướng dẫn thi vào Cao Trung, sách cũng được xuất bản và mọi người đều nghĩ đó là nhà giáo, không ngờ đó là cậu học trò tuổi mới mười lăm.
Đến năm 1940, khi còn đang học năm cuối bậc Trung học, vì tình hình chiến sự sôi động, ông phải tản cư qua nhiều phủ huyện.
Cũng năm đó, ông viết bài cho bích báo với truyện trào phúng dưới nhan đề Cuộc du hành của Alice (dựa theo truyện Alice in Wonderland) có ý châm biếm nhân vật Thẩm Nải Xương, Chủ nhiệm ban Huấn Đạo, hình ảnh "con rắn đeo kính" độc đoán, thủ cựu, khắc khe thái quá nên ai cũng chán ghét... nên bị nhà trường đuổi học. Kim Dung chuyển sang học tại trường Cù Châu, mùa hạ năm 1941, chứng kiến hình ảnh rất bất bình khi thấy thấy giáo ỷ vào uy quyền của mình nên chửi cậu học trò, còn nổi giận muốn hành hung. Kim Dung viết bài Một sự ngông cuồng trẻ con, bài được đăng trên Đông Nam nhật báo, gây xôn xao cả trường Cù Châu. Nhờ bài báo nầy, Kim Dung được nhà báo Trần Hướng Bình đến trường tìm hiểu ; sau nầy Đông Nam nhật báo dời về Hàng Châu, Kim Dung gặp lại Trần Hướng Bình và dấn thân vào nghiệp dĩ trong làng báo.
Năm 1942, Kim Dung dịch một phần trong Kinh Thi sang tiếng Anh và biên soạn tự điển Anh-Hán bỏ túi.
Năm 1944, ông thi đậu vào Học viện Chính trị Trung ương của Quốc Dân Đảng tại thủ phủ Trùng Khánh nhưng trong thời kỳ nầy có sự tranh chấp giữa các sinh viên với nhau, Kim Dung tham dự vào "cuộc chiến" và không hưởng ứng lời cam kết với quy ước "tham gia quân đội" nên ông bị khai trừ. Nhờ người anh họ làm việc tại thư viện trung ương, ông được làm việc ở đó, có thì giờ đọc nhiều sách viết về phiêu lưu, mạo hiểm bằng tiếng Anh, và những truyện đó đã ảnh hưởng mạnh đến lối hành văn của ông sau này. Ông cùng hai người bạn cũng trong hoàn cảnh khó khăn nhưng cố gắng ra đời tạp chí Thái Bình Dương, báo đã tiêu thụ hết nhưng gặp thời buổi leo thang, không có vốn liếng để tiếp tục nên mộng ước đành tan vỡ.
Ông vượt đường trường đến nông trường Tương Tây ở nơi xa để thử thách với cuộc sống khác. Sau Đệ nhị thế chiến, khi Nhật thua trận, rút khỏi Trung Hoa, ông quay trở về cố hương Hải Ninh, với niềm ước mong của song thân theo truyền thống khoa bảng gia đình nhưng Kim Dung đã không đáp ứng được điều đó nên hội ngộ cùng thân nhân trong thời gian ngắn và tìm cách ra đi. Ông qua Hàng Châu làm ký giả cho tờ Đông Nam nhật báo, nhưng không lâu, ông lại sang Thượng Hải ghi tên học luật, ngành Quốc tế Công pháp ở Đại học Đông Ngô. Bước vào đại học nhưng với niềm ước mong trong nghiệp báo, gặp thời cơ ông là một trong ba người trong toàn quốc đậu kỳ thi tuyển phiên dịch pháp luật của Đại Công Báo.
Ngày 15 tháng 3 năm 1948, khi tờ Đại Công Báo tái bản tại Hương Cảng, ông được cử sang làm việc tại đây. Trên đường từ Thượng Hải đến Hồng Kông, Kim Dung cho biết vốn liếng chỉ có 10 Mỹ kim, mượn của người bạn đồng hành, làm lộ phí. Tháng 11 năm 1949, ông viết một bài dài nhan đề "Quyền tư hữu của Hoa kiều theo Luật quốc tế" và từ đó chuyên viết về bộ môn Công pháp quốc tế.
Năm 1950, sau khi Cộng sản chiếm được Hoa lục, ở Hồng Kông, ông trở lại Bắc Kinh với tham vọng vai trò của nhà ngoại giao như đã mộng ước nhưng lý lịch bản thân gia đình tư sản nên bị từ chối. Đồng thời gia đình ông bị qui tội vào thành phần địa chủ, cha ông bị đem ra đấu tố, tử hình nên từ đó ông không còn liên lạc với gia đình được nữa.
Đến năm 1952, ông sang làm việc cho tờ Tân Vãn Báo, viết phiếm luận. Cũng thời gian này, ông có viết một số truyện phim chẳng hạn như Lan Hoa Hoa, Tuyệt đại giai nhân, Tam Luyến, Hữu nữ hoài xuân.... Ông ký bút hiệu là Lâm Hoan và Diêu Linh Lan.
Thời gian Kim Dung và Lương Vũ Sinh làm việc ở báo Tân Văn, được La Phù, chủ biên, mớm cho ông con đường đi vào tiểu thuyết võ hiệp. Năm 1953, Lương Vũ Sinh đã xuất chiêu trước với Long Hổ đấu tinh hoa, thu hút độc giả, đem lại kết quả tốt đẹp làm cho các báo khác lưu tâm.
Năm 1955, Hương Cảng Thương Báo nhờ La Phù tìm giúp tay viết tiểu thuyết võ hiệp, La Phù đã lưu tâm Kim Dung trước đây, có cơ hội để giới thiệu cho ông vung bút và bộ truyện đầu tay của ông là Thư Kiếm ân cừu lục (Thư Kiếm Giang Sơn) với bút hiệu Kim Dung, được đăng hàng ngày trên nhật báo Tân Văn, mỗi ngày khoảng một nghìn chữ, kéo dài trong hai năm. Được độc giả ái mộ, tên tuổi Kim Dung được nổi hơn Lương Vũ Sinh, khi in thành sách, ở Nam Dương thực hiện thành phim trên truyền hình, tên tuổi ông lại được chấp cánh bay cao.
Năm 1956, ông bắt đầu viết tác phẩm thứ hai là Bích Huyết Kiếm, xuất hiện trên Hương Cảng Thương Báo, lúc nầy tiểu thuyết võ hiệp như làn gió mới thu hút độc giả mỗi ngày càng nhiều.
Năm 1957, ông bỏ viết báo quay sang làm việc cho công ty điện ảnh Trường Thành, vài truyện phim được thực hiện như Ba mối tình, Đừng bỏ anh, Tiếng đàn khuya nhưng vẫn tiếp tục phóng bút với Tuyết Sơn phi hồ, thấy ăn khách, ông viết Phi Hồ ngoại truyện, bối cảnh câu chuyện lại xảy ra trước Tuyết Sơn Phi Hồ.
Nắm được thị hiếu của độc giả, năm 1959 và 1960, ba tạp chí chuyên về võ hiệp ra đời ở Hồng Kông : Võ Hiệp Tiểu Thuyết Chu Báo, Võ Hiệp Thế Giới, Võ Hiệp & Lịch Sử. Kim Dung xuất hiện trên Võ Hiệp & Lịch Sử với Anh Hùng Xạ Điêu (Xạ Điêu Anh Hùng truyện) với diễn biến trong thời kỳ Thành Cát Tư Hãn của lịch sử Trung Hoa bên cạnh các nhân vật hư cấu như Đông Tà, Tây Độc, Bắc Cái, Nam Đế, Trung Thần Thông... làm mê hoặc độc giả.
Khi các nhân vật trong Võ Lâm Ngũ Bá (Anh Hùng Xạ Điêu tiền truyện) xuất hiện trên trang báo, cơn sốt về Kim Dung như bùng dậy với từng khuôn mặt và tình tiết được bàn tán xôn xao. Tác phẩm Thần Điêu Hiệp Lữ được xuất hiện ở Việt Nam vào thập niên 60 với tựa đề Thần Điêu Đại Hiệp chưa được chuẩn xác vì chữ "Lữ" có nghĩa là đôi bạn chân tình Dương Qua - Tiểu Long Nữ.
Sau năm tháng dấn thân qua nhiều tờ báo từ đại lục sang Hồng Kông, Kim Dung muốn tạo dựng cho mình con đường độc lập nên cùng người bạn học là Thẩm Bảo Tân cho ra đời tờ Minh Báo. Nhật báo chỉ có 4 trang, khổ tabloid, trang ba độc quyền với tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung. Ngày 20 tháng 5 năm 1959, Minh Báo trình làng với Thần Điêu Hiệp Lữ, câu chuyện tiếp nối của Anh Hùng Xạ Điêu, mỗi ngày khoảng 2000 chữ và xuất hiện liên tục trong 3 năm. Tờ báo mỏng manh giữa rừng báo ở Hồng Kông nhưng nhờ Thần Điêu Hiệp Lữ tung hoành trên chốn giang hồ nên Minh Báo càng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Thời gian đầu ra tờ Minh Báo, vợ chồng Kim Dung sống trong hoàn cảnh khó khăn, tất cả vốn liếng dồn vào tờ báo nhằm duy trì sự sống còn.
Tuy dốc tâm vào việc sáng tác tiểu thuyết nhưng Kim Dung vẫn giữ còn dành thời giờ cho phần bình luận trên tờ Minh Báo rất sâu sắc.
Trước thập niên 50, Kim Dung có "mối dây liên hệ" với vài khuôn mặt của cộng sản ở đại lục nên có khuynh hướng thiên tả vì vậy ông đã cộng tác với Đại Công Báo trong suốt 10 năm ở Hồng Kông.
Sau thời gian được tin gia đình ông bị bạc đãi và mất liên lạc, ông đã thay đổi lập trường nên trong suốt hai năm Minh Báo ra đời 1959, 1960, với lập trường thiên hữu có những bài bút chiến kịch liệt với tờ báo thiên tả Đại Công Báo. Đứng trên quan điểm chính trị, ngòi bút bình luận sâu sắc của ông đã nâng cáo giá trị tờ Minh Báo. Năm 1957, Kim Dung không cón cộng tác với hai tờ báo khuynh tả là Đại Công Báo và Trường Thành Họa Báo để tham gia vào tổ chức Tự Do Báo Nghiệp Hiệp Hội.
Ngày 6 tháng 7 năm 1961, Ỷ Thiên Đồ Long, tiếp nối Thần Điêu Hiệp Lữ, xuất hiện trên Minh Báo đưa tiểu thuyết võ hiệp trở thành hiện tượng trong làng báo. Và, Cô Gái Đồ Long qua bản dịch của Tiền Phong Từ Khánh Phụng xuất hiện trong làng báo ở Sài Gòn, bộ truyện nầy kéo dài được 3 năm. Ba bộ truyện nầy với diễn biến theo dòng thời gian được gọi là Xạ Điêu Tam Bộ khúc.
Năm 1960, Kim Dung còn sáng tác đoản truyện Bạch Mã Khiếu Tây Phong, năm 1961 truyện Uyên Ương Đao, và năm 1963 với tác phẩm Liên Hành Quyết nhưng với những câu chuyện riêng biệt, môn phái trong thế giới võ lâm không nằm trong tam bộ khúc đó nên ít gây được sự quan tâm của độc giả.
Ngày 3 tháng 9 năm 1964, Thiên Long Bát Bộ ra mắt trên Minh Báo và Nam Dương Thương Báo ở Singapore, kéo dài suốt 4 năm. Trong thời gian nầy, Minh Báo đã có vị trí vững vàng trong làng báo ở Hồng Kông, Kim Dung có dịp đi ngoại quốc nên Nghê Khuông thay ông tiếp nối xây dựng tác phẩm. Ở Việt Nam, tác phẩm in thành sách lại chia ra Thiên Long Bát Bộ có 34 hồi và Lục Mạch Thần Kiếm gồm 120 hồi.
Năm 1965, tác phẩm Hiệp Khách Hành mang hình ảnh thi ca vào thế giới võ lâm nhưng bị lu mờ trước hào quang của tam bộ khúc quá tuyệt. Hơn nữa, thời gian nầy, Kim Dung chuẩn bị cho Minh Báo nguyệt san và công việc hình thành công ty Đại Minh Báo trong tương lai.
Sau khi tìm được cộng sự, năm 1967, Tiếu Ngạo Giang Hồ hiện diện trên Minh Báo, nhiều tờ báo đã dịch và đăng tải liên tục suốt 2 năm.
Trong thời điểm Trung Quốc phát động cuộc Cách Mạng Văn Hóa, phe thiên tả càng đả kích ông mạnh mẽ khi ông ủng hộ đường lối chặt chẽ của nhà cầm quyền Hồng Kông để giữ vững tinh thần độc lập. Và năm 1968, ông xuất bản thêm tờ Tân Minh nhật báo ở Mã Lai và Singapore, lại ra thêm tuần báo Minh Báo Chu San với tính cách giải trí, mời nữ lưu chủ biên tờ báo và công việc phát triển tốt đẹp.
Ngày 24 tháng 10 năm 1969, Lộc Đỉnh Ký xuất hiện trên Minh Báo, liên tục cho đến ngày 14 tháng 9 năm 1972. Bộ truyện sôi nổi và hấp dẫn, độc giả trông đợi ngòi bút Kim Dung tung hoành trong thế giới võ lâm thì ông tuyên bố "gác kiếm".
Kim Dung đam mê sáng tác và làm việc không mệt mỏi, vừa viết báo, vừa viết tác phẩm liên tục hàng ngày vì vậy, nếu tính số lượng chữ viết qua bình luận thời sự và tiểu thuyết võ hiệp, không ai phủ nhận sức làm việc của ông. Qua công trình sáng tác, ông tuyên bố toàn bộ những gì ông đã viết suốt 20 năm qua thành trọn bộ 36 cuốn, dưới nhan đề "Kim Dung, Võ Hiệp Tiểu Thuyết Toàn Tập".
Tháng 4 năm 1973, Kim Dung thăm Đài Loan, hội đàm với Thủ tướng Tưởng Kinh Quốc, nhiều nhân vật cao cấp của chính quyền Trung Hoa Dân Quốc cùng văn giới, báo giới để trao đổi và tìm hiểu trong nhiều lãnh vực... Nhân cơ hội nầy, khi trở lại Hồng Kông, loạt bài phóng sự "Thấy gì, Nghe gì, Nghĩ gì ở Đài Loan", với cái nhìn khách quan, thực tiễn và sắc bén của ông được mọi người ái mộ như những tác phẩm đã được ăn khách của ông.
Trong suốt hai thập niên, tác phẩm Kim Dung được phổ biến trên nhiều quốc gia thì Đài Loan lại cấm, năm 1978 mới được phép chính thức phổ biến.
Đến năm 1980, tờ Võ Lâm tại Quảng Châu đăng truyện "Anh Hùng Xạ Điêu", mở đầu cho một phong trào đọc Kim Dung ngay tại hoa lục.
Sau 28 năm xa cách quê hương, năm 1981, ông cùng vợ con về thăm Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình đã mời ông đàm luận nên trong dịp nầy ông có cơ hội tiếp xúc với nhiều giới chức trong suốt thời gian 6 tuần lễ khắp 13 tỉnh để tìm hiểu và thưởng ngoạn. Năm 1984, ông lại đi Bắc Kinh và lần này có hội kiến với Hồ Diệu Bang và năm 1985, Trung Quốc thành lập cơ quan nghiên cứu về tình trạng đặc biệt của Hồng Kông sau năm 1997, ông được mời đảm nhận ủy viên trong cơ cấu này, đặc trách tiểu tổ "Thể Chế Chính Trị".
Năm 1985, tác phẩm của Kim Dung được phổ biến ở Trung Quốc, ông đã bị tai tiếng cho rằng đã thay đổi lập trường để tác phẩm được phổ biến trong thị trường rộng lớn và bước chân vào chính trường của Trung Quốc. Có cơ quan ngôn luận trong tay nên ông không ngần ngại nói lên quan điểm của mình trước hiện tình chuyển biến của Hồng Kông.
Thái độ chính trị của ông được minh định vào tháng 5 năm 1989, khi xảy ra biến cố Thiên An Môn, ông từ chức vai trò trong cơ quan nghiên cứu đó để phản đối thái độ đàn áp dân chủ của Trung Quốc.
Nhân dịp kỷ niệm ba mươi năm hoạt động của công ty Minh Báo (1959 - 1989), ông từ chức Chủ nhiệm chấp hành, chỉ còn giữ chức Chủ tịch ban quản trị.
Năm 1993, ông lại đi Bắc Kinh để bàn về vai trò của Hồng Kông sau khi Anh Quốc trao trả lại Trung Quốc do lời mời của Giang Trạch Dân. Tháng 4 năm 1993, ông từ chức Chủ tịch ban quản trị công ty Minh Báo, giữ vai trò Chủ tịch danh dự, và tuyên bố hoàn toàn nghỉ ngơi như dự tính, để có thời gian thăm viếng, tiếp xúc với sinh viên ở các đại học trên thế giới theo lời mời làm giáo sư thỉnh giảng. Ông bày tỏ với thời gian còn lại với tuổi về hưu để hoàn chỉnh lại tác phẩm đã được phổ biến trước đó.
Trong 17 năm (1955-1972) từ tác phẩm đầu tay Thư Kiếm Ân Thù Lục đến tác phẩm sau cùng Lộc Đỉnh Ký, toàn bộ tác phẩm của Kim Dung trên vạn trang.
Tổng cộng có 14 bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung đã lấy những chữ đầu đặt thành câu đối cho dễ nhớ :
"Phi Tuyết Liên Thiên Xạ Bạch Lộc
Tiếu Thư Thần Hiệp Ỷ Bích Uyên"
Phi Hồ Ngoại Truyện - Tuyết Sơn Phi Hồ — Liên Thành Quyết — Thiên Long Bát Bộ — Xạ Điêu Anh Hùng — Bạch Mã Khiếu Tây Phong — Lộc Đỉnh Ký
Tiếu Ngạo Giang Hồ - Thư Kiếm Ân Cừu Lục - Thần Điêu Hiệp Lữ — Hiệp Khách Hành - Ỷ Thiên Đồ Long - Bích Huyết Kiếm - Uyên Ương Đao.
Năm 1976, đoản truyện võ hiệp Việt Nữ Kiếm tái xuất giang hồ nhằm gởi gấm hình ảnh và bối cảnh trong thời điểm Việt Vương Câu Tiễn và Ngô Phù Sai với mối tình giữa Phạm Lãi và Tây Thi, hoa mộng và ngang trái, được sở đắc với độc giả nhưng quá ngắn nên coi như phần phụ. Có lẽ, sau khi tuyên bố gác kiêm nhưng lại sáng tác đoản truyện nầy vì Kim Dung muốn mượn hình ảnh Phạm Lãi để nói lên con đường của mình khi công thành danh toại.
Tình duyên
Trong tác phẩm võ hiệp của Kim Duyên với những mối tình thật tuyệt vời rất hấp dẫn, lôi cuốn độc giả. Ảnh hưởng từ cuộc sống, tình trường đã xúc tác qua ngòi bút làm phong phú từng nhân vật trong tác phẩm trong chốn võ lâm với non nước hữu tình.
Mối tình đầu vào lúc ông 23 tuổi, năm 1947, ông cộng tác với tờ Đông Nam nhật báo, giữ mục trao đổi ý kiến rất ăn khách, Đỗ Dã Thu đang theo học ở Thượng Hải, gởi thư đến tòa soạn với sự tinh nghịch của tuổi trẻ, trao đổi tâm tình và hẹn ước gặp gỡ tại tư gia. Khi ông đến, được diện kiến chị của Đỗ Dã Thu là Đỗ Tú Nương, mới 17 tuổi, nhan sắc thật dễ thương và từ đó, tình cảm bộc phát.
Qua nhịp cầu tinh nghịch của cậu em trai, mối giao tình giữa Kim Dung và gia đình Đỗ Tú Nương ngày thêm đậm đà. Thời gian đó, gia đình nàng lại dời về Hàng Châu, mùa Hè năm 1948, Kim Dung được tờ Đại Công Báo biệt phái sang Hồng Kông nên trở về Hàng Châu, ra mắt song thân Đỗ Tú Nương, xin phép cầu hôn. Hôn lễ được tổ chức tại Thượng Hải, Giám đốc tờ Đại Công Báo là Phí Di Dân đứng làm chủ hôn.
Kim Dung đến nhận công việc ở Hồng Kông, thời gian sau Đỗ Tú Nương sang hội ngộ. Trong giai đoạn nầy, Kim Dung say sưa với nghiệp báo, Đỗ Tú Nương cảm thấy trống vắng, buồn chán, không phù hợp với khung cảnh ở Hồng Kông nên năm 1950, nàng trở lại quê nhà, sau đó, làm thủ tục ly hôn.
Cuộc tình kế tiếp khi Kim Dung chia tay với người vợ đầu và đang làm việc ở công ty điện ảnh Trường Thành, ông viết kịch bản và làm đạo diễn trong các bộ phim như Tuyệt Đại Gia Nhân, Nữ Hữu Hoài Xuân, Tiếng Đàn Khuya, Ba Mối Tình... Và, trong Trường Thành, minh tinh Hạ Mông, nổi tiếng về tài và sắc đương thời, xuất hiện trong Tuyệt Đại Giai Nhân. Cuộc tình đơn phương hay không còn bí mật trong vòng tình cảm riêng tư giữa hai người nhưng dư luận lại bàn tán xôn xao vì Hạ Mông, con nhà giàu có, nhiều kẻ tình si có danh, nhiều của theo đuổi trong khi chàng đạo diễn đã dang dở cuộc tình, đồng lương đủ nuôi bản thân và vóc dáng, không có gì lôi cuốn, khó trở thành đối tượng cho minh tinh đang ăn khách nhất Hồng Kông.
Khi nghe tin Hạ Mông lập gia đình với tay tỷ phú, Kim Dung dùng ngòi bút để vơi đi nỗi sầu nên "số lượng chữ nghĩa" xuất hiện trên mặt báo làm mọi người kinh ngạc. Kim Dung không đề cập đến Hạ Mông nhưng trong tác phẩm của ông, người ta cho rằng bóng dáng đó thấp thoáng trong Hoàng Dung, Vương Ngọc Yến, Tiểu Long Nữ... Theo nhà báo Hồ Tây, trong cuộc gặp gỡ với Kim Dung lần thứ hai vào năm 1968, Kim Dung có tâm sự rằng, nếu không có chuyện thất tình vì Hạ Mông, chưa chắc gì ông đã viết được những trang tiểu thuyết kiếm hiệp đầy tình cảm trong Ỷ Thiên Đồ Long, Thiên Long Bát Bộ.
Có lẽ mối tình si đơn phương thầm kín đó phải chôn giấu để tránh thị phi và giữ êm thấm khi lập lại cuộc tình khác nên sau nầy, khi đã có gia đình, năm 1976, Hạ Mông rời Hồng Kong sang Canada, Kim Dung tổ chức tiệc tiễn đưa và mới chính thức viết trên Minh Báo những dòng trong phần xã luận của mình.
Người bạn đời đến với Kim Dung là Chu Mai vào đầu thập niên 60, trong thời gian còn khó khăn và hai người đã đồng tâm hiệp lực, nương tựa, cảm thông với nhau trong công việc để gây dựng sự nghiệp.
Khi thành lập tờ Minh Báo, hoàn cảnh Kim Dung được ghi nhận qua Bành Hoa và Triệu Kính Lập : "Lúc bấy giờ Kim Dung ở Tiêm Sa Thủy, đêm khuya xong việc, thuyền chở khách đã hết, phải đi thuyền nhỏ qua eo biển. Nếu muốn sang ngay thì phải bao cả chuyến mất 3 đồng, nếu không thì phải đợi đủ 6 người thuyền mới chở. Để tiết kiệm tiền, vợ chồng Kim Dung lúc ấy đành phải chịu lạnh đứng chờ".
Kim Dung và Chu Mai (kết hôn năm 1953, ly hôn năm 1976), có 4 người con, hạnh phúc gắn bó với nhau trong những năm đầu cùng hội cùng thuyền trong thời gian ra đời tác phẩm Uyên Ương Đao đến Hiệp Khách Hành, khi Tiếu Ngạo Giang Hồ ra đời thì tình cảm hai người chỉ còn với bổn phận với con cái. Cuộc ly hôn nầy mang đến thảm khốc, tháng 10/1976, Tra Truyền Hiệp tự tử bằng cách treo cổ chưa đầy 20 tuổi và đang là sinh viên năm nhất Đại học Columbia ở Hoa Kỳ. Người con trai thứ Tra Truyền Thích và hai con gái là Tra Truyền Thi, Tra Truyền Nột sau nầy thành công nhưng không nối nghiệp thân phụ. Kim Dung rất thương hai cô con gái nên trong tác phẩm của ông mang hình anh tình nghĩa cha con.
Cuộc sống thầm lặng giữa hai người kéo dài cho đến năm 1981, Chu Mai mang ba người con sang San Francisco, Hoa Kỳ. Bà bước vào thương trường, nhờ quen biết nhiều nên được thành công, hai người con gái được thành danh.
Cuộc tình kế tiếp kéo dài cho đến cuối đời với nàng Lâm Lạc Di. Cuộc gặp gỡ tình cờ trong quán ăn giữa người làm công ái mộ và tác giả nổi tiếng, Lâm Lạc Di tuổi vừa đôi mươi, nhỏ hơn Kim Dung 29 tuổi nhưng đã tâm đầu ý hợp. Kim Dung lo cho nàng tiếp tục bước đường học vấn để có khả năng quán xuyến công việc.
Vào thập niên 90, khi nhẹ trách nhiệm với công ty Minh Báo, Kim Dung cùng Lâm Lạc Di có dịp chu du khắp nơi và bà đã giúp cho ông trong bao công việc theo dự tính đã được hoạch định.
Hiểu được sóng gió trong trường tình của Kim Dung nên Lâm Lạc Di rất tế nhị trong xã giao và mối liên hệ với con cái của vợ trước. Bà chăm lo tận tình con cái của Chu Mai từ Hoa Kỳ về nghỉ Hồng Kông vào mỗi dịp Hè.
Kim Dung đang sống trong hào quang của danh vọng, tiền bạc và tình yêu thì mang nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời. khi đứa con trai của ông là Tra Truyền Hiệp mất năm 19 tuổi vào đầu thập niên 90. Tra Truyền Hiệp có khiếu về văn chương, ông để cho con tự do theo cách suy nghiệm riêng tư và sở thích nhưng lúc trưởng thành lại có bệnh hoang tưởng, dần dà trở thành trầm trọng, Kim Dung đã dày công nghiên cứu, học hỏi giáo lý các tôn giáo để chữa trị cho con nhưng vô vọng. Ông sống như thiền sư, tìm hiểu triết lý Phật giáo, nghiên cứu cờ tướng và hành hương các nơi.
Tháng ngày còn lại trong cuộc đời ông với hình bóng Lâm Lạc Di.
Tác phẩm & Nhân vật
Trong cuộc phỏng ấn của phóng viên Nam Hoa Bưu Điện với Kim Dung vào mùa nè 1999 tại Hawaii, Kim Dung cho biết : "Tôi viết 15 tác phẩm dài, bộ ngắn nhất cũng 300 trang, bộ dài nhất 2000 trang. Có thể kể ra... Nói cho đúng chỉ có 12 bộ mà thôi nhưng người ta khi dịch thuật và sao chép đã nâng lên 15 bộ, tôi thấy mãi cũng thành quen nên cứ yên trí mình viết được bấy nhiêu". Nhưng sau khi chỉnh lại để in thành sách, Kim Dung xếp thành 14 bộ cho có hệ thống.
* Thư Kiếm Ân Cừu Lục xuất hiện trên Hương Cảng Thương Báo từ trong hai năm 1955 và 1956, gồm 32 hồi, với bối cảnh lịch sử người Nữ Chân, sau đó gọi là người Mãn Châu xâm lăng Trung Hoa, thay vương triều nhà Minh của người Hán lập nên vương triều nhà Thanh (1616-1911) ; trong quá trình nổi dậy với công cuộc "phản Thanh phục Minh" vào giai đoạn vua Càn Long, giữa thế kỷ XVIII với Trần Gia Lạc, Viên Sùng Hoán, Viên Thừa Chí với các nhân vật hư cấu Hạ Tuyết Nghi, Thiên Sơn Song Ưng, Dư Ngư Đồng, Hương Hương công chúa, Hoắc Thanh Đồng, Lạc Băng và Lý Nguyên Chỉ... Dựa vào cái mốc của lịch sử để lồng vào môi trường sinh hoạt của thế giới võ lâm với công cuộc phục quốc và được tô điểm với những bóng hồng trong võ lâm với tình tiết gay cấn, đầy kịch tính làm cho cốt truyện sinh động, lôi cuốn người đọc. Tác phẩm đầu tay tuy chưa xuất sắc nhưng Kim Dung đã tạo được tên tuổi của ông với những cây bút đi trước trong cùng bộ môn.
* Bích Huyết Kiếm được đăng tải trên Hương Cảng Thương Báo năm 1956 và 1957, gồm 24 hồi, cốt truyện xây dựng trong giai đoạn vào cuối triều đại nhà Minh (1368-1664) vào triều đại Sùng Trinh vào tiền bán thế kỷ XVII. Nhân vật lịch sử là Lý Tự Thành đứng lên dựng cuộc khởi nghĩa, kéo quân từ Tây An về Bắc Kinh, vua Sùng Trinh thất thế, treo cổ tự vận, cáo chung triều đại nhà Minh. Lý Tự Thành liên lạc với tướng nhà Minh là Ngô Tam Quế đang trấn giữ Sơn Hải Quan, cùng nhau chống quân Thanh nhưng Ngô Tam Quế đã nối giáo với quân Thanh để đàn áp lực lương của Lý Tự Thành. Trong bối cảnh đó, có Viên Thừa Chí, con trai của Viên Sùng Hoán, trong bước đường hành hiệp giang hồ vướng mắc hệ lụy tình cảm với Hạ Thanh Thanh, con của Hạ Tuyết Nghi, với An Tiểu Huệ, với Tiêu Uyển Nhi, với An Cửu công chúa... bên cạnh sứ mệnh dấn thân cho công cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Thành. Hình ảnh Lý Tự Thành của Kim Dung hơi khác với sử liệu mà chỉ với cơ may đưa đẩy nhưng không tròn sứ mệnh. Hình ảnh Kim Sà Lan Quân Hạ Tuyết Nghi với nhân vật hư cấu Ôn Phương Lộc gây ra trận thảm sát cho gia đình ông, từ đó nhiều nhân vật hư cấu khác tạo thành bức tranh sinh động, bi thương, với tình yêu và hận thù chồng chéo lên nhau.
Bi kịch đưa võ lâm vào chốn gió tanh mưa máu bởi Kim Xà bí kíp làm đổi thay nhân tình thế thái.
* Tuyết Sơn Phi Hồ xuất hiện vào cuối năm 1957 đến đầu năm 1958 và Phi Hồ Ngoại Truyện xuất hiện trong hai năm 1960-1961, Kim Dung lại xây dựng bối cảnh tác phẩm Phi Hồ Ngoại Truyện xảy ra trước Tuyết Sơn Phi Hồ. Trong suốt thời gian nầy, mỗi đêm Kim Dung viết một đoạn khoảng 8.000 chữ từ 12 giờ khuya đến sáng.
* Phi Hồ Ngoại Truyện còn gọi là Lãnh Nguyệt Bảo Đao, gồm 84 hồi, khởi sự bởi cuộc so tài cao thấp, gây nên trận đấu giữa hai cao thủ võ lâm Liêu Đông, đại hiệp Hồ Nhất Đao và Kim Diện Phật Miêu Nhân Phượng. Cuộc so tài không gây ra oán thù mà tạo tình bạn hữu thâm giao giữa hai nhân vật võ công thượng thừa. Trong mối thân tình đó lại xảy ra oan khiên bởi âm mưu thâm độc của Điền Quy Nông đã toan tính trước, dùng chất độc bôi trên mũi kiếm Miêu Nhân Phượng nên Hồ Nhất Đao đã bỏ mạng vì độc dược. Vợ của Hồ Nhất Đao không biết đó là thủ đoạn của kẻ khác mà uất ức cho hành động đê tiện của địch thủ Miêu Nhân Phượng còn giả vờ kết tình nghĩa với nhau nên tự vẫn để cùng sống chết bên nhau để lại hài nhi Hồ Phi mới chào đời được vài ngày.
Thương cảm hình ảnh vợ chồng Hồ Nhất Đao, Bành Tứ Thức mang Hồ Phi nuôi dưỡng và nhập cuộc trong chốn võ lâm nhưng cuộc đời đưa đẩy với bao sóng gió dập dồn. Hồ Phi dấn bước trên con đường gặp nhiều trắc trở nhưng rồi cũng gặp vài nhân vật đầy lòng nhân ái kết nghĩa huynh đệ như Triệu Bán Sơn. Hồ Phi vẫn coi Miêu Nhân Phượng là hình ảnh đại hiệp và trong lần gặp gỡ trận đấu giữa Miêu Nhân Phượng cùng Điền Quy Nông, Hồ Phi chứng kiến tài năng của bậc đại hiệp nầy trong tình cảnh nguy nan. Miêu Nhân Phượng và Nam Lan sinh hạ được đứa con gái là Miêu Nhược Lan, oan khiên đưa đẩy, Nam Lan tư tình với Điền Quy Nông và với thủ đoạn đê hèn của địch thủ, Miêu Nhân Phượng bị đui cặp mắt, lang bạt giang hồ với đứa con côi.
Kết thúc câu chuyện với sự gặp gỡ tình cờ giữa Nam Lan và Hồ Phi nơi mộ song thân, với thủ đoạn thâm độc, Nam Lan nửa úp nửa mở để gieo oán thù giữa Hồ Phi với Miêu Nhân Phượng. Với võ công tuyệt vời qua Lãnh Nguyệt Bảo Đao, Hồ Phi thể hiện vị trí của mình trong chốn giang hồ đã áp đảo Điền Quy Nông.
* Tuyết Sơn Phi Hồ gồm 10 hồi, xảy ra trong bối cảnh tranh giành bảo đao của Sấm Vương Lý Tự Thành vào năm Càn Long thứ 48 đời nhà Thanh. Miêu Nhân Phượng trở thành nhân vật lẫy lừng trong chốn võ lâm với danh tiếng "Đi khắp thiên hạ không địch thủ". Hồ Phi trẻ tuổi đã vang danh với ngoại hiệu Tuyết Sơn Phi Hồ, với cơ trí, võ công chữ Phi Hồ do "phi thiên hồ ly" (cáo bay trên trời) để ca ngợi hình ảnh tuổi trẻ tài cao. Hơn một trăm năm trước, vệ sĩ của Sấm Vương gồm họ Hồ, Miêu, Điền, Phạm vì tranh nhau để gây oán thù cho con cháu.
Đến đời vua Ung Chính (thân phụ vua Càn Long), bốn dòng họ nầy xảy ra cuộc tương tranh và bảo đao của Sấm Vương thuộc về tay họ Điền, phái Thiên Long Môn nắm giữ. Thế rồi Thiên Long Môn chia ra hai phái Nam Tông và Bắc Tông, mỗi phái nắm giữ mười năm nhưng đến khi Điền Quy Nông thì quên lời thệ ước nên sinh ra tranh chấp với nhau.
Câu chuyện tỷ võ với nhau giữa hai nhân vật Hồ Nhất Đao và Miêu Nh6n Phượng được khơi lại để nói lên tình bạn trao kiếm, luận võ nhưng kết thúc với nỗi đau thương bởi âm mưu thâm độc của kẻ đê tiện trong dòng họ Điền, mang oán thù để phân hóa.
Trong khi Miêu Nhân Phượng nghe danh Tuyết Sơn Phi Hồ nhưng không biết đó là con của Hồ Nhất Đao, và gần kết câu chuyện thì tình cảm đôi lứa nảy sinh giữa Hồ Phi và Miêu Nhược Lan, con gái Miêu Nhân Phượng, thật oái oăm.
Trận đấu cuối cùng giữa hai nhân vật xuất chúng lại xảy ra, qua những chiêu thức thật tuyệt vời, Miêu Nhân Phượng mới biết Tuyết Sơn Phi Hồ là con của Hồ Nhất Đao và Hồ Phi phân vân, người đứng trước mặt mình là kẻ thù nhưng ông ta là người hào khí ngất trời, anh hùng hào kiệt và cha của ý trung nhân... Trong giây phút nguy kịch nhất, Miêu Nhan Phượng nhận chân nên nhắm mắt để cho xong điều "báo ứng" trong lúc đó thì Hồ Phi "không muốn chém đối phương song cũng không muốn mình mất mạng" (Tuyết Sơn Phi Hồ - Kim Dung).
Miêu Nhược Lan đứng trong tuyết rất lâu mà không thấy hai người trở lại.
* Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Hiệp Lữ và Võ Lâm Ngũ Bá được xây dựng trong bối cảnh liên tục với nhau tạo thành "tam bộ khúc" đưa tên tuổi Kim Dung lên đài danh vọng.
* Anh Hùng Xạ Điêu gồm 80 hồi, nằm trong giai đoạn đầu thế kỷ XIII, quân Kim và Nam Tống trong thời kỳ thanh toán lẫn nhau cùng sự xuất hiện của Thành Cát Tư Hãn. Nhiều nhân vật trong "tam bộ khúc" nầy với các trường phái được xây dựng trong võ lâm Trung Nguyên và dị tộc qua ngòi bút tài tình, mô tả một cách sinh động, mỗi môn phái, mỗi người mỗi vẻ với võ công, tài trí, nét đặc thù cùng vị trí của họ trong thế giới võ lâm, tạo thành bức tranh tuyệt hảo qua ngòi bút sinh động của ông. Sự am tường về địa danh, văn hóa, phong tục, tập quán đất nước dẫn dắt người đọc cuốn hút vào câu chuyện.
Quách Tĩnh chào đời nơi thảo nguyên và cậu bé mồ côi chịu trải qua năm tháng nơi thảo nguyên. Thoát thai từ đó nên chân chất ngu đần nhưng lại có cơ may được thụ giáo võ thuật của Toàn Chân và Giang Nam thất quái vì vậy có cơ hội quay về Trung Nguyên để hành hiệp. Sự xuất hiện những nhân vật đại thụ trong chốn võ lâm như Nam Đế, Tây Độc, Bắc Cái, Giang Nam Thất Hiệp, Chu Bá Thông.... cùng Đông Tà Hoàng Dược Sư và A Hành với con gái là Hoàng Dung.
Bên cạnh Quách Tĩnh, có hai khuôn mặt cùng trang lứa là Dương Khang và Âu Dương Khắc lại được hưởng nhiều ân huệ và gian manh, háo sắc để có khuôn mặt phản diện trong tác phẩm. Người trở về từ thảo nguyên, kẻ đến từ Đào Hoa Đảo bởi giận cha bỏ nhà ra đi, Quách Tĩnh và Hoàng Dung gặp nhau trong mối tình thật lý thú. Hoàng Dung thông minh, hoạt bát ; Quách Tĩnh cục mịch, thiếu khả năng ứng xử thế mà hai tâm hồn lại gặp nhau, có sự đồng cảm rất tế nhị. Mối tình của đôi trẻ đã bị chống đối bởi hai phía chánh tà, cùng lúc đó thì có sự sắp xếp cho Mục Niệm Từ cùng Quách Tĩnh và Âu Dương Khắc, con của Âu Dương Phong lại cầu hôn Hoàng Dung... nhưng nàng quyết tâm dành Quách Tĩnh cho riêng mình.
Tháng ngày ở Trung Nguyên với bao biến động, trong bước đường mong báo thù nhà, Quách Tĩnh được thụ giáo võ công các bậc thượng thừa, trong đó có Hồng Thất Công nên trở thành nhân vật lỗi lạc. Trải qua tháng ngày ở Trung Nguyên, Quách Tĩnh và Hoàng Dung đến Đào Hoa đảo để xây dựng cuộc tình tuyệt vời giữa biển trời.
* Thần Điêu Hiệp Lữ gồm 104 hồi, nối tiếp câu chuyện Quách Tĩnh và Hoàng Dung bước vào giai đoạn mới với hình ảnh thế hệ thứ hai kế thừa nghiệp võ cùng hình ảnh thế hệ trước. Sự xuất hiện của Quách Phù, Quách Tường là con của Quách Tĩnh, Hoàng Dung cùng với hình ảnh Dương Qua, con của Dương Khang. Dương Qua cảm thấy đau buồn làm con Dương Khang đã bị nhiều tai tiếng bởi hành vi không mấy tốt đẹp nên kết thúc cuộc đời thật bi thảm. Giữa Dương Qua và gia đình Quách Tĩnh với hận thù xa xưa nhưng rồi xoay chiều, trở thành mối thân tình mà Dương Qua lại chịu đựng sự trừng phạt của Quách Phù, con gái Quách Tĩnh. Nhát kiếm của Quách Phù trong cơn nóng giận, chém đứt cánh tay của Dương Qua nên sau nầy mang ngoại hiệu "Độc Thủ đại hiệp".
Kim Dung xây dựng mối tình trái với đạo lý Đông phương nhưng rất đẹp và cao cả, đó là cuộc tình giữa sư phụ Tiểu Long Nữ với đồ đệ Dương Qua ! Tình yêu chớm nở thì Tiểu Long Nữ bị dâm tặc hãm hại nhưng trong cơn mê tỉnh lại tưởng là hình ảnh người yêu. Tiểu Long Nữ hận đời, quyên sinh. Dương Qua trải qua 16 năm trời tìm hình ảnh sư phụ với bao điều ngộ nhận, đau thương, bóng chim tăm cá. Trong khi đó thì Quách Phù, Công Tôn Lục Đài... lại theo đuổi Dương Qua. Và, ở Tuyệt Tình Cốc, Dương Qua gieo mình để theo hình bóng Tiểu Long Nữ, cùng nhau yên nghỉ nghìn thu, nhưng nào ngờ, nơi đáy vực thẳm đó lại là nơi trùng phùng cho cuộc tình qua năm tháng chia cách.
Bên cạnh cuộc tình Dương Qua và Tiểu Long Nữ, cuộc tình giữa Lý Mạc Sầu với Lục Triển Nguyên, tình yêu ngang trái đưa tâm tính thơ ngây của Lý Mạc Sầu trở thành độc ác.
Kết thúc câu chuyện nơi Thiếu Lâm Tự, Quách Tĩnh, Hoàng Dung, Quách Phù, Quách Tường, Dương Qua, Tiểu Long Nữ... chứng kiến sự thể xảy ra liên quan đến Cửu Dương Chân Kinh, trong đó có sự xuất hiện chú tiểu Trương Quân Bảo. Sau nầy trở thành chưởng môn phái Võ Đang là Trương Tam Phong. Năm đó, Quách Tường tuổi vừa trăng tròn, 40 năm sau là chưởng môn phái Nga Mi.
* Ỷ Thiên Đồ Long, qua bản dịch của Tiền Phong Từ Khánh Phụng, tên gọi Cô Gái Đồ Long, gồm 104 hồi, đã trở thành quen thuộc.
Bối cảnh xảy ra trong thời điểm "Năm Chí Nguyên nhị niên của Nguyên Thuận Đế, cách năm nhà Tống diệt vong đúng sáu mươi năm" (YTĐL — KD).
Phần kết trong Thần Điêu Hiệp Lữ được nhắc lại khi Côn Luân Tam Thánh Hà Túc Đạo từ Tây Vực đến Thiếu Lâm Tự khiêu chiến để so tài với võ lâm Trung Nguyên. Không có nhân tài địch nổi Hà Túc Đạo, cuối cùng Hà Túc Đạo đánh cuộc với chú tiểu Trương Quân Bảo, nếu chịu được mười hiệp thì bỏ Trung Nguyên, trở về luôn Tây Vực. Cuộc tỷ thí xảy ra, Trương Quân Bảo nhờ luyện được Cửu Dương Chân Kinh nên Hà Túc Đạo thảm bại, giữ đúng lời hứa, về cố hương lập ra phái Côn Luân. Tuy mang lại vinh dự cho võ lâm Trung Nguyên nhưng oan nghiệt lại đến với Giác Viễn đại sư và đồ đệ Trương Quân Bảo vì đã luyện được La Hán Quyền và Cửu Dương Chân Kinh nên kết tội phạm môn giới. Trước tình thế đó, Giác Viễn viên tịch để khỏi vướng bụi trần, chú tiểu Trương Quân Bảo rời chùa Thiếu Lâm phiêu bạt đến thành Tương Dương theo lời chỉ của Quách Tường. Trên bước đường lưu lạc đó, Trương Quân Bảo đến chân núi Võ Đang, tìm hang động trú ẩn, luyện tập Cửu Dương Chân Kinh, nghiên cứu sáng tạo võ công và lập ra phái Võ Đang.
Trương Tam Phong, 90 tuổi, chưởng môn phái Võ Đang, có bảy đồ đệ đã tạo dựng tên tuổi Võ Đang thất hiệp trong chốn giang hồ. Tai họa xảy ra cho Võ Đang tam hiệp Dư Đại Nham khi phải bảo vệ Đồ Long đao, Trương Thúy Sơn được sư phụ cho hạ san để truy tìm tung tích. Trên bước đường hành hiệp, Trương Thúy Sơn gặp Ân Tố Tố, ái nữ của giáo chủ Bạch Mi giáo là Ân Thiên Chính. Trong giây phút đầu, Trương Thúy Sơn thấy hành động ngang bướng và kinh sợ hành động giết người như trò đùa của kẻ ma đầu nhưng sau nầy lại vướng vào vòng oan nghiệt của tình yêu. Ân Tố Tố hóa trang, giả Trương Thúy Sơn, sát hại tất cả người trong Long Môn tiêu cục vì không làm tròn phận sự bảo vệ "nhân vật" mà nàng có thiện ý giao về Võ Đang, và các đệ tử của chùa Thiếu Lâm đã ngăn cản công việc của nàng, gây ra vụ nghi án dồn vào phái Võ Đang. Trong tình thế rối răm đó, Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn bắt cóc Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố đem lên thuyền trốn ra Băng Hoa đảo.
Trương Vô Kỵ là giọt máu của Thúy Sơn và Tố Tố ra đời trong hoàn cảnh đó. Tạ Tốn bị sư phụ là Thành Khôn cưỡng đoạt vợ và nhẫn tâm giết hại toàn gia để phi tang rồi thay hình đổi dạng, ẩn trốn trong chùa Thiếu Lâm để tiếp tục gieo oán thù trong giới võ lâm. Tạ Tốn trở thành điên loạn và gieo kinh hoàng để giải tỏa oán thù nhưng oán cứ chồng chất và tháng ngày trên Băng Hỏa đảo Tạ Tốn trở thành nghĩa phụ của Vô Kỵ.
Hơn mười năm ở băng đảo, Vô Kỵ trở về Trung Nguyên, đau lòng trước cái chết của song thân, thân côi với bao giông bão liên tục dập nát cuộc đời cậu bé, những tay giang hồ hắc bạch lợi dụng và xâu xé Vô Kỵ để truy tìm tung tích của Tạ Tốn với Đồ Long đao. Lớn lên trong nghịch cảnh cuộc đời, Vô Kỵ rơi vào vòng tình trường với bao tình cảnh trớ trêu bên cạnh bốn bóng hồng : Chu Chỉ Nhược, Tiểu Siêu, Ân Ly và Triệu Minh. Hình bóng đầu tiên trong cuộc đời Vô Kỵ là Chu Chỉ Nhược, đệ tử phái Nga My, thông minh, xinh đẹp, thương Vô Kỵ nhưng bị sư phụ là Diệt Tuyệt sư thái bày mưu lấy Đồ Long đao và Ỷ Thiên kiếm của Vô Kỵ rồi bắt thề độc không được kết duyên vợ chồng.
Ân Ly là con gái của người cậu ruột, vì luyện võ công tà đạo nên tàn phai nhan sắc nhưng Vô Kỵ lại yêu thương, tiếc rằng nàng bị ẩn tích trong ngôi mộ để Vô Kỵ tưởng lầm mệnh yểu. Tiểu Siêu là con gái mang hai dòng máu Hán và Ba Tư, nàng là thánh nữ Bái Hỏa giáo, xâm nhập Trung Nguyên để thu thập tin tức, gặp Vô Kỵ, tình yêu nẩy nở nhưng cuối cùng vì quy luật và nàng phải hy sinh cuộc tình vì bổn phận làm con với thân mẫu trong hoàn cảnh nằm trên giàn hỏa. Cuộc tình Vô Kỵ với Triệu Minh với bao sóng gió, ngang trái nhưng được kết thúc rất nên thơ, Triệu Minh là con gái của Nhử Nam Vương, đẹp tuyệt trần, thông minh và mưu mô tràn đầy, quận chúa Triệu Minh theo bước chân của gia đình Mông Cổ vào Trung Nguyên nhằm thôn tính võ lâm để dễ bề thống trị. Gặp Vô Kỵ, tình cảm cô gái lại bén rễ vì vậy Vô Kỵ phải cam chịu bao nỗi đoạn trường bởi nàng can dự vào. Sóng gió trôi qua, con thuyền tình thong dong trên dòng nước để chàng từ nay trở đi ngày ngày vẽ lông mày cho nàng.
Về bối cảnh lịch sử với hình ảnh xuất hiện của Chu Nguyên Chương, trở thành Thái Tổ vương triều Nhà Minh (1368-1644).
* Qua tam bộ khúc và Ỷ Thiên Đồ Long, tên tuổi Kim Dung rạng rỡ trên đài danh vọng. Thiên Long Bát Bộ ra đời trên Minh Báo ngày 3/9/1964 và Nam Dương Thương Báo ở Singapore, kéo dài trong 4 năm. Dịch giả Hàn Giang Nhạn đã đưa Thiên Long Bát Bộ trên nhiều tờ nhật báo ở Sài Gòn vào cùng thời điểm đó. Khi tác phẩm in thành sách lại chia ra : Thiên Long Bát Bộ với 34 hồi và Lục Mạch Thần Kiếm với 160 hồi.
Bối cảnh lịch sử xảy ra trong thế kỷ XI từ đời Tống Anh Tông đến đời Tống Triết Tông ở Trung Hoa. Đất nước lúc đó nằm trong sự tranh chấp quyền lực giữa Bắc Tống với Tây Hạ, Liêu (Khiết Đan) và Đại Lý.
* Với tác phẩm Võ Lâm Ngũ Bá, Kim Dung đã phác họa hình ảnh các nhân vật để làm nền tảng cho các môn phái được xây dựng từ Thần Điêu Đại Hiệp trở về sau. Nước Nam Chiếu có từ đời nhà Đường ở Trung Hoa, đến đời nhà Tống trở thành nước Đại Lý. Nước Đại Lý ở phía Tây Nam Trung Hoa, ngày nay là Vân Nam, được thành lập vào thế kỷ thứ X, kéo dài khoảng 3 thế kỷ. Trong 22 đời vua của nước Đại Lý có đời Bảo Định Đế Đoàn Chính Minh và Trấn Nam Vương Đoàn Chính Thuần, sau đời Đoàn Nam Đế, như vậy sự kiện được diễn tiến theo dòng thời gian của lịch sử Trung Hoa.
Võ Lâm Ngũ Bá không liệt kê trong hai câu đối đề cập về tựa đề tác phẩm của Kim Dung vì được xem như Anh Hùng Xạ Điêu tiền truyện mà tác giả viết bổ túc để độc giả biết cội nguồn diễn tiến của tam bộ khúc đã được hình thành nhưng không ngờ nó trở thành nền tảng cho các môn phái chính mà nhiều tác giả khác sau nầy cũng đề cập đến trong tiểu thuyết võ hiệp.
Trong Võ Lâm Ngũ Bá, Đoàn Nam Đế, ngoại hiệu là Ngọc Động Chân Nhân, hút được huyết và ăn thịt con lươn thần Kim Thiện Vương trong lúc đói khát, mê man bất tỉnh ba ngày, nhờ dị nhân cứu chữa, nhận làm đệ tử. Nhờ vậy, trở thành con người mình đồng da sắt, với võ công thâm hậu, Đoàn Nam Đế trở thành nhân vật lẫy lừng trong Võ Lâm Ngũ Bá, mang lại uy danh cho nước Đại Lý. Đoàn Nam Đế được Trung Thần Thông truyền môn công phu Nhứt Dương Chỉ, trở thành nhân vật lẫy lừng trong giới võ lâm và dòng họ Đoàn. Chán ngán trước danh vọng lắm bon chen, Đoàn Nam Đế xuống tóc đi tu, pháp danh Nhứt Đăng Đại Sư, truyền ngôi lại cho em họ là Đoàn Chính Minh, hiệu là Bảo Định Đế.
* Trong Thiên Long Bát Bộ, hoàng tộc họ Đoàn trải qua thời kỳ tao loạn, Đoàn Diên Khánh là con trai duy nhất của Thượng Đức hoàng đế Hoàng Liêm Nghĩa, bị gian thần giết chết nên Đoàn Diên Khánh bị mất tích, lưu lạc ra Đông Hải. Luyện được võ công thâm hậu, trở lại Đại Lý để báo thù nhưng gặp phải địch thủ hùng mạnh, trong vài lần ác chiến bị thân tàn ma dại, người ngợm khó phân biệt, tâm tính độc ác, đứng đầu trong tứ ác.
Trong khi đó thì Đoàn Chính Thuần, với vương tước và võ công thâm hậu, trở thành thần tượng cho đấng nữ lưu nên mang thói trăng hoa với nhiều bóng hồng, tài sắc một trời. Bên cạnh người vợ là Thư Bạch Phụng, Đoàn Chính Thuần tiếp tục mối tình với Tần Hồng Miên sinh hạ được Mộc Uyển Thanh, rồi tằng tịu với Vương Ngọc Bảo sinh hạ được Chung Linh, Vương Ngọc Bảo lấy Chung Vạn Cừu nên mang ngoại hiệu là Chung Phu Nhân. Đoàn Chính Thuần gian díu với Khang Mẫn, nàng lập cuộc tình với Mã Đại Nguyên, bang phó Cái Bang nên gọi là Mã Phu Nhân ; Đoàn lang cặp tình với người đẹp A La, ngoại hiệu là Vương Phu Nhân, người Tiên Ty nước Đại Yên, sinh hạ được Vương Ngọc Yến, tài sắc vẹn toàn. Lang chạ với Nguyễn Tinh Túc, có hai người con là A Châu và A Tử. Thư Bạch Phụng hận chồng tệ bạc nên đêm khuya rời khỏi phòng với lời tự hứa, gặp bất cứ người nào sẽ hiến thân xác cho bỏ ghét, và trong chốn sơn lâm, gặp kẻ đại gian ác thân xác tàn tạ, hôi hám bởi thương tích, nàng tình nguyện trao thân, nào ngờ đó là Đoàn Diên Khánh, kết quả với bào thai là Đoàn Dự. Oan nghiệt cho Đoàn Dự, tưởng mình là dòng máu của Đoàn Chính Thuần vì vậy cuộc tình xảy ra giữa Mộc Uyển Thanh, Chung Linh, Vương Ngọc Yến với Đoàn Dự với bao điều ngộ nhận, trớ trêu, gặp nhiều trường hợp rắc rối.
Trong thời điểm đó, giữa biên giới của Tống và Khiết Đan ở Sơn Tây có con đường qua lại nơi sơn lâm với cửa ải gọi là Nhạn Môn Quan. Trong cuộc xung đột đẫm máu, các cao thủ võ lâm người Hán đã tàn sát thân mẫu cùng toàn gia họ Tiêu, Tiêu Viễn Sơn nhảy xuống vực thẳm, cậu bé họ Tiêu được sống sót và được gia đình nông dân họ Kiều nuôi dưỡng, đặt tên là Kiều Phong. Sau đó được Huyền Khổ đem vào Thiếu Lâm Tự nuôi dạy và bang chủ Cái Bang Uông Kiếm Thông nhận làm đồ đệ và được nối chức bang chủ. Mã Phu Nhân hận Kiều Phong không biết chiêm ngưỡng dung nhan của mình nên gieo tai họa, Kiều Phong bị tiết lộ dòng máu Khiết Đan, họ Tiêu, vì vậy cuộc đời chàng gặp bao nghịch cảnh dồn dập. Với tình yêu rất trong sáng cùng A Châu nhưng cuối cùng bị gài bẫy nên A Châu chết dưới tay Kiều Phong. Trong khi đó thì thân phụ của Kiêu Phong là Tiêu Viễn Sơn còn sống và tìm cách trá hình ẩn náu trong Thiếu Lâm Tự để trả oán thù nhưng qua năm tháng chứng kiến cảnh đời ô trọc, cửa chùa đã cảm hóa nhân tính.
Bắc có Kiều Phong và Nam có Mộ Dung tạo thành hai nhân vật trẻ tuổi danh tiếng trong giới võ lâm. Mộ Dung Phục nuôi mộng phục quốc nhưng đi vào con đường bá đạo nên trở thành kẻ khùng điên. Kiều Phong trở lại hình ảnh Tiêu Phong mang hình ảnh Khất Đan nhưng sống với Trung Nguyên, tuy bị người Hán nghi ngờ "con người Khất Đan" nhưng bất chấp dư luận, tấm lòng đó được thể hiện vào giờ phút cuối khi Tiêu Phong giải cứu Gia Luật Hồng Cơ, hoàng đế Khất Đan và được phong làm Nam Việt đại vương, thống lĩnh ba quân để đánh Tống. Tiêu Phong không chấp nhận cảnh binh đao nên đứng trước tình thế khó xử, nhân vật anh hùng đã đem cái chết của mình nơi Nhạn Môn Quan để hóa giải bao điều ngộ nhận đáng tiếc gây ra cảnh thương tâm giữa hai nước.
Đoàn Dự qua bao tháng ngày gian nan, vĩnh biệt Tiêu Phong ở Nhạn Môn Quan, trở về Đại Lý với hình bóng Vương Ngọc Yến.
* Tiếu Ngạo Giang Hồ ra đời sau vào năm 1967 đến năm 1969. Gồm 224 hồi, được đăng tải trên Minh Báo và nhiều tờ báo tiếng Hoa, tiếng Việt và tiếng Pháp. Tiếu Ngạo Giang Hồ là pho võ công độc đáo được kết hợp bởi Lưu Chính Phong là sư đệ của Mạc Đại tiên sinh, chưởng môn phái Hành Sơn, chánh đạo và Khúc Dương, trưởng lão Ma Giáo, cao thủ của Triêu Dương thần giáo, hắc đạo. Hai tay cao thủ bất kể lời ngăn cản của hai giới hắc bạch xem như kẻ thù truyền kiếp mà đem thiết cầm của Khúc Dương và tiêu phổ của Lưu Chính Phong tạo thành khúc nhạc Tiếu Ngạo Giang Hồ khi song tấu, đem vi diệu của âm nhạc vào công phu toàn bích của võ công.
Tiếu Ngạo Giang Hồ đề cập đến Ngũ Nhạc kiếm phái gồm : Hằng Sơn ở Bắc nhạc với chưởng môn Định Nhàn, Hoa Sơn ở Tây nhạc với chưởng môn Nhạc Bất Quần, Thái Sơn ở Đông nhạc với chưởng môn Thiên Môn chơn nhân, Hành Sơn ở Nam nhạc với chưởng môn Mạc Đại tiên sinh và Tung Sơn ở Trung nhạc với chưởng môn Tả Lãnh Thiền.
Bên cạnh Ngũ Nhạc kiếm phái đó, có Phước Oai tiêu cục của dòng họ Lâm với tổ phụ Lâm Viễn Đồ có môn võ công Tịch Tà Kiếm Phổ với 72 đường kiếm độc bá thiên hạ. Bởi môn võ công nầy mà dòng họ Lâm bị sát hại và các môn phái truy tìm, rồi bày ra thủ đoạn sát hại lẫn nhau.
Trong khi đó thì phía hắc đạo với Triêu Dương thần giáo ở Hắc Mộc Nhai có Nhậm Ngã Hành và Đông Phương Bất Bại làm giáo chủ, gây kinh hoàng trong chốn võ lâm.
Muốn luyện Tịch Tà Kiếm Phổ và Quỳ Hoa Bảo Điển phải dẫn đao tự cung nhưng các tay cao thủ ham danh vọng nhằm thống lĩnh võ lâm thì bất chấp sự biến dạng của thân thể nên đã tạo ra bao tình huống thật trớ trêu, ái nam ái nữ.
Cuộc tình với hai khuôn mặt trẻ là Lệnh Hồ Xung, đệ tử phái Hoa Sơn với Nhậm Doanh Doanh, con gái Nhậm Ngã Hành mang đến sự rắc rối của hai trẻ phá lệ hắc bạch trong lằn ranh phân định trong võ lâm. Đối đầu với bao thử thách và hiểm nguy, Lệnh Hồ Xung không kết hợp với các mối tình trong chính phái mà cùng với Nhậm Danh Doanh đi tròn cuộc đời với cầm phổ và tiêu phổ.
* Lộc Đỉnh Ký xuất hiện trên Minh Báo từ ngày 24/10/1969 đến ngày 24/09/1972, gồm 248 hồi. Sau khi hoàn thành Lộc Đỉnh Ký, Kim Dung tuyên bố gác bút,
Bối cảnh câu chuyện trong lịch sử Trung Hoa, trong phần dẫn nhập, Kim Dung viết : "Về triều Khang Hy nhà Mãn Thanh" vào thế kỷ XVII. Theo lịch sử thì người Mãn Châu, nguyên là bộ tộc của người Nữ Chân, khi xâm chiếm Trung Nguyên nhà Mãn Thanh ra lệnh phải gọi là Mãn Châu. Câu chuyện dựa vào thời điểm nhân vật lịch sử là Khang Hy hoàng đế, Lý Tự Thành, Ngô Tam Quế, Trần Viên Viên... và tổ chức Thiên Địa Hội cùng các nhân vật hư cấu trong thế giới võ lâm.
Trong thành Nhã Khắc Tất, trên núi Lộc Đỉnh là ngọn núi cao nhất của Mãn Châu, thiên nhiên hùng vỹ, phong thủy kỳ bí, vùng đất địa linh. Nơi đó có trái núi bí mật, tổ tiên người Thát Đát ở Mãn Châu táng tại địa thế có long mạch tuyệt hảo nên được hiển vinh, dựng cơ nghiệp nhờ long mạch hộ trì. Ngoài ra, còn có kho tàng Châu báu vô song được chôn cất trong tòa Bảo Sơn ở trái núi đó. Bí mật trọng đại được ghi trong tám bộ Tứ Thập Nhị Chương Kinh do tám kỳ chủ nắm giữ nên có sự phân tán. Người Mãn Châu muốn bảo vệ long mạch đó còn người Hán muốn khám phá để triệt nên địa danh đó rất hệ trong cho sự tồn vong của dân tộc. Vua Khang Hy lấy tên ngọn núi Lộc Đỉnh với chức công để ban cho Vi Tiểu Bảo là Lộc Đỉnh công, chức vụ cao nhất trong triều đình.
Câu chuyện xoay quanh nhân vật Vi Tiểu Bảo, cậu bé xuất thân từ chốn lầu xanh lạc vào triều đình, bầu bạn với vua Khang Hy, hoàng đế thứ tư của triều Mãn Thanh, lên ngôi lúc 8 tuổi. Nhờ tài khôn vặt nên Vi Tiểu Bảo đã tạo thế đứng cho bản thân từ triều đình đến chốn võ lâm với bao cuộc tình vây quanh nhân vật dốt đặc cán mai và láu cá.
Kết thúc câu chuyện khi Vi Tiểu Bảo cùng bảy người vợ Tô Thuyên, Phương Di, A Kha, Tăng Nhu, Mộc Kiếm Bình, Song Nhi, Kiến Ninh công chúa thu thập tài vật, cải trang về Dương Châu đón thân mẫu rồi xuống đất Vân Nam mai danh ẩn tích ở thành Đại Lý.
Hoàng đế Khang Hy sai người đi tìm nhưng không truy ra manh mối còn Vi Tiểu Bảo cũng thèm kho tàng ở Lộc Đỉnh nhưng nghĩ mình đã giàu có cùng bầy vợ chung quanh và nghĩ đến giao tình với nhà vua nên không muốn phiêu lưu xâm phạm kho tàng bí mật làm tổn thương long mạch của nhà Mãn Châu.
* Liên Hành Quyết hay Tố Tâm Kiếm xuất hiện năm 1963, gồm 49 hồi, xuất hiện trên Minh Báo và Đông Nam Á tuần san ở Singapore, câu chuyện nói về nhân vật chàng trai trẻ Địch Vân được thọ giáo sư phụ là Thích Thường Phát. Con gái của Thích Thường Phát là Thích Phương cùng Địch Vân trở thành đôi bạn và có cảm tình mật thiết với nhau. Địch Vân xuất thân từ dân dã, bản tính chân thật, ngây ngô, không biết gì về thủ đoạn trong cuộc sống. Khi con trai của Vạn Chấn Sơn là Vạn Khuê gặp Thích Phương liền mê say nên bày trò nham hiểm làm cho Địch Vân bị các trận đòn và đau khổ nhất khi Thích Phương ngộ nhận Địch Vân là kẻ đồi bại nên tìm cách lánh xa.
Khi gặp Thủy Sinh, Địch Vân vì ăn mặc giống kẻ thù nên ra lệnh thủ hạ cho ngựa giẫm nát chân nhưng cảnh đời trớ trêu, Địch Vân và Thủy Sinh gặp nhau nơi tuyệt cốc, tình cảm bén mùi nhưng giữ gìn được sự trong sáng với nhau nhưng rồi cũng bị hàm oan.
Nghe tin môn võ công cái thế Liên Thành kiếm phổ dấu trong pho Đường Thi tuyển tập, bốn chữ đầu là Giang Lăng Thành Nam, Thích Trường Phát cùng đồng môn cất công tìm kiếm rồi sinh ra manh tâm ám hại lẫn nhau. Sống trong bối cảnh đó nhưng Địch Vân vẫn giữ được tâm hồn trong sáng của mình nên đã có những hành động cao đẹp và tìm cách ẩn cư nơi quan ngoại, cuộc tình lại đến với chàng trai trong khung cảnh vắng lặng đó nhưng rồi sự thôi thúc của nguồn tin về kiếm phổ đang gây chấn động trong chốn võ lâm nên chàng nhập cuộc để hiểu được tình thế.
Kết thúc câu chuyện khi phơi bày chân tướng trong tình huynh đệ lúc tìm ra bảo tàng thì Vạn Chấn Sơn dùng thủ đoạn ám hại sự đệ là Thích Trường Phát nhưng nhờ Địch Vân đến cứu thoát và nhân đó Thích Trường Phát sát hại luôn Vạn Chấn Sơn.
Lợi dụng thời cơ gần nhau, Thích Trường Phát dùng đao trủy thủ đâm vào lưng Địch Vân nhưng lúc nầy chàng đã trau dồi võ công cao siêu nên chụp được cánh tay và nhờ mặc Ô Tằm Giáp nên mới thoát chết. Bởi danh lợi làm lòng người tráo trở, thôi thúc con người Thích Trường Phát trở nên xấu xa ngay cả đệ tử và cũng là ân nhân của ông.
Ngoài ra, các tác phẩm thuộc loại đoản thiên tiểu thuyết như Bạch Mã Khiếu Tây Phong (1960) chỉ có 3 hồi, Uyên Ương Đao (1961) không chia ra hồi nào, Hiệp Khách Hành (1965) tựa đề bài thơ của Lý Bạch và Việt Nữ Kiếm (1976). Ngoài các nhân vật trong Việt Nữ Kiếm có tính cách lịch sử, các nhân vật trong các đoản truyện trên hầu như không có gì đặc sắc, độc đáo nên ít được nhắc tới.
***
Tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung tuy có tính cách giải trí nhưng tạo được sức thu hút độc giả mọi giới, mỗi giới có cái nhìn riêng về khía cạnh nhân vật trong tác phẩm. Kim Dung, Lương Vũ Sinh ở Hồng Kông và Cổ Long (1937-1985) ở Đài Loan được mệnh danh là "Võ lâm tam đại minh chủ".
Sau khi Kim Dung gác kiếm để chu du khắp nơi trên thế giới, trong các cuộc hội thảo với sinh viên và độc giả, ông có dịp trình bày quá trình hình thành từng tác phẩm của mình. Theo ông, ngoài những dữ kiện lịch sử, câu chuyện tiểu thuyết hoàn toàn hư cấu, ngay cả những pho võ công, tưởng chừng như thật nhưng do óc sáng tạo dựa trên căn bản của võ thuật. Đọc tác phẩm Kim Dung, cảm nhận được nền văn hóa Trung Hoa ẩn hiện trong thời đại đó.
Sau mười năm tác phẩm của Kim Dung được phổ biến ở Trung Quốc, năm 1994, nhân dịp nhận chức Giáo sư danh dự của Viện Đại học Bắc Kinh, ông cho biết tiểu thuyết võ hiệp có được khá nhiều độc giả ưa thích không vì ở những chuyện đánh đấm, ở những tình tiết lâm ly, khúc chiết của câu chuyện hấp dẫn mà chủ yếu là vì hình thức truyền thống văn hóa ; trong đó chứa đựng triết lý nhân sinh, diễn đạt những quan niệm về văn hóa xã hội Trung Hoa cũng như tư tưởng tình cảm, nhân tình thế thái, phong tục tập quán, đạo đức cùng những thị phi của người Trung Hoa.
Kể từ thập niên 60 ở Miền Nam Việt Nam, tác phẩm của Kim Dung được đón nhận nồng nhiệt với mọi giới, sau năm 1975, cấm lưu hành vì bị kết án là mang tính hoang đường và sau năm 1985, Trung Quốc cho phổ biến tác phẩm Kim Dung thì vài năm sau đó, ở Việt Nam tác phẩm của ông được lưu hành dễ dàng. Ngày nay thì tác phẩm của Kim Dung trở thành quen thuộc và ăn khách như giữa thập niên 60 và 70, đồng thời tên tuổi của ông còn được đánh bóng khá nhiều. Trước năm 1975, ở Sài Gòn có vài tác phẩm với tựa đề rất lạ nhưng để tên nguyên tác của Kim Dung để câu độc giả, suy cho cùng, tên tuổi nhà văn võ hiệp nầy đã ảnh hưởng đến độc giả Việt Nam rất lớn.
Trong Tự Điển Văn Học, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1984, tập II, trang 450 & 451 viết :
"Một loại truyện của Đài Loan, Hồng Kông, được dịch và in rất nhiều ở Sài Gòn trong những năm Mỹ Ngụy thống trị... Truyện "chưởng" của Kim Dung thể hiện đầy đủ những đặc điểm và tính chất của loại "văn chương tiêu dùng". Kim Dung có tài sử dụng thủ thuật, mánh lới tinh xảo, tham bác nhiều kỹ xảo của điện ảnh, của loại truyện phiêu lưu, trinh thám hay huyền thoại... Để hấp dẫn tuổi trẻ và kích thích thị hiếu người đọc, Kim Dung còn thêu dệt những mối tình đuối bắt rắc rối tay ba, tay tư, thậm chí tay bảy, tay tám.
Tình yêu éo le, phức tạp trong truyện là nhằm thỏa mãn những ham muốn đen tối. Tình yêu là tất cả, là cứu cánh, là lẽ sống, là chỗ về của những cao thủ. Thực chất đó là một thứ tình yêu hưởng lạc, thoát ly, chạy trốn thực tại... Truyện chưởng đã thực sự trở thành loại sản phẩm của chủ nghĩa thực dân mới, góp phần đầu độc tinh thần, tình cảm nhân dân Miền Nam Việt Nam trong nhiều năm trước đây, và tàn dư độc hại của nó đến nay vẫn cần phải tiếp tục được thanh toán triệt để".
Có lẽ, thời điểm đó Trung Quốc còn cấm cửa tác phẩm Kim Dung nên giới phê bình văn học Việt Nam cũng phải theo đuôi để chỉ trích, nhưng qua năm sau, 1985, thì tác phẩm của ông đi vào đại lục nên giới phê bình lại "nghiên cứu" đợi thời cơ ! Khi Kim Dung được mời sang Bắc Kinh để vinh danh và thuyết giảng ở đại học thì "văn chương tiêu dùng" được phổ biến tràn ngập và ăn khách nhất nước kéo dài từ Lạng Sơn tới Cà Mau.
Tuần báo The Economist ở Luân Đôn vào mùa xuân năm 1999 đã viết bài nghiên cứu về Hiện tượng Kim Dung cho biết cả Đặng Tiểu Bình lẫn Tưởng Kinh Quốc đều mê đọc tác phẩm Kim Dung.
Trong bài phỏng vấn của Lê Văn Nghĩa "Mỗi kỳ một nhân vật" trên báo Kiến Thức Ngày Nay. Lê Văn Nghĩa đặt câu hỏi :
"Nếu phải một mình sống... nơi hoang đảo, thì quyển sách duy nhất ông mang theo là gì ?".
- Tiếu Ngạo Giang Hồ
- Như vậy ông thích đọc chưởng ?
- Rất thích, nếu không nói là mê, nhưng chỉ truyện chưởng của Kim Dung".
Kể từ lúc Trần Bạch Đằng thấy Nguyễn Văn Linh cho thổi làn gió nhẹ "cởi trói" nên công khai trên báo đã mê chưởng, nhiều nhân vật trong đảng và nhà nước cộng sản tìm kiếm tác phẩm của Kim Dung về miệt mài nghiền ngẫm.
Trải qua dòng thời gian vài thập niên, nhân vật hư cấu trong tác phẩm của ông có khía cạnh độc đáo, đặc biệt... nó gần gũi hình ảnh trong cuộc sống hiện tại. Nhiều nhân vật trong tác phẩm của Kim Dung trở thành phổ thông đến nỗi khi bắt gặp nhân vật nào trong đời sống bình thường, chỉ cần nói tên trong nhân vật của Kim Dung tạo dựng, cũng hình dung được đối tượng đề cập.
Và, vài nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm võ hiệp Kim Dung được phác họa tổng quát để đọc và ngẫm.
Vương Trùng Dương
(Trích trong Ngẫm Chuyện Nhân Sinh 2004)
Nguồn : VOA, 02/11/2018
Ghi chú :
Những địa danh bàng bạc trong tác phẩm Kim Dung : Trung Hoa chiếm trên diện tích rộng lớn, chạy dài từ kinh tuyến 75 đến kinh tuyến 125 và từ vỹ tuyến 25 lên vỹ tuyến 55 với diện tích hơn 3 triệu rưỡi dặm vuông (trên 9 triệu rưỡi cây số vuông).
Phía Đông, chạy dọc từ Bắc xuống Nam có các tỉnh Hắc Long Giang (Heilongjiang) giáp biên giới Nga, Kiết Lâm (Jilin) và Liêu Ninh (Liaoning) giáp biên giới Triều Tiên và dọc theo ven biển Thái Bình Dương gồm các tỉnh Hà Bắc (Heibei) có thủ đô Bắc Kinh, thành phố Thiên Tân... Sơn Đông (Shandong), Giang Tô (Jiangsu) có thành phố Nam Kinh, Thượng Hải... Triết Giang có thành phố Hàng Châu, Giang Tô... Phúc Kiến (Fujian) có thành phố Phúc Châu... và Quảng Đông.
Từ Đông sang Tây có Quảng Đông (Guangdong), Quảng Tây (Guangxi), Vân Nam (Yuannan) giáp biên giới Việt Nam cũng là Đại Lý của dòng họ Đoàn. Chạy dần vế hướng Bắc có Sơn Tây (Shansi), nơi đây có cửa ải của Vạn Lý Trường Thanh với Nhạn Môn Quan thuộc dãy Hằng Sơn. Phúc Kiến (Fujian), Giang Tây (Jangxi), Hồ Nam (Hunan), Quý Châu (Guizhou) ; Triết (Chiết) Giang (Zhejiang), An Huy (Anhui), Hồ Bắc (Hubei), Tứ Xuyên (Sichuan), Tây Tạng (Tibet — bị xâm chiếm vào thập niên 50), Giang Tô (Jiangsu) Hà Nam (Henan), Sơn Tây (Shaanxi), Sơn Đông (Shandong), Hà Bắc (Hebei), Ninh Hả (Ningxia) Cam Túc (Gansu), Thanh Hải (Qinghai), Tân Cương (Xingjiang) ; và Nội Mông (Inner Mongolia - phần đất của Mông Cổ) nằm về phái Tây của 3 tỉnh Đông Bắc : Liêu Ninh (Liaoning), Kiết Lâm (Jilin), Hắc Long Giang (Heilongjiang)...