Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

01/11/2018

Đường đến Việt Nam của Kim Dung

Nguyễn Viện

Không nghi ngờ gì, có thể nói nhà văn vừa qua đời, tác giả của 15 bộ truyện, Kim Dung (6/2/1924 - 30/10/2018) là người được đọc nhiều nhất Châu Á với trên 300 triệu bản in, không kể sách in lậu và những người đọc trên feuilleton các nhật báo, từ Hongkong tới Việt Nam.

kd1

Nhà văn Kim Dung (1924-2018)

Tôi còn nhớ những năm trước 1975, Sài Gòn với vô số tờ báo tư nhân, không chỉ hấp dẫn độc giả bằng những thông tin nóng, từ chiến sự đến chính trị, mà còn chính bởi những tiểu thuyết nhiều kỳ, đăng hàng ngày trên các nhật báo (không dưới 4 tiểu thuyết mỗi báo), trong đó đáng kể nhất phải là những tiểu thuyết kiếm hiệp theo những chuyến bay từ Hongkong đến Tân Sơn Nhứt và được dịch ngay sang tiếng Việt, hàng ngày. Cũng xin nói ngay, dịch giả nổi tiếng nhất lúc đó là Hàn Giang Nhạn. Và tác giả tài năng nhất là Kim Dung.

Đôi khi, những chuyến bay đó cũng trễ, báo ra không kịp. Người đọc không khỏi hụt hẫng. Có lẽ không một ai, khi đã đọc tiểu thuyết kiếm hiệp, đặc biệt với Kim Dung, lại không khỏi mất ăn, mất ngủ vì ghiền.

Vì sao Kim Dung hấp dẫn ?

Điều đầu tiên có thể nói về tiểu thuyết Kim Dung là sự uyên bác về kiến thức cùng sự sâu sắc về triết lý của ông. Trong hầu hết tác phẩm của Kim Dung đều có bối cảnh lịch sử với những con người thật bên cạnh các nhân vật hư cấu. Điều ấy khiến cho lịch sử trở nên gần gũi hơn. Những bàn luận của ông theo kiểu trà dư tửu hậu cũng mang đến cho độc giả những bất ngờ thú vị. Nó cung cấp cho người đọc không những sự hiểu biết về y học, võ công mà còn cả những thú vui tao nhã như uống rượu hay sự lãng mạn của tình yêu.

Một bất ngờ khác của Kim Dung còn là nỗ lực đề cao nữ quyền, một khái niệm rất mới trong bối cảnh tùng phục truyền thống trọng nam khinh nữ của Trung Hoa. Một Hoàng Dung ranh mãnh của anh "trâu nước" Quách Tĩnh. Một Triệu Minh dịu dàng nhưng quyết liệt của kẻ si tình Trương Vô Kỵ. Một Nhậm Doanh Doanh bất chấp của lãng tử Lệnh Hồ Xung… Dường như những nhân vật nữ của Kim Dung đã không ngại ngần gì trước hung hiểm của giang hồ, cũng như những gã trai lang bạt, võ công cái thế.

Kim Dung là người Trung Hoa, vì thế cái gọi là võ học Trung nguyên, cũng chỉ là một tinh thần Đại Hán. Mặc dù, trong tiểu thuyết của Kim Dung không thiếu những nhân vật Tây Vực, Mông Mãn phía bắc, hay những truyền nhân phía Nam. Trung nguyên vẫn được đề cao như minh chủ võ lâm.

kd2

Thế giới xuống cấp khi giới trẻ thôi đọc Kim Dung - lời chia sẻ trên mạng Weibo của Trung Quốc

Một chi tiết khác rất đáng lưu ý, nhân vật Vi Tiểu Bảo về cuối truyện Lộc Đỉnh Ký, đã chọn Senkaku (tên gọi theo Nhật Bản) hay đảo Điếu Ngư (tên gọi theo Trung Quốc) để vui hưởng trần gian với 7 cô vợ xinh đẹp của mình. Phải chăng, đây cũng là cách khẳng định chủ quyền ?

Trong số các nhân vật của Kim Dung, theo tôi không phải Lệnh Hồ Xung, Quách Tĩnh, Đoàn Dự, Trương Vô Kỵ, Tiêu Phong… những tay võ công siêu quần bạt chúng, khí tiết anh hùng, mà chính Vi Tiểu Bảo mới là nhân vật bất ngờ nhất, quái đản nhất. Kẻ lưu manh, thời cơ ấy tiêu biểu cho tính thời đại nhất, phản kiếm hiệp nhất, phản anh hùng nhất. Bên cạnh đó, một thành tựu khác phải kể đến là nhân vật Nhạc Bất Quần, đại diện cho mẫu người "ngụy quân tử" đầy rẫy trong xã hội đương đại. Một hình ảnh sống động nhất mô tả các chính khách ngày nay.

Sự thâm sâu của Kim Dung có lẽ có cội nguồn từ truyền thống gia đình. "Dòng họ Kim Dung có một nhà để sách gọi là "Tra thị tàng thư" nổi tiếng khắp vùng Chiết Tây, chứa rất nhiều sách cổ..." (theo Wikipedia). Sau này, ông cũng có thời gian làm việc ở Thư viện Trung ương. Kim Dung là người đọc nhiều sách từ nhỏ và đã viết từ rất sớm. Năm 15 tuổi, ông đã viết "Dành cho người thi vào sơ trung" và được một nhà xuất bản chính qui phát hành.

Kim Dung trở lại Việt Nam thế nào ?

Sau biến cố 30/04/1975, cũng như các văn hóa phẩm khác của Miền Nam, tiểu thuyết của Kim Dung cũng bị thiêu hủy và đưa vào hàng sách cấm.

Mãi đến khoảng 1994-1995, những nỗ lực đầu tiên để mang Kim Dung trở lại với độc giả Việt Nam phải kể đến công đầu của bà Phan Thị Lệ, Tổng Giám đốc Công ty sách Phương Nam ở Sài Gòn. Ngoài những vận động trong nước, bà Lệ còn sang Hong Kong gặp trực tiếp Kim Dung để thương thảo bản quyền.

Có thể nói đó là một hành động dũng cảm. Bên cạnh vấn đề tư tưởng văn hóa chính trị của chế độ mà bà Lệ phải đối phó, vấn đề tác quyền là một cố gắng lớn của Phương Nam vào thời điểm đó. May mắn thay, được biết nhà văn Kim Dung đã tỏ ra rất hào phóng với độc giả Việt Nam. Ông chỉ tính tiền tác quyền trên từng tác phẩm sau khi phát hành và theo số lượng bản in. Ông cũng hứa sẽ sang Việt Nam dự buổi ra mắt sách. Nhưng rất tiếc, do sức khỏe, ông đã không thể gặp gỡ bạn đọc ái mộ ở Việt Nam.

Nhân tiện, tôi cũng muốn nói điều này : Để cho các tác phẩm có giá trị của thế giới có thể xuất bản ở trong nước sau thời kỳ hủy diệt văn minh nhân loại, chúng ta cần tri ân những người làm sách ở Sài Gòn.

Những người một thời bị báo chí gọi bỉ bôi là "đầu nậu sách". Chính họ đã bằng mọi cách, bất chấp rủi ro, từ an toàn chính trị đến tài chánh, để vận động cho in những tác phẩm "khó ăn" nhất như triết học (tất nhiên ngoài hệ thống tư tưởng chủ đạo của nhà cầm quyền) đến các loại sách mà chúng ta bây giờ gọi là "khai dân trí". Những vận động ấy, trong cơ chế này, không chỉ là thuyết phục, bên cạnh những chiêu trò không chỉ nghiêm túc như trường hợp bà Lệ với tiểu thuyết Kim Dung, có thể còn là những thứ khác … (tự kiểm duyệt).

Nguyễn Viện

Nguồn : BBC, 01/11/2018

Quay lại trang chủ
Read 620 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)