Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Dưới đây là cuộc phỏng vấn ngắn với nhà văn Nguyễn Viện đang sống tại Sài Gòn về ngày 30/4/1975.

nguyenvien0

Nhà văn Nguyễn Viện đang sống tại Sài Gòn

Song Chi : Đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày 30/4/1975. Nhìn lại, theo anh bài học nào dân tộc Việt Nam có thể rút tỉa được sau biến cố lịch sử này ?

Nguyễn Viện : Bài học không chỉ dành cho người thua cuộc, mà cả bên thắng cuộc cũng cần phải học bài học lịch sử đau thương này. Cho dẫu là chiến tranh hay hòa bình, dân tộc chúng ta, phe chúng ta, hay mỗi chúng ta đều cần phải chủ động nắm giữ nó. Không nắm giữ được nó, chỉ có nghĩa là chúng ta đánh thuê cho người khác. Và chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của chính mình.

Song Chi : Những giá trị nào của Việt Nam Cộng Hòa đã không bị mất đi cho dù gần nửa thế kỷ trôi qua ?

Nguyễn Viện : Trước hết, phải nói đến giá trị về thể chế : một chế độ xã hội dân chủ phù hợp với thời đại, văn minh nhân loại.

- Một nền giáo dục nhân bản và khai phóng.

- Một nếp văn hóa hài hòa và vị tha, vừa truyền thống vừa hiện đại.

Song Chi : Tại sao đảng Đảng cộng sản Việt Nam đến nay vẫn tồn tại ?

Nguyễn Viện : Vì không ai có khả năng lật đổ nó. Đó là câu trả lời có thể chính xác và thực tế nhất.

Song Chi : Những sai lầm, những tội ác và những di hại nào lớn nhất mà chế độ độc tài toàn trị đã và đang gây ra cho Việt Nam ?

Nguyễn Viện : Sai lầm lớn nhất của Đảng cộng sản Việt Nam là chọn lầm thể chế. Và vì thể chế sai lầm nên hệ quả của sai lầm ấy sẽ còn di hại lâu dài. Đặc biệt là về sự tha hóa con người.

Song Chi : Tại sao có thể nói Việt Nam Cộng Hòa không phải là quá khứ mà là tương lai của Việt Nam ?

Nguyễn Viện : Bởi vì Việt Nam Cộng Hòa là một mô hình xã hội được coi là hoàn chỉnh nhất cho đến thời điểm này của lịch sử con người. Một xã hội dân chủ tam quyền phân lập.

Song Chi : Anh có nghĩ rằng chỉ trong vòng 10 năm nữa thôi nếu chế độ độc tài do Đảng cộng sản lãnh đạo vẫn tồn tại trong khi những người trực tiếp hoặc gián tiếp hiểu về cuộc chiến tranh Việt Nam, hiểu về chế độ Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa, lúc đó lịch sử cho tới văn hóa của Miền Nam sẽ bị xóa trắng ?

Nguyễn Viện : Không, tôi cho rằng Đảng cộng sản cho dù có muốn cũng không thể xóa trắng điều gì khi nó đã trở thành lịch sử hay văn hóa, nhất là trong thời đại internet thông tin toàn cầu như hiện nay. Ngoài ra, chúng ta cũng đang chứng kiến sự quật khởi văn hóa tinh hoa của người Việt mà người Miền Nam đã gìn giữ được, bất chấp sự chuyên chính cộng sản.

Song Chi : Có hy vọng gì Việt Nam thoát khỏi chế độ Cộng sản và quỹ đạo Trung Cộng, dựa trên những yếu tố, dữ liệu chứ không phải bi quan hoặc lạc quan chung chung ?

Nguyễn Viện : Chế độ Cộng sản thì người Việt Nam có thể thoát được do tự nó chuyển biến, chuyển hóa hoặc một cuộc lật đổ từ trên thượng tầng. Nhưng ảnh hưởng của Trung Cộng do yếu tố địa lý và văn hóa với Việt Nam vẫn sẽ là một định mệnh. Vấn đề chỉ là dân tộc Việt Nam có thể tự cường đến đâu để giảm thiểu sự ảnh hưởng đó.

Song Chi : Mỗi người nên làm gì, và có thể làm gì cho đất nước trong bối cảnh hiện tại ?

Nguyễn Viện : Góp phần nhỏ bé của mình vào sự tự cường dân tộc không chỉ bằng sức mạnh vật chất, mà còn cần một tinh thần độc lập cá nhân từ trong tư duy đến hành động, hay cách hành xử của mình với cộng đồng, đặc biệt là với chế độ bằng một thái độ trung thực, thẳng thắn.

Song Chi : Tại sao đã gần nửa thế kỷ, chính sách của nhà nước cộng sản Việt Nam đối với tất cả những cái gì thuộc về Việt Nam Cộng Hòa, từ sự thật lịch sử, con người (dù còn sống hay đã chết) cho tới di sản văn hóa nghệ thuật v.v... vẫn không thay đổi ? Điều đó nói lên điều gì ?

Nguyễn Viện : Bởi vì, họ là người chiến thắng và cần phải duy trì sự chiến thắng ấy.

Điều tôi muốn nói thêm : Những người tự nhận là Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là những người Việt tị nạn vì lý tưởng tự do phải làm gì khi Mỹ vẫn coi cuộc chiến tranh 1954-1975 là cuộc chiến của họ với người Cộng sản phía Bắc mà họ gọi là "Cuộc chiến tranh Việt Nam". Cho đến nay mọi nỗ lực chữa lành lương tâm Mỹ trong mọi nghiên cứu, báo chí hay điện ảnh…của người Mỹ theo cách họ đang làm là một kiểu giẫm đạp một đồng minh đã ngã ngựa. Vai trò cũng như thân phận của người thua cuộc Việt Nam Cộng Hòa, một bên chính yếu của cuộc chiến tranh ấy bị Mỹ không coi là một thực thể pháp lý có chính nghĩa, đã tồn tại như một quốc gia, một dân tộc, một tiếng nói, một tư cách. Những người tị nạn Việt Nam trong điều kiện có thể đã làm gì để lấy lại danh dự của mình trong cái nhìn của đối phương cũng như của đồng minh và thế giới ?

Song Chi : Cảm ơn anh.

Song Chi

Nguồn : RFA, 27/04/2023

Published in Văn hóa

Những thần tượng có thật không ? Có thể họ được phóng chiếu qua ánh sáng truyền thông và trở nên huyền ảo, nhưng điều cốt lõi không thể phủ nhận, các thần tượng đã mang đến cho người hâm mộ nhiều cảm hứng và cả những ước mơ.

thantuong1

'Thần tượng' quái gở của giới trẻ Việt - Nguoi Viet Online

Thời tuổi trẻ của chúng tôi, lãng mạn và cách mạng. Những "Cậu hoàng con" của Saint Exupery, những Thằng Vũ - Con Thúy của Duyên Anh gieo vào tâm thức chúng tôi cái đẹp nhân hậu và thanh thoát.

Những Kiều Phong, Lệnh Hồ Xung của Kim Dung hay Trần Đại, James Dean Hùng của Duyên Anh, Holden Caulfield trong Bắt trẻ đồng xanh của J. D. Salinger tuy giang hồ hay nổi loạn nhưng anh hùng kiêu bạc, tạo nên những trào lưu trong cách chúng tôi chọn lựa một phong cách sống.

Say đắm

Chúng tôi say đắm từ "Kín cửa", "Những bàn tay bẩn" của Jean Paul Sartre đến các "hố thẳm" của Phạm Công Thiện, "Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi" với "đười ươi" của Bùi Giáng. Chúng tôi bận lòng từ Shakespeare đến Heidegger, Lương Kim Định… Và ngay cả anh chàng cách mạng rất tiểu tư sản nhưng nhân danh vô sản như Che Guevara cũng làm chúng tôi chao đảo.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng quan tâm đến những vấn đề khác của thời đại, mà cuốn "Ni Marx Ni Jesus" của J. F. Revel là một ví dụ.

Thế còn yêu đương thì sao ?

Có lẽ trong thế hệ chúng tôi không mấy ai không biết "ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới" (thơ Thanh Tâm Tuyền), rất xao xuyến hiện sinh (hay hậu hiện sinh buồn bã ?).

thantuong2

Cuộc sống mong manh, vì thế, chúng tôi truy tìm ý nghĩa trong trạng thái "giải trừ kiến thức" cũng như níu giữ nồng nàn cuộc đời này một cách đậm đặc "Lê Uyên Phương".

Lao đao trong chiến tranh, nhưng sống ở miền Nam, chúng tôi không mang tâm lý thù hận như những người đồng thời ở phía Bắc.

Cuộc sống mong manh, vì thế, chúng tôi cần tận hưởng cũng như tri kiến về nó, không phải "yêu cuồng, sống vội" như những kẻ đạo đức giả hay tuyên truyền rẻ tiền nói về hiện thực miền Nam, mà chúng tôi truy tìm ý nghĩa trong trạng thái "giải trừ kiến thức" (Krishnamurti) cũng như níu giữ nồng nàn cuộc đời này một cách đậm đặc "Lê Uyên Phương".

Nếu có điều gì để "làm màu" thì chúng tôi sẽ cầm tờ tạp chí Văn hay một quyển sách triết vào quán cà phê.

Chúng tôi không tôn thờ lãnh tụ, mặc dù chúng tôi vẫn có những mẫu mực để vươn tới hay vượt qua.

Chúng tôi không quỳ dưới chân thần tượng. Trên vai họ, chúng tôi nhảy lên sống cuộc đời mình. Kiêu hãnh.

Cuộc chiến tranh tương tàn, khốc liệt, chúng tôi có thể đã ngã xuống, đã thương tích, nhưng cho dù có vô vọng tới đâu, chúng tôi vẫn tự bước đi. Không ủy mị.

Lo lắng ?

Thế hệ bây giờ thế nào ?

Có thể đã rất khác.

Nếu các bạn ngưỡng mộ Bill Gates của Microsoft, Steve Jobs của Apple hoặc ngay cả Putin nước Nga (trong tính cách người hùng của nhà độc tài này) thì đấy chính là "hồng phúc của dân tộc".

Nhưng tôi có nản lòng không, khi thần tượng của các bạn là những diễn viên, nghệ sĩ xinh đẹp ? Và đa số các bạn không biết gì về những nguy cơ của đất nước đang phải đối đầu ?

Điều kiện hay bối cảnh của các bạn khác hơn. Ở bất cứ đâu, tôi cũng nhìn thấy hình ảnh người người cầm smartphone chăm chú chát chít hay lướt mạng, thay vì đọc một quyển sách.

Tôi cho rằng bạn có quyền yêu những gì hợp với bạn. Nhưng tôi đã thực sự ngạc nhiên khi phát hiện ra có từ hàng trăm ngàn đến hàng triệu người dành sự quan tâm của mình cho những clip của nhân vật dường như thể hiện sự dễ dãi quá độ.

Lạc quan

Tuy nhiên, ở một phía khác, tôi vẫn nhìn thấy sự lạc quan. Bởi vì tôi biết một cách chắc chắn, khi nhìn sâu vào bên trong, bên cạnh các bạn thích truyện ngôn tình Trung Hoa, tôi cũng nhìn thấy có rất nhiều người tài năng và có tâm huyết với sự phát triển đất nước, trong mọi lãnh vực từ kinh doanh đến khoa học, văn hóa nghệ thuật và chính trị.

Họ âm thầm hoạt động như một mạch ngầm nhưng mãnh liệt, không ngừng khơi dậy những tiềm năng góp phần làm thay đổi bộ mặt đất nước, một cách thiết thực.

Đó là một thế hệ mà tôi vẫn luôn trân trọng gọi là "thế hệ tự thức", một thế hệ đã tự giải thoát mình khỏi vòng kiềm tỏa của tuyên truyền giả dối. Không sợ hãi hay mặc cảm. Họ không chỉ là một phần của toàn cầu hóa, mà còn là chủ lực cho sự định hướng tương lai của đất nước này, bên ngoài ý chí lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Nguyễn Viện

Nguồn : BBC, 29/04/2019

Published in Văn hóa

Trước tết, trong tết và sau tết… ở đâu cũng nghe rộn ràng những ca khúc mừng xuân. Nhưng thú thật, tôi là người không thích nhạc xuân… bởi đơn giản tôi không thấy bài nào hay.

con1

Ảnh chụp ở Sài Gòn ngày 3/2/2019

Tuy nhiên, tôi lại muốn bắt đầu bài tản mạn này bằng câu hát da diết "Nếu con không về, chắc mẹ buồn lắm…".

Vâng, có lẽ một trong những ý nghĩa quan trọng nhất của ngày tết là sự đoàn tụ gia đình.

Không chỉ ở Việt Nam, mà ở tất cả những quốc gia theo truyền thống tết âm lịch, chúng ta đều chứng kiến những cảnh người chen chúc trên các bến xe, ga xe lửa, ga hàng không… để tìm cách về quê, về nhà.

Ngày tết, chúng ta không chỉ chào đón cái tiết hạnh xuân sắc của đất trời, cái bắt đầu tinh khôi của một năm mới, mà còn là dịp người sống đoàn tụ chúc tụng nhau những điều tốt đẹp. Ngày tết, cũng là dịp để chúng ta kính nhớ tổ tiên.

Với tổ tiên thì không ai gần gũi chúng ta hơn cha mẹ. Có lẽ, tôi hay bất cứ ai không còn mẹ, nỗi nhớ mẹ trong ngày tết vô cùng tha thiết. Nghĩ đến cha mẹ đã khuất, anh em ở xa… lòng tôi bùi ngùi.

con2

Hà Nội ngày 1/2/2019

Tôi vẫn nhớ những ngày còn bé. Sáng mùng một, mẹ tôi nấu một siêu nước sôi, đổ ra cái thau nhỏ, rồi thả mấy cành lá mùi vào. Mẹ nhúng khăn thấm ướt nước lá mùi thơm tho lau mặt cho từng đứa con. Nước hoa của chúng tôi đấy. Sau đó tất cả chúng tôi đến nhà ông bà nội. Pháo nổ và tiền lì xì là niềm vui khôn xiết. Họ hàng nhà tôi đông, ngày tết cả họ tề tựu bên ông bà, người lớn và trẻ con đều nô nức. Không chỉ là ngày được ăn ngon, thức ăn ê hề hơn ngày thường mà hạnh phúc là chúng tôi bên nhau.

Khi ông bà tôi mất, gia đình cha mẹ chúng tôi có một cái tết riêng. Giao thừa không bao giờ chúng tôi ra đường. Tuy nhiên, tất cả mọi cánh cửa đều được mở, chúng tôi đón nguyên khí đầu năm tràn vào căn nhà ấm cúng của mình. Sau khi TV báo điểm sang xuân, nhà tôi có thói quen bày tiệc, như một lời chúc phúc cho cả năm sung túc. Mẹ tôi uống rượu và hút thuốc, tôi dù không biết uống rượu cũng nhắp chút đỉnh, tận hưởng cái hương nồng của sự sum vầy.

Bây giờ có gia đình riêng, tôi vẫn giữ thói quen do mẹ tôi đặt ra, ăn uống ngay sau giao thừa và tôi cúng cha mẹ mình bằng những bông hoa vạn thọ thơm lừng mà sinh thời mẹ tôi rất thích. Các con tôi cũng không ra đường đêm giao thừa, chúng tôi muốn bên nhau trong những giờ phút thiêng liêng nhất của năm.

Hiện nay, chỉ còn mình tôi ở Việt Nam. Anh em tôi đều sống ở Mỹ. Nhưng tôi may mắn vẫn còn niềm vui để sống cái không khí tết truyền thống.

con3

Hình minh họa

Sáng mùng một tết, sau khi dự thánh lễ đầu năm, tất cả anh em con cháu bên nhà vợ tôi đều tụ tập tại nhà tôi để mừng năm mới, dù vợ tôi không phải là "trưởng tộc". Chúng tôi ăn uống, chúc tết nhau và không thể thiếu tiết mục sôi động nhất : nhận tiền lì xì.

Đối với người Việt Nam, lì xì là một biểu trưng hùng hồn cho lời chúc "phát tài" như một thủ tục quan trọng nhất trong những lời chúc xuân.

Tôi nghĩ, có lẽ "phát tài" là ước mong lớn nhất của người Việt. Không thế mà ngày xuân ở đâu cũng lũ lượt người đi chùa cầu tài lộc. Ngày nay, người Việt đã khấm khá hơn, nhưng dường như sự cầu tài lại có vẻ khốc liệt hơn. Chúng ta vẫn chứng kiến những hiện tượng tranh cướp lộc càng ngày càng hung hãn. Và sự mê tín không phải vì nghèo túng cũng càng ngày càng "lan tỏa".

Đó cũng là một trong những lý do khiến nhiều người muốn bỏ tết cổ truyền, tốn kém, mất thời giờ và lạc hậu. Có lẽ, người ta quên rằng tết, đón tết, mừng tết không chỉ là một lễ hội văn hóa truyền thống, mà hơn thế, nó là dịp để chúng ta quay về nhà mình, về với cha mẹ, tổ tiên nguồn cội của mình. Một văn hóa tâm linh.

Thắp nén nhang cho cha mẹ và những người đã khuất trong gia đình, đặc biệt trong những ngày tết, tôi bao giờ cũng cảm thấy lòng ấm áp và được an ủi như thể linh hồn của họ vẫn gần gũi, che chở tôi trong cuộc đời lênh đênh này. Tôi cảm nhận được một cõi bình an chan hòa tình yêu thương.

Tôi yêu tết.

Nguyễn Viện

Nguồn : BBC, 05/02/2019

Published in Diễn đàn
jeudi, 01 novembre 2018 12:11

Đường đến Việt Nam của Kim Dung

Không nghi ngờ gì, có thể nói nhà văn vừa qua đời, tác giả của 15 bộ truyện, Kim Dung (6/2/1924 - 30/10/2018) là người được đọc nhiều nhất Châu Á với trên 300 triệu bản in, không kể sách in lậu và những người đọc trên feuilleton các nhật báo, từ Hongkong tới Việt Nam.

kd1

Nhà văn Kim Dung (1924-2018)

Tôi còn nhớ những năm trước 1975, Sài Gòn với vô số tờ báo tư nhân, không chỉ hấp dẫn độc giả bằng những thông tin nóng, từ chiến sự đến chính trị, mà còn chính bởi những tiểu thuyết nhiều kỳ, đăng hàng ngày trên các nhật báo (không dưới 4 tiểu thuyết mỗi báo), trong đó đáng kể nhất phải là những tiểu thuyết kiếm hiệp theo những chuyến bay từ Hongkong đến Tân Sơn Nhứt và được dịch ngay sang tiếng Việt, hàng ngày. Cũng xin nói ngay, dịch giả nổi tiếng nhất lúc đó là Hàn Giang Nhạn. Và tác giả tài năng nhất là Kim Dung.

Đôi khi, những chuyến bay đó cũng trễ, báo ra không kịp. Người đọc không khỏi hụt hẫng. Có lẽ không một ai, khi đã đọc tiểu thuyết kiếm hiệp, đặc biệt với Kim Dung, lại không khỏi mất ăn, mất ngủ vì ghiền.

Vì sao Kim Dung hấp dẫn ?

Điều đầu tiên có thể nói về tiểu thuyết Kim Dung là sự uyên bác về kiến thức cùng sự sâu sắc về triết lý của ông. Trong hầu hết tác phẩm của Kim Dung đều có bối cảnh lịch sử với những con người thật bên cạnh các nhân vật hư cấu. Điều ấy khiến cho lịch sử trở nên gần gũi hơn. Những bàn luận của ông theo kiểu trà dư tửu hậu cũng mang đến cho độc giả những bất ngờ thú vị. Nó cung cấp cho người đọc không những sự hiểu biết về y học, võ công mà còn cả những thú vui tao nhã như uống rượu hay sự lãng mạn của tình yêu.

Một bất ngờ khác của Kim Dung còn là nỗ lực đề cao nữ quyền, một khái niệm rất mới trong bối cảnh tùng phục truyền thống trọng nam khinh nữ của Trung Hoa. Một Hoàng Dung ranh mãnh của anh "trâu nước" Quách Tĩnh. Một Triệu Minh dịu dàng nhưng quyết liệt của kẻ si tình Trương Vô Kỵ. Một Nhậm Doanh Doanh bất chấp của lãng tử Lệnh Hồ Xung… Dường như những nhân vật nữ của Kim Dung đã không ngại ngần gì trước hung hiểm của giang hồ, cũng như những gã trai lang bạt, võ công cái thế.

Kim Dung là người Trung Hoa, vì thế cái gọi là võ học Trung nguyên, cũng chỉ là một tinh thần Đại Hán. Mặc dù, trong tiểu thuyết của Kim Dung không thiếu những nhân vật Tây Vực, Mông Mãn phía bắc, hay những truyền nhân phía Nam. Trung nguyên vẫn được đề cao như minh chủ võ lâm.

kd2

Thế giới xuống cấp khi giới trẻ thôi đọc Kim Dung - lời chia sẻ trên mạng Weibo của Trung Quốc

Một chi tiết khác rất đáng lưu ý, nhân vật Vi Tiểu Bảo về cuối truyện Lộc Đỉnh Ký, đã chọn Senkaku (tên gọi theo Nhật Bản) hay đảo Điếu Ngư (tên gọi theo Trung Quốc) để vui hưởng trần gian với 7 cô vợ xinh đẹp của mình. Phải chăng, đây cũng là cách khẳng định chủ quyền ?

Trong số các nhân vật của Kim Dung, theo tôi không phải Lệnh Hồ Xung, Quách Tĩnh, Đoàn Dự, Trương Vô Kỵ, Tiêu Phong… những tay võ công siêu quần bạt chúng, khí tiết anh hùng, mà chính Vi Tiểu Bảo mới là nhân vật bất ngờ nhất, quái đản nhất. Kẻ lưu manh, thời cơ ấy tiêu biểu cho tính thời đại nhất, phản kiếm hiệp nhất, phản anh hùng nhất. Bên cạnh đó, một thành tựu khác phải kể đến là nhân vật Nhạc Bất Quần, đại diện cho mẫu người "ngụy quân tử" đầy rẫy trong xã hội đương đại. Một hình ảnh sống động nhất mô tả các chính khách ngày nay.

Sự thâm sâu của Kim Dung có lẽ có cội nguồn từ truyền thống gia đình. "Dòng họ Kim Dung có một nhà để sách gọi là "Tra thị tàng thư" nổi tiếng khắp vùng Chiết Tây, chứa rất nhiều sách cổ..." (theo Wikipedia). Sau này, ông cũng có thời gian làm việc ở Thư viện Trung ương. Kim Dung là người đọc nhiều sách từ nhỏ và đã viết từ rất sớm. Năm 15 tuổi, ông đã viết "Dành cho người thi vào sơ trung" và được một nhà xuất bản chính qui phát hành.

Kim Dung trở lại Việt Nam thế nào ?

Sau biến cố 30/04/1975, cũng như các văn hóa phẩm khác của Miền Nam, tiểu thuyết của Kim Dung cũng bị thiêu hủy và đưa vào hàng sách cấm.

Mãi đến khoảng 1994-1995, những nỗ lực đầu tiên để mang Kim Dung trở lại với độc giả Việt Nam phải kể đến công đầu của bà Phan Thị Lệ, Tổng Giám đốc Công ty sách Phương Nam ở Sài Gòn. Ngoài những vận động trong nước, bà Lệ còn sang Hong Kong gặp trực tiếp Kim Dung để thương thảo bản quyền.

Có thể nói đó là một hành động dũng cảm. Bên cạnh vấn đề tư tưởng văn hóa chính trị của chế độ mà bà Lệ phải đối phó, vấn đề tác quyền là một cố gắng lớn của Phương Nam vào thời điểm đó. May mắn thay, được biết nhà văn Kim Dung đã tỏ ra rất hào phóng với độc giả Việt Nam. Ông chỉ tính tiền tác quyền trên từng tác phẩm sau khi phát hành và theo số lượng bản in. Ông cũng hứa sẽ sang Việt Nam dự buổi ra mắt sách. Nhưng rất tiếc, do sức khỏe, ông đã không thể gặp gỡ bạn đọc ái mộ ở Việt Nam.

Nhân tiện, tôi cũng muốn nói điều này : Để cho các tác phẩm có giá trị của thế giới có thể xuất bản ở trong nước sau thời kỳ hủy diệt văn minh nhân loại, chúng ta cần tri ân những người làm sách ở Sài Gòn.

Những người một thời bị báo chí gọi bỉ bôi là "đầu nậu sách". Chính họ đã bằng mọi cách, bất chấp rủi ro, từ an toàn chính trị đến tài chánh, để vận động cho in những tác phẩm "khó ăn" nhất như triết học (tất nhiên ngoài hệ thống tư tưởng chủ đạo của nhà cầm quyền) đến các loại sách mà chúng ta bây giờ gọi là "khai dân trí". Những vận động ấy, trong cơ chế này, không chỉ là thuyết phục, bên cạnh những chiêu trò không chỉ nghiêm túc như trường hợp bà Lệ với tiểu thuyết Kim Dung, có thể còn là những thứ khác … (tự kiểm duyệt).

Nguyễn Viện

Nguồn : BBC, 01/11/2018

Published in Văn hóa

Có lẽ, phải hỏi rõ ràng hơn, hiện nay, trong nước đã thật sự có một tầng lớp đáng gọi là trí thức chưa ? Và, phải hiểu thế nào là trí thức ?

trithuc1

Đảng cộng sản nhấn mạnh phòng, chống biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ

Điều này, nhìn chung có vẻ đơn giản, nếu người ta hiểu trí thức là những người có học với một trình độ hiểu biết nào đó được xã hội nhìn nhận như giới bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, chuyên viên các loại hoặc văn nghệ sĩ v.v…

Nhưng nếu hiểu trí thức như những người có ý thức về vai trò của mình trong xã hội đối với sự hưng vong của một dân tộc thì dường như trong suốt một thời gian dài, Việt Nam đã thiếu vắng hẳn những con người đạt đến chuẩn mực về khả năng dẫn dắt quần chúng, hay phản biện xã hội, biểu tượng cho lương tâm dân tộc.

Trong suốt quá trình cai trị của Đảng cộng sản VN, từ 1945, không phải chúng ta không từng chứng kiến sự đàn áp của chế độ đối với những tiếng nói ngay thẳng, nhưng sự bất tuân dân sự hay sự phản biện chính trị có hệ thống thì dường như chưa hề xảy ra.

Đảng cộng sản đã thành công tuyệt đối trong tuyên truyền và đàn áp bạo lực.

Những năm tháng gọi là bao cấp, quốc gia đứng trước ngưỡng sụp đổ vì ngân sách cạn kiệt, dân chúng đói khát lầm than cùng cực… chúng ta cũng không thấy một tiếng nói trí thức nào đủ mạnh để phản kháng hay báo động cho một thảm họa của dân tộc, cho dù trong miền Nam không thiếu những tổ chức chống đối chế độ.

Chỉ đến khi Trung Quốc tuyên bố thành lập huyện đảo Tam Sa bao trùm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam năm 2007, trí thức mới bừng tỉnh… với cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra cả ở Hà Nội và Sài Gòn, cùng một "Tuyên cáo của người Việt yêu nước" do nhóm nghệ sĩ Sài Gòn khởi xướng.

Tuy nhiên, phải đến năm 2013, với bản Kiến nghị 72 (do 72 nhân sĩ trí thức cả nước đứng tên ban đầu) đòi thay đổi hiến pháp, trí thức mới thực sự vào cuộc và tạm gọi là đóng đúng vai trò của mình : phản biện xã hội.

Trí thức có thể làm gì ?

Cho đến nay, không biết bao nhiêu kiến nghị đã được gởi tới chính quyền, từ chuyện quốc gia đại sự đến những yêu cầu cho một cá nhân nào đó, tôi không thể nhớ hết, nhưng họ đã nhận được gì ? Hay đã mang lại điều gì ?

Điều ai cũng biết, không những chính quyền im lặng mà thậm chí còn thực hiện những biện pháp đối phó với những người tham gia ký tên ủng hộ các kiến nghị đó, đôi khi thô bạo.

Tại sao chính quyền im lặng ?

Câu trả lời chỉ có thể là chính quyền không thể đáp ứng những đòi hỏi do các bản kiến nghị đưa ra.

Tuy nhiên, tôi tin rằng chính quyền cũng không thể không biết đến cái áp lực của những kiến nghị cũng như các hành động khác của giới bất đồng chính kiến lên các chính sách của mình.

Đảng cộng sản có sợ không ?

Tôi tin rằng có, vì thế họ không ngừng kêu gọi chống lại cái gọi là "tự diễn biến, tự chuyển hóa", đồng thời gia tăng bắt bớ, đàn áp với toàn bộ những "nhen nhóm" phản kháng, từ Bắc vào Nam.

Trong lúc cái nguy cơ mất nước hay lệ thuộc Trung Quốc càng ngày càng rõ… Và xã hội càng ngày càng suy đồi, ngoài việc "xóa bàn làm lại", thì liệu những kiến nghị suông có thể giải quyết được gì ?

Nhiều người cổ võ lại cái ý tưởng do cụ Phan Châu Trinh khởi xướng hàng trăm năm trước : "Khai dân trí" như một giải pháp khả thi nhất.

Tất nhiên, khai dân trí bao giờ cũng tốt và không bao giờ cũ. Nhưng với tình thế cấp bách hiện nay, chắc chắn, chỉ khai dân trí là không đủ.

Tôi có một số bạn được gọi là lão thành cách mạng và những người lo lắng cho tương lai quốc gia, thỉnh thoảng gặp nhau, lại hỏi : "Phải làm gì bây giờ ?"

Làm gì bây giờ ? Một câu hỏi khó.

Trong ít năm gần đây, một loạt các tổ chức xã hội dân sự đã hình thành bất chấp sự đàn áp của chính quyền, như Hội Nhà báo Độc lập, Ban vận động Văn đoàn Độc lập, Con Đường Việt Nam, Hội Anh Em Dân Chủ, Mạng lưới Blogger Việt Nam, Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm, Lao Động Việt, Phụ Nữ Nhân Quyền... bên cạnh những cá nhân nổi bật trong cuộc đấu tranh cho công bằng và dân chủ.

trithuc2

Phiên tòa xử các ông Nguyễn Văn Đài và năm người hôm 5/4

Trong lúc chưa có luật về Hội cũng như quyền tự do phát biểu chính kiến, sự có mặt này cho phép tin vào sự thức tỉnh cũng như ý chí đấu tranh của người dân và tầng lớp trí thức cho một Việt Nam tươi sáng hơn.

Bên cạnh đó, cũng thấy một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử, sự xuất hiện của các nhà báo công dân.

Thông qua internet và các trang mạng xã hội, một phong trào quần chúng, mà hầu hết cũng là người có học và "có lý luận", đã mạnh mẽ cất tiếng nói bất bình của mình đối với đảng Cộng sản cầm quyền và các chính sách của họ.

Đối phó với một hiện tượng đáng mừng như thế, đảng và nhà cầm quyền đã thành lập một lực lượng đáp trả được gọi là dư luận viên, cũng hùng hậu không kém.

Tuy nhiên, nhìn chung, phong trào tranh đấu cho tự do và dân chủ đến nay vẫn còn rời rạc, thiếu đồng bộ.

Người trí thức chưa tập hợp được quần chúng sau lưng mình, thậm chí ngược lại, họ theo đuôi quần chúng trong những việc như tham gia biểu tình chống Trung Quốc, hoặc các dân oan bị cướp đất…

Dù vậy, tôi tin rằng, một cách lạc quan, đảng và nhà cầm quyền không thể không suy nghĩ để có những bước đi thích hợp cho một xu hướng tất yếu, tự do hơn, dân chủ hơn, lành mạnh hơn trước khi quá muộn.

Nguyễn Viện

Nguồn : BBC, 20/04/2018

Published in Diễn đàn