Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/01/2020

Chiến lược Tài chính 2020-2025 của Việt Nam : Đầy tham vọng !

Thanh Trúc

Thủ tướng Việt Nam vừa phê duyệt chiến lược tài chính toàn diện quốc gia từ giờ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 qua Quyết Định 194/QĐ-TTg.

chienluoc1

Thủ tướng Việt Nam vừa phê duyệt chiến lược tài chính toàn diện quốc gia từ nay đến năm 2025 và định hướng đến 2030 (Ảnh minh họa) AFP - Edited by RFA

Theo báo chí trong nước, phạm vi của chiến lược hướng tới việc phổ cập các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, do các tổ chức được cấp phép cung ứng, bao gồm thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm.

Mọi thành phần đều được nhắm đến !

Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Học Viện Tài Chính Việt Nam, trình bày về khái niệm ‘toàn diện’ trong tài chính :

"Toàn diện ở đây là muốn nhấn mạnh đến tất cả các chủ thể trong nền kinh tế của quốc gia phải được hưởng dịch vụ tài chính một cách tốt nhất. Mọi người dân, từ những người nghèo nhất ở những vùng sâu vùng xa nhất, từ đồng bào dân tộc cho đến người nghèo ở các đô thị, phải được hưởng các dịch vụ tài chính như tất cả mọi người bình thường".

Đó là nguyên tắc cơ bản đầu tiên của chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, chuyên gia Học Viện Tài Chính Đinh Trọng Thịnh nói tiếp. Điều thứ hai, rất quan trong trong nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam hiện nay, là làm sao để các doanh nghiệp siêu nhỏ từ 5 đến 10 công nhân lao động, kế đến doanh nghiệp nhỏ và vừa từ 10 đến 100 người, có thể tiếp cận được các dịch vụ tài chính một cách tốt nhất và thuận lợi nhất :

"Dịch vụ tài chính ở đây bao gồm tất cả, từ thanh toán, tín dụng, đầu tư, bảo hiểm cho đến các dịch vụ khác nhằm đảm bảo cách tiếp cận của dân được thông suốt. Có nghĩa khi người dân có nhu cầu về giao dịch, thanh toán, chuyển khoản, vay mượn hay đầu tư mà cần đền tiền thì đều có thể tiếp cận được cái dịch vụ ở chỗ đó"

Vẫn lời tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, mục đích của chiến lược tài chính toàn diện quốc gia mà ông Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt là tất cả mọi người Việt Nam, kể cả người nghèo nhất ở vùng sâu vùng xa nhất, các doanh nghiệp từ siêu nhỏ cho đến nhỏ và vừa đều có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính.

Nói một cách khác, tất cả mọi người đều được quyền hưởng lợi ích từ các dịch vụ tài chính, từ những đổi mới của một nền kinh tế phát triển, bất cứ phía nào có nhu cầu thì sẽ phải được đáp ứng :

"Nếu không được đáp ứng thì có nghĩa tổ chức tài chính đó, hệ thống tài chính đó không đạt yêu cầu và cá nhân hoàn toàn có thể đòi hỏi thẩm quyền cấp địa phương cho đến chính phủ xử lý các tổ chức không đáp ứng nhu cầu tài chính, về kế hoạch đầu tư, kể cả nhu cầu chuyển tiền, nhu cầu hỗ trợ tài chính, nhu cầu thanh toán, nhu cầu đầu tu của họ".

Chiến lược mới mà không mới !

Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia nhắm mục tiêu không bỏ sót một đối tượng nào trong xã hội cần được cung ứng, cũng không hề là ý tưởng mới vì từng được nói đến nhiều lần những năm trước. Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh giải thích chi tiết hơn :

"Kế hoạch tài chính toàn diện đó chỉ là những bộ phận, những mảnh nhỏ trong nền kinh tế ví dụ về xóa đói giảm nghèo, về phát triển quyền phụ nữ hay về phía hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ. Vì thế cho nên kế hoạch đó chưa toàn diện, chưa đáp ứng được cái phát triển tổng thể vì mảnh nhỏ chỉ đáp ứng được nhu cầu nhỏ thôi chứ không có được cơ chế và chính sách toàn diện, cũng chưa có thể chế bắt buộc các cơ quan tài chính phải đáp ứng"

" Nhưng từ 2019 thì các nhà kinh tế Việt Nam đã nói nhiều đến kinh tế toàn diện, rằng tất cả người dân Việt Nam đều phải được hưởng hiệu quả của một nền kinh tế đổi mới, có quyền thoát nghèo và phải được hệ thống tài chính quan tâm để họ thoát cái đói nghèo đó. Khi đã có kế hoạch tài chính toàn diện thì tất cả mọi người dân đều có quyền đòi hỏi hệ thống tài chính đáp ứng nhu cầu của mình. Đây là hệ thống tài chính bị bắt buộc bởi chính sách cơ chế cứng của Nhà Nước, của chính phủ, theo nguyên tắc là không bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau".

Mục tiêu tham vọng : 80% dân mở tài khoản ngân hàng !

Ngoài những mục tiêu tổng quát được trình bày ở trên, chiến lược tài chính toàn diện quốc gia còn đặt ra những mục tiêu cụ thể nhắm vào lãnh vực giao dịch ngân hàng. Đó là trong vòng 5 năm tới ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản trong ngân hàng hoặc các tổ chức được cấp phép khác. Thứ hai, phải có ít nhất 20 chi nhánh, phòng giao dịch của Ngân Hàng Thương Mại trên 100.000 người trưởng thành. Thứ ba, ít nhất 50% tổng số xã có cơ sở cung ứng dịch vụ tài chính cho người có nhu cầu.

chienluoc2

Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu có ít nhất 25 - 30% người trưởng thành gửi tiết kiệm ngân hàng. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, ít nhất 25%-30% người trưởng thành gởi tiền tiết kiệm vào các tổ chức tín dụng. Kế đến, số lượng trong giao dịch, thanh toán mà không dùng tiền mặt phải đạt tốc độ tăng trong khoảng 20% đến 25% hàng năm. Sau cùng, ít nhất 250.000 doanh nghiệp có dư nợ tại các tổ chức tín dụng ; dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 25%.

Ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng trong vòng 5 năm tới là một chiến lược khá tham vọng nhìn từ bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện tại, là đánh giá của chuyên gia tài chính và ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu :

"Theo thống kê điều tra của Standard Chartered Bank thì năm 2019 đâu đó khoảng 31% người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên có tài khoản với ngân hàng. Có nghĩa với khoảng độ 60 triệu người lao động thì con số 31% của người dân từ 15 tuổi trở lên đó, và nếu tính tuổi trưởng thành từ 18 trở lên thì tỷ lệ người có tài khoản ngân hàng hiện tại ở mức khoảng 40%, đó cũng là mức của những người trong tuổi lao động".

"Thế thì với mức 40% những người trong tuổi lao động mà lên đến mức 80% vào năm 2025, có nghĩa là lên gấp đôi, và có nghĩa số người có tài khoản trong ngân hàng hoặc là số lượng tài khoản trong ngân hàng phải tăng 20% mỗi năm, thì đây là mục tiêu khá tham vọng".

Nhưng nếu muốn thì chuyện gì cũng có thể thực hiện được vì chắc chắn khi đưa ra mục tiêu thì chính phủ cần phải có quyết sách, biện biện pháp và chương trình hành động phù hợp, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu góp ý :

"Có thể chương trình hành động đó phải gồm những điểm như thế này. Thứ nhất GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện tại vào khoảng 2.700 USD/đầu người. Nếu theo cách tính mới thì khoảng 3.000 USD/đầu người. Để người dân có thể mở tài khoản và sử dụng những dịch vụ ngân hàng tôi nghĩ GDP bình quân đầu người phải tăng từ 3000 lên 5.000 USD. Khi người ta có nhiều tiền hơn thì người ta có nhiều cách sử dụng tiền bạc mà trong đó có tiết kiệm".

"Chính vì có tiết kiệm và có những thanh toán không dùng tiền mặt thì người ta sẽ phải đến ngân hàng để mở tài khoản. Thành ra điều kiện tiên quyết cho vấn đề tăng gấp đôi số tài khoản ngân hàng cho những người tuổi trưởng thành thì GDP bình quân đầu người phải tăng từ 3.000 USD lên ít nhất 5.000 USD từ đây đến 2025".

Một chi tiết quan trọng khác trong chiến lược tài chính toàn diện quốc gia từ giờ đến 2025 là phải đạt tốc độ tăng 20-25% đối với số lượng trong giao dịch, thanh toán mà không dùng tiền mặt, mà chuyên gia tài chính và ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu gọi là phi tiền mặt, có nghĩa :

"Người Việt Nam có thói quen dùng tiền mặt vì tiện lợi, dễ dàng, người bán hàng cũng thấy dễ dàng nếu không phải sử dụng những phương tiện thanh toán phi tiền mặt.

Còn nói đến chuyển khoản, dùng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, ngay cả ví điện tử hiện tại ở Việt Nam phải đến những cơ sở thương mại có máy cào thẻ hoặc những doanh nghiệp sử dụng ví điện tử. Thật ra ở Việt Nam những khâu này còn rất hạn chế. Nói chung Việt Nam phải tiến đến một nên kinh tế phi tiền mặt mạnh mẽ hơn bằng cách làm sao mà không những người dân nhận thức mà ngay cả những doanh nghiệp, những của hàng, những cơ sở chính phủ, rồi bệnh viện, trường học… cũng phải được trang bị những phương tiện thanh toán phi tiền mặt.

Quan trọng hơn nữa là chính phủ cần phải có một mệnh lệnh hành chính để tiến đến giai đoạn chấm dút việc nhận tiền mặt, bắt buộc những người sử dụng dịch vụ công phải trả bằng những phương tiện phi tiền mặt như chuyển khoản, như ví điện tử và thẻ ngân hàng".

Tiếp lời chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu là chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh :

"phát triển việc thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam là góp phần minh bạch hóa thu nhập của người dân cũng như của các quan chức chính quyền từ địa phương cho đến chính phủ. Ở Việt Nam nếu muốn tham nhũng thì dùng tiền mặt nó dễ thôi, nhưng nếu như đã có thanh toán qua tài khoản, kiểm tiền vô tài khoản và sử dụng tài khoản đấy thì rõ ràng việc tham ô tham nhũng hối lộ sẽ giảm đi, sự ông khai minh bạch trong thu nhập của người dân sẽ rõ ra. Thí dụ như tôi thu nhập một tháng 3.000 đô mà tôi chi tiêu ở đâu đó 1.000 thì giải thích thế nào về chuyện đó, rõ ràng là phải giải thích. Khi mà thanh toán không dùng tiền mặt thì công khai minh bạch tài chính sẽ dễ hơn…".

Tóm lại, khởi đầu bao giờ cũng khó nhưng chiến lược tài chính toàn diện quốc gia với viễn ảnh đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến mọi đối tượng của mục tiêu tài chính toàn diệnc, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy tài chính toàn diện, đều được chuyên gia hoan nghênh và khuyến khích với điều kiện nói được làm được, phải kiên trì và có quyết sách để thực hiện một cách nghiêm túc.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 28/01/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Trúc
Read 399 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)