Tết Việt Nam buồn mà đẹp, dù là Tết thời chiến với xao xác tiếng gà tháng Chạp và canh khuya mang mang điệu buồn tản cư hay Tết thời bình người nhớ người vùi mình nơi biển cả hay bôn tẩu xứ người. Tết Việt Nam thơm tho mùi vạn thọ, cúc tần hay ngò cải đơm bông và giữa triệu triệu mùi hương ấy có hương hồn tổ tiên hiển hiện trong nét cười và cả lo toan con cháu. Tết Việt Nam ngày xưa có thêm mùi thuốc pháo và bây giờ những cành pháo bông trời đêm do ai đó lén lút đốt sáng làm phá vỡ không gian chứa đầy thanh âm giun dế.
Giữa hoang tàn đổ nát của những ngôi giáo đường đầy rêu xanh bỗng dưng mọc ra một cây cúc dại và trổ bông đón Tết.
Tết Việt Nam thời người ta chia nhau từng lát thịt và nắm tay nhau để vượt qua khốn khó đã qua rồi, Tết bây giờ không còn mùi thơm dưa cải kho cá với ớt xanh hâm đi hâm lại, cũng không còn mùi lửa rơm sáng sớm bà hay mẹ dậy sớm nấu nồi xôi cho cả nhà. Mùi hương của món xào một thuở cũng không còn… Thay vào đó là những món thập cẩm mua từ siêu thị, có chút mùi thơm của hương công nghiệp hiện đại và có cả chút khai khái của hơi máy lạnh ủ lâu ngày không gian kín… Nhưng, dù như thế nào thì Tết Việt Nam vẫn cứ buồn và đẹp. Vì sao ?
Vì giữa hoang tàn đổ nát của những ngôi giáo đường đầy rêu xanh bỗng dưng mọc ra một cây cúc dại và trổ bông đón Tết. Vì giữa hàng triệu sinh linh trôi dạt do biển nhiễm độc vẫn có những cụm rong xanh thoi thóp đón xuân về. Vì giữa hàng triệu nỗi đau mất mát vì thời cuộc vẫn có những cuộc đời, những số phận vươn lên với hành trang gồm mùi hương ngày Tết, ngai ngái sương sa tháng chạp hay âm ấm hương vạn thọ đầu làng. Và cuộc sống vẫn cứ phải trôi qua, con người vẫn cứ phải sống cho dù bi kịch luôn dựng bờ cõi trước trắc ẩn tâm hồn. Giữa muôn vàn nỗi đau và gian khổ, chữ sống hiện ra như một định dạng tâm linh.
Nếu Tết xưa với dưa món, củ kiệu, thịt heo, bánh tét, mứt, hạt dưa… và những thức ấy khan hiếm, ít ỏi, như một tượng trưng trên bàn nhà nông và người ta gắn mình với sự nghèo khổ mà yên bình ấy, người ta gắn lòng biết ơn với trời đất, cỏ cây, nguồn cội… Thì Tết nay, những món ngon có mặt hầu hết ở các gia đình và không còn mang tính tượng trưng nữa, nó trở nên ề hề, ứ hự. Và hình như người ta cũng không còn mấy ai gắn lòng biết ơn với tổ tiên, tiền nhân như trước, người ta đã khôn hơn, thậm chí khôn lõi khi biết đào xới, cưa xẻ thiên nhiên để mang về bỏ trong vườn, đặt trên bàn như một sự tôn vinh đẳng cấp thức thời. Và hình như, biết ơn thiên nhiên hay cỏ cây là điều gì đó đã trở nên xa xỉ và rởm đời đối với nhiều người, nhiều người lắm !
Nếu Tết xưa ở quê nghèo hay miền núi, trẻ con háo hức với áo mới, dép mới và những cây kẹo đường còn phưng phức mùi trời đất thì Tết nay, dường như mùi và màu ấy đã thuộc về quá vãng. Và Tết xưa cha mẹ đèo con dăm ba đứa trên chiếc xe đạp hay xe gắn máy để thăm ông bà, bà con, hàng xóm láng giềng, du xuân sơn thủy… Chúc nhau ly rượu mừng Xuân… Thì tết nay, việc ấy trở nên hãn hữu và ái ngại, bởi những chòm cảnh sát giao thông đã đứng sẵn bên ngoài chòm xóm để đo nồng độ cồn, mức phạt đôi ba triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng đang lấp ló ngoài cửa, người ta không còn cảm giác bình yên và lãng mạn, người ta đã đánh tráo sự lãng mạn, yên bình của mình bằng sắc màu vật dục, bằng những chiếc xe đời mới đậu trước cửa hay những thứ gì đó thuộc hàng hiếm, hàng độc và việc mua đường cũng là sự thể hiện đẳng cấp thời bây giờ.
Tết bây giờ, con người có nhiều thứ, nhưng hình như thiếu hẳn lòng trắc ẩn, tính bao dung và sự lãng mạn. Người ta đi du lịch, người ta liên tục chụp ảnh với cỏ cây và cảm nhận thiên nhiên qua tấm hình mình đã chụp. Tết đã mất đi không khí la đà sương chiều của đồng quê và những con đường đã bê tông hóa tự đáy tâm can chứ không phải nơi mặt đường hay lối xóm.
Tết Việt Nam buồn mà đẹp, vì sao ? Vì nếu không buồn thì làm sao có hàng triệu người bỏ nước mà đi, dù biết rằng việc đi ấy là nguy hiểm, việc ra đi là mãi mãi đánh mất quê hương thân yêu và có thể gắn sự sống mình ở một nơi chốn khác, không cùng giọng nói hay màu da hay điệu buồn riêng chung ? Nhưng đã có hàng triệu người ra đi, có lẽ vì Tết Việt Nam quá buồn, Tết buồn ngay trong cả tiếng cười hí hửng hay tiếng vỗ tay của bữa tiệc nhà quan ê hề rượu thịt. Tết buồn trong khóm hoa cúc hoa ngò hay cải hẹ tần ô bởi mùi hương năm cũ vẫn cứ phảng phất về một mối tương cảm giữa người với người nay đã mất. Tết buồn nên những ngôi mộ cỏ mọc hoang vu bởi người thân đã đi về một nơi nào đó xa xăm, chưa có dịp trở về cố quốc. Tết buồn bởi hàng triệu người đang đau đáu chuyện nhà cửa, chuyện chén cơm manh áo và sự chộn rộn kiếm cơm không thể khỏa lấp nỗi lo cơ chế. Tết buồn bởi có quá nhiều thứ gắn bó với con người trở nên hoang vu và trắng xóa chỉ sau một chữ ký của quan trên. Tết buồn bởi đâu đó, dư âm và hơi lạnh của Lộc Hưng, Đồng Tâm và hàng trăm địa điểm khác đang trở lại và sẽ có nhiều đồng loại bỗng dưng ôm mền mùng, chăn chiếu ra đường nằm ngủ và giấc ngủ của họ cũng không được yên bởi các anh dân phòng, công an khu vực tuần tra xua đuổi.
Còn hàng triệu nỗi buồn khác chưa kịp thống kê khi Tết về, chí ít là người đã biết lừa lọc người mỗi khi Tết đến, người đã biết bóc lột người mỗi khi Tết về, những chuyến xe chở người chật như nêm, đôn thêm ghế, nhét dưới gầm xe… và người chấp nhận đi như vậy, không cần biết chết sống ra sao, miễn sao là được về quê bởi đồng tiền trong túi cho họ biết rằng đó là cơ hội về quê và dư chút đỉnh để sắm quà Tết. Họ, những người nằm vật vạ trong xe ấy là ai nếu khhông phải những người lao động nghèo xa quê. Và Tết Việt Nam lạnh lùng buồn khi nghĩ đến những con người đã chết cóng trong thùng container nơi Anh Quốc, câu chuyện tưởng như cổ tích hay thần thoại buồn, nhưng nó có thật.
Nhưng, Tết Việt Nam đẹp, đẹp đến nao lòng, ngay cả những cánh rừng bị đốt trơ xương hay những ngọn đồi bị cắt lở lối vẫn toát lên vẻ lộng lẫy, huy hoàng của một vết thương vĩnh cửu. Tết Việt Nam đẹp bởi giữa muôn vàn xô bồ, người ta vẫn nghĩ đến một điều gì đó thiện lành để dành cho nhau và để nhớ về. Tết Việt Nam đẹp đến ấm lòng nên dù khi về quê, mới bước vào cửa khẩu đã bị hải quan rạch va ly, ăn cắp tiền bạc, vật dụng và ra đường thì bị taxi vẽ chuyện chặt chém, về nhà thì bị gia đình bóc thêm một lần nữa cho đến khi sạch túi, chỉ còn mỗi tấm vé để bay đi rồi lại cày xới, quần quật giữa xứ người… Nhưng người ta vẫn về, vẫn trở lại với lòng nhiệt tình, tha thiết. Bởi cái đẹp ẩn sâu níu gọi.
Giá như cái đẹp ẩn sâu của Tết Việt được phát lộ, giá như người tử tế với với người và biết nhìn vào nỗi buồn của nhau, thì Tết Việt đẹp lộng lẫy nhường bao ? !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 08/01/2020 (VietTuSaiGon's blog)