Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tuyến buýt nhanh - BRT (Bus Rapid Transit) Kim Mã - Yên Nghĩa với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng vào cuối năm 2016, sắp bị thay thế bằng tuyến đường sắt đô thị số 11 với lý do được nêu là "còn nhiều hạn chế". Đây là dự án được thực hiện bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới với mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông công cộng.

brt1

Tuyến buýt nhanh số 1 Kim Mã-Yên Nghĩa vận hành chính thức ngày 1/1/2017. Photo : baochinhphu.vn

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp vào chiều 15/4 của đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Hà Nội về "việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến năm 2023".

Bà Hoàng Hà, một người dân Hà Nội nói với RFA qua ứng dụng Facebook Messenger :

"Thực tế cho thấy với tình hình giao thông ở Hà Nội, phương tiện xe bus nhanh như BRT là bất cập : đầu tư đắt đỏ mà lại chuyên chở được ít hành khách, xe bus BRT chiếm hẳn một diện tích mặt đường như vậy rất lãng phí hạ tầng giao thông. Gọi là bus nhanh nhưng cũng không hơn bus thường được mấy tí. Trên mọi phương diện thì đánh giá chung là hiệu quả thấp và lãng phí".

Cách đây hai năm, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố này cho phép xe khách, xe công vụ, xe cứu nạn, xe buýt thường được đi vào làn đường dành riêng cho tuyến buýt BRT này. Theo lý giải của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, xe buýt BRT chạy trên trục xuyên tâm, tập trung các phương tiện ra, vào khu vực trung tâm, lưu lượng các phương tiện tăng cao, đặc biệt vào các giờ cao điểm gây ra tình trạng ùn ứ giao thông tại các nút giao làm giảm hiệu quả hoạt động của tuyến buýt BRT.

Một số chuyên gia cho rằng, với mức đầu tư cả ngàn tỷ đồng mà chỉ hoạt động được vài năm là một lãng phí lớn cho một dự án. Chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nêu những bất hợp lý :

"Đây là tuyến xe buýt nhanh BRT, mà tuyến này thì phải có làn đường riêng cho nó, trong khi mặt đường ở Việt Nam rất bé và ít. Như thế là quá lãng phí và gây khó khăn cho giao thông của Hà Nội. Do đó người ta phải bỏ. Ngay cả tuyến đường sắt nội đô cũng thế, bao nhiêu là lãng phí. Kéo dài bao nhiêu năm đội vốn rất lớn. Tuyến đường này đi ngang thành phố, mất an toàn, mất thẩm mỹ nhưng họ vẫn làm. Nó nhiều vấn đề lắm.

Cái quy hoạch thành phố cũng nhiều cái không có hiệu quả. Tuyến đường sắt trên cao cũng thế. Vừa mất mỹ quan vừa tăng mật độ người dân, giao thông trên đường vì phải có nhà ga. Làm chỉ vì tiền mà không tính toán cho nên nó phải kém hiệu quả thôi".

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nêu quan điểm của ông :

"Tôi rất muốn biết những dự án đấy đã được ai xét duyệt và xét duyệt như thế nào ; có thảo luận với một hội đồng khoa học nào để họ cho ý kiến hay không, bởi ở Hà Nội vừa rồi có nhiều dự án quá đắt, tiến hành quá lâu và trình độ công nghệ không cao. Những điều đó dẫn đến câu hỏi, ai là người đã ký quyết định cho dự án này. Và việc ký đó dựa trên sự thẩm định khoa học khách quan như thế nào ? Đó là những điều tôi thắc mắc.

Bây giờ nói rút kinh nghiệm thì rút kinh nghiệm như thế nào, và rút ra những kinh nghiệm gì thì tôi đề nghị là công bố lên để người dân được biết. Tôi nghĩ là nhiều chuyên gia của Liên hiệp khoa học công nghệ sẽ sẵn sàng lên tiếng và tham gia ý kiến. Nếu không thì không ai biết đã rút ra những kinh nghiệm gì. Kinh nghiệm về thẩm định, về giá, về hiệu quả, về người xét/phê duyệt và trách nhiệm như thế nào ?"

Tuyến buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa chỉ là một trong những dự án thất bại với con số ngàn tỷ trong những năm qua. Riêng ngành công thương đã có 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ gồm : Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1-Hải Phòng ; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2-Lào Cai ; Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình ; Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc ; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất ; Dự án nhà máy thép Việt-Trung ; Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ ; Dự án nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi ; Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước ; Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam ; Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ ; Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Trước tình trạng các dự án nghìn tỷ làm ăn thua lỗ liên tục cầu cứu lên Chính phủ để xin cơ chế ưu đãi, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải quy được trách nhiệm tập thể, cá nhân một cách rõ ràng. Không thể đá quả bóng trách nhiệm lăn vòng vòng rồi lại rút kinh nghiệm. Điều quan trọng nữa là phải lắng nghe ý kiến của dân, của tổ tư vấn, của các nhà khoa học…

Với tuyến xe buýt BRT Kim Mã - Yên Nghĩa phải xóa sổ sau vài năm hoạt động, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nêu quan điểm của ông :

"Điều này thì tôi không thể nói chung cho các nhà lãnh đạo, nhưng tôi chỉ biết những nhà lãnh đạo mà tôi có dịp phục vụ như Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải mà thôi. Những thủ tướng này rất coi trọng ý kiến của đội ngũ cố vấn và phản biện của Ban nghiên cứu. Thủ tướng Phan Văn Khải không đi đến một quyết định nào mà không hỏi ý kiến Ban nghiên cứu cả. Và Ban nghiên cứu đã làm việc một cách rất là khách quan, thẳng thắn dựa trên căn cứ khoa học.

Và chúng ta thấy cho đến nay, trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải không thấy những sai lầm nào. Trong khi đó, có các sai lầm và lãng phí rất lớn của một vị thủ tướng khác".

Tuy Tiến sĩ Lê Đăng Doanh không nhắc đến danh tính một vị thủ tướng nào, nhưng công chúng không thể quên một vụ án kinh tế lớn thời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, là vụ Vinashin.

Năm 2010, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra Vinashin và chỉ ra hàng loạt sai phạm, thiếu sót, thua lỗ. Vinashin không còn bảo toàn được vốn Nhà nước giao, để thâm hụt gần 5.000 tỷ đồng.

Sau khi đội ngũ lãnh đạo của Vinashin bị xử lý hình sự, tập đoàn này bắt tay vào quá trình tái cơ cấu và năm 2013 đổi tên thành Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC). SBIC cũng hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Đến cuối năm 2023, Chính phủ yêu cầu hoàn thiện thủ tục phá sản đối với SBIC và bảy công ty con từ quý 1 năm 2024.

Hiện có năm dự án đường bộ đang được Sở Giao thông - Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện gồm : mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương) ; mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An) ; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3) ; nâng cấp đường trục Bắc - Nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến lức Long Thành ; xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).

Người dân hy vọng những dự án này sẽ được lãnh đạo thành phố lắng nghe những ý kiến góp ý, phản biện từ nhiều phía để tránh tái diễn cảnh thua lỗ, phá sản và lại rút kinh nghiệm.

Nguồn : RFA, 18/04/2024

Published in Việt Nam

"Chúng ta làm rất nhiều quy trình, rất nhiều thủ tục, rất nhiều tiêu chuẩn, nhưng chúng ta chọn không đúng người, không hiểu được người, không hiểu được cán bộ", Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói.

rut1

Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 7/11, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân liên tục "nhận trách nhiệm" về những tồn tại trong công tác cán bộ; đặc biệt là quy trình, thủ tục quá nhiều tầng nấc nhưng vẫn chọn sai người trong hệ thống. "Có tỉnh bổ nhiệm sai đến 1.700 trường hợp", ông Lê Vĩnh Tân cho biết.

Giám đốc nhân sự một doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản, bà Tạ Trần Ngọc Tú đã trao đổi về chính thắc mắc của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, "Chúng ta làm rất nhiều quy trình, rất nhiều thủ tục, rất nhiều tiêu chuẩn, nhưng chúng ta chọn không đúng người, không hiểu được người, không hiểu được cán bộ".

Chọn nhân sự quản lý, hay chọn cán bộ làm chính sách đảng?

"Tôi nghĩ rằng vấn đề ở đây là chúng ta đã nhập hai thành một: đảng vừa lãnh đạo, lại vừa làm luôn quản lý". Bà Tạ Trần Ngọc Tú nhận xét.

Tạm gác qua phạm trù chính trị, theo bà Tú, ngay cả yêu cầu đảng lãnh đạo như nêu ở Điều 4, Hiến pháp 2013 cũng cho thấy thực sự đảng chưa làm đúng vai trò này.

"Thứ nhất, lãnh đạo bắt buộc phải là người có tầm nhìn xa trông rộng. Họ nhìn thấy những điều mà người bình thường không thấy. Người lãnh đạo giỏi là người nhìn thấy tương lai của tổ chức, họ có giấc mơ lớn. Và biết cần làm gì để đưa tổ chức của mình đi đúng hướng.

Thứ hai, thông thường người lãnh đạo là người không trực tiếp tham gia ‘chinh chiến’. Họ là người giỏi tạo cảm hứng. Họ dẫn dắt đội nhóm của mình cùng tham gia hành động vì mục tiêu chung. Thường những người lãnh đạo có những quản lý giỏi. Những người quản lý sẽ thay họ thực hiện những mục tiên nhỏ.

Thứ ba, một người lãnh đạo không chỉ có tầm nhìn xa trông rộng, họ còn là người giỏi định chiến lược. Họ biết làm thế nào để phân bổ nguồn lực mà mình đang có. Họ biết làm sao để tạo ra những chiến thuật để giải quyết những bài toán cụ thể.

Thứ tư, những người lãnh đạo thường là những người có khả năng chiêu mộ và xây dựng đội ngũ cực tốt. Họ thành lập và đạo tạo đội ngũ của mình, không chỉ ở chuyên môn, việc gắn kết, và tạo tầm nhìn chung là vô cùng quan trọng". 

Bà Tạ Trần Ngọc Tú diễn giải, và cho rằng những giải trình của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trước Quốc hội vừa cho thấy điểm yếu của người lãnh đạo, vừa chứng minh rằng lâu nay chủ yếu vẫn là lựa chọn cán bộ làm chính sách đảng, thay vì là những nhà quản lý chuyên nghiệp, những nhà quản trị quốc gia.

Hệ lụy của việc thích làm chuyện khác người (!?)

Bà Tạ Trần Ngọc Tú nói rằng bà có tìm hiểu nguyên nhân thất bại mà Bộ trưởng Bộ Nội vụ than thở, "Có tỉnh bổ nhiệm sai đến 1.700 trường hợp".

"Sáng nào ở chỗ chúng tôi làm việc cũng có giờ gọi là bắt buộc nhân viên đọc báo. Hôm thứ tư rồi, tôi đọc một tin thấy rất khác người trong việc tìm kiếm người tài ở Việt Nam trên báo Sài Gòn Giải Phóng. 

Theo bài báo này thì ngày 5/11 tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức lễ khai giảng Lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII, lớp thứ 3 và lớp thứ 4 năm 2019.

Bài báo viết rằng, "Học viên của khóa học đều là những đồng chí được quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó có các đồng chí được quy hoạch chức danh cấp trưởng các bộ, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương giai đoạn 2020 - 2025, quy hoạch chức danh bí thư các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương giai đoạn 2021 – 2026".

Rõ ràng những đồng chí được quy hoạch trong bản tin đó chỉ thích hợp để làm công tác xây dựng đảng, chứ không thể là trưởng các bộ, ban, ngành làm công việc quản lý". Bà Tạ Trần Ngọc Tú biện giải.

Theo bà Tú, nếu một đảng chính trị giữ quyền lãnh đạo muốn có được dưới trướng của mình những nhân sự giỏi về khả năng điều hành quản lý, quản trị, thì cần chấm dứt thủ tục bất thành văn là buộc người đó phải là đảng viên. Câu chuyện 13 nhà báo cấp trưởng, phó ban chuyên trách ở báo Thanh Niên hồi năm ngoái bị cách chức vì không chịu vào đảng là một ví dụ.

"Trong cuộc sống có vô số công việc liên quan đến quản trị quốc gia, theo hệ thống pháp luật hiện hành đã quy định rất rõ, là việc của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng cơ quan đảng tự mình vẫn ban hành quyết định và yêu cầu mọi người dân phải chấp hành. 

Hoặc cũng có vô số công việc, theo hệ thống pháp luật hiện hành quy định, đó đích thực là việc của cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, cơ quan quản lý nhà nước luôn "xin ý kiến chỉ đạo" của cơ quan lãnh đạo đảng tương ứng, mà thực chất là xin quyết định của lãnh đạo cơ quan đảng đó. 

Và như vậy, tôi tin rằng những băn khoăn của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân chỉ có cách giải quyết căn bản nhất, là ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, đảng chính trị nắm quyền quản trị quốc gia, không bao giờ nhân danh một hay một số đảng cầm quyền để ban hành các đường lối, chính sách phát triển đất nước nói chung cũng như từng lĩnh vực trọng yếu, mà luôn nhân danh nhà nước để thực thi các chức năng quản trị quốc gia.  

Mặc dù Việt Nam không có sự cạnh tranh đảng phái chính trị, nhưng cũng nên bắt chước về chuyện quyền quản trị quốc gia như các nước đa đảng khác". Bà Tạ Trần Ngọc Tú đề xuất; bởi nếu giữ nguyên như lâu nay thì vẫn là vòng lẩn quẩn của sợi dây kinh nghiệm rút hoài không hết.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 09/11/2019

Published in Diễn đàn