Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/11/2019

Vòng lẩn quẩn của sợi dây kinh nghiệm rút hoài không hết

Trúc Giang

"Chúng ta làm rất nhiều quy trình, rất nhiều thủ tục, rất nhiều tiêu chuẩn, nhưng chúng ta chọn không đúng người, không hiểu được người, không hiểu được cán bộ", Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói.

rut1

Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 7/11, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân liên tục "nhận trách nhiệm" về những tồn tại trong công tác cán bộ; đặc biệt là quy trình, thủ tục quá nhiều tầng nấc nhưng vẫn chọn sai người trong hệ thống. "Có tỉnh bổ nhiệm sai đến 1.700 trường hợp", ông Lê Vĩnh Tân cho biết.

Giám đốc nhân sự một doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản, bà Tạ Trần Ngọc Tú đã trao đổi về chính thắc mắc của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, "Chúng ta làm rất nhiều quy trình, rất nhiều thủ tục, rất nhiều tiêu chuẩn, nhưng chúng ta chọn không đúng người, không hiểu được người, không hiểu được cán bộ".

Chọn nhân sự quản lý, hay chọn cán bộ làm chính sách đảng?

"Tôi nghĩ rằng vấn đề ở đây là chúng ta đã nhập hai thành một: đảng vừa lãnh đạo, lại vừa làm luôn quản lý". Bà Tạ Trần Ngọc Tú nhận xét.

Tạm gác qua phạm trù chính trị, theo bà Tú, ngay cả yêu cầu đảng lãnh đạo như nêu ở Điều 4, Hiến pháp 2013 cũng cho thấy thực sự đảng chưa làm đúng vai trò này.

"Thứ nhất, lãnh đạo bắt buộc phải là người có tầm nhìn xa trông rộng. Họ nhìn thấy những điều mà người bình thường không thấy. Người lãnh đạo giỏi là người nhìn thấy tương lai của tổ chức, họ có giấc mơ lớn. Và biết cần làm gì để đưa tổ chức của mình đi đúng hướng.

Thứ hai, thông thường người lãnh đạo là người không trực tiếp tham gia ‘chinh chiến’. Họ là người giỏi tạo cảm hứng. Họ dẫn dắt đội nhóm của mình cùng tham gia hành động vì mục tiêu chung. Thường những người lãnh đạo có những quản lý giỏi. Những người quản lý sẽ thay họ thực hiện những mục tiên nhỏ.

Thứ ba, một người lãnh đạo không chỉ có tầm nhìn xa trông rộng, họ còn là người giỏi định chiến lược. Họ biết làm thế nào để phân bổ nguồn lực mà mình đang có. Họ biết làm sao để tạo ra những chiến thuật để giải quyết những bài toán cụ thể.

Thứ tư, những người lãnh đạo thường là những người có khả năng chiêu mộ và xây dựng đội ngũ cực tốt. Họ thành lập và đạo tạo đội ngũ của mình, không chỉ ở chuyên môn, việc gắn kết, và tạo tầm nhìn chung là vô cùng quan trọng". 

Bà Tạ Trần Ngọc Tú diễn giải, và cho rằng những giải trình của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trước Quốc hội vừa cho thấy điểm yếu của người lãnh đạo, vừa chứng minh rằng lâu nay chủ yếu vẫn là lựa chọn cán bộ làm chính sách đảng, thay vì là những nhà quản lý chuyên nghiệp, những nhà quản trị quốc gia.

Hệ lụy của việc thích làm chuyện khác người (!?)

Bà Tạ Trần Ngọc Tú nói rằng bà có tìm hiểu nguyên nhân thất bại mà Bộ trưởng Bộ Nội vụ than thở, "Có tỉnh bổ nhiệm sai đến 1.700 trường hợp".

"Sáng nào ở chỗ chúng tôi làm việc cũng có giờ gọi là bắt buộc nhân viên đọc báo. Hôm thứ tư rồi, tôi đọc một tin thấy rất khác người trong việc tìm kiếm người tài ở Việt Nam trên báo Sài Gòn Giải Phóng. 

Theo bài báo này thì ngày 5/11 tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức lễ khai giảng Lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII, lớp thứ 3 và lớp thứ 4 năm 2019.

Bài báo viết rằng, "Học viên của khóa học đều là những đồng chí được quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó có các đồng chí được quy hoạch chức danh cấp trưởng các bộ, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương giai đoạn 2020 - 2025, quy hoạch chức danh bí thư các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương giai đoạn 2021 – 2026".

Rõ ràng những đồng chí được quy hoạch trong bản tin đó chỉ thích hợp để làm công tác xây dựng đảng, chứ không thể là trưởng các bộ, ban, ngành làm công việc quản lý". Bà Tạ Trần Ngọc Tú biện giải.

Theo bà Tú, nếu một đảng chính trị giữ quyền lãnh đạo muốn có được dưới trướng của mình những nhân sự giỏi về khả năng điều hành quản lý, quản trị, thì cần chấm dứt thủ tục bất thành văn là buộc người đó phải là đảng viên. Câu chuyện 13 nhà báo cấp trưởng, phó ban chuyên trách ở báo Thanh Niên hồi năm ngoái bị cách chức vì không chịu vào đảng là một ví dụ.

"Trong cuộc sống có vô số công việc liên quan đến quản trị quốc gia, theo hệ thống pháp luật hiện hành đã quy định rất rõ, là việc của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng cơ quan đảng tự mình vẫn ban hành quyết định và yêu cầu mọi người dân phải chấp hành. 

Hoặc cũng có vô số công việc, theo hệ thống pháp luật hiện hành quy định, đó đích thực là việc của cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, cơ quan quản lý nhà nước luôn "xin ý kiến chỉ đạo" của cơ quan lãnh đạo đảng tương ứng, mà thực chất là xin quyết định của lãnh đạo cơ quan đảng đó. 

Và như vậy, tôi tin rằng những băn khoăn của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân chỉ có cách giải quyết căn bản nhất, là ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, đảng chính trị nắm quyền quản trị quốc gia, không bao giờ nhân danh một hay một số đảng cầm quyền để ban hành các đường lối, chính sách phát triển đất nước nói chung cũng như từng lĩnh vực trọng yếu, mà luôn nhân danh nhà nước để thực thi các chức năng quản trị quốc gia.  

Mặc dù Việt Nam không có sự cạnh tranh đảng phái chính trị, nhưng cũng nên bắt chước về chuyện quyền quản trị quốc gia như các nước đa đảng khác". Bà Tạ Trần Ngọc Tú đề xuất; bởi nếu giữ nguyên như lâu nay thì vẫn là vòng lẩn quẩn của sợi dây kinh nghiệm rút hoài không hết.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 09/11/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trúc Giang
Read 605 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)