Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Những chứng bệnh di căn của Đảng cộng sản Việt Nam

Phạm Trần, 02/10/2023

Từ năm 1949, người thành lập Đảng cộng sản Việt Nam Hồ Chí Minh, đã khoe "Đảng ta là vĩ đại, là đạo đức, là văn minh". Về sau Đảng tự phong lên "thật là vĩ đại".

suythoai1

Quyển sách phân tích những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên

Không những thế, các thế hệ nối tiếp lại còn đồng ca "Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân". Nhưng đảng lại tự cho mình quyền lãnh đạo độc quyền ; không cho tư nhân ra báo và kiểm soát các quyền tự do cơ bản của con người, kể cả quyền tự do tư tưởng và tự do tôn giáo khiến nhân dân nghi ngờ, đảng viên hoang mang.

Vì vậy bây giờ, 93 năm sau (1930-2023), mới có chuyện : "Một số không nhỏ đảng viên suy thoái tư tưởng, đạo đức và lối sống".

Trong "suy thoái tư tưởng" có biến chứng "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" đang đe dọa sự sống còn của chế độ. Nguy cơ này đã chứng minh đảng viên không còn tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh ; không còn tin vào đường lối lãnh đạo của đảng ; và nạn tham nhũng, thoái hóa trong cán bộ đảng viên ngày một gia tăng.

Như vậy là đảng đang xuống dốc không phanh, "còn gì nữa đâu mà khóc với cười" ? (Bài hát "Nghìn trùng xa cách" của Phạm Duy)

Nhưng Ban lãnh đạo đảng vẫn bô bô cái miệng khoe "đảng lãnh đạo nhân dân ta hết thắng lợi này đến thắng lợi khác", nhưng lại quên đi những chứng bệnh di căn của chính mình.

Do đó, trong Diễn văn "giữa nhiệm kỳ khóa đảng XIII vào tháng 5/2023", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khuyến cáo phải hết sức tránh tình trạng :

"Chân mình còn lấm bê bê

Lại cầm bó đuốc đi rê chân người !".

Cần tuyên truyền mạnh

Bởi vì thói quen "ngồi trên soi mói, vạch lá tìm sâu" của lãnh đạo không mới mà vẫn tồn tại sau nhiều năm sửa đổi. Hai chứng bệnh di căn "chủ nghĩa cá nhân" và "lợi ích nhóm" tiếp tục tràn lan trong nội bộ khiến đảng viên mất định hướng.

Đúng như Ban tuyên giáo nhìn nhận trong lĩnh vực "bảo vệ tư tưởng đảng" thì : "Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Công tác tuyên truyền, định hướng, nhất là trên internet và mạng xã hội còn thiếu nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp, có biểu hiện chạy theo thành tích, bệnh hình thức, hiệu quả chưa cao" (báo Tuyên giáo, ngày 25/09/2023).

Thêm vào đó lại có : "Một bộ phận không nhỏ cán bộ làm công tác tuyên truyền do hạn chế về nhận thức, năng lực nên tham gia hoạt động tuyên truyền chưa thật sự hiệu quả hoặc do chạy theo lợi nhuận, lợi ích vật chất nên đã đánh mất đạo đức nghề nghiệp, chỉ chú tâm đến việc đăng các thông tin giật gân nhằm "câu like", "câu view", chạy theo tâm lý đám đông mà không tuân theo quy định của các cơ quan quản lý về tuyên truyền bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước…".

Như vậy là "phản tuyên truyền rồi". Cho nên, bài viết nhìn nhận : "Bốn nguy cơ, trong đó có tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ còn nhiều diễn biến phức tạp".

10 chứng bệnh

Để có một cái nhìn xác thực hơn, hãy đọc 10 chứng bệnh di căn của đảng Đảng cộng sản Việt Nam đang hành hạ dân do Đài tiếng nói Việt Nam phổ biến ngày 20/05/2017, một năm sau ban hành Nghĩ quyết 4 (khóa XII) về " tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng".

Đó là :

1. Bệnh quan liêu : "Quan liêu là bệnh của những người và những cơ quan lãnh đạo xa rời thực tế, xa nhân dân, mất dân chủ. Các ông quan liêu khi được phân công phụ trách ở vùng nào, việc gì thì như ông vua con, tha hồ hạch sách, hoạch họe ở vùng ấy, lĩnh vực ấy. Đối với cấp trên thì xem thường, với cấp dưới cậy quyền lấn át, với quần chúng thì quan cách".

2. Bệnh tham lam : "Những người mắc bệnh này đều đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc. Chữ tôi to hơn chúng ta, không lo mình vì mọi người, mà chỉ muốn mọi người vì mình…tham ô, hủ hóa, sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi".

3. Bệnh lười biếng : "Tự cho mình cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết, làm biếng học hỏi, làm biếng suy nghĩ. Ngại khó khăn gian khổ...".

4. Bệnh kiêu ngạo : "Tự cao, tự đại, hay lên mặt. Ưa người ta khen ngợi, tâng bốc mình. Ưa sai khiến người khác. Việc gì cũng muốn làm thầy người khác".

5. Bệnh hiếu danh, tham danh, trục lợi, đích địa vị quyền hành, tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại : "Vì tham vọng đó mà việc không đáng làm cũng làm… chỉ biết lên mà không biết xuống. Chỉ chịu được sướng mà không chịu được khổ".

6. Bệnh hữu danh vô thực : "Làm việc không thiết thực, không từ chỗ gốc, chỗ chính, không từ dưới lên. Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít xuýt ra nhiều, để làm một báo cáo cho oai nhưng xét kỹ thì rỗng tuyếch".

7. Bệnh cận thị : Không trông xa thấy rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chút những việc vụn vặt".

8. Bệnh tỵ nạnh : "Cái gì cũng muốn bình đẳng, sinh ra hiểu lầm hai chữ bình đẳng, không hiểu rằng người khỏe gánh nặng, người yếu gánh nhẹ…".

9. Bệnh xu nịnh a dua : "Những người trước mặt thì ai cũng tốt, sau lưng thì ai cũng xấu. Thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi".

10. Bệnh kéo bè kéo cánh : "Ai hợp với mình thì dù xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người ta xuống".

Thời Nguyễn Phú Trọng

Đáng chú ý là 10 căn bệnh di căn kinh niên này đã được Đảng cộng sản Việt Nam ra sức chữa trị trong suốt 9 năm, kể từ năm 2012 khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lên cầm quyền từ khóa đảng XI, thay Nông Đức Mạnh.

Nhưng xem ra có hai lĩnh vực ông Trọng không làm nổi, đó là : chống tham nhũng và xây dựng đảng.

Về tham nhũng, dù đã có nhiều viên chức cấp cao và sĩ quan quân đội phải vào tù, nhưng khi nào tình hình cũng "vẫn còn phức tạp và tinh vi". Quan trọng hơn là bây giờ lại sinh ra bệnh mới "tham nhũng quyền lực" gây nhức nhối không ít cho lãnh đạo.

Còn chuyện "xây dựng đảng" thì càng chống, căn nhà Đảng càng xiêu vẹo". Trước đây chỉ có "một bộ phận" đảng viên suy thoái, giờ đây là "một số không nhỏ" trong tổng số trên 5 triệu đảng viên (số chính thức là 5.248.607 người).

Bằng chứng phai nhạt

Tình trạng phai nhạt tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống của đảng viên đã được chứng minh liên tiếp trong 3 Nghị quyết Trung ương 4 của Khóa đảng XI, XII và XIII.

Trong khóa đảng XI, đảng viết : "
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc..." (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 / khóa XI : Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay).

Sang khóa đảng XII, Nghị quyết 4 lần đầu tiên nhìn nhận đảng bị : "Lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"… Phai nhạt lý tưởng cách mạng ; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh…".

Ngoài ra, nhiều đảng viên : "Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm ; hứa nhiều làm ít ; nói một đằng, làm một nẻo ; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác ; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu… Kê khai tài sản, thu nhập không trung thực".

Thêm vào đó, các chứng bệnh mới nẩy sinh gồm : "thành tích", háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi ; thích được đề cao, ca ngợi ; "chạy thành tích", "chạy khen thưởng", "chạy danh hiệu"… Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực…".

Đến khóa đảng XIII, lại có Nghị quyết 4 về tiếp tục "đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Theo đó thì : "Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng còn hạn chế. Cơ chế kiểm soát quyền lực và chế tài xử lý vi phạm ở nhiều lĩnh vực chưa có hoặc có nhưng chưa cụ thể, hiệu quả thực thi thấp". 

Do đó, thêm lần nữa đảng nhìn nhận : "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" còn diễn biến phức tạp".

Cuối cùng Nghị quyết kêu gọi : "Phải đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta". 

Nói hăng như thế nhưng, như đã chứng minh trong suốt 3 khóa đảng XI, XII và XIII, hai công tác chống tham nhũng và xây dựng đảng lúc nào cũng chỉ mới "tiến được một bước".

Vậy đến khi nào thì ông Nguyễn Phú Trọng mới cho dân biết đã tiến lên "bước thứ hai" ?

Phạm Trần

(02/10/2023)

****************************

Đọc thêm :

27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống Đảng viên phải biết

Lê Vy, Lawnet, 03/12/2020

Để nhận thức sâu sắc và đề ra các giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái trong nội bộ Đảng viên, Ban chấp hành TW Đảng đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

suythoai2

27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống Đảng viên phải biết (Ảnh minh họa)

Cụ thể, theo Nghị quyết 04-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ quy định 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm :

- Tư tưởng chính trị ;

- Đạo đức, lối sống ;

- "Tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ

Cụ thể như sau :

Nội dung biểu hiện

1. Biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị

1. Phai nhạt lý tưởng cách mạng ; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

2. Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng ; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái.

3. Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị ; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

4. Không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng ; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác ; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả ; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.

5. Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm ; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh ; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng.

6. Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm ; hứa nhiều làm ít ; nói một đằng, làm một nẻo ; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác ; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu.

7. Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình ; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác.

8. Tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức ; kén chọn chức danh, vị trí công tác ; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó ; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn. Thậm chí còn tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh.

9. Vướng vào "tư duy nhiệm kỳ", chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình ; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích.

Biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống

10. Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi ; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể ; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình.

11. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức ; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền ; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành.

12. Kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

13. Mắc bệnh "thành tích", háo danh, phô trương, che dấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi ; thích được đề cao, ca ngợi ; "chạy thành tích", "chạy khen thưởng", "chạy danh hiệu".

14. Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình ; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân.

15. Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên... ; đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả ; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định ; chi tiêu công quỹ tuỳ tiện, vô nguyên tắc. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động.

16. Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.

17. Thao túng trong công tác cán bộ ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.

18. Đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan, ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp. Sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội.

Biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ

19. Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ; đòi thực hiện "đa nguyên, đa đảng".

20. Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ; đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", phát triển "xã hội dân sự". Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.

21. Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng ; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

22. Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

23. Phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang ; đòi "phi chính trị hóa" quân đội và công an ; xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân ; chia rẽ quân đội với công an ; chia rẽ nhân dân với quân đội và công an.

24. Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập ; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước.

25. Đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ; thông tin phiến diện, một chiều về tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước.

26. Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học - nghệ thuật. Tác động, lôi kéo, lái dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng ; cổ suý cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan ; thổi phồng mặt trái của xã hội. Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng.

27. Có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan. Lợi dụng vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ nội bộ, gây chia rẽ giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo, giữa dân tộc và tôn giáo, giữa các dân tộc, tôn giáo với Đảng và Nhà nước.

Lê Vy

Nguồn : LawNet, 03/12/2020

Published in Diễn đàn

Chỉ còn 30 tháng nữa tới kỳ Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam khóa XIV, nhưng tình trạng "suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống" và "tham nhũng, tiêu cực" vẫn trơ ra như đá khiến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mất ăn mất ngủ.

suythoai1

Khởi tố thêm các cấp lãnh đạo cộng sản trong vụ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á. Ảnh minh họa

Trong Diễn văn bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa XIII ngày 17/05/2023, ông Trọng nói : "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại, diễn biến phức tạp, không thể chủ quan, lơ là" (Tài liệu Đảng).

Lý do còn nan giải vì, theo lời người đứng đầu Đảng : "Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi chưa nghiêm, thậm chí còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm ; cái gì có lợi thì kéo về cho cơ quan, đơn vị và cá nhân mình ; cái gì khó khăn thì đùn đẩy ra xã hội, cho cơ quan khác, người khác…".

Nhưng những chứng bệnh này không mới mà đã có từ khóa đảng VII thời Đỗ Mười. Sang thời Tổng bí thư Lê Khả Phiêu (khóa VIII), tình hình nghiệm trọng hơn, và cứ như thế lan qua khóa đảng IX và X thời Nộng Đức Mạnh. Đến thời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cầm quyền từ khóa đảng XI năm 2011 đến nay (khóa Đảng XIII), tình hình chung vẫn kéo dài nghiêm trọng.

Diễn biến theo thời gian

Bằng chứng này đã được báo Đại biểu Nhân dân phản ảnh : "Nếu năm 1999, tình hình "... trong Đảng đang bộc lộ một số yếu kém : sự suy thoái về tư tưởng chính trị... của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn", thì đến năm 2006, tình hình "thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống ; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi... Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ".

Và, nếu năm 2011 : "tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước" ; thì tới năm 2016 đòi hỏi chúng ta tiếp tục phải "đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ; và năm 2021 vẫn cho thấy : "một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyến hóa", cần kíp "tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" (Đại biểu Nhân dân, ngày 20/05/2023).

Tác giả bài viết, Tiến sĩ Nhị Lê, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nói : "Thực tế đã và đang cho thấy, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" không chỉ tiềm tàng ở một nơi nào đó mà nó hiện diện tại không ít nơi, không chỉ ở một vài người hay nhóm người nào đó mà đáng lo ngại là, hiện diện khá rộng, sâu và phức tạp trong một bộ phận đáng kể đội ngũ cán bộ, đảng viên, nguy hiểm nhất là ở những cán bộ cao cấp, chiến lược của hệ thống chính trị, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau, hết sức phức tạp, tinh vi".

Nhưng tại sao đã có "một số không nhỏ cán bộ, đảng viên lãnh đạo" đã sa vào tình trạng mà ông Nhị Lê gọi là "thúc thủ", "rũ áo xuôi tay""trùm chăn", "án binh bất động", thái độ "sống chết mặc bay", "cháy nhà hàng xóm bình chân như vại" ?"

Đó là hậu quả, theo ông Nhị Lê, "Của sự giảm sút niềm tin xã hội chủ nghĩa, là sự "nhạt Đảng", "nhạt lý tưởng xã hội chủ nghĩa" ; nhận thức mơ hồ, lệch lạc về chủ nghĩa Mác - Lenin và chủ nghĩa xã hội, về đường lối, chủ trương của Đảng, mắc vào "vợ bé", "phòng nhì" đầy hủ bại, "sân sau, sân trước" đầy mánh lới, trục lợi... Trước những bước ngoặt của cách mạng, họ hồ nghi sự đúng đắn của mục tiêu chính trị và thậm chí ngả theo luận điệu cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lenin đã lỗi thời (!), họ "giữ thân", "sống chết mặc bay", a dua, thậm chí lâm vào sự hủ bại về đạo đức, lối sống, thờ ơ với các quan điểm, hành vi trái với quan điểm của Đảng, thậm chí vuốt ve một cách dân túy những tư tưởng, tệ nạn đó..".

Những thành phấn này bị ông Nhị Lê lên án : "Mất phương hướng tư tưởng, mất khả năng chủ động kiểm soát và điều chỉnh hành động của mình, từ đó rơi vào tình trạng hoặc "tả" khuynh hoặc hữu khuynh hoặc chiết trung chủ nghĩa, hoặc tự phát manh động, hoặc chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa theo đuôi hoặc phiêu lưu chính trị…".

Ông nói : "Đó là những con lắc đơn trong tư tưởng chính trị, là sự hỗn mang của thứ "đạo đức tùy thời" cơ hội, đạo đức dân túy, "sống chết mặc bay" hủ bại" , "buôn quyền lực", kèn cựa, gây bè kéo cánh, thậm chí vu cáo, bôi nhọ đồng chí, gây rối nội bộ…".

Ông Nhị Lê, một trong số "nhà lý luận Cộng sản" hàng đầu của Viêt Nam lên án những người chệch hướng tư tưởng là "cơ hội giấu mặt, là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm trong Đảng".

Ông gay gắt lên án : "Đó chính là những con "kỳ nhông chính trị", "con trùng biến hình đạo đức", những người đạo đức giả, đa nhân cách chính trị và đạo đức trong bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị".

suythoai2

Tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị và tham nhũng trong cán bộ, đảng viên, kể cả những ngưởi có chức, có quyền vẫn tự do leo thang, trong khi niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản và các cấp lãnh đạo của đảng viên tụt hậu chưa từng thấy - Ảnh minh họa

Muốn con đường khác

Nên biết báo Đại biểu Nhân dân là của Quốc hội cộng sản Việt Nam do đó, lời phê bình của Nhà báo Nhị Lê, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận hàng đầu của Tuyên giáo, có ý nghĩa đặc biệt nghiêm trọng. Chẳng hạn như ông Nhị Lê đã tố cáo : "Hiện nay, đã xuất hiện một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hoài nghi về con đường xã hội chủ nghĩa, quay quắt về tư tưởng chính trị và giả trá về đạo đức".

Hay : "Một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cao cấp, lại mượn cớ "phản biện", quay ra công khai "tát nước theo mưa" phê phán thiếu căn cứ về sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Chính phủ, đòi xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lenin ; một số đảng viên trí thức, văn nghệ sĩ, luật sư đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi "tam quyền phân lập" kiểu phương Tây".

Ông Nhị Lê bảo : "Có thể gọi "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là sự trượt dài của sự suy thoái tư tưởng chính trị khi mất kiểm soát ở mức độ nguy hiểm, là con đẻ của chủ nghĩa cơ hội chính trị, chủ nghĩa đầu hàng hay chủ nghĩa phản bội trên thực tế".

Quân đội bị suy thoái

Cũng đáng chú ý là cùng lúc xuất hiện bài của ông Nhị Lê thì báo của Trung ương Đảng cũng cảnh giác đề phòng tìn trạng "diễn biến hòa bình" và "suy thoái tư tưởng" trong Quân đội, lực lượng nồng cốt bảo vệ Đảng và chế đô.

Báo của Đảng thừa nhận rằng : "Đấu tranh phòng, chống diễn biến hòa bình trên lĩnh vực chính trị - tư tưởng trong quân đội là cuộc đấu tranh cam go, phức tạp, quyết liệt và lâu dài".

Bởi vì, theo bài viết : "Các thế lực thù địch triệt để sử dụng những thủ đoạn tinh vi, thâm độc nhằm mưu toan xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, làm tan rã niềm tin, gây hoang mang về lý luận, tư tưởng, tạo ra những khoảng trống để đưa hệ tư tưởng tư sản thâm nhập vào cán bộ, đảng viên trong quân đội, tiến tới chuyển hóa, xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa" (báo Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 30/05/2023).

Do đó, báo của Đảng đề xướng phải : "Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức trách nhiệm, ý thức cảnh giác trong chống âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch trên lĩnh vực chính trị tư tưởng đối với quân đội ta. Theo đó, nội dung giáo dục chính trị tư tưởng trong quân đội cần tập trung giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước".

Bên cạnh đó, các tổ chức đảng trong Quân đội phải "trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện".

Sĩ quan trẻ

Nên biết từ năm 2022, vấn đề bảo vệ tư tưởng trong hàng ngũ sĩ quan trẻ trong quân đội đã được đặt lên hàng đầu trong công tác giáo dục. Bởi lẽ, cũng như tình trạng suy thoái và "nhạt Đảng, xa Đoàn" trong tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, lực lượng dự bị của Đảng, vấn đề đấu tranh chống suy thoái trong lớp sĩ quan trẻ trong quân đội đã được quan tâm đặc biệt.

Lý do vì : Đội ngũ sĩ quan trẻ là lực lượng "rường cột" kế tục sự nghiệp cách mạng trong Quân đội, hay nói cách khác, sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc phụ thuộc phần lớn vào đội ngũ này. Đảng ta đã chỉ rõ, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là "giặc nội xâm" đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trong đội ngũ sĩ quan trẻ, ít nhiều cũng có những biểu hiện suy thoái như Đảng ta đã chỉ ra. Tuy nhiên, sự suy thoái về đạo đức, lối sống của đội ngũ sĩ quan trẻ thường hay biểu hiện trước và có khả năng làm trầm trọng suy thoái về tư tưởng chính trị và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Bởi, họ là thế hệ trẻ, đang cần tiếp tục được rèn luyện về nhân cách (Tạp chí Quốc phòng Toàn dân (QPTD), ngày 24/01/2022).

Công an cũng suy thoái

Trong khi đó, công tác "phòng, chống suy thoái tư tưởng và đạo đức lối sống và phòng chống tham nhũng, tiêu cực " trong Lực lượng Công an cũng đang gây nhức nhối cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Giống như bên Quân đội, tình trạng "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" của Công an cũng phức tạp và tinh vi như trong Đảng, dù được đề cao là "thanh bảo kiếm", là "lá chắn" bảo vệ chế độ.

Trong bài viết "Tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh", Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhìn nhận : "Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân vẫn còn hạn chế, bất cập : Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số ít cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở còn thấp, chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ chưa cao, còn hình thức ; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình chưa nghiêm. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng ở một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa được chú trọng, kịp thời, thiếu sắc bén. Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu gương mẫu ; giảm sút ý chí chiến đấu, vi phạm kỷ luật, thậm chí vi phạm pháp luật đến mức phải bị xử lý (báo Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 08/08/2022)

Tướng Tô Lâm không nêu ra những trường hợp cụ thể, nhưng kêu gọi phải : "Chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về "phi chính trị hóa" lực lượng công an nhân dân, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước ; phê phán, xử lý nghiêm những việc làm sai trái, thiếu trách nhiệm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây phiền hà với nhân dân, tiêu cực trong khi thi hành công vụ, những biểu hiện suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí".

Nhưng tại sao Công an và Quân đội lại sợ Đảng bị mất quyền lãnh đạo tuyệt đối với mình ? Bởi vì nếu Đảng không nắm chặt và chỉ huy trực tiếp mọi mặt hai lực lượng này thì Đảng sẽ mất chỗ tựa lưng để tồn tại.

Do đó, trong nhiều bài viết và diễn văn, các cấp chỉ huy quân đội và lãnh đạo công an đều thề "tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin vả tư tưởng Hồ Chí Minh" và "tự nguyện đặt mình dưới quyền lãnh đạo của Đảng về mọi mặt".

Nhưng thực tế đã không xẩy ra như Đảng trông đợi, vì tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị và tham nhũng trong cán bộ, đảng viên, kể cả những ngưởi có chức, có quyền vẫn tự do leo thang, trong khi niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản và các cấp lãnh đạo của đảng viên tụt hậu chưa từng thấy.

Phạm Trần

(13/06/2023)

Published in Diễn đàn

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói uy tín của Đảng cộng sản Việt Nam 'được nâng lên rõ rệt' nhưng 'vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh' trong cuộc họp tổng kết công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày 10/4.

npt1

Trần Quốc Vượng (trái) đã vươn lên trở thành nhân vật không chỉ "số 2 trong đảng" mà còn là nhân vật có thực quyền thứ hai trong bộ máy "đảng và nhà nước ta", chỉ sau Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (phải). Ảnh : Phapluatplus.vn

Tại trụ sở Trung ương Đảng ở Hà Nội, Giáo sư Trọng cho rằng 'mặt được' là "vai trò, vị trí, uy tín của Đảng được nâng lên rõ rệt, thể hiện ở cả trong nước và trên trường quốc tế".

Website chinhphu.vn nhắc đến việc các đảng viên vi phạm "đã bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc, qua đó có tác dụng cảnh báo, phòng ngừa sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng…".

Tuy nhiên, còn nhiều mặt chưa được, trong số đó là "Công tác tự kiểm tra còn yếu, tự phê bình và phê bình còn nể nang, né tránh ; kiểm soát quyền lực chưa tốt".

Có 10 tỉnh và năm cơ quan trung ương nằm trong đợt kiểm tra việc thực Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng vừa qua, theo trang web chinhphu.vn.

Ngoài ra, nhận thức của một số đảng viên về nhiệm vụ chỉnh đốn đảng còn 'chưa đầy đủ'. Việc tuyên truyền, đấu tranh chống âm mưu 'diễn biến hòa bình', nguy cơ 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' và các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa 'chưa thật sắc bén'.

"Việc nhận diện những biểu hiện suy thoái trong cán bộ, đảng viên còn đơn giản, né tránh, chưa chỉ rõ được địa chỉ cụ thể".

"Vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm" trong "việc thực hiện tự phê bình và phê bình".

Việc kê khai, công khai tải sản, thu nhập của cán bộ đảng viên còn 'chưa được quan tâm thực hiện' và 'còn hình thức'.

Trong số 10 tỉnh được kiểm tra, Trà Vinh được cho là 'có cách làm sáng tạo' trong thực hiện Nghị quyết 4.

Tỉnh này đã in 27 biểu hiện "Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' nêu trong Nghị quyết 4 thành sổ tay bỏ túi, và dán ở những nơi đông người qua lại để 'ai cũng thấy cần thiết tự soi tự sửa.'

"Cái sâu xa là trung thành tuyệt đối với Đảng, kiên định với chế độ", website chinhphu.vn tường thuật.

Dư luận Việt Nam chú ý nhiều đến công cuộc chống tham nhũng hay còn gọi là 'đốt lò' mà Tổng bí thư Trọng khởi xướng.

Có ý kiến đã đăng trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt cho rằng "làm sạch đội ngũ lãnh đạo cần thiết và rất đúng ý dân. Điều này cho thấy sự cầu tiến của Đảng cộng sản Việt Nam. Kinh nghiệm cho thấy tham nhũng, lãnh đạo yếu kém sẽ mất lòng dân và mất chính quyền".

Ngoài ra, cũng có ý kiến nói tham nhũng ở Việt Nam đã mang tính cơ chế, và thiếu tam quyền phân lập sẽ khó làm rốt ráo .

Gần đây nhất, một hướng dẫn thi hành quy định mới nhất về kỷ luật đảng viên đã thu hút sự chú ý bất ngờ của dư luận Việt Nam vì câu nói rằng Đảng viên nghỉ hưu, đang ốm nặng hoặc thậm chí đã qua đời vẫn có thể bị kiểm tra, kỷ luật, theo kiểu hồi tố.

Vì sao phải chỉnh đốn Đảng ?

Kể từ Đại hội Đảng 12, khi ông Nguyễn Phú Trọng kêu gọi đấu tranh "chống tham nhũng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống".

Sau khi được bầu lại làm Tổng bí thư tháng Giêng 2016, ông Nguyễn Phú Trọng cùng giới chức trong Đảng đã ban hành hàng loạt văn bản về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng.

Tháng 10/2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Ủy ban Kiểm tra trung ương đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, thi hành kỷ luật đảng.

Hàng loạt đảng viên 'cao cấp' đã 'sa lưới', điển hình là việc bỏ tù Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, gần đây là các vụ bắt và truy tố tướng Nguyễn Thanh Hóa và trung tướng Phan Văn Vĩnh liên quan đến đường dây đánh bạc ngàn tỷ.

npt2

Khởi tố bắt cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hoá và băng nhóm tướng Phan Văn Vĩnh vì tổ chức đánh bạc

Hàng loạt cựu ủy viên trung ương cũng bị kỷ luật, cảnh cáo như ông Nguyễn Văn Thiện, nguyên Bí thư tỉnh ủy Bình Định ; ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ ; ông Nguyễn Xuân Anh bị cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, cho thôi giữ chức Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ; ông Phạm Văn Vọng, đã nghỉ hưu, bị cách chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Mới đây nhất, tỉnh ủy Quảng Bình đã điều chuyển ông Hà Quốc Phong, Phó bí thư thành ủy "có vợ con thăng tiến nhanh", sau khi có dư luận về vụ việc.

Giới quan sát nói gì?

Ngay từ 22/02, tờ Diplomat bình luận rằng Đảng Cộng sản Việt Nam ở một mức độ nào đấy muốn đi theo con đường của Trung Quốc.

"Tất cả những động thái này chắc chắn đã khẳng định ông Trọng là nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất của Việt Nam trong nhiều thập niên qua. Trong một bối cảnh như vậy, Việt Nam đang dần dân từ chế độ độc đảng trở nên chế độ độc trị, giống như Trung Quốc dưới thời ông Tập", theo tờ Diplomat.

Nhá báo tự do Phạm Chí Dũng từng bình luận trên kênh YouTube của BBC Tiếng Việt rằng so sánh ông Trọng với ông Tập là không chính xác, vì ông Tập từ 2012 đã xử lý 1 triệu quan chức tham nhũng. Còn ở Việt Nam, công cuộc chống tham nhũng chỉ có '5 quan chức kê khai tài sản sai' trên cả triệu người phải khai.

Với giới quan sát nước ngoài, không ít người vẫn hoài nghi về thực chất chiến dịch chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam.

Một bài của Reuters hôm 11/12/2017, sau khi ông Đinh La Thăng bị bắt, cho rằng chiến dịch chống tham nhũng nhằm "kiềm chế tham nhũng lớn".

"Dù các vụ bắt giữ có lên cao hơn hay không, uy thế của ông Trọng được bảo đảm trong nhiệm kỳ kéo dài tới 2021, và phe này có điều kiện tốt hơn để duy trì ưu thế cả sau đó", bài báo nhận xét.

Từ Mỹ, chuyên gia về chính trị học Đông Nam Á Zachary Abuza từng bình luận với BBC :

"Tất cả đều là chính trị. Ông Nguyễn Phú Trọng không chỉ củng cố vị trí của mình. Ông còn triệt hạ các đối thủ chính trị trước Đại hội Đảng sắp tới. Ông Trọng giờ đây đang ở vị thế không ai tấn công được".

Nguồn : BBC, 11/04/2018

Published in Diễn đàn