Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói uy tín của Đảng cộng sản Việt Nam 'được nâng lên rõ rệt' nhưng 'vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh' trong cuộc họp tổng kết công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày 10/4.
Trần Quốc Vượng (trái) đã vươn lên trở thành nhân vật không chỉ "số 2 trong đảng" mà còn là nhân vật có thực quyền thứ hai trong bộ máy "đảng và nhà nước ta", chỉ sau Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (phải). Ảnh : Phapluatplus.vn
Tại trụ sở Trung ương Đảng ở Hà Nội, Giáo sư Trọng cho rằng 'mặt được' là "vai trò, vị trí, uy tín của Đảng được nâng lên rõ rệt, thể hiện ở cả trong nước và trên trường quốc tế".
Website chinhphu.vn nhắc đến việc các đảng viên vi phạm "đã bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc, qua đó có tác dụng cảnh báo, phòng ngừa sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng…".
Tuy nhiên, còn nhiều mặt chưa được, trong số đó là "Công tác tự kiểm tra còn yếu, tự phê bình và phê bình còn nể nang, né tránh ; kiểm soát quyền lực chưa tốt".
Có 10 tỉnh và năm cơ quan trung ương nằm trong đợt kiểm tra việc thực Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng vừa qua, theo trang web chinhphu.vn.
Ngoài ra, nhận thức của một số đảng viên về nhiệm vụ chỉnh đốn đảng còn 'chưa đầy đủ'. Việc tuyên truyền, đấu tranh chống âm mưu 'diễn biến hòa bình', nguy cơ 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' và các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa 'chưa thật sắc bén'.
"Việc nhận diện những biểu hiện suy thoái trong cán bộ, đảng viên còn đơn giản, né tránh, chưa chỉ rõ được địa chỉ cụ thể".
"Vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm" trong "việc thực hiện tự phê bình và phê bình".
Việc kê khai, công khai tải sản, thu nhập của cán bộ đảng viên còn 'chưa được quan tâm thực hiện' và 'còn hình thức'.
Trong số 10 tỉnh được kiểm tra, Trà Vinh được cho là 'có cách làm sáng tạo' trong thực hiện Nghị quyết 4.
Tỉnh này đã in 27 biểu hiện "Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' nêu trong Nghị quyết 4 thành sổ tay bỏ túi, và dán ở những nơi đông người qua lại để 'ai cũng thấy cần thiết tự soi tự sửa.'
"Cái sâu xa là trung thành tuyệt đối với Đảng, kiên định với chế độ", website chinhphu.vn tường thuật.
Dư luận Việt Nam chú ý nhiều đến công cuộc chống tham nhũng hay còn gọi là 'đốt lò' mà Tổng bí thư Trọng khởi xướng.
Có ý kiến đã đăng trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt cho rằng "làm sạch đội ngũ lãnh đạo cần thiết và rất đúng ý dân. Điều này cho thấy sự cầu tiến của Đảng cộng sản Việt Nam. Kinh nghiệm cho thấy tham nhũng, lãnh đạo yếu kém sẽ mất lòng dân và mất chính quyền".
Ngoài ra, cũng có ý kiến nói tham nhũng ở Việt Nam đã mang tính cơ chế, và thiếu tam quyền phân lập sẽ khó làm rốt ráo .
Gần đây nhất, một hướng dẫn thi hành quy định mới nhất về kỷ luật đảng viên đã thu hút sự chú ý bất ngờ của dư luận Việt Nam vì câu nói rằng Đảng viên nghỉ hưu, đang ốm nặng hoặc thậm chí đã qua đời vẫn có thể bị kiểm tra, kỷ luật, theo kiểu hồi tố.
Vì sao phải chỉnh đốn Đảng ?
Kể từ Đại hội Đảng 12, khi ông Nguyễn Phú Trọng kêu gọi đấu tranh "chống tham nhũng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống".
Sau khi được bầu lại làm Tổng bí thư tháng Giêng 2016, ông Nguyễn Phú Trọng cùng giới chức trong Đảng đã ban hành hàng loạt văn bản về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng.
Tháng 10/2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Ủy ban Kiểm tra trung ương đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, thi hành kỷ luật đảng.
Hàng loạt đảng viên 'cao cấp' đã 'sa lưới', điển hình là việc bỏ tù Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, gần đây là các vụ bắt và truy tố tướng Nguyễn Thanh Hóa và trung tướng Phan Văn Vĩnh liên quan đến đường dây đánh bạc ngàn tỷ.
Khởi tố bắt cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hoá và băng nhóm tướng Phan Văn Vĩnh vì tổ chức đánh bạc
Hàng loạt cựu ủy viên trung ương cũng bị kỷ luật, cảnh cáo như ông Nguyễn Văn Thiện, nguyên Bí thư tỉnh ủy Bình Định ; ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ ; ông Nguyễn Xuân Anh bị cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, cho thôi giữ chức Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ; ông Phạm Văn Vọng, đã nghỉ hưu, bị cách chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Mới đây nhất, tỉnh ủy Quảng Bình đã điều chuyển ông Hà Quốc Phong, Phó bí thư thành ủy "có vợ con thăng tiến nhanh", sau khi có dư luận về vụ việc.
Giới quan sát nói gì?
Ngay từ 22/02, tờ Diplomat bình luận rằng Đảng Cộng sản Việt Nam ở một mức độ nào đấy muốn đi theo con đường của Trung Quốc.
"Tất cả những động thái này chắc chắn đã khẳng định ông Trọng là nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất của Việt Nam trong nhiều thập niên qua. Trong một bối cảnh như vậy, Việt Nam đang dần dân từ chế độ độc đảng trở nên chế độ độc trị, giống như Trung Quốc dưới thời ông Tập", theo tờ Diplomat.
Nhá báo tự do Phạm Chí Dũng từng bình luận trên kênh YouTube của BBC Tiếng Việt rằng so sánh ông Trọng với ông Tập là không chính xác, vì ông Tập từ 2012 đã xử lý 1 triệu quan chức tham nhũng. Còn ở Việt Nam, công cuộc chống tham nhũng chỉ có '5 quan chức kê khai tài sản sai' trên cả triệu người phải khai.
Với giới quan sát nước ngoài, không ít người vẫn hoài nghi về thực chất chiến dịch chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam.
Một bài của Reuters hôm 11/12/2017, sau khi ông Đinh La Thăng bị bắt, cho rằng chiến dịch chống tham nhũng nhằm "kiềm chế tham nhũng lớn".
"Dù các vụ bắt giữ có lên cao hơn hay không, uy thế của ông Trọng được bảo đảm trong nhiệm kỳ kéo dài tới 2021, và phe này có điều kiện tốt hơn để duy trì ưu thế cả sau đó", bài báo nhận xét.
Từ Mỹ, chuyên gia về chính trị học Đông Nam Á Zachary Abuza từng bình luận với BBC :
"Tất cả đều là chính trị. Ông Nguyễn Phú Trọng không chỉ củng cố vị trí của mình. Ông còn triệt hạ các đối thủ chính trị trước Đại hội Đảng sắp tới. Ông Trọng giờ đây đang ở vị thế không ai tấn công được".
Nguồn : BBC, 11/04/2018