Việt Nam có thể có 200 sân golf trong vòng vài ba năm tới, và đến năm 2030 số này có thể tăng lên gấp đôi hay hơn nữa ở mức 400 đến 500 sân golf trên cả nước.
Cảnh trong một sân golf ở miền Bắc Việt Nam - AFP
Số liệu vừa nêu được đưa ra tại tọa đàm Đầu tư ngành golf Việt nam hôm 12/10 do Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) và Tạp chí Đầu tư Tài Chính- VietnamFinance tổ chức. Mạng báo Vietnamnet loan tin trong cùng ngày.
Tại tọa đàm, ông Hoàng Anh Minh- Phó Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính, Tổng biên tập VietnamFinance, đưa ra nhận định rằng lĩnh vực golf tại Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây.
Ông này cho biết trên toàn cõi Việt Nam đang diễn ra một cuộc đua đầu tư sân golf.
Thống kê của Tổng Cục Thể dục- Thể thao Việt Nam cho thấy trên cả nước hiện có 80 sân golf 18 lỗ đang đi vào hoạt động.
Giới chuyên gia môi trường tại Việt Nam cảnh báo về việc phá rừng để làm sân golf khiến diện tích rừng ngày càng giảm đi ; bên cạnh đó khi sân golf được vận hành, nhiều loại hóa chất được sử dụng như acid silic, oxid nhôm, oxid sắt, acrylamide… Những loại hóa chất này đều gây hại đối với con người và những sinh vật khác.
Một dự án sân golf vừa qua bị nhiều ý kiến phản đối là dự án sân golf 36 lỗ tại huyện Dak Đoa, tỉnh Gia Lai.
Nguồn : RFA, 14/10/2023
Với dân số đông, thu nhập đầu người tăng nhanh, golf đã dần trở thành môn thể thao có tính đại chúng cao, mở ra dư địa và tiềm năng phát triển rất lớn cho thị trường đầu tư sân golf ở Việt Nam.
Tiềm năng golf Việt Nam
Môn thể thao golf được du nhập vào Việt Nam từ năm 1922 khi vua Bảo Đại cho xây dựng sân golf đầu tiên (Golf Dalat Palace) tại Đà Lạt. Tuy nhiên, thời kỳ đó, golf gần như không phát triển và Golf Dalat Palace từng đóng cửa trong thời gian dài. Môn thể thao này chỉ bắt đầu được biết đến nhiều hơn khi Việt Nam mở cánh cửa hội nhập với thế giới (đầu thập niên 90 của thế kỷ XX).
Theo số liệu của Tổng cục Thể dục thể thao, hiện nay Việt Nam đã có 80 sân golf 18 hố đi vào hoạt động và đến 2025 sẽ có 200 sân golf 18 hố đi vào hoạt động.
Golf cũng ngày càng phổ biến, không còn là môn thể thao "quý tộc", chỉ dành cho giới nhà giàu như trước đây. Hiệp hội Golf Việt Nam cho biết số người chơi trong nước hiện ở vào khoảng 100.000 người, số người chơi ít nhất 2 lần một tháng là 30.000 người.
Mặt khác, Nghị định 52/2020 và Luật quy hoạch (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019) cho phép đầu tư sân golf trở nên dễ dàng hơn, khi các địa phương được chủ động quy hoạch sân golf, thay vì phải nằm trong quy hoạch quốc gia như giai đoạn trước.
Nhờ vậy, quy hoạch sân golf sẽ được các địa phương lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố.
Nhiều địa phương theo đó đã bày tỏ mong muốn phát triển mạnh mẽ lĩnh vực golf. Đầu năm nay, UBND tỉnh Bắc Giang công bố quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 với 13 sân golf. Hiện tại, đang có 3 dự án sân golf được thực hiện ở tỉnh này là Khu sân golf và dịch vụ Yên Dũng (huyện Yên Dũng), sân golf Việt Yên (huyện Việt Yên), sân golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang (huyện Lục Nam).
UBND tỉnh An Giang vừa mời gọi đầu tư dự án khu du lịch Hồ Tà Lọt kết hợp sân Golf, quy mô 120 ha - một trong 30 dự án trọng điểm mời gọi đầu tư trong năm 2022. Trước đó, tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Sóc Trăng, địa phương này cũng kêu gọi đầu tư dự án sân golf tại xã Long Phụng, huyện Long Phú với quy mô 90 ha.
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Lê Văn Chiến – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông cho biết : "Với nhiều lợi thế trong tay như quỹ đất lớn, địa hình và khí hậu đẹp, tỉnh Đắk Nông đang kêu gọi các nhà đầu tư lớn tham gia xây dựng hạ tầng và tạo ra sản phẩm du lịch, đặc biệt là sân golf. Hiện nay, có một số đơn vị tham gia nghiên cứu, lập quy hoạch tại Khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf quy mô lớn tại khu vực Tà Đùng, trải rộng trên diện tích khoảng 23.500 ha".
Với những lợi thế kể trên, thị trường golf Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng và dư địa tăng trưởng. Do vậy, không ngạc nhiên khi nhiều tập đoàn trong, ngoài nước đã và đang tham gia đầu tư sân golf. Dòng vốn tư nhân được kỳ vọng sẽ là đầu tàu đóng góp cho sự phát triển của thị trường golf Việt Nam.
Việt Nam được nhìn nhận là điểm đến chơi golf tốt nhất thế giới và Châu Á năm 2021
Loạt đại gia làm sân golf
Nhà đầu tư tham gia đầu tư sân golf sớm nhất Việt Nam là bà Nguyễn Thị Nga ("Madame" Nga) – người sáng lập Tập đoàn BRG. Cách đây hơn 2 thập kỷ, BRG của bà đã mua lại sân golf Đồng Mô (nay là sân golf Kings Island Golf Resort – quy mô 350 ha, 1.500 ha mặt hồ) thuộc tỉnh Hà Tây cũ. Đây được coi là một dấu mốc quan trọng của thị trường trong nước khi golf là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ lúc bấy giờ. Thời điểm này, chính Madame Nga cũng thừa nhận không biết gì về golf, cũng chưa bao giờ cầm gậy golf.
Sau khi tìm hiểu, bà Nga nhận thấy golf là loại hình kinh doanh tiềm năng vì "đất rất rộng, rất đẹp, người chơi thì đam mê" và "đây sẽ trở thành một dịch vụ không sợ ế".
Kể từ đó đến nay, sau hơn 2 thập kỷ, bên cạnh sân golf Kings Island Golf Resort, tập đoàn của bà Nguyễn Thị Nga đã trở thành tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh sân golf, với các sân Ruby Tree (Hải Phòng), sân Legend Hill (Sóc Sơn, Hà Nội) ; sân BRG Da Nang Golf Resort (Đà Nẵng) ; sân Stone Valley đang triển khai tại Kim Bảng, Hà Nam.
Cái tên tiếp theo phải nhắc đến là VinGroup. Tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện có 6 sân golf trên toàn quốc, tổng diện tích đạt 912 ha, gồm : Vinpearl Golf Nha Trang (Khánh Hòa) ; Vinpearl Golf Hải Phòng ; Vinpearl Golf Phú Quốc ; Vinpearl Golf Nam Hội An (Quảng Nam) ; và dự án sân tập golf Vinpearl Hà Nội (293 ha). Ngoài ra, năm 2018, Vinhomes - đơn vị thành viên của Vingroup - đã trở thành cổ đông sở hữu 98% vốn điều lệ của GS Củ Chi, đơn vị phát triển dự án sân golf Củ Chi ở Tây Bắc Thành phố Hồ Chí Minh.
Với Tập đoàn FLC, đơn vị này đã nhiều lần chia sẻ đầu tư sân golf là một trong những định hướng chiến lược kinh doanh. Tương tự Vingroup, các dự án sân golf của FLC đều nằm trong quần thể bất động sản nghỉ dưỡng, như : FLC Golf Links Quy Nhơn 100 ha thuộc quần thể FLC Quy Nhon Beach & Golf Resort (Quy Nhơn) ; FLC Golf Links Sầm Sơn 80ha thuộc quần thể FLC Sam Son Beach and Golf Resort (Sầm Sơn, Thanh Hóa) ; FLC Golf Links Hạ Long 85 ha thuộc FLC Ha Long Bay Golf Club & Luxury Resort (Hạ Long, Quảng Ninh) ; FLC Golf Links Quảng Bình thuộc FLC Quang Binh Beach & Golf Resort (Quảng Bình).
Không chỉ FLC hay Vingroup, nhiều đại gia cũng tích hợp sân golf vào các dự án bất động sản nhằm gia tăng giá trị.
Có thể kể đến Tập đoàn Mường Thanh của đại gia Lê Thanh Thản với sân golf Mường Thanh Diễn Lâm (Nghệ An) quy mô 70 ha thuộc khu du lịch sinh thái Mường Thanh, sân golf Mường Thanh Xuân Thành (Hà Tĩnh) nằm trong quần thể dự án quy mô 112 ha.
Vietracimex của đại gia Võ Nhật Thăng với dự án golf Sông Hồng (Hưng Yên) nằm trong tổ hợp sân golf 27 lỗ kết hợp khách sạn nghỉ dưỡng và sinh thái quy mô lên tới 204 ha. Bên cạnh đó, đơn vị này còn sở hữu Khu du lịch sinh thái, trung tâm đào tạo golf Minh Trí diện tích 180ha và dự án Hanoi Golf Club quy mô 102 ha.
Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HoSE : NVL) với cụm sân golf PGA Ocean 36 hố nằm trong quần thể dự án NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận).
Bên cạnh những cái tên kể trên, nhiều tập đoàn lớn khác cũng tham gia đầu tư sân golf như : Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Long Thành của doanh nhân Lê Văn Kiểm với sân golf Long Thành (Đồng Nai) và KN Golf Links - Cam Ranh (Khánh Hòa) ; Tập đoàn Him Lam với hệ thống sân golf Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) quy mô 156 ha và Long Bien Golf Course (Hà Nội) – 119 ha.
Ngoài ra, còn Tập đoàn Thành Công - chủ đầu tư tổ hợp sân golf Hoàng Gia lại Ninh Bình.
Nhiều doanh nghiệp xin đầu tư sân golf
Với dư địa và tiềm năng lớn, không ngạc nhiên khi thị trường golf Việt Nam vẫn đang tiếp tục bùng nổ với loạt nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án.
Tháng 3/2022, Công ty cổ phần D&N Group (Hàn Quốc) có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh và huyện Cẩm Xuyên đề xuất được khảo sát và lập quy hoạch tỷ lệ 1/500 làm dự án Tổ hợp khu đô thị nghỉ dưỡng và sân golf có quy mô 600 ha, tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng.
Trước đó, UBND tỉnh Lạng Sơn vào tháng 2/2022 đã có văn bản xem xét đề nghị của Công ty cổ phần Dịch vụ và Đầu tư Bất động sản Midland về việc tài trợ kinh phí lập quy hoạch chi tiết tổ hợp dịch vụ và sân golf Hồ Sơn, huyện Hữu Lũng.
Tháng 11/2021, Tập đoàn BRG đang xin chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án sân golf quốc tế tại huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Khu vực mà BRG đề xuất có tổng diện tích 72,56 ha, bao gồm đất ở, đất bằng trồng cây hằng năm, đất lâm nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, một phần đất lâm nghiệp, đất mặt nước chuyên dùng, đất bãi rác, đất giao thông.
Một "ông lớn" khác là Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE : HPG) vào tháng 1/2022 đã đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận cho thực hiện dự án xây dựng sân golf quốc tế và đô thị sinh thái có quy mô khoảng 385 ha, thuộc hai xã Đức Xương, Đoàn Thượng (Gia Lộc) và xã Hồng Đức (Ninh Giang), tỉnh Hải Dương.
Cuối năm 2021, Hòa Phát cùng KDI Holdings cũng đề xuất nghiên cứu đầu tư các dự án trên địa bàn Thành phố Nha Trang và thị xã Ninh Hòa, gồm : Vùng kinh tế động lực công nghiệp - đô thị - dịch vụ Ninh Hòa tại các xã Ninh Xuân, Ninh Sim, Ninh Tây với đầy đủ chức năng như Khu công nghiệp tổng hợp đa ngành, khu đô thị suối khoáng nóng, khu bảo tồn, khu vui chơi giải trí và khu đô thị dịch vụ sân golf ; quy hoạch phân khu dọc hai bên bờ sông Cái và phát triển các dự án tại TP. Nha Trang…
Huy Ngọc
Nguồn : Nhà Đầu Tư, 11/06/2022
Lâm Viên, VNTB, 26/12/2020
Bản tin trên tờ Tuổi Trẻ viết : "Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng được Văn phòng Chính phủ gửi tới Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ngày 24/12 nêu rõ báo Tuổi Trẻ có bài viết nêu ý kiến nhiều chuyên gia cảnh báo việc triển khai đầu tư dự án sân golf Đak Đoa phải chuyển đổi hàng trăm hecta rừng, trong đó có 156ha rừng thông 3 lá gần 50 năm tuổi quý giá và thảm thực vật tại Đak Đoa sẽ biến mất, ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái của địa phương.
Thủ tướng vừa giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nghiên cứu, đánh giá tác động việc chuyển rừng thông Đak Đoa, Gia Lai.
Vì vậy, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nghiên cứu, đánh giá tác động, báo cáo Thủ tướng kết quả " (*).
Văn thư Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nghiên cứu về dự án sân golf Dak Doa (Gia La)
Thắc mắc đặt ra : phải chăng trước khi xảy ra chuyện báo chí lên tiếng phản đối, thì cơ quan quản lý là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ‘gật đầu’ với dự án gọi là "chuyển đổi rừng thành sân golf" ?
Bài viết này chỉ thuần nói về chuyện cỏ sân golf, tài liệu kỹ thuật được cung cấp bởi Hiệp hội bảo dưỡng sân golf Việt Nam.
Với các golfers, cỏ sân golf là một trong những yếu tố để đánh giá chất lượng sân bởi chúng sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng buổi chơi của họ. Vì thế để thu hút nhiều golfers, chủ sân luôn luôn quan tâm tới vấn đề lựa chọn loại cỏ gì, kỹ thuật trồng cỏ ra sao, và kỹ thuật chăm sóc cỏ sân golf như thế nào là những vấn đề vô cùng quan trọng.
Trước khi mùa lạnh đến tức trước tháng 12 thì để chuẩn bị cho cỏ có khả năng chịu rét tốt nhất người ta tăng cường cung cấp đầy đủ lượng N, P, K cho cỏ. Đặc biệt lượng N : 3.5 – 6.5 grN/m2/tháng.
NPK nhằm chỉ 3 nguyên tố dinh dưỡng đa lượng, tức 3 nguyên tố dinh dưỡng chính yếu cần bổ sung trước tiên cho cây trồng, nhằm nâng cao khả năng sinh trưởng và cho năng suất của cây trồng. Chữ N nhằm chỉ nguyên tố dinh dưỡng Đạm. Chữ P nhằm chỉ nguyên tố dinh dưỡng Lân. Chữ K nhằn chỉ nguyên tố dinh dưỡng Kali.
Phân đạm là một trong những loại phân bón vô cơ khá phổ biến cung cấp nitơ cho cây trồng. Hàm lượng % N trong phân là yếu tố thể hiện cho độ dinh dưỡng của phân đạm. Phân đạm cung cấp Nitơ hóa hợp cho cây trồng dưới dạng ion amoni (NH4+) và dạng ion nitrat (NO3-).
Các loại phân đạm phổ biến hiện nay : Phân Urê Co(NH4)2, Amôn Nitrat (NH4NO3), Amoni Sunfat hay SA (NH4)2SO4, đạm Clorua (NH4Cl), Xianamit Canxi, Phôtphat đạm hay MAP…
Lượng N dùng để bón chăm sóc cỏ sân golf ở các địa thế vùng cao như Tây nguyên, sẽ thấm vào đất và khi đạm tích lũy sẽ chuyển thành dạng Nitrat (NO3) hoặc Nitrit (NO2-) là những dạng gây độc trực tiếp cho các động vật thủy sinh, gián tiếp cho các động vật trên cạn do sử dụng nguồn nước. Đặc biệt gây hại cho sức khoẻ con người thông qua việc sử dụng các nguồn nước ngầm, hoặc các sản phẩm trồng trọt, nhất là các loại rau quả ăn tươi có hàm lượng dư thừa Nitrat được tưới từ các nguồn nước ngầm có liên quan đến khu vực gần sân golf.
Theo các nghiên cứu gần đây, nếu trong nước và thực phẩm hàm lượng nitơ và photpho, đặc biệt là nitơ dưới dạng muối nitrit và nitrat cao quá sẽ gây ra một số bệnh nguy hiểm cho người đặc biệt là trẻ em. Trong một khảo sát của tiến sĩ Lê Thị Hiền Thảo (2003) đã xác định, trong những thập niên gần đây, mức NO3- trong nước uống tăng lên đáng kể mà nguyên nhân là do sự sử dụng phân đạm vô cơ tăng, gây rò rỉ NO3- xuống nước ngầm.
Hàm lượng NO3- trong nước uống tăng gây ra nguy cơ về sức khoẻ đối với cộng đồng. Ủy ban Châu Âu quy định mức tối đa của NO3- trong nước uống là 50 mg/l, Mỹ là 45 mg/l, Tổ chức y tế thế giới (WHO) là 100 mg/l. Y học đã xác định NO2- ảnh hưởng đến sức khoẻ với 2 khả năng sau : gây nên chứng máu Methaemoglobin và ung thư tiềm tàng.
Các nghiên cứu về y học gần đây đã xác định, dư thừa Phospho trong các sản phẩm trồng trọt, hoặc nguồn nước làm giảm khả năng hấp thu Canxi, vì chất này lắng đọng với Canxi tạo thành muối triphosphat canxi không hòa tan, và tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất para thormon, điều này đã huy động nhiều Canxi của xương, và nguy cơ gây loãng xương ngày một tăng, đặc biệt ở phụ nữ.
Ở Việt Nam, một kết quả nghiên cứu tại sân golf Tân Sơn Nhất của tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc và tiến sĩ Nguyễn Đăng Diệp cho thấy : Chỉ tính các loại phân hóa học dùng để chăm sóc cỏ, mỗi năm mặt đất sân golf này "ngốn" tới 189,468 tấn. Bên cạnh đó là khoảng 8,88 tấn hóa chất dùng để bảo vệ cỏ gồm chất sát trùng, thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu.
Có thắc mắc : vì sao cỏ trong sân golf lúc nào cũng xanh ?
Câu trả lời : ba chất hóa học được coi là "bảo bối" để các chủ sân golf giữ màu xanh và phục hồi bề mặt cỏ sân golf chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ, là các chất : Chlorpyrifos, Diazinon và Isazofos. Tại nhiều quốc gia, ba chất này đều nằm trong danh mục hóa chất nhạy cảm với môi trường, và sức khỏe con người và được khuyến cáo hạn chế sử dụng
Vì lẽ đó nên các nước thường xây dựng một quy trình quản lý rất chặt chẽ đối với sân golf, công bố danh mục các loại phân bón, hóa chất bị cấm, tiêu chuẩn nước thải… Trong khi ở Việt Nam, hẳn là vấn đề đang bị buông lỏng, cả người chơi và cộng đồng đều đặt cược hết vào ông chủ sân golf.
Lâm Viên
Nguồn : VNTB, 26/12/2020
Chú thích :
(*)https://tuoitre.vn/thu-tuong-yeu-cau-danh-gia-tac-dong-chuyen-rung-thong-dak-doa-thanh-san-golf/20201224194429584.htm
************************
Rừng Đak Đoa 174ha thông cổ thụ đẹp như mơ có nên biến thành sân golf ?
Bảo Ngọc – Chí Tuệ, Tuổi Trẻ Online, 18/12/2020
Việc triển khai đầu tư dự án sân golf Đak Đoa (Gia Lai) không những phải chuyển đổi hàng trăm hecta đất rừng, trong đó gần 156ha thông gần 50 tuổi với số lượng cây thông ba lá quý giá khá lớn, mà thảm thực vật tại đây sẽ biến mất...
Rừng thông Đak Đoa, Gia Lai là điểm tham quan của nhiều du khách - Ảnh : Huỳnh Công Đồng
Đây là cảnh báo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) khi phản hồi với tỉnh Gia Lai cũng như ý kiến của nhiều chuyên gia liên quan đến dự án này. Theo các chuyên gia, việc chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích lớn để làm sân golf phải được cân nhắc cẩn trọng, có những phân tích, đánh giá sâu hơn tác động đa chiều của việc triển khai dự án đến kinh tế, môi trường và xã hội.
Phải chuyển đổi 174ha rừng ?
Ngày 17/12, trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết vừa có công văn gửi UBND tỉnh Gia Lai về việc thẩm định hồ sơ xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để thực hiện dự án thể thao tại huyện Đak Đoa.
Trước đó, cuối tháng 11/2020, UBND tỉnh Gia Lai có tờ trình về việc xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để xây dựng dự án sân golf Đak Đoa. Tuy nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng tờ trình của UBND tỉnh Gia Lai không có hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án kèm theo nên chưa đủ cơ sở để thẩm định hồ sơ dự án.
Theo cơ quan này, khi dự án sân golf được xây dựng và đưa vào hoạt động sẽ phải chuyển mục đích sử dụng khoảng 174ha đất rừng, trong đó gần 156ha rừng trồng thông từ năm 1976, trữ lượng 15.000m3. Đặc biệt, dự án sẽ làm mất đi vĩnh viễn thảm thực vật rừng lớn đã ổn định gần 50 năm, ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái của địa phương.
"Việc Gia Lai chuyển đổi mục đích sử dụng rừng với diện tích lớn để xây dựng sân golf phải được cân nhắc cẩn trọng, có những phân tích, đánh giá sâu hơn tác động đa chiều của việc triển khai dự án kinh tế đến môi trường và xã hội" - vị đại diện Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh.
Trước đó, thông tin được chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) công bố cho biết quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái được xây dựng tại thị trấn Đak Đoa (xã Glar và xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 500ha.
Trong đó, giai đoạn 1 của dự án sẽ xây dựng trước 197ha, vốn đầu tư hơn 3.600 tỉ đồng. Tập đoàn này sẽ đầu tư các hạng mục sân golf, trung tâm hội nghị quốc tế, khách sạn, khu nhà ở biệt thự và liền kề, khu vui chơi, thể thao ngoài trời, công viên, trường học liên cấp, vườn thú safari.
Cần hạn chế tác động đến môi trường
Theo Giáo sư Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, quan điểm của Chính phủ khi xây dựng quy hoạch sân golf trên cả nước là chỉ sử dụng những quỹ đất không có tiềm năng sản xuất nông nghiệp để chuyển đổi qua làm sân golf. Đó là các khu vực đất lúa kém năng suất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất đồi không cho năng suất canh tác cao. Chỉ những quỹ đất hoang hóa, khó canh tác hoặc không canh tác gì được mới ưu tiên làm sân golf.
"Các địa phương phải hạn chế, tiến tới không cho phép sử dụng đất rừng làm sân golf. Với các danh thắng tự nhiên đẹp như đồi cỏ hồng tại Gia Lai cũng không thể cấp phép làm sân golf, vì đây là một danh thắng, cảnh quan thiên nhiên đẹp, nên ưu tiên phát triển thành một địa danh du lịch sẽ tốt hơn", ông Võ nói.
Giáo sư Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ cũng cảnh báo các địa phương cần ngăn chặn tình trạng nhiều chủ dự án sân golf lợi dụng cấp phép đầu tư sân golf để xây dựng khách sạn nhằm kinh doanh cho thuê, thậm chí xây dựng nhà ở, biệt thự để bán ngay trong khu vực sân golf.
Rừng thông Đak Đoa, Gia Lai - Ảnh : Huỳnh Công Đồng
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Đính - phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, có bao nhiêu sân golf trong quy hoạch không quan trọng, vấn đề phải tính toán, dự báo được nhu cầu chơi golf của người dân, du khách nước ngoài để tránh tình trạng làm sân golf không vì mục đích kinh doanh golf.
"Thực tế trong xã hội chỉ có số ít người dân đủ điều kiện chơi golf, khách du lịch cũng chỉ có một nhóm có nhu cầu chơi golf. Vì vậy, việc cấp phép đầu tư, xây dựng sân golf ở các địa phương thời gian tới phải gắn với các khu du lịch, các điểm du lịch", ông Đính nói. Đồng thời cho rằng cần định hướng để quy hoạch sân golf phù hợp với chiến lược phát triển du lịch quốc gia.
Theo đó, việc phê duyệt xây dựng sân golf phải gắn với định hướng phát triển các khu du lịch, phù hợp với kế hoạch sử dụng đất, chứ không thể chạy theo đề xuất của doanh nghiệp. "Việc phát triển sân golf luôn cần quỹ đất lớn từ vài trăm hecta trở lên, vì vậy phải tính toán để phát triển sân golf hạn chế ảnh hưởng tới môi trường, lấn rừng, hoặc đất sản xuất của người dân địa phương", ông Đính khuyến nghị.
Bảo Ngọc – Chí Tuệ
Nguồn : Tuổi Trẻ Online, 18/12/2020
Đọc thêm :
Không sử dụng đất rừng làm sân golf
Huỳnh Công Đồng, Tuổi Trẻ Online, 18/12/2020
Tháng 4/2020, Chính phủ đã ban hành nghị định về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf, trong đó quy định diện tích xây dựng sân golf tiêu chuẩn 18 lỗ không quá 90ha, bình quân không quá 5ha trên một lỗ golf ; diện tích dự án sân golf xây dựng lần đầu không được quá 270ha cho sân golf quy mô 54 lỗ golf.
Cũng theo nghị định này, các loại đất không được sử dụng làm sân golf gồm : đất cho mục đích quốc phòng, an ninh; đất xây dựng khu - cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao ; đất thuộc phạm vi bảo vệ đê điều và hành lang bảo vệ bờ biển ; đất thuộc các khu vực có yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, di tích... Không sử dụng đất rừng, đất trồng lúa, trừ trường hợp dự án sân golf ở vùng trung du, miền núi được sử dụng tối đa không quá 5ha đất trồng lúa một vụ, phân tán tại địa điểm xây dựng.
Dự án sân golf sử dụng đất rừng sản xuất không phải là rừng tự nhiên phải đáp ứng điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế.
Sau năm 2020, không còn quy hoạch quốc gia về sân golf, ông Trần Quốc Phương (thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư) nói.
Theo pháp luật về quy hoạch, từ sau năm 2020 sẽ không còn quy hoạch tập trung sân golf, việc quy hoạch phát triển sân golf tại địa phương sẽ nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố.
Vì thế, cấp phép đầu tư sân golf những năm tới sẽ phụ thuộc vào điều kiện đất đai, kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, nếu đáp ứng sẽ được làm. Ngoài ra, theo Luật đầu tư, tùy theo quy mô từng dự án sân golf, các địa phương sẽ trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư trước khi cấp phép đầu tư các dự án.
Đầu tư sân golf : "bia kèm mồi"
Giải thích lý do đầu tư sân golf luôn gắn với kinh doanh các dự án bất động sản nghỉ dưỡng theo kiểu "bia kèm mồi", lãnh đạo một doanh nghiệp là chủ đầu tư của 2 dự án sân golf lớn ở phía Bắc và phía Nam thừa nhận đầu tư một sân golf luôn cần rất nhiều tiền. Do đó, chủ dự án sân golf phải đầu tư thêm các dự án biệt thự, liền kề nghỉ dưỡng để huy động vốn.
Theo vị này, suất đầu tư sân golf vào khoảng 1 triệu USD/1 đường golf, chưa tính đến chi phí đầu tư các công trình phụ trợ, nhà tập golf, thiết bị phục vụ sân golf. Với 1 sân golf 18 lỗ, suất đầu tư câu lạc bộ phục vụ cũng khoảng 100 tỉ đồng, nhà tập golf 40 tỉ đồng và nhà bảo trì khoảng 30 tỉ đồng, chưa kể việc mua sắm thiết bị phục vụ. Trong khi đó, để thu hồi vốn đầu tư một sân golf có lượng khách chơi đông, cần khoảng thời gian 15 - 20 năm.
Do đó, để thu hồi vốn nhanh hơn, chủ đầu tư thường phát triển thêm bất động sản nghỉ dưỡng cho thuê để huy động vốn từ bên ngoài, một số chủ dự án còn phát triển các dự án bất động sản liền kề cũng như các khu khách sạn nghỉ dưỡng để kinh doanh cho thuê, tận dụng lợi thế cảnh quan sân golf.
Đất rừng thành sân golf, mất nhiều hơn được
Với gần 50 năm tuổi, rừng thông ba lá lên tới hàng trăm hecta cùng với thảm thực vật dưới tán rừng tại huyện Đak Đoa (Gia Lai), nơi dự kiến được chuyển đổi để làm sân golf, là điểm đến của nhiều du khách khi đặt chân đến Gia Lai.
Đồi cỏ hồng - nơi dự kiến được chuyển đổi để làm dự án sân golf Đak Đoa, Gia Lai - Ảnh : Huỳnh Công Đồng
Do đó, khi thông tin về dự án sân golf Đak Đoa được công bố, nhiều người dân tại địa phương bày tỏ lo lắng rằng không chỉ mất đi một địa chỉ du lịch mà số cây thông ba lá quý hiếm tại khu vực này cũng có nguy cơ biến mất. Trong khi đó, các chuyên gia cũng cảnh báo phải thận trọng khi đổi rừng lấy sân golf bởi việc giảm diện tích rừng sẽ làm thay đổi đặc tính tự nhiên, tính bền vững của tự nhiên, nhất là đối với các tỉnh miền núi và Tây Nguyên.
Lo cho rừng thông quý
Trao đổi về dự án sân golf Đak Đoa, nhiều người dân tại khu vực này bày tỏ lo ngại khi dự án được triển khai, chắc chắn rừng thông ba lá quý giá trong khu vực dự án sẽ bị ảnh hưởng. Theo anh Trần Thanh Nam (36 tuổi, trú tại Phường Ia Kring, Thành phố Pleiku), rừng thông Đak Đoa và đồi cỏ hồng đã tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp, điểm tham quan của nhiều du khách, nhất là vào dịp cuối năm.
"Cứ mỗi cuối năm, gia đình lại dẫn nhau đến đồi thông này để chụp ảnh. Mới đây thôi, tôi và người bạn ở Hà Nội dẫn nhau đến rừng thông buổi sáng để ngắm cỏ hồng phủ sương sớm và ngắm mặt trời lên. Điều đặc biệt là hiếm nơi nào còn giữ được một rừng thông có diện tích rộng lớn như rừng thông huyện Đak Đoa. Nếu dự án được triển khai, người dân sẽ khó tiếp cận được khu rừng này" - anh Nam nói.
Ngày 17/12, trả lời về dự án này, lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết trong quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt năm 2009 đã có sân golf Đak Đoa, nhằm bảo đảm phân bố sân golf hợp lý trên các vùng và cả nước, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, thể thao, dịch vụ của các địa phương... Tuy nhiên, quy hoạch này cũng nêu rất rõ là không được sử dụng đất thuộc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, đất rừng.
Cũng theo vị này, đến năm 2018, tỉnh Gia Lai đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án sân golf Đak Đoa. Theo đó, dự án sân golf Đak Đoa được triển khai trên khu đất 174,01ha tại các xã Glar, Tân Bình và thị trấn Đak Đoa (huyện Đak Đoa). Sân golf 36 lỗ với tổng chi phí thực hiện dự án trên 1.142 tỉ đồng. Dự án có thời hạn thuê đất là 50 năm với 174ha nằm một phần trong khu vực rừng thông trải dài rộng khoảng 500ha.
Sẽ di dời... rừng thông ?
Trong khi đó, hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đak Đoa Nguyễn Văn Sơn cho biết rừng thông này được trồng từ năm 1976 đến nay, không phải rừng tự nhiên. Trước đây, mỗi năm huyện phát động phong trào trồng rừng nên chính quyền địa phương, các đoàn thể và người dân trồng mỗi năm một ít. Vì thế, rừng thông ba lá được trồng không theo quy cách và không đồng đều.
Ngoài ra, việc chăm sóc bảo vệ cây thông cũng không thường xuyên nên đến nay, cây lớn cây nhỏ đan xen. Do điều kiện tự nhiên nên cây thông này lớn không đồng đều và tạo nên những thế đứng giống như thân bonsai rất đẹp. Cũng do rừng thông trồng trên đồi thoai thoải, địa hình khá bằng, nên cây cỏ hồng mọc lên phía dưới tán thông vào mùa mưa, tạo nên một thảm dày phủ mặt đất nên người dân rất dễ tham quan ngắm cảnh.
Theo một lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Gia Lai, dự án sân golf được Bộ Tài nguyên và môi trường đánh giá tác động môi trường là phù hợp với quy hoạch triển khai dự án. Dự án cũng chỉ chiếm một phần trong 500ha rừng hiện trạng, nên người dân vẫn có thể tham quan, ngắm cảnh tại cánh rừng này.
"Chúng tôi đã có nhiều cuộc họp bàn về phương án xử lý cây thông bonsai tại cánh rừng này khi thực hiện dự án. Theo đó, nếu dự án được triển khai, một phần rừng thông sẽ nằm trong diện tích dự án. Việc xử lý cây thông không làm ảnh hưởng đến tổng thể rừng thông cũng được bàn rất nhiều trong các cuộc họp" - vị này cho biết.
Một phương án khác là di dời số cây thông này sang vị trí khác cũng được đưa ra bàn bạc rất kỹ. "Với công nghệ di thực hiện nay, việc di thực cây thông sống và sinh trưởng bình thường. Việc này vừa giải quyết vấn đề không làm mất rừng và không ảnh hưởng đến cảnh quan tự nhiên. Ngoài ra, có phương án trồng thêm thông nhằm tăng thêm cảnh quan và môi trường tại dự án" - vị này nói.
Một lãnh đạo tỉnh Gia Lai cho rằng dự án được kỳ vọng sẽ xây dựng tổ hợp sân golf, tạo một quần thể du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp, đạt tiêu chuẩn quốc tế, là một trong những trung tâm du lịch phía bắc Tây Nguyên, tăng khả năng đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí của các đối tượng khách trong và ngoài nước. "Người dân ở khu vực sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ việc phát triển dự án này", vị này nói.
Huỳnh Công Đồng
**********************
Để mất rừng, Lâm Đồng đòi doanh nghiệp bồi thường 311 tỉ đồng
Mai Vinh, Tuổi Trẻ Online, 18/12/2020
Ngày 17/12, ông Võ Danh Tuyên - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng - cho biết UBND tỉnh Lâm Đồng đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường biện pháp để đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp (DN) thuê rừng trên địa bàn đền bù 311 tỉ đồng vì để rừng bị mất.
Rừng bạch tùng cổ thụ tại huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) bị đốn hạ. Vụ việc bị phát hiện tháng 11/2020 - Ảnh : Mai Vinh
Cũng theo ông Tuyên, Lâm Đồng hiện có 329 DN thuê đất, thuê rừng để triển khai các dự án đầu tư với tổng diện tích lên đến 57.145ha. Cụ thể, có 96 dự án du lịch sinh thái, 87 dự án trồng rừng, 40 dự án sản xuất nông lâm kết hợp, 55 dự án trồng cao su, 15 dự án nuôi cá nước lạnh và 36 dự án khác. Trong đó, có 116 dự án để xảy ra phá rừng, mất rừng với diện tích thiệt hại tài nguyên rừng lên đến 1.900ha.
Bên cạnh việc thu hồi toàn bộ 159 dự án và thu hồi một phần diện tích của 35 dự án vì để rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các đơn vị chức năng yêu cầu các DN bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng với số tiền lên đến 311 tỉ đồng.
Khu vực rừng bị phá thuộc đất dự án của một doanh nghiệp, do BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim quản lý - Ảnh : Mai Vinh
Được biết, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng được giao chủ trì việc thu hồi số tiền bồi thường này nhưng đang gặp không ít khó khăn do nhiều DN chây ì, cố tình không chấp hành dù cơ quan chức năng đã nhiều lần đôn đốc.
"Chúng tôi mời các doanh nghiệp lên làm việc để thống nhất việc bồi thường, thỏa thuận thời điểm nộp tiền. Nếu DN nào không chấp hành, chúng tôi sẽ đề nghị thu hồi dự án hoặc chuyển cơ quan cảnh sát điều tra" - ông Tuyên khẳng định.
Mai Vinh
Google định mở văn phòng ở Việt Nam trong lúc Luật An ninh mạng sắp thực thi (RFA, 12/12/2018)
Các báo trong nước ngày 12/12 loan tin việc ông Kent Walker - Phó Chủ tịch của Goolge trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ một ngày trước đó, cho hay công ty này đang tìm hiểu các bước để mở văn phòng đại diện ở Việt Nam trên nguyên tắc phù hợp quy định của nước sở tại nhưng không trái cam kết quốc tế.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp ông Kent Walker, Phó Chủ tịch tập đoàn Google ở Hà Nội hôm 11/12/2018 - Courtesy of dangcongsan.vn
Động thái này diễn ra khi Luật An ninh mạng mới của Việt Nam sẽ có hiệu lực trong khoảng 18 ngày nữa, trong đó có quy định các công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ qua mạng ở quốc gia này sẽ buộc phải đặt văn phòng, lưu trữ dữ liệu người dùng tại địa phương.
Luật này được cho là nhắm đến các công ty lớn như Facebook, Google (YouTube)… hiện đang được rất nhiều người dùng Việt Nam sử dụng thường xuyên để đưa thông tin trái chiều.
Google chưa trả lời hãng tin Reuters về đề nghị bình luận trước thông tin mới trên báo chí nhà nước.
Hồi tháng 6 năm nay, Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu thông qua Luật An ninh mạng với 86% số phiếu tán thành mặc dù vấp phải sự phản đối của người dân và giới chuyên gia.
Các nhà bất đồng chính kiến với chính phủ Việt Nam cho rằng, luật này nhắm đến việc bịt miệng các tiếng nói ôn hòa chỉ trích chính quyền do đảng Cộng sản lãnh đạo.
Ngày 4/12 vừa qua, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Vietnam) cũng đưa ra khuyến cáo, khẳng định "Việt Nam sẽ sớm trở thành quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á yêu cầu lưu trữ tất cả dữ liệu trong nội địa".
"Việt Nam nên áp dụng hệ thống phân loại dữ liệu mà chỉ những dữ liệu có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng sẽ phải lưu trữ tại Việt Nam - các quốc gia trong đó có Indonesia cũng đang áp dụng cách tiếp cận này", EuroCham Vietnam nhận định.
**********************
Ngân hàng Thế giới : tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại trong 2 năm tới (RFA, 12/12/2018)
Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ giảm từ 6.8% xuống còn 6,6% trong hai năm tới, theo dự báo mới được công bố hôm 11/12 của Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Hình minh họa. Hình chụp hôm 21/2/2017 : những tòa nhà cao tầng đang xây ở bên bờ sông Sài Gòn - AFP
Báo cáo về tình hình xuất khẩu định kỳ hai lần một năm của World Bank cho biết nguyên nhân tăng trưởng kinh tế giảm của Việt Nam là vì Việt Nam phải đối mặt với rủi ro với thương mại mở vào khi kinh tế toàn cầu có những yếu tố kém thuận lợi.
Chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank ở Việt Nam, Sebastian Eckardt nói với báo chí tại buổi công bố báo cáo rằng việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và những căng thẳng trong thương mại đang tạo ra rất nhiều điều không chắc chắn cho Việt Nam.
Theo dự báo của World Bank, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ ở mức từ 3% trong năm nay và 2,9% trong năm tới. Nguyên nhân là do thương mại và tăng trưởng đầu tư toàn cầu giảm đi vào lúc có cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chuyên gia của World Bank cho biết nhu cầu về hàng xuất khẩu toàn cầu kém đi cộng với luồng thương mại đầu tư vào Việt Nam giảm vì Ngân hàng dữ trữ Liên Bang Mỹ tăng lãi suất là những yếu tố rủi ro khác đối với nền kinh tế Việt Nam. Ông khuyến cáo Việt Nam nên duy trì chính sách tiền tệ thích hợp, linh hoạt trong tỷ giá hối đoái và duy trì mức thâm hụt tài chính thấp để hạn chế những ảnh hưởng của các rủi ro.
*********************
Tài xế phản đối BOT An Sương An Lạc thu phí "lố" 31 tháng (RFA, 12/12/2018)
Những ngày vừa qua, một số tài xế chứng minh rằng BOT An Sương - An Lạc nằm trên quốc lộ 1A, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh đã hết hạn thu phí cách đây 31 tháng. Các tài xế qua trạm đã từ chối mua vé vì cho rằng BOT không thực hiện thu phí theo đúng thời gian trên hợp đồng.
BOT An Sương - An Lạc được tài xế chứng minh cho biết đã hết hạn thu phí cách đây 31 tháng - rfa
Bắt đầu từ ngày 3/12, một số tài xế đã từ chối mua vé khi qua BOT An Sương - An Lạc vì cho rằng BOT này hoạt động thu phí quá thời hạn đến nay là 31 tháng. Video đăng tải trên facebook Huỳnh Long cho thấy các tài xế này đưa ra văn bản số 1423 ngày 6/6/2017 của Thanh Tra Chính Phủ. Trong đó, mục ‘3.1.2. Dự Án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn An Sương – An Lạc’ có chỉ rõ ‘thời gian hoàn thành dự án và bắt đầu thu phí là tháng 04/2004. Thời gian thu phí trong 145 tháng.’ Là những gì mà thanh tra chính phủ đã dựa theo hợp đồng mà chủ đầu tư là công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng IDICO đã ký kết với Bộ Giao Thông Vận Tải.
Trước những thông tin và sự việc trên, các tài xế khác cũng tỏ ý không đồng tình :
- Làm kiểu đó là không đúng pháp luật rồi. Cái đó là không đồng ý. Cái đó là sai rồi.
- Phải xả cho người ta đi chớ đâu có thu lố như vậy được đâu. Mỗi năm đóng phí đường bộ hết trơn rồi. Mà năm nào cũng đóng triệu mấy hai ba triệu không. Công ty đây tới mười mấy xe lận, ra zô ra zô liên thường luôn.
Tài xế này cho biết thêm, hiện anh đang lái cho một công ty, sử dụng vé tháng nên đã lỡ mua rồi thì sử dụng. Nhưng nếu không có vé tháng, anh cũng sẽ phản đối bằng cách không mua vé qua trạm BOT này, anh cho rằng việc từ chối mua vé khi trạm BOT thu quá hạn là điều hợp lý :
-Hợp lý, cái đó cũng là giúp lại cho anh em tài xế thôi. Đây là chủ mua vé tháng, vé tháng đành phải qua thôi, chứ gặp tui là tui không mua vé tháng là tui cũng phải giúp đỡ anh em.
Một tài xế khác cho biết ông muốn sự việc được các bộ ngành liên quan giải thích rõ ràng.
- Thì mình cũng đi qua mình hỏi thử mấy anh trạm thu phí thử lý do như thế nào vẫn thu tiền.
- Mình phải nói với lại bên đường bộ như thế nào chứ đâu có phải thu phí zậy hoài, đâu có được.
Rạng sáng ngày 07/12, tiếp tục từ chối mua vé qua trạm BOT An Sương An Lạc thì các tài xế gặp phải sự phản ứng gay gắt từ phía lực lượng dân phòng. Video đăng tải từ facebook Trương Châu Hữu Danh cho thấy tài xế này đang bị bao vây và hứng chịu những lời lẽ mang tính đe dọa.
Thông tin từ facebook này cho biết thêm, rạng sáng cùng ngày có một người tên Lê Thái Hùng, khi ngồi trên xe tranh luận về việc BOT thu phí quá hạn thì anh bị những kẻ lạ mặt lôi ra khỏi xe và hành hung gây, dù có công an và lực lượng bảo vệ tại hiện trường nhưng không ai can thiệp kịp thời. Sau khi bị lôi đi thì không ai liên lạc được với anh Hùng. Hơn 12 tiếng đồng hồ sau đó thì bạn bè tìm thấy anh này trong đồn công an phường Bình Hưng Hòa B cùng với những vết thương trên mặt trên cơ thể và một biên bản vi phạm hành chính.
Xét cho đúng, thì sự việc giữa bên thu phí là BOT An Sương - An Lạc và các phương tiện trả phí là vấn đề tranh chấp dân sự giữa hai bên. Thế nhưng việc các lực lượng công quyền có thái độ phản ứng gay gắt và làm ngơ khi người dân bị côn đồ hành hung, nhận xét về sự việc này, một tài xế cho biết :
- Thấy công an cho quýnh người, quýnh tài xế cũng như là tụi em đúng không ? Cái đó công an xem xét lại. Quýnh người như đó là sai trái rồi. Tại vì bữa hổm hồi sáng em có coi cái clip có mấy anh xe benz là đòi đập xe trong nhóm bạn hữu của em. Cái đó là không được. Trong lúc đó là cũng có công an luôn. Mà công an không giải quyết.
Bên cạnh đó, còn có ý kiến cho rằng vẫn cứ trả phí khi qua trạm, cho đến khi nào có quyết định từ phía chính quyền yêu cầu BOT xả trạm.
- Bên tôi thì chừng nào nhà nước người ta ngưng thu thì mình mới ấy… chứ còn người ta đang thu bằng cách phản đối không mua vé được. Đó là quan điểm của tôi là như vậy.
Qua tuyến đường này thường xuyên, ông cho biết thêm BOT này gây ách tắc giao thông trong khu vực :
- Giờ mà cái gì nó được giải quyết sớm thì càng tốt. Cái trạm này nó cũng làm ách tắc giao thông nhiều lắm. Kẹt do cái trạm này nó thu không kịp á. Nhất là cái chiều về, đi về nó kẹt do cái trạm này không đó chứ.
Chiều ngày 04/12, trong một cuộc họp liên quan đến vấn đề của BOT An Sương An Lạc, báo giaothongvantai.vn trích lời ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở Giao thông và vận tải TPHCM, ông này nói ‘Các thủ tục về thẩm định, phê duyệt, cấp giấy chứng nhận cho nhà đầu tư đúng theo quy định pháp luật. Thời gian thu phí được tính toán dự kiến đến 2033. Tuy nhiên, sẽ căn cứ vào doanh thu và kết quả thực tế sẽ xem xét điều chỉnh thời gian thu’.
Còn về phía chủ đầu tư IDICO thì nói rằng thời gian thu phí đã được điều chỉnh đến năm 2033 là hợp lý vì họ đã đầu tư xây dựng hai cầu vượt gần đó là cầu vượt Hương Lộ 2 và cầu vượt ngã tư Gò Mây. Dù cho một loạt các sai phạm đã được chỉ rõ trong kết luận của thanh tra chính phủ thì đến thời điểm hiện tại, BOT vẫn tiếp tục thu phí bình thường.
Ngoài BOT An Sương An Lạc, trước đây có BOT Cai Lậy, BOT Biên Hòa cũng bị một làn sóng phản ứng mạnh mẽ do vị trí đặt trạm và mức phí thu không hợp lý.
******************
Sân golf Tân Sơn Nhất bị đề nghị xóa bỏ (RFA, 12/12/2018)
Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh vừa đề nghị xóa bỏ sân golf Tân Sơn Nhất trong báo cáo về tình hình triển khai thực hiện quy hoạch sân golf trên địa bàn thành phố trình Ủy Ban Nhân Dân Thành phố.
Sân Golf bên trong sân bay Tân Sơn Nhất. Courtesy Zing
Báo trong nước loan tin trên hôm 10/12, cho biết theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh bổ sung danh mục sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh đã định hướng quy hoạch 5 dự án sân golf tại Củ Chi, sân bay Tân Sơn Nhất, Lâm Viên (Q9), An Phú (Q2) và Bình Chánh.
Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo cho biết trong số 5 sân golf nói trên, hai sân golf đã bị quy hoạch và điều chỉnh chức năng là sân tại An Phú (Q2) và sân tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo truyền thông trong nước, Bộ Giao thông Vận tải vào tháng 8 năm nay đã có quyết định phê duyệt xóa bỏ sân golf trong khu vực đất phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất và dự kiến thay thế bằng khu vực nhà ga, khu hangar, hồ điều tiết và cây xanh.
Trước đó vào năm 2010, khu sân golf Tân Sơn Nhất được quy hoạch với diện tích gần 160 hecta bao gồm sân golf thể thao kết hợp dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, trung tâm hội nghị, khách sạn, nhà ở cho thuê.
Nhiều ý kiến sau đó tranh cãi cho rằng việc xây dựng sân golf trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là bất hợp lý trước tình hình quá tải của sân bay, và chỉ trích chính quyền dùng đất quân đội để làm kinh tế.
Trước sức ép của dư luận, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 6/2017 đã phải chỉ đạo dừng tất cả công trình tại sân golf Tân Sơn Nhất để nghiên cứu mở rộng đường bay cho sân bay này.
Vào ngày 16/4/2018, Chính phủ Việt Nam thông báo kết luận phương pháp mở rộng sân bay. Theo kết luận này, ngoài một nhà ga được xây mới ở khu phía Nam, khu phía sân golf ở phía Bắc sẽ trở thành khu nhà ga dành cho hàng hóa, khu vực bãi đậu và bảo dưỡng máy bay.
Sân golf này được Bộ Quốc phòng giao cho công LOBICO thuộc tập đoàn Him Lam làm chủ đầu tư từ năm 2007. Sân golf này cũng là chủ đề tranh cãi trong thời gian dài. Công luận cho rằng Bộ Quốc phòng nên trả lại đất cho sân bay để mở rộng sân bay.