Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/12/2020

Tại sao đua nhau lập dự án sân golf bất chấp môi trường ?

Lâm Viên và nhiều tác giả

Cỏ sân golf

Lâm Viên, VNTB, 26/12/2020

Bản tin trên tờ Tuổi Trẻ viết : "Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng được Văn phòng Chính phủ gửi tới Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ngày 24/12 nêu rõ báo Tuổi Trẻ có bài viết nêu ý kiến nhiều chuyên gia cảnh báo việc triển khai đầu tư dự án sân golf Đak Đoa phải chuyển đổi hàng trăm hecta rừng, trong đó có 156ha rừng thông 3 lá gần 50 năm tuổi quý giá và thảm thực vật tại Đak Đoa sẽ biến mất, ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái của địa phương.

golf1

Thủ tướng vừa giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nghiên cứu, đánh giá tác động việc chuyển rừng thông Đak Đoa, Gia Lai.

Vì vậy, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nghiên cứu, đánh giá tác động, báo cáo Thủ tướng kết quả " (*).

golf2

Văn thư Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nghiên cứu về dự án sân golf Dak Doa (Gia La)

Thắc mắc đặt ra : phải chăng trước khi xảy ra chuyện báo chí lên tiếng phản đối, thì cơ quan quản lý là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ‘gật đầu’ với dự án gọi là "chuyển đổi rừng thành sân golf" ?

Bài viết này chỉ thuần nói về chuyện cỏ sân golf, tài liệu kỹ thuật được cung cấp bởi Hiệp hội bảo dưỡng sân golf Việt Nam.

Với các golfers, cỏ sân golf là một trong những yếu tố để đánh giá chất lượng sân bởi chúng sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng buổi chơi của họ. Vì thế để thu hút nhiều golfers, chủ sân luôn luôn quan tâm tới vấn đề lựa chọn loại cỏ gì, kỹ thuật trồng cỏ ra sao, và kỹ thuật chăm sóc cỏ sân golf như thế nào là những vấn đề vô cùng quan trọng.

Trước khi mùa lạnh đến tức trước tháng 12 thì để chuẩn bị cho cỏ có khả năng chịu rét tốt nhất người ta tăng cường cung cấp đầy đủ lượng N, P, K cho cỏ. Đặc biệt lượng N : 3.5 – 6.5 grN/m2/tháng.

NPK nhằm chỉ 3 nguyên tố dinh dưỡng đa lượng, tức 3 nguyên tố dinh dưỡng chính yếu cần bổ sung trước tiên cho cây trồng, nhằm nâng cao khả năng sinh trưởng và cho năng suất của cây trồng. Chữ N nhằm chỉ nguyên tố dinh dưỡng Đạm. Chữ P nhằm chỉ nguyên tố dinh dưỡng Lân. Chữ K nhằn chỉ nguyên tố dinh dưỡng Kali.

Phân đạm là một trong những loại phân bón vô cơ khá phổ biến cung cấp nitơ cho cây trồng. Hàm lượng % N trong phân là yếu tố thể hiện cho độ dinh dưỡng của phân đạm. Phân đạm cung cấp Nitơ hóa hợp cho cây trồng dưới dạng ion amoni (NH4+) và dạng ion nitrat (NO3-).

Các loại phân đạm phổ biến hiện nay : Phân Urê Co(NH4)2, Amôn Nitrat (NH4NO3), Amoni Sunfat hay SA (NH4)2SO4, đạm Clorua (NH4Cl), Xianamit Canxi, Phôtphat đạm hay MAP…

Lượng N dùng để bón chăm sóc cỏ sân golf ở các địa thế vùng cao như Tây nguyên, sẽ thấm vào đất và khi đạm tích lũy sẽ chuyển thành dạng Nitrat (NO3) hoặc Nitrit (NO2-) là những dạng gây độc trực tiếp cho các động vật thủy sinh, gián tiếp cho các động vật trên cạn do sử dụng nguồn nước. Đặc biệt gây hại cho sức khoẻ con người thông qua việc sử dụng các nguồn nước ngầm, hoặc các sản phẩm trồng trọt, nhất là các loại rau quả ăn tươi có hàm lượng dư thừa Nitrat được tưới từ các nguồn nước ngầm có liên quan đến khu vực gần sân golf.

Theo các nghiên cứu gần đây, nếu trong nước và thực phẩm hàm lượng nitơ và photpho, đặc biệt là nitơ dưới dạng muối nitrit và nitrat cao quá sẽ gây ra một số bệnh nguy hiểm cho người đặc biệt là trẻ em. Trong một khảo sát của tiến sĩ Lê Thị Hiền Thảo (2003) đã xác định, trong những thập niên gần đây, mức NO3- trong nước uống tăng lên đáng kể mà nguyên nhân là do sự sử dụng phân đạm vô cơ tăng, gây rò rỉ NO3- xuống nước ngầm.

Hàm lượng NO3- trong nước uống tăng gây ra nguy cơ về sức khoẻ đối với cộng đồng. Ủy ban Châu Âu quy định mức tối đa của NO3- trong nước uống là 50 mg/l, Mỹ là 45 mg/l, Tổ chức y tế thế giới (WHO) là 100 mg/l. Y học đã xác định NO2- ảnh hưởng đến sức khoẻ với 2 khả năng sau : gây nên chứng máu Methaemoglobin và ung thư tiềm tàng.

Các nghiên cứu về y học gần đây đã xác định, dư thừa Phospho trong các sản phẩm trồng trọt, hoặc nguồn nước làm giảm khả năng hấp thu Canxi, vì chất này lắng đọng với Canxi tạo thành muối triphosphat canxi không hòa tan, và tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất para thormon, điều này đã huy động nhiều Canxi của xương, và nguy cơ gây loãng xương ngày một tăng, đặc biệt ở phụ nữ.

Ở Việt Nam, một kết quả nghiên cứu tại sân golf Tân Sơn Nhất của tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc và tiến sĩ Nguyễn Đăng Diệp cho thấy : Chỉ tính các loại phân hóa học dùng để chăm sóc cỏ, mỗi năm mặt đất sân golf này "ngốn" tới 189,468 tấn. Bên cạnh đó là khoảng 8,88 tấn hóa chất dùng để bảo vệ cỏ gồm chất sát trùng, thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu.

Có thắc mắc : vì sao cỏ trong sân golf lúc nào cũng xanh ?

Câu trả lời : ba chất hóa học được coi là "bảo bối" để các chủ sân golf giữ màu xanh và phục hồi bề mặt cỏ sân golf chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ, là các chất : Chlorpyrifos, Diazinon và Isazofos. Tại nhiều quốc gia, ba chất này đều nằm trong danh mục hóa chất nhạy cảm với môi trường, và sức khỏe con người và được khuyến cáo hạn chế sử dụng

Vì lẽ đó nên các nước thường xây dựng một quy trình quản lý rất chặt chẽ đối với sân golf, công bố danh mục các loại phân bón, hóa chất bị cấm, tiêu chuẩn nước thải… Trong khi ở Việt Nam, hẳn là vấn đề đang bị buông lỏng, cả người chơi và cộng đồng đều đặt cược hết vào ông chủ sân golf.

Lâm Viên

Nguồn : VNTB, 26/12/2020

Chú thích :

(*)https://tuoitre.vn/thu-tuong-yeu-cau-danh-gia-tac-dong-chuyen-rung-thong-dak-doa-thanh-san-golf/20201224194429584.htm

************************

Rừng Đak Đoa 174ha thông cổ thụ đẹp như mơ có nên biến thành sân golf ?

Bảo Ngọc – Chí Tuệ, Tuổi Trẻ Online, 18/12/2020

Việc triển khai đầu tư dự án sân golf Đak Đoa (Gia Lai) không những phải chuyển đổi hàng trăm hecta đất rừng, trong đó gần 156ha thông gần 50 tuổi với số lượng cây thông ba lá quý giá khá lớn, mà thảm thực vật tại đây sẽ biến mất...

golf3

Rừng thông Đak Đoa, Gia Lai là điểm tham quan của nhiều du khách - Ảnh : Huỳnh Công Đồng

Đây là cảnh báo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) khi phản hồi với tỉnh Gia Lai cũng như ý kiến của nhiều chuyên gia liên quan đến dự án này. Theo các chuyên gia, việc chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích lớn để làm sân golf phải được cân nhắc cẩn trọng, có những phân tích, đánh giá sâu hơn tác động đa chiều của việc triển khai dự án đến kinh tế, môi trường và xã hội.

Phải chuyển đổi 174ha rừng ?

Ngày 17/12, trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết vừa có công văn gửi UBND tỉnh Gia Lai về việc thẩm định hồ sơ xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để thực hiện dự án thể thao tại huyện Đak Đoa.

Trước đó, cuối tháng 11/2020, UBND tỉnh Gia Lai có tờ trình về việc xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để xây dựng dự án sân golf Đak Đoa. Tuy nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng tờ trình của UBND tỉnh Gia Lai không có hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án kèm theo nên chưa đủ cơ sở để thẩm định hồ sơ dự án.

Theo cơ quan này, khi dự án sân golf được xây dựng và đưa vào hoạt động sẽ phải chuyển mục đích sử dụng khoảng 174ha đất rừng, trong đó gần 156ha rừng trồng thông từ năm 1976, trữ lượng 15.000m3. Đặc biệt, dự án sẽ làm mất đi vĩnh viễn thảm thực vật rừng lớn đã ổn định gần 50 năm, ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái của địa phương.

"Việc Gia Lai chuyển đổi mục đích sử dụng rừng với diện tích lớn để xây dựng sân golf phải được cân nhắc cẩn trọng, có những phân tích, đánh giá sâu hơn tác động đa chiều của việc triển khai dự án kinh tế đến môi trường và xã hội" - vị đại diện Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh.

Trước đó, thông tin được chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) công bố cho biết quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái được xây dựng tại thị trấn Đak Đoa (xã Glar và xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 500ha.

Trong đó, giai đoạn 1 của dự án sẽ xây dựng trước 197ha, vốn đầu tư hơn 3.600 tỉ đồng. Tập đoàn này sẽ đầu tư các hạng mục sân golf, trung tâm hội nghị quốc tế, khách sạn, khu nhà ở biệt thự và liền kề, khu vui chơi, thể thao ngoài trời, công viên, trường học liên cấp, vườn thú safari.

golf4

Cần hạn chế tác động đến môi trường

Theo Giáo sư Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, quan điểm của Chính phủ khi xây dựng quy hoạch sân golf trên cả nước là chỉ sử dụng những quỹ đất không có tiềm năng sản xuất nông nghiệp để chuyển đổi qua làm sân golf. Đó là các khu vực đất lúa kém năng suất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất đồi không cho năng suất canh tác cao. Chỉ những quỹ đất hoang hóa, khó canh tác hoặc không canh tác gì được mới ưu tiên làm sân golf.

"Các địa phương phải hạn chế, tiến tới không cho phép sử dụng đất rừng làm sân golf. Với các danh thắng tự nhiên đẹp như đồi cỏ hồng tại Gia Lai cũng không thể cấp phép làm sân golf, vì đây là một danh thắng, cảnh quan thiên nhiên đẹp, nên ưu tiên phát triển thành một địa danh du lịch sẽ tốt hơn", ông Võ nói.

Giáo sư Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ cũng cảnh báo các địa phương cần ngăn chặn tình trạng nhiều chủ dự án sân golf lợi dụng cấp phép đầu tư sân golf để xây dựng khách sạn nhằm kinh doanh cho thuê, thậm chí xây dựng nhà ở, biệt thự để bán ngay trong khu vực sân golf.

golf5

Rừng thông Đak Đoa, Gia Lai - Ảnh : Huỳnh Công Đồng

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Đính - phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, có bao nhiêu sân golf trong quy hoạch không quan trọng, vấn đề phải tính toán, dự báo được nhu cầu chơi golf của người dân, du khách nước ngoài để tránh tình trạng làm sân golf không vì mục đích kinh doanh golf.

"Thực tế trong xã hội chỉ có số ít người dân đủ điều kiện chơi golf, khách du lịch cũng chỉ có một nhóm có nhu cầu chơi golf. Vì vậy, việc cấp phép đầu tư, xây dựng sân golf ở các địa phương thời gian tới phải gắn với các khu du lịch, các điểm du lịch", ông Đính nói. Đồng thời cho rằng cần định hướng để quy hoạch sân golf phù hợp với chiến lược phát triển du lịch quốc gia.

Theo đó, việc phê duyệt xây dựng sân golf phải gắn với định hướng phát triển các khu du lịch, phù hợp với kế hoạch sử dụng đất, chứ không thể chạy theo đề xuất của doanh nghiệp. "Việc phát triển sân golf luôn cần quỹ đất lớn từ vài trăm hecta trở lên, vì vậy phải tính toán để phát triển sân golf hạn chế ảnh hưởng tới môi trường, lấn rừng, hoặc đất sản xuất của người dân địa phương", ông Đính khuyến nghị.

Bảo Ngọc – Chí Tuệ

Nguồn : Tuổi Trẻ Online, 18/12/2020

Đọc thêm :

Không sử dụng đất rừng làm sân golf

Huỳnh Công Đồng, Tuổi Trẻ Online, 18/12/2020

Tháng 4/2020, Chính phủ đã ban hành nghị định về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf, trong đó quy định diện tích xây dựng sân golf tiêu chuẩn 18 lỗ không quá 90ha, bình quân không quá 5ha trên một lỗ golf ; diện tích dự án sân golf xây dựng lần đầu không được quá 270ha cho sân golf quy mô 54 lỗ golf.

Cũng theo nghị định này, các loại đất không được sử dụng làm sân golf gồm : đất cho mục đích quốc phòng, an ninh; đất xây dựng khu - cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao ; đất thuộc phạm vi bảo vệ đê điều và hành lang bảo vệ bờ biển ; đất thuộc các khu vực có yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, di tích... Không sử dụng đất rừng, đất trồng lúa, trừ trường hợp dự án sân golf ở vùng trung du, miền núi được sử dụng tối đa không quá 5ha đất trồng lúa một vụ, phân tán tại địa điểm xây dựng.

Dự án sân golf sử dụng đất rừng sản xuất không phải là rừng tự nhiên phải đáp ứng điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế.

Sau năm 2020, không còn quy hoạch quốc gia về sân golf, ông Trần Quốc Phương (thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư) nói.

Theo pháp luật về quy hoạch, từ sau năm 2020 sẽ không còn quy hoạch tập trung sân golf, việc quy hoạch phát triển sân golf tại địa phương sẽ nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố.

Vì thế, cấp phép đầu tư sân golf những năm tới sẽ phụ thuộc vào điều kiện đất đai, kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, nếu đáp ứng sẽ được làm. Ngoài ra, theo Luật đầu tư, tùy theo quy mô từng dự án sân golf, các địa phương sẽ trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư trước khi cấp phép đầu tư các dự án.

Đầu tư sân golf : "bia kèm mồi"

Giải thích lý do đầu tư sân golf luôn gắn với kinh doanh các dự án bất động sản nghỉ dưỡng theo kiểu "bia kèm mồi", lãnh đạo một doanh nghiệp là chủ đầu tư của 2 dự án sân golf lớn ở phía Bắc và phía Nam thừa nhận đầu tư một sân golf luôn cần rất nhiều tiền. Do đó, chủ dự án sân golf phải đầu tư thêm các dự án biệt thự, liền kề nghỉ dưỡng để huy động vốn.

Theo vị này, suất đầu tư sân golf vào khoảng 1 triệu USD/1 đường golf, chưa tính đến chi phí đầu tư các công trình phụ trợ, nhà tập golf, thiết bị phục vụ sân golf. Với 1 sân golf 18 lỗ, suất đầu tư câu lạc bộ phục vụ cũng khoảng 100 tỉ đồng, nhà tập golf 40 tỉ đồng và nhà bảo trì khoảng 30 tỉ đồng, chưa kể việc mua sắm thiết bị phục vụ. Trong khi đó, để thu hồi vốn đầu tư một sân golf có lượng khách chơi đông, cần khoảng thời gian 15 - 20 năm.

Do đó, để thu hồi vốn nhanh hơn, chủ đầu tư thường phát triển thêm bất động sản nghỉ dưỡng cho thuê để huy động vốn từ bên ngoài, một số chủ dự án còn phát triển các dự án bất động sản liền kề cũng như các khu khách sạn nghỉ dưỡng để kinh doanh cho thuê, tận dụng lợi thế cảnh quan sân golf.

Đất rừng thành sân golf, mất nhiều hơn được

Với gần 50 năm tuổi, rừng thông ba lá lên tới hàng trăm hecta cùng với thảm thực vật dưới tán rừng tại huyện Đak Đoa (Gia Lai), nơi dự kiến được chuyển đổi để làm sân golf, là điểm đến của nhiều du khách khi đặt chân đến Gia Lai.

golf6

Đồi cỏ hồng - nơi dự kiến được chuyển đổi để làm dự án sân golf Đak Đoa, Gia Lai - Ảnh : Huỳnh Công Đồng

Do đó, khi thông tin về dự án sân golf Đak Đoa được công bố, nhiều người dân tại địa phương bày tỏ lo lắng rằng không chỉ mất đi một địa chỉ du lịch mà số cây thông ba lá quý hiếm tại khu vực này cũng có nguy cơ biến mất. Trong khi đó, các chuyên gia cũng cảnh báo phải thận trọng khi đổi rừng lấy sân golf bởi việc giảm diện tích rừng sẽ làm thay đổi đặc tính tự nhiên, tính bền vững của tự nhiên, nhất là đối với các tỉnh miền núi và Tây Nguyên.

Lo cho rừng thông quý

Trao đổi về dự án sân golf Đak Đoa, nhiều người dân tại khu vực này bày tỏ lo ngại khi dự án được triển khai, chắc chắn rừng thông ba lá quý giá trong khu vực dự án sẽ bị ảnh hưởng. Theo anh Trần Thanh Nam (36 tuổi, trú tại Phường Ia Kring, Thành phố Pleiku), rừng thông Đak Đoa và đồi cỏ hồng đã tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp, điểm tham quan của nhiều du khách, nhất là vào dịp cuối năm.

"Cứ mỗi cuối năm, gia đình lại dẫn nhau đến đồi thông này để chụp ảnh. Mới đây thôi, tôi và người bạn ở Hà Nội dẫn nhau đến rừng thông buổi sáng để ngắm cỏ hồng phủ sương sớm và ngắm mặt trời lên. Điều đặc biệt là hiếm nơi nào còn giữ được một rừng thông có diện tích rộng lớn như rừng thông huyện Đak Đoa. Nếu dự án được triển khai, người dân sẽ khó tiếp cận được khu rừng này" - anh Nam nói.

Ngày 17/12, trả lời về dự án này, lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết trong quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt năm 2009 đã có sân golf Đak Đoa, nhằm bảo đảm phân bố sân golf hợp lý trên các vùng và cả nước, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, thể thao, dịch vụ của các địa phương... Tuy nhiên, quy hoạch này cũng nêu rất rõ là không được sử dụng đất thuộc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, đất rừng.

Cũng theo vị này, đến năm 2018, tỉnh Gia Lai đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án sân golf Đak Đoa. Theo đó, dự án sân golf Đak Đoa được triển khai trên khu đất 174,01ha tại các xã Glar, Tân Bình và thị trấn Đak Đoa (huyện Đak Đoa). Sân golf 36 lỗ với tổng chi phí thực hiện dự án trên 1.142 tỉ đồng. Dự án có thời hạn thuê đất là 50 năm với 174ha nằm một phần trong khu vực rừng thông trải dài rộng khoảng 500ha.

Sẽ di dời... rừng thông ?

Trong khi đó, hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đak Đoa Nguyễn Văn Sơn cho biết rừng thông này được trồng từ năm 1976 đến nay, không phải rừng tự nhiên. Trước đây, mỗi năm huyện phát động phong trào trồng rừng nên chính quyền địa phương, các đoàn thể và người dân trồng mỗi năm một ít. Vì thế, rừng thông ba lá được trồng không theo quy cách và không đồng đều.

Ngoài ra, việc chăm sóc bảo vệ cây thông cũng không thường xuyên nên đến nay, cây lớn cây nhỏ đan xen. Do điều kiện tự nhiên nên cây thông này lớn không đồng đều và tạo nên những thế đứng giống như thân bonsai rất đẹp. Cũng do rừng thông trồng trên đồi thoai thoải, địa hình khá bằng, nên cây cỏ hồng mọc lên phía dưới tán thông vào mùa mưa, tạo nên một thảm dày phủ mặt đất nên người dân rất dễ tham quan ngắm cảnh.

Theo một lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Gia Lai, dự án sân golf được Bộ Tài nguyên và môi trường đánh giá tác động môi trường là phù hợp với quy hoạch triển khai dự án. Dự án cũng chỉ chiếm một phần trong 500ha rừng hiện trạng, nên người dân vẫn có thể tham quan, ngắm cảnh tại cánh rừng này.

"Chúng tôi đã có nhiều cuộc họp bàn về phương án xử lý cây thông bonsai tại cánh rừng này khi thực hiện dự án. Theo đó, nếu dự án được triển khai, một phần rừng thông sẽ nằm trong diện tích dự án. Việc xử lý cây thông không làm ảnh hưởng đến tổng thể rừng thông cũng được bàn rất nhiều trong các cuộc họp" - vị này cho biết.

Một phương án khác là di dời số cây thông này sang vị trí khác cũng được đưa ra bàn bạc rất kỹ. "Với công nghệ di thực hiện nay, việc di thực cây thông sống và sinh trưởng bình thường. Việc này vừa giải quyết vấn đề không làm mất rừng và không ảnh hưởng đến cảnh quan tự nhiên. Ngoài ra, có phương án trồng thêm thông nhằm tăng thêm cảnh quan và môi trường tại dự án" - vị này nói.

Một lãnh đạo tỉnh Gia Lai cho rằng dự án được kỳ vọng sẽ xây dựng tổ hợp sân golf, tạo một quần thể du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp, đạt tiêu chuẩn quốc tế, là một trong những trung tâm du lịch phía bắc Tây Nguyên, tăng khả năng đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí của các đối tượng khách trong và ngoài nước. "Người dân ở khu vực sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ việc phát triển dự án này", vị này nói.

Huỳnh Công Đồng

**********************

Để mất rừng, Lâm Đồng đòi doanh nghiệp bồi thường 311 tỉ đồng

Mai Vinh, Tuổi Trẻ Online, 18/12/2020

Ngày 17/12, ông Võ Danh Tuyên - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng - cho biết UBND tỉnh Lâm Đồng đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường biện pháp để đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp (DN) thuê rừng trên địa bàn đền bù 311 tỉ đồng vì để rừng bị mất.

golf7

Rừng bạch tùng cổ thụ tại huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) bị đốn hạ. Vụ việc bị phát hiện tháng 11/2020 - Ảnh : Mai Vinh

Cũng theo ông Tuyên, Lâm Đồng hiện có 329 DN thuê đất, thuê rừng để triển khai các dự án đầu tư với tổng diện tích lên đến 57.145ha. Cụ thể, có 96 dự án du lịch sinh thái, 87 dự án trồng rừng, 40 dự án sản xuất nông lâm kết hợp, 55 dự án trồng cao su, 15 dự án nuôi cá nước lạnh và 36 dự án khác. Trong đó, có 116 dự án để xảy ra phá rừng, mất rừng với diện tích thiệt hại tài nguyên rừng lên đến 1.900ha.

Bên cạnh việc thu hồi toàn bộ 159 dự án và thu hồi một phần diện tích của 35 dự án vì để rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các đơn vị chức năng yêu cầu các DN bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng với số tiền lên đến 311 tỉ đồng.

golf8

Khu vực rừng bị phá thuộc đất dự án của một doanh nghiệp, do BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim quản lý - Ảnh : Mai Vinh

Được biết, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng được giao chủ trì việc thu hồi số tiền bồi thường này nhưng đang gặp không ít khó khăn do nhiều DN chây ì, cố tình không chấp hành dù cơ quan chức năng đã nhiều lần đôn đốc.

"Chúng tôi mời các doanh nghiệp lên làm việc để thống nhất việc bồi thường, thỏa thuận thời điểm nộp tiền. Nếu DN nào không chấp hành, chúng tôi sẽ đề nghị thu hồi dự án hoặc chuyển cơ quan cảnh sát điều tra" - ông Tuyên khẳng định.

Mai Vinh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lâm Viên, Bảo Ngọc, Chí Tuệ, Huỳnh Công Đồng, Mai Vinh
Read 568 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)