Vương Nghị nói gì tại Hà Nội ?
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến thăm Hà Nội từ ngày 10-12 tháng này.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ở Hà Nội hôm 10/9/2021 - AFP
Theo báo chí Việt Nam cho biết, ông Vương Nghị ngoài gặp gỡ và trao đổi với Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn, còn có cuộc trao đổi với ông Phạm Bình Minh - Phó Thủ tướng. Ông Vương Nghị cũng có cuộc gặp gỡ với ông Phạm Minh Chính - Thủ tướng và ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư.
Chúng ta nên nhớ, ông Vương Nghị chỉ là Ngoại trưởng nhưng ông Trọng vẫn phải tiếp, trong khi Phó Tổng thống Hoa Kỳ - Bà Kamala Harris vừa mới qua Hà Nội tháng trước nhưng ông Trọng đã không tiếp bà Phó Tổng thống.
Trong cuộc gặp ông Phạm Bình Minh, ông Vương Nghị đã nói rằng hai nước nên kiềm chế các hành động đơn phương liên quan đến Biển Đông có thể làm phức tạp thêm tình hình và làm gia tăng các tranh chấp (1 ).
Ông Vương Nghị cũng nói rằng hai nước nên trân trọng hòa bình và ổn định đã đạt được ở Biển Đông và cảnh giác chống lại sự can thiệp của các lực lượng bên ngoài, điều này ngầm ám chỉ Mỹ(2) .
Điều trớ trêu là chuyến thăm của ông Vương Nghị diễn ra trong khi quân đội Trung Quốc đang tăng cường hiện diện ở Biển Đông và mới đây đã có cuộc tập trận chiếm nhằm tăng cường khả năng chiếm đảo trên biển Đông trong bối cảnh hải quân Mỹ hiện diện mạnh mẽ trong khu vực. Hải quân Trung Quốc thông báo sẽ phong tỏa vùng biển phía Tây bán đảo Lôi Châu để tiến hành "các cuộc tập trận bắn đạn thật" trong ngày 9 và 10/9 (3 ).
Trong một động thái khác, ngày 8/9, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng một đội hải quân thuộc Bộ tư lệnh Chiến khu miền Nam đã tiến hành một cuộc tập trận đổ bộ ở Biển Đông vào đầu giờ sáng. Theo đoạn video do kênh CCTV (Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc) công bố, cuộc tập trận có sự tham gia của một tàu vận tải đổ bộ Ngũ Chỉ Sơn Loại 071 và hai trực thăng, ít nhất một xe tăng và ba tàu đổ bộ đệm khí. Đoạn video cũng cho thấy các binh sĩ được đưa đến một hòn đảo không xác định bằng cả trực thăng và tàu vận tải kèm theo lời bình :"Những năm gần đây, biệt đội hải quân này đã tổ chức các cuộc tập trận có mục tiêu kết hợp với các cuộc tập trận lớn và đã tăng cường phối hợ p sâu rộng các tàu đổ bộ với các lực lượng tác chiến khác".
Cuộc tập trận chiếm đảo mới nhất của quân đội Trung Quốc. Hình : Kênh Quốc phòng Trung Quốc
Các cuộc tập trận phản ánh sức mạnh ngày càng tăng của hải quân Trung Quốc, lực lượng này đã tổ chức một loạt cuộc tập trận trong năm 2021 nhằm tăng cường khả năng chiếm đảo. Nhà bình luận quân sự tại Hong Kong và là cựu huấn luyện viên của PLA Tống Trung Bình cho rằng cuộc tập trận chiếm đảo đổ bộ có một tín hiệu mạnh mẽ và rõ ràng nhằm giành lại hòn đảo bị mất :"Những năm gần đây, Trung Quốc chú trọng các cuộc tập trận như vậy. Khả năng chiếm đảo được thể hiện trong video phản ánh rằng PLA đã tiến hành đủ các cuộc tập trận để giành ưu thế trên không và trên biển và khả năng tác chiến trên biển này chắc chắn sẽ được sử dụng để giành lại quyền kiểm soát một số hòn đảo". Các báo chí Trung Qu ốc giải thích rằng, các cuộc tập trận như trên là để đáp trả lại sự xuất hiện của Hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông. Tuy nhiên, Mỹ lại không chiếm hữu bất cứ thực thể nào ở Biển Đông. Mà chỉ có các quốc gia Đông Nam Á đang chiếm giữ các thực thể trên Biển Đông mà Trung Quốc khẳng định tất cả đều thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Trong số đó, Việt Nam đang kiểm soát 21 thực thể ở Trường Sa. Còn nhớ năm 2018, khi Việt Nam cấp phép cho Công ty Repsol khai thác tại mỏ Cá Rồng Đỏ tại Lô 07.3. Lô này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Trung Quốc đã đe doạ tấn công các thực thể Việt Nam đang chiếm giữ ở Trường Sa, và điều này đã khiến Việt Nam phải yêu cầu Repsol từ bỏ việc khai thác dự án này. Việc yêu cầu huỷ bỏ dự án đã khiến chính phủ Việt Nam ph ải bồi thường cho Repsol hơn 1 tỉ USD.
Chỉ riêng nửa đầu năm 2021, Trung Quốc đã tiến hành 20 cuộc tập trận hải quân liên quan đến hoạt động chiếm đảo, vượt xa con số 13 cuộc tập trận như vậy trong năm 2020. Cuộc tập trận gần đây diễn ra sau khi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Benfold tiến sát Đá Vành Khăn. Tàu Benfold châm ngòi cho các cáo buộc mới giữa Trung Quốc và Mỹ sau khi Luật An toàn Giao thông Hàng hải của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/9/2021 có quy định yêu cầu các tàu nước ngoài phải thông báo khi đi vào vùng lãnh hải của nước này phải xin phép và báo cáo.
Các mục tiêu trong chuyến đi của Vương Nghị
Các mục tiêu rất rõ của Bắc Kinh trong chuyến đi của Vương Nghị đó là : Tiếp tục thực hiện ngoại giao vắc xin ; Thúc đẩy Vành đai Con đường (BRI) ở Việt Nam ; Xoa dịu Việt Nam trước các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây.
Báo chí Việt Nam đưa tin về nội dung cuộc gặp của Vương Nghị với Phạm Minh Chính(4) và Vương Nghị với Bùi Thanh Sơn(5) đều với các nội dung như nhau, bao gồm : Cám ơn Trung Quốc đã hỗ trợ vắc xin và mong muốn Trung Quốc sẽ tiếp tục viện trợ thêm nữa ; Mong muốn hỗ trợ cho việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc, giải quyết vấn đề đường sắt Cát Linh - Hà Đông, mong muốn nhận thêm đầu tư từ Trung Quốc ; Đối với vấn đề Biển Đông, cả ông Phạm Minh Chính và ông Bùi Thanh Sơn đều nhắc tới việc "duy trì hòa bình và an ninh trên biển Đông… Tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS… Thúc đẩy đàm phán COC…".
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội hôm 11/9/2021. Hình : TTXVN
Cảnh giác trước mưu sâu kế hiểm của Bắc Kinh
Các nội dung này cho thấy sự giáo điều và sáo rỗng trong quan hệ Việt - Trung. Các nội dung như vậy cho thấy cả hai bên đều không có gì thật lòng với nhau. Đặc biệt là với BRI và Biển Đông.
Với BRI thì nhiều quốc gia trên thế giới đã rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc như Sri Lanka, Lào… Ngoài ra, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn như một cục u ác tính trong bộ mặt của thành phố Hà Nội cũng chính là một phần của BRI. Nhưng dường như lãnh đạo Việt Nam vẫn chưa "tỉnh giấc".
Bà Lê Huyền Ái Mỹ - Cựu Tổng biên tập báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh đã có lời cảnh tỉnh trên Facebook cá nhân về BRI như sau (6) :
"Sáng kiến"vành đai con đường" là "nhất đới, nhất lộ" cho tham vọng bành trướng của một đại quốc, là "di sản chính trị" Tập Cận Bình với cuộc đào thoát khỏi câu thần chú "thao quang dưỡng hối" của Đặng Tiểu Bình. Năm 2013, tân ngoại trưởng Vương Nghị đã tuyên bố chính sách đối ngoại của Trung Quốc sẽ chuyển sự tập trung sang sân sau của Trung Quốc. Nên nhớ, phát biểu này của ông ta chỉ đi sau bài diễn thuyết của ông Tập có tiêu đề "Hãy ý thức về cộng đồng với vận mệnh chung bắt rễ sâu xa ở các quốc gia láng giềng". Bản vẽ nhất đới nhất lộ đã hoàn thành và có những bước đi khởi đầu. Chỉ có điều, ngay cả khi nhà ngoại giao cao cấp nhất của Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì đã từng đảm bảo rằng sáng kiến này"không hề l à công cụ địa chính trị cho bất kỳ quốc gia nào" thì "Sau nhiều trở ngại về ngoại giao khắp thế giới, đặc biệt là với Châu Phi, Bắc Kinh ý thức trong đau khổ rằng họ không được thế giới tin cậy" (Tom Miller - Giấc mộng Châu Á của Trung Quốc).
Thế giới không tin cậy Trung Quốc. Việt Nam là một phần của thế giới, lại là quốc gia láng giềng, trải cả ngàn năm bị đô hộ, lòng tin với phương Bắc là thứ không hề hiện hữu".
Thiết nghĩ, đây chính là điều mà toàn dân Việt Nam cần phải thức tỉnh trước các mưu đồ thâm hiểm, sâu xa từ Bắc Kinh.
Vương Chí Tình
Nguồn : RFA, 12/09/2021