Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Tham nhũng kinh tế" ở Việt Nam đã trở thành "quốc nạn", nhưng "tham nhũng quyền lực" do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ.

Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố.

Cơ quan này viết : "Tham nhũng ở Việt Nam ngày càng phát triển tinh vi, phức tạp và có tổ chức cấu kết từ Trung ương đến địa phương… "tham nhũng kinh tế", "tham nhũng chính trị" hiện nay và mối quan hệ nhân quả giữa các loại hình tham nhũng này". 

Vậy sự khác biệt giữa hai loại tham nhũng này thế nào ?

thamnhung01

Tham nhũng kinh tế ngày càng phát triển phức tạp và nhanh chóng chuyển sang cấp độ tinh vi hơn là tham nhũng chính trị

Ban Nội chính Trung ương giải thích : "Tham nhũng kinh tế hiện nay được hiểu theo nghĩa phổ biến là lạm dụng chức vụ, quyền lực công được giao để thu lợi bất chính cho mình và người thân về vật chất. Các hành vi phổ biến như tham ô tài sản, nhận hối lộ, chiếm đoạt tài sản, vụ lợi vật chất…".

Điều khiến đảng lo sợ là : "Tham nhũng kinh tế, vì mục đích kinh tế diễn ra khắp toàn quốc, trong cả hệ thống chính trị, từ địa phương tới trung ương và càng lên cấp cao, vụ việc càng lớn, nghiêm trọng. Tham nhũng kinh tế đã đạt đến mức có tổ chức, móc ngoặc, câu kết từ cán bộ địa phương đến cán bộ trung ương, vừa tinh vi vừa trắng trợn, có khi công khai ngang nhiên".

Chống đâu xiêu đó

Tình trạng nghiêm trọng như thế mà trong 10 năm chống tham nhũng (2012-2022), chỉ có : "Hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, có hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên trung ương đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, có 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên trung ương đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang bị thi hành kỷ luật".

Về lĩnh vực tố tụng, Báo cáo này cho hay : "Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...".

Nhưng mức độ nghiêm trọng của loại "tham nhũng kinh tế" tiềm ẩn âm mưu gì ?

Ban Nội chính Trung ương trả lời : "Dự báo có nguyên nhân sâu xa hơn là tham nhũng vật chất để toan tính, đầu tư vào tham nhũng chính trị và khi cần thì tiến hành "tự chuyển hóa", "tự diễn biến" trong nội bộ, thực hiện giấc mơ lớn là khống chế, làm chủ chế độ, đất nước lâu dài vì mục đích của cá nhân và nhóm lợi ích. Cùng với sự phát triển của đất nước, tham nhũng kinh tế ngày càng phát triển phức tạp và nhanh chóng chuyển sang cấp độ tinh vi hơn là tham nhũng chính trị như một bước tất yếu" (Ban Nội chính Trung ương, ngày 02/03/2023).

Như vậy rõ ràng càng "tham nhũng kinh tế" bao nhiêu thì tham vọng chính trị càng nẩy sinh phức tạp trong nội bộ Đảng bấy nhiêu.

Do đó, Ban Nội chính Trung ương cho biết : "Các hành vi tham nhũng chính trị phổ biến ở Việt Nam hiện nay là dùng quyền lực, lợi ích để kết nối sự ủng hộ trong nội bộ, kể cả mua chuộc và đe dọa, khống chế để giành quyền lãnh đạo, quản lý bộ máy Đảng, Nhà nước ; bố trí con, cháu, người thân, tay chân thân tín vào các chức vụ chủ chốt để tiếp nối tham nhũng, bảo vệ lợi ích của mình lâu dài ; chấp nhận, giúp đỡ, bao che cho các hành vi chạy chức, chạy quyền để thu lợi ; kết nối quan hệ, tác động, can thiệp, cấu kết có hệ thống với các phần tử tham nhũng để chia phần lợi ích… Tham nhũng chính trị nhanh chóng hình thành các nhóm lợi ích, phát triển thành các tập đoàn lợi ích vững chắc, thao túng quyền lực cả về lập pháp, hành pháp tư pháp và truyền thông báo chí. Từ đó, các tập đoàn lợi ích cấu kết để nắm quyền lợi về kinh tế và chính trị, thâu tóm quyền lực để tự do tham nhũng, tiêu cực. Lúc này, thế lực tham nhũng đã kết nối vững chắc, trở nên rất lớn mạnh, sẵn sàng bất chấp quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, dư luận của nhân dân và nguy hiểm hơn, tiến hành vô hiệu hóa hoặc tiêu diệt thẳng tay những người chân chính, dám đấu tranh chống lại họ. Các tập đoàn tham nhũng hình thành, kết nối, phát triển sẽ thao túng nền chính trị đất nước và ngày càng thách thức nghiêm trọng sự lãnh đạo của Đảng cũng như quyền lực Nhà nước và cả hệ thống chính trị".

Đây là lấn đầu tiên, nhóm, chữ "các tập đoàn tham nhũng" đã được sử dụng để chứng minh "tham nhũng kinh tế" và "tham nhũng quyên lực" đã cấu kết với nhau sâu rộng và nguy hiểm đến tài sản của dân và sự tồn vong của chế độ.

Chứng minh cho kết luận này đã được báo Đầu Tư – Chứng Khoán, số ra ngày 08/09/2023, xác nhận : "Mặc dù Chính phủ đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực "có bước tiến mới", song tội phạm tham nhũng tăng mạnh, đặc biệt, số vụ nhận hối lộ phát hiện tăng 312,5% khiến thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đầy lo ngại".

Báo Đầu Tư – Chứng Khoán viết : "Chính phủ đánh giá, tham nhũng ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều vụ việc có tổ chức, mang tính lợi ích nhóm, tài sản tham nhũng có giá trị lớn, có yếu tố nước ngoài. Tham nhũng không chỉ xảy ra trong khu vực nhà nước, mà xảy ra ở cả khu vực ngoài nhà nước, cản trở sự cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh".

Tuy nhiên Chính phủ không tiết lộ "yếu tố nước ngoài" là gì, cá nhân hay nhà nước ? Nhưng, theo lời Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường thì : "Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đăng kiểm, đất đai, đấu thầu, trái phiếu, y tế, giáo dục, rửa tiền, gây bức xúc trong dư luận xã hội".

Tất nhiên "rửa tiền" phải có "yếu tố nước ngoài" tiếp tay thì mới đầu xuôi, đuôi lọt.

Vào cả Quốc hội

Đáng chú ý hơn là "giặc tham nhũng" đã chui vào cả Quốc hội, cơ quan Lập pháp có quyền lực cao nhất nước, sau khi đã "ngồi an toàn" trong Hành pháp và Tư pháp.

Nội chính Trung ương cho hay : "Về lập pháp, lực lượng tham nhũng chính trị tác động vào công tác xây dựng và ban hành pháp luật, thể chế, chính sách theo hướng có lợi cho họ, cài cắm lợi ích nhóm vào các luật. Mức cao hơn, lực lượng tham nhũng này có thể tác động vào công tác nhân sự và đại biểu quốc hội, vận động hành lang để Quốc hội biểu quyết thông qua những dự án lớn theo tính toán của họ. Dần dần, Quốc hội sẽ bị thao túng, khống chế bởi các tập đoàn tham nhũng, không còn là cơ quan quyền lực tối cao của nhân nhân, hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, vì quyền lợi nhân dân nữa, hay nói cách khác là nhân dân đã bị chiếm mất quyền lực tối cao theo Hiến định".

Như vậy hèn gì mà "tham nhũng cứ trơ ra" như lời than của Tồng bí thư Nguyễn Phú Trọng ?

Hậu thuẫn cho thừa nhận của ông Trọng, Nội chính Trung ương xác nhận : "Nhìn chung, tham nhũng kinh tế và tham nhũng chính trị ở Việt Nam thời gian qua đã phát triển ở mức nghiêm trọng, gắn kết với nhau trong mối quan hệ ràng buộc nhân quả và dù Đảng ta đã hết sức quyết liệt đấu tranh, trừng trị nhưng vẫn chưa bị ngăn chặn, đẩy lùi.

Vì chưa đẩy lùi được nên "một bộ phận không nhỏ" cán bộ, đảng viên đã "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", quay lưng lại với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, như đảng đã nhìn nhận.

Nhìn chung, như Nội chính Trung ương đã thừa nhận, hai thế lực "tham nhũng kinh tế" và "tham nhũng quyền lực" đã cấu kết với nhau để "hóa giải" quyền cai trị của Đảng cho lợi ích nhóm và cá nhân, gia đình.

Như vậy, cuộc chiến giữa hai nhóm tham nhũng với Đảng cộng sản Việt Nam kéo dài bao nhiêu thì đất nước càng suy thoái và nhân dân càng bị bóc lột bấy nhiêu.

Phạm Trần

(05/12/2023)

Published in Diễn đàn

Qua các vụ án, từ Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải đến "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản, Nhàn AIC… ta có thể hình dung, tham nhũng quyền lực khi ăn sâu vào từng băng nhóm của Đảng và Nhà nước thì vòng xoáy của nó trở nên bất tận. Bi kịch không chỉ xuất hiện ở từng bị cáo, mà tội ác còn đến từ cả các cá nhân lẫn các tổ chức thực thi pháp luật ở các cấp. Tất cả lan thành "bi kịch tập thể" như một dịch hạch (pestis).

trom1

Bây giờ tình hình an ninh trật tự như những người dân thường nói, cứ 100 mét vuông là có 20 tên ăn cướp ăn trộm, xã hội thực tế hiện nay là như vậy, hở ra là mất cắp…

------------------------------

Không khởi đầu, cũng chẳng có điểm dừng. Cảm giác chung là bộ máy cai trị đấu tố nhau suốt năm suốt tháng, khi công khai lúc ngấm ngầm. Một dạng "cách mạng không ngừng" giống như lý thuyết của Marx, nhưng lại biến thái thành các cuộc cướp giật "bao lợi quyền" bất tận. Trung ương 8 của Đảng cộng sản Việt Nam đầu tháng 10 mới họp mà cuộc đấu tố dành ghể Tổng bí thư đã "được" kích hoạt từ Trung ương 7. Và nay tự nhiên rộ lên là câu chuyện để thất thoát mấy ngàn tỷ hồi Ciputra thuê đất, liền kề là lôi "đại gia điếu cày", sân sau của Tổng bí thư ra xử. Các chuyên án này đều đã "mọc râu" từ chục năm nay, tưởng trôi đã vào quên lãng, nay lại lôi ra trước vành móng ngựa như để nhắc lại cái thuở "người đốt lò" mới làm Bí thư ở đất Hà thành rồi sau đấy lên đến Tổng bí thư, ông mới làm thơ "Cố lên các chị các anh" đề tặng Lê Thanh Thản (1). 

Phản công cũng là cách phòng ngự. Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tướng Tô Lâm đẩy tiếp vụ Thanh Nhàn AIC để rung lắc ghế của ai đó trong "Bộ tứ" nhưng có vẻ không ăn thua. Cả Đức quốc lẫn nước Mỹ đều phản đối, không muốn giao nộp Thanh Nhàn và quân lính của thị cho Tô Lâm. Tổng bí thư Trọng tỏ dấu hiệu mệt mỏi đôi lúc cũng muốn rời ghế, nhưng suy đi tính lại thấy không ổn. Muốn buông quyền lực mà khó quá, vì ác mộng "kiến ăn cá" ám ảnh "người đốt lò vĩ đại". Khi bên trên tham nhũng quyền lực, thì bên dưới cũng nương đà đấy mà tham nhũng quyền lực tiếp theo, nó tạo ra một hiệu ứng, một vòng xoáy khủng khiếp trên phạm vi hệ thống. Không nhẽ toàn bộ guồng máy Đảng và Nhà nước được xây dựng trên sự tham nhũng phổ quát, tập trung vào quyền và tiền ? Đấy phải chăng là trạng thái đồng giao mô tả "là tiên là phật, là sức bật của lò xo, là thước đo lòng người, là tiếng cười của tuổi trẻ…".

Gánh nặng của vụ Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải đang đè lên vai của cả Tô đại tướng lẫn Bộ Chính trị. Trong cơn quẫn bách hiện nay, hai vụ án tử tù Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải để lộ bức màn bí mật về việc thi hành án tử ở Việt Nam (2). Gần 5.000 người đã ký tên gửi đến Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng kiến nghị đòi hoãn thi hành án đối với Chưởng và đòi ân xá cho Hải. EU và ba nước kêu gọi Việt Nam dừng thi hành án tử hình của Nguyễn Văn Chưởng. Bản tuyên bố được đăng trên trang Facebook chính thức của phái đoàn EU và được khoảng 70 tổ chức, cá nhân lan tỏa qua chức năng "share". 

27 nước Châu Âu và ba quốc gia ngoài khối đều lên án, coi đây là một hình phạt tàn ác, vô nhân đạo, hạ thấp nhân phẩm và không bao giờ có thể biện minh được. Có hay không việc thiếu tá cảnh sát hình sự Nguyễn Văn Sinh chỉ là vụ thanh toán nội bộ trong công an với nhau rồi đỏ thừa để xóa dấu vết (như đồn đại trên mạng) ? Với đà này, thì chắc gì đón Biden và nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ đã mở ra lối thoát về ngoại giao cho thể chế "công an trị" này. Bây giờ mới thấm thía đòn "boomerang" (gậy ông đập lưng ông) của chủ trương "phá án nhanh để lên lon" và "lên lon nhanh bằng tham nhũng". "Thị trường sao gạch" loạn giá cũng bị tiết lộ ra bên ngoài (3). 

Ai cũng biết, "muốn có hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh". Nhưng "hòa bình" chỉ là ngoài mặt, chỉ là tạm thời, "bằng mặt không bằng lòng" ở mọi cấp, từ thấp lên cao. Nhưng bên trong thì chiến tranh lúc nào cũng sôi sục. Các phe nhóm nhiều lúc say máu vì không còn đường lùi. Lùi là chết, là "kiến sẽ ăn cá", vì "cá đã ăn quá nhiều kiến", gây quá nhiều ân oán giang hồ. Chỉ có thể "hòa bình" trong từng giai đoạn mà thôi, bởi vì nạn tham nhũng quyền lực, "sứ quân" cát cứ đang lan như một bệnh dịch (4). Do toàn bộ hệ thống quyền lực được kiến tạo trên nền tảng tham nhũng quyền lực cho nên việc đốn ngã một con bài rất có thể gây ra "hiệu ứng domino", chết chìm thì dễ vỡ trận ! 

Tướng Tô Lâm đã hơi quá đà. Bản thân ông Trọng đốt lò mấy năm nay mỏi cả tay chất củi nên rành rẽ hơn ai hết ! Ông thừa biết, chế độ "công an trị" ngày nay lấy đâu ra xã hội Nghiêu – Thuấn thời xưa ! Nói ra chỉ tổ lộ bài "mị dân" để cánh dân chủ nó bêu riếu. Bản thân lãnh đạo đã bất minh thì phải đóng cửa mà bảo nhau, đánh chuột phải giữ lấy cái bình, chứ đào đâu ra giấc mơ "đi ngủ khỏi cần đóng cửa". Khi Tô Lâm ra lệnh : "Phải làm thế nào để từng xã, phường, thôn, xóm không có tội phạm, dân đi ngủ, đi vắng không phải khóa cửa" và "yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Công an tỉnh nghiên cứu", thì bản thân tướng Tô Lâm công an này không chỉ "đánh vào" chính ông ta, mà còn "thóa mạ" một Tô Lâm khác là vô năng, bất tài, là phường "ăn hại, vô dụng" (5). Dân họ chửi cho nghe thủng cả màng nhĩ ! 

Blogger Đồng Phụng Việt đã huỵch toẹt : "Ông Tô Lâm nói theo kiểu hoang tưởng, mị dân, ý là xã hội chủ nghĩa sẽ được như thế, nhưng thật sự ngày càng tồi tệ, dân tình ngày càng khổ… Bây giờ tình hình an ninh trật tự như những người dân thường nói, cứ 100 mét vuông là có 20 tên ăn cướp ăn trộm, xã hội thực tế hiện nay là như vậy, hở ra là mất cắp… Chính vì vậy có những vụ chết cháy rất thương tâm, vì người ta phải rào nhà kiểu như "chuồng cọp", để chống trộm, từ chỗ đó khi có hỏa hoạn không thể thoát ra được và chịu chết trong nhà" (6). Phê phán Bộ trưởng Công an như vậy nghe cũng có lý, nhưng blogger này phải thông cảm cho ông Bộ trưởng, khi ước mơ trở lại thời Nghiêu – Thuấn cho thấy Tô Lâm có lúc cũng mỏi mệt do đàn áp quá nhiều. Trong tay đủ quyền lực thì y lại mơ sự yên bình, nhưng lấy đâu ra thời Nghiêu – Thuấn khi bàn tay công an đã vấy máu Cụ Lê Đình Kình và bao dân oan đòi đất. 

Tuy dư luận xôn xao nhưng báo chí trong nước như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VnExpress... đều "tuân thủ kỷ luật", đã không dám mở miệng về các vụ này, dù trước đó vào năm 2014, 2015, họ từng đưa tin rất mạnh mẽ về những khúc mắc trong vụ án của Nguyễn Văn Chưởng. Nhưng phải nhắc nhở ngay trang Dân Việt. Phân tích của truyền thông quốc tế về trường hợp của Nguyễn Văn Chưởng, bà Chiara Sangiorgio nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhà chức trách Việt Nam phải ngay lập tức ban lệnh đình chỉ tất cả các vụ thi hành án tử (7). Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) khu vực Châu Á nói với BBC, có rất nhiều bằng chứng cho thấy cảnh sát đã sử dụng tra tấn để thẩm vấn các nghi phạm hình sự, vì vậy không thể dễ dàng bác bỏ những cáo buộc này. Đại diện HRW cho rằng cần có các điều tra viên độc lập, những người có thể đảm bảo những cáo buộc này được điều tra kỹ lưỡng và công bằng và phải cho những nhân chứng cung cấp lời khai các bằng chứng ngoại phạm của Nguyễn Văn Chưởng (8).

Tâm sự của Tổng bí thư Trọng những ngày này thật nặng nề. Ôi ! Có lúc ông Trọng cũng muốn về nghỉ vui thú điền viên nhưng cũng không được. Mà ở lại chắc gì đã xong. Đúng là bi kịch của những kẻ tham nhũng quyền lực vào hồi quá gay cấn… Nội tình đất nước cũng đang vào hồi nan giải. Nó đòi hỏi phải thay đổi, phải quyền biến trong một thế giới, một khu vực mọi thứ đang đảo lộn, không có gì là chắc chắn ! Từ đỉnh cao của quyền lực nhưng Nguyễn Phú Trọng nhiều lúc vẫn cảm thấy chông chênh. Tổng bí thư có thể nghĩ mình đã "trên tài" ông Hồ Chí Minh. Cái động tác ông ngồi vào cái ghế của "Ông Già" tại Nhà sàn không hẳn là ngẫu hứng (9). Lên đến đỉnh rồi nhưng bây giờ thấy khó xuống quá ! Liệu ông Tổng còn níu kéo chiếc ghế ấy được bao lâu nữa ?

Mai Luân

Nguồn : RFA, 14/08/2023

Tham khảo :

(1) https://kinhtedothi.vn/tong-bi-thu-de-tho-tang-khach-san-muong-thanh-grand-phuong-dong.html

(2) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-66460494

(3) https://vietnamnet.vn/tac-gia-bai-thi-truong-sao-va-vach-len-tieng-222152.html

(4) https://vietnamnet.vn/canh-bao-ve-nan-tham-nhung-quyen-luc-su-quan-cat-cu-706381.html

(5 – 6) https://www.rfavietnam.com/node/7731

(7 – 8) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-66460494

(9) https://www.youtube.com/watch?v=MEs1PbT0RAU

Published in Diễn đàn

Lúc còn là Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm từng câu nói "bất hủ" được nhiều báo điện tử trích dẫn : "Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc".

lanhdao1

Hình hài tham nhũng quyền lực có thể tóm tắt là, "con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc".

Khi xảy ra vụ việc, trong một lần họp báo, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm ‘thanh minh’ : "Các phóng viên khi phỏng vấn đã đặt ra cho tôi một câu hỏi là "việc con lãnh đạo lại đi làm lãnh đạo thì có nghi ngại gì không" ?

Tôi nghĩ là chuyện đó không có gì phải nghi ngại, chỉ nghi ngại là chuyện đó có công bằng hay không, thực tài hay không, đảm bảo tiêu chuẩn đạo đức hay không, có được xã hội chấp nhận hay không ? Đó là điều đáng quan tâm trong công tác cán bộ".

Bà giải thích thêm : "Lúc họp báo ở đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh vừa rồi tôi có nói không phải tự dưng mà Thành phố Hồ Chí Minh có lớp cán bộ trẻ mà có quá trình bồi dưỡng, đào tạo từ lớp anh, chú cán bộ đi trước. Nếu có ý thức, kế hoạch bồi dưỡng thì mới có một lớp cán bộ trẻ đủ sức đảm đương".

Về việc vì sao dư luận xôn xao gần đây có nhiều cán bộ trẻ được bổ nhiệm, bà Tâm nói : "Đó là chuyện bình thường, không phải bây giờ mới có. Chẳng qua đến thời điểm thay thế thì chúng ta thấy có nhiều cán bộ trẻ. Bởi vì các bạn cứ suy ra, ba mươi mấy bốn chục tuổi trúng cử vào ban chấp hành Đảng bộ, giữ chức danh chủ chốt nào đó thì chẳng lẽ các bạn làm một nhiệm kỳ ?

Nếu rèn luyện tốt thì đương nhiên khóa sau sẽ trúng cử nữa, lúc đó là 45, 50, 55 tuổi… đó là một sự nối tiếp. Mình phải nhìn nhận vấn đề một cách biện chứng như vậy".

Bà cho rằng sự tranh luận phải rộng đường, mọi người có thể nói, có thể tham gia, nhưng với một tinh thần xây dựng thì bao giờ cũng sẽ tốt đẹp.

Giờ thì có lẽ bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đã phải chấp nhận điều mà bà từng nói "Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc", lại được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng xem là mầm mống của tham nhũng, khi ông đã ủy quyền cho Thường trực Ban bí thư ký ban hành quy định giới hạn chuyện "Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc".

Ngay trong năm 2015, thời điểm mà bà Nguyễn Thị Quyết Tâm có câu nói để đời "Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc", dư luận từ ngạc nhiên đến xôn xao khi thấy nhiều khía cạnh rất "lạ" trong việc bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng làm Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, như bổ nhiệm khi không công tác ở cơ quan, ngay cả Vụ trưởng cũng không biết Vụ phó, bổ nhiệm xong được 32 ngày thì chuyển công tác…

Lúc được bổ nhiệm, ông Vũ Minh Hoàng 26 tuổi, quê Bắc Ninh, là cháu của đại tá Vũ Quốc Tuấn, Phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh. Cha ông Hoàng là chủ doanh nghiệp, mẹ nội trợ và công ty của gia đình không đầu tư vào Cần Thơ hay Hậu Giang.

Cũng trong năm 2015, ở tuổi 30, ông Lê Phước Hoài Bảo (sinh năm 1985), con trai nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh được bổ nhiệm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Trước đó, ngày 26-2-2014, khi đang là Trưởng Phòng Xúc tiến đầu tư thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, ông Lê Phước Hoài Bảo được UBND tỉnh Quảng Nam điều động đến nhận công tác tại UBND huyện Thăng Bình.

5 tháng sau, ngày 23-9-2015, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ công bố quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo giữ chức vụ Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam. Ông Lê Phước Hoài Bảo được xem là trường hợp đảm nhận chức vụ Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trẻ nhất ở Quảng Nam và của cả nước tính đến thời điểm đó.

Về sau, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo tổ chức đảng và cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ các quyết định về công tác cán bộ không đúng đối với ông Lê Phước Hoài Bảo…

Mới đây, Bộ Chính trị có Quy định 114 cấm bố trí "người nhà" đồng thời đảm nhiệm các chức danh người đứng đầu các cơ quan : Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát.

Chi Lăng

Nguồn : VNTB, 22/07/2023

Published in Diễn đàn

Cựu Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung "tham nhũng quyền lực"

Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, vào ngày 18/8 nói với Tiền Phong Online rằng các vụ án liên can cựu Chủ tịch Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cho thấy đã dùng quyền lực và vị trí công việc để can thiệp, bóp méo nhiều quy định của nhà nước nhằm trục lợi.

chung1

Ông Nguyễn Đức Chung. Hình chụp ngày 20/5/2013. Reuters

Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng ông cựu Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung là một ví dụ cụ thể về tình trạng tha hóa về tư tưởng, đạo đức và nhiều mặt của cán bộ. Đồng thời, cũng cho thấy sự kiểm tra, giám sát quyền lực còn nhiều khỏang trống.

Một cư dân ở Hà Nội là một cựu quân nhân, thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam, vào tối ngày 20/8, chia sẻ với RFA trong điều kiện ẩn danh rằng ông đồng quan điểm với nhận xét của Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng :

"Đúng rồi. Ông Lưu Bình Nhưỡng nói thế là đúng. Theo tôi nhận xét thì ông Nguyễn Đức Chung là một người trẻ, có năng lực có đầy đủ phẩm chất của một cán bộ. Ông Nguyễn Đức Chung trước đang là phó Giám đốc thì lên chức làm giám đốc Sở Công an. Sau một đêm đạt được được nguyện vọng rồi thì sẽ muốn đạt được nguyện vọng khác và đấy cũng là một dạng ‘tham nhũng quyền lực’. Là con người thì thường ai cũng có nguyện vọng được chức cao trọng vọng, thế nhưng mà không lợi dụng để có kinh tế thì làm sao có thể ‘mua’ được quyền lực tiếp theo. Tôi nghĩ là trong bối cảnh của một xã hội thì người ta bắt buộc phải thế thôi. Đúng ra tha hóa là tha hóa chung thôi".

Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an, hồi ngày 28/8/2020, đã khởi tố bị can và bắt giam Chủ tịch Thành phố Hà Nội-Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung về hành vi "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước".

Vào tháng 12/2020, ông Nguyễn Đức Chung bị tuyên án năm năm tù giam dưới cùng tội danh vừa nêu, trong vụ án sai phạm tại Công ty Nhật Cường.

Đến ngày 17/3/2021, Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an quyết định truy tố ông Nguyễn Đức Chung thêm tội danh "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" vì đã chỉ đạo Công ty Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy 3C của Công ty Đức-Watch Water qua Công ty Arktic, là công ty "sân sau" của gia đình ông Chung.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đức Chung còn bị xác định đã can thiệp, gây sức ép, ép buộc và đe dọa Chánh Thanh tra Thành phố Hà Nội và Đoàn Thanh tra liên ngành phải ban hành kết luận điều tra theo hướng không có sai phạm, không đúng sự thật liên quan dự án làm sạch nước hồ bằng chế phẩm Redoxy 3C.

Việc chỉ đạo của ông Chung được cho là gây thất thoát cho ngân sách nhà nước 41 tỷ đồng. Và vụ án này bị khởi tố vào ngày 27/4/2020.

Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an (C03), vào ngày 16/8/2021 cho biết vừa hoàn tất điều tra và đưa ra kết luận ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố với vai trò chủ mưu, cầm đầu.

Ông Chung được cho biết đã khai báo quanh co, chối tội trước khi thừa nhận hành vi sai phạm của mình. Do đó, Cơ quan C03 đề nghị xem đó là tình tiết nặng để truy tố và xét xử đối với bị can Nguyễn Đức Chung.

chung2

Một người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh bị rơi vào hoàn cảnh vô gia cư trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư. Hình chụp ngày 19/8/2021. Courtesy of Facebook Đêm Sài Gòn

Vì sao tướng Chung có thể "tham nhũng quyền lực ?"

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương, vào tối ngày 20/8 giải thích với RFA rằng ông Chung có thể khuynh loát, lạm dụng quyền lực để tham nhũng là do thể chế của Việt Nam là một thể chế lạm quyền cho nên cả một hệ thống lạm quyền từ trên xuống dưới trong bộ máy nhà nước.

"Bất cứ một thiết chế xã hội nào từ con người, đứa trẻ con, đứa học sinh cho đến những doanh nghiệp, các nhà thờ, tôn giáo… hoạt động được là do luôn luôn có hiến định ; tức là một điều quy định trong hiến pháp và luật định, là căn cứ điều hiến định ấy mà ban hành những luật để cho thiết chế ấy hoạt động.

Chỉ có độc nhất Đảng cộng sản Việt Nam là chỉ có một điều hiến định (có danh nghĩa được ghi trong Điều 4 Hiến pháp) mà không có luật định. Không có luật nào điều chỉnh hoạt động, chức năng, nghĩa vụ, trách nhiệm của Đảng hết. Và như thế tức là nó đã lạm quyền rồi. Thế thì cái hệ thống lớn đã làm quyền thì cái hệ thống nhỏ cứ tha hồ lạm quyền. Hành vi lạm quyền này có tính chất phổ biến".

Ông Nguyễn Khắc Mai nêu lên một ví dụ mang tính thời sự được dư luận đặc biệt quan tâm là vụ việc lãnh đạo trường Đại học Duy Tân ở thành phố Đà Nẵng, hồi đầu tháng tám, ra quyết định sa thải giảng viên Trần Thị Thơ với lý do đã "có phát ngôn phiến diện, sai lệch về cách chống dịch tại Việt Nam".

"Ông Thủ tướng Phạm Minh Chính thì bảo cần phải lắng nghe phản biện và ý kiến của nhân dân. Nhưng bọn bảo hoàng hơn nhà vua ở trong thành ủy, ở trong Đại học Duy Tân không cần nghe ông Chính. Họ cứ làm theo ý của họ và đuổi cô giáo mặc dù cũng không phải tội lỗi gì cả. Cô giáo chỉ nhận ra một cảm khái và người (lãnh đạo) có trí, có đức thì phải lắng nghe cảm khái rên xiết của dân chúng để điều chỉnh hành vi của mình".

Ông Nguyễn Khắc Mai nhấn mạnh thêm rằng :

"Nhà nghiên cứu về tối ưu hệ thống, ông Hoàng Tụy đã từng nói với tôi rằng cái hệ thống ‘mẹ’, tức là thể chế hiện nay, hệ thống chính quyền hiện nay đã bị lỗi thì các hệ thống ‘con’ không thể tử tế được".

Nhận định về tình trạng tham nhũng tại Việt Nam, Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, từng khẳng định với RFA về bộ máy hành chính của Việt Nam là một bộ máy tham nhũng "vô phương cứu chữa".

Cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng từng tuyên bố rằng bà "càng đi càng thấy buồn" vì "ăn của dân không từ một thứ gì".

Đài RFA ghi nhận qua các vụ đại án được mang ra xét xử, theo chiến dịch chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động, được dư luận xã hội quan tâm và tỏ ra ngao ngán khi ngày càng có nhiều quan chức lãnh đạo cấp cao bị phanh phui tham nhũng quyền lực, không chỉ có một ông Nguyễn Đức Chung là điển hình.

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đang bùng phát và hoành hành nghiêm trọng tại Việt Nam, công luận chỉ trích nặng nề một số biện pháp phòng, chống dịch được áp dụng nghiêm ngặt dẫn đến hậu quả "tham nhũng quyền lực" của các "ông trời con" ở địa phương, như trong vụ việc lãnh đạo cấp phó phường ở Nha Trang đã sách nhiễu người dân với tuyên bố "bánh mì không phải lương thực, thực phẩm".

Nguồn : RFA, 20/08/2021

Published in Diễn đàn

Cách đây không lâu, giám đốc sở trẻ nhất nước (30 tuổi) lúc bấy giờ là ông Lê Phước Hoài Bảo - giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, bị mất mấy lồng chim, dư luận đã chú ý.

tham1

Ông Lê Phước Thanh (trái) và ông Lê Phước Hoài Bảo (phải)

Quả đúng như vậy, Ủy ban Kiểm tra trung ương vừa có kết luận và yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo tổ chức Đảng và cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ các quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo không đúng.

Riêng đối với ông Lê Phước Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2010-2015, bí thư Ban Cán sự Đảng, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011-2016, Ủy ban Kiểm tra trung ương chỉ rõ ông Thanh phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015 và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, trong đó có vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ ; không gương mẫu, có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động cán bộ…

Thực tế, ông Lê Phước Thanh đã "tham nhũng quyền lực ", tức dùng quyền lực của mình cho lợi ích riêng, ở đây là cho con trai của mình. Nhìn vào con đường thăng tiến của Lê Phước Hoài Bảo, thấy rất rõ ông Thanh khi đưa con trai mình đi "tráng men" rất nhanh chóng, hết chức vụ này đến chức vụ khác trong vòng chưa đầy 3 năm, từ 2012 đếm tháng 9-2015 đã lên đến chức giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khi mới 30 tuổi.

Chưa hết, ông Thanh còn có dấu hiệu tham nhũng cả ngân sách khi cho con mình đi học thạc sĩ ở nước ngoài không đúng quy định bằng tiền Nhà nước, tức bằng tiền đóng thuế của dân.

Vậy mà ông Thanh còn lên tiếng bênh vực, "xin xỏ" mức kỷ luật cho con mình, đề nghị xem xét lại việc xóa tên khỏi danh sách đảng viên đối với con trai mình. Phải như Ủy ban Kiểm tra trung ương đã nêu, ông Thanh phải chịu trách nhiệm trên cương vị là người đứng đầu.

Ngoài ra, rất cần thiết ông Thanh phải trả lại tiền lấy của dân để cho con trai mình đi học nước ngoài. Vậy mới sòng phẳng. Ngay cả việc ông cho rằng con mình đi học nước ngoài, sinh hoạt tại chi bộ "nông thôn" nên chưa hiểu biết nhiều về nguyên tắc sinh hoạt Đảng nên có vi phạm này nọ, để nhằm "xin xỏ" mức kỷ luật thấp hơn, cũng là ngụy biện nốt.

Với ông Ngô Văn Tuấn - phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã kết luận từ tháng 10-2010 đến 11-2015, với cương vị bí thư Đảng ủy, giám đốc Sở Xây dựng, ông đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức, đặc biệt đã ưu ái, nâng đỡ không trong sáng đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh. Ông Tuấn bị cách hết các chức vụ trong Đảng.

"Hot girl" Trần Vũ Quỳnh Anh từ nhân viên hợp đồng leo một lèo lên chức trưởng phòng, được quy hoạch chức danh phó giám đốc Sở Xây dựng. Vì sao nhân vật này leo nhanh, leo cao đến vậy ? "Hot girl" này còn có những mối quan hệ với ai, như thế nào…, vẫn còn quá nhiều ẩn số !

Ở đây, ông Tuấn cũng đã tham nhũng quyền lực, tìm cách vun vén cho cá nhân "hot girl" Quỳnh Anh với rất nhiều tai tiếng. Chuyện cô gái tung hoành xứ Thanh, dư luận địa phương rất bức xúc, thậm chí cho đến bây giờ chẳng biết Quỳnh Anh đi đâu, ở đâu !

Tham nhũng quyền lực là một dạng tham nhũng phổ biến nhất, ở nhiều tầng nấc nhất và cũng khó chống nhất. Việc cha bổ nhiệm con hay bổ nhiệm, đề bạt những người thân, trong dòng họ của mình là hình thức của tham nhũng quyền lực, từ đó đẻ ra những nhóm lợi ích gần gũi và chắc chắn dẫn dắt đến các hành vi tham nhũng trong tương lai.

Để chống lại tham nhũng quyền lực, phải kiểm soát được quyền lực. Nếu quyền lực của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam thời ấy và của giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa được kiểm soát chặt chẽ, làm sao họ dám làm như thế ? Vấn đề ở đây là các công cụ kiểm soát quyền lực dường như đã bị vô hiệu hóa.

Lỗ hổng là ở chỗ đó.

Lưu Nhi Dũ

Nguồn : Người Lao Động, 18/12/2017

Published in Diễn đàn