Các đài truyền hình Trung Quốc đã chiếu một loạt bốn bài về chiến dịch chống tham nhũng. Họ đưa ra các dữ liệu chính thức của Ủy ban Thanh tra, cho biết trong năm 2023 đã có 610.000 cán bộ bị trừng phạt, khiển trách.
Tập Cận Bình, Trì Hạo Thiên, Trương Hựu Hiệp và Lý Thượng Phúc : Nhà lãnh đạo Trung Quốc đang chơi một trò chơi cổ xưa là đưa các phe phái khác nhau trong quân đội chống lại nhau, tất cả để đảm bảo lòng trung thành của họ với một người. (Ảnh do Nikkoi dựng phim/Nguồn ảnh của Reuters và Yusuke Hinata)
Nhật báo Nhân Dân ở Bắc Kinh đã viết 5 bài tán tụng bài thuyết trình của Tập Cận Bình trước Ủy ban Thanh tra Kỷ luật, nói rằng đảng cộng sản Trung Quốc đã "mở một mặt trận lớn chưa từng thấy trong lịch sử", và thành công.
Theo Hoa Nam Tảo Báo,South China Morning Post, ngày 26/1/2024 tường thuật, báo Nhân Dân nêu ra "bốn nguy hiểm lớn (Tứ Đại Nguy Hiểm) đang đe dọa quyền hành của đảng cộng sản. Đó là các quan chức "thiếu khả năng, vô kỷ luật, xa lìa dân chúng và tham nhũng". Theo tờ Nhân Dân, tiếng nói chính thức của đảng cộng sản, những vấn nạn này sẽ còn tiếp tục lâu, cần một "quá trình gian khổ kéo dài" mới có thể chấm dứt.
Các đài truyền hình Trung Quốc đã chiếu một loạt bốn bài về chiến dịch chống tham nhũng. Họ đưa ra các dữ liệu chính thức của Ủy ban Thanh tra, cho biết trong năm 2023 đã có 610.000 cán bộ bị trừng phạt, khiển trách, tăng thêm 3% so với năm 2022. Sau khi hai bộ trưởng Tần Cương, ngoại giao, và Lý Thượng Phúc, quốc phòng, biến mất rồi bị kết tội và cách chức, 32 cuộc điều tra cán bộ cao cấp khiến 45 người bị kỷ luật, tăng 40%, 27 người trong số này đã nghỉ hưu trước khi bị điều tra. Ủy ban Thanh tra đã ghi thêm các "tội mới" như đọc "sách xấu", ma túy, và tình dục. Chỉ có 49 cán bộ hàng bộ trưởng, thứ trưởng bị bắt, thấp hơn con số 53 người trong năm trước.
Trong 11 năm qua, kể từ khi Tập Cận Bình phát động chiến dịch thanh trừng, đã có 294 cán bộ cấp cao bị cách chức, theo Hoa Nam Tảo Báo, SCMP. Trước đây, số viên chức bị điều tra về kỷ luật còn thấp ; năm 2014 chỉ có 38 người ; năm 2020 có 18 người ; tăng lên 25 người năm 2021 và 32 người năm 2022, theo SCMP.
Tờ báo ở Hồng Kông chỉ đếm các vụ thanh trừng dân sự, chưa kể tới các tướng, tá bị điều tra. Quân đội Trung Quốc có Ủy ban Thanh tra Kỷ luật riêng. Sau khi Tập Cận Bình tấn công nạn tham nhũng, hai vị tướng cao nhất đã bị thanh trừng là Từ Tài Hậu (Xu Caihou, 徐才厚), vào năm 2014 ; và Quách Bá Hùng (Guo Boxiong, 郭伯雄), hai năm sau. Cả hai đều là phó chủ tịch Quân ủy Trung ương trước khi bị bắt.
Tuần trước, Quốc hội Trung Quốc công bố quyết định cất chức 9 đại biểu gốc quân đội nhưng không giải thích lý do tại sao. Trong số này có một cựu tư lệnh Không quân, một tướng Hải quân từng chỉ huy vùng biển Nam Hải. Năm trong số 9 đại biểu mất chức có năm vị tướng thuộc lực lượng hỏa tiễn của Trung Quốc. Lý Ngọc Siêu, (Li Yuchao, 李玉超) từng là chỉ huy trưởng Hỏa Tiễn Quân, mới bị cho nghỉ hưu, cùng với người phụ tá từ tháng 7 năm ngoái. Một cựu tư lệnh "Hỏa Tiễn Quân", tướng Ngụy Phong Hòa (Wei Fenghe, 魏凤和), có thời làm bộ trưởng quốc phòng, không làm đại biểu quốc hội, cũng biến mất mà không ai biết lý do.
Tướng Ngụy Phong Hòa từng phụ trách "tiếp liệu" cho lực lượng Hỏa Tiễn Quân. Đó là một địa vị dễ tạo cơ hội tham nhũng nhất trong quân đội. Trong 9 đại biểu quốc hội bị bãi nhiệm có đến bốn ông tướng từng giữ các chức vụ về tiếp liệu. Cựu bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc, đã bị cho nghỉ, cũng từng phụ trách về tiếp liệu trước khi lên chức.
Trong các vụ điều tra tham nhũng, việc cách chức các tướng lãnh thuộc lực lượng hỏa tiễn gây chấn động nhất. Vì họ cũng phụ trách các kho vũ khí nguyên tử, theo hãng tin Reuters. Những người chỉ huy "Hỏa Tiễn Quân" thường bị điều tra rất kỹ trước khi được bổ nhiệm. Sau đó, người ta có thể tin tưởng vào tinh thần phục vụ, "lập trường" và lòng trung thành với lãnh tu Tập Cận Bình của họ. Việc theo dõi, kiểm tra chắc không đặt nặng và không diễn ra thường xuyên.
Các người tới kiểm tra tra họ có thể cũng biết các hành vi tham nhũng ; nhưng đó là một hiện tượng bình thường trong quân đội cộng sản, tướng tá nào nắm quyền hành đều tìm cách kiếm chác. Chính những người đi kiểm soát, thanh tra, cũng nhân dịp vòi tiền hối lộ. Một câu ca dao thời cộng sản ở Việt Nam cũng có thể áp dụng bên Trung Quốc :
Thanh "cha", thanh mẹ, thanh dì
Hễ có phong bì thị lại "thanh kiu"
Tập Cận Bình đã đầu tư rất nhiều để hiện đại hóa Hỏa Tiễn Quân, với ba kho chứa hỏa tiễn trong các vùng sa mạc thuộc các tỉnh Tân Cương, Cam Túc và Nội Mông Cổ, theo Aadil Brar, báo Newsweek. Tờ Newsweek cũng loan một tin "động trời" do Tình báo Mỹ tiết lộ, là trong quân đội Trung Quốc có lúc họ không đổ xăng mà "đổ nước" vào hỏa tiễn ! Ngoài ra, nhiều mái đậy trên các hầm chứa hỏa tiễn hư mà không được sửa, không điều khiển được, theo hãng tin Bloomberg.
Cuộc thanh trừng các tướng lãnh chỉ huy Hỏa Tiễn Quân là một việc phải làm, vì Tập Cận Bình đang cố xây dựng một quân đội tân tiến, hy vọng sẽ đứng "hàng đầu thế giới" vào năm 2050, ngang sức hoặc vượt qua quân đội Mỹ. Hỏa Tiễn Quân thu nhận các nhà khoa học và kỹ thuật giỏi nhất để hướng về tương lai, không ngờ cũng là nơi tham nhũng nặng nề như các ngành khác.
Khi kiểm điểm chiến dịch bài tham nhũng trong quân đội Trung Quốc, Hoa Nam Tảo Báo (SCMP) cho biết một cựu chủ bút của Học Tập Thời Báo (Study Times) nhận thấy phần lớn các tướng lãnh bị truy cứu đã về hưu, những người này được bổ nhiệm trước khi Tập Cận Bình nhậm chức : "Trong số những người bị bắt vì tham nhũng gần đây rất ít người đang tại chức. Phần lớn các hành động nhũng lạm đã diễn ra trước đây 10 năm, 20 năm. Ủy ban Thanh tra không áp dụng một quy tắc bất thành văn, là không đụng tới những quan chức đã về hưu. Trong mươi năm tới, chắc Tập Cận Bình sẽ không nhắm vào các tướng lãnh nữa".
Bài báo trên tờ Nhân Dân, Bắc Kinh, cũng nhấn mạnh đảng cộng sản Trung Quốc phải rút lấy những bài học từ "các đảng cộng sản lớn và các đảng tồn tại rất nhiều năm" nhưng đã thất bại. Ai cũng hiểu họ nhắc đến kinh nghiệm của Liên bang Xô Viết và các nước Đông Âu.
Nói chuyện với các cán bộ lãnh đạo trong Ủy ban Thanh tra ngày 8/1 gần đây, Tập Cận Bình nhấn mạnh chống tham nhũng là một "vấn đề chiến lược" của cộng sản Trung Quốc : "Chúng ta là Đảng cầm quyền theo chủ nghĩa Marx lớn nhất (hiện có 98 triệu đảng viên). Phải làm sao để Đảng ta thoát khỏi cảnh lúc lên lúc xuống và bảo đảm Đảng sẽ không bao giờ thay đổi bản chất, quyết tâm, và các đặc tính của mình".
Tập Cận Bình không nhìn thấy "quyết tâm bảo vệ bản chất độc tài" của đảng hoàn toàn mâu thuẫn với ý muốn bài trừ tham nhũng ! Ông không thấy một bài học, là : Chính chế độ độc quyền, độc đảng đã đẻ ra nạn tham nhũng và dựa trên tham nhũng để tồn tại. Trong đời sống xã hội cũng như trong quân đội. Không riêng gì trong các nước cộng sản mà các chế độ độc tài bất cứ ở đâu cũng tạo ra tham nhũng.
Ai cũng biết nạn tham nhũng tràn lan trong quân đội Xô Viết, di sản còn dây dưa tới bây giờ. Khi quân Nga tấn công Ukraine và bị thảm bại trong những ngày đầu tiên, người ta mới biết các tướng lãnh tham nhũng làm cho quân đội Nga yếu hơn, vũ khí, xe cộ không được bảo trì, lương thực không đủ. Vladimir Putin đã phải thay đổi các tướng chỉ huy nhiều lần. Bao giờ Trung Quốc còn chế độ cộng sản thì cả guồng máy quân sự còn đầy tham nhũng.
Có thể đặt ra hai câu hỏi : (1) Một quân đội với ung nhọt tham nhũng như vậy có sẵn sàng để đánh Đài Loan hay không ? (2) Đến bao giờ thì quân đội Trung Quốc có thể đọ sức ngang với quân đội Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ ?
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 02/02/2024
Trung Quốc : Cuộc thanh trừng trong quân đội để lộ yếu điểm và sẽ tiếp tục lan rộng ?
Một cuộc thanh trừng đang lan rộng nhằm vào các tướng lĩnh đã làm suy yếu Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA), để lộ nạn tham nhũng ăn sâu cắm rễ, vốn cần phải có thêm thời gian để giải quyết, đồng thời làm chậm tiến trình hiện đại hóa quân đội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, giữa bối cảnh căng thẳng địa chính trị trên thế giới, các nhà phân tích bình luận với Reuters.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc duyệt binh vào ngày 3/9/2015
Hôm thứ Sáu 29/12, chín quan chức cao cấp trong Bộ Quốc phòng bị Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tuyên bố bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội Trung Quốc, theo truyền thông nhà nước tường thuật.
Đây là một động thái được xem là tiền đề cho việc mở rộng lệnh trừng phạt nhằm vào những quan chức vi phạm.
Nhiều người trong số đó là quan chức từ Lực lượng Tên lửa - một bộ phận quan trọng trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, phụ trách giám sát các tên lửa hạt nhân và chiến thuật.
Các cuộc thanh trừng được xem gây bất lợi cho ông Tập Cận Bình, người đã quyết định bơm hàng tỷ USD trong việc mua và phát triển trang thiết bị, thuộc các nỗ lực hiện đại hóa nhằm thiết lập một lực lượng quân đội "đẳng cấp" trước năm 2050, trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng ngân sách dành cho quốc phòng với tốc độ nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế trong một số năm.
Việc một số tướng lĩnh bị bãi nhiệm tư cách đại biểu quốc hội và một số lãnh đạo doanh nghiệp quốc phòng bị loại khỏi Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc gần đây, tuy nhiên, đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực này của ông Tập, và đặt ra các câu hỏi về liệu đã có sự giám sát đúng cách liên quan các khoản đầu tư khổng lồ cho quân đội trong bối cảnh Trung Quốc đang đối đầu với Mỹ tại một số khu vực chính, bao gồm Đài Loan và Biển Đông.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bước vào một cuộc thanh trừng chống tham nhũng trên nhiều lĩnh vực, các quan chức chính phủ và của Đảng cộng sản Trung Quốc, với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa là một trong những mục tiêu chính.
Chín vị tướng từ PLA bị bãi nhiệm chức vụ trong Quốc hội Trung Quốc đã nắm quyền tại một số đơn vị quân đội : họ là các cựu tư lệnh hoặc phó tư lệnh của Lực lượng Tên lửa thuộc PLA, một người là cựu tư lệnh không quân, và một người là tư lệnh hải quân Chiến khu miền Nam, phụ trách Biển Đông. Bốn quan chức khác phụ trách về trang thiết bị quân sự.
"Đây là một dấu hiệu rõ ràng họ đang bị thanh trừng", Andrew Scobell, nhà nghiên cứu về Trung Quốc, từ Viện Hòa bình Hoa Kỳ (United States Institute for Peace) nói với Reuters.
Hai tháng sau khi tướng Lý Thượng Phúc bị sa thải khỏi chức Bộ trưởng Quốc phòng, Trung Quốc có người kế nhiệm ông Lý là Đô đốc Đổng Quân, cựu Tư lệnh Hải quân Quân Giải phóng
'Sẽ còn thêm người bị thanh trừng'
Bắc Kinh đã không đưa ra lời giải thích vì sao bãi nhiệm các tướng lĩnh này. Một số nhà phân tích cho rằng, các bằng chứng đều hướng đến nạn tham nhũng trong khâu mua trang thiết bị quân sự do Lực lượng Tên lửa tiến hành.
"Sẽ còn thêm người bị trừng phạt. Cuộc thanh trừng tập trung tại Lực lượng Tên lửa chưa kết thúc", Alfred Wu, Phó Giáo sư từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu từ Singapore cho biết.
Ngụy Phượng Hòa, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, người từng nắm chức vụ lãnh đạo Lực lượng Tên lửa, cũng đã biến mất. Khi được hỏi về ông ta đang ở đâu, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc hồi tháng 8 cho biết, quân đội nước này không có sự dung thứ nào cho nạn tham nhũng.
Người kế nhiệm ông Ngụy, tướng Lý Thượng Phúc, cũng đã đột ngột bị bãi nhiệm chức vụ bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc hồi tháng 10, mà không có lời giải thích nào, sau khi biến mất vài tháng trước đó.
Ông ấy cũng từng là người đứng đầu Bộ Phát triển Trang bị Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Một trong những cấp phó khi đó của ông Lý cũng đã bị bãi nhiệm tư cách đại biểu quốc hội hôm thứ Sáu 29/12.
Trung Quốc đã chính thức bãi nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc (phải), hai tháng sau khi ông không xuất hiện trước công chúng vào tháng 10
Cùng ngày 29/12, Đô đốc Đổng Quân, cựu Tư lệnh Hải quân Quân Giải phóng, người có kinh nghiệm đặc trách khu vực Biển Đông, đã được bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng, thay thế ông Lý đã bị cách chức.
Giới phân tích cho rằng trong khi nạn tham nhũng đã từ lâu được biết đến tồn tại trong quân đội Trung Quốc, quy mô của đợt truy quét mới nhất và sự dính dáng của Lực lượng Tên lửa thuộc PLA thật sự gây sốc.
"Cơ quan này thuộc PLA đã có một quy trình chọn lọc nghiêm ngặt nhất đối với các quan chức cấp cao, xét về tầm quan trọng phải có đội ngũ nhân sự được tin cẩn cao, phụ trách các vũ khí hạt nhân của Trung Quốc", Dennis Wilder, nhà nghiên cứu cấp cao từ Ý tưởng Đối thoại Mỹ-Trung về Các vấn đề toàn cầu (Initiative for U.S.-China Dialogue on Global Issues), trực thuộc Đại học Georgetown cho biết.
"Hơn nữa, dường như đã có liên quan đến một số nhân vật cấp cao thay vì chỉ một 'quả táo hỏng'".
Các nhà phân tích cũng cho rằng việc thanh trừng những lãnh đạo quân sự cấp cao này có thể khiến Lực lượng Tên lửa tạm thời suy yếu cho đến khi Tập Cận Bình có thể chấn chỉnh trật tự nội bộ.
"Lực lượng hạt nhân mang tính chiến lược là điều mà Trung Quốc đã dựa theo, như nền tảng trong nền an ninh quốc gia, và là cứu cánh cuối cùng liên quan đến vấn đề Đài Loan", bà Tôn Vân, Giám đốc Chương trình Trung Quốc, từ Trung tâm Stimson, thủ đô Washington D.C cho biết.
"Trung Quốc sẽ phải mất thời gian để dọn dẹp mớ hỗn độn và phục hồi niềm tin về sức mạnh và uy tín đối với Lực lượng Tên lửa. Điều này đồng nghĩa trong thời gian hiện tại, Trung Quốc đang rơi vào thế yếu hơn".
Bà Tôn mô tả chiến dịch của ông Tập nhằm trừ khử nạn tham những trong quân đội là một nhiệm vụ 'của nhà vua Sisyphus', "không bao giờ có thể hoàn tất".
Chiến đấu và chiến thắng ?
Nhìn về tương lai xa hơn, các nhà phân tích nói với Reuters rằng nạn tham nhũng mang tính kinh niên cứ mãi tồn tại trong quân đội Trung Quốc, là xuất phát những nguyên nhân sâu xa sau - bao gồm các sĩ quan hưởng lương thấp và tính không minh bạch trong ngân sách chi tiêu quân sự - và những vấn đề này đã không được giải quyết.
Trần Đạo Ấn, cựu phó giáo sư từ trường Khoa học Chính trị và Luật, Đại học Thượng Hải, nhận định cuộc truy quét hiện nay có thể khiến Chủ tịch Tập không muốn liều lĩnh có những xung đột nghiêm trọng với các quan chức khác trong giới quân đội trong khoảng từ năm đến mười năm tới đây.
"Trước khi nhận ra tình hình tham nhũng lan tràn như thế nào, ông ta [Chủ tịch Tập] đã mù quáng tuân theo hệ tư tưởng của mình, và nghĩ rằng quân đội có thể thật sự 'chiến đấu và chiến thắng' như mong đợi của mình", ông Trần, người hiện nay là nhà phê bình chính trị từ Chile đánh giá.
"Nhưng làm sao mà các tướng lĩnh có thể đặt tâm huyết vào việc chiến đấu, nếu họ bận rộn bỏ túi riêng ? Ông Tập hiện biết rằng lời tuyên thệ về lòng trung thành với đảng và với quân đội là trống rỗng. Tôi hình dung, chuyện này sẽ tước đoạt niềm tin của ông ấy, theo một cách nào đó", ông bình luận với Reuters.
Nguồn : BBC, 31/12/2023
Sự vắng mặt của nhiều sĩ quan trong tiệc mừng Quốc Khánh thể hiện quyết tâm của Tập Cận Bình trong việc củng cố lòng trung thành của quân đội.
Bên trong cuộc thanh trừng quân đội của Tập Cận Bình - Ảnh minh họa
Một cuộc đại thanh trừng quân đội đang được tiến hành ở Trung Quốc.
Sự vắng mặt của các nhân vật chủ chốt của quân đội trong bữa tiệc chiêu đãi kỷ niệm ngày thành lập nước Trung Hoa thời hiện đại vào tuần trước đã làm rõ thực tế đó và khiến chính giới Bắc Kinh phải suy nghĩ về ý định của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Một trong những cái tên đáng chú ý nhất là Lý Thượng Phúc, 65 tuổi, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, người đã không được nhìn thấy suốt nhiều tuần qua. Việc ông bị thất sủng đã được công khai cho công chúng Trung Quốc vào đêm 28/09 khi họ xem truyền hình trực tiếp từ phòng tiệc của Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.
Buổi tiệc này là nhằm kỷ niệm 74 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nó cũng là thời điểm bắt đầu kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh và Tết Trung Thu, khi các gia đình quây quần bên nhau để ăn mừng dưới ánh trăng rằm.
Nhưng bầu không khí bao trùm các tầng lớp chính trị ở Bắc Kinh không hề bình yên chút nào.
Lý Thượng Phúc là một sĩ quan quân đội nổi tiếng, người giám sát việc khởi động dự án thám hiểm Mặt Trăng Hằng Nga (Chang’e) của Trung Quốc.
Một chiếc máy bay phản lực bay ngang qua Mặt Trăng ngày trung thu khi nhìn từ Osaka, Nhật Bản, vào ngày 29/09. (Ảnh của Yo Inoue)
Sự vắng mặt của vị tướng, người mà tên tuổi có liên hệ mật thiết với Mặt Trăng nhờ một trong những nhiệm vụ lớn nhất của ông, vào đêm trước Tết Trung Thu cho thấy nền chính trị Trung Quốc đã trở nên khắc nghiệt như thế nào.
Lý cũng là một trong bảy thành viên của Quân ủy Trung ương do Tập làm chủ tịch.
"Vấn đề là Lý Thượng Phúc là nhân vật được một đồng minh của Tập tiến cử và người đó thuộc thế hệ đỏ thứ hai vốn được Tập đặc biệt giữ lại để nắm quyền kiểm soát quân đội," một nguồn tin cho biết. "Đồng minh" mà nguồn tin nhắc đến là Trương Hựu Hiệp, 73 tuổi, một trong hai Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Từ trái sang phải : Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nâng ly chúc mừng sau bài phát biểu kỷ niệm 74 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Lý Thượng Phúc tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng. (Nikkei ghép ảnh/Nguồn ảnh từ AP)
"Thế hệ đỏ thứ hai" là từ dùng để chỉ con cái của các lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc thời kỳ cách mạng.
Lý thực sự đã quá già để được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng, nhưng Tập đã đồng ý vì tôn trọng Trương. Và vào tháng 3, Lý được bổ nhiệm làm Ủy viên Quốc vụ và Bộ trưởng Quốc phòng.
Trước khi đảm nhận vai trò tại Bộ Quốc phòng, Lý từng là Cục trưởng Cục Phát triển Thiết bị của Quân ủy Trung ương, cơ quan chịu trách nhiệm mua sắm vũ khí và do đó có quyền lực lớn.
Một điểm quan trọng cần lưu ý là Lý đã tiếp quản vị trí này từ Trương.
Một điểm quan trọng khác là Lý phụ trách mua máy bay chiến đấu và hệ thống tên lửa hiệu suất cao từ Nga. Vì điều này, ông đã bị Mỹ trừng phạt vì cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga. Kết quả là cuộc gặp giữa các bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trung Quốc đã không được tổ chức trong một thời gian.
Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trương Hựu Hiệp là người thân cận với Chủ tịch Tập. © AP
Trong chính giới Trung Quốc, có tin đồn rằng Tập đang gửi đi một thông điệp bằng cách trừng phạt nghiêm khắc Lý : Trương, người được coi là đồng minh của Tập và thuộc thế hệ đỏ thứ hai, chí ít phải chịu một phần trách nhiệm.
Hiện tại Trương dường như đã an toàn ; sự hiện diện của ông tại bữa tiệc đã xác nhận điều đó.
Tập đã quyết định giữ lại Trương, người năm nay ngoài 70 tuổi, làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương thêm một nhiệm kỳ vào tháng 10 năm ngoái vì Trương có ảnh hưởng đối với quân đội.
Các tướng lĩnh đương nhiệm chủ yếu được bổ nhiệm từ thời Tập, nhưng Tập vẫn cần Trương – một "siêu cựu chiến binh" và là anh hùng trong chiến tranh Trung-Việt năm 1979 – để duy trì sự ổn định.
Cuộc thanh trừng lớn đang diễn ra phản ánh một sự thay đổi lớn về động lực. Không phải ngẫu nhiên mà bộ phận mua sắm trang thiết bị quân sự lại là mục tiêu đầu tiên.
Cuối tháng 7, Bộ đã gửi một tín hiệu quan trọng, thông báo sẽ điều tra các vấn đề liên quan đến mua sắm từ tháng 10/2017.
Các vấn đề đang bị điều tra cho thấy có dấu hiệu tham nhũng, và quãng thời gian bị điều tra trùng khớp với nhiệm kỳ Cục trưởng Cục Phát triển Thiết bị của Lý.
Nhưng điều tra không quay ngược lại thời của người tiền nhiệm của Lý là Trương ; nó chỉ nhắm vào một mình Lý.
Vẫn chưa rõ lý do tại sao Tập chỉ để một mình Lý làm "con dê tế thần," nhưng đây là một bí ẩn sẽ được chuyên mục này giải đáp trong tương lai.
Tuần này, trọng tâm của chuyên mục sẽ tập trung nhiều hơn vào cơ cấu quyền lực phức tạp của Tập Cận Bình.
Người ta có thể nghĩ rằng vị tướng lão thành Trì Hạo Điền, 94 tuổi, cũng sẽ vắng mặt trong bữa tiệc vào ngày 28/09, nếu xét đến vai trò của ông trong mật nghị Bắc Đới Hà mùa hè năm nay.
Vị tướng lão thành Trì Hạo Điền, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, vào ngày 26/03/1998.
Trì là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cao tuổi nhất còn sống. Tại mật nghị Bắc Đới Hà – sự kiện thường niên tại một khu nghỉ mát ven biển ở tỉnh Hà Bắc dành cho các đảng viên quyền lực, cả đương nhiệm và đã nghỉ hưu – cựu Phó Chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng, 84 tuổi, đã đưa ra một số lời khuyên gay gắt cho các lãnh đạo đảng đương nhiệm trong khi Trì ngồi cạnh ông.
Thế nhưng, Trì vẫn nhận được lời mời dự tiệc mừng như những năm trước ; địa vị của ông trong quân đội dường như vẫn không lay chuyển.
Mặt khác, Tăng Khánh Hồng và Trương Đức Giang, 76 tuổi, cựu Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc), đều vắng mặt trong bữa tiệc. Trương là đảng viên lão thành thứ ba tại mật nghị Bắc Đới Hà.
Tuy nhiên, sự vắng mặt của hai người là điều bình thường trong thời kỳ Tập Cận Bình.
Ngoại trừ những bữa tiệc cực kỳ quan trọng, chẳng hạn như tiệc mừng nhân kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, các cựu thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng, thường không được mời dự tiệc trong những năm gần đây.
Điều tương tự cũng đúng với các trợ lý thân cận của Tập. Lật Chiến Thư, 73 tuổi, cũng là cựu Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và nhiều người khác cũng không có mặt trong bữa tiệc.
Tuy nhiên, Trì Hạo Điền lại được mời. Dù đã 94 tuổi nhưng vị tướng vẫn còn rất sung sức và có thể đi lại mà không cần người trợ giúp.
Ông được mời bởi vì quân đội là nguồn gốc của quyền lực chính trị to lớn của Tập. Nếu không có quân đội, Tập sẽ không có được vị trí như hiện nay.
Một phần nhờ vào quân đội, Tập đã có thể giành được nhiệm kỳ Tổng bí thư thứ ba chưa từng có tiền lệ vào tháng 10 năm ngoái.
Ngụy Phượng Hòa, một cựu Bộ trưởng Quốc phòng khác, cũng vắng mặt trong bữa tiệc mừng Quốc Khánh. © Reuters
Một thông lệ khác của bữa tiệc là mời các cựu Bộ trưởng Quốc phòng, nhưng năm nay có một sự vắng mặt bất thường. Ngoài bộ trưởng đương nhiệm Lý Thượng Phúc, cựu bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa cũng không có mặt.
Ngụy, 69 tuổi, là người tiền nhiệm của Lý, đồng thời giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng và Ủy viên Quốc vụ. Ông cũng là cựu Tư lệnh Quân đoàn Pháo binh số 2, tiền thân của Quân chủng Tên lửa, lực lượng giám sát kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của Trung Quốc.
Gần đây, đã có nhiều bí ẩn xoay quanh Quân chủng Tên lửa. Cuối tháng 7, hai quan chức hàng đầu của đơn vị này bất ngờ bị cách chức. Có thông tin cho rằng nhiều sĩ quan cấp cao của Quân chủng Tên lửa đã bị giam giữ.
Tuy nhiên, Ngụy Phượng Hòa (hiện đã nghỉ hưu) thậm chí còn không phải là thành viên Quân ủy Trung ương. Điều này khiến các nhà quan sát phải tự hỏi sự vắng mặt của ông có ý nghĩa gì.
Nhưng câu hỏi lớn hơn là : Tập Cận Bình hy vọng đạt được gì từ cuộc đại thanh trừng của mình ?
Một chuyên gia quen thuộc với cơ cấu quyền lực của chính quyền Trung Quốc cho biết Tập đang tìm cách củng cố quyền lực của mình thông qua các quân nhân trung thành. Chuyên gia cũng nói thêm rằng một nhóm gồm các phe phái lớn trong quân đội mà Tập có thể kiểm soát đang lớn dần. Chuyên gia kết luận : "Bằng cách cố tình chia rẽ từ bên trong và khiến các phe phái cạnh tranh với nhau để thể hiện lòng trung thành với ông ấy, Tập đang cố gắng hình thành một nhóm mạnh hơn, với cam kết trung thành tuyệt đối".
Về vấn đề này, Tập chỉ đơn giản là áp dụng một chiến lược cổ xưa đã được các hoàng đế Trung Quốc sử dụng.
Nhiều thế kỷ trước, thừa tướng là quan chức cấp cao nhất làm cố vấn cho các hoàng đế. Và hoàng đế thường bổ nhiệm hai người – Tả thừa tướng và Hữu thừa tướng – để họ cạnh tranh với nhau.
Trong một diễn biến lớn tại bữa tiệc tuần trước, Tập đã đích thân đọc bài phát biểu chúc mừng. Tại buổi chiêu đãi năm ngoái, Thủ tướng Lý Khắc Cường, 68 tuổi, là người phát biểu.
Trước sự kiện này, các báo cáo về việc người sáng lập tập đoàn bất động sản China Evergrande Group bị bắt giữ đã gây ra làn sóng chấn động trong giới kinh doanh Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bài phát biểu của mình, Tập không đưa ra bất kỳ thông báo mới nào về kinh tế.
Du khách tại Bảo tàng Đảng cộng sản Trung Quốc, nơi trưng bày ảnh của Tập Cận Bình, ở Bắc Kinh, vào ngày 4/9/2022. NOEL CELIS / AFP
Thay vào đó, những chi tiết bất thường của sự kiện đã giúp dư luận Trung Quốc và phần còn lại của thế giới xác nhận tình hình bất thường xung quanh quân đội.
Danh sách tham dự từ phía Bộ Ngoại giao cũng bất thường. Tần Cương, người bị cách chức Ngoại trưởng hồi cuối tháng 7, cũng nằm trong số những người vắng mặt. Trên thực tế, Tần vẫn chưa chính thức bị loại khỏi chức vụ còn lại của mình, Ủy viên Quốc vụ. Hiện chưa rõ nguyên nhân khiến ông không thể xuất hiện trong bữa tiệc.
Nhiều phụ tá của Tập vẫn chưa nhận được lời giải thích chính thức nào về những lần vắng mặt, sa thải, và sự im lặng xoay quanh những vấn đề lớn gần đây. Tại bữa tiệc, họ phải cố gắng đoán biết ý định của nhà lãnh đạo cao nhất bằng cách ghi lại danh sách người tham dự, cố gắng đọc nét mặt của họ, và xác định những người vắng mặt.
Kỳ nghĩ lễ quốc gia bắt đầu vào ngày hôm sau. Nhưng tin đồn đã xôn xao khắp chính giới Bắc Kinh từ đêm hôm trước.
Katsuji Nakazawa
Nguyên tác : "Inside Xi Jinping’s great military purge," Nikkei Asia, 05/10/2023
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 09/10/2023
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.