Sau nhiều năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu vượt bậc về kinh tế - xã hội, với hàng chục triệu người đã tiến lên một "nấc thang kinh tế mới" - đó là nhóm trung lưu, khá giả. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tốc độ gia tăng của tầng lớp trung lưu ở Việt Namthuộc hàng nhanh nhất thế giới.
Reuters
Cùng với sự gia tăng đó, việc phát triển Đảng trong nhóm người khá giả, trung lưu là vấn đề thực tiễn.
Đó là phần mở đầu của bài báo trên mạng Zing, về sự gia tăng tầng lớp trung lưu ở Việt Nam và câu chuyện phát triển đảng trong nhóm người này.
Có thể để ý đến ý kiến của chuyên gia kinh tế Judy Yang, Ngân Hàng Thế Giới - World Bank (WB) ở Việt Nam, được Zing dẫn lại, cho rằng Việt Nam đã đạt được tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, giúp đưa nhiều hộ gia đình thoát nghèo, tiến lên một nấc thang kinh tế mới gọi là ‘tầng lớp trung lưu’. Bà Judy Yang cũng nhận định tốc độ tăng trưởng của nhóm này có thể cao hơn vì tiềm năng kinh tế của Việt Nam còn rất lớn.
Về mặt số liệu, theo dẫn giải của WB, trung bình chi tiêu của mỗi người trong một hộ trung lưu tối thiểu15 USD/ngày/người, tức khoảng 345.000 VND. Như vậy, với số lượng khoảng 20 triệu người như hiện nay, nhóm trung lưu sẽ đóng vai trò tiêu dùng rất quan trọng, thậm chí là dẫn dắt tiêu dùng trong nước, kích thích kinh tế phát triển.
Chuyên gia trong nước như Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho rằng từ bài học của các nước trong khu vực như Nhật Bản hay Hàn Quốc, có thể thấy tận dụng được sự gia tăng của nhóm trung lưu và khá giả trong xã hội sẽ là động lực giúp kinh tế Việt Nam phát triển.
Ông đồng ý là quá trình phát triển kinh tế vươn lên quốc gia có thunhập trung bình cao với các ngành sản xuất và dịch vụ hiện đại sẽ thúc đẩy tầng lớp trung lưu liên tục tăng, thậm chí có thể trở thành biểu tượng của sự phát triển nhờ vào sự tận hiến trong lao động và sự hiện đại trong lối sống, văn hóa.
Có ý kiến về vấn đề này, Tiến sĩ Ngô Trí Long nói :
"Bình thường thôi, còn đặt vấn đề thì phải thấy rõ có sự kỳ thị, phân biệt, cản trở không thì mới nói. Mà phần lớn trong đội ngũ lãnh đạo của Việt Nam cũng trí thức nhiều, cũng tầng lớp trung lưu nhiều chứ không phải không có đâu
Quan điểm trước về giai cấp công nông lãnh đạo là quan điểm cũ rồi, cũng như trước kia nhận định của Đảng cộng sản Việt Nam là rất kỳ thị kinh tế tư bản và tư nhân. Sau đó qua mấy chục năm thì người ta thay đổi, người ta coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, không phân biệt thành phần kinh tế nữa. Trong một xã hội mà thành phần kinh tế trung lưu ngày càng phát triển thì đất nước ngày càng giàu mạnh".
Cho nên cách tư duy, cách nghĩ của bài báo, vẫn lời Tiến sĩ Ngô Trí Long, không chỉ chung chung mà còn làm người đọc suy nghĩ rối rắm. Điều cần hiểu ở đây, Tiến sĩ Ngô Trí Long nhấn mạnh :
"Bảo là bây giờ phải tận dụng, tạo điều kiện cho tầng lớp trung lưu trong việc xây dựng đất nước, chứ bây giờ đâu có phải giai cấp lãnh đạo là những người nghèo những người nông dân. Không có những đại gia, những tầng lớp trung lưu tham gia thì bây giờ làm gì bộ mặt đất nước thay đổi như vậy.
Nói chung là trong sự giàu có không nên có sự phân biệt. Giả sử người giàu chiếm tỷ lệ ít và người nghèo chiếm tỷ lệ đông là một đất nước không văn minh, thì làm sao ? Phải tạo một đất nước phát triển công bằng để xã hội cùng tiến lên. Đấy là sự phát triển của xã hội, của đất nước chứ có còn làm kiểu cổ lỗ sĩ như thời trước đâu".
Tiến sĩ Trần Quang Thắng, viện trưởng Viện Chiến Lược Kinh Tế Thành phố Hồ Chí Minh, giải thích theo chỗ ông hiểu thì thành phần trung lưu khá giả, đặc biệt ở Thành phố Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế cả nước, là tầng lớp những người dân giàu có và những doanh nghiệp trẻ của thời đại công nghệ 4.0 này :
"Nói chung họ là những người trẻ năng động và nhanh nhạy, trong hội nhập quốc tế thì họ nắm bắt cơ hội rất nhanh, sự chọn lọc đối tác cũng rất là đa phương. Đây là lực lượng trẻ đóng góp rất tốt vào phát triển dài hạn".
Trong dịch Covid thì các doanh nghiệp trẻ đã bị tổn thương rất nặng, tăng trưởng GDP đến nay là âm, nhưng không thể không ghi nhận sự đóng góp tích cực của Hội Doanh Nghiệp Trẻ cũng như các cộng đồng doanh nhân trong thành phố. Tiến sĩ Trần Quang Thắng :
"Sự đóng góp các ATM về ô-xy, về gạo, vận chuyển các loại thực phẩm, thậm chí mua giúp cho bà con là có thật hết. Mặc dù sự cách ly đôi khi chưa có hợp lý, gây ra sự lây nhiễm chéo nhưng mà tinh thần đóng góp vẫn tiếp tục.
Nếu không bị Covid thì tăng trưởng trên 6%, thậm chí 7-8%, không phải chuyện khó thực hiện.Phải cần nỗ lực rất lớn để cơ chế, chính sách giãnthuế, giảmthuế, khuyến khích luôn việc giảmthuế VAT, phải tạo sự giao thương, lưu thông hàng hóa để giúp dân có thêm động lực phụ hồi".
Được hỏi về vấn đề phát triển đảng trong nhóm cư dân khá giả, trung lưu mà bài báo nêu ra, ông Đặng Hồng Anh, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, cũng là chủ tịch Hội Doanh Nhân Trẻ Việt Nam, nói rằng ‘rất nhiều doanh nhân trẻ mong muốn được rèn luyện, phấn đấu vào Đảng đề cống hiến nhiều hơn cho xã hội’. Tiến sĩ Trần Quang Thắng chia sẻ :
"Có người vào Đảng để có điều kiện được thăng quan tiến chức, có người muốn vào Đảng vì thực sự muốn cống hiến. Chẳng hạn ứng cử vào Quốc Hội hay Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố.
Kỳ này, (Đại Hội XIII), các doanh nghiệp ra ứng cử thì hầu như không có doanh nhân nào đậu hết. Có một số doanh nhân, đã là đảng viên rồi, cũng ra ứng cử mà không đậu.
Do đó thì theo anh Đặng Hồng Anh này chắc là tạo tiền đề để sau này các doanh nhân có ý chí, có chương trình vào Đảng hầu có thể có tiếng nói lớn hơn, tốt hơn. Quan trọng nhất là Đảng phải huy động được thành phần trẻ có kiến thức khoa học và kỹthuật để làm giàu cho đất nước".
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, Giáo sư Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nhà tư vấn có kỳ hạng của WB, nhận xét về phát biểu của doanh nhân Đặng Hồng Anh :
"Tôi hiểu được ý của ông ấy nhưng mà nó không khéo lắm, nó có thể dẫn tới việc người ta hiểu là Đảng chưa quan tâm đến những doanh nhân trẻ, những người làm kinh tế, mà rất muốn đứng trong hàng ngũ của Đảng như là những yếu tố nòng cốt cho phát triển kinh tế.
Theo tôi, với ý đó mà diễn tả khéo hơn, tức hiện có những doanh nhân trẻ nhìn thấy hướng gia nhập Đảng cộng sản thì có điều kiện tốt hơn để phát triển kinh tế, thí dụ như thế chẳng hạn… Nói chung điều này cũng khá tế nhị, tức người ta có thể hiểu ý của anh Đặng Hồng Anh này là đến bao giờ doanh nghiệp mới được quan tâm cho sự phát triển Đảng của Việt Nam.
Anh Đặng Hồng Anh đã phát biểu được cái yếu tố nếu là đảng viên thì sự đóng góp sẽ tốt hơn. Nhưng nếu như vậy thì nó phản ảnh một ý khá hớ hênh, như là trước đây doanh nhân và doanh nghiệp chưa đủ điều kiện để được quan tâm".
Dẫu sao thì bài báo cũng đã vạch ra rằng tầng lớp trung lưu sẽ là tầng lớp dẫn đường, bẻ lái cho phát triển, Tiến sĩ Đặng Hùng Võ lý giải tiếp. Một mặt nào đó, ông nói, thể hiện trên thực tế là như vậy ; còn một mặt nào đó thì vẫn còn trong cái mà các nước gọi là ‘bẫy thunhập trung bình’. Đấy là cả vấn đề trong dự báo phát triển mà Việt Nam phải tính tới, Tiến sĩ Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Bẫythunhập trung bình cũng là cảnh báo của chuyên gia Judy Yang, Ngân Hàng Thế Giới tại Việt Nam.
Để cho tầng lớp khá giả gồm doanh nghiệp và doanh nhân trẻ lèo lái guồng máy phát triển là cơ hội cho khu vực kinh tế trong nước có thể cung cấp các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của nhóm tiêu dùng quan trọng này, đưa kinh tế Việt Nam lên cao hơn về mặt chất lượng lẫn tăng trưởng.
Tuy nhiên, bà Judy Yang cảnh báo, sự phát triển nhanh chóng của nhóm trung lưu đòi hỏi một lực lượng lao động có kỹ năng cao hơn và thị trường lao động cạnh tranh, cung cấp việc làm chất lượng tốt hơn thì mới có thể thoát bẫythunhập trung bình.
Các công việc có kỹ năng cao ở Việt Nam phát triển còn chậm, nhiều công việc chủ yếu nằm trong lĩnh vực sản xuất có kỹ năng trung bình là những vấn đề Việt Nam phải chú ý cải thiện, chuyên gia kinh tế của World Bank ở Việt Nam khẳng định như vậy.