Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam chính thức thông qua CPTPP - phải chính thức công nhận công đoàn độc lập !

12 tháng Mười Một năm 2018 cần được ghi vào lịch sử nhân quyền Việt Nam như một trang sử mới : cùng với CPTPP, Công đoàn độc lập đã đương nhiên và mặc định phải được chính thể độc đảng ở Việt Nam công nhận.

cptpp1

Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương - Ảnh minh họa



Chỉ 5 ngày sau khi được ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng với tờ trình ‘chỉ đạo’ về tính cấp thiết phải phê chuẩn CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), 100% đại biểu quốc hội đã đồng loạt ‘gật’ cho hiệp định này vào chiều 12/11/2018, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 7 trong khối CPTPP thông qua hiệp định CPTPP, sau 6 nước đã thông qua là New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico và Singapore, Australia.

Hoàn toàn không giống với các dự thảo luật do Việt Nam soạn thảo và thông qua, CPTPP và một văn kiện mà sau khi đã kết thúc đàm phán vào năm 2017 và ký kết, Quốc hội Việt Nam chỉ hoặc lắc đầu hoặc gật đầu mà không có quyền chỉnh sửa bất kỳ nội dung nào trong hiệp định này. Theo đó, những điều khoản về công đoàn độc lập trong CPTPP cũng đương nhiên giữ vai trò bất di bất dịch mà Việt Nam không có quyền xóa bỏ hay tìm cách hạn chế bớt ảnh hưởng của định chế bảo vệ quyền lợi người lao động đó.

12 tháng Mười Một năm 2018 cần được ghi vào lịch sử nhân quyền Việt Nam như một trang sử mới : cùng với CPTPP, Công đoàn độc lập đã đương nhiên và mặc định phải được chính thể độc đảng ở Việt Nam công nhận.

Theo những quy định của CPTPP, chính quyền Việt Nam sẽ phải cho phép người lao động được tự do thành lập các tổ chức nghiệp đoàn tự do để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, tức về thực chất sẽ có một hình thái tổ chức nghiệp đoàn độc lập, hay còn gọi là công đoàn độc lập, tồn tại song song với hệ thống Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam từ trung ương xuống các địa phương. Không những thế, công nhân còn được thành lập nghiệp đoàn tự do không chỉ giới hạn ở từng khu vực mà còn trên cả nước, và các nghiệp đoàn độc lập này được kết nối với nhau…

Vào lúc này đây, những nhà hoạt động nhân quyền tiền thân của Công đoàn độc lập, những con người đầu tiên dấn thân đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp công nhân Việt Nam - Đoàn Huy Chương, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Trương Minh Đức, Hoàng Bình… đang có thể mỉm cười rạng rỡ.

Công sức và quá nhiều năm tháng tù đày của họ đã không hề uổng phí. Mục tiêu của cuộc đời họ đã được cộng đồng quốc tế công nhân và khẳng định, bất chấp chính quyền độc trị ở Việt Nam luôn quay quắt trong phản ứng sắc máu và đê tiện.

Trong rất nhiều năm trời, chính quyền Việt Nam đã chỉ trích Công đoàn Đoàn kết của Ba Lan vào những năm 80 của thế kỷ trước, gán ghép Công đoàn độc lập ở Việt Nam với Công đoàn Đoàn kết và coi đó là "một thủ đoạn nguy hiểm của Diễn biến hòa bình", đồng thời cấm tiệt tất cả các cuộc đình công chính đáng và phù hợp hiến pháp của công nhân Việt Nam.

Trong khi đó, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam - tổ chức được xem là ‘cánh tay nối dài của đảng’ - đã chỉ hiện hình như một cơ chế trung gian ‘ăn’ 3% (gồm 2% thu nhập của doanh nghiệp và 1% thu nhập của người lao động) và quá vô tích sự, nếu không nói là đã ‘phản động’ đến mức đi ngược lại quyền lợi của hàng chục triệu công nhân.

Ngay giờ đây, ở Việt Nam đã có mặt hai tổ chức về Công đoàn độc lập : Phong trào Lao động Việt và Liên đoàn Lao động Việt tự do. Theo quy định của CPTPP, Việt Nam sẽ phải chấp nhận cho phép tổ chức cộng đoàn độc lập của người lao động liên kết với nhau theo ngành hoặc theo vùng, trong một khu vực hay cả nước để thành lập tổ chức của ngành hoặc vùng.

Nhưng trong thời gian chờ đợi CPTPP được các nước còn lại ký để bắt đầu triển khai vào tháng Giêng năm 2019, cùng thời gian từ 3-5 năm để luật hóa các quy định của CPTPP về các quy chế lao động theo 3 công ước quốc tế về lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), chưa có gì đáng gọi là ‘thành tâm’ từ một não trạng đã quá quen độc trị về quyền lực và lợi ích khi phải tạm nhân nhượng cộng đồng quốc tế về nhân quyền để đổi chác lợi ích thương mại.

Hầu như không hoài nghi rằng chiến thuật ưa thích nhất của chính quyền Việt Nam trong ít ra vài năm tới vẫn là vừa kiềm chế những người bảo vệ quyền lợi công nhân, vừa bưng bít thông tin đến mức tối đa về công đoàn độc lập, vừa kéo dài lâu đến mức có thể việc luật hóa CPTPP về công đoàn độc lập, vừa tung ra chiến dịch ‘công đoàn độc lập cuội’.

Một cách đương nhiên, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đang và sẽ được đảng lựa chọn để tổ chức chiến dịch ‘công đoàn độc lập cuội’. Đó cũng là lý do để tổ chức công đoàn nhà nước này tìm cách tồn tại để vẫn được uống bầu sữa ngân sách và duy trì quyền lực ‘tổ chức chính trị xã hội’ của mình’, trong thời buổi chế độ độc trị phải ‘dân chủ hóa’.

Một trong những kịch bản được đảng tâm đắc là ‘Quốc doanh hóa Công đoàn độc lập’ : tập dượt càng sớm càng tốt cho các công đoàn quốc doanh "chủ động tổ chức đình công" cho công nhân và hy vọng qua đó sẽ thu hút được số đông công nhân, thay vì để cho công nhân rơi vào tầm ảnh hưởng của những tổ chức công đoàn độc lập hoàn toàn không chịu sự lãnh đạo của đảng và nhà nước.

Nói trắng ra là "đình công cuội", như lịch sử đương đại của đảng đã một số lần tổ chức "biểu tình cuội".

Chẳng những thế, đảng còn đang đặc biệt chú ý làm sao để gầy dựng hình ảnh "thủ lĩnh" cho đình công, và có thể sắp tới là "thủ lĩnh biểu tình". Đồng thời tăng cường hàng loạt động tác ‘chăm lo quyền lợi người lao động’ để vớt vát điều được coi là ‘uy tín’ của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam vốn đã trôi dạt băng hoại qua nhiều năm tháng, cố gắng giữ chân số công nhân đoàn viên càng nhiều và càng lâu càng tốt…

Nhưng khác hẳn với dĩ vãng, giờ đây trình độ và nhận thực của giai tầng công nhân Việt Nam đã vượt cao hẳn so với nhiều năm trước, công nhân không còn dễ bị Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam và giới tuyên giáo đảng mị dân phỉnh dụ. Đó chính là những cơ sở then chốt để có thể đặt niềm tin vào giai cấp công nhân Việt Nam - những con người đã được nâng cao hơn hẳn mặt bằng dân trí và nhận thức chính trị lẫn nhân quyền, những người sẽ biết cách tự tạo ra cho mình mô hình nghiệp đoàn độc lập để đấu tranh với giới chủ và với cả những chính sách bất công của chính quyền.

Vai trò và số phận phải tiêu vong của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam cũng bởi thế hầu như là một tương lai không còn hoài nghi, cho dù trong thời gian tới tổ chức này có tính kế ‘ve sầu thoát xác’ nhằm vớt vát một chút niềm tin của công nhân để kéo dài chút này hay chút ấy tuổi thọ tàn tạ của nó.

Phạm Chí Dũng

Nguồn : VNTB, 12/11/2018

Published in Diễn đàn

Thủ tướng Pháp thăm Việt Nam với trọng tâm củng cố quan hệ kinh tế (RFI, 02/11/2018)

Hôm 02/11/2018, thủ tướng Pháp Édouard Philippe bắt đầu chuyến công du Việt Nam ba ngày với trọng tâm tăng cường quan hệ kinh tế vốn còn yếu trong khi quan hệ văn hóa giữa hai nước khá phát triển.

thuongmai1

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (giữa, phải) và thủ tướng Pháp Édouard Philippe (giữa, trái) tại Hà Nội ngày 02/11/2018. MINH HOANG / POOL / AFP

Tại Việt Nam, thủ tướng Pháp sẽ tham dự các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Nhưng điểm nhấn của chuyến công du này là sự kiện ông Édouard Philippe sẽ tới thăm di tích chiến trường Điện Biên Phủ, nơi ghi dấu thất bại của Pháp ở Đông Dương năm 1954.

Theo phủ thủ tướng Pháp, điện Matignon, đây là một động thái "quan trọng", ông Philippe là lãnh đạo Pháp thứ 2 sau tổng thống François Mitterrand tới thăm lại di tích này.

Bên cạnh các hoạt động ngoại giao, các cuộc tiếp kiến, hội đàm với lãnh đạo Việt Nam, phần trọng tâm của chuyến thăm là các hợp đồng kinh tế. Nghiệp đoàn giới chủ Pháp Medef cho biết "sẽ có nhiều hợp đồng lớn được ký" trong dịp này.

Tháp tùng thủ tướng Édouard Philippe, bên cạnh lãnh đạo các bộ ngành (y tế, tài chính hay công nghệ số), còn có một đoàn gồm năm chục doanh nghiệp trong các lĩnh vực như hàng không, giao thông vận tải, hậu cần, năng lượng, môi trường xây dựng, y tế, nông nghiệp, đào tạo, du lịch và ngân hàng, tài chính.

Việt Nam hiện đang có nền kinh tế tăng trưởng khá ổn định với gần 7% với một thị trường mở rộng quan hệ với nhiều nước. Trong khi đó Pháp mới chỉ chiếm 1% thị phần buôn bán của Việt Nam. Sự hiện diện của đầu tư Pháp tại Việt Nam vẫn chiếm vị trí khiêm tốn, thứ 16 trên hơn 100 nước.

Điện Matignon cho biết, mục tiêu của chuyến thăm này sẽ được cụ thể hóa bằng các hợp đồng kinh tế giữa hai nước trong các lĩnh vực hàng không, tiêu dùng hay chế biến nông phẩm.

Bối cảnh địa chính trị cũng đang thuận lợi cho việc tăng cường quan hệ Pháp-Việt. Như việc Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việt Nam đang cần tìm những đối tác mới, trong khi thỏa thuận tự do mậu dịch với Liên Hiệp Châu Âu đang có những tiến triển tốt.

Bên cạnh đó là tình hình Biển Đông căng thẳng do thái độ lấn lướt đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh. Paris ngỏ ý "sẵn sàng giúp Việc Nam trang bị để giám sát, giữ gìn biên giới", theo AFP.

Sau khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam, ngày 4/11, thủ tướng Édouard Philippe sẽ tới Nouvelle-Calédonie, đúng vào ngày phần lãnh thổ hải ngoại của Pháp tại nam Thái Bình Dương này tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc tách ra hay ở lại với nước Pháp.

Anh Vũ

***********************

Quốc hội Việt Nam xét việc phê chuẩn CPTPP (BBC, 02/11/2018)

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói việc Quốc hội sớm phê chuẩn CPTTP sẽ giúp nâng cao vị thế chính trị của Việt Nam trong khu vực và quốc tế, theo báo trong nước.

thuongmai2

Sáng 2/11, Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, theo chinhphu.vn.

Ông Trọng đã đọc Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn (CPTPP) được Chính phủ Việt Nam gửi Chủ tịch nước ngày 8/9/2018.

Hiệp định CPTPP đã được Bộ trưởng Công thương Việt Nam ký ngày 8/3/2018 tại Santiago (Chile) cùng những người đồng cấp từ 10 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore.

Hiệp định này bao gồm một thị trường gần 500 triệu người, dù Hoa Kỳ rút lui, chiếm hơn 13% kinh tế toàn cầu. Đây là thỏa thuận mậu dịch lớn nhất trên thế giới hiện nay.

CPTPP thay thế Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ rút lui năm 2017.

Việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định là bước pháp lý tiếp theo để Hiệp định có hiệu lực sau khi các nước ký kết.

Ông Nguyễn Phú Trọng nói việc Quốc hội Việt Nam sớm phê chuẩn để Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP sẽ giúp thể hiện cam kết đổi mới, hội nhập quốc tế và khẳng định vai trò địa chính trị của Việt Nam, theo Zing.vn.

Báo Việt Nam cũng dẫn lời ông Trọng nói việc tham gia CPTTổng thống giúp Việt Nam nâng cao nội lực để ứng phó, củng cố vị thế, tăng cường quố phòng, an ninh và làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các nước thành viên CPTTT, trong bối cảnh "tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường".

Tăng trưởng và thách thức sau khi tham gia CPTPP

Có nhiều thách thức đặt ra sau khi Việt Nam tham gia CPTPP nhưng nhìn chung Việt Nam sẽ có lợi, theo lời Phó thủ tướng Phạm Bình Minh trên VnExpress.

Theo đó, ông Minh nói các tính toán cho thấy CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. "Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi", tờ VnExpress dẫn lời ông Minh.

Nhờ thu hút được đầu tư nước ngoài, cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động Việt Nam cũng tăng, bình quân mỗi năm khoảng 20.000 - 26.000 USD.

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson cho rằng CPTPP sẽ giúp Malaysia, Singapore, Brunei và Việt Nam tăng trưởng thêm hơn 2% GDP vào năm 2030.

Các thách thức, dù vậy, phải xem xét đến là sức cạnh tranh của Việt Nam còn yếu.

Việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết sẽ làm giảm thu ngân sách thời gian tới.

Một số mặt hàng có thể gặp khó khăn trong cạnh tranh với hàng nhập khẩu như giấy, thép, ôtô.

Dự kiến ngày 12/11, Quốc hội Việt Nam sẽ phê chuẩn thông qua Hiệp định CPTPP.

Mục đích của CPTPP

Mục đích chính của CPTPP là cắt giảm thuế quan giữa các nước thành viên.

Đồng thời giảm bớt các biện pháp phi thuế quan gây trở ngại cho thương mại thông qua các quy định.

CPTPP có những chương nhằm hài hoà các quy định này, hoặc ít nhất là làm cho chúng minh bạch và công bằng.

Ngoài ra còn có cam kết thực thi các tiêu chuẩn môi trường và lao động tối thiểu.

Nó cũng bao gồm cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư-nhà nước, cho phép các công ty kiện các chính phủ khi họ tin rằng một thay đổi về luật pháp gây phương hại đến lợi nhuận của họ.

Published in Việt Nam