Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

02/11/2018

Quan hệ thương mại Việt Pháp, Quốc hội sẽ thông qua CPTPP

Tổng hợp

Thủ tướng Pháp thăm Việt Nam với trọng tâm củng cố quan hệ kinh tế (RFI, 02/11/2018)

Hôm 02/11/2018, thủ tướng Pháp Édouard Philippe bắt đầu chuyến công du Việt Nam ba ngày với trọng tâm tăng cường quan hệ kinh tế vốn còn yếu trong khi quan hệ văn hóa giữa hai nước khá phát triển.

thuongmai1

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (giữa, phải) và thủ tướng Pháp Édouard Philippe (giữa, trái) tại Hà Nội ngày 02/11/2018. MINH HOANG / POOL / AFP

Tại Việt Nam, thủ tướng Pháp sẽ tham dự các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Nhưng điểm nhấn của chuyến công du này là sự kiện ông Édouard Philippe sẽ tới thăm di tích chiến trường Điện Biên Phủ, nơi ghi dấu thất bại của Pháp ở Đông Dương năm 1954.

Theo phủ thủ tướng Pháp, điện Matignon, đây là một động thái "quan trọng", ông Philippe là lãnh đạo Pháp thứ 2 sau tổng thống François Mitterrand tới thăm lại di tích này.

Bên cạnh các hoạt động ngoại giao, các cuộc tiếp kiến, hội đàm với lãnh đạo Việt Nam, phần trọng tâm của chuyến thăm là các hợp đồng kinh tế. Nghiệp đoàn giới chủ Pháp Medef cho biết "sẽ có nhiều hợp đồng lớn được ký" trong dịp này.

Tháp tùng thủ tướng Édouard Philippe, bên cạnh lãnh đạo các bộ ngành (y tế, tài chính hay công nghệ số), còn có một đoàn gồm năm chục doanh nghiệp trong các lĩnh vực như hàng không, giao thông vận tải, hậu cần, năng lượng, môi trường xây dựng, y tế, nông nghiệp, đào tạo, du lịch và ngân hàng, tài chính.

Việt Nam hiện đang có nền kinh tế tăng trưởng khá ổn định với gần 7% với một thị trường mở rộng quan hệ với nhiều nước. Trong khi đó Pháp mới chỉ chiếm 1% thị phần buôn bán của Việt Nam. Sự hiện diện của đầu tư Pháp tại Việt Nam vẫn chiếm vị trí khiêm tốn, thứ 16 trên hơn 100 nước.

Điện Matignon cho biết, mục tiêu của chuyến thăm này sẽ được cụ thể hóa bằng các hợp đồng kinh tế giữa hai nước trong các lĩnh vực hàng không, tiêu dùng hay chế biến nông phẩm.

Bối cảnh địa chính trị cũng đang thuận lợi cho việc tăng cường quan hệ Pháp-Việt. Như việc Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việt Nam đang cần tìm những đối tác mới, trong khi thỏa thuận tự do mậu dịch với Liên Hiệp Châu Âu đang có những tiến triển tốt.

Bên cạnh đó là tình hình Biển Đông căng thẳng do thái độ lấn lướt đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh. Paris ngỏ ý "sẵn sàng giúp Việc Nam trang bị để giám sát, giữ gìn biên giới", theo AFP.

Sau khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam, ngày 4/11, thủ tướng Édouard Philippe sẽ tới Nouvelle-Calédonie, đúng vào ngày phần lãnh thổ hải ngoại của Pháp tại nam Thái Bình Dương này tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc tách ra hay ở lại với nước Pháp.

Anh Vũ

***********************

Quốc hội Việt Nam xét việc phê chuẩn CPTPP (BBC, 02/11/2018)

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói việc Quốc hội sớm phê chuẩn CPTTP sẽ giúp nâng cao vị thế chính trị của Việt Nam trong khu vực và quốc tế, theo báo trong nước.

thuongmai2

Sáng 2/11, Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, theo chinhphu.vn.

Ông Trọng đã đọc Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn (CPTPP) được Chính phủ Việt Nam gửi Chủ tịch nước ngày 8/9/2018.

Hiệp định CPTPP đã được Bộ trưởng Công thương Việt Nam ký ngày 8/3/2018 tại Santiago (Chile) cùng những người đồng cấp từ 10 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore.

Hiệp định này bao gồm một thị trường gần 500 triệu người, dù Hoa Kỳ rút lui, chiếm hơn 13% kinh tế toàn cầu. Đây là thỏa thuận mậu dịch lớn nhất trên thế giới hiện nay.

CPTPP thay thế Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ rút lui năm 2017.

Việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định là bước pháp lý tiếp theo để Hiệp định có hiệu lực sau khi các nước ký kết.

Ông Nguyễn Phú Trọng nói việc Quốc hội Việt Nam sớm phê chuẩn để Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP sẽ giúp thể hiện cam kết đổi mới, hội nhập quốc tế và khẳng định vai trò địa chính trị của Việt Nam, theo Zing.vn.

Báo Việt Nam cũng dẫn lời ông Trọng nói việc tham gia CPTTổng thống giúp Việt Nam nâng cao nội lực để ứng phó, củng cố vị thế, tăng cường quố phòng, an ninh và làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các nước thành viên CPTTT, trong bối cảnh "tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường".

Tăng trưởng và thách thức sau khi tham gia CPTPP

Có nhiều thách thức đặt ra sau khi Việt Nam tham gia CPTPP nhưng nhìn chung Việt Nam sẽ có lợi, theo lời Phó thủ tướng Phạm Bình Minh trên VnExpress.

Theo đó, ông Minh nói các tính toán cho thấy CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. "Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi", tờ VnExpress dẫn lời ông Minh.

Nhờ thu hút được đầu tư nước ngoài, cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động Việt Nam cũng tăng, bình quân mỗi năm khoảng 20.000 - 26.000 USD.

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson cho rằng CPTPP sẽ giúp Malaysia, Singapore, Brunei và Việt Nam tăng trưởng thêm hơn 2% GDP vào năm 2030.

Các thách thức, dù vậy, phải xem xét đến là sức cạnh tranh của Việt Nam còn yếu.

Việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết sẽ làm giảm thu ngân sách thời gian tới.

Một số mặt hàng có thể gặp khó khăn trong cạnh tranh với hàng nhập khẩu như giấy, thép, ôtô.

Dự kiến ngày 12/11, Quốc hội Việt Nam sẽ phê chuẩn thông qua Hiệp định CPTPP.

Mục đích của CPTPP

Mục đích chính của CPTPP là cắt giảm thuế quan giữa các nước thành viên.

Đồng thời giảm bớt các biện pháp phi thuế quan gây trở ngại cho thương mại thông qua các quy định.

CPTPP có những chương nhằm hài hoà các quy định này, hoặc ít nhất là làm cho chúng minh bạch và công bằng.

Ngoài ra còn có cam kết thực thi các tiêu chuẩn môi trường và lao động tối thiểu.

Nó cũng bao gồm cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư-nhà nước, cho phép các công ty kiện các chính phủ khi họ tin rằng một thay đổi về luật pháp gây phương hại đến lợi nhuận của họ.

Quay lại trang chủ
Read 560 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)