Ông Trịnh Bá Khiêm đến sáng ngày 29/6/2020 mới gửi được quần áo và một số vật dụng sinh hoạt cho vợ ông là bà Cấn Thị Thêu và con trai là Trịnh Bá Tư đang bị giam giữ ở trại tạm giam công an tỉnh Hòa Bình trong vụ án "Làm, tàng trữ, phát tán thông tin, vật phẩm nhằm chống nhà nước" sau nhiều lần bị gây khó dễ.
Bà Cấn Thị Thêu trong một phiên tòa trước đây ở Hà Nội hôm 30/11/2016 AFP
Ông Khiêm nói qua điện thoại với phóng viên đài RFA vào chiều ngày 29/6 như sau :
"Tôi có được gửi quần áo, quần lót, áo lót và một số xà phòng, bánh xà phòng giặt và bàn chải, kem chải răng.
Tôi gửi cho vợ tôi là Cấn Thị Thêu và con trai tôi là Trịnh Bá Tư, hai người bọn cộng sản giam cùng một chỗ.
Sáng nay tôi đi đến Bộ công an và yêu cầu Bộ công an phải cho gửi (quà). Bộ công an điện thoại vào trại giam và trại giam thì cho tôi gửi những thứ đó thôi anh".
Ngoài ra, một số thuốc bôi ngoài da và sữa chống loãng xương ông Trịnh Bá Khiêm không được cán bộ quản giáo Trại giam Chăm Mát, Hòa Bình chấp thuận gửi cho bà Thêu, lấy lý do là "quy định chỉ được gửi mỗi lần không quá bằng ba ngày ăn" tức là chỉ 50 ngàn đồng, khoảng hơn 2 đô la Mỹ.
Trước đó, gia đình của anh Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm chỉ được gửi quần áo vào Trại tạm giam số 1 - Công an thành phố Hà Nội cho người thân đang bị tạm giam ở đây từ ngày 24 tháng 6, một số vật dụng khác phải mua ở căng-tin của trại giam.
Liên quan đến vụ 4 người dân Dương Nội bị bắt giữ trong cùng một ngày vì lên tiếng về vụ việc ở xã Đồng Tâm, luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết vào chiều 29 tháng 6 đã làm thủ tục bào chữa cho ông Trịnh Bá Phương ở Cơ quan An ninh Điều tra Công an thành phố Hà Nội. Ông nói :
"Khi mà mình đến thì họ mới nhận thôi, theo thông lệ thì những vụ án thuộc về an ninh quốc gia thì họ sẽ giới hạn việc luật sư tham gia.
Tại vì có điều khoản cho phép họ giới hạn mà, vì sợ lộ bí mật trong việc điều tra thì họ chỉ thu xếp cho luật sư tham gia sau khi kết thúc giai đoạn điều tra.
Trong vòng 24 giờ đủ thủ tục thì phải cấp giấy nhưng mà cái thời hạn này cũng ít khi nào được bảo đảm. Có thể hai hai ba ngày gì đó… thì họ nói là sẽ cố gắng thu xếp trong vòng vài ngày thì sẽ có hồi âm cho mình".
Cũng theo vị luật sư thuộc đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh, tuy cả bốn người đều bị bắt giữ trong cùng một ngày, nhưng bà Nguyễn Thị Tâm và ông Trịnh Bá Phương đang bị điều tra chung một vụ án do Cơ quan An ninh Điều tra thành phố Hà Nội thụ lý.
Bà Cấn Thị Thêu tuy bị bắt giữ ở Hà Nội, nhưng bà và con trai Trịnh Bá Tư lại bị tạm giam và điều tra chung trong một vụ án khác do Cơ quan An ninh Điều tra Tỉnh Hòa Bình thụ lý. Khả năng nhập hoặc tách vụ án như hiện nay giữa hai địa phương sẽ được xem xét trong thời gian đến.
Luật sư Mạnh cũng cho biết thêm, từ khi bị bắt giữ cho đến nay, ông Trịnh Bá Phương giữ quyền im lặng, bất hợp tác với cơ quan điều tra. Ông từ chối ăn cho đến khi vào trại tạm giam, ông mới đồng ý ăn trở lại vì cho rằng đó là thực phẩm được mua bằng tiền thuế của dân.
Có một thực tế là trong nhóm các công dân bị cáo buộc tội danh "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức…", "Lật đổ chính quyền nhân dân" thì khi chấp hành án, luôn phải ở tù kiểu người đó đang ở miền Nam, thì phải chịu tù tại miền Trung hoặc miền Bắc ; và ngược lại.
Tù nhân lương tâm ký giả Trương Minh Đức - Ảnh minh họa
Nếu căn cứ theo Luật Thi hành án hình sự, do chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 17/06/2010, thì chuyện ‘tù Nam ra Bắc’ không chỉ có dấu hiệu của ‘ngược đãi tù nhân’, mà còn không phù hợp một số nội dung của Luật Thi hành án hình sự.
Chuyển nhà tù như một hình thức trừng phạt. Có thể nhận định như vậy bởi hệ thống trại giam, tức nhà tù do Bộ Công an trực tiếp quản lý được trải đều trên toàn quốc. Tuy nhiên như đã nói ở trên, các tù nhân nằm trong nhóm tội danh xâm phạm an ninh quốc gia, tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ, thì luôn phải đến các trại tù cách xa gia đình từ vài trăm đến cả ngàn cây số. Điều này được xem như một hình thức trừng phạt với cả phạm nhân cùng gia đình của họ trong thăm nuôi hàng tháng.
Nhiều gia đình của tù nhân nói rằng việc chuyển tù nhân từ miền Bắc vào miền Nam, và từ miền Nam ra miền Bắc đã khiến gia đình họ vô cùng vất vả, và dễ lâm vào cảnh kiệt quệ nguồn tài chánh cho chuyện đi lại thăm nuôi. Dĩ nhiên là luật cho phép thân nhân gửi đồ đạc, thực phẩm và cả tiền bạc cho người tù qua đường bưu điện. Tuy nhiên việc trực tiếp thăm gặp sẽ là nguồn động viên lớn của cả người trong chốn ngục tù, lẫn gia đình của họ đúng như quy định ở Điều 4.8, Luật Thi hành án hình sự về bảo đảm sự tham gia của gia đình vào việc giáo dục cải tạo người chấp hành án.
Bà Nguyễn Kim Thanh, vợ của tù nhân Trương Minh Đức [*], nghẹn ngào kể : "Trại giam Nam Hà không cho người thân của gia đình làm thức ăn ở nhà mang vào, mà chỉ cho gởi tiền vào để mua đồ trong căn tin của trại giam với giá cắt cổ... và người thân chúng tôi chỉ được mặc đồ ấm của trại giam,.. chứ không được mặc những quần áo ấm của gia đình gởi vào, thì làm sao giữ ấm bảo đảm được sức khỏe trong những ngày tháng lạnh khắc nghiệt của miền Bắc này ? Nhìn cảnh người tù họ đi lao động với bộ đồ tù đi trong trời giá lạnh mưa buốt thấu xương như vậy làm sao chịu nổi, dù tội tình gì họ cũng là con người…".
Ông Trương Minh Đức sinh năm 1960, là dân miệt Kiên Giang và sống ở miền Nam khí hậu nắng ấm, nên khi phải chấp hành án ở nhà tù tại miền Bắc, khí hậu mùa đông nơi đây khiến những người tù miền Nam như gánh thêm sự đày ải tương tự như mức án khổ sai mà người ta thường thấy trên phim ảnh.
Câu hỏi đặt ra : vì sao lại đày đọa người tù đến như vậy, trong khi nếu căn cứ theo luật định, hoàn toàn có thể thực thi việc chấp hành án này ngay tại địa phương của người bị kết án ?
Luật Thi hành án hình sự, tại Điều 4 "Nguyên tắc thi hành án hình sự" nói rằng việc thi hành án cần thỏa mãn cùng lúc các yêu cầu là (1) đúng pháp luật ; (2) bảo đảm lợi ích của Nhà nước ; (3) quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Khoản 3, Điều 4 còn nhấn mạnh : "Bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa ; tôn trọng nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án". Như vậy, nếu ‘tù Nam ra Bắc – tù Bắc xuôi Nam’, thì trước tiên đã cản trở thực thi nội dung của Điều 4.8 là "Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình vào việc giáo dục cải tạo người chấp hành án".
Nhà nước có lợi ích gì khi ‘tù Nam ra Bắc – tù Bắc xuôi Nam’, nếu như đó không phải là một hình thức của trừng phạt ngoài luật định, ngoài bản án đã tuyên ?
Luật Thi hành án hình sự, tại Điều 6 "Giám sát việc thi hành án hình sự", ghi : "Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức trong thi hành án hình sự và các cơ quan, tổ chức khác liên quan đến hoạt động thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật".
Như vậy thì chính Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở nơi mà ông Trương Minh Đức, cũng như các người ‘tù Nam ra Bắc – tù Bắc xuôi Nam’ sinh sống, chắc chắn sẽ hiểu rõ hơn về trách nhiệm cần bảo vệ, giám sát như thế nào với những cử tri đã từng bỏ lá phiếu chọn lựa mình.
"Bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa ; tôn trọng nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án", sẽ mang đúng ý nghĩa nếu như những người tù như ông/ bà Trương Minh Đức, Trần Huỳnh Duy Thức, Đặng Minh Mẫn, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội, Trần Thị Xuân, Trần Thị Nga… được thực hiện quyền chọn lựa thi hành án ngay tại địa phương mà mình sinh sống, như đã thể hiện trong nguyên tắc thi hành án hình sự, về quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân của Luật Thi hành án hình sự.
Minh Châu
Nguồn : VNTB, 16/12/2018
Chú thích :
[*] Ông Trương Minh Đức bị kết án 13 năm tù và 5 năm quản chế tại phiên xử ngày 5/4/2018 ở Hà Nội cùng với 5 thành viên (hay cựu thành viên) của Hội Anh em dân chủ, với cáo buộc theo điều 79 ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’, Bộ Luật hình sự 1999.