Thần tượng và công nghệ chế tạo thần tượng cộng sản
Trong lịch sử ra đời và phát triển cũng như tồn tại rồi tàn lụi, chế độ cộng sản đã tạo ra những thần tượng với sự rập khuôn, sáng tạo và nhiều biến tướng khác nhau là một đặc trưng riêng có. Dù chủ nghĩa cộng sản luôn kêu gào "quét sạch chủ nghĩa cá nhân" thì hệ thống tuyên truyền của chủ nghĩa độc tài cộng sản đã không ngần ngại tạo nên những thần tượng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống nhằm làm gương cho các thế hệ noi theo.
Tượng đồng hai cha con Kim Il-sung và Kim Jong-il tại Khu đài tưởng niệm Mansu Hill, Bình Nhưỡng. (Ảnh : Wikipedia)
Có thể kể ra muôn vàn thần tượng đã được tạo ra bởi hệ thống tuyên truyền cộng sản. Từ những lãnh tụ cộng sản cho đến những thường dân được nâng lên thành biểu tượng, thần tượng cho các lớp trẻ.
Trong hệ thống giáo dục cộng sản, người ta có thể bắt gặp từ những câu chuyện về Lenin, về Mao Trạch Đông… từ cậu bé Lenin học giỏi và thông minh xuất chúng, cho đến lãnh tụ Kim Nhật Thành khi sinh ra có những hiện tượng tự nhiên lạ lùng, ánh hào quang rực sáng trên đỉnh núi.
Rối qua đời con, cho đến đời cháu là Kim Jong-un được sách giáo khoa Triều Tiên mô tả : Kim Jong-un biết lái xe từ khi mới lên 3 tuổi và 9 tuổi đã thắng một giải đua thuyền buồm. Không những vậy, Kim Jong-un còn được ca ngợi là tay súng "bách phát bách trúng" khi có thể bắn 10 viên đạn thẳng vào hồng tâm chỉ trong vòng 3 giây ngay từ khi mới 9 tuổi. Ngoài ra, Kim Jong-un còn là một họa sĩ đại tài và có khả năng soạn nhạc… Nghĩa là một người đã là lãnh đạo cộng sản thì hẳn nhiên là xuất chúng, là không phải người thường là bách nghệ tinh thông.
Nhiều lãnh tụ cộng sản, qua lăng kính của hệ thống tuyên truyền cộng sản đã trở thành thánh nhân, xuất chúng… và hẳn nhiên không phải là người thường.
Điều này, nhằm tạo ra những "trái tim của thế giới không có trái tim, là tinh thần của những trật tự không có tinh thần" – Các Mác – Định nghĩa về Tôn giáo.
Chủ nghĩa thần tượng cá nhân, kết hợp với tư tưởng phương Đông tại Việt Nam càng tạo ra một hệ thống thần tượng khổng lồ trong lịch sử tồn tại của nó đến tận ngày nay. Người dân Việt Nam một thời gian dài bị bịt mắt, bịt tai. Chỉ có một hệ thống tuyên truyền hùng hậu, đã tạo ra một hệ thống các thần tượng lãnh tụ "vĩ đại", "sáng suốt", "thiên tài" từ Hồ Chí Minh, Lê Duẩn cho đến các tướng lĩnh. Từ một Hồ Chí Minh từ nhỏ đã xuất chúng yêu nước thương dân, học "hết cả chữ của thầy" và sau khi học hết lớp 5 thì bị đuổi học và "tìm đường cứu nước"… cho đến "Danh nhân văn hóa thế giới" không cần chứng nhận, vinh danh…
Không chỉ lãnh tụ cộng sản được thần tượng hóa, mà ngay cả những người dân thường thuộc mọi tầng lớp. Người ta có thể chế tạo ra Lê Văn Tám lấy thân mình làm đuốc sống đến một Võ Thị Sáu, Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo… cho đến một Hồ Xuân Mãn là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Người ta cũng có thể nâng một người thợ điện tổ chức đặt bom khủng bố thành một anh hùng đã "gật phắt mảnh băng đen" che mắt khi bị tử hình dù hai tay bị trói chặt bằng "mấy vòng dây"... hoặc những em bé miền Nam đã giết được hàng chục, hàng trăm tên giặc…
Những thần tượng được tạo ra bằng mọi cách, mọi nơi, mọi lĩnh vực cuộc sống. Bằng hệ thống giáo dục, hệ thống tuyên truyền do "đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối" nhằm cổ vũ và xúi giục mọi thế hệ, lứa tuổi trong xã hội học tập và noi theo để tiến hành một cuộc chiến bất chấp máu xương của đồng bào mình.
Thậm chí, những câu chuyện cổ tích được lợi dụng để tuyên truyền cho học thuyết "đấu tranh giai cấp" như Tấm Cám, khi đã đấu tranh cho giai cấp thống trị, thì cô Tấm được ca ngợi là hiền dịu cũng sẵn sàng giết chính em ruột của mình và ghê tởm hơn là dùng xác em làm mắm cho mụ dì ghẻ ăn. Câu chuyện được đưa vào sách giáo khoa, dạy dỗ cho những thế hệ trẻ biết căm thù ngay cả những người ruột thịt.
Đó là những thần tượng một thời gian dài của nhiều lớp trẻ. Và những lớp trẻ đó đã lớn lên, đã được trang bị tư duy bạo lực, dối trá, để lãnh đạo đất nước này, đưa đất nước này đến chỗ suy đồi và sẵn sàng hèn hạ đi vào con đường nô lệ như hôm nay.
Khi thần tượng thay đổi
Có thể nói rằng, cuộc sống người dân Việt Nam vẫn tiếp tục những năm tháng dài trong sự u mê và tôn thờ một thứ tôn giáo vô thần cộng sản, với các vị thánh là những nhân vật cộng sản đã được thần thánh hóa như ở Bắc Triều Tiên hiện nay để rồi mơ tới cái "Thiên đường xã hội chủ nghĩa" trong một "ngày mai" không bao giờ đến.
Thế nhưng, trước những cơn đói gay gắt, buộc phải hội nhập với môi trường quốc tế, người dân mở mắt và nhận thấy thực chất đằng sau thứ tôn giáo mà họ buộc phải tụng niệm, tôn thờ bấy lâu nay chỉ là một thứ bánh vẽ không hơn không kém. Ở đó chỉ có dối trá và lừa bịp, chỉ có là thiên đường cho những kẻ bằng mọi cách để làm "đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân" còn với những ông chủ nhân dân, thì đó là một địa ngục khổng lồ.
Và khi những sự thật đằng sau những thần tượng được bóc trần bởi hệ thống thông tin xã hội, hệ thống truyền thông vượt biên giới, ra khỏi cái màn sắt cộng sản được phơi bày, thì với những "đàn cừu" vốn bị nhồi nhét về một lý tưởng "cao đẹp" với những hình ảnh, thần tượng bấy lâu nay đã sụp đổ không thể cưỡng lại.
Cho đến khi đó, người dân mới hiểu rằng thần tượng Hồ Chí Minh cũng chẳng phải chỉ vì dân vì nước hay suốt đời không vợ con và hết sức ghét Chủ nghĩa cá nhân như đảng luôn ca ngợi, mà ông ta cũng chỉ "thường thôi" – nói theo ngôn ngữ dân gian hiện đại. Người ta cũng cố tìm cho ra mảnh bằng công nhận ông ta là "Danh nhân văn hóa thế giới" như đảng tự phong, nhưng tìm mỏi mắt chẳng thấy. Người ta cung nhọc công tìm kiếm để biết rằng cái ông Trần Dân Tiên viết sách ca ngợi Hồ Chí Minh lên tận mây xanh kia, hóa ra lại chính là Hồ Chí Minh tự viết để ca ngợi mình và bịa ra cái ông Tiên đó.
Cũng cho đến khi đó, người ta mới biết rằng những Lê Văn Tám, Tô Vĩnh Diện, Võ Thị Sáu với những hành động xuất chúng, hay Nguyễn Văn Trỗi anh hùng cũng chỉ là chuyện bịa đặt.
Và họ hiểu : Họ đã bị lừa bịp cả gần thế kỷ nay.
Thế rồi đương nhiên, sau những cú sốc phản vệ, người dân mất đi niềm tin, định hướng và lý tưởng. Nhất là ở lớp trẻ.
Mà những lớp trẻ Việt Nam từ cả gần thế kỷ nay, đã không hề được giáo dục, trang bị cho khả năng tự lập, tự do suy nghĩ và hành động một cách chủ động, tự tin. Hầu hết đều mang một tư duy nô lệ, dựa dẫm và ỉ lại thần tượng, ỉ lại lãnh đạo… đúng như chủ trương và hành động xưa nay của Đảng cộng sản.
Và khi đó, những thần tượng mới ra đời nhằm thay đổi cho một lớp thần tượng bịa đặt, dối trá và lừa bịp.
Đó là thay vì những ca sĩ suốt ngày véo von "Đường ra trận mùa này đẹp lắm" thì giới trẻ ngày nay thần tượng những ngôi sao ca nhạc nước ngoài như nhóm Wanna One, khi tới Việt Nam đã được hàng ngàn người trẻ ra tận sân bay đón, thậm chí có những người còn khóc lóc, hôn cả ghế ngồi của thần tượng.
Đó là thay cho những "anh hùng, chiến sĩ giải phóng quân" diệt giặc, ngày nay Lê Văn Luyện, một thanh niên đã gây ra vụ thảm sát ở tiệm vàng nhằm cướp của đã được lớp trẻ chào đón như một người hùng, để rồi sau đó, hàng loạt những vụ thảm sát lớn hơn, tàn bạo hơn được thực hiện.
Đó là thay cho những "điển hình tiên tiến" từ nuôi bèo hoa dâu cho đến chăn bò, nuôi lợn… Ngày nay, lớp trẻ thần tượng những Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền với hình dạng hảo hớn, xăm trổ đầy mình, nói tục và chửi bậy như hát hay, chơi bời kiểu giang hồ.
Ngày nay, lớp trẻ thần tượng những Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền với hình dạng hảo hớn, xăm trổ đầy mình, nói tục và chửi bậy như hát hay, chơi bời kiểu giang hồ.
Và thay cho việc có đến 45.000 Việt kiều đã bỏ những đất nước xa xôi văn minh như ở Thái Lan, New Caledonia, Tân Thế Giới (châu Mỹ) về nước cách đây 60 năm để xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Để rồi bị hành hạ, bị phân biệt và ngậm ngùi cho số phận mình trên đất nước của Đảng cộng sản. Ngày nay, hàng hàng, lớp lớp người dân Việt bằng mọi cách, mọi con đường, mọi khả năng rời bỏ đất nước tìm nơi để tồn tại, tránh xa "sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện" sáng suốt, tài tình" của Đảng cộng sản.
Thiển nghĩ rằng điều đó cũng chẳng có gì làm lạ. Khi sự lừa dối đạt đến một ngưỡng nào đó, thì hậu quả của nó là lòng tin bị đánh mất, lòng người bị tiêu tán và xã hội mất sức sống, vào cảnh trầm luân.
Và kết quả ngày hôm nay, hệ thống chính trị đã tạo ra hoàn cảnh đất nước trong ngoài lục đục, trên dưới không yên, thiên hạ bất bình, nhân tâm ly tán… có nguồn gốc từ việc xây dựng và sụp đổ các thần tượng cộng sản.
Ngày 4/4/2019
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 04/04/2019 (nguyenhuuvinh's blog)
Chính trị học chưa có tiền lệ
Đinh La Thăng là ủy viên bộ chính trị đầu tiên bị khởi tố.
Đinh La Thăng là ủy viên bộ chính trị đầu tiên bị khởi tố nhưng không được tại ngoại hầu tra mà bị tạm giam luôn.
Ông Đinh La Thăng mắng các nhà thầu Trung Quốc khi còn tại chức.
Đinh La Thăng là ủy viên bộ chính trị đầu tiên bị khởi tố, bị tạm giam và bị truy tố trong một thời gian ngắn kỷ lục.
Đinh La Thăng là ủy viên bộ chính trị đầu tiên bị khởi tố, bị tạm giam, bị truy tố và bị còng tay khi đưa ra tòa.
Đinh La Thăng là ủy viên bộ chính trị đầu tiên bị khởi tố, bị tạm giam, bị truy tố, bị còng tay khi đưa ra tòa và bị án "bóc lịch" đằng đẵng.
Còng số 8
Hình ảnh còng tay Đinh La Thăng hiện ra lồ lộ trong phiên tòa xử vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào đầu tháng 1/2018.
Cựu ủy viên bộ chính trị này thậm chí còn không được đạo diễn cho cầm một tờ báo trên tay hay khoác hờ một cái áo - như một số trường hợp phạm nhân quan chức khác đã được hưởng ân huệ đó như một cách để khỏa lấp khoảng trống khiến lộ ra cái còng số 8.
Chẳng lẽ Tổng bí thư Trọng không còn nghĩ đến "tình đồng chí đồng đội" khi hạ nhục Đinh La Thăng đến thế ?
Nhưng hình như tình cảnh đảo lộn nhân tình thế thái giờ đây lại có nguồn cơn từ "vấn đề lịch sử" - một cụm từ mà các văn bản quy định về chính trị nội bộ của đảng cầm quyền rất ưa dùng và tạo thành lý cớ hợp pháp để thanh trừ nội bộ.
Bộ phim chiếu ngược - tái hiện Hội nghị trung ương 6 tại Hà Nội vào tháng Mười năm 2012…
Nụ cười 2012
Đinh La Thăng khi ấy đã là ủy viên trung ương và được thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng ưu ái xếp làm bộ trưởng giao thông vận tải - một "cửa khẩu" rất quan trọng đối với các dòng tiền ra - vào của ngân sách quốc gia nhưng lại gần như thoát khỏi nguyện vọng "kiểm soát quyền lực" của khối đảng.
Vào lúc người xem truyền hình có cảm giác như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mếu máo trong bài diễn văn kết thúc Hội nghị trung ương 6 vì không thể kỷ luật được "đồng chí X", còn Thủ tướng Dũng ưỡn ngực theo một cách ngạo mạn thường có và rất riêng, người ta cũng nhìn thấy Đinh La Thăng nở một nụ cười đượm vẻ nhạo báng trước những giọt lệ của ông Trọng.
Hẳn một nhà thâm nho như Nguyễn Phú Trọng chẳng bao giờ quên được điệu cười không thèm che giấu trên. Nếu về sau này có cận thần của ông Trọng đã chữa thẹn cho ông bằng một ví von "nước mắt của tổng bí thư rơi vào lịch sử", thì số phận của Đinh La Thăng cũng đã chính thức chảy ngược vào lịch sử từ nụ cười tưởng như thắng thế của nhân vật mà 4 năm sau có mật độ xuất hiện dày đặc nhất trên báo chí trong Bộ Chính trị.
Năm mùa đông sau cái năm 2012 đầy trớ trêu cay nghiệt thủ đoạn chính trị đó, sự đời đảo lộn. 2017 là năm của Nguyễn Phú Trọng, là năm mà ông Trọng bắt đầu nở một nụ cười có vẻ thỏa mãn và thực chất hơn trong chiến dịch "chống tham nhũng", như khi ông ta được đón tiếp bằng nghi lễ dành cho nguyên thủ quốc gia tại Washington vào tháng Bảy năm 2015.
Nhưng Đinh La Thăng thì không thể cười được nữa. Về Sài Gòn với ý đồ "trấn" thành phố này, với não trạng bị xem là "chủ quan khinh địch", có lẽ ông Thăng đã không thể hình dung ra thân phận của mình xuống vực thẳm chỉ sau bảy tháng rưỡi kể từ ngày 27/4/2017 khi Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố kết luận về trách nhiệm của "đồng chí Đinh La Thăng" tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - vào thời ông Thăng còn là Chủ tịch Hội đồng thành viên của tập đoàn này.
Sau mọi nụ cười vừa hồn nhiên xả láng, vừa ngạo nghễ ngạo mạn đến mức chẳng còn biết trời cao đất dày là gì, Đinh La Thăng đã "rơi nước mắt vào lịch sử" tại phiên tòa mà ông trở thành bị cáo vào tháng đầu năm 2018.
"Ma trong tù" 2018
Chính trị là chính trị, bên kia đỉnh núi cười cợt là vực sâu nước mắt, và cứ thế luân hoán vị trí cho nhau trong quy luật hoán chuyển không ngừng của tạo hóa và quy luật hưng - diệt của số phận con người. Ngay cả lời sám hối muộn màng "cám ơn người đã kỷ luật tôi" của Đinh La Thăng sau khi ông ta bị loại khỏi Bộ Chính trị và bị đưa về Ban Kinh tế trung ương để "nhốt quyền lực vào chung một lồng" cùng với một "người của anh Ba Dũng" khác là trưởng ban này - Nguyễn Văn Bình, cả sau gương mặt méo xệch để chỉ "xin về nhà ăn tết lần cuối trước khi chấp hành án" của Đinh La Thăng tại phiên tòa mở đầu sự kết liễu số phận ông vào tháng Giêng năm 2018, Thăng vẫn không được ông Trọng cho thoát kiếp lầm than trả giá.
Đã biến mất vẻ ngông nghênh tự mãn và coi trời bằng vung trước đó ở Đinh La Thăng. Đã thực sự phải nhận một trận đòn đau, khẩu khí của Đinh La Thăng trở nên "cừu" hẳn.
Trong phiên tòa ấy, chí ít việc Đinh La Thăng dùng từ lóng "ma trong tù" rất đặc thù của nhà tù đã cho thấy cựu ủy viên bộ chính trị này bắt đầu thấm cảnh tù đày và cũng bắt đầu run sợ trước tương lai.
Một cách chính thức, chiến dịch được coi là "chống tham nhũng" của Tổng bí thư Trọng đã khởi động sau Trung Quốc đúng 5 năm.
Cũng một cách chính thức, Đinh La Thăng đã trở thành Bạc Hy Lai của Việt Nam.
Ai mới là "thần tượng chính trị" ?
Vào năm 2012, Tập Cận Bình đã lần đầu tiên ra oai bằng chiến dịch hạ bệ Bạc Hy Lai - ủy viên bộ chính trị kiêm bí thư Trùng Khánh. Sau đó, Bạc bị tống giam và phải nhận án chung thân.
Là một người vạm vỡ với chiều cao gần 1,8 mét, Bạc Hy Lai đã từng là một hình tượng chính trị. Với một số ý tưởng cùng động tác có hơi hướng "cải cách", Bạc còn trở thành thần tượng trong con mắt nhiều người dân, đặc biệt trong lớp trẻ.
Nhưng trong buổi xét xử Bạc Hy Lai, hai nhân viên cảnh sát đứng bên cạnh Bạc lại cao gần 2 mét - một sự sắp xếp rất Trung Hoa và đầy thâm ý của Tập Cận Bình. Hình tượng chính trị sụp đổ bởi không ai có thể cao hơn tất cả mọi người.
Đinh La Thăng cũng không thể cao hơn và khác hơn tất cả mọi người trong cái bộ chính trị "tỏ ra khôn quá cũng chết". Cái còng số 8 tra thẳng vào tay nhân vật từng một thời khuếch trương vài ba ý tứ "cải cách thể chế", từng được một số người xem là "thần tượng chính trị" và để lộ diện ban ngày ban mặt cho cả thiên hạ thấy rõ đã phát đi một thông điệp không chỉ về "không có vùng cấm trong chống tham nhũng", mà còn "không còn tồn tại thần tượng Đinh La Thăng".
Vào những ngày này, khi chính trường và kéo theo một phần xã hội Việt Nam bùng lên cơn sóng thần của chiến dịch "đốt lò", người ta bất chợt nghe vang vọng tiếng tung hô reo hò của một số văn nhân cận thần về hình ảnh và hình tượng Nguyễn Phú Trọng : ban đầu là "Sỹ phu Bắc Hà", sau đó đến "Hào kiệt của dân tộc’, rồi "Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo", và cả "Minh quân"…
Nhanh đến mức không tưởng tượng nổi, trào lưu đại ngôn, lộng ngôn hoặc hơn thế nữa đang biến Nguyễn Phú Trọng thành một hình tượng khác với tất cả và cao hơn tất cả, không biết còn có gì có thể cao hơn thế nữa, thay thế cho "thần tượng Đinh La Thăng", như một quy luật đời đổi não chẳng đổi của lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam…
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 22/01/2018