Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sự lãnh đạo độc đoán là sản phẩm của chế độ chính trị tập trung quyền lực cao. Hai năm vận hành mô hình Đảng lãnh đạo Nhà nước (Đảng – Nhà nước) được khẳng định tại Đại hội 13 năm 2021 cho thấy điều trên. Sự cần thiết được biện minh trong điều kiện "không bình thường" của năm đầu tiên chống đại dịch Covid -2019, nhưng sau đó chuỗi các hành động "quyết liệt chưa từng có" xuất phát từ sự lãnh đạo độc đoán và do thiếu các thể chế kiểm soát quyền lực hiệu quả đang gây nguy cơ tiềm ẩn bất ổn thể chế cần được cảnh báo.

theche1

Quân đội đứng canh trước Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội hôm 26/1/2021 (minh họa) - AFP

Nguy cơ

Có hai lý do chủ yếu cho nhận định trên. Một là, mặc dù kinh tế Việt Nam phục hồi tốt sau đại dịch, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 đạt 8,02%, nhưng từ quý tư đã có dấu hiệu suy giảm rõ rệt. Về khách quan, bối cảnh kinh tế thế giới dự báo sẽ ảm đạm hơn trong năm 2023, đơn hàng gia công sụt giảm mạnh, doanh nghiệp và công nhân hết việc, khủng hoảng năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng, nguy cơ dịch có thể bùng phát trở lại từ các biến chủng Omicron mới… đang có tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam với độ mở rất cao. Về chủ quan, sự thiếu phối hợp trong điều hành, kiểm soát của các cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước gây ra khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp, rối loạn đô-mi-nô thị trường tài chính và bất động sản.

Hai là, việc điều hành mô hình Đảng – Nhà nước đang "cuốn" cả hệ thống chính trị vào mọi lĩnh vực, trong tập trung theo đuổi tăng trưởng kinh tế nhanh, nhưng vội vàng, và tập trung quyền lực để chống tham nhũng, xử lý cán bộ được đẩy lên cao độ trong khi việc xây dựng cơ chế phòng ngừa đã không được chú trọng đúng mức. "Chiếc lồng thể chế" kiểm soát quyền lực, kiểm soát tài sản quan chức, được khởi động từ giữa nhiệm kỳ 12, nhưng đang là "món nợ xấu" cho cải cách.

Trong giới hạn chủ đề trong công tác tổ chức cán bộ và chống tham nhũng, những hành động độc đoán tiềm ẩn nguy cơ bất ổn thể chế cao hơn cả sau đây được tập trung phân tích, bao gồm : (1)chống tham nhũng gieo rắc nỗi sợ hãi ; (2)tập trung quyền lực phá vỡ quy tắc đảng ; và (3) chuyển giao quyền lực chi phối công tác cán bộ.

"Gieo rắc nỗi sợ hãi"

Số liệu liên quan đến chống tham nhũng không thể và không nên được ca ngợi là thành tích, mà ngược lại, nên hiểu đó là biện pháp răn đe, một phương pháp chuyên chế, cai trị bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi để xiết lại kỷ luật, buộc tuân thủ sự trung thành và phục tùng lý tưởng cộng sản và lãnh tụ. Các vụ việc và cá nhân tham nhũng tăng lên cho thấy tình hình vẫn rất nghiêm trọng. Trong mười năm kể từ khi chiến dịch ‘đốt lò’ được phát động năm 2013 đã có "hơn 7.390 đảng viên bị trừng phạt do tham nhũng trong tổng số 2.700 tổ chức Đảng, gần 168.000 đảng viên bị kỷ luật". Riêng "trong 10 tháng đầu năm 2022, các địa phương đã khởi tố mới 382 vụ án tham nhũng, tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước".

Đặc biệt, có hàng chục cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị khởi tố, trong đó không ít quan chức mới được chọn lựa, bổ nhiệm trong nhiệm kỳ như hai ông nguyên Bộ trưởng Khoa học – Công nghệ và Y tế. Những vụ án điển hình như "bộ kist xét nghiệm Việt Á", "buôn lậu xăng dầu", "những chuyến bay giải cứu", "quan chức nhận hối lộ từ AIC", "đăng kiểm xe cơ giới"… phản ánh "sức đề kháng yếu ớt" của thể chế, tổ chức và cán bộ khiến cho tham nhũng tràn lan trong mọi lĩnh vực. Các cách xử lý nhiều vụ án tham nhũng chưa làm rõ căn nguyên của vấn đề, chẳng hạn khi điều tra xét xử vụ "bà Nhàn Tổng giám đốc tập đoàn AIC" các cơ quan tố tụng tập trung khai thác việc bà này lấy tiền từ đâu và cách đưa hối lộ mà lẽ ra trước hết cần phải làm rõ vì sao bà Nhàn lại phải hối lộ, từ đó có giải pháp chính sách căn cơ.

"Phá vỡ quy tắc Đảng"

Chiến dịch chống tham nhũng được tăng cường kéo theo nỗi sợ hãi, sự giao động của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đã tạo thuận lợi cho việc tập trung quyền lực Đảng bằng nhiều cách, chính thức công khai hay xử lý nội bộ, phá vỡ các nguyên tắc dân chủ Đảng hay áp dụng các biệt lệ.

Để thâu tóm quyền lực nhiều chuẩn mực, quy tắc, quy định của tổ chức Đảng đã buộc phải chỉnh sửa, thay thế, ban hành mới, và thậm chí bị phá vỡ dưới các hình thức biệt lệ. Như đã biết, "những trường hợp đặc biệt" là các diễn đạt của Đảng nhằm bỏ qua quy định về giới hạn tuổi và nhiệm kỳ cho một số vị trí lãnh đạo cao cấp ở trung ương, đặc biệt cương vị Tổng bí thư Đảng trong hai nhiệm kỳ Đại hội 12 và 13 liên tiếp.

Ngoài ra, những phiên "bất thường" của hội nghị Ban Chấp hành trung ương khóa 13 và Quốc hội khóa 15 để miễn nhiệm và bổ nhiệm thay thế cán bộ "cấp trung ương quản lý" cũng gây xôn xao dư luận. Đó là các trường hợp truy tố và bắt giam hai ông Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ Khoa học - Công nghệ vừa qua có liên quan đến vụ án tham nhũng "bộ xét nghiệm của Việt Á". Tuy nhiên, trường hợp hai ông phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam bị miễn nhiệm ngày 5/1/2023 mới đây do Đảng, Quốc hội không công khai lý do, mà báo chí Nhà nước đưa tin bằng cách trích dẫn một số phát biểu của các lãnh đạo Đảng, chung chung kiểu như "khuyến khích từ chức", "để làm trong sạch đội ngũ" hay "góp phần thực hành nêu gương trong đảng" khiến dấy lên nhiều đồn đoán, trong đó có việc thanh trừng phe phái…

"Kẻ xấu leo cao"

Việc chuyển giao chức Tổng bí thư theo quy định Điều lệ Đảng đã không thể trong hai nhiệm kỳ 12 và 13, nay sẽ là nhiệm vụ nặng nề cho việc vận hành mô hình Đảng – Nhà nước.

Cơ chế tập quyền càng cao thì sự phụ thuộc vào người đứng đầu càng lớn. Với "chiếc nhẫn quyền lực" trong tay ông ta có thể bắt cả cơ chế làm "con tin". Như đã nêu, thể hiện quyền uy trước tiên là trừ hoạ từ mầm mống. Sự kiện mới nhất là hai nhà kỹ trị cuối cùng, hai phó tướng của nguyên Thủ tướng Dũng còn sót lại đã "bất đắc dĩ" rời khỏi chính trường.

Tuy nhiên, dù quyền lực không giới hạn như Vua cũng không thể cai trị một mình, bởi vậy ông ta cần có những kẻ nắm giữ chìa khóa mở các cánh cửa quan trọng dẫn đến ngai vàng mà ông ta phải lệ thuộc. Đó là những vị trí gần gũi nắm thực lực : tiền và quyền : trợ lý, nội chính, kiểm tra, kế hoạch, tài chính, tập đoàn… hình thành liên minh bởi cá nhân hóa mối quan hệ thân hữu và đồng hương. Trong cơ chế như vậy những kẻ cơ hội có thể leo cao. Liệu có thể loại trừ được hết bất ngờ ?

Hơn thế, vận hành mô hình Đảng – Nhà nước từ đầu nhiệm kỳ 13 tới nay đang triệt tiêu hai yếu tố cơ bản : dân chủ và kiểm soát quyền lực, tạo nên sự bền vững của thế chế. Như một cơ thể với sức đề kháng yếu, nguy cơ nhiễm bệnh, bất ổn thể chế, có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 11/01/2023

Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Việt Nam.

Published in Diễn đàn

Bộ là một cơ quan trong chính phủ quản lý một ngành nào đấy. Nó dùng cơ chế do chính phủ tạo ta để quản lý ngành. Ở Việt Nam, có một bộ được gọi là "Bộ khoa học và công nghệ" được tạo ra để quản lý và ra chính sách cho khoa học công nghệ phát triển. Tuy nhiên khoa học công nghệ ở Việt Nam yếu vẫn hoàn yếu. Điều trớ trêu là nước Mỹ là nước dẫn đầu thế giới về khoa học công nghệ nhưng trong nội các không hề có bộ "khoa học và công nghệ".

theche1

Ông Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam – Hình minh họa

Quản trị nó phụ thuộc vào cơ chế và con người, trong đó con người là quan trọng nhất vì con người tạo ra cơ chế. Bộ Khoa Học Công Nghệ Việt Mam được thành lập từ năm 1965 với tên gọi là "Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam". Từ năm 1965 đến 1986 ủy ban này tồn tại đã 21 năm nhưng khoa học công nghệ Việt Nam vẫn là "con trâu đi trước cái cày theo sau". Từ 1986 đến nay đã 35 năm "đổi mới" nhưng khoa học công nghệ của Việt Nam vẫn cứ đứng sau thế giới rất xa, trong khi đó hàn Quốc chỉ cần 20 năm họ đã làm chủ công nghệ. Như vậy lập Bộ khoa học công nghệ có giúp khoa học công nghệ Việt Nam phát triển không ? Câu khẳng định là "Không !"

Nguyên nhân do đâu ? Do thể chế, ở đây nói thể chế lớn nhất và bao trùm tất cả, đó là thể chế chính trị. Thể chế chính trị từ năm 1945 đến nay không thay đổi, đó là cái khung cố định gắn liền với ĐCS. Qua 76 năm tồn tại ĐCS đã nhét vào cái khung này 2 thể chế kinh tế. Thể chế kinh tế đầu tiên là "kinh tế chỉ huy", nó là loại thể chế tạo ra đói nghèo chứ không tạo ra thịnh vượng. Thể chế kinh tế thứ 2 là một thể chế què quặt, nó là thể chế kinh tế thị trường của các nước dân chủ nhưng được đẽo gọt cho vừa với cái khung thể chế chính trị độc tài toàn trị, ĐCS gọi nó là là "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Thể chế kinh tế quái thai này nó chỉ làm cho người dân bớt đói nghèo đói hơn chứ không tạo ra được thịnh vượng.

Nói thể để chúng ta thấy, khoa học công nghệ nó có phát triển hay không phụ thuộc rất lớn vào thể chế kinh tế và con người vận hành thể chế đó chứ nó không phải dựa vào "Bộ khoa học và Công nghệ". Mỹ họ hiểu rất rõ tại sao khoa học họ phát triển mạnh vì thế họ không cần lập ra một bộ trong chính phủ để phát triển lĩnh vựa khoa học công nghệ. Với những cơ chế trong Bộ khoa học Công nghệ Việt Nam thì chắc gì nó đã thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển ? Các cơ chế trong bộ này đó đều do ĐCS đẻ ra thì có thể không những không thúc đẩy mà là cản trở.

Giáo dục là nền tảng tạo ra lực lượng chất xám cho đất nước. Chất xám này sẽ tạo ra những sáng chế, những sáng chế được các doanh nghiệp đổ vốn đầu tư và đưa nó vào ứng dụng giúp ích xã hội. Vì vậy để khoa học công nghệ đến với công chúng nó cần nền giáo dục tốt và thể chế kinh tế tốt. Giáo dục ở Việt Nam ra sao thì không cần phải giải thích nữa, chỉ cần một từ "nát" là đủ để mô tả nền giáo dục xã hội chủ nghĩa này. Còn thể chế kinh tế thì đến nay ĐCS vẫn cứ loay hoay như "gà mắc tóc" không biết chỉnh sửa thế nào cho đúng. Bao trùm lên trên cả nền giáo dục và thể chế kinh tế Việt Nam đó là thể chế chính trị. Mà cho đến nay ĐCS vẫn lì lợm không chịu cải cách chính trị.

Sản phẩm được kết tinh từ khoa học công nghệ được người ta gọi một cách đơn giản là sản phẩm có "hàm lượng chất xám cao". Hiện nay có một điều đáng ngại là dù tỷ số tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam khá cao nhưng hàm lượng chất xám trong hàng hóa xuất khẩu nó tụ hầu hết vào sản phẩm của khối FDI. Nếu thể chế kinh tế tốt, Việt Nam sẽ có những doanh nghiệp mạnh về tài chính để mua lại những doanh nghiệp FDI. Nếu có nền giáo dục tốt thì các doanh nghiệp trong nước mới có đủ tiềm lực để tiếp quản và phát triển những giá trị công nghệ đã mua lại của các doanh nghiệp FDI.

Đó chính là nền tảng để xây dựng nền kinh tế Việt Nam vững mạnh với nội lực thâm hậu có thể làm chủ công nghệ. Dù có lập "Bộ khoa học công nghệ" trong bộ máy nhà nước hay có lập thêm "ban khoa học công nghệ" trong bộ máy đảng thì Việt Nam vẫn không thể làm chủ công nghệ. Chữa bệnh mà chỉ chữa triệu chứng thì không bao giờ hết bệnh.

Đỗ Ngà

Nguồn : quyenduyocbiet, 30/05/2021

Tham khảo :

https://vneconomy.vn/bai-3-vi-sao-chua-co-cong-nghiep...

Published in Diễn đàn

Vì sao chủ nghĩa dân túy trỗi dậy khắp nơi ? Không phải là do người dân mắc bẫy.

theche1

Minh họa : Financial Times.

Các học giả phương Tây trong khoảng 5 năm trở lại đây dành khá nhiều thời gian để lý giải sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy ở khắp nơi, từ Châu Âu, Hoa Kỳ, Châu Mỹ Latin đến Nam Á và Đông Nam Á. Vấn đề là, hai trường phái lý thuyết phổ biến nhất hiện nay đều được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của phương Tây.

Một là nhóm lý thuyết về "bất mãn kinh tế" (economic grievance), cho rằng quá trình toàn cầu hóa và sự di động của tư bản, việc làm khiến cho một bộ phận người lao động bị bỏ lại phía sau. Những người có cảm giác bị chính xã hội mình từng xây dựng bỏ rơi sẽ rất dễ rơi vào bẫy dân túy của các chính trị gia.

Hai là nhóm lý thuyết về "xung đột văn hóa" (cultural backlash), khẳng định nguồn dinh dưỡng chủ yếu nuôi lớn chủ nghĩa dân túy là sự khác biệt về quan điểm, kỳ vọng văn hóa, cùng với sự khác biệt về quan điểm chính trị giữa các vùng nông thôn bảo thủ và các khu vực đô thị thịnh vượng, cởi mở.

theche2

Tiến sĩ Roberto Stefan Foa, tác giả của nghiên cứu "Why Strongmen Win in Weak States". Ảnh : UNESCO Inclusive Policy Lab.

Tiến sĩ Roberto Stefan Foa – giáo sư ngành chính trị học và chính sách công thuộc trường Đại học Cambridge – cho rằng cả hai nhóm lý thuyết này vẫn không giải thích được vì sao chính trị võ biền và chủ nghĩa dân túy lại phát triển mạnh ở các quốc gia đang phát triển.

Trong nghiên cứu "Why Strongmen Win in Weak States" vừa công bố đầu năm 2021 trên tạp chí Journal of Democracy, Tiến sĩ Foa chỉ ra rằng những nhóm ủng hộ chính trị gia mạnh bạo (strongmen) không chỉ là các cá nhân bị dày vò hay bị bỏ rơi về mặt kinh tế. Những chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, các chuyên gia và những người thợ lành nghề ở thành thị đều nằm trong những nhóm ủng hộ viên nhiệt thành của các "strongman" như Rodrigo Duterte tại Philippines, Vladimir Putin tại Nga hay Narendra Modi tại Ấn Độ.

Dân chủ hóa khác với xây dựng thể chế ? Ba điều cần cẩn trọng

Có quá nhiều ví dụ để cho rằng xây dựng thể chế cùng lúc với quá trình dân chủ hóa là một quyết định đúng đắn. Đài Loan, Hàn Quốc, các nền cộng hòa Baltic hay Indonesia đều là những thành công điển hình.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Tiến sĩ Foa chỉ ra hầu hết những quốc gia khác sau làn sóng dân chủ hóa ở Châu Mỹ Latin, Châu Phi hay Đông Âu đều không thể sao chép mô hình thành công nói trên. Từ kiểm soát tham nhũng đến kiểm soát tội phạm, từ quản lý kinh tế đến tăng cường độ vững chắc của cấu trúc chính thể, các chính quyền được nhân dân đề cử một cách minh bạch lại vấp phải những thất bại vô cùng nặng nề.

Theo tác giả, có ba yếu tố quan trọng dẫn đến hiện tượng trên.

Thứ nhất là chủ nghĩa bảo trợ (clientelism).

Các chính đảng mới thắng lợi khi thành lập chính phủ có xu hướng biến quyền lực nhà nước mới nhận được trở thành một nguồn cung ứng lợi ích cho các ủng hộ viên của mình. Từ sản phẩm dân sinh, đến các hợp đồng nhà nước và các chức danh công cộng, việc chính đảng đi vào con đường của chủ nghĩa bảo trợ dễ dàng khiến cho bộ máy nhà nước non trẻ rơi vào tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực nhà nước.

Chúng ta có thể kể đến cách mà Hugo Chavez ban phát các chương trình trợ cấp chính phủ và tiền bạc cho những tỉnh thành ủng hộ ông. Mặt khác, chính đảng lừng danh một thời của Nelson Mandela, African National Congress, cũng dùng quyền lực của nhà nước dân chủ mới để thâu tóm lợi ích vào các nhóm thân hữu nhỏ nội đảng.

theche3

Hugo Chavez, người lãnh đạo Venezuela suốt từ năm 1999 cho đến khi ông qua đời năm 2013. Ảnh : Getty Images.

Những hành vi kể trên không chỉ bóp méo hình ảnh nhà nước và chức năng thật sự của một chính quyền. Chúng làm xói mòn niềm tin của quần chúng vào thể chế dân chủ mới và đẩy họ vào vị trí trở thành cảm tình viên của các diễn ngôn dân túy có thể được phát triển sau đó.

Thứ hai, ngay cả khi chính quyền mới không phân bổ lợi ích kinh tế để mua chuộc sự ủng hộ chính trị từ các nhóm dân cư, việc tấn công vào tính độc lập của những chính thể nhà nước cũng để lại các hệ quả không nhỏ. Đó là yếu tố thứ hai có thể dẫn đến thất bại của những chính quyền mới.

Ví dụ, tại Ukraine, chính quyền mới vào năm 2014 đã thanh trừng gần 700 quan chức nhà nước từ trung ương đến địa phương đơn giản vì họ từng phục vụ trong hệ thống của vị Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych.

Hay ở Hungary, Viktor Orbán cáo buộc hệ thống tòa án và nhiều cơ quan dịch vụ dân sinh là thế lực cộng sản "tàn dư", và vì vậy cần phải bị thanh tẩy.

Yếu tố cuối cùng, chính là năng lực trị an của chính quyền dân chủ.

Một chính quyền dân chủ không có ý nghĩa gì nếu đời sống an bình của người dân luôn bị đe dọa. Như ở Brazil, chỉ sau 5 năm dân chủ hóa, tội phạm có tổ chức và tội phạm vũ lực trỗi dậy mạnh mẽ. Tỷ lệ tội phạm giết người tăng gấp đôi, từ 10 lên đến 20 người trên 100.000 dân số. Nó chạm ngưỡng 30/ 100.000 vào năm 2018, khi ông trùm dân túy Bolsonaro được người dân Brazil bầu chọn.

theche4

Khi người dân Brazil bỏ phiếu bầu Bolsonaro, đất nước đang trải qua tình trạng tội phạm nghiêm trọng. Ảnh : Cris Faga/ Zuma Press.

Dù đáng tiếc rằng tác giả Foa không đi sâu vào phân tích các vấn đề liên quan đến xây dựng thể chế song song với dân chủ hóa, người viết cho rằng phần này của nghiên cứu đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam và những kỳ vọng dân chủ hóa Việt Nam.

Có một điều chắc chắn rằng bất kỳ chính đảng hay tổ chức chính trị nào có thể thay thế Đảng Cộng sản trong tương lai đều có thể biến quyền lực nhà nước vừa nắm giữ trở thành nguồn cung cấp tài nguyên và lợi ích riêng cho nhóm ủng hộ viên của mình.

Thêm vào đó, bài toán hóc búa về việc xác định một thái độ đúng đắn với bộ máy công quyền đã hoàn toàn bị Đảng Cộng sản chính trị hóa. Đó là bài toán phải giải nếu chúng ta không muốn đi vào vết xe đổ của các chính quyền dân chủ thất bại nói trên.

Dân túy và dân chủ : Chưa học đi đã tập chạy ?

Theo Tiến sĩ Foa, một khi chúng ta cân nhắc những thất bại về mặt thể chế của các chính quyền dân chủ mới, sự trỗi dậy của chính trị dân túy và các chính trị gia võ biền tại các quốc gia đang phát triển trở nên dễ hiểu hơn rất nhiều.

theche5

"Duterte – Tổng thống của tôi". Một người dân Philippines giơ biểu ngữ ủng hộ Tổng thống Duterte năm 2017. Ảnh : EPA.

Sự ủng hộ cuồng nhiệt của một bộ phận đáng kể người dân Nga dành cho Putin không phải nằm ở những diễn ngôn xa hoa về giới tinh hoa hay thường dân như tại Hoa Kỳ. Người ta cho rằng Putin đã thành công trong việc lập lại một xã hội có trật tự, giải quyết được những phiếu lương chậm trả đã hàng thập niên, bạo lực đô thị và nạn tham nhũng cơ sở thâm căn cố đế của Nga.

Tại Philippines, ma túy – nỗi bất an của cư dân đô thị cùng tỷ lệ tội phạm giết người tăng mạnh suốt 10 năm qua là nền tảng để 7 trên 10 người Philippines tiếp tục ủng hộ cuộc chiến chống ma túy của Duterte, mặc kệ những phản đối liên quan đến thiệt hại nhân mạng của cuộc chiến.

Cũng tương tự, người dân Brazil chọn Bolsonaro một cách áp đảo không phải vì những quan niệm bảo thủ liên quan đến đồng tính hay nạo phá thai. Họ chọn Bolsonaro đơn giản vì không chính trị gia nào suốt những năm qua giải quyết êm thấm được nạn buôn ma túy và tội phạm có tổ chức tại quốc gia lớn nhất Nam Mỹ này.

Trên cơ sở đó, tác giả nghiên cứu chứng minh tính hấp dẫn đương nhiên của các diễn ngôn dân túy (ví dụ như pháp luật, trật tự trên hết ; duy trì ổn định xã hội bất kể cái giá của nhân quyền) tại các quốc gia đang phát triển. Rõ ràng tại nơi mà năng lực quản lý nhà nước còn "bữa đực bữa cái", dân chủ bản thân nó cũng có thể chỉ là một diễn ngôn dân túy mà thôi.

theche6

Biểu đồ thể hiện tương quan giữa chỉ số kiểm soát tham nhũng và tỉ lệ phiếu bầu cho các đảng dân túy. Nguồn : Roberto Stefan Foa (2021).

Sơ đồ phía trên so sánh tương quan giữa chỉ số kiểm soát tham nhũng và tỷ lệ phiếu bầu cho các đảng dân túy. Nhìn vào đó, chúng ta nhanh chóng nhận ra rằng dân túy hay không không liên quan đến thành thị – nông thôn, cấp tiến – bảo thủ. Vấn đề là nhà nước đó có đang vận hành một cách trơn tru và minh bạch hay không.

*** 

Tác giả Roberto Stefan Foa không vì thế mà mất hy vọng với quá trình dân chủ hóa. Song điểm thú vị nhất là ông lại tin vào sự phát triển và vận động tự thân của chính các nền chính trị dân túy.

Ông lý giải, dù các phong trào dân túy có mang tính chất toàn trị hay không, nó vẫn luôn là thỏi nam châm thu hút các cá nhân có tư duy cải cách kinh tế lẫn chính trị. Đôi khi, điều này mang lại những thành tựu nhất định.

Mặc khác, tác giả cũng cho rằng các nhánh dân túy cánh hữu sau một khoảng thời gian cầm quyền thường có xu hướng trung lập hóa để tạo nền tảng chính trị cho các nhóm chính trị bảo thủ khác, từ đó tạo nên mô hình dân chủ đa đảng khá ổn định.

Không chỉ vậy, cũng cần thừa nhận vai trò rất lớn của các nhà cải cách từ bên trong của các chính đảng dân túy. Lãnh tụ Soviet Mikhail Gorbachev hay Lý Đăng Huy ở Đài Loan đều là những minh chứng cho thấy tiềm năng dân chủ hóa nội đảng.

Các lập luận trên thể hiện sự tin tưởng có phần thiếu căn cứ của tác giả vào sự chờ đợi. Nhưng chờ thì đến bao giờ ?

Vincente Nguyen

Nguồn : Luật Khoa, 18/03/2021

Published in Diễn đàn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong thảo luận tại tổ về dự thảo luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vào sáng ngày 11/11 cho hay : ‘Tôi nói nhiều lần, thể chế bây giờ rất quan trọng. Nếu gỡ được thể chế thì không khí đầu tư rất tốt’.

Ông cũng dẫn quan điểm của Nhà kinh tế học Robinson, ‘một quốc gia thịnh vượng hay không thì vấn đề đầu tiên chính là thể chế’.

theche1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh minh họa

Thể chế kinh tế ?

Căn cứ vào cách mà Thủ tướng Phúc diễn giải, thì đó mới chỉ là thể chế trong mảng kinh tế. Cụ thể là hệ thống pháp chế (hiến pháp, bộ luật, luật,..).

Thực trạng của Việt Nam là thời gian ra luật và điều chỉnh luật thời ngắn, các văn bản luật cho ra đời rất nhiều. Và bản chất hệ thống pháp chế Việt Nam là một ‘rừng luật’, nhưng hành xử lại theo ‘luật rừng’. Khả năng áp dụng pháp luật ở hệ thống cơ quan công quyền ngay trong mảng đầu tư là rất kém, xuất hiện nhan nhanr tình trạng mà độc giả báo Thanh Niên, Hoa Rừng chia sẻ : ‘Trên trải thảm dưới rải đinh’, các nhà đầu tư sợ nhất cái vụ này. Các ông ở dưới địa phương không ‘rải đinh’ thì sao có tiền bỏ túi riêng.

Thực tế, tình trạng càng ra luật thì nạn luật rừng không cải thiện mà còn diễn biến phức tạp.

Cơ chế ‘xin-cho’, tình trạng cửa quyền, lạm quyền, lợi ích nhóm trong lĩnh vực chính trị - quyền lực – kinh tế diễn biến theo hướng ‘thiên biến vạn hóa’ khiến ‘cải cách’ không theo đuổi được ‘cải lùi’.

Điều này xuất phát từ đâu, có phải là cơ sở xây dựng của nhà nước pháp quyền có vấn đề ? Mà trong đó, nguyên tắc không ai đứng ngoài hoặc trên pháp luật bị bẻ gãy ? Sự độc lập hoạt động của các cơ quan tư pháp, hành pháp và tư pháp được bảo chứng như thế nào từ trong hiến pháp ra ngoài thực tiễn ?

Xa rời và chắp vá ‘pháp quyền’ khiến cho toàn bộ nội dung thuộc về ‘thể chế kinh tế - xã hội’ trở nên u ám với nhà đầu tư, và ngay cả trong phát triển xã hội.

Phải là gỡ rối ‘thể chế chính trị’

Rất khó để điều chỉnh thể chế theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, khi mà thể chế chính trị vẫn giữ nguyên bản chất. Sự đổi mới từ năm 1986 trên thể chế kinh tế - xã hội đang cạn kiệt trước sức nóng và áp lực của hội nhập, phát triển kinh tế, trước cả sự tham nhũng nội tại và tinh thần pháp quyền đứng dưới đảng quyền.

Để trải thảm nhà đầu tư, thay đổi cơ chế chính trị chính là điều cần hướng đến. Chỉ khi chính trị thay đổi, thì khi cơ chế kinh tế - xã hội mới biến đổi theo hướng hòa hợp các lợi ích của cộng đồng với nhà nước và nhà đầu tư.

Hội nghị lần 6, Ban chấp hành Trung ướng Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa VI) đã chỉ ra : Chúng ta tập trung sức làm tốt đổi mới kinh tế, đồng thời từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị. Không thể tiến hành cải cách hệ thống chính trị một cách vội vã khi chưa đủ căn cứ, mở rộng dân chủ không có giới hạn, không có mục tiêu cụ thể và không đi đôi với tập trung thì dẫn đến sự mất ổn định về chính trị, gây thiệt hại cho sự nghiệp đổi mới.

Tính đến thời điểm hiện nay là 33 năm, và thực tiễn cho thấy chiếc áo thể chế chính trị đã quá chật chội so với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Và đây phải là ‘căn cứ’ để tiến hành cải cách hệ thống chính trị, đảm bảo mục tiêu – sự nghiệp đổi mới toàn diện, khách quan.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh trong bài trả lời phỏng vấn TheLeader cuối năm 2017 cũng đề cập đến kỳ vọng ‘cải cách thể chế để phát triển bền vững, tránh tụt hậu xa về kinh tế.’ Cải cách gì để có thể phát triển bền vững (xã hội) và tránh tụt hậu (kinh tế) nếu đó không phải là cải cách kinh tế.

Một quốc gia mà muốn thúc đẩy sự sáng tạo, chấp nhận sự tranh luận để thích nghi với cuộc cách mạng 4.0 chỉ khi và khi quốc gia đó lột chiếc áo thể chế chính trị cũ và mang vào chiếc áo mới phù hợp với thời đại hơn.

Có thể Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhóm ‘đồng chí’ của ông vẫn nhìn sang Trung Quốc và mong muốn học hỏi mô hình giữ vững chính trị trong khi tăng trưởng đều qua các năm. 

Đây chính là vấn đề !

Khó thịnh vượng kinh tế và ổn áp xã hội

Một số quốc gia được đánh giá ‘không tự do’ nhưng tạo thu nhập cao cho công dân.

Trung Quốc, quốc gia mà theo IMF dự đoán vào năm 2020, 1,8 tỷ dân nước này sẽ có thu nhập bình quân là trên 20.000 USD. Trung Quốc vẫn có thể duy trì một nền kinh tế thị trường cạnh tranh, trong khi giữ vững độc tài cai trị ?

Thế nhưng, nhà phân tích Edward Hadas của Reuters diễn giải điều này qua quan điểm dân chủ và thịnh vượng của Torben Iversen và David Soskice.

Một là, chính phủ dân chủ và thị trường cạnh tranh thực sự hòa hợp. Không phải ngẫu nhiên mà mọi nền kinh tế tiên tiến đều có một hệ thống đa đảng gồm chính phủ đại diện. Điều này đảm bảo rằng tất cả các tầng lớp kinh tế và các nhóm lợi ích đều có tiếng nói và khuyến khích các thỏa hiệp cần thiết để giữ hòa bình xã hội khi nền kinh tế phát triển

Hai là, dân chủ có thể được phát triển cùng với nền kinh tế. Sự phát triển của một tầng lớp ưu tú, phần lớn là thành thị trong thời đại công nghệ thông tin và truyền thông hiện nay đang mang đến những thay đổi chính trị hơn nữa.

Trong hai ý này, nếu đặt trong bối cảnh Việt Nam có thể thấy nhà nước Việt Nam chưa điều hòa được các lợi ích thuộc các tầng lớp kinh tế, và thỏa hiệp gần như không có trong lĩnh vực đất đai.

Thứ nhất, vấn đề Thủ Thiêm không đơn thuần là tham nhũng, nó gắn liền với Điều 62 Luật đất đai 2013 (Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng), điều luật ưu ái lợi quyền cho nhà đầu tư sừng sỏ gắn liền với giới quan chức cao cấp, trong khi bỏ quên quyền lợi người dân và nhà đầu tư nhỏ lẻ. Thủ Thiêm trở thành sân chơi của những ông lớn và lợi ích đất đai (thuộc sở hữu toàn dân) chứ không còn là ‘lợi ích công cộng’ nữa.

Thứ hai, tầng lớp trung lưu Việt Nam theo dự báo của Ngân hàng Thế giới sẽ chiếm 50% dân số vào năm 2035 [1]. Điều này có nghĩa, Việt Nam phải đảm bảo môi trường làm ăn cho tầng lớp này, đồng thời thỏa mãn khả năng tìm kiếm tự do của tầng lớp trung lưu.

Vậy thể chế chính trị, cái đang cấm đoán xã hội dân sự, coi đa nguyên là điều ‘cấm kỵ’, coi biểu tình và tự do lập hội là ‘nhạy cảm’, coi ‘công đoàn độc lập’ là yếu tố nguy hại cho quyền lực đảng thay vì chấp nhận tất cả điều đó như là một trật tự tự nhiên của một nhà nước kiến tạo, giải quyết hài hòa các lợi ích của cộng đồng thì liệu đó có phải là nguồn gốc của mất trật tự và bất ổn chính trị, nền kinh tế trong tương lai ?

Chính phủ Việt Nam vào tháng 9.2019 vừa qua đã ‘phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR) và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc’, nhưng thể chế chính trị ‘sợ cạnh tranh’ đã khiến cho quyền dân sự và chính trị tồn tại rất hạn chế ở Việt Nam, chủ yếu trong những mảng ‘vô hại’ mà nhà nước Việt Nam hướng tới như LGBT, người khuyết tật.

Hãy nhìn sang Trung Quốc, ‘anh cả’ về đổi mới kinh tế không đi kèm thay đổi chính trị đã và đang vật vã như thế nào trong thương chiến Mỹ - Trung ? Khi mà giá trị nội tại của nền kinh tế và bền vững xã hội liên quan đến sự cạnh tranh (đảng phái) và giám sát xã hội (xã hội dân sự) – hai yếu tố góp phần dung dưỡng tính sáng tạo của nền kinh tế để tạo nên nội lực kinh tế - xã hội nói chung đã bị tước bỏ để phục vụ cho quyền lực cá nhân và độc tài toàn trị.

Trường hợp của Việt Nam cũng tương tự, dù Thủ tướng có ‘chuyên tâm’ đôn đốc và chỉ đạo ‘thể chế, thể chế, thể chế’, nhưng nếu là về mảng pháp chế thì vẫn sẽ tồn tại hiện tượng ‘trên nóng dưới lạnh’, trong tình cảnh ‘trên rải thảm, dưới rải đinh.’

Nguyễn Hiền

Nguồn : VNTB, 19/11/2019

Chú thích :

[1] http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=321120

[2] http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Tang-cuong-thuc-thi-hieu-qua-Cong-uoc-ICCPR/20199/26583.vgp

Published in Diễn đàn