Lời giải cho thần chú "vắc-xin tốt nhất là vắc-xin sớm nhất"
Sau thắng lợi vĩ đại "chống dịch như chống giặc" về kinh tế, nhân mạng, niềm tin và sức chịu đựng của nhân dân, lãnh tụ anh minh đã chuyển sang "sống chung với dịch" bằng thần chú "vắc-xin tốt nhất là vắc-xin sớm nhất" giúp bạn vàng tiêu thụ hàng chục triệu liều vắc-xin ế ẩm, tạo ra con số ảo rất đẹp về tỉ lệ phủ vắc-xin, bất chấp những thực tế và các nghiên cứu khoa học cho thấy hiệu lực bảo vệ của vắc-xin Tàu rất kém. Hiện nay, số ca nhiễm Covid-19 lại tăng nhanh. Đặc biệt đáng lưu ý là tỉ lệ tử vong cao, trong đó có nhiều người đã tiêm đủ vắc-xin. Thêm đám mây đen mới cho dân tộc khi khoa học dịch tễ chỉ là bình phong, chống dịch là trò chơi chính trị.
AFP
Đất nước đang trong những ngày hội vui đáo để có một không hai trên hành tinh cổ lỗ u tối này. Đoàn tàu sắt Cát Linh sau 13 năm trơ gan cùng tuế nguyệt đã chuyển bánh ít rung lắc, chở hàng vạn dân Hà Nội du hành miễn phí để dân Thành phố Hồ Chí Minh phải thòm thèm như thèm húp phở sùm sụp bất chấp 5K. Quan Bộ trưởng giữ thanh kiếm và lá chắn của triều đình đi công vu há miệng táp miếng thịt bò giá trị hàng chục tấn gạo cho kẻ xấu lợi dụng quay clip tuyên truyền xuyên tạc. Quan Thượng tọa Phật Giáo quốc doanh ở cực Bắc, Hà Giang, nhận tiền chạy án cho quan bác sĩ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Phiên họp Quốc hội đủ màn đủ cảnh với những phát biểu ngây ngất cả trời xanh. Bộ học đề nghị dịch vụ hóa dạy thêm. Bộ Y lo chống dịch nên quên quản giá kít ngoáy mũi…
Nhưng những màn hí lộng đắt đỏ hơn cả vua Trụ, Kiệt đốt gian sơn mua vui cho Đắc Kỷ, Bao Tự không mua được của người dân nụ cười trọn vẹn. Người dân mới cười nửa miệng đã thắc thỏm lo dịch quay trở lại. Số ca nhiễm tăng, nhập viện tăng. Các địa phương nhốn nháo tái lập khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Hà Nội hạ màn tàu nhanh, cuống cuống truy vết khách hàng karaoke. Nhưng chấn động, sốc hàng với mọi người là mẩu tin về tình trạng nhiều người tiêm đủ vắc-xin vẫn bị tử vong.
Ngày 12/11 "Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận một số bệnh nhân Covid-19 tử vong đã tiêm đủ hai mũi vắc xin. Cụ thể, trong 38 ca tử vong vào ngày 9/11, có hai người tử vong đã tiêm một mũi vắc xin ; 10 người tử vong đã tiêm đủ hai mũi vắc xin (đều trên 50 tuổi và có bệnh nền)" (1).
Báo Dân Trí thống kê hai ngày 10-11/11có đến 17 người tiêm hai mũi vắc-xin đã tử vong.
Mới đọc qua, dư luận xôn xao, có người chê cách đưa tin lẩy con số thống kê này chưa khoa học, gây hiểu nhầm. Một số báo khác dẫn ý kiến cơ quan chức năng đính chính, giải thích do tỷ lệ tiêm vắc-xin cao nên nhiều người đã tiêm tử vong là bình thường.
Nhưng ngày hôm sau, báo này dẫn giải thêm chi tiết làm người ta thật sự choáng váng : "cho đến nay, qua khảo sát chưa ghi nhận, ca tử vong ở người mắc Covid-19 đã tiêm đầy đủ hai mũi AstraZeneca, với vắc xin Pfizer có ghi nhận ít nhất một ca tử vong nhưng đây là trường hợp bệnh nhân có nhiều bệnh nền. Có một số trường hợp tử vong ở người đã tiêm vắc xin loại khác và đủ mũi" (2).
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Viện Grant Úc) đã đọc vị được sự thật đằng sau những dòng chữ trên và đã bình luận trên Facebook :"Câu hỏi đặt ra là "vắc-xin khác" là vắc-xin nào ? Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai tiêm vắc-xin AstraZeneca, Pfizer, Moderna và vắc-xin Tàu (Vero Cell). Vắc-xin Pfizer và Moderna là một loại (mRNA). Vậy có phải 'vắc-xin khác' ở đây là Vero Cell ?
Lạ một điều là báo Tuổi Trẻ không nói ra, nhưng chúng ta ai cũng đoán được" (3).
Lập luận loại suy của Giáo Sư Tuấn rất đáng chú ý, và bổ sung cho lập luận này còn có chi tiết khá đặc biệt trong bản tin nêu trên là "10 người tử vong đã tiêm đủ hai mũi vắc xin (đều trên 50 tuổi và có bệnh nền)".
Tại sao lại lấy cột mốc trên 50 tuổi, mốc này có liên hệ gì trong tiêm vắc xin ? Theo các quy định của ngành y tế về tiêm vắc-xin xưa nay không có một mốc 50 tuổi này.
Theo quy định thì chỉ có cột mốc trên 65 tuổi được ưu tiên tiêm các loại vắc-xin viện trợ. Ngày 9/2/2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký Quyết định 12/10/2021 cho 11 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm phòng vắc xin Covid-19 gồm 11 đối tượng trong đó đối tượng thứbảylà Người trên 65 tuổi.
Ngày 8/7/2021, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Quyết định 3355/QĐ-BYT về việc ban hành kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm 2021-2022 mở rộng thêm một số đối tượng trong đó có " Người mắc các bệnh mạn tính ; Người trên 65 tuổi" (4).
Các lọ vắc-xin Vero Cell của hãng Sinopharm (Trung Quốc) ở Việt Nam. AFP
Ngược thời gian trở lại trung tuần tháng 8, khi Thành phố Hồ Chí Minh cạn nguồn vắc-xin viện trợ và bất ngờ âm thầm chích Vero Cell mà Vạn Thịnh Phát mua tặng cho dân nhưng đưa nhân viên của mình tiêm vắc-xin Astra bị người dân phản ứng tẩy chay.
Giới khoa học trong ngoài nước cũng lên tiếng phản biện về sự thiếu minh bạch trong đánh giá, nghiên cứu của các loại vắc-xin Vero Cell và chỉ ra hiệu quả bảo vệ rất kém cho người được tiêm. Tiêu biểu là Tiến sĩ ngành Sinh hc Phân tử trong Y học Nguyễn Hồng Vũ (hiện đang trong nhóm nghiên cứu về vắc-xin Covid-19 tại viện nghiên cứu City of Hope, USA) chia sẻ : "Tôi đưa ra lời khuyên là chỉ sử dụng vắc-xin Trung Quốc khi không có lựa chọn nào khác và phải hết sức cẩn thận khi sử dụng vắc-xin này. Đặc biệt, không nên sử dụng cho nhân viên y tế tuyến đầu vì không bảo vệ được bao nhiêu".
Về lựa chọn cho cá nhân, ông chia sẻ :"Nếu lúc này tôi đang ở Việt Nam và chỉ có vắc-xin của Sinopharm, mà tôi thì không ra ngoài, không tiếp xúc với ai, luôn thực hiện 5K và thấy rằng nguy cơ nhiễm không cao, thì tôi sẽ hoãn việc tiêm vắc-xin này" (5).
Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên có cách tiếp cận mềm mại hơn :"Thông tin loại vắc xin trước, người dân đồng ý thì đến tiêm" (6).
Hệ quả là các điểm tiêm vắc-xin Tàu vắng như chùa bà Đanh.
Lãnh tụ anh minh đã quyết liệt thúc đẩy chiến dịch tiêm vắc-xin Tàu. "Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải tiếp cận bình đẳng tất cả các loại vắc xin, vắc xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất" (7).
Truyền thông Nhà nước lập tức lên đồng quảng bá cho vắc-xin xin Tàu như loại thánh dược thậm chí sửa cả hình ảnh minh họa của các hãng thông tấn nước ngoài dán nhãn vắc-xin Tàu. Một số tỉnh thành như Hải Phòng, Bình Dương phải làm cò mồi ra văn bản xin Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ vắc-xin Tàu…
Từ đó đến nay truyền thông lề phải luôn nhai đi nhai lại câu thần chú "vắc-xin tốt nhất là vắc-xin sớm nhất". Một phát kiến đánh lận con đen tầm cỡ với "trăng nước Nga tròn hơn trăng nước Mỹ".
Nhưng đòn quyết định là những biện pháp phong tỏa ngặt nghèo với kẽm gai, quân đội và quy định giấy thông hành vắc-xin đã đẩy người dân không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh mà cả nước phải ngậm ngùi cúi đầu đi tiêm vắc-xin Tàu để được đi lại, lao động… Thế là loáng một cáinăm triệu liều của Vạn Thịnh Phát hết sạch. Chính phủ phấn khởi nhập thêm 30 triệu liều Vero Cell. Lúc này các diện quan chức, ưu tiên đã tiêm xong các loại Anh, Mỹ. Chỉ còn lại dân đen nên phương thức phổ biến là người trên 65 tuổi chích các loại khác, dưới 65 đều là vắc-xin Tàu. Vì vậy dân gian đã cải biên câu ca dao thể hiện sự công bằng trong phân phối hàng hóa thời bao cấp là :
Tông Đản là của vua quan,
Nhà Thờ là của trung gian nịnh thần.
Đồng Xuân là của thương nhân,
Vỉa hè là của nhân dân anh hùng.
Thành ra :
Prai giờ là của vua quan,
Mo đờ là của trung gian nịnh thần.
As tra là của thương nhân,
Si nồ là của nhân dân anh hùng
Vì sao người ta lại cố ý rúng ép nhân dân phải tiêm một loại vắc-xin kém hiệu quả mà nhiều nước trên thế giới ngay cả những nước lân cận như Thái Lan, Campuchia, Philippin… đã thấm đòn thất bại và đã quay lưng từ chối ? Vì sao người ta vét ngân khố, vét tiền huy động của dân để mua loại vắc-xin giá cao hiệu quả kém theo khẩu hiệu "tốt nhất là sớm nhất" ?
Bác sĩ Võ Xuân Sơn, một thầy thuốc ngoài quốc doanh hết lòng giúp dân chống dịch với chương trình "Oxy cho sự sống" và mạnh dạn phản biện các biện pháp chống dịch của nhà cầm quyền đã tự trả lời :
"Tôi mới vỡ ra, rằng mục tiêu của việc chích vắc-xin là chích cho xong hai mũi vắc-xin. Nên chỉ cần chích làm sao để mỗi người đều được chích hai mũi vắc-xin là xong. Thảo nào mà có thời người ta bàn nhau chích "trộn" vắc-xin. Miễn là cứ hai mũi là OK, còn mũi một và mũi hai là gì thì cứ ký cam kết là chích.
Cũng để hoàn thành mục tiêu này, người ta đã đưa ra khái niệm "vắc-xin tốt nhất" (8).
Con số một ngày đã có đến 11 người đã tiêm vắc-xin tử vong là tín hiệu báo động về hậu quả của việc lẫn lộn vàng thau, cứ tiêm cho lấy có, sớm nhất là tốt nhất, bất cần chất lượng. Nhưng chưa phải đã hết, vẫn còn con số khác đáng sợ không kém song hành.
Ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh còn thông tin 86% bệnh nhân nhập các bệnh viện điều trị Covid-19 tầng hai tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm ít nhất một mũi vắc-xin (thống kê trong hai ngày 10-11/11/2021).
Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến tỉ lệ tử vong, và cho rằng tỉ lệ này ở Thành phố Hồ Chí Minh còn hơi cao. Cụ thể nếu nhưso sánh với Singapore, có tỉ lệ tiêm chủng tương đương nhưng số tử vong trên người mắc chỉ khoảng 2/1.000. Còn tại Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh, tỉ lệ hiện tại là 2/100 (theo thống kê của Bộ Y tế đến ngày 15/11, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam chiếm 2,2% so với tổng số ca nhiễm)(9).
Covid-19 không phải là đảng viên. Vắc-xin không phải là nghị quyết hay 19 điều cấm nên thực tế thần chú "vắc-xin tốt nhất là vắc-xin sớm nhất" là nhận thức khoa học sai lầm. Là diễn ngôn chính trị bịp bợm.
Nếu cứ gắn cái tên vắc-xin sẽ chặn được Covid thì CDC, FDA cũng Mỹ không việc gì phải cân lên đặt xuống trước mỗi quyết định cấp phép chứng nhận, cho chích tăng cường, mở rộng đối tượng. Các nước công nghiệp phát triển không dại gì xếp hàng chờ mua Pfizer, Moderna, Astra mà sẽ nhà nhà tự lực sản xuất vắc-xin. Luật sư Trương Trọng Nghĩa là đại biểu Quốc hội duy nhất có phát biểu khác là : "Vắc-xin tốt nhất phải là vắc-xin hiệu quả nhất".Rất tiếc, quan điểm đúng đắn này không vang lên trên diễn đàn Quốc hội mà chỉ thể hiện trên bài báo trong mục Thời sự và suy nghĩ của báo Tuổi Trẻ trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.
Hậu quả nghiêm trọng của việc ồ ạt tiêm hàng chục triệu liều Vero Cell là đã tạo ra cho Việt Nam con số giả, dữ liệu giả về tỉ lệ phủ hai mũi vắc-xin trên 80% dân số. Những kế hoạch chống dịch, phục hồi kinh tế dù đúng đắn đến mấy nhưng dựa trên nền dữ liệu này sẽ là lâu đài trên cát. Kinh nghiệm gần nhất là dự báo khoa học tháng bảy hết dịch của Fulbright vừa qua. Hậu quả của các sai lầm ấy sẽ là sinh mạng của hàng vạn người dân và sự sụp đổ của nền kinh tế đang suy kiệt.
Nếu có chút lương tâm, trách nhiệm, phải thừa nhận sự thật. "Vắc-xin tốt nhất phải là vắc-xin hiệu quả nhất". Phải khẩn trương học theo cách thức mà các nước khác đã làm. Nói không với Vero Cell và các loại vắc-xin kém chất lượng. Phải tiêm liều thay thế cho những người đã lỡ tiêm Vero Cell.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 17/11/2021
1. https://tuoitre.vn/tin-sang-13/11-tp-hcm-ung-pho-sao-khi-ca-covid-19-tang-lai-20211110195345561.htm
2. https://tuoitre.vn/ngan-bung-dich-giam-tu-vong-20211113082203105.htm
3. https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1359713331142647
4. https://vnvc.vn/doi-tuong-nao-duoc-uu-tien-tiem-vac-xin-covid-19/
5. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58228061
6. https://tuoitre.vn/bi-thu-nguyen-van-nen-nen-thong-tin-loai-vac-xin-truo...
7. https://nld.com.vn/chinh-tri/thu-tuong-vac-xin-tot-nhat-la-vac-xin-duoc-...
8. https://safechat.com/u/bs.xuan.son?fbclid=IwAR35q5_xpEtapW1AcY5168i6oJnY...
Trong công văn Ủy Ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (UBND Thành phố Hồ Chí Minh) trả lời Bộ Y tế về việc mua năm triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Moderna vào ngày 11/8, lãnh đạo thành phố lớn nhất cả nước đã kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành quy định cụ thể giá dịch vụ tiêm chủng.
Reuters/Thanh Huệ
Theo đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị Bộ Y tế cho phép Tập đoàn Vinacapital và Sapharco sau khi nhập vắc-xin Moderna về Việt Nam thì được phép tổ chức thu phí tiêm vắc-xin theo cơ chế ‘mua năm liều tặng xã hội một liều’.
Trao đổi với RFA từ Hà Nội, Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), bác sĩ dịch tễ từng làm cho Viện vệ sinh dịch tễ và vắc-xin, Bộ Y tế khẳng định đề xuất tiêm dịch vụ của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không được phê duyệt.
"Tôi cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh đang đứng trước nguy cơ dịch nên họ đang tìm mọi cách để tiêm nhanh lên thì họ đề nghị như thế, họ đề nghị thì cứ đề nghị thôi. Nhưng đứng về mặt dịch tễ học và hệ thống y tế tính hiệu quả thì tôi nghĩ Bộ Y tế không cho.
Bọn tôi ngoài đây cũng đang vận động (không tiêm dịch vụ), cũng biết nhiều ý kiến đề nghị tiêm dịch vụ nhưng tôi nghĩ rằng cho đến nay Bộ Y tế vẫn đang khá thống nhất tiêm miễn phí, không tiêm dịch vụ.
Doanh nghiệp thì bao giờ họ chẳng tận dụng cơ hội khác nhau để làm kinh tế, đó là chuyện của họ, còn người làm chính sách sẽ phải cân nhắc".
Một người dân không muốn nêu tên đang sống tại Sài Gòn cũng cùng quan điểm không đồng tình với đề xuất mới của UBND Thành phố Hồ Chí Minh:
"Tôi nghĩ rằng một đất nước cách đây khoảng sáu tháng vỗ ngực tự hào có trên 100 tỷ đô la dự trữ quốc gia thì không có lý do gì kinh doanh vắc-xin trong thời kỳ đại dịch. Nhà nước và đảng phải có trách nhiệm phải lo cho người đóng thuế, không có chuyện dịch vụ gì ở đây!"
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong ngày 10/7 đã từng phát biểu: "Sự ra đời của Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 đã nhận được sự đồng lòng, ủng hộ rất cao của nhân dân trong cả nước và kiều bào ở nước ngoài cùng cộng đồng các doanh nghiệp với số tiền ủng hộ lên tới hơn 8 nghìn tỷ đồng đang được sử dụng để mua vắc-xin phục vụ nhân dân. Mục tiêu của chiến lược vắc-xin là tiêm miễn phí hàng năm cho nhân dân để đạt được miễn dịch cộng đồng".
Trước đó, tại tờ trình của Bộ Tài chính trình Chính phủ về việc lập quỹ hợp tác công-tư trong việc mua vắc-xin ngừa Covid-19, Bộ y tế đã dự kiến mua 150 triệu liều vắc-xin để tiêm cho 75 triệu dân với tổng kinh phí 25,2 nghìn tỉ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí mua vắc-xin từ ngân sách trung ương là 16 nghìn tỉ đồng, còn lại hơn 9 nghìn tỉ từ việc huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Dựa trên phát biểu của người đứng đầu chính phủ cùng kế hoạch mua vắc-xin như vừa nêu, trên các diễn đàn và mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng rõ ràng Chính phủ VN đã có chính sách tiêm vắc-xin miễn phí cho dân vậy hà cớ gì lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh lại đề nghị Bộ Y tế quy định giá tiêm dịch vụ. Phải chăng chính sách vắc-xin của VN trước, sau không nhất quán?
Một phụ nữ được tiêm vắc-xin Covid-19 AstraZeneca tại Hà Nội vào ngày 2 tháng 8 năm 2021. NHẠC NGUYÊN / AFP.
Bác sĩ Quân đội Phạm Ngọc Thắng, một nghiên cứu sinh chuyên ngành về truyền nhiễm và chống nhiễm khuẩn, nhìn nhận vấn đề này như sau:
"Theo tôi thì bây giờ bằng mọi giá phải có vắc-xin để tiêm cho dân, cứu tính mạng dân trước. Tôi biết rất nhiều doanh nhân đã đóng góp nhiều tiền cho Quỹ vắc-xin rồi, bây giờ nếu cứ để vắc-xin đi theo một kênh như thế tôi nghĩ tốc độ chậm, xây dựng nhà máy thì 6-9 tháng có vắc-xin cũng không đảm bảo trong khả năng cộng đồng có vắc-xin để dùng.
Cho nên theo quan điểm của tôi, những người có quyền tiêm vắc-xin tốt, người có tiền có quyền được mua loại tốt thì dịch vụ chỉ dành cho những người tình nguyện, không thể nào Thành phố Hồ Chí Minh đòi thu tiền. Tiêm vắc-xin dịch vụ xã hội hóa tùy theo gia đình tự túc, bệnh nhân tự nguyện. Tôi nghĩ đấy là việc tốt, quyền của người có tiền là được tiêu tiền, không có gì là tréo nghoe".
Còn chị Thủy Tiên, sống tại quận Tân Bình lại cho rằng đề xuất của UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho phép tiêm dịch vụ hợp lý ở chỗ dân có nhiều lựa chọn hơn và chủ động được tiếp cận nguồn vắc-xin đa dạng hơn.
"Hai messages (thông tin) như vậy mình sẽ thấy nó conflict (xung đột) nhưng mình phải hiểu nó trong context (định nghĩa) khác nhau. Ví dụ UBND Thành phố kiến nghị như vầy mới conflict: muốn thu phí dân Thành phố Hồ Chí Minh khi tiêm vắc-xin nhưng bù lại thì dân có quyền lựa chọn vắc-xin mà dân mong muốn, cái này áp dụng cho tất cả nguồn vắc-xin mà thành phố có. Như vậy sẽ đi ngược chỉ thị của nhà nước.
Ở đây người ta đang propose (đề xuất) thêm một option (lựa chọn) là bên cạnh tiêm free (miễn phí) nguồn được phân bổ, vẫn có những tư nhân nếu có nguồn khác thì vẫn có quyền mở dịch vụ tiêm vắc-xin cho những người dân muốn chủ động chọn vắc-xin".
Đồng quan điểm tán thành, chị Ngọc Hà sống tại quận Bình Thạnh nêu lên suy nghĩ bản thân cho rằng:
"Chính phủ cấp phép cho tiêm dịch vụ thì mình thấy vẫn rất tốt vì hiện tại đang cấp phép cho rất nhiều loại vắc-xin, có cả của Trung Quốc. Thật sự người Việt đọc tin tức quốc tế cũng khá e ngại phải tiêm vắc-xin Trung Quốc.
Cái chính là dân mình tự muốn bỏ tiền để tiêm đúng vắc-xin mà gia đình họ cần, giá tuy có cao hơn một chút xíu đi nữa nhưng vẫn đúng loại vắc-xin người ta cần và người ta muốn. Nếu đi theo vắc-xin của chính phủ thì trên quy định thế nào dưới phải ngheo theo vậy".
Riêng bác sĩ Trần Tuấn, ông cho rằng việc chích vắc-xin Covid-19 cần sự chung sức của toàn bộ hệ thống y tế, nhân lực y tế. Theo bác sĩ Tuấn, Việt Nam không nên tiêm dịch vụ vì điều đó hoàn toàn không đúng mục tiêu trong lúc phòng chống dịch hiện nay. Ông nói tiếp:
"Nếu doanh nghiệp nào tự bỏ tiền mua và tự tiêm cho công nhân của họ cũng tốt thôi, nhưng còn lại tiêm dịch vụ cho dân thì chắc không có chuyện đấy.
Doanh nghiệp nào lợi dụng chuyện này để làm kinh tế thì tôi cho rằng sẽ phải chịu trách nhiệm trước thực tế, sau đó sẽ có quyết định đánh giá.
Trừ khi Thành phố Hồ Chí Minh quyết bằng cách nào đấy thì họ chịu trách nhiệm, nhưng tôi chưa thấy tin tức gì".
Vẫn theo Bác sĩ Tuấn, một lo ngại khác khi tư nhân tham gia thu phí người dân nhưng lại sử dụng nhân lực công cho công việc của họ cũng tạo ra những bài toán giải trình về chi phí y tế với người dân, và đây sẽ là một thách thức không nhỏ.
Theo thông tin của Bộ Y tế, đến thời điểm này, các loại vắc-xin Việt Nam đã tiếp nhận bao gồm Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Sputnik V và Sinopharm.
Trong đó, lô một triệu liều vắc-xin Vero Cell của hãng Sinopharm Trung Quốc do Thành phố Hồ Chí Minh nhập về đã được Bộ Y tế đồng ý để thành phố tiêm cho dân.
Bộ Y tế cũng Việt Nam đã nhận, mua khoảng 19 triệu liều vắc-xin ngừa Covid từ nhiều nguồn khác nhau.
Trong một phát biểu tại cuộc họp khẩn trực tuyến về phòng chống dịch Covid-19 diễn ra vào sáng ngày 12/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong quý ba, số lượng vắc-xin ngừa Covid-19 về không nhiều, nhưng trong quý tư, số lượng vắc-xin sẽ về dồn dập.
Nguồn : RFA, 12/08/2021