Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tệ nạn trẻ em bị bạo hành ở Việt Nam có xu hướng tăng cao, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19, và con số 2.000 trẻ bị đối xử bằng bạo lực trong năm 2021 chỉ là một phần rất nhỏ bị phát hiện mà thôi.

tre1

Trẻ em mặc đồ cho lễ Nô en ở nhà thờ Cửa Bắc, Hà Nội hôm 22/12/2020 - AFP

Đó là nhận định của bà Lê Hồng Loan, Trưởng chương trình Bảo Vệ Trẻ Em thuộc UNICEF - Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc, tại buổi tọa đàm về ‘Bạo Hành Trẻ Em : Vấn nạn nóng cần chung tay xóa bỏ’, diễn ra chiều 21/1 vừa qua.

Các chuyên gia tại buổi tọa đàm đã nêu nghi vấn tại sao những hành động bạo hành thiếu nhi, hoặc bạo lực đối với trẻ trong gia đình khi phát hiện đã quá muộn.

Quá muộn có nghĩa là khi mức độ thương tổn nơi trẻ đã trầm trọng, là vì người lớn không lên tiếng sớm. Đây là lý giải và cũng là cách đặt vấn đề của Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội ở Việt Nam.

Theo ý kiến của Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, đã cho phép RFA trích dẫn lại, thì nguyên nhân là vì bố hoặc mẹ ruột của trẻ ‘dung túng’ cho hành vi bạo hành con trẻ.

Hai vụ gây chấn động dư luận gần đây là vụ một em gái 8 tuổi ở Thành phố Hồ Chí Minh bị mẹ kế đánh chết, và một trẻ 3 tuổi ở Hà Nội bị nghi người tình của mẹ găm đinh vào hộp sọ của em. Theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, cha mẹ hoặc người thứ ba hoàn toàn không nắm được kiến thức về luật pháp, trong lúc bố mẹ phải có trách nhiệm bảo vệ con cái, và rằng bạo hành trẻ em là hành động phạm pháp.

Trong một vụ bạo hành thì cha hay mẹ là những người trực tiếp đánh đập, hành hung, làm trẻ bị thương tích ; người thứ ba là người phối ngẫu hay đôi khi có thể là người ngoài biết chuyện…Nhưng do không hiểu biết luật pháp nên không coi người bạo hành trẻ em là tội phạm. Tiến sĩ Khuất Thu Hồng giải thích

"Nhiều người có thể sống trong mối quan hệ không cân bằng về quyền lực. Họ sợ người thứ ba sẽ bỏ đi, sợ mối quan hệ của mình sẽ bị ảnh hưởng nếu lên tiếng phản đối hành vi bạo hành. Cũng có thể, họ quá bận rộn với công việc mưu sinh của mình mà không chú ý đến những thay đổi của con, những tổn thương của con mà chỉ nghĩ đơn giản rằng trẻ con có thể nghịch ngã chứ không đặt ra nghi ngờ"

"Tôi cũng nghĩ rằng rất nhiều người thiếu kỹ năng thương thuyết với người thứ ba nên dẫn đến những câu chuyện đau lòng như vừa rồi".

Trao đổi với RFA, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Coins4Change chuyên hoạt động trong lãnh vực bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em, bà Tăng Thị Duyên Hồng, nói rằng bạo hành trẻ em là vấn nạn chung của con người mọi nơi và mọi lúc. Riêng tại Việt Nam, bà nói bà hoàn toàn đồng ý với chuyên gia UNICEF rằng con số 2.000 trẻ bị bạo hành năm 2021 chỉ là phần nhỏ : 

"Đúng là bạo hành, bạo lực trẻ em có nhiều hình thức, Việt Nam căn bản là chưa thống kê được thôi chứ không chỉ có nhiêu đó.Ví dụ ngay chỗ tôi ở đây cũng thế. Đánh con mà cả bố cả mẹ hùa vào đánh chứ không phải một mình bố đánh hay một mình mẹ đánh, và mọi người coi chuyện đấy là bình thường".

"Cái đấy là bạo lực cơ thể, rồi bạo hành về tinh thần ; bố mẹ đánh nhau trước mặt con cũng là một dạng bạo hành. Giống như con gái tôi hôm qua có bạn gọi điện vào, bé chỉ mới học Lớp 5 thôi, nói rằng muốn bỏ nhà ra đi, ba nó uống rượu say rồi lấy cái chai lọ gì trong nhà đánh mẹ nó mà nó đứng bên cạnh. Việc để con chứng kiến những cảnh đó, hay cảnh ba mẹ chửi rủa nhau, cũng là một dạng bạo hành trẻ con"

Do vậy không chỉ bản thân mình bị đánh đập mà những hành vi bạo lực giữa cha mẹ theo tâm lý học sẽ hình thành tính cách, cái nhìn, niềm tin và quan điểm tiêu cực của con trẻ đối với gia đình, hôn nhân, quan hệ giữa người nam với người nữ và những hệ lụy khác : 

"Mà ở Việt Nam thì tất cả những cái ấy là ‘chuyện thường ngày ở huyện’. Người ta không coi đứa trẻ như một con người cần được tôn trọng và được đối xử công bằng, kiểu như trẻ con thì biết gì đâu, trẻ con thì đòi hỏi cái gì, ba mẹ nuôi cho là phải biết trả ơn. Ngay cả việc bắt trả ơn, sau này phải nuôi lại ba mẹ, cũng là một cách bạo hành rồi"

"Rất là nhiều vấn đề, nếu muốn nói về trẻ em và quyền trẻ em trên nhiều phương diện khác nhau, đặc biệt về tâm lý, thì Việt Nam còn nhiều thứ để nói".

Từ góc độ và khía cạnh pháp luật, Cục trưởng Cục Bảo Vệ Trẻ em, ông Đặng Hoa Nam, cho rằng một số người dù có nhận thức bạo hành trẻ em là phạm pháp, song vì không có niềm tin, không biết đường tố cáo, cũng không dám chắc bản thân người tố cáo hành vi bạo hành trẻ con có được an toàn hay không.

Tuy nhiên với quy định pháp lý, ông nhấn mạnh, với các dịch vụ như tổng đài 111, trách nhiệm xử lý của cơ quan công an hiện nay… người dân cần có niềm tin rằng người tố cáo sẽ được bảo vệ và bảo mật thông tin.

Cục trưởng Cục Bảo Vệ Trẻ Em Đặng Hoa Nam còn ‘kêu gọi người dân lên tiếng từ những hành vi bạo lực đầu tiên, từ những tiếng kêu, tiếng khóc có thể nghi ngờ, để chúng ta có trách nhiệm tố cáo lên cơ quan chức năng và gọi điện ngay lên cho 111’.

Ông Đặng Hoa Nam cũng dẫn quy định của Luật Trẻ em, Nghị định 56 và gần đây là Nghị định 130 về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, qua đó hành vi xâm hại mà không tố cáo, không tố giác cũng bị trách nhiệm hành chính, xử phạt tối đa 15 triệu đồng.

Suy ra thì mọi qui định đều có trên giấy tờ nhưng lại khá là xa rời thực tế, lời bà Tăng Thị Duyên Hồng :

"Như xóm nhà tôi mới có đường dây 111. Hôm trước nhà hàng xóm đánh con thì tôi gọi thử. Chờ mãi mà không thấy ai đến. Nếu mà có người đến thì người ta không chỉ can thiệp mà người ta có quyền xử lý ba mẹ đó hẳn hoi".

Đây không phải chuyện thiếu nhân lực như buổi tọa đàm Bạo Hành Trẻ Em vạch ra :

"Tại vì mình có Hội Bảo Vệ Trẻ Em, Hội Phụ Nữ này... Về mặt nhân sự thì mình không thiếu bởi vì những nhóm ấy rất đông, nhưng mà họ làm cái gì thì đấy là chuyện khác. Họ được đào tạo ở đâu, được đào tạo cái gì để mà thực hành công việc của họ, đấy cũng la chuyện khác".

Vậy thì chính yếu để giảm thiều bạo hành gia đình phải là vấn đề thượng tôn pháp luật : 

"Nếu thật sự là một social worker, cán sự xã hộ như bên Mỹ, nếu mình có bằng social work và có quyền quản lý một số hộ có vấn đề bạo hành hay tâm lý chẳng hạn, thì mình có quyền ký giấy tước quyền nuôi con của người ta.

Ở Việt Nam nếu có thì hòa giải là chính và cái đấy chả giải quyết được gì. Thành ra không phải là thiếu chuyên môn mà thiếu thượng tôn pháp luật, thiếu hẳn mục đích, tầm nhìn của toàn bộ hoạt động đấy. Đầu tiên phải là thượng tôn pháp luật".

Giáo dục tuyên truyền là phương cách quan trọng không kém để có thể giảm thiểu nạn bạo hành trẻ em là khẳng định của bà Đỗ Thị Trang, chuyên viên giám sát và đào tạo nâng cao năng lực, Trung Tâm Phụ Nữ và Phát Triển, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam, hiện quản lý mô hình Tham vấn Học đường tại một số trường học ở Hà Nội :

"Như là 10 trường Trung học thì họ cũng đưa ra rất nhiều thứ, các chương trình tập huấn hay các chương trình truyền thông. Những chương trình như vậy làm từ các nguồn cộng đồng. Nhưng cái đang thiếu là kinh phí để vận hành tại một chương trình lớn thì thật sự là rất khó. Phải có một chuỗi liên kết của nhiều trường, ở đấy học sinh có thể nói lên tiếng nói của mình về bạo hành gia đình, đưa ra rất nhiều thông điệp hay. Còn bản chất thì không có nguồn ngân sách để tiến hành các hoạt động đấy".

Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê và UNICEF năm 2021 cho thấy tỷ lệ bạo lực không chỉ phổ biến mà còn trên đà tăng cao với 70,5% trẻ em trong độ tuổi 1-14 được báo cáo từng phải chịu đựng một số hình thái bạo lực, bạo hành mà cha hay mẹ hay người chăm sóc các em là thủ phạm.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 25/01/2022

Additional Info

  • Author Thanh Trúc
Published in Diễn đàn

Trẻ bị người giúp việc bạo hành liên quan gì năng suất làm việc của công chức Việt Nam ?

Cách đây vài hôm, báo chí Việt Nam đăng tin một em bé 14 tháng tuổi ở Nghệ An bị người giúp việc cầm chân dốc ngược xuống, ném chăn vào người khi ba mẹ đi vắng.

tre1

Người giúp việc cầm chân bé 14 tháng tuổi dốc ngược lắc lấy lắc để ở Nghệ An

Báo chí có thể chưa thống kê hết, nhưng theo báo điện tử Zing thì trên một diễn đàn dành cho chị em ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng hơn 10 bài viết của các bà mẹ về chủ đề trẻ em bị người giúp việc bạo hành. Các câu chuyện đều na ná nhau : đột nhiên thấy con quấy khóc, ngủ không ngon, người có nhiều vết xước hoặc bầm tím, sợ người giúp việc… Cha mẹ lắp camera theo dõi thì ghi được cảnh các em bé bị người giúp việc bạo hành đủ mọi cách.

Đã có ai liên hệ những sự việc này với thực trạng năng suất làm việc của người Việt Nam chỉ bằng 1/14 người Singapore chưa (con số mới nhất) ?

Tôi cho rằng một trong những lý do khiến công chức Việt Nam không thể toàn tâm toàn ý với công việc là thiếu một hệ thống xã hội phụ trợ hiệu quả.

Những ôsin "giỏi việc nước, đảm việc nhà"

Những gia đình trẻ Việt Nam, cũng giống như ở các đô thị khác trên thế giới, thường lập nghiệp ở xa quê, không có họ hàng giúp đỡ. Một ngày của họ bắt đầu bằng việc dậy cho con ăn sáng và đưa con đi học.

Cái đáng nói là chỗ này :

- Thực phẩm bẩn và không an toàn -> không dám ăn ở ngoài phố dù hàng quán nhiều và rẻ. Cha mẹ phải tự nấu nướng cho con ăn, thậm chí phải mua thực phẩm riêng, hoặc tự trồng, tự nuôi… để được tin là nó an toàn.

- Quãng đường quá xa : Do giá nhà ở đô thị quá đắt đỏ, nhiều người chọn cách thuê hoặc mua nhà ở xa trung tâm cho vừa túi tiền -> cha mẹ đưa con đến trường sau đó di chuyển đến chỗ làm. Thường phải đi rất xa.

- Chiều, mới 4g chưa hết giờ làm nhưng con cái đã tan trường hết, nên cha mẹ phải phân công nhau đi đón con. Đón về công sở, tranh thủ cho con ăn và nghỉ ngơi, cha mẹ tiếp tục làm việc. Chờ hết giờ làm cũng đến giờ học thêm của con. Lại chất con lên xe lao ra đường chở đến chỗ học thêm. Con học 1 tiếng bên trong, mẹ ngồi chờ bên ngoài, ngồi ngay trên xe nhắm mắt gà gật cho đỡ mệt. Trung bình 7g30 hay 8 giờ tối con học xong, mới tất tưởi lao về nhà, cuống cuồng nấu nướng tắm rửa.

Vì thế, bữa cơm của một gia đình công chức điển hình Việt Nam ở các thành phố lớn thường bắt đầu vào 9g tối. Ăn xong dọn dẹp, nấu nướng vài món bỏ tủ lạnh cho ngày mai thì mắt đã rũ xuống. Nếu đứa con phải học thêm cho kỳ thi thì đúng là ác mộng. Cả gia đình sẽ phải chiến đấu chống lại cơn buồn ngủ và mệt nhọc sau một ngày quần quật để con thì học tiếp đến khuya, cha mẹ thì khảo bài.

tre2

Học sinh từ một trường cấp hai ở Hà Nội hôm 5/9/2016 AFP

Guồng quay của một ngày lấy mất quá nhiều thời gian và công sức của những người làm cha mẹ.

Bạn bè tôi không ai chưa từng phải đón con về công ty hoặc cơ quan buổi chiều để làm việc tiếp. Nơi nào rộng rãi, sếp dễ tính thì mẹ trải một tấm trải nhẹ ra góc kín đáo, con lăn ra ngủ hoặc chơi. Mẹ cố  làm nốt việc trong ngày. Ngày nào cũng thế, ít nhất giờ làm việc bị cắt xén nửa tiếng mỗi ngày cho riêng việc đón con.

Thế nhưng cũng chẳng mấy người làm việc hiệu quả trong cái giờ cuối đó. Người phụ nữ Việt Nam còn phải tính toán đủ thứ : Cho con ăn nhẹ trước khi đi học thêm, thậm chí ở những cơ quan nhà nước dễ tính thì còn có thể tắm cho con một cái để sạch bụi ; lát nữa chạy xe tuyến đường nào để đỡ kẹt ; lúc con học có tranh thủ tạt qua siêu thị được không ; tối nay ăn món gì cho nhanh mà vẫn ngon để thỏa mãn các đức ông chồng vừa lười vừa thích đòi hỏi… Tập trung được vào mắt ! Chẳng qua cố ngồi trước cái máy tính cho ra vẻ kỷ luật, chứ có lẽ chỉ đọc báo, lướt "phây" là chính.

Vậy tại sao họ không dùng các dịch vụ đưa đón con đi học và đưa về, cũng như các dịch vụ mua hàng giao tận nơi… để đỡ tốn thời gian ?

Nếu bạn hỏi câu này, chứng tỏ bạn đã sống lâu ở nước ngoài và đã không còn nắm được thực tế Việt Nam.

Cha mẹ Việt sợ đủ thứ

Cha mẹ Việt không tin tưởng ở các dịch vụ đưa đón học sinh, nhất là sau vụ trường tiểu học Gate Way bỏ quên em bé lớp 1 trên xe khiến bé tử vong. Hay gần đây nhất, ở Đồng Nai xe chở học sinh làm văng mấy bé xuống đường.

Giao cho bác xe ôm gần nhà, hay nhờ chú hàng xóm nhân tiện chở con chú ấy về thì chở luôn con mình như ngày xưa ông bà vẫn làm ? Càng không thể yên tâm. Biết đâu bị chính những người này bắt cóc hay cưỡng hiếp ? Những chuyện này trên báo chí nhan nhản, khiến cha mẹ lo âu không kể xiết.

Một anh tài xế chạy xe du lịch đường dài kể tôi nghe, mấy tháng nay anh chưa gặp mặt con vì đi xa suốt, về tới nhà thì con đã ngủ. Sáng con dậy đi học thì ba còn ngủ bù. Mình anh đi làm nuôi cả vợ và 2 con nên phải vất vả vậy. Hỏi sao không để vợ đi làm ? Anh nói vợ phải đưa đón 2 con đi học và lo cơm nước cho tụi nó hết thời gian rồi, không đi làm được. "Tụi nhỏ nhà này tui canh kỹ lắm, đi đâu là mẹ đưa đón hết, chớ thời này thả ra là chết".

Nhiều cha mẹ phải cố cày để thuê anh xe ôm gần nhà chở bà ngoại/ông ngoại đi đón con về hàng ngày, mất thêm mấy triệu/tháng, gần bằng tiền lương của một công chức mới ra trường.

Học thêm quần quật

Công chức Việt Nam được nghỉ 1 ngày rưỡi, hoặc 2 ngày trong tuần, chính phủ nói để phục hồi sức lao động. Nhưng với nhiều gia đình, cuối tuần chạy show còn hơn ngày thường. Vì các lớp dạy bơi, dạy đàn, dạy vẽ, tiếng Anh giao tiếp… thường chỉ tập trung vào thứ bảy chủ nhật… Nên, show dày đặc khoảng 2-3 phiên/ngày. Không học thì lo con không được phát triển đầy đủ, sau này thua kém chúng bạn.

Tại sao không học trong nhà trường ? Vì trường công không dạy đủ.

tre3

Học sinh trung học tại một triển lãm du học ở Hà Nội hôm 4/10/2016 - AFP - Ảnh minh họa

Học đủ thứ còn là để làm hồ sơ tốt cho con ngay từ bé, sau này nó dễ xin học bổng du học.

Tại sao phải du học ? Để hy vọng được ở lại trời Tây giàu có và văn minh, sau này có thể bảo lãnh gia đình qua, hoặc có về nước cũng kiếm được chỗ làm nhiều tiền hơn. Đó là lý do thiết thân và chính đáng không thể chối cãi.

Với văn hóa Việt Nam, đứa con là nguồn yêu thương hy sinh lớn lao nhất của cha mẹ, cũng được mặc định làm chỗ dựa cho cha mẹ sau này, nên cha mẹ sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho con trong khả năng.

Thế là cha mẹ cứ xà quần cả ngày với con.

Thời gian, sức lực cạn kiệt, làm việc nhấp nhoáng cho xong ở mức không bị đuổi, tâm trí đâu học hành, nâng cao tay nghề nữa ?

Mà cũng chẳng dại gì làm thật giỏi

Một nguyên nhân nữa là tiền lương công chức quá thấp nên ai cũng phải làm thêm đủ cách. Vừa ngồi văn phòng vừa bán hàng online, thời gian và trí óc dành cho việc ấy ít nhất cũng phải 3 phần.

Đã thế, số tiền ít ỏi kiếm được còn phải dành dụm để lâu lâu mời sếp đi nhậu, nhằm "thắt chặt tình cảm". Lễ, tết, đám giỗ, nhà mới, đám cưới con sếp, đám tang cha sếp, vợ sếp sinh nhật, con sếp vào đại học… đều là dịp để cấp dưới tặng quà. Không chu đáo tận tình, nhỡ bị sếp ghét thì đời thúi hẻo. Việc khó về tay, xương xẩu thằng khác nhả ra bắt mình gặm.

Trong khi đó, thăng tiến hay không lại là nhờ được "nâng đỡ trong sáng", hay là kết quả của quá trình làm ô sin hầu hạ nhà sếp tận tâm còn hơn nhà mình chứ không phải do năng lực, chuyên môn, khả năng làm việc. Lại còn phải ủ mưu tính kế, giật chân thằng khác xuống đẩy mình lên. Thế, nên phải chọn cửa đầu tư cho trúng. Chỉ thằng tồ hay nhà đổ tiền xuống sông không hết, đốc chứng đi làm cho vui thì mới bóp não nghiên cứu, học hành, làm việc. Rồi, làm lắm thì lại sai nhiều. Chẳng may bị cánh khác bới ra, đổ trách nhiệm cho thì chết toi. Giỏi chuyên môn cũng chỉ làm tớ cho thằng khác, hoặc bị thằng khác bóc lột, vậy thì giỏi làm gì ? Kiếm cách đứng lên đầu thằng khác mới là chân lý.

Ấy thế cho nên năng suất thấp của công chức Việt Nam là có thật. Nhưng sâu xa, không phải do họ tạo ra điều đó. Phần lớn do chính thể chế khuyến khích và dung dưỡng tham nhũng, dối trá, cấu kết bè cánh trục lợi đã tạo ra những thứ mục đích và động cơ méo mó, tạo thành một thứ dung môi hòa tan tất cả kỷ luật, nỗ lực và sáng tạo.

Nguyễn Văn Vinh

Nguồn : RFA, 11/12/2019

Additional Info

  • Author Nguyễn Văn Vinh
Published in Diễn đàn