Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nước Đức và vụ trục xuất ông Nguyễn Quang Hồng Nhân

Lê Mạnh Hùng, BBC, 06/2019

Bị cảnh sát Cộng hòa liên bang Đức cùng Sở Ngoại kiều vùng Nürnberg (Nuremberg) phối hợp bắt và đưa ra sân bay trục xuất thẳng về Việt Nam lúc 8 giờ sáng, ngày 26/3, vợ chồng nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam Nguyễn Quang Hồng Nhân hiện đang bặt tin ở một nơi nào đó ít người hay.

duc1

Trụ sở Cơ quan Di trú và Người tị nạn tại Nuremberg, Đức

Luật sư người Đức Manfred Hörner cho rằng sau khi về tới Việt Nam, vợ chồng ông Nhân, thân chủ của ông, đã bị an ninh Việt Nam tạm giữ và thẩm vấn hàng chục giờ đồng hồ rồi mới thả cho tự do.

Cô con gái của hai người này - nghệ sĩ dương cầm tài năng Nguyễn Quang Hồng Ân, 19 tuổi, là sinh viên âm nhạc tại Nürnberg hiện đang lo sợ bản thân cũng có thể bị trục xuất về Việt Nam bất kỳ lúc nào, đã tuyệt vọng báo động cầu cứu khắp nơi cho truyền thông và các tổ chức, hội đoàn giúp đỡ.

Ông Nguyễn Quang Hồng Nhân là ai ?

Đài BR (Bayerischer Rundfunkt) của vùng Nam Đức mô tả rằng ông Nhân là một nhà bất đồng chính kiến, một cây bút phê bình chế độ nổi danh ở Việt Nam, từng bị chính quyền Việt Nam bắt giam, kết án 20 năm tù và đã thụ án chừng 17 năm trời ở Việt Nam với cáo buộc "hoạt động tuyên truyền, chống phá cách mạng", trước khi ông cùng gia đình sang Đức.

Năm 2015, tận dụng cơ hội được phép tháp tùng cô con gái Nguyễn Quang Hồng Ân (khi đó 15 tuổi) sang tham dự cuộc thi piano ở Áo và Đức, cả gia đình ông Nhân đã nộp đơn xin tị nạn chính trị tại Đức.

Đơn xin tị nạn đã bị cơ quan cứu xét Liên bang có chi nhánh tại vùng Bayern (Bavaria) bác bỏ.

Gia đình ông Nhân nộp đơn lần thứ hai, đồng thời nỗ lực tiến hành thủ tục di trú sang Canada.

Trong khi chờ đợi mọi thủ tục, gia đình ông Nhân vẫn phải sống trong khu trại tị nạn của Bang Bayern - vùng nổi tiếng về sự khắt khe đối với người xin tị nạn, và cô con gái vẫn theo học nhạc tại trường nhạc Nürnberg.

duc2

Một trung tâm dành cho người đang nộp đơn xin tị nạn tại Đức - Hình minh họa

Vì sao Đức trục xuất vợ chồng ông Nguyễn Quang Hồng Nhân ?

Lý do là bởi Sở Ngoại kiều vùng Nürnberg chỉ máy móc căn cứ vào việc đơn xin tị nạn của gia đình ông Nhân đã bị bác, trong lúc luật sư của gia đình ông Nhân không cung cấp được đầy đủ những thông tin về khả năng ông Nhân sẽ gặp nguy hiểm khi bị trả về Việt Nam bởi những hoạt động chính trị nổi trội của ông, kể cả sau khi ông rời khỏi Việt Nam.

Tình trạng sức khoẻ tồi tệ của ông Nhân cũng có thể là một lý do để trì hoãn trục xuất cũng đã không được nhấn mạnh.

Tình hình Việt Nam hiện nay, theo các nhân viên Đức này là không có gì nguy hiểm đối với những người như ông Nguyễn Quang Hồng Nhân.

Họ cũng cho rằng không hay biết gì về kế hoạch đi Canada của gia đình ông Nhân.

Ở đây nổi trội khả năng đã có một sự làm việc không trôi chảy giữa gia đình ông Nhân và Luật sư Manfred Hörner.

Tiểu bang Bayern đang là nơi có chủ trương mạnh mẽ nhất ở Đức chống lại dòng người nhập cư và mong muốn trục xuất nhiều như có thể những người không được quyền lưu trú ra khỏi Đức.

Phản ứng của truyền thông đã mang lại điều gì ?

Từ một vài cuộc điện thoại cầu cứu ban đầu của cô con gái Nguyễn Quang Hồng Ân, tin tức đã lan tỏa rất nhanh chóng.

Một loạt bài tường thuật về vụ việc đã xuất hiện trên các báo Đức như TAZ, Süddeutsche Zeitung, Deutsche Welle, Đài BR.

duc3

Một bài viết về vụ trục xuất ông Nguyễn Quang Hồng Nhân trên báo Deutsche Welle của Đức hôm 5/4

Một loạt các tổ chức xã hội dân sự giúp đỡ người tị nạn, tổ chức Phóng viên Không biên giới đã được báo động và tìm cách giúp đỡ.

Các chính trị gia, các đảng phái đối lập trong Nghị viện bang Bayern đã lên tiếng chỉ trích "Đây là một vụ trục xuất tàn nhẫn, vô nhân đạo", "Hoàn toàn tê liệt trong chính sách đối với người tị nạn của chính quyền bang Bayern", "Cần phải tạo cho những nạn nhân này quyền được quay trở lại Đức", "Cần phải bảo vệ cô con gái của gia đình trước đe doạ bị trục xuất".

Kết quả cho tới nay (cũng theo đài BR) Cơ quan Liên bang về Nhập cư và Tị nạn (BAMF) đã tuyên bố cứu xét lại đơn xin tị nạn của ông Nguyễn Quang Hồng Nhân.

Bộ Ngoại giao Đức cũng đã được thông tin và tuyên bố sẽ quan tâm theo dõi vụ việc này.

Người bị trục xuất oan uổng có thể được đón trở lại Đức hay không ?

Có thể !

Trong quá khứ đã có một số trường hợp nạn nhân bị trục xuất không đúng ra khỏi Đức về các nước như : Nigeria, Afghanistan, Kosovo, Marocco, Zimbabwe, Trung Quốc và Tunisia.

Một tổng kết cuối năm 2018 cho biết có bảy trường hợp trục xuất không đúng này và chính phủ Đức thấy có trách nhiệm phải tìm cách đưa họ trở lại Đức.

Điển hình như vụ trục xuất một người theo đạo Hồi tên là Sami A. khiến xôn xao dư luận Đức cách đây chưa lâu. Toà án cấp cao Bang Nordrhein-Westfallen đã ra phán quyết buộc chính quyền phải tìm cách đưa bằng được người này trở lại Đức bởi anh ta sẽ gặp nguy hiểm ở nơi bị đưa về.

Vụ trục xuất gia đình nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Quang Hồng Nhân từ Đức về Việt Nam sẽ là một chủ đề không nhỏ trên truyền thông và dư luận Đức những ngày tới đây.

Sự hoạt động có hiệu quả tới đâu của một nhà nước pháp quyền như Cộng hòa liên bang Đức, vai trò của truyền thông trung lập và tác động của các tổ chức xã hội dân sự như thế nào tới đời sống chính trị nơi đây... sẽ được chứng minh trong thời gian tới.

Lê Mạnh Hùng

Nguồn : BBC, 06/04/2019

Tác giả là một nhà báo tự do hiện đang sống tại Berlin, Đức.

**********************

Trung tâm Văn bút Đức phản đối vụ trục xuất Nguyễn Quang Hồng Nhân

Thanh Phương, 06/04/2019

Trung tâm Văn bút tại Đức bất bình về việc nhà hoạt động Nguyễn Quang Hồng Nhân và vợ của ông bất ngờ bị Đức trục xuất từ Nuremberg về Việt Nam vào ngày 26/03/2019, trong lúc họ đang chờ xét đơn xin tị nạn ở Canada, sau khi bị bác đơn xin tị nạn ở Đức.

duc4

Logo của Trung tâm Văn bút ĐứcPEN-Zentrum Deutschland

Hai vợ chồng nhà văn Nguyễn Quang Hồng Nhân đã bị cơ quan di trú của thành phố Nuremberg trục xuất về Việt Nam mặc dù ông đã từng bị xem là "kẻ thù của Nhà nước" và đã từng thọ án tù 20 năm tại Việt Nam vì tội "tuyên truyền chống Nhà nước". Hơn nữa, sau khi bị đột quỵ, nhà hoạt động này đang cần được điều trị đàng hoàng.

Trong bức thư ngỏ đề ngày 04/04/2019, gởi bộ trưởng Nội Vụ bang Bayern và giám đốc Sở Liên bang về Di cư và Tị nạn, ông Ralf Nestmeyer, phó chủ tịch Trung tâm Văn bút PEN Club ở Đức đã bày tỏ thái độ "bàng hoàng" của ông về vụ trục xuất ông Nguyễn Quang Hồng Nhân về Việt Nam.

Trả lời RFI hôm qua, 05/04/2019, ông Nestmeyer tuyên bố :

"Ông ấy đã bị trục xuất về Việt Nam cách đây vài ngày. Chẳng ai quan tâm đến ông và để ý đến việc ông đã bị cầm tù suốt 20 năm ở Việt Nam. Tôi cho rằng việc trục xuất ông Nguyễn Quang Hồng Nhân thật là quá đáng. Bình thường, chúng ta không thể trục xuất một người đã thọ án tù lâu như vậy về nước của người ấy. Tôi rất bàng hoàng và tôi kêu gọi cơ quan liên bang về di trú hãy xét lại quyết định của mình, để ông Nguyễn Quang Hồng Nhân được trở về Đức.

Con gái của ông ấy vẫn đang sống ở Hambourg. Chúng tôi hy vọng cô có thể sống ở đây lâu dài và nhất là được gặp lại bố mẹ. Ông là một nhà văn, còn tôi là phó chủ tịch PEN Club ở Đức. Trách nhiệm của tôi là phải nói rằng chúng ta không thể nào trục xuất một người về Việt Nam, quốc gia nổi tiếng về đàn áp và kiểm duyệt".

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 06/04/2019

Published in Diễn đàn

Vấn đề trục xuất những di dân gốc Việt từng sống ở Hoa Kỳ mấy chục năm nhưng không có quốc tịch Mỹ vẫn đang gây tranh luận trên báo chí tại quốc gia này. 

Dưới đây là tóm lược một bài ý kiến của nhà báo Max Boot viết cho tờ The Washington Post, được đăng lại trên nhật báo Houston Chronicle số ra ngày 3 tháng 1, 2019. Ông Boot cũng là một chuyên gia về an ninh làm việc cho Council on Foreign Relations (Hội Đồng Ngoại Giao) và thỉnh thoảng cung cấp những bài nghiên cứu về tình hình thế giới cho đài CNN. Bài viết của ông mang tựa đề "Trump's betrayal of Vietnam's boat people".

VIETNAMESE DEPORTATIONS

Ông Lê Hưng Khánh bị tê liệt cơ thể sau một tai nạn, có thể bị trục xuất về Việt Nam, để lại vợ con ở Texas. (The Washington Post)

Ông Lê Hưng Khánh, 47 tuổi, đã lo lắng về những gì sẽ xảy ra cho ông và đứa con gái 7 tuổi, nếu ông bị trục xuất về Việt Nam. Ông Khánh và con gái sống tại nhà chị của ông tại thị xã Spirng (ngoại ô phía bắc Houston, Texas). Ông đến Mỹ hợp pháp vào thập niên 1990, và có hồ sơ phạm tội hình sự khi còn trẻ. Một vụ tai nạn xe cách đây mấy năm đã làm cho cơ thể của ông bị tê liệt từ ngực trở xuống. Ông liên tục bị đau dây thần kinh, và lo sợ rằng ông sẽ chết trong vòng mấy tháng nếu bị trục xuất ra khỏi nước Mỹ.

Việc Hoa Kỳ tham gia Chiến tranh Việt Nam là có thiện ý - giới lãnh đạo Mỹ đã tìm cách cứu Việt Nam Cộng Hòa khỏi ách cai trị của cộng sản. Cuộc xung đột đó đã cướp mất sinh mạng của 58.000 người Mỹ và 3,1 triệu người Việt Nam ở cả hai phía. (Nhiều nạn nhân bị các lực lượng cộng sản giết chết.)

Một trong những hành động chuộc lỗi của Hoa Kỳ là sẵn sàng mở rộng tấm lòng để đón những người từ miền Nam Việt Nam khi họ tìm cách thoát khoải chế độ cộng sản độc tài cộng sản bắt đầu từ năm 1975.

Lúc đầu Hoa Kỳ giúp di tản 125.000 người tị nạn. Ngày nay có 1,3 triệu người sinh ra ở Việt Nam đang sống ở nước Mỹ. Họ có mức lợi tức trung bình cao hơn những người sinh ở Mỹ, và trong hàng ngũ của họ có các tướng lãnh trong quân đội Hoa Kỳ, có bác sĩ, luật sư, tiểu thuyết gia, dân biểu Quốc Hội, và các viên chức điều hành thành công.

Tuy nhiên chắc chắn trong bất cứu nhóm dân số lớn nào cũng sẽ có những người lầm lạc. Tổng Thống Donald Trump hiện thời đang tìm cách trục xuất hơn 9.000 người Việt tị nạn đang gặp rắc rối với pháp luật - ngay cả khi tất cả những người này đã mãn hạn tù từ nhiều năm trước, vì những tội phạm bất bạo động khi họ còn trẻ hơn nhiều.

Điều duy nhất cản trở lệnh trục xuất hiện nay là một thỏa thuận được ký vào năm 2008, giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn. Thỏa thuận này ngăn chặn việc trục xuất những người tị nạn đến Mỹ trước năm 1995. Thế nhưng chính phủ Trump đang tìm cách ép buộc nhà cầm quyền Việt Nam hủy bỏ thỏa thuận đó. Nếu ông Trump thành công, kết quả sẽ là việc trục xuất những người Mỹ gốc Việt như Nguyễn Nam, 43 tuổi.

Ông được sinh ra chỉ cách một tháng sau khi Sài Gòn thất thủ. Cha ông là một sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa từng chiến đấu bên cạnh quân đội Mỹ, và người cha đã bị đưa vào trại tù cải tạo một cách tàn bạo, trong khi mẹ vất vả nuôi Nam và anh ông. Đến năm 1983, trong lúc tuyệt vọng, người mẹ đã đưa Nam, 8 tuổi, và em trai, 9 tuổi, lên một chiếc ghe nhỏ chật cứng những người tị nạn khác, để thoát khỏi Việt Nam.

Có 200.000 thuyền nhân đã chết ngoài biển. Nam và em trai nằm trong số những người may mắn. Chiếc ghe của họ bị hải tặc tấn công, nhưng hai cậu bé đến được trại tị nạn của Liên Hiệp Quốc ở Nam Dương. Hai năm sau đó, vào năm 1985, hai anh em đến Mỹ. Từ đó ông Nam đã sống trong những nhà nuôi trẻ và nhà tập thể ở Quận Cam, California. Nam nhập vào những phần tử xấu. Năm lên 17 tuổi, một số bạn bè của Nam đánh nhau với một nhóm thiếu niên khác trong một phòng chơi billiard (bi da). Cuộc hỗn chiến leo thang ra bên ngoài, và một vài phát súng được bắn lên trời. Không ai bị thương, nhưng cả đám đều bị buộc tội tấn công bằng súng.

Theo Nguyễn Nam cho biết, được hỗ trợ bởi hồ sơ di trú do luật sư của ông cung cấp, ông bị tuyên án tạm tha có điều kiện. Ngay trước khi thời gian tạm tha kết thúc, ông bị bắt cùng với một người bạn có ma túy. Nam lại phải ở tù thêm 16 tháng, và khi ra tù, ông được trả lại cho Cơ quan Di trú và Nhập tịch (nay là Di trú và Thực thi Công lực Quan thuế). Ông trải qua thêm bốn năm bị giam trong mấy nhà tù khác nhau. Nói cách khác, Nam đã ở tù lâu hơn nhiều so với một công dân ngồi tù nếu phạm cùng một thứ tội.

Sau đó Nam nghiện ma túy. Trong năm 2004, ông dùng ma túy quá liều và trải qua kinh nghiệm gần chết. Khi bình phục, Nam trở thành một tín đồ Thiên Chúa Giáo. Ông theo học tại một chủng viện để trở thành mục sư, và hiện nay trợ giúp những thanh thiếu niên người Mỹ gốc Việt gặp rắc rối, đồng thời làm quản đốc của một cửa hàng ở miền bắc Virginia phục vụ cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Ông Nam không gặp rắc rối với pháp luật kể từ năm 2009.

Hiện nay Nguyễn Nam có một ngôi nhà, một công việc ổn định, có vợ và hai đứa con nhỏ đều là công dân Mỹ. Nhưng chính ông lại thiếu quốc tịch Mỹ, không có cả thẻ xanh. Thế nên ông cần phải xin giấy phép làm việc mỗi năm.

Cá nhân ông là một bằng chứng cho khả năng cứu chuộc từ tội lỗi, nhưng ông và gia đình đang sống trong nỗi sợ hãi triền miên về hình phạt cuối cùng - lệnh trục xuất.

Ông nói, "Nếu tôi bị trục xuất, các con tôi sẽ không có cha, vợ tôi sẽ không có tiền để trả tiền nhà hoặc bảo hiểm y tế. Họ sẽ trở thành người vô gia cư. Nếu tôi bị trục xuất, chính gia đình tôi bị biến thành nạn nhân".

Nguyễn Nam cũng sẽ là nạn nhân, nếu ông bị trả về Việt Nam. Ông nói, "Tôi cảm thấy tôi là người Mỹ, tôi sống ở đây cả đời. Nếu tôi trở về Việt Nam, tôi có thể sẽ bị hãm hại vì tôi là một đứa trẻ từ chính quyền cũ - tôi sẽ bị coi là một kẻ phản bội".

Nếu ông Trump thành công trong việc trục xuất Nam Nguyễn và hàng ngàn người Mỹ gốc Việt khác, đó sẽ là một thảm kịch không chỉ cho họ và gia đình họ. Đó sẽ là một thảm kịch cho toàn nước Mỹ. Hoa Kỳ thiết lập một quan hệ gắn bó kết thiêng liêng với các quốc gia đồng minh, khi các quân nhân Mỹ đổ máu cùng với những người Việt Nam. Những người Việt Nam tị nạn bị trục xuất sẽ là một sự phản bội mới, đối với Việt Nam Cộng Hòa và các cựu chiến binh Việt Nam của chính nước Mỹ.

Max Boot

Nguyên tác : Trump's betrayal of Vietnam's boat people, The Washington Post, 03/01/2019

Nhật báo Viễn Đông tóm lược

Published in Diễn đàn

Mỹ có quyền trục xuất người Việt phạm pháp ? (Người Việt, 31/08/2018)

Câu trả lời là "có". Nhưng trục xuất như thế nào ? Và được bao nhiêu cho tới nay ?

thoisu1

Anh Tùng Nguyễn (trái), một người từng nằm trong diện bị trục xuất khỏi Mỹ. (Hình minh họa : Coutersy of Tung Nguyen)

Để trả lời câu hỏi này không đơn giản vì cho tới nay, mặc dù chính sách di dân của Hoa Kỳ có cứng rắn hơn kể từ ngày ông Donald Trump làm tổng thống, nhưng không rõ có thật sự thay đổi gì nhiều đối với tình trạng trục xuất người Việt phạm pháp về nước hay không. 

Thỏa thuận giữa Việt Nam và Hoa Kỳ

Ngày 24 tháng Giêng, 2008, ông Lê Dũng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, được ông Nguyễn Thế Cường, phát ngôn viên tòa Đại Sứ Việt Nam ở Washington, DC, trích lời cho biết về thỏa thuận trục xuất người Việt phạm pháp ở Mỹ như sau :

"Ngày 22 tháng Giêng, 2008, tại Hà Nội, bà Julie Myers, phụ tá bộ trưởng Bộ Nội an Hoa Kỳ, và ông Đào Việt Trung, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, ký một thỏa thuận, theo đó, chỉ nhận những công dân Việt Nam không phải là công dân Mỹ hoặc công dân bất cứ nước nào, trước đây từng sống ở Việt Nam và hiện không sống tại quốc gia thứ ba, vi phạm luật Hoa Kỳ và bị giới chức thẩm quyền ra lệnh trục xuất, sau khi hoàn tất án tù vì phạm tội".

"Thỏa thuận này không áp dụng với công dân Việt Nam đến Mỹ trước ngày 12 tháng Bảy, 1995, ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ".

"Chương trình hồi hương sẽ được thực hiện một cách trật tự và an toàn, phù hợp với luật của Mỹ, luật quốc tế, và các điều khoản trong thỏa thuận này, trong khi cũng xét đến vấn đề nhân bản, đoàn tụ gia đình, và các trường hợp đặc biệt của từng cá nhân hồi hương, trong khi tôn trọng phẩm giá của người bị trục xuất". 

"Diễn giải mới" của chính quyền Donald Trump

Một bản tin của nhật báo The Washington Post (WaPo) hôm 31 tháng Tám, 2018, cho biết : "Chính quyền Donald Trump, trong một thay đổi chính sách do cố vấn Stephen Miller soạn thảo, diễn giải thỏa thuận năm 2008 do chính quyền George W. Bush đạt được với Việt Nam – rằng công dân Việt Nam đến Mỹ trước khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ‘không bị trục xuất.’ Bây giờ, Tòa Bạch Ốc nói, không có miễn trừ như vậy đối với bất cứ người Việt không phải công dân Mỹ phạm tội nữa".

Có nghĩa là, nếu không phải công dân Mỹ mà phạm tội là đều có thể, hoặc ít nhất là nằm trong diện, bị trục xuất về Việt Nam, cho dù có thỏa thuận năm 2008.

Ngoài ra, vẫn theo WaPo, Bộ Ngoại giao Mỹ lập luận dựa theo thỏa thuận của hai bên, đó là Việt Nam và Mỹ "duy trì vị thế pháp lý riêng của hai bên", liên quan đến những trường hợp người Việt đến Mỹ trước năm 1995.

"Quan điểm của Mỹ là mỗi quốc gia có bổn phận pháp lý quốc tế nhận lại công dân của mình mà quốc gia khác tìm cách trục xuất", Bộ Ngoại giao Mỹ cho WaPo biết như vậy, nhưng lại không chịu trả lời câu hỏi của báo này hỏi cụ thể trường hợp Việt Nam.

Không hoàn toàn công nhận thỏa thuận ?

Cho tới nay, chưa có văn bản nào của cả Mỹ lẫn Việt Nam lên tiếng chính thức hủy bỏ thỏa thuận năm 2008.

Trong khi đó, vẫn theo WaPo, các nhà hoạt động cho quyền di dân nói rằng chính quyền Mỹ "nuốt lời hứa" đối với thỏa thuận này.

Theo WaPo, quan điểm của chính quyền Donald Trump là thỏa thuận 2008 không nhằm bảo vệ một nhóm di dân nào đó để họ không bị ngược đãi chính trị khi trở về Việt Nam.

Chính quyền Donald Trump cho rằng, thỏa thuận năm 2008 đạt được là vì hai bên không giải quyết được "bế tắc" liên quan đến các trường hợp người Việt đến Mỹ trước năm 1995, theo WaPo trích lời một giới chức cao cấp trong chính quyền, cho biết qua điều kiện ẩn danh, vì không thể công khai thảo luận các vấn đề nội bộ.

"Lúc đó, chúng tôi ở trong tình trạng mà trong một thời gian dài, họ không chịu nhận bất cứ người nào hồi hương", giới chức này nói với WaPo. "Giả thiết (lúc đó, 2008) là ‘Thôi kệ, cứ tạo ra một hệ thống nào đó và cố gắng nhận ít nhất là một số người phạm tội.’"

Việt Nam nói gì ?

Trong tuyên bố gửi riêng cho VOA tiếng Việt ngày 25 tháng Tư, 2018, bà Nguyễn Phương Trà, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho biết : "Việc tiếp nhận trở lại công dân Việt Nam là vấn đề quan trọng được Việt Nam và Hoa Kỳ thảo luận nghiêm túc".

Bà Trà nói thêm rằng các cuộc thương thảo được thực hiện "trên cơ sở các thỏa thuận giữa hai bên, luật pháp và thông lệ quốc tế, trong đó có hiệp định ký năm 2008 giữa chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam về việc nhận trở lại công dân Việt Nam, đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của công dân, phù hợp với quy định pháp luật của hai nước".

"Việt Nam đã và đang phối hợp với Hoa Kỳ trong vấn đề này", phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói tiếp.

Có bao nhiêu người Việt Nam bị trục xuất ?

Theo dữ kiện của Bộ Nội an, hiện có khoảng 8,600 người Việt Nam nằm trong diện bị trục xuất vì phạm tội.

Mặc dù có thay đổi về chính sách di trú của Mỹ đối với người Việt Nam, cho tới nay, Mỹ vẫn chưa trục xuất được nhiều người Việt về quê cũ của họ.

Theo WaPo, ít nhất có 57 người Việt Nam đến Mỹ trước năm 1995 bị cảnh sát di trú (ICE) bắt từ giữa tháng Sáu năm nay, theo con số do ICE cung cấp cho các luật sư.

Ngoài ra, có 11 người bị trục xuất về Việt Nam, nơi chắc chắn họ sẽ bị an ninh nghi ngờ, vẫn theo WaPo. Nhiều người trong số họ vẫn chưa có thẻ căn cước để đi làm, để lấy bằng lái xe, theo các luật sư cho biết.

Theo dữ kiện của ICE, có 71 người Việt bị trục xuất về nước năm 2017, so với 35 người trong năm 2016, và 32 người trong năm 2015, Reuters cho biết.

Những dữ kiện này không cho biết những người này đến Mỹ năm nào.

Trong khi đó, bà Brenda Raedy, phát ngôn viên ICE, nói với WaPo rằng "chúng tôi tập trung vào những cá nhân có thể đe dọa an ninh quốc gia, an toàn công cộng, và an ninh biên giới".

Đỗ Dzũng (tổng hợp)

******************

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 94.000 người chết vì ung thư (Người Việt, 31/08/2018)

Khoảng 94.000 người Việt Nam chết vì ung thư mỗi năm. Con số này được đưa ra tại hội nghị khoa học thường niên lần thứ 6 của Hội Ung Thư Việt Nam tổ chức tại bệnh viện Trung Ương Huế, hôm 30 tháng Tám, 2018.

thoisu2

Thuốc lá và rượu bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm tăng tỉ lệ mắc ung thư tại Việt Nam. (Hình : Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

Báo Thanh Niên cho hay, "Hội nghị có sự tham gia của hơn 600 đại biểu đến từ các bệnh viện, trung tâm ung bướu trên toàn quốc cùng của 25 chuyên gia về ung bướu đến từ Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Singapore, Lào, Campuchia…".

"Hội nghị nhằm trao đổi kinh nghiệp, cập nhật thông tin khoa học về điều trị ung thư theo chủ đề : ung thư phổi, vú-phụ khoa, tiêu hóa, đầu-cổ, xạ trị, ung thư nhi, điều dưỡng và chăm sóc giảm nhẹ".

Con số 94.000 người chết vì ung thư, gấp hơn 9 lần số người chết vì tai nạn giao thông tại Việt Nam mỗi năm.

Hồi năm 2017, báo VietNamNet dẫn lời ông Trần Văn Thuấn, giám đốc bệnh viện K Trung ương cho biết, mỗi năm Việt Nam có thêm 126.000 người mới mắc ung thư.

Theo ông Thuấn, "Nguyên nhân khiến tỉ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam cao vì trên 70% người bệnh đi khám, phát hiện, điều trị muộn. Trong khi với ung thư, phát hiện càng sớm, việc điều trị càng đơn giản, phát hiện muộn điều trị kéo dài, hiệu quả không cao".

thoisu3

Tiến hành kỹ thuật xạ trị bằng máy gia tốc Elekta Axesse thứ 2 để điều trị ung thư tại Bệnh viện Trung ương Huế. (Hình : Thanh Niên)

Tại Việt Nam, "Tổng chi phí để chữa trị 6 loại ung thư phổ biến là vú, gan, đại tràng, khoang miệng, cổ tử cung và dạ dày đã lên tới 26.000 tỷ đồng, chiếm 0,22% GDP của năm 2012".

Kết quả điều tra trong năm 2012 cho thấy, mỗi bệnh nhân ung thư phải chi 200 triệu đồng cho điều trị trực tiếp và gián tiếp. Khoảng 1/3 bệnh nhân không đủ tiền mua thuốc sau 1 năm phát hiện bệnh.

"Thuốc lá và rượu bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm tăng tỉ lệ mắc ung thư. Trong đó nguyên nhân từ thuốc lá chiếm 30%, rượu bia là nguyên nhân gây ra 7 loại ung thư phổ biến". (KN)

******************

Tướng công an Phan Văn Vĩnh bị truy tố đến 10 năm tù (Người Việt, 31/08/2018)

Ông Phan Văn Vĩnh, cựu trung tướng, tổng cục trưởng cảnh sát, Bộ Công an cộng sản Việt Nam bị truy tố đến 10 năm tù, vì cáo buộc "Bảo kê đường dây đánh bạc trị giá hàng triệu đô la".

thoisu4

Cựu trung tướng công an Phan Văn Vĩnh. (Hình : Báo CAND)

Báo VnExpress cho hay, hôm 31 tháng Tám, "Viện Kiểm sát tỉnh Phú Thọ hoàn tất cáo trạng gồm 235 trang truy tố ông Phan Văn Vĩnh (cựu tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh Sát), Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao – C50, Bộ Công an) cùng 90 bị can về sáu tội danh".

"Ông Vĩnh và Hóa bị truy tố về tội ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ,’ theo khoản 2, Điều 356, Bộ Luật hình sự 2015 với khung hình phạt từ năm đến 10 năm tù".

"92 người trong vụ án bị truy tố về các tội : Tổ chức đánh bạc, đánh bạc, sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, mua bán trái phép hóa đơn, rửa tiền, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong đó, hai chủ mưu gồm Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam về hai tội, tổ chức đánh bạc và rửa tiền", VnExpress loan tin.

Theo cơ quan công tố, "Công ty TNHH Đầu tư Phát triển an ninh Công nghệ cao (CNC) do Nguyễn Văn Dương thành lập tổ chức đánh bạc trên mạng Internet thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng nhưng không có một khoản tiền nào từ hoạt động cờ bạc này được đầu tư cho hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng mà chỉ có một khoản rất nhỏ. Cụ thể, CNC chuyển cho C50 số tiền 700 triệu đồng và một bộ phần mềm diệt virus".

Theo Bộ Công an cộng sản Việt Nam, "…đường dây đánh bạc trực tuyến do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam điều hành thông qua hai cổng Rikvip/Tip.club đã thu hút gần 43 triệu tài khoản. Đây được đánh giá là mạng lưới trò chơi cờ bạc trá hình có quy mô và doanh thu lớn nhất Việt Nam".

"Game Rikvip hoạt động từ ngày 18 tháng Tư, 2015, gồm 42 trò mô phỏng các hình thức đánh bạc, hoạt động trái phép thông qua hai trang web".

"Nhà chức trách cho rằng số tiền giao dịch qua đường dây từ 2015 đến nay khoảng 10.000 tỷ đồng. Trong đó, Dương và Nam hưởng lợi trên 3.200 tỷ đồng. Các người chơi được trả thưởng trên 2.600 tỷ đồng, các nhà mạng trung gian cung cấp thẻ và thanh toán trực tuyến hưởng lợi khoảng 1.600 tỷ đồng".

Vẫn theo cáo buộc của cơ quan công tố, "Ông Vĩnh biết công ty CNC hoạt động tổ chức đánh bạc, nhưng không ngăn chặn, xử lý mà còn ký văn bản, đề nghị Bộ Thông Tin Truyền Thông tạo điều kiện thuận lợi cho sai phạm trên. Ông chỉ đạo ông Hóa ký văn bản báo cáo đề xuất bộ trưởng Công An cho CNC tiếp tục tổ chức đánh bạc và bút phê đồng ý vào văn bản hợp thức ngày 12 tháng Mười, 2011, để ‘che giấu việc góp vốn bằng lợi thế nghề nghiệp’".

"Lãnh đạo Bộ Công an khi phát hiện CNC vận hành game đánh bạc trá hình, yêu cầu có báo cáo song ông Vĩnh không chấp hành".

Việc ông Vĩnh bảo kê cho CNC tổ chức đánh bạc trá hình của ông Vĩnh đã được Dương biếu đồng hồ Rolex.

"Mặc dù ông Vĩnh khai đây là vật nhờ mua và đã trả 1,1 tỷ đồng, song công tố viên cho rằng không có cơ sở. Bởi lương của ông Vĩnh khoảng 20 triệu đồng một tháng, để mua món đồ hàng hiệu này, ông sẽ mất 5 năm thu nhập không chi tiêu", theo VnExpress.

Con ông Nguyễn Thanh Hóa "bị quy kết đã bao che, không cho các phòng nghiệp vụ xác minh, xử lý CNC". (KN)

**************

Thanh Hóa : Trụ sở xã bất ngờ bốc cháy sau tiếng nổ (Người Việt, Người Việt, 31/08/2018)

Sau một tiếng nổ lớn, hội trường ở tầng 3 của trụ sở nhà cầm quyền xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, bốc cháy thiêu rụi bàn ghế và nhiều thiết bị, nhưng không có ai thiệt mạng.

thoisu5

Hàng chục chiếc ghế ngồi trong hội trường bị thiêu rụi. (Hình : Zing.vn)

Báo ‘Zing’ hôm 30 tháng Tám 2018, dẫn lời ông Nguyễn Văn Luệ, chủ tịch huyện Hậu Lộc cho biết công an đang điều tra vụ cháy tại xã Hải Lộc.

Vụ nổ xảy ra vào chiều ngày 26 tháng Tám, nhưng mãi đến ngày 30 tháng Tám mới được truyền thông loan tin.

Báo ‘Zing’ cho hay, "Khoảng 16 giờ 30 ngày 26 tháng Tám, 2018, một số công an trực tại trụ sở nghe tiếng nổ lớn. Thấy kính rơi và khói bốc ra từ hội trường tầng 3 của trụ sở xã, công an hô hào mọi người dập lửa".

"Sau 30 phút, đám cháy được khống chế, song đã gây thiệt hại lớn về tài sản. Theo thống kê, vụ hỏa hoạn gây hư hỏng hàng chục chiếc ghế ngồi, hệ thống âm thanh, rèm cửa, trần nhà… với tổng thiệt hại khoảng 580 triệu đồng".

thoisu6

Nơi xảy ra vụ nổ và hỏa hoạn. (Hình : VnExpress)

Tuy nhiên tường thuật của VnExpress lại cho biết : "Khoảng 14 giờ 30, một số người sống gần trụ sở xã Hải Lộc nghe tiếng nổ lớn, họ tưởng tiếng động phát ra từ nhà dân nên không để ý. Đến khi thấy kính rơi, khói bốc ra nghi ngút từ tầng ba của trụ sở xã thì họ mới báo chính quyền và hô hoán người dân hỗ trợ dập lửa".

"Theo nhà chức trách địa phương, đám cháy xảy ra vào ngày nghỉ nên không có cán bộ ở công sở, chỉ một số công an trực ban".

‘Zing’ dẫn lời ông Nguyễn Quốc Tý, chủ tịch xã Hải Lộc, cho biết "Công an đang làm rõ vụ cháy là do có người cố tình phóng hỏa hay do chập điện".

Hai năm trước, một vụ cháy trụ sở xã cũng xảy ra tại xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, thiêu rụi trụ sở cùng toàn bộ sổ sách.

Vụ hỏa hoạn xảy ra lúc 5 giờ sáng ngày 13 tháng Mười, 2016, thiêu rụi hoàn toàn căn nhà gỗ hai tầng lợp mái ngói là nơi làm việc của 5 ban ngành, đoàn thể của xã Hữu Lập. Đám cháy được dập tắt sau gần 3 giờ đồng hồ. (KN)

Published in Việt Nam